Thành Phần Cá Biệt

Chương 2: C2: Cô Bé Ngỗ Nghịch - Phần 1




"Thời gian như vòng xoay quay thật mau,
Làm sao tâm hồn ta quên được nhau,
Mãi mong chờ....
Đến bao giờ....
Để sống trong trọn vẹn tình yêu ấy....
We are forever young!"
_Xanh mãi_

Kí ức, phút giây bồng bột, kỉ niệm, tình cảm chân thành, tất cả đều gói gọn trong ba chữ: Tuổi thanh xuân!

Nghịch ngợm là một cách thể hiện nhiệt huyết tuổi trẻ, để khi mai này lớn lên, mỗi chúng ta có thứ để nhớ lại, và mỉm cười về một thời còn non dại ngây thơ. Nhưng đôi khi.... nghịch quá cũng là một nỗi ác mộng...

***
- Ái Lạp, làm ơn dừng lại.

- Nào, bỏ cái đó tránh xa bác ra! Á á á!

- Ôiiiiiii, mọi người ơi, nồi canh cháu đang nấu sao lại bị bỏ thêm tất bẩn vào thế này?

- Ái Lạp, cháu làm đúng không? Làm ơn dừng ngay lại đi!

- Ơ, Ái Lạp đi đâu rồi?

- Lại trốn đi chơi chứ còn gì? Mau đi tìm!!

Bác giúp việc lớn nhất trong nhà hét lên. Ngày nào cũng như ngày nào, công việc của bọn họ cũng bị "cô chủ nhỏ" của cái nhà này phá cho tan hoang. Làm giúp việc quả là không dễ dàng.

Trịnh Gia Ái Lạp, 7 tuổi. Do bị cấm túc nên đã bắt chuột doạ 3 người giúp việc trong nhà, bỏ tất vào nồi canh để trốn đi chơi, rất là giỏi! Nói thừa, con bé là ai? Con bé là Trịnh Gia Ái Lạp, nó đương nhiên giỏi!

***
- Quỳ xuống!!!

Người bố với chiếc chổi lông gà cầm trên tay, từng nhịp từng nhịp làm cho con bé đang quỳ sấp phía dưới run lên liên hồi. Ái Lạp co rúm người, nhưng lại chợt nghĩ mình đã làm được một việc tốt, bố không hiểu thì người sai là bố, mình chả việc quái gì phải sợ. Thế là đứa nào đấy lại tiếp tục không sợ chết, nhìn thẳng vào mắt người đối diện.

- Ái Lạp, mày đi đâu chơi giờ mới về? Mày nhìn lại mày xem, quần áo thì lấm lem, người ngợm bẩn thỉu. Nói, mày đi đâu? Lần trước đã đánh nhau sứt đầu mẻ trán với con bà Lan rồi, mày không làm con ngoan được hả Ái Lạp??

Dưới đất, mái tóc xoăn rong biển trải tràn ra nền nhà, đôi mắt nâu to tròn không một chút sợ hãi, còn có vẻ mặt kiên cường bất khuất kia trưng cho ai xem chứ?

- Đi chơi.


Tét! Tiếng roi vụt vang lên, Ái Lạp cảm thấy phía mông ê một mảng. Bố chỉ cây roi mây vừa dài vừa nhọn vào mặt con bé, gầm lên:

- Nói lại! Chủ ngữ đâu? Vị ngữ đâu?

Ái Lạp rõ là hậm hực, vẫn phải lí nhí:

- Con đi chơi..

- Chơi gì?

- Đá bóng.

Tét! Lại quên nói có chủ ngữ. Ái Lạp nghiến răng muốn đập cho cái đầu mình vài phát, đại ca à mày không thể khôn lên chút được sao, nói chuyện với phụ huynh đâu thể quen miệng giống nói chuyện với bọn trẻ trâu hàng xóm?

- Con đi chơi đá bóng!

- Chơi với ai?

- Con đi chơi với mấy bạn trong khu.

