Thần Thoại Hy Lạp

Quyển 1 - Chương 6: Nguồn gốc của loài người. Năm thời đại




Các vị thần đã được sinh ra như thế, khởi nguyên từ Vũ trụ, Đất, Trời, Tình yêu rồi từ thần này sinh ra thần khác, nối tiếp nhau đời đời kiếp kiếp. Nhưng còn loài người được sinh ra như thế nào, đó là điều ai cũng muốn biết.

Ai đã sinh ra những con người trên thế gian này? Xin thưa, các vị thần. Đó là các vị thần Olympe không hề biết đến tuổi già và cái chết, đã sáng tạo ra loài người. Các thần đã lấy vàng tạo ra giống người đầu tiên. Những con người đầu tiên này sống trong thời đại Cronos nắm quyền cai quản thế gian. Thời đại Cronos còn được người xưa gọi là thời đại Vàng hay thời đại Hoàng kim, hoặc thời đại Saturne.

Vào thuở ấy con người sống khác bây giờ nhiều. Thiên nhiên đem lại cho họ biết bao thức ăn, vật dụng dồi dào, hoàn hảo. Cây trĩu quả, lúa chắc bông, đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hòa... tóm lại không có một điều gì đáng phàn nàn chê trách. Con người sống như các vị thần chẳng hề biết đến lo âu, phiền não. Họ cũng không phải làm những công việc cực nhọc đến kiệt sức người. Cảnh đói khổ chẳng bao giờ bén mảng đến cuộc sống của bất cứ ai. Không có bệnh tật làm cho con người phải đau đớn, âu sầu. Và con người cũng không biết đến tiếng gõ cửa dọa đe của tuổi già và cái chết. Ngày này qua ngày khác con người sống trong hội hè, yến tiệc tưng bừng và cứ trẻ đẹp mãi mãi. Của cải đều là của chung hết thảy mọi người vì thế chẳng một ai phạm phải những thói hư tật xấu như: tham lam, ky cóp, trộm cắp, lừa đảo... Cửa ngõ chẳng phải then trong khóa ngoài, rào đóng trước sau. Con người sống trong tình thương yêu đùm bọc, quấn quýt lấy nhau. Mọi người đều trung thực, tin cậy lẫn nhau và trọng danh dự. Con người cứ thế sống mãi cho tới một người nào đó, họ từ giã cõi đời, từ giã một cách bình thản, tự nhiên như một giấc ngủ êm dịu thường đến đè nặng trên mi mắt, chinh phục họ. Khi đất đen đã phủ kín giống người Vàng này thì từ đây họ bước sang một cuộc đời mới. Thần Zeus vĩ đại giao cho họ một sứ mạng cao cả. Họ sẽ đóng vai trò của những vị thần Nhân hậu (Bienveillant) nhưng không phải sống trên đỉnh Olympe mà sống trên mặt đất, làm người bênh vực chân lý và bảo hộ cho những người trần thế. Đó là đặc ân của thần Zeus vĩ đại đã ban cho những người của thời đại Hoàng kim do Cronos trị vì, và chính thần Zeus đã giao cho con gái của mình là nữ thần Diké-Nữ thần Công lý, điều khiển thế gian nên cuộc sống mới tốt đẹp như vậy. Nhưng rồi mọi việc đều biến đổi. Thời đại Hoàng kim qua đi, con người Vàng chẳng còn trên thế gian nữa. Và phải một thời gian khá lâu sau này các vị thần Olympe mới sáng tạo ra được một giống người thứ hai để kế tiếp giống người Vàng đầu tiên. Nhưng con người bây giờ được sáng tạo ra không phải bằng vàng mà bằng bạc. Nó chẳng giống gì lớp người trước kia về hình dáng cũng như về trí tuệ. Nói đúng ra nó có phần không đẹp như trước và có phần kém thông minh hơn. Từ đây, người mẹ phải nuôi con vất vả sớm hôm, nuôi mãi, nuôi mãi ròng rã một trăm năm, đứa con mới khôn lớn trưởng thành. Nhưng con người của thời đại Bạc này sống chẳng được bao lâu. Sự ngu ngốc đã gây ra cho họ biết bao tai họa. Họ không xa lánh được những điều cám dỗ xấu xa. Từ đâu mọc lên trong trái tim họ những dây mơ rễ má của thói ghen tỵ, tham lam, xúc xiểm, dối trá, tàn bạo. Họ mất trí đến nỗi không còn biết sống cho mực thước nữa. Họ đã khinh thị thần linh, không chịu dâng lễ hiến tế đều đặn. Và thế là Zeus nổi cơn thịnh nộ, chôn vùi họ xuống đất đen, bắt họ phải chết. Thật ra thì họ chỉ được phép sống một cuộc đời mới ở dưới âm phủ. Họ chẳng được một ân huệ gì của các bậc thần linh.

