Thạch Kiếm

Chương 81: Con đò chiều




Thu qua, đông tới rồi lại sang xuân.

Tháng tư năm ấy, hành khách đứng chờ tàu trên bến Sakai đông nghẹt.

Thạch Đạt Lang cũng là một trong số những hành khách đáp tàu đi Kokura, nhưng còn bịn rịn vì cuộc tiễn đưa của các thân hữu trong một lữ quán trên bến.

Cổ Huy Đạo, Vương Chính đều có mặt. Hải Chính Hành không đến được vì bệnh, ủy cho thứ nam Hải Tụ Khuê đi tiễn. Tụ Khuê lại dẫn vợ, một giai nhân tuyệt sắc ở xóm Liễu đi theo. Cả bọn ra bến. Bao con mắt đổ dồn cả vào trang giai nhân tuyệt thế.

- Chà ! Con người mới đài các làm sao ! Giai nhân này là ai vậy ?

- Yến Nương đấy !

- Phải Yến Nương, danh kỹ quán Lạc Thiên ngày trước chăng.

- Chính thị.

- Không phải.

Kẻ cho rằng đúng, người bảo sai. Thạch Đạt Lang không nhận ra cũng chẳng lấy gì làm lạ vì nàng này là Tiểu Yến Nương, không phải Yến Nương ngày trước. Chẳng ai biết nàng Yến trước đi đâu, còn độc thân hay đã xuất gia, vì đã lâu nàng chẳng được ai nhắc đến. Trong nếp sống phù du nơi xóm Liễu, hoa nở rồi tàn, thời gian đi mau lắm.

Yến Nương ! Cái tên gợi lại bao kỷ niệm trong lòng Thạch Đạt Lang. Những đêm tuyết xuống đầy trời như mai rụng ... Mùi thơm của gỗ củi mẫu đơn ... Cây đàn tỳ bị vỡ...

- Thấm thoắt thế mà đã tám năm ! Cổ Huy Đạo than tiếc. Tám năm không gặp tráng sĩ. Chóng quá !

Thạch Đạt Lang lặp lại như trong giấc mơ:

- Ừ nhỉ, tám năm rồi ! Chẳng biết những năm tháng đó chúng đi đâu ?

Hắn bỗng có cảm giác lần đi này đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong đời hắn. Thạch Đạt Lang đến Kokura, tỉnh Buzen, nơi hắn sẽ đương đầu với Giang Biên Liễu Cát Xuyên Mộc trong một cuộc tranh tài về kiếm thuật và nội lực. Cuộc tranh tài này đã được chuẩn bị từ lâu do sự thúc đẩy của Điền Xán Quang.

Kể từ ngày Cát Xuyên Mộc được thu nạp vào làm đệ nhất giảng viên trong Kiếm pháp giảng tập bộ Ở dinh Hòa Giả, ai cũng biết cuộc đối đầu này rồi ra không thể nào tránh được.

Đối với Thạch Đạt Lang, đây là một cuộc tranh chấp phi lý và phù phiếm nhưng hắn không thể từ chối nếu không muốn chịu những tiếng thị phi của võ lâm và những lời chê trách của những người đã thành tâm giúp đỡ hắn. Như giọt dầu bị cuốn theo bánh xe của một guồng máy lớn, Thạch Đạt Lang phải tuân theo những thế lực và tiêu chuẩn khắt khe của xã hội thời đó.

Được mọi người tôn vinh, Thạch Đạt Lang cảm thấy ngượng ngùng. Hắn chẳng ngờ và cũng chẳng bao giờ muốn được coi như thần tượng của ai. Sống trong một khung cảnh luôn luôn chỉ nghe những lời khen lao, xưng tụng, Thạch Đạt Lang sợ hãi không nhìn thấy hoặc không dám nhìn những khuyết điểm của mình. Có người đã nói:

“Nếu cứ ngồi trước đèn, nhìn bóng mình trên tường, thấy bóng mình to, lâu dần tưởng mình cũng to như thế”. Làm anh hùng cho thiên hạ ngưỡng mộ không phải là mục đích của Thạch Đạt Lang, bây giờ hay những năm sau này nữa.

