Thanh Hoa Bắc Đại

Chương 13




Thanh Hoa Bắc Đại (20/23)

20.

Có thể đứng vững ở vị trí thứ hai của lớp là một chuyện không dễ dàng gì.

Sau kỳ thi tháng, tôi có thêm vài bài kiểm tra nữa. Điểm số của tôi cũng có lúc thấp hơn một chút, nhưng chung quy lại, tôi vẫn trụ vững trong top 5 của lớp.

Trong khi đó, Tống Tri Diên vẫn vững vàng ở vị trí thứ nhất, không sóng to gió lớn nào lay chuyển được.

Lòng hiếu thắng khiến tôi thỉnh thoảng lại quan sát Tống Tri Diên, xem cậu học hành như thế nào mà lại xuất sắc thế.

Và đã rất nhiều lần, hành động ấy của tôi vô tình bị Lý Tĩnh Thu phát hiện.

Cô ấy huých nhẹ cùi chỏ vào tôi, cười xấu xa: “Tô Huân, cậu thích Tống Tri Diên đấy à?”

“…”

Sợ Lý Tĩnh Thu lại rêu rao khắp nơi, tôi dặn dò: “Bây giờ đang là thời điểm nhạy cảm của lớp 12 rồi, cậu đừng nói lung tung nữa.”

"Tớ chỉ đùa tí thôi mà.” Cô ấy nhìn tôi, nhún vai, “Cậu không thấy gần đây tớ cũng bắt đầu chăm chỉ học tập rồi đấy à?”

Lý Tĩnh Thu vừa nói vậy, tôi mới để ý. Thật vậy, từ khi thấy thành tích của tôi đi lên, thái độ học tập của cô ấy có vẻ nghiêm túc hơn nhiều.

Dù sao thì ngồi ở vị trí “đắc địa”, đằng sau là người đứng nhất, bên cạnh là người đứng thứ hai, bầu không khí học tập lý tưởng thế kia mà.

Kỳ thi đại học đang đến rất gần, không khí lớp tôi dần trở nên vô cùng áp lực.

Mấy bạn hàng ngày ồn ào quậy phá giờ đây cũng dè dặt, im ắng hơn.

Chắc chắn rồi, không ai muốn bị đem ra làm bia đỡ đạn cho những áp lực không tên đang trấn áp mỗi sĩ tử kia cả.

Mọi người, ai ai cũng muốn trở thành một con ngựa đen, hùng dũng và hiên ngang, trổ mã vào đúng những thời điểm then chốt nhất.

Đất trời vào khí Cốc Vũ, thời tiết dần trở nên nóng hơn.

Một hôm, trong giờ nghỉ trưa, bác bảo vệ đến trước lớp gọi tôi, nói có người tìm tôi.

Tôi lấy chiếc áo khoác che lên đầu cho khỏi nắng, đi bộ ra cổng trường.

Bước ra khỏi cổng, tôi gặp mẹ.

Mẹ tôi mặc một chiếc váy đen, hai tay xách toàn những túi đồ ăn. Nhìn thấy tôi, mẹ có vẻ hơi bối rối.

Tôi rất ngạc nhiên khi mẹ đến tìm tôi như vậy.

Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả vẫn là chiếc bụng bầu của bà.

Mẹ tôi đã mang thai được sáu tháng, sao bụng bà có thể nhỏ như thế?

Mẹ chậm rãi đi về phía tôi, đôi mắt chớp chớp liên hồi như ẩn chứa những nỗi bất an. Mẹ nói: “Tiểu Huân, mẹ có thể nói chuyện với con một lát không?”

Nếu là Tô Huân của tuổi 17, chắc chắn sẽ không tha thiết gì mà quay đầu rời đi.

Nhưng giờ đây, đứng trước mẹ đang là một Tô Huân với lý trí của tuổi 25.

Tôi và mẹ đi vào một cửa hàng tiện lợi đối diện trường.

Ngồi được một lúc, mẹ tôi mới cất lời.

“Tiểu Huân, mẹ…” Bà cúi đầu, lặng yên giây lát. “Mẹ ly hôn rồi.”

