Thái Hậu Vô Tình

Chương 6




16.

Cái chết của Tiêu Dịch là đả kích lớn nhất với Võ Đế.

Những năm qua ông đã bị bệnh triền miên, nằm trên giường bệnh nhiều ngày. Lúc đầu còn có thể miễn cưỡng chịu đựng, nhưng Tiêu Dịch vừa chết, ông hoàn toàn toàn sụp đổ.

Ta rất sợ sinh ly tử biệt.

Lúc họ nói bệ hạ triệu kiến ta, ta không dám đi.

Ông bệnh tật nằm đó, xương cốt rã rời, dung nhan khô héo, thành dáng vẻ ta không nhận ra được.

Chỉ có đôi mắt vẫn sáng ngời như thế: "Tiểu Dung Nhi, cuối cùng ngươi cũng chịu đến thăm trẫm."

Ông chống người ngồi dậy, chỉ vào chiếc ghế đẩu bên mép giường bảo ta ngồi xuống, sau đó đuổi tất cả mọi người ra ngoài.

"Lâu lắm rồi không được nói chuyện riêng với Tiểu Dung Nhi.”

Ta nắm đôi bàn tay nhăn nheo của ông: "Bệ hạ muốn nói gì với Tiểu Dung Nhi?"

"Trẫm vẫn muốn hỏi ngươi vấn đề năm xưa." Ông nhìn ta chằm chằm: "Lần này ngươi phải nghiêm túc trả lời."

"Theo góc nhìn của ngươi, sau Tiểu Cửu, trẫm nên lập ai làm thái tử?"

"Bệ hạ..."

Ông siết tay ta không cho ta quỳ: "Đừng vội, ngươi cứ từ từ suy nghĩ."

Ông giảo hoạt cười, giữa hai lông mày hiện lên mấy phần trẻ con: "Đám đại thần kia ngày nào cũng vì chuyện trẫm sẽ phong ai làm thái tử mà tranh nhau sứt đầu mẻ trán. Nếu biết thái tử do một tiểu cô nương tiện tay chọn, chắc chắn sẽ tức lắm, sẽ oán trách trẫm tùy hứng quá."

"Đừng quan tâm đến họ. Trẫm muốn tùy hứng một lần. Tiểu Dung Nhi, ngươi đã nghĩ xong chưa?"

"Nghĩ xong thì lấy chiếu thư dưới gối ra giúp trẫm."

Ta vâng lời mở chiếu thư ra trước mặt ông, chấm bút mực đặt vào tay ông: "Bệ hạ, thần nghĩ xong rồi. Thần chọn Thất hoàng tử Tiêu Hành."

"Cho trẫm nghe lý do."

"Tuy Thất hoàng tử không có hậu thuẫn lớn, nhưng là người hết lòng, tính tình lương thiện. Không làm được một hoàng đế vai gấu lưng hùm, chỉ cần là một thiên tử bảo vệ biên cương, ổn định xã tắc, vậy là đủ."

"Rất tốt." Ông hạ bút lên chiếu thư, nắm tay ta thật chặt: "Tiểu Dung Nhi, ngươi có biết tại sao trẫm lại hỏi ngươi chuyện này không?"

"Biết ạ."

Ta lấy một tờ thánh chỉ khác ra, quỳ trước mặt ông, đưa thánh chỉ giơ cao lên đỉnh đầu, trầm giọng nói: "Thần nữ cả gan xin bệ hạ ban hôn cho thần nữ và Thất hoàng tử Tiêu Hành. Thần nữ nhất định sẽ phụ tá Thất điện hạ, bảo vệ cơ nghiệp trăm năm của Đại Tề, có sướng cùng sướng, có khổ cùng khổ."

"Đứa trẻ ngoan." Võ Đế kinh ngạc rơi lệ: "Tiểu Dung Nhi, ngươi đúng là đứa trẻ ngoan, làm khổ ngươi rồi."

Ta lắc đầu nói: "Không khổ. Thật ra thần cũng không còn chỗ nào để đi nữa rồi. Thần không còn gì cả, bây giờ thần nghèo đến nỗi chỉ còn tiền thôi."

"Ngươi đó, hầm rượu kia của trẫm sẽ tặng lại cho ngươi."