Tét! Tét! Tét! Tét! Bốn tiếng kêu liên tiếp vang lên, Ái Lạp đau đến ngã nhoài ra sàn. Bố Trịnh thấy đánh đủ, trong lòng lại hơi xót con gái cưng nên ngừng. Thế nhưng con dở hơi còn không biết điều, nó nhổm dậy, hỏi với chất giọng đầy chất vấn:

- Sao bố lại đánh 4 roi?

Ông Trịnh đảo mắt, nghĩ đại ra mấy cái lí do:

- Một roi là vì cố tình trốn đi chơi, một roi là vì bắt chuột bỏ tất vào nồi canh, một roi là vì đi chơi về muộn!

- Còn roi thứ 4?

Tét! Trời ơi lại quên chủ ngữ! Ái Lạp đau đến nghiến răng, gằn giọng hỏi lại "đàng hoàng":

- Thế còn roi thứ 4 thì sao thưa bố?

- Vì tao thích!

Trịnh Gia Ái Lạp, nghe xong câu trả lời thản nhiên thì tức muốn hộc máu mồm. Nó thề, từ nay về sau sẽ chỉ đi bắt nạt người khác thôi, không bao giờ giúp người nữa.


***
- Vợ ạ, bố cái Bo vừa mới đến cảm ơn anh, vì con gái nhà mình đã cứu con chú ấy khi nó đang bị bắt nạt...

- Thì sao hả anh?

- Thì cái hôm con gái mình đánh nhau, là vì Bo chứ sao? Anh lại mắng nó, cấm túc nó....

Bố Trịnh cảm thấy có lỗi vô cùng vì trách nhầm Ái Lạp, hôm sau liền bỏ lệnh cấm túc khiến con bé nào đó mừng như điên, làm bộ gật gù tán thưởng bố cũng có mắt nhìn người đấy. Ông Trịnh cười cười, bế bổng Ái Lạp lên, hôn chụt vào hai má con bé. Ái Lạp nhăn nhó mặt mày, lè lưỡi ghét bỏ, lấy tay áo nhanh chóng chùi đi. Hành động này làm ông Trịnh càng muốn trêu tợn, liên tiếp hôn khắp má miệng mũi con gái khiến nó kêu lên choe choé.

***
Trịnh Gia Ái Lạp 11 tuổi học lớp 6, nhóc con đứng ngắm nghía mình trong gương, vô cùng oai phủi phủi bụi trên cổ áo, ra vẻ hất hất mái tóc xoăn rong biển thật dài đến chấm lưng. Bố mẹ cầm học bạ của cô con gái mà mừng rớt nước mắt. Giỏi, giỏi, giỏi, giỏi, giỏi, 5 năm liên tiếp đều là học sinh giỏi, Toán luôn 10 Văn luôn 9, chỉ có điều phần đánh giá học sinh thì 5 cô đều ghi cả 5 ngay ngắn dòng chữ:

"Nghịch vô cùng tận!"

Thôi, nghịch cũng ok, học giỏi được thế này là mừng hết cỡ rồi! Đằng nào nhà mình cũng giàu, nó gây ra hoạ gì thì mình dọn cái hoạ đấy, lấy tiền lót đường cho nó đi cũng chẳng sao.

Chủ trương làm việc của nhà này luôn là thế, do cô con gái quý hoá phá phách khắp nơi nên đã sớm đúc thành kinh nghiệm.

Nó đánh con nhà nào? Mang tiền ra đền bù.

Đứa nào muốn kiện? Lấy tiền đập vào mặt nó.

Đứa nào muốn than? Lấy tiền nhét vào mồm nó.

Không phải là khinh người gì, mà Ái Lạp căn bản không đến nỗi mất hết lương tâm, đánh ai đều có lí do chính đáng cả, nên bố mẹ nhà này cũng chẳng quan tâm là bao, miễn nó vẫn giữ được tam quan là ổn.