Thực ra, thắng hay bại, hắn chẳng quan tâm. Giai đoạn đi tìm gặp hảo thủ để thử thách tài năng, phân định hơn kém, đã qua rồi. Hắn muốn dành nhiều thì giờ trong việc trau dồi kiếm học, dùng lưỡi kiếm như một phương tiện để bảo vệ xã hội được tốt đẹp hơn. Chiếc áo đen rộng tay hắn đang mặc là do thân mẫu Cổ Huy Đạo khâu cho, đôi dép cỏ hắn đi, chiếc nón nan hắn đội của Hà Chu Cát Tỉnh tặng, thanh kiếm đeo bên sườn:

quà của Vương Chính. Cơm hắn ăn, nhà hắn ở ... tất cả đều là do công lao của những người hắn quen biết hay không quen biết, hắn có bổn phận phải đền đáp những công lao ấy.

Sự tranh thắng sắp tới sẽ là cuộc tranh thắng cuối cùng. Sau này, nếu chết thì thôi, nếu còn sống, lưỡi gươm hắn sẽ không bao giờ được dùng vào những hành động vị kỷ và phù phiếm như thế nữa mà sẽ phải phục vụ cho một mục đích cao cả khác.

Tàu sắp nhổ neo, chân sào đã ra giục khách. Giờ chia tay của một giang hồ lãng tử như hắn, thế mà cũng bịn rịn.

Thạch Đạt Lang cúi đầu tạ Ơn những lời chúc bình an lần chót. Bình an ! Bình an !

Thạch Đạt Lang mỉm cười. Hắn đã chọn cuộc sống chẳng bình an, chúc làm gì những lời ngô nghê ấy !

Tàu nhổ neo. Cánh buồm căng phồng trước gió. Sườn tàu sóng vỗ dạt dào tung bọt trắng xóa. Như cánh chim hải âu bay ra biển rộng, con tàu lướt nhanh trên mặt nước xanh màu lục dưới trời lấm tấm sao.

Khách tiễn chân lục tục ra về gần vãn thì có người hối hả chạy đến. Thấy tàu đã ra khỏi bờ khá xa, gã giậm chân bứt tóc:

- Thật đáng giận ! Trễ mất rồi ! Đáng lẽ ta nên đến ngay mới phải.

Hỏi ra mới biết là Lâm Bằng. Cổ Huy Đạo nói:

- Phải chăng tráng sĩ đến tiễn Thạch đại hiệp ?

- Dạ phải. Tiếc rằng tiểu nhân tới quá trễ.

- Không sao. Vài ngày nữa lại có chuyến khác, ngại gì !

- Tiểu nhân có ý muốn cùng đi với Thạch huynh.

- Ồ ! Thì ra tráng sĩ có liên hệ ...

- Dạ phải. Thạch Đạt Lang đã nhân tiểu nhân làm nghĩa đệ ; tuy thế, trong thâm tâm, tiểu nhân coi ông như sư phụ. Xin thứ lỗi, dám hỏi tiên sinh phải chăng là Cổ Huy Đạo, ngoại hiệu Kim Phong ...

Cổ Huy Đạo cười, vỗ vai Lâm Bằng:

- Phải phải ... Thế tráng sĩ cũng biết đến tiện danh đấy ! Vậy ta vào trong quán này uống trà đi. Ở đây gió đã lạnh.

Trong quán, không khí ấm áp dễ chịu. Hai người chọn một chỗ gần bếp lửa. Trà bánh mang ra, câu chuyện thêm đầm ấm, thẳng thắn. Lâm Bằng nói:

- Chuyến đi này của Thạch huynh thật là chuyến đi quyết định. Tiểu nhân không tin Giang Biên Liễu có thể thủ thắng được. Nhưng ...

Hắn có vẻ ngại lời. Lát sau nói tiếp:

- Việc đời biết sao mà nói trước. Trong trường chiến đấu, đã là kiếm sĩ ai cũng phải trải qua những trận một mất một còn như thế. Một chút rủi may đủ định được thành bại...

Cổ Huy Đạo nghiêm trang:

- Lão phu tưởng tráng sĩ chẳng nên lo ngại quá. Thạch đại hiệp xem ra thoải mái và tự tin lắm.

- Tiểu nhân chẳng ngờ gì điều ấy nhưng Giang Biên Liễu không phải tay vừa. Từ khi vào phục thị trong dinh Hòa Giả, nghe nói những chiêu kiếm của hắn càng ngày càng tinh thục đến Đạo Uẩn cũng phải e dè. Không những thế, hắn lại còn khai triển nhiều chiêu thức lạ lùng khác nữa.