"Tạ chủng long ân."

Ông yên tâm phất tay một cái: "Được rồi, ngươi đi đi, để trẫm nghỉ ngơi một chút."

"Trẫm phải đi gặp Từ Sương rồi. Tiểu Dung, ngươi thấy trẫm còn đẹp như xưa không?"

Ta lau nước mắt trên mặt, cười nói: "Bệ hạ, ngài rất tuấn tú, Từ Sương thấy nhất định sẽ mê đắm ngài. Trong lòng sẽ nghĩ đây là tiểu ca ca nhà nào, ta sẽ không gả cho ai ngoài chàng ấy."

"Vậy thì tốt, vậy thì tốt." Ông vui vẻ, yên tâm cười nói: "Trẫm sợ mình tuổi cao sức yếu, nàng ấy sẽ chê trẫm, không cần trẫm nữa. Tiểu Dung, ngươi biết không, năm ấy..."

Ta giúp ông tém lại chăn, xoay người bước ra ngoài.

‘Năm ấy phồn hoa như gấm, ra cửa toàn giai nhân tài tử. Giữa biển người mênh mông, không biết tại sao y chỉ nhìn thấy nàng.

Hoàng tử trẻ tuổi, cô nương đơn thuần.

Nàng tên Từ Sương, y liền lấy tên hiệu là Từ Sương cư sĩ. Ngày ngày y viết cho nàng thật nhiều bài thơ, đến khi nàng không chịu nổi nữa đồng ý gả cho y, dạy y cách viết thơ.

Tướng mạo tư, tướng mạo tư, nếu hỏi khi nào tương tư nhất, chính là khi gặp người.

Tướng mạo tư, tướng mạo tư, muốn nói tâm tư cho người, mà tình nhân không biết.

Sai ở chỗ không nên sống trong cái lồng giam, giam cầm một người cả một đời.’

17.

Võ Đế băng hà, Thất hoàng tử Tiêu Hành kế vị, lấy quốc hiệu "Văn".

Trước khi lên ngôi hắn nói chuyện với ta cả một đêm.

Ở giữa chúng ta là thánh chỉ kia của Võ Đế.

Hắn nói: "Có thể cả đời này ta sẽ không yêu ngươi."

Ta không quan tâm: "Ta chỉ cần làm hoàng hậu là được."

Hắn nói: "Có thể ta sẽ vĩnh viễn không chạm vào ngươi."

Ta nói không sao cả: "Ta chỉ cần làm hoàng hậu là được."

"Tương lai có thể ta sẽ nạp rất nhiều phi."

"Không sao, ta chỉ cần làm hoàng hậu là được."

"Vậy tại sao ngươi..."

Ta nói: "Tiền ta kiếm đủ rồi, không việc gì phải sợ nữa."

Hắn đứng dậy bỏ đi.

Trước khi đi, hắn đưa lưng về phía ta, nói: "Được, khi ta còn sống sẽ bảo đảm vị trí hoàng hậu là ngươi. Ta cho ngươi quyền lực cai quản lục cung, cho ngươi làm mẫu nghi thiên hạ, để ngươi tham chính, hay ngươi muốn làm gì cũng được."

"Tô cô nương, ta biết ngươi thích Cửu đệ, ta cũng biết đế vị này ta có được do đâu. Ngươi là người đáng thương, trừ việc không thể cho ngươi tình yêu, những thứ khác ta sẽ không tiếc gì cả."

Ta đáp: "Tạ bệ hạ."

Tháng tư năm đầu tiên Văn đế lên ngôi, ta hai mươi hai tuổi, leo lên hậu vị, giữ phượng ấn, nắm trong tay một nửa giang sơn.

Nửa đêm tỉnh mộng, ta thường gặp được rất nhiều người.

Văn đế năm thứ hai, ta đích thân cầm một tờ thánh chỉ đến cửa Văn phủ, hành đại lễ với Văn Chiếu, mời y rời núi phụ chuyện chính trị.

Hai ba năm không gặp, bốn mắt nhìn nhau, tựa như có rất nhiều lời muốn nói, nhưng cũng như không biết nói gì.