Được bố dùng xe ô tô "hịn" chở đến trường, Ái Lạp bước xuống xe, theo thói quen đang định giơ chân đá một cái cho cửa xe ô tô sập vào lại chợt nhớ đến cái váy đang mặc, nó ngậm ngùi, đành dùng tay nhẹ nhàng đóng cửa xe. Bố nhìn cô con gái quý hoá mặt xị ra không khỏi khúc khích cười. Trường cho học sinh mặc váy cũng tốt, rèn luyện chút nữ tính cho con gái nhà này, nó đáng sợ lắm rồi.

Trời vào hè, sân trường trải đầy nắng, gió thổi làm cánh hoa phượng rơi rải rác như mưa máu. Một cánh phượng vô tình vương trên làn tóc của Ái Lạp làm nó nhíu mắt lại. Trên mái tóc xoăn rong biển trải dài, đôi tay trắng mềm đưa lên nhặt cánh hoa đỏ rực ra khỏi tóc, thản nhiên nhếch môi cười một cái, khả ái vô cùng.

Bố Ái Lạp là giảng viên đại học đồng thời là cựu học sinh trường cấp II Thanh Lịch, ông đương nhiên được mời về làm khách mời danh dự tham dự lễ khai giảng của trường. Ái Lạp bị theo dõi thì hậm hực khó chịu, quay lại đề nghị:

- Bố ra hàng đại biểu của bố ngồi đi, con tự đi tìm lớp.

- Ồ, con gái cứ đi tìm lớp đi, bố đi dạo chút kệ bố.

Ái Lạp nhíu chặt chân mày, biết chắc rằng cái người đằng sau đuổi chẳng đi đâu mà. Cô bé đành thở dài, lật tờ giấy báo lớp ra, chậm rãi tìm. Mái tóc xoăn tảo biển hơi nâu khẽ bay trong gió, khuôn mặt bầu bĩnh đáng yêu, mắt trong suốt to tròn đầy tinh nghịch, cái trán cao thông minh, xinh xắn tới nỗi đi đến đâu liền nổi bật đến đó. Nhất là ông bố ở đằng sau ôi thôi đẹp trai kinh khủng khiếp, mấy cô giáo độc thân cứ nhìn mãi, đến mấy mẹ đưa con đi mà cũng phải xì xào bàn tán không dứt được.


Ái Lạp tìm được lớp liền tự động lấy ghế rồi lặng lẽ ngồi xuống. Nhóc con nhân thể chờ buổi khai giảng bắt đầu nên lôi iphone từ trong túi ra, thành thạo lướt lướt rất sang chảnh.

- Xem con cái nhà ai, mới mấy tuổi đầu đã điện thoại với cả ai phôn!

- Ui chị không biết thì thôi, người nhà giàu nuôi dạy con cũng khác người lắm! Chiều ơi là chiều, chiều đến hư luôn!

- Không phải! Người ta là bận kiếm tiền nên con cái vứt vạ vứt vật. Bọn trẻ nhà giàu đa phần cái gì cũng không thiếu, chỉ thiếu thốn tình cảm bố mẹ thôi à!

- Khiếp, bố mẹ nhẫn tâm thế?

- Thế mới bảo, dạy hư con luôn! Học sinh tuổi đeo khăn quàng đỏ mà bộ dáng cứ như bà già!

Mấy lời nói ra như cố tình muốn Ái Lạp nghe thấy. Thật ra thì, mấy bà cô quanh năm ăn không ngồi rỗi này chẳng có chuyện gì để làm, thấy Ái Lạp có cái điện thoại xịn liền ghen ghét một chút. Nhưng cái việc làm cố ý công kích này thật sự khiến người khác khó chịu, nhất là lại nhằm vào một đứa bé như Ái Lạp.

Thấy Ái Lạp quay lên nhìn mình, mấy bà cô cứ tưởng nó sẽ phản ứng rất mạnh mẽ, sau đó sẽ có thể dễ dàng gán cho nó cái danh láo toét. Nào ngờ, nó chỉ quay qua cười nhạt, sau đó lôi trong túi ra cái ipad lớn gấp ba iphone, lắc lắc khoe rồi thản nhiên chơi tiếp.