Tôi sửng sốt.

Tôi đã nghĩ ra rất nhiều lý do cho việc mẹ đến gặp tôi hôm nay. Và điều mẹ vừa nói là lý do mà tôi không ngờ đến nhất.

Sau đó, mẹ nghẹn ngào kể hết cho tôi nghe những chuyện đã xảy ra.

Sau khi tôi ở lại trường, mẹ và dượng chung sống rất hoà thuận. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, chỉ một thời gian sau, dượng đã lộ rõ bản chất ung nhọt, mục ruỗng của mình: Ông như con hổ về lại chốn rừng xanh, nốc rượu, đánh bạc cả ngày lẫn đêm.

Bởi có đứa con trong bụng, mẹ tôi to gan và mạnh dạn hơn, phàn nàn dượng mấy lần.

Lúc đầu, ông còn nể có đứa trẻ nên nhẫn nhịn không nói gì.

Nhưng lần ấy, khi dượng uống say tí bí trở về nhà, mẹ tôi chướng mắt, nói vài câu mắng mỏ. Dượng trong hơi rượu và trong men say, không kiểm soát được lý trí, bắt đầu điên cuồng đập phá đồ đạc. Sau cùng, ông đã đẩy mẹ tôi khiến bà bị ngã cầu thang.

Lần ngã ấy đã khiến bà sảy thai.

Nỗi đau quặn thắt khi mất đi đứa con ruột thịt còn chưa kịp chào đời khiến mẹ tôi tỉnh hẳn ra.

Một người phụ nữ nhu nhược, yếu đuối đến hèn hạ như bà cuối cùng cũng không chịu đựng được nữa.

Cùng với bác gái của tôi, mẹ đã kiện dượng ra toà và đệ đơn ly hôn.

Tôi yên lặng lắng nghe bà kể lại, đột nhiên cảm thấy cuộc đời này hệt như một cơn mơ.

Kiếp trước, bất kể tôi có hết lòng khuyên can thế nào đi chăng nữa, mẹ vẫn cứ một mực tin chắc rằng mình có thể sống với dượng suốt đời.

Giờ đây, khi tôi được về lại quá khứ, mẹ tôi đã mang thai sớm hơn, cũng sớm nhìn rõ dáng vẻ mặt người dạ thú của người đàn ông đầu gối tay ấp kia, để rồi kịp thời dừng lại.

Giống như hiệu ứng cánh bướm, chỉ một tác động nhẹ nhàng cũng đủ để số phận kỳ bí này tiết lộ chuyện tương lai.

“Tiểu Huân, chuyện này đã qua một tháng rồi, mẹ chưa nói cho con là bởi vì sợ con sẽ bị phân tâm…”

Tôi bình tĩnh đáp lời: “Chuyện của mẹ và dượng, con vốn không quan tâm, càng không nói đến chuyện sẽ bị phân tâm.”

Mẹ sửng sốt nhìn tôi, đôi mắt lại đỏ au lên cay đắng.

Nhưng mẹ tôi không khóc, bà chỉ nghẹn ngào nói: “Là mẹ có lỗi với con… Mẹ nghe thầy giáo con nói, gần đây thành tích của con rất tiến bộ, nếu tiếp tục duy trì, thi Thanh Hoa, Bắc Đại cũng không thành vấn đề. Mẹ mừng lắm, con…”

"Buổi chiều con vẫn phải học.” Tôi ngắt lời mẹ, “con cũng không ăn đồ ăn vặt đâu, mẹ mang về đi.”

Nói xong, tôi không nhìn mẹ, đứng dậy rời đi.

Chỉ có tôi mới biết, nói ra những lời như vậy, tôi không sảng khoái hay vui vẻ chút nào.

Mỗi bước đi là lòng tôi lại nặng trĩu nỗi buồn.

Trong tiết học chiều, lần đầu tiên từ khi trở lại đây, tôi thất thần, không thể tập trung vào bài giảng.

Tôi nhớ, hồi tôi còn nhỏ, trong một đêm đông, tôi đổ bệnh rồi sốt cao.