Y trịnh trọng nhận lấy thánh chỉ trong tay ta, dập đầu nói: "Thần lĩnh chỉ tạ ân."

Lúc ta xoay người rời đi, y gọi ta lại.

Vẫn như năm xưa, y gọi A Dung.

"Những năm qua muội sống tốt không?"

Ta quay lại cười nói: "Tốt vô cùng."

"Ta không gầy thêm nữa."

"Có thể nhìn ra được." Ta nói.

Sau khi ta đi, sau này Diệu Lam giúp ta nghe ngóng. Nghe nói sau khi ta đi, Văn Chiếu đứng đó khóc không thành tiếng.

Người thân hỏi y làm sao, y nói y nhớ ra mình còn nợ ra rất nhiều rất nhiều tiền.

18.

Tháng mười một Văn đế năm thứ năm, ta ra khỏi kinh đô đi tảo mộ mẫu thân, gặp được một tiểu cô nương đang ôm tro cốt của người thân đứng ở ven đường khóc thầm.

Nhìn qua cũng chỉ chừng mười tuổi.

Rất giống ta năm đó.

Khác ở chỗ khi ấy ta có người cứu giúp, có một thiếu niên phong nhã tuyệt vời tặng ta một chiếc khăn tay, còn chịu rét cởi áo lông cừu.

Ta thu nhận tiểu cô nương kia, ban cho nó tên Diệu Lam, hỏi nó có hứng với chuyện giàu đột xuất không.

Văn đế năm thứ sáu, con trai trưởng của Tiêu Hành chào đời, đặt tên Tiêu Dực.

Đương nhiên không phải ta sinh, là một phi tử của hắn sinh. Có lẽ hắn không muốn ta cô đơn nên nạp rất nhiều phi tử vào cung.

Ta không tham dự vào.

Sức khỏe của mẫu phi Tiêu Dực không tốt. Tiêu Hành hỏi ta có bằng lòng nuôi dưỡng không, ta đáp được.

Mùa đông năm sau, Tô Chỉ Vận bệnh nặng, trước khi chết muốn gặp ta một lần.

Ta bãi giá đến Văn phủ, vào thấy nàng ta, câu đầu tiên nàng ta nói chính là: "Tô Chỉ Dung, ta hận ngươi."

"Nhưng ta cũng ngưỡng mộ ngươi." Nàng ta nói tiếp: "Ta ngưỡng mộ ngươi có thể không chút kiêng kị cười lớn, há to miệng ăn cơm, còn ta chỉ cần lộ mấy cái răng thôi đã bị mẹ hung ác nói ta không có dáng vẻ của một tiểu thư danh giá."

"Ta ngưỡng mộ ngươi có thể nhào vào lòng cha, ôm cổ ông đòi ông bế."

"Cho tới bây giờ ông chưa từng bế ta."

"Ta ngưỡng mộ ngươi có thể giống những người hầu kia, lộ tay lộ chân, mùa hạ xuống hồ tìm đài sen, ngắt lá sen... Không như ta, dù thèm muốn cũng chỉ có thể đứng xa xa nhìn."

"Tại sao ngươi có thể sống vui vẻ như vậy?"

"Lúc ta đứng xa xa nhìn lén ngươi, ta rất muốn ngươi gọi ta một tiếng, dù chỉ là một tiếng, gọi ta xuống, đưa ta đi chơi cùng, ta cũng sẽ thật lòng thật dạ gọi ngươi một tiếng tỷ tỷ, cũng sẽ không bắt nạt ngươi."

Trong phòng chỉ còn lại tiếng khóc của nàng. Ta không biết nói gì, bi kịch do chính tay nàng tạo ra, ta không thể làm gì khác.

Ta chỉ có duy nhất một chuyện không hiểu, ta hỏi: "Theo ân oán của người lớn, theo lý mà nói ngươi không nên hận ta như vậy. Tại sao ngươi lại hận ta đến thế?"

Nàng ngừng lại một lát, vẻ mặt hoảng hốt: "Ta cũng không biết, từ nhỏ ta đã bị mẫu thân tiêm nhiễm vào đầu, hơn nữa ta cho rằng cha đi mãi không về là vì mẹ con các ngươi vẫn còn trong phủ, mới khiến ông ấy chán ghét gia đình, nên ta bất giác hận ngươi."