Mấy bác phải nói là giận, tức, mà không làm gì được. Nói thừa, Ái Lạp mà giống những đứa trẻ khác dễ bị kích động đến thế thì cái ước mơ nằm trùm cấp II của nó nên sớm dẹp đi.

***
Sau khi nghe xong bài giới thiệu dài đến phát ngán của hiệu trưởng, mọi người lục tục kéo nhau về lớp của mình. Dựa theo sơ đồ, nhẽ ra Ái Lạp phải ngồi bàn 2, nhưng nhóc con lại tia thấy cái bàn cuối góc lớp chỉ có một người ngồi, thế là dùng cái miệng ngọt của mình để xin cô cho chuyển chỗ. Nó lấy lí do hết sức đơn giản, mắt nó tinh, muốn nhường cho các bạn đeo kính lên đầu ngồi, cô giáo cũng dễ dàng đáp ứng.

Sau khi ổn định chỗ, cô cho mọi người lần lượt đứng lên giới thiệu. Mấy bé lớp 6, đứa thì rụt rè, đứa thì vui vẻ, hài hoà đến thế mả chả hiểu sao lòi ra một con ất ơ:

- Trịnh Gia Ái Lạp, sở thích: Thích những cái thích, sở ghét: Ghét những cái ghét. Cảm ơn!

Chấm hết, kéo ghế ngồi xuống, cô giáo cảm thấy hơi choáng, lát sau đành lắc đầu bỏ qua. Dù sao mỗi người một tính cách, có người hướng ngoại thì phải có người hướng nội, uốn nắn từ từ sau cũng được.

Giới thiệu được nửa lớp thì có một cậu bạn đến muộn. Lúc trông thấy mặt cậu ta, có vài đứa con gái trong lớp mắt tự dưng ngạc nhiên hết cả lên, sau đó nhanh chóng cúi mặt xuống nhìn đi chỗ khác. Cô yêu cầu cậu ta giới thiệu.

- Thiệu Khương Bảo, không mong muốn bị ai làm phiền.

Ý tứ đã quá rõ, không muốn kết bạn làm thân, miễn chạy tới quấy rầy, đã nhắc nhở rồi mà vẫn làm đến lúc bị ăn đập thì đừng có trách. Nói xong liền trực tiếp đi thẳng xuống chỗ còn trống duy nhất là cạnh Ái Lạp. Con bé ghét lắm, bởi nó muốn ngồi một mình. Ai đó bực bội trong người, đâm thành ra ghét luôn cái cậu bạn mới đến.

Hai người một bàn kia quả là một cặp trời sinh, khiến cô giáo không khỏi trợn mắt. Trông cái khí chất này, về sau chắc chắn sẽ thuộc thành phần cá biệt của lớp thôi! Cô giáo lầm nhẩm tên của hai đứa nhỏ, lặng lẽ ghi chúng vào danh sách "cần được chú ý".

Ái Lạp len lén nhìn sang cậu bạn ngồi cạnh mình, cũng chẳng ngờ nó đã cố tình gác chân lên ghế rồi mà vẫn có đứa cố chấp như thế. Thằng nhóc này nhất quyết gạt chân Ái Lạp ra để ngồi vào, làm giấc mộng một mình một bàn của nó cứ thế tan thành mây khói.

Đáng ghét thật! Tóc đen đáng ghét, mắt nâu đáng ghét, mũi cao cũng đáng ghét nốt! Trông từ đầu đến chân chẳng có thứ gì vừa mắt cả!

***
Ái Lạp nghỉ nguyên 2 tuần học hè, tới tuần học chính thức mới chịu vác xác đi học. Phải nói thật là, cá tính của bạn nhỏ Ái Lạp này thật sự cũng không được "hiền hoà" như vẻ ngoài của bạn ấy. Bố Trịnh cũng đành nhún vai trước lời nhận xét này. Úi xời, thường thôi! Cô giáo chưa dùng từ "ác quỷ" để nhận xét đã quá tốt rồi.