Cổ Huy Đạo gật gù:

- Lại càng chứng tỏ cuộc chiến sắp tới gay go, đáng xem lắm. Một cuộc tranh phong giữa một kỳ nhân về kiếm thuật, tuy hơi hợm hĩnh, với một người thường. Tráng sĩ nghĩ thế nào ?

- Tiểu nhân không cho Thạch Đạt Lang là một người thường.

- Thế mà hắn là người thường đấy. Tự thấy không có điều gì phi thường, hắn đã luôn học hỏi, khép mình vào kỷ luật với một nghị lực vô biên để tự cải hoán. Từ một kẻ nông phu dốt nát, cục cằn, hắn đã trở thành kiếm sĩ tài năng, dũng lược không ai phủ nhận được. Thấy thế người ta cho hắn là siêu phàm, có tài năng thiên phú. Chẳng qua họ muốn che đậy, biện minh cho sự hèn nhát của họ mà thôi.

Lâm Bằng nhìn Cổ Huy Đạo. Con người tóc bạc hoa râm, phong thái tiêu diêu, thích hưởng nhàn, tránh những bon chen của cuộc sống mà lại nói thế ư ? Ông tự trách mình hay ngầm ý dạy ta một bài học ? Dù thế nào đi nữa, hắn đã lý hội được ý nghĩ.

Lâm Bằng cúi đầu thật thấp:

- Xin đa tạ tiền bối.

Đàm đạo hồi lâu, biết thêm được nhiều điều mới lạ về thân thế Thạch Đạt Lang, hắn thấy những nhận xét của Cổ Huy Đạo quả có đúng. Đêm khuya dần, tiếng ồn ào ngoài bến đò đã giảm. Lâm Bằng cáo từ nhà danh sĩ kiếm học, trở về phòng trọ. Hỏi thăm chủ quán, được biết tàu đi Kokura, nếu thuận buồm xuôi gió ít nhất cũng phải mất hai ngày đêm mới đến, hắn nẩy ý nghĩ muốn đi đường bộ để theo kịp Thạch Đạt Lang.

- Ông quán xem nếu đi đường bộ thì có cách gì đuổi kịp tàu không ?

- Khó lắm ? Phải vượt qua ba cái đèo cao, vất vả và mất nhiều thì giờ. Nhưng để coi, chắc cũng có cách chứ !

Ngừng một lát, ông gật gù tiếp:

- Tàu này thường cập bến Shikama đổ hàng. Nếu theo đường tắt đến đó trước khi tàu cập bến thì may ra có hy vọng.

- Bến Shikama ở đâu, có xa không ?

- Shikama là một vịnh nhỏ cách đây vài chục dặm về hướng nam. Ven vịnh có cái bến cùng tên. Đi Kokura, thế nào tàu cũng phải qua đấy, nhưng quý khách phải đi ngay mới kịp.

Lâm Bằng mừng rỡ, bảo lấy cho ít thực phẩm khô, trả tiền rồi hối hả lên đường theo lời chỉ dẫn của chủ quán.

oo Vịnh Shikama hôm ấy gió êm, biển lặng. Mặt nước phẳng lì như tấm gương trong, phản chiếu màu da trời xanh biếc. Chỗ nước sâu bên ghềnh đá, một con sứa trắng phau bơi lờ lững. Cảnh vật êm đềm khiến Oa Tử cũng dịu được phần nào nỗi lòng khắc khoải.

Cùng đi với nàng trên chiếc đò nhỏ đón Thạch Đạt Lang có bà Hồ Điểu và Giang, cả hai lòng bồn chồn chẳng kém gì Oa Tử.

Bà Hồ Điểu từ khi được gia nhân khiêng về làng săn sóc, chẳng bao lâu đã bình phục. Sức khỏe bà vẫn như xưa nhưng tính tình thì thay đổi hẳn.

Từ khi biết được Oa Tử đã cứu mình thoát chết trong hốc đá, bà nhìn nàng bằng cặp mắt khác. Bà triệu tập cả họ lại, tỏ lòng sám hối về những việc đã làm và tuyên bố hủy lời hứa hôn của Mãn Hà Chí với Oa Tử. Không những thế, bà còn công khai bày tỏ lòng biết ơn Oa Tử và muốn nàng kết duyên với Thạch Đạt Lang, người mà bây giờ bà cho là xứng đáng với nàng nhất.