Thần Zeus vĩ đại, bậc phụ vương của các thần linh và những người trần thế, lại sáng tạo ra một giống người thứ ba nữa. Đây là giống người Đồng, được sáng tạo ra từ cán của những ngọn lao đồng, khác hoàn toàn giống người Bạc. Đó là những con người rất hung hăng và rất đáng sợ. Loại người này chỉ ưa thích những cuộc giao tranh là suối nguồn của máu và nước mắt. Họ có một trái tim rắn như đá, lạnh như băng, chẳng hề xót xa trước cảnh đầu rơi máu chảy. Họ cũng chẳng biết đến những cử chỉ tế nhị, dịu dàng, những thú vui thanh nhàn, cao thượng mà chỉ quen thú vui với bạo lực, với cảnh đầu rơi máu chảy. Được thần Zeus ban cho một thân hình cao lớn, to khỏe với những đôi tay, bắp chân gân guốc có thể bạt núi ngăn sông nhưng họ lại không dùng sức lực đó để cày cấy, trồng trọt mà lại dùng vào các cuộc chinh chiến, chém giết lẫn nhau. Những người Đồng làm những ngôi nhà bằng đồng để ở, vật dụng trong nhà từ giường ghế cho đến đồ ăn thức đựng cũng đều bằng đồng. Vũ khí trong các cuộc giao tranh cũng bằng đồng bởi vì thời ấy sắt đen cứng rắn chưa ai biết đến. Những người Đồng không ăn bánh mì. Với tính khí hung hăng, kiêu ngạo, họ luôn chém giết lẫn nhau. Cứ thế, hết cuộc chém giết này đến cuộc chém giết khác cho đến một ngày kia chẳng còn sót một ai trên thế gian nữa. Giống người Đồng đã tự hủy diệt vì sự thái quá, sự không mực thước. Họ phải từ bỏ mặt đất chan hòa ánh sáng tươi vui để đi vào địa ngục muôn đời tối tăm của thần Hadès, chẳng một chút vinh quang lưu lại, và thế là chấm dứt thời đại Đồng của giống người Đồng.

Khi đất đen đã bao phủ giống người Đồng thì cũng là lúc Zeus, người con của Cronos, một lần nữa lại sáng tạo ra giống người thứ tư cho Đất Mẹ. Đây là một thế hệ người đứng đắn hơn, ưu tú hơn giống người trước. Họ là những vị anh hùng của dòng giống thần linh được mang danh là các vị Bán thần. Các vị anh hùng Bán thần này đã sống trên mặt đất bao la của chúng ta với bao nhiêu chiến công hiển hách. Nhưng họ cũng không có được một cuộc sống vĩnh hằng. Các cuộc chiến tranh thảm khốc và những cuộc hỗn chiến bạo tàn cướp đi cuộc sống của họ. Người thì chết dưới chân thành Thèbes bảy cổng, kẻ thì bỏ mình trong cuộc tranh giành gia súc của Oedipe. Và biết bao nhiêu người con ưu tú đã xuống thuyền vượt biển khơi mù xám để sang đánh thành Troie vì nàng Hélène mà không thấy được ngày trở về. Thương xót những vị anh hùng Bán thần, thần Zeus ban cho họ một cuộc sống mới vô cùng tốt đẹp. Thần đưa họ tới một nơi cách biệt với mọi người, xa tít tắp mù khơi, ở tận nơi cùng kiệt của đất. Đây là những hòn đảo Hạnh phúc trên bờ Đại dương do Okéanos cai quản có vực nước xoáy sâu. Họ sống ở đây trái tim thanh thản, chẳng phải tất bật lo toan về bát cơm manh áo. Đất đai phì nhiêu, màu mỡ, cứ mỗi năm ba vụ hiến dâng họ những hạt lúa chắc mẩy, ngọt như mật ong vàng.