"Trừ giở thủ đoạn, ta không biết phải làm thế nào, nên biểu đạt ra sao. Ta rất thích Văn Chiếu, thích đến như vậy."

Nàng nhìn ta thật sâu: "Tỷ tỷ, ta biết lỗi rồi. Sau khi thành thân với ta, Văn Chiếu chưa từng ngủ chung phòng với ta. Tỷ nghe điều này, trong lòng có thể thấy vui hơn một chút, có thể... tha thứ cho ta không?"

Ta đứng lên nói: "Không thể."

Ta nói: "Muội muội tốt của ta, sau này đừng gặp lại nữa."

Ta ra ngoài trong tiếng khóc của nàng.

Bên ngoài gió rất lớn, trời lạnh thấu xương.

Ta hết cười lại khóc.

Lúc mới tới đây ta cứ tự cho mình là vô địch thiên hạ. Ta muốn thay đổi tất cả, chỉ hận không thể hét to trên đường, rằng hãy run rẩy đi cổ nhân, nhân vật chính của các người tới rồi đây!

Thời niên thiếu ta cứ ngỡ việc sống tạm bợ dưới tay mẹ con Tô Chỉ Vận đã là quãng thời gian gian nan nhất, thì ra không phải vậy.

Ta không biết rằng những khổ nạn dài đằng đẵng đang chờ ta phía cuối con đường. Cuối cùng ta cũng giống như những người ở đây, quay về bình thường, chìm trong một cuộc đời bình thường, bị động chấp nhận quà tặng và sự giày vò của số phận. Đối mặt với bệnh tật, thiên tai, lòng người, mưu mô, ta cũng bất lực như thế.

Ta chỉ có duy nhất một ưu điểm là mệnh dài hơn họ. Người hận ta, người ta hận, người yêu ta, người ta yêu, ta từng bước từng bước đi qua đời họ.

Những niềm vui và đau khổ đã qua, để lại hồi ức của riêng mình ta.

Sau đó cứ như vậy mà qua một đời.

18.

Không biết nam nhân của Tiêu gia có phải là di truyền mệnh đoản không nữa, Tiêu Hành cũng băng hà ở tuổi trung niên. Tiêu Dực kế vị, ta thành thái hậu.

Tiêu Hành và ta làm vợ chồng hờ một đời, trước khi băng hà hắn đã kéo tay Tiêu Dực dặn dò: "Mẫu hậu con sống khổ lắm rồi, con phải thật lòng hiếu thuận với nàng ấy."

Bọn trẻ con không hiểu, chúng nghĩ ta có thể hô mưa gọi gió, là một bà già vui vẻ cả ngày với cuộc sống sung túc, vậy lấy đâu ra khổ. Ta coi Tiêu Hành như kẻ hồ đồ.

Sinh mẫu của Tiêu Dực mất sớm, từ nhỏ đã được nuôi dưỡng bên người ta, với ta cũng coi như hiếu thuận. Mỗi ngày lúc hoàng hôn xuống nó đều tới cung ta đánh mạt chược đấu địa chủ với ta, lúc ra ngoài còn phải tận tâm với chức vị hoàng đế của nó.

Sinh nhật năm nào cũng tổ chức thọ yến linh đình, mãi đến khi ta sáu mươi tư tuổi.

19.

Khánh An điện.

Ta và Văn Chiếu xa xa đối mặt nhau rồi nhập tiệc.

Một lúc sau ta thấy hắn lặng lẽ rời tiệc, vậy nên cũng vội vàng mượn cớ rời đi.

Vừa rồi y nháy mắt với ta, ta cảm giác ông trẻ này muốn nói chuyện.

Ta bỏ mọi người lại, một mình đến thiền điện ở lãnh cung.

Quả nhiên y đang chờ ta trong hầm rượu.

"Mau mau mau, giúp ta một tay." Ta vừa đi qua vừa tháo tóc, cuối cùng cũng thành công quấn tóc thành ổ chim.

Văn Chiếu mỉm cười bước lên giúp đỡ: "Đã bao năm rồi muội vẫn vậy, đúng là hết cách với muội."