Chỉ tiếc Oa Tử không còn được như trước. Sau trận mưa ngày hôm đó, nàng bị cảm lạnh cứ ho khan. Vốn tạng người yếu đuối, lại phải dùng sức quá độ, bệnh cũ của Oa Tử tái phát, sức khoẻ mỗi ngày một suy giảm.

Sư cụ chùa Tiểu Sơn thương tình dành cho một phòng nhỏ sau hậu liêu, cạnh phòng dệt như trước và để nàng tùy tiện thong dong ngày hai buổi sớm hôm đèn nhang cúng Phật.

Oa Tử gầy đi nhiều, da mặt trắng xanh, đôi mắt đăm chiêu u uẩn càng tăng thêm cốt cách thanh tú khiến nàng có một vẻ đẹp siêu thoát ai thấy cũng phải não lòng. Hàng ngày, bà Hồ Điểu lui tới chùa lễ Phật, nhân tiện thăm nom Oa Tử.

Thấy bà thương mình như con, ban đầu Oa Tử còn dè dặt, sau không nghi ngờ gì nữa. Nghe những lời thăm hỏi ân cần và trước những cử chỉ tuy nhỏ nhặt nhưng nặng ý quan hoài của bà:

đắp thêm cho nàng tấm chăn, giúp nàng sắc siêu thuốc, Oa Tử cảm động đến rơi lệ. Nàng thầm cảm ơn đức Bồ Tát đã chấp nhận những điều nàng khấn nguyện, cảm hóa bà trở thành một người khác. Dân làng đều lấy làm lạ. Một con người trước đây ngang bướng và độc đoán nhất họ đột nhiên trở nên nhu hòa phúc hậu khác thường, ai ở gần cũng mến.

Ở cái tuổi mà sống thêm được ngày nào cảm ơn Trời Phật ngày ấy, bây giờ bà Hồ Điểu mới biết thế nào là yêu thương và thông cảm nỗi bất hạnh của kẻ khác. Bà lấy thế làm sung sướng và hãnh diện. Dù không có Mãn Hà Chí ở bên, nỗi cô đơn cũng bớt dần, sắc mặt bà mỗi ngày một thêm rạng rỡ. Có người đã lâu không gặp, thấy bà, bỗng ngạc nhiên thốt:

“Ủa, bà Hồ Điểu đấy ư ? Sao bây giờ coi tươi tắn quá !”. Bả chỉ cười khanh khách. Trước kia ở làng ra đi, tóc bà hoa râm, bây giờ soi gương đã trắng như tuyết.

Nhưng bà tự nhủ:

“Chẳng cần. Miễn lòng ta thanh thản không tì ố là ta mãn nguyện”.

- Ngươi có lạnh không, Oa Tử ?

Ngồi trong khoang thuyền, bà Hồ Điểu cầm tay Oa Tử, trìu mến.

- Không, con không lạnh. Nhưng bà cũng nên cẩn thận. Về chiều, ngoài bãi thường có sương, trời ẩm dễ sinh phong thấp lắm.

- Ừ, ta biết chứ ! Để đi thêm đôi tất vào rồi nhóm lửa nấu cái gì ăn chứ. Ngươi muốn ăn gì, Oa Tử ?

- Con không đói.

- Không đói cũng phải cố ăn một chút để lấy sức. Tàu đến, thằng Kinh Tử thấy ngươi gầy yếu thế này, nó buồn lắm đấy !

Bà vẫn không bỏ thói quen gọi Thạch Đạt Lang bằng Thạch Kinh Tử.

Oa Tử nhìn ra khơi, cố ngăn giọt lệ xúc động.

Người lái đò bước vào khoang, tay xách ấm nước. Bà Hồ Điểu hỏi:

- Tàu đi Kokura đã sắp đến chưa ?

- Chưa đâu, lão bá ! Trời lặng gió thế này làm sao đi nhanh được. Chắc phải khuya mới tới.

Oa Tử thở dài:

- Lâu quá nhỉ ! Thằng Giang đâu bà ?