Thời đại thứ năm là thời đại Sắt, một thời đại nghiệt ngã và tồi tệ hơn tất cả các thời đại trước. Đây là thời đại thống trị của Hybrid, Nữ thần Thái quá (Không mực thước). Con người được tạo ra bằng sắt, hai thái dương xám xịt, suốt đêm ngày bị đắm chìm trong cuộc sống vất vả, cực nhọc, bận rộn, tức tưởi. Và chẳng thể nào chấm dứt được tai họa ấy. Các vị thần đã đem lại cho con người bao nỗi ưu tư nặng nề khôn tả. Thời đại này sa sút đến mức xấu tốt lẫn lộn, phải trái không phân minh. Ở cái thời đại Sắt này con người đối xử với nhau lạnh lùng, tàn nhẫn. Cha mẹ chẳng chăm sóc, yêu mến, lo toan dạy bảo con cái. Con cái chẳng kính trọng mẹ cha. Truyền thống quý người trọng khách mất hết, tình bạn chân chính chẳng còn... Biết bao chuyện đau lòng đã xảy ra: cha già con bạc, hiếu nghĩa nhạt phai, danh dự bị vất bỏ. Điều Chân, điều Thiện, lời thề hứa mất tính chất thiêng liêng, cao cả. Quyền thế là sức mạnh thống trị tối cao. Vì thế kẻ ác tâm có thể hại người lương thiện bằng những lời bịa đặt xấu xa. Thói xấu muốn lợi mình hại người, thích thú trước việc dèm pha, chèn ép, triệt hại người khác cứ hiện ra lồ lộ dưới một bộ mặt đen xỉn ghê gớm. Bất hòa, bạo lực, chiến tranh cứ bám riết cuộc sống của loài người như một tai họa, một nỗi bất hạnh triền miên. Vì lẽ đó các nữ thần Lương tâm (Conscience) và Công bằng (Équité) vốn che giấu thân thể kiều diễm của mình trong những tấm lụa trắng phải từ bỏ con người để trở về với cuộc sống của các vị thần bất tử ở đỉnh Olympe. Đời sống trần thế chẳng có chỗ dung thân cho hai vị nữ thần này nữa. Còn các vị thần trên đỉnh Olympe tức giận giống người Sắt này khôn tả. Các vị chẳng ban cho họ những phúc lợi như xưa. Từ nay họ phải nai lưng ra làm việc đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có miếng ăn. Để có được thịt muông thú họ phải dấn thân vào những cuộc săn bắt nguy hiểm. Để có được cá ăn họ phải đương đầu với biển khơi hung dữ. Để có được thóc lúa, hoa quả họ phải chống chọi với nắng hạn, mưa úng, bão lụt. Đời sống của giống người Sắt ngắn hơn các giống người ở các thời đại trước. Họ phải chịu nỗi khổ đau giày vò của tuổi già và bệnh tật. Nỗi bất hạnh cứ bám dai dẳng vào cuộc sống của họ như những cái vòi của con bạch tuộc bám chặt vào đá mà không phương kế gì rứt bỏ nó ra được, cứu chữa được.

Đó là câu chuyện về nguồn gốc loài người trải qua năm thời đại do nhà thơ Hy Lạp Hésiode kể, một câu chuyện nghe thì cũng hay nhưng quả thật cũng không lấy gì làm vui cho lắm. Bởi vì... nó là chuyện thần thoại mà!

Huyền thoại về năm thời đại của loài người của Hésiode có chút gì phảng phất, na ná như những huyền thoại nào đó của Thiên Chúa giáo. Điều dễ nhận thấy nhất là ở quan điểm cho rằng con người sống càng ngày càng hư hỏng, tội lỗi, xấu xa đến mức thần thánh, Thượng đế đã nhiều lần gia ân, khoan hồng cho nhưng con người vẫn chứng nào tật ấy. Và chính vì những tội lỗi ghê gớm của con người mà thần thánh phải trừng phạt, tước bỏ không ban cho họ cuộc sống an nhàn, vĩnh hằng, hạnh phúc. Thần thánh đã trừng phạt con người, bắt con người phải “lao động” mới có miếng ăn. Khoa tôn giáo học gọi quan điểm này là mạt thế luận57. Xuất phát từ quan điểm này mà Thiên Chúa giáo có tội tổ tông, tội lỗi của Cain, nạn hồng thủy, ngày tận thế, ngày phán xét cuối cùng... Phật giáo có quan điểm: con người ta sinh ra là đã mang ngay vào bản thân mình cái tiền oan nghiệp chướng của mọi nỗi khổ đau. Cái “dục” của con người ngày càng lớn ngày càng làm cho con người hư hỏng, tội lỗi.

[57] Eschatologie; gốc từ tiếng Hy Lạp eschatos: cuối cùng tận cùng, kết thúc; và logos: ngôn từ, diễn văn, khoa học.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.