Chuyện kể rằng, sân sau trường Thanh Lịch có cây trứng cá to ơi là to từ nhà dân bên cạnh tràn sang, các bác bảo vệ hay công chiếm chỗ đó thành nơi uống trà đàm đạo chuyện nhân sinh thế thái. Ái Lạp nghe tin này lập tức muốn vác dép đi chiếm đất. Đùa sao? Quả trứng cá ngon lắm, chỉ nhìn mà không được ăn đúng là tra tấn cái miệng của Ái Lạp.


Giờ ra chơi, cô bé nhỏ nào đó lặng lẽ vác một cái gậy to như cái sào phơi quần áo ra sân sau. Các bạn học sinh đi qua đương nhiên không dám hỏi rồi, chỉ có thầy cô là thắc mắc Ái Lạp mang cái sào lớn như vậy đi làm gì. Cứ mỗi lần bị hỏi như thế Ái Lạp chỉ hồn nhiên đáp:

- Dạ, em mang cái gậy này ra cho các anh chị nhảy cao ấy mà!

Trình độ nói dối của Ái Lạp ở mức siêu cao thủ rồi. Tim không đập, mắt không đỏ, lại còn nở nụ cười ngây thơ dễ thương thế thì ai mà nghi ngờ được chứ?

Kết quả buổi hôm đó con nhóc có mái tóc dài xoăn rong biển lớp 6A đã vác gậy ra chọc cho quả trứng cá rơi hết xuống đất, lá rụng lả tả, sau đó trước sự bắt gặp của bác bảo vệ liền ôm một túi to quả đã hứng được vứt gậy chạy đi mất. Bác bảo vệ tuổi già sức yếu chạy không kịp theo nhóc con, lại còn bị cái gậy nó vứt lại làm cho vấp ngã sấp mặt l... À, sấp mặt xuống đất. Trịnh Gia Ái Lạp ngay hôm đó được cho vào danh sách đen của bác bảo vệ, vang danh sử sách, truyền bá ngàn đời. Bác bảo vệ vốn muốn kiện cáo chuyện này lên nhà trường, thế nhưng Ái Lạp mỗi lần gặp bác là trốn nhanh như gió, mãi sau này biết được nó tên gì học lớp nào thì chuyện cũng đã xuôi xuôi được 1 tuần, lại không có chứng cứ nên không làm gì được.

Đến lúc chén xong đống trứng cá kia Ái Lạp mới nhận ra mình đã làm một việc kinh khủng là làm bác bảo vệ bị ngã. Nó nhanh chóng xé giấy làm một bức tâm thư, lén lút dúi vào hộc bàn phòng bảo vệ. Đợi tới khi bác bảo vệ phát hiện ra "thư tình" chỉ vỏn vẹn mấy chữ "Cháu xin lỗi, kí tên, Ái Lạp" cũng là chuyện của một năm sau, bác đen sầm mặt, hai tay vận nội công xé toạc lá thư đi.

Câu chuyện li kì thứ hai cũng chính là vào ngày thứ 2 của tuần học chính thức. Nội quy trường cấm mang đồ ăn vào lớp, thế nhưng bé con lại thấy cô giáo âm nhạc mang cả một gói bim bim to vào ăn. Ái Lạp ấm ức cực kì, ở đâu ra cái kiểu ăn mảnh một mình không mời ai thế không biết. Ít nhất cũng phải: "Đây các con, cô mới mua bim bim nè, mỗi đứa ăn một miếng đi, sau đó chúng ta bắt đầu vào học nhé!" chứ?

Ờ, đừng mong chờ Ái Lạp ấm ức vì nội quy trường, nó chỉ ấm ức vì không được ăn thôi.

Chốt lại vẫn là thiên kim tiểu thư nhà họ Trịnh sáng nay cãi nhau với bố nên nhịn ăn sáng, giờ đói không chịu được lại thấy gói bim bim liền phát hoả hết cả lên. Ái Lạp nghĩ là làm lập tức đứng phắt dậy, chạy lên bàn giáo viên chộp lấy gói bim bim rồi phi thẳng ra ngoài cửa lớp. Nội quy cấm là cấm, học sinh phải nhịn thì các cô cũng phải nhịn, thế mới làm gương cho học sinh được! Ở đâu ra cái kiểu giáo viên thì không cần chấp hành nội quy?