- Ta bảo nó ra bến đón hễ tàu đến thì về báo. Chắc bây giờ nó còn ở đấy.

Trên bến bắt đầu rộn rịp. Cùng với những người lui tới đưa đón thân nhân hoặc nhận gửi hàng hoá, Lâm Bằng cũng có mặt từ trưa. Một số khác, nghe đồn sắp có cuộc tranh phong giữa hai tay kiếm sĩ danh tiếng đương thời là Thạch Đạt Lang và Cát Xuyên Mộc tại Buzein thì nổi lòng hiếu kỳ muốn được tận mắt trông thấy một trong hai tay danh kiếm ấy, nên hộp nhau lại tại lữ quán độc nhất trên bến để chờ đợi. Lại có nhà mạnh thường quân vì nghe danh và ái mộ Thạch Đạt Lang đã lâu, đặt sẵn tiệc rượu khoản đãi. Bến Shikama vì thế lần này khác với những lần trước, ồn ào náo nhiệt hơn. Ai cũng chờ đợi, mong ngóng. Thuyền nhỏ đổ về như lá tre.

Để tránh những con mắt tò mò nhòm ngó, bà Hồ Điểu và Oa Tử cứ ở rịt dưới đò, chờ Giang trở về báo tin.

Nhưng chờ mãi chẳng thấy gì. Bóng chiều đã ngả, phương tây trời đỏ khé chuyển sang tím nhạt rồi chẳng bao lâu chỉ còn vệt sáng dài phân cách chân trời với mặt biển.

Những tàng thông trên ghềnh đá cao bắt đầu ngả màu đen xẫm. Gió chiều nhè nhẹ gợn sóng lăn tăn, rải rác trên vài con thuyền đã thấy lên đèn:

những chấm sáng màu cam lúc ẩn, lúc hiện nhấp nháy.

- Hay chúng ta đến lầm ngày ?

- Không đâu ! Đúng hôm nay đấy. Tôi đã sai người đi hỏi tin tức, đại lý họ cho biết tàu nhổ neo chiều qua dời bến Sakai. Chắc trễ vì không có gió, phải chèo tay đấy thôi.

Bỗng có kẻ hô lớn:

- Kia kìa ! Tàu đến kia kìa !

Mọi người nhốn nháo trông ra. Xa tít ngoài khơi, quả nhiên thấy hiện lên trên nền trời xanh thẫm một chấm đen nhỏ.

Giang hốt hoảng chạy về. Chưa vào hẳn trong khoang, nó đã gọi giật giọng, thở hổn hển:

- Bà Hồ Điểu ! Cô Oa Tử ! Tàu đến ! Tàu đến rồi !

Oa Tử tung chăn ngồi dậy. Bà Hồ Điểu cũng lật đật:

- Đâu ? Đâu ? Phía nào ? Tối quá, ta chẳng trông thấy gì cả. Ra ngoài khoang xem sao !

- Vâng ! Vâng !

Trong lúc vội vàng, Oa Tử run lật bật suýt ngã.

- Cẩn thận ! Oa Tử, đưa tay đây ta đỡ.

Bà Hồ Điểu bảo Giang, mỗi người một bên, vực Oa Tử lên trên sạp.

Ngoài kia, trên mặt biển đen ngòm, dưới ánh sao mới mọc, chấm đen cứ to dần cho đến khi hiện ra lờ mờ một cánh buồm lớn.

- Đấy ! Tàu của sư phụ, cô có trông thấy không ?

Oa Tử gật đầu rồi bảo:

- Bác lái đâu, chèo ra đón tàu đi !

Nhưng người lái đò đáp:

- Vội gì cô ! Kìa đã có vô số người chèo thuyền ra đón rồi kìa.

Giang cũng phụ họa:

- Phải rồi ! Thế nào rồi tàu cũng cập bến. Bây giờ cô ra, người ta nói. Vả lại làm sao sư phụ xuống thẳng đò này được, phải tiếp đón những người kia trước đã chứ !

Oa Tử gắt khẽ:

- Em thì cứ nghĩ thế ! Như vậy ta cứ đợi trên bờ có hơn không ?

- Cô không biết miệng thiên hạ hay đồn đại lắm. Cô yên tâm, thế nào em cũng tìm cách thông báo để sư phụ biết, đến đây gặp cô.

