Tên Hòa Thượng Muốn Độ Ta Cong Rồi!

Chương 59: Lại một lần nữa




"Sáng sớm ngày mai, tuyên cáo lệnh về ôn dịch."

"Thông báo các châu phủ, quản lý nghiêm ngặt thông hành hai miền nam bắc, cấm bách tính bắc cảnh lén lút đi xuống nam cảnh. Phong tỏa toàn bộ các vùng ven bờ sông phía nam, bách tính ở đây cũng không được qua lại, nếu có trường hợp bất thường, phải đăng ký họ tên vào danh sách, sau khi được ta đặt biệt phê chuẩn, mới được phép đi."

Hoàng cung giữa đêm khuya vẫn sáng trưng, Bộ Nhiễm mặc quan phục dày nặng của trưởng công chúa, nhíu chặt lông mày, ép xuống lo lắng trong lòng.

Viên quan bộ lại đưa cho nàng danh sách những người xin được lên bắc cảnh, nàng nhìn kỹ từng cái tên, phân phó: "Ta nhớ chưởng môn Phật môn, Cố Hư pháp sư đã chuẩn bị tới bắc cảnh từ mấy ngày trước, ngài ấy đã gửi lời cho ta, còn muốn dẫn dắt tăng nhân trong chùa tới cứu độ bệnh dịch ở bắc cảnh... Truyền lệnh, quan lại dọc đường phải tôn kính người trong Phật môn, không được phép gây khó dễ."

Viên quan lại lại trình thêm một quyển tấu chương: "Trưởng công chúa điện hạ, vị điện hạ trong vương phủ kia cũng trình tấu chương."

Bộ Nhiễm ngẩn người: "...Lưu Lưu? Đưa đây cho ta xem."

Phòng Lưu luôn tránh xa chính sự, trừ ngày mừng thọ bắt buộc phải dâng tấu chương thỉnh an, bình thường cậu không bao giờ chủ động dâng tấu, việc này đúng là cực kỳ hiếm thấy.

Viên quan lại xem thần sắc trưởng công chúa, trong lòng thắc mắc, không biết vị hoàng trữ có huyết thống bất chính kia dâng tấu chương đòi cái gì? Lại khiến cho trưởng công chúa khó chịu như vậy.

Bộ Nhiễm "Ba" một tiếng, gập tấu chương lại, quăng sang một bên, tức giận nói: "Trước đây, ngày ngày chạy ra ngoài ta còn chưa truy cứu, nhưng bây giờ là lúc chạy loạn được sao? Truyền lệnh ——trong lúc ôn dịch, không cho phép Phòng Lưu bước ra khỏi vương phủ dù chỉ một bước!"

Hiếm khi nàng lại nóng nảy, cứ đi đi lại lại trong điện như vậy: "Ta phải đi thỉnh thánh chỉ của hoàng thượng, xem nhóc con này có gan kháng chỉ không?"

Lúc Phòng Lưu quỳ tiếp chỉ, sắc mặt lại rất bình tĩnh, không lộ ra biểu tình khác thường nào trước mặt mọi người.

Sau khi cậu nhận được tin tức đầu tiên của Trì Võng, đã thức trắng hai đêm, đốc thúc các thế lực có vườn dược liệu ở nam cảnh phải nhanh chóng vận chuyển dược liệu đi.

Dưới áp lực của cậu, tốc độ vận chuyển dược liệu tới bắc cảnh của Lan Thiện Đường thế mà còn nhanh hơn cả Huyên Thảo Đường và quan phủ tới năm canh giờ, nhanh chóng giải quyết tình thế nguy cấp ở bắc cảnh.

Trong thư của Trì Võng, giấy trắng mực đen viết rõ: cậu không được phép qua sông.

Cả một mùa đông không gặp, đã khiến cho Phòng Lưu nhung nhớ khôn nguôi, cậu còn đang đợi băng trên sông tan ra, không ngờ lại đợi phải ôn dịch quay lại lần thứ hai.

Nhưng tại sao lại không cho cậu qua sông? Có phải vì Trì Võng cũng không chắc chắn sẽ bảo vệ được cậu không?

Vẫn chưa có bệnh nhân ôn dịch nào ở bắc cảnh được chữa khỏi, Tiểu Trì ca ca của cậu mỗi ngày đều phải chiến đấu ở nơi gần với ôn dịch nhất.

Bất an trong lòng Phòng Lưu càng lúc càng lớn, khiến cho cậu ngày ngày đứng ngồi không yên.

Cậu trình tấu chương là vì muốn có một thân phận để qua sông, nếu Trì Võng cho phép, cậu sẽ xuất phát ngay lập tức.

Cuối cùng lại nhận được một thánh chỉ cấm đi, giam cầm cậu trong vương phủ.