Bên ngoài là bầu trời tuyết phủ, bố tôi phải làm ca đêm, không được về nhà. Khi ấy, mẹ đã vật vã đưa tôi đến bệnh viện cho bằng được.

Không bắt được xe, bà ôm tôi chạy điên cuồng trong đêm tuyết giăng khắp phố.

Khi ấy, vòng tay mẹ ôm tôi vô cùng ấm áp. Ấm áp đến nỗi, tôi đã ngầm nhận định rằng, đó sẽ là chỗ dựa, là chốn về của tôi suốt cuộc đời này.

Cho đến khi bố tôi qua đời, mẹ tái hôn, bà mặc áo cưới lần hai để trở thành vợ của người ta, là mẹ của kẻ khác. Bà không còn là hơi ấm, là chốn về của tôi nữa rồi.

Nếu nói chưa từng ghét bà thì chắc chắn là tôi nói dối.

Nhưng giờ đây mẹ tôi đã ly hôn, tôi đặt những hận thù của kiếp trước lên trên thứ tình cảm thiêng liêng quý giá ấy, liệu có thực sự đúng đắn hay không?

Sau giờ học, tôi và Tống Tri Diên vẫn là người cuối cùng rời khỏi lớp.

Điều này dường như đã trở thành sự ăn ý khó nói thành lời của chúng tôi.

Nhưng lần này, tôi không thảo luận về bài học với cậu nữa, cũng không ngân nga về ước mơ và tương lai của tôi.

Tôi hỏi cậu: “Cậu đã bao giờ ghét ai đó chưa?”

Cậu ấy hơi ngạc nhiên, nhưng rồi cụp mắt và lắc đầu.

Tôi hỏi tiếp: “Nếu cậu vừa yêu, lại vừa ghét một người, thì cậu sẽ làm gì?”

Cậy ấy nhìn tôi, lặng lẽ.

Kỳ thật, trước đó, tôi không thích ánh mắt trầm ngâm đến lạnh lùng của Tống Tri Diên. Ánh mắt ấy như thể chỉ cần nhìn tôi một cái là đã có thể thấu tỏ con người tôi, như thể bao nhiêu bí mật và nghĩ suy thầm kín đều sẽ bị cậu đọc được hết vậy.

Nhưng bây giờ thì tôi đang lặng lẽ tận hưởng ánh mắt này.

Cậu chẳng cần nói gì, chỉ nhìn tôi bằng đôi mắt ấy thôi cũng đã trao hết cho tôi sự bình an, tĩnh lặng và ấm áp nhất rồi.

Ánh đèn của từng lớp học lần lượt vụt tắt, đám học sinh ồn ào ở hành lang đã dần tản đi hết.

Tống Tri Diên lúc này mới trả lời tôi: “Chỉ cần làm chuyện mình cảm thấy thoải mái nhất là được rồi.”

Tôi đột nhiên cảm thấy bình tĩnh đến lạ kỳ.

Nếu kỳ thi đại học ngày ấy là niềm tiếc nuốt day đi dứt lại của tôi, thì có lẽ tình cảm gia đình cũng vậy.

Mẹ tôi đã chấp nhận làm lại từ đầu, tại sao tôi lại cứ cố chấp không cho mẹ và cả tôi một cơ hội khác?

Mặc dù không thể bù đắp được tất cả, nhưng có lẽ sẽ không để lại nuối tiếc hay hận thù.

Bởi suy nghĩ ấy, đêm đó, tôi gọi cho mẹ.

Tôi nói: “Mẹ, mẹ ly hôn là lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Từ giờ mẹ hãy cứ sống vui lên.” Tôi ngừng lại một chút rồi nói: “Và trở về làm chỗ dựa cho con.”

Nghe tôi nói thế, mẹ định đáp lời nhưng hình như không kìm được nước mắt, bà lại khóc.

Mẹ tôi không nói gì cả, trước khi cúp điện thoại, bà chỉ dặn tôi một câu: “Tiểu Huân con học thật tốt nhé. Mẹ không muốn làm trễ nải tương lai của con nữa.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.