- Này, học sinh kia, em đi đâu đấy??

Cô âm nhạc gọi với theo, cũng chẳng ngờ, Ái Lạp mang bim bim lên hẳn phòng hiệu trưởng để đập cửa xông vào tố cáo, khóc lóc thương tâm làm um lên một trận gà bay chó sủa ở khu vực giáo viên. Cô hiệu trưởng nghe Ái Lạp bất bình lập luận phân tích một hồi không thể phản bác gì hơn, về sau để thể hiện sự công bằng đành bắt cô âm nhạc viết bản kiểm điểm, còn tịch thu bim bim để Ái Lạp chịu bỏ về lớp.

Truyền thuyết kể rằng, mỗi lần cô âm nhạc mang bim bim vào lớp đều phải "mời" Ái Lạp một miếng trước rồi mới dám ăn. Mà ai cũng biết rồi đấy, con nhỏ này "một miếng" của nó phải bằng một vốc to như bàn tay, nó bốc một cái là gói bim bim hao gần nửa. Cô âm nhạc nước mắt chảy ngược vào tim.

Chuyện thứ 3 cũng lâm li bi đát lắm. Lớp có bầu một bạn lớp trưởng tên là Mai Quỳnh Giao. Người đẹp như hoa, giọng ngọt như tên, bé xíu xíu lại ngoan ngoãn học giỏi khiến cho thầy cô cưng vô cùng. Bạn Quỳnh Giao cháu ngoan bác Hồ này đại khái là bất bình trước những hành động của Ái Lạp, là người đầu tiên phất cờ khởi nghĩa. Ôi oanh liệt làm sao bạn lớp trưởng của 6A, cả lớp mới tiếp xúc với Ái Lạp 3 ngày thôi mà đã bị cái bộ dạng muốn động thủ đánh người của nó doạ cho chạy mất dép, nào có ai dám nghĩ đến việc chống đối biểu tình này đâu cơ chứ? Lớp trưởng Quỳnh Giao, ngầu bao ngầu!

Mà thật ra cái cuộc biểu tình này cũng chỉ là cuộc nói chuyện 30 giây bé như con kiến. Và điều này nằm ngoài dự liệu của Quỳnh Giao.

- Ái Lạp này, thân là lớp trưởng, tớ muốn góp ý với cậu vài điều!

- Ừ.

Ồ? Cũng dễ nói chuyện đấy chứ? Quỳnh Giao sung sướng. Đó thấy chưa, không thể đánh giá bản chất một con người qua vẻ bề ngoài. Nam Cao dạy rồi, phải đặt mình vào người ta, mở rộng tấm lòng, như thế mới thấu hiểu và cảm thông cho nhau được. Ôi nhiệt huyết muốn đưa Ái Lạp trở về con đường chính đạo của Quỳnh Giao trào dâng quá, không khắc chế lại nổi.

- Ừ, tớ muốn cậu điều chỉnh lại bản thân một chút. Dù giáo viên có sai cậu cũng không nên náo như vậy, chúng ta nên nói chuyện từ từ nhẹ nhàng, hai bên hoà giải.

- Thế bây giờ cướp vào nhà cậu, cậu chọn cầm chổi phang hắn hay ngồi xuống khuyên hắn nên trả lại đồ cho cậu, hai bên nói chuyện nhẹ nhàng từ từ hoà giải?

- C... Cầm chổi.....

- Thế đấy, lời tôi muốn nói chỉ có thể!

Học sinh trong lớp: -........

Thôi lớp trưởng ơi, đàn gảy tai trâu, nước đổ lá khoai, còn bị thuyết phục ngược lại nữa rồi! Bó tay, bó chân, bó toàn thân!

***


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.