Sau khi đưa tiễn người đến tuyên chỉ, cung kính trên mặt Phòng Lưu biến mất sạch.

Ngươi muốn cái gì đây Bộ Nhiễm? Tại sao lại đối xử với ta như thế?

Cậu bứt rứt đi lại trong viện đến tận đêm khuya, không ngờ lại nhận được phong thư thứ hai của Trì Võng.

Sau khi hủy thư, cậu nở nụ cười.

Cậu cẩn thận đốt sạch thư tín, xoay người thay sang một thân y phục dạ hành, đeo song kiếm của mình, từ trong viện bay ra ngoài.

Hoàng cung, trong tông miếu của hoàng thất Trọng triều, hai người Bộ Nhiễm và nữ hoàng đế trước sau quỳ xuống theo đúng lễ nghi.

Sắc mặt hoàng đế rất khó coi, thanh âm suy yếu: "Tiểu Nhiễm, bây giờ sao rồi?"

Bộ Nhiễm hành lễ, đáp: "Cực kỳ xấu, trên toàn bộ bắc cảnh, chỉ có chỗ nào có nhiều tín đồ Thiên Sơn Giáo mới được bình an vô sự trong trận ôn dịch lần này. Thiên Sơn Giáo đã bắt đầu phái người lan truyền khắp bắc cảnh, truyền bá rằng chỉ có gia nhập Thiên Sơn Giáo mới không bị trời cao trừng phạt, không mắc phải ôn dịch, một lượng lớn bách tính bắc cảnh lâm vào tuyệt vọng đã gia nhập Thiên Sơn Giáo, giáo chủ cũng đã bắt đầu phân phát thuốc giải."

"Thành trấn phụ cận các vùng núi bắc cảnh đã bị vây hãm, rất nhiều quan chức Trọng triều của chúng ta vậy mà lại câu kết với Thiên Sơn Giáo từ lâu, ngồi im mặc kệ, chỉ chờ đến lúc đại cục thay đổi, lập tức phản chiến. Mà thuốc giải... đến giờ vẫn chưa có tin tức gì."

Bộ Nhiễm hít thật sâu một hơi: "Quân phản loạn đã bắt đầu thành hình, nếu cứ tiếp tục như vậy..."

Thân hình nữ hoàng đế run lên một cái, nghe tin dữ, hỏa giận công tâm khiến cho thân thể không chịu đựng nổi.

Bộ Nhiễm lập tức gọi: "Hoàng di? Người đâu! Thỉnh thái y."

Hoàng đế gấp gáp giữ chặt tay nàng: "Tiểu Nhiễm, thay hoàng di quỳ ở tông miếu thêm một lúc... Không thể bất kính với tổ tông."

Bộ Nhiễm tự mình tiễn hoàng đế về tẩm điện, rồi mới nặng nề quay lại tông miếu.

Nàng nhận một cốc đốt đèn, nói với cung nữ đứng hầu bên cạnh: "Lui ra đi.", rồi tự mình mở cửa từ đường của hoàng thất Trọng triều, tiến vào một mình.

Từ đường của hoàng thất Trọng triều thờ phụng tổ tiên Phòng thị. Trong số rất nhiều chân dung được hương khói nghi ngút, chỉ có một người cầm kiếm đang nghiêng người trên tường thành, nhìn về phía dân cư dưới núi tuyết bắc cảnh.

Bức họa này, là hoàng đế thứ hai của Trọng triều, Phòng Nhị. Trong số những nữ hoàng đế được thờ phụng ở từ đường, ngài là một nam hoàng đế hiếm hoi.

Nhưng cũng là một hoàng đế có dung mạo xuất chúng hơn hẳn các nữ hoàng đế, sử sách chép lại dung mạo anh tuấn của ngài, cũng trung thực ghi nhớ công lao suốt đời của ngài.

Tranh này có lẽ được vẽ khi ngài bốn mươi tuổi, lúc ngài thống lĩnh binh lính, đích thân bình định loạn lạc dưới chân núi Thiên Sơn, cuối cùng thống nhất thiên hạ hai miền nam bắc dưới trướng Trọng triều, từ đây tiến vào thời kỳ thịnh thế.

Hiện tại cách lúc đó đã hơn trăm năm, không ngờ bắc cảnh lại lâm vào cảnh tai ương, đối diện với nguy cơ bị tà giáo chia cắt.

Bộ Nhiễm lại quỳ xuống.

Trong lòng nàng toàn là ưu sầu: "Nếu Minh Đế có linh, thỉnh phù hộ cho con cháu Phòng thị... Trong chư vị tiên đế, Huân tỷ thích nhất là ngài, ta thay nàng cầu xin ngài giúp cho Trọng triều thuận lợi vượt qua cửa ải khó khăn này."