Nói đoạn, không đợi trả lời, Giang nhảy vội lên bờ lẩn vào đám đông cầm đèn đứng lố nhố trên bãi.

Bà Hồ Điểu gật đầu cho là phải:

- Thằng Giang nó nói đúng đấy. Con cứ ở đây. Bà thấy con còn yếu lắm, chẳng nên xông xáo.

Nghe lời, Oa Tử bước vào khoang. Xúc động, hồi hộp khiến nàng cảm thấy tức thở, ngực nóng ran. Cơn ho ở đâu kéo đến, Oa Tử húng hắng rồi rũ rượi, mặt trắng bệch.

Qùy bên cạnh, bà Hồ Điểu dùng tay vuốt ngực nàng nhè nhẹ.

- Lại ho rồi ! Ta đã bảo ngươi chớ nên lo lắng thái quá, thế nào rồi nó cũng tới mà.

Nằm xuống đây nghỉ một chút đi.

Bà đỡ Oa Tử nằm xuống, kéo chăn đắp. Nắm tay bà lão, bàn tay nhăn nheo điểm những vệt đồi mồi lấm tấm, trong lòng bàn tay gầy guộc của mình, nước mắt Oa Tử bỗng trào ra thấm ướt cả gối.

- Cảm ơn bà ...

Oa Tử nghiêng đầu nhìn qua khung cửa sổ. Con tàu nằm im bất động, thuyền nhỏ vây quanh chẳng khác gì một con cá voi khổng lồ mắc cạn bị những con cá con xông đến rỉa thịt.

Đợi mãi không tin tức, bà Hồ Điểu sốt ruột bảo:

- Oa Tử, ngươi cứ nằm đây để ta lên bến xem có chuyện gì mà thằng Giang đi lâu thế !

Một mình trong khoang thuyền vắng vẻ, Oa Tử ngồi dậy, sửa xiêm áo ngay ngắn rồi thắt lại dây lưng. Nàng thò tay ra ngoài mạn thuyền cầm nhúng nước chải đầu và buộc tóc lại gọn ghẽ sau gáy bằng một sợi lụa đỏ. Rồi soi gương, phớt nhẹ chút phấn hồng lên má, đoạn ngồi bó gối đăm đăm nhìn con tàu ngoài xa.

Nàng phải nói gì với Thạch Đạt Lang nhỉ. Phân vân quá ! Giờ phút này biết nói gì đây ? Những ngày sắp tới là những ngày quyết liệt, Oa Tử chẳng muốn có những lời nói hoặc cử chỉ khiến lòng Thạch Đạt Lang phải mềm yếu. Nàng tin ở Thạch Đạt Lang, ở tài năng của chàng, nhưng biết đâu, ờ biết đâu đấy, một ý nghĩ về nàng khiến Thạch Đạt Lang phải phân tâm trong lúc nguy cấp ... Trời ơi ! Nếu Thạch Đạt Lang thất bại, nàng sẽ đau khổ biết chừng nào, sẽ hối hận biết chừng nào ... Lúc ấy chỉ còn một cách ...

Chết ! Chết để chuộc lại lỗi lầm ... Suối vàng sẽ là nơi gặp mặt ...

Nhưng ... nhưng đã bao lâu rồi, nàng có dịp nào bày tỏ nỗi lòng với Thạch Đạt Lang đâu ? Kể từ khi rời thác Phu Phụ ngày ấy, Thạch Đạt Lang bỏ đi, chẳng biết có hiểu nàng không ? Nàng thì không bao giờ quên được nối băn khoăn lo lắng đến hốt hoảng của người tình khi nàng cố gắng từ chối sự cưỡng ép, không để chàng bị ràng buộc bởi những trách nhiệm khác ngoài kiếm đạo.

Bao nhiêu nước chảy qua cầu ... bao nhiêu biến cố ... Oa Tử đắm mình trong giấc mộng. Trong bóng tối, tiếng muỗi vo ve, Oa Tử không để ý cho mãi đến khi có tiếng chân bước ngoài mũi thuyền, nghe giọng Giang nói với bà Hồ Điểu nàng mới sực tỉnh.

- Bà Hồ Điểu ! Hỏng rồi !

- Hỏng rồi ? Hỏng cái gì ? Mày nói gì mà khó hiểu vậy ?