Ta cũng cười: "May là ở đây, nếu ở ngoài mà để họ thấy thì không xong mất. Đương triều thái hậu hẹn đương triều Thừa tướng tháo tóc, chậc chậc."

Nói xong lại nhớ tới giờ mình đã là bà già sáu mươi rồi, ta còn phải sợ người ngoài nói gì nữa.

Chật vật một lúc cả hai đều thở hồng hộc, bộ xương già này đúng là không ổn nữa rồi.

Ta hỏi Văn Chiếu: "Huynh gọi ta tới có chuyện gì không?"

Y gật đầu: "A Dung, ta muốn trí sĩ." (trí sĩ: quan lại về hưu)

"Ồ." Tuổi tác cao, đúng là nên về hưu rồi.

Sau khi Tô Chỉ Vận mất, cả đời sau Văn Chiếu không cưới thêm vợ nữa. Bây giờ trong phủ y toàn là môn khách và những cô nhi y nhận nuôi.

Ta không nhịn được hỏi: "Sau đó thì sao, sau khi trí sĩ huynh đi đâu?"

Y khẽ cười trả lời: "Về phủ dưỡng lão, làm vườn cắt cỏ nuôi chim, mấy ông già ăn không ngồi rồi ở kinh đô không phải đều vậy ư?"

Ta gật đầu: "Hợp với huynh."

Sau đó hai ta không nói gì hồi lâu, mãi đến khi Văn Chiếu nói lời từ biệt, ta mới hơi suy nghĩ.

Để che giấu nỗi mất mát, ta lựa lời nói: "Không ngờ đời này đi tới cuối cùng chỉ còn lại hai chúng ta. Chúng ta và Tiêu Dịch lén uống rượu ở nơi này tựa như chỉ mới hôm qua, còn bệ hạ nữa."

Y biết ta nói bệ hạ nào, gật đầu lên tiếng đáp lại, cũng học ta lười biếng dựa vào vò rượu, nheo mắt không biết đang nghĩ gì.

Một lúc sau, y nói: "A Dung, có mấy câu ta chôn giấu cả đời, nếu bây giờ không nói sợ sau này sẽ không còn cơ hội nói nữa."

"Còn nhớ lúc chúng ta còn trẻ gặp nhau lần thứ hai không? Sau lớp tuyết vạn vật trắng xóa, chỉ có mình muội mặc bộ hồng y, chói sáng thu hút ánh mắt của người. Nhưng trên khuôn mặt nhuộm bi thương, khiến người ta muốn dành hết những gì tốt đẹp nhất trên đời cho muội, chỉ để giành được nụ cười của muội."

"Muội đòi ta bảy mươi lượng bạc, thựa ra hôm ấy ta mang đủ tiền, nhưng chẳng biết tại sao ta lại không muốn trả. Ta chỉ mong muội bắt ta dùng cả đời để trả, vậy thì ta có thể dành cả đời này đền cho muội."

Nói đến đây y dở khóc dở cười: "Ai mà ngờ hôm đó trước khi chia tay muội còn nói muốn kết nghĩa cùng ta, còn bảo ta là gã ngốc nhiều tiền. Trước nay ta chưa từng thấy ai nói thật như muội cả."

Ta không biết lúc đó y cất giấu tâm tư ấy, xem ra kẻ ngốc ở đây lại chính là ta.

Ta nhớ tới tấm ngọc bội mình giấu dưới đáy hòm cùng bộ hồng y kia, có lẽ nên trả lại cho Văn Chiếu rồi.

Khuôn mặt già nua của ta đỏ lên: "Haiii, chuyện qua cả rồi, còn nói lại làm gì nữa?"

"Phải, đã qua rồi."

"A Dung, đời này gặp muội, ta không hối hận."

"Ta cũng vậy, cả Tiêu Dịch nữa." Ta đáp.

Vị khách mỏi mệt nay đã già, khi xưa bất nại xuân hà, mấy khi chẳng băng qua hồ nước. Hoa chốn phương Nam say ngây ngất, lưu lại ngựa nêm khúc thúy lầu.

Ta cứ nghĩ một đời này ngắn lắm, thì ra cũng rất dài.

(Hoàn chính văn) 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.