- Thì khoan đã, bà để từ từ con cắt nghĩa.

- Không cắt nghĩa gì cả. Sao mày đi lâu thế ? Thằng Kinh Tử có đến không ?

Bực tức, Giang đáp sẵng:

- Không !

- Không ? Nó không đến hả ?

- Không ! Tàu không cập bến mà cũng chẳng có ai lên bờ cả.

Bà Hồ Điểu trố mắt nhìn Giang, đoạn liếc vào trong khoang thuyền rồi nghĩ sao bà kéo tuột Giang lên bờ.

- Này Giang ! Khe khẽ chứ. Nào bây giờ nói ta nghe chuyện gì xảy ra thế ?

- Tàu chỉ đậu ngoài xa để chuyển hàng xuống thuyền nhỏ mang vào bờ thôi, vì đêm nay ít hàng. Họ bảo đã trễ rồi phải đi gấp.

- Thế còn thằng Kinh Tử ?

- Có hai người đã chèo thuyền ra gặp để mời ông vào quán, nhưng ông từ chối.

Ông nói có việc cần phải theo tàu đi ngay.

- Sao mày không theo ra ?

- Con biết họ đi lúc nào mà theo ! Họ về kể lại mới biết chứ !

Bà Hồ Điểu ngẩn người. À, thì ra thế ! Nhưng biết nói sao với Oa Tử đây ! Lúng túng, bà bảo Giang:

- Hay gọi lái đò bảo họ chèo thuyền theo ?

- Trễ rồi bà ạ ! Kìa bà trông, tàu đã ra xa rồi còn gì !

Bà Hồ Điểu tần ngần đứng lặng. Lúc sau, đẩy Giang xuống thuyền trước:

- Mày xuống trước đi, ta đi sau ! Nói cho Oa Tử biết chuyện xảy ra như thế, ta chẳng có can đảm nói với nó đâu ! Mà kheo khéo nhé, kẻo nó thất vọng quá lại tăng thêm bệnh.

Vào trong khoang, đã thấy Oa Tử dậy từ bao giờ. Nàng ngồi dựa mạn thuyền, mắt nhìn vào quãng không như kẻ mất hồn.

- Cô Oa Tử !

- ...

- Cô thấy trong người thế nào ? Sao không nằm nghỉ ?

- Thầy em không đến phải không ?

Giang giật mình:

- Dạ, không ! Nhưng sao cô biết ?

- Cô nghe rõ hết cả rồi !

Nàng quay mặt ra, nước mắt ràn rụa:

- Buồn quá nhỉ ! Cứ nghĩ chàng gần như thế mà cô chẳng được gặp.

Bà Hồ Điểu cũng vừa tới ngồi xuống bên. Bà cầm tay Oa Tử và chùi nước mắt cho nàng.

- A di đà Phật ! Số mệnh cả con ạ, chẳng nên buồn làm gì. Can đảm lên, còn mấy ngày nữa kia mà. Bà đã tính rồi.

- Bà tính sao ?

- Ta sẽ thuê thuyền đi đến tận Kokura. Bà cũng có vài điều muốn nói với nó.

Oa Tử gật đầu. Đột nhiên, nàng thấy dậy lên trong lòng một ao ước ghê gớm muốn được gần Thạch Đạt Lang, kể cho chàng nghe hết nỗi niềm tâm sự để đánh tan những ngộ nhận có lẽ chàng vẫn ấp ủ từ bấy lâu nay. Dù sống hay chết, nàng cũng phải nói.

Nếu Thạch Đạt Lang thắng thì hay, bằng không ... bằng không ... nàng sẽ tự tay thu nhặt di hài của chàng đem về Miyamoto chôn cất. Rồi sau đó sẽ theo chân chàng về bên kia thế giới, cùng người yêu đoàn tụ đời đời ...

Nghĩ đến đấy, Oa Tử mỉm cười, đôi má ửng hồng. Nàng lại thấy phấn khởi, máu nóng chạy rần rần trong huyết quản, như xưa kia lúc mới đôi tám, nàng đã trèo lên cây đại bách sau chùa Tiểu Sơn cắt dây trói cứu Thạch Kinh Tử trong một đêm dông bão.

Và ở đâu, cơn ho lại kéo đến, sặc sụa, rũ rượi khiến Oa Tử gục xuống !

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.