Nàng lặng lẽ cầu khẩn rất lâu, lúc ngẩng đầu lên, ở góc độ này bỗng nhiên phát hiện dưới chân dung Trọng Minh đế có điểm khác biệt với các vị khác.

Quyển chân dung này hình như dày hơn một chút. Bộ Nhiễm nghiêng đầu nhìn nửa ngày, đột nhiên cau mày.

Nhưng nàng còn chưa kịp làm gì, đã có một phong thư cấp báo, được đưa thẳng vào từ đường.

"Báo trưởng công chúa ——một canh giờ trước, lúc Cố Hư pháp sư tới bờ sông, gần tới bến tàu thì bị tập kích, trúng phải kỳ độc, hiện tại tính mạng chỉ mành treo chuông, các tăng nhân đi cùng đang hộ tống pháp sư quay lại hoàng đô rồi."

Bộ Nhiễm dừng lại, rồi hỏi: "Ai lại dám làm càn dưới chân hoàng đô? Truyền thái y lập tức tới cứu chữa. Cố Hư pháp sư là người đứng đầu Phật môn, tuyệt đối không thể xảy ra sơ suất, truyền chỉ —— tra rõ việc này!"

Nàng thấy việc này khác thường, sốt ruột nói: "Tại sao lại ra tay với chưởng môn Phật môn?... Quá bất thường, lẽ nào nanh vuốt của Thiên Sơn Giáo đã thò xuống nam cảnh rồi... Đợi đã, người đâu! Người đâu!"

Bộ Nhiễm lạnh lùng nói: "Tuyên Phòng Lưu lập tức vào cung! Bây giờ! Ngay lập tức."

"Vâng, trưởng công chúa!"

Cung nhân nhanh chóng báo lại: "Trưởng công chúa... Phòng tiểu vương gia không có trong vương phủ."

Bộ Nhiễm đứng không vững, lùi về sau một bước, biến sắc nói: "Đuổi theo! Phái kỵ binh, lập tức đuổi theo bắt người đưa về đây cho ta!"

Cung nhân lĩnh mệnh rời đi, sau khi Bộ Nhiễm thở gấp mấy hơi, đã bình tĩnh lại.

Nàng xoay người trở về tông miếu.

Bây giờ có lẽ nàng cũng không biết phải làm gì, nàng ở đó ngơ ngác một lúc, phủ phục trên đất.

"Huyết thống hoàng thất Trọng triều mỏng manh, cầu xin chư vị tổ tiên trên trời có linh thiêng, phù hộ Huân tỷ bình an... Lưu Lưu cũng nhất định phải bình an."

Nàng thở dài một tiếng: "Ta và Huân tỷ sẽ luôn có cách để trở về nhà. Nhưng Lưu Lưu... lại không như vậy, cậu ấy tuyệt đối không thể xảy ra chuyện gì."

Phòng Lưu chạy cả đêm được mấy chục dặm, đến lúc hừng đông thì tới được thuyền của Vô Chính Môn, đưa ra ám hiệu, sai người đưa lên thuyền.

Đúng vào lúc này, trên quan đạo xuất hiện một khoảng đuốc sáng ngời, tiếng vó ngựa từ xa cấp tốc tới gần, có người hô to: "Tiểu vương gia, xin dường bước."

Phòng Lưu đột nhiên biến sắc: "Tại sao đã đuổi tới đây rồi? Đi mau!"

Ban đêm, nước sông chảy siết, Phòng Lưu lên thuyền nhỏ, nhanh chóng bị nước sông đẩy xa khỏi bờ.

Đoàn kỵ binh đứng ở bờ sông, gấp gáp hô to: "Phòng tiểu vương gia, người muốn kháng chỉ sao?"

Phòng Lưu cắn môi, trong tình huống bây giờ, cậu chỉ có thể chạy trốn thật nhanh, bao giờ trở lại thì đánh chết không thừa nhận là được. Nhưng nếu bị bọn họ bắt được, thì thế nào cũng không giải thích được.

Thuyền càng lúc càng xa bờ, đúng lúc này, một cái bóng đen chạy tới bờ sông, lấy đà, nhảy thẳng lên thuyền nhỏ của Phòng Lưu.

Thuyền nhỏ lắc rất mạnh, Phòng Lưu phản ứng cực nhanh, không chờ người kia kịp đứng vững, đã rút song kiếm ra khỏi vỏ, nhanh như điện đâm hắn.

So với biến cố ở bờ phía nam, Phổ Đà Tự ở bắc cảnh có thể nói là vô cùng an tĩnh.

Trì Võng và Tử An nghị sự ở dược phòng, lúc đi ra khỏi Tàng Kinh Các thì đêm cũng đã khuya.

Trì Võng vừa mới khỏi bệnh, đã cùng Tử An thức trắng đêm, sau nhiều lần suy đoán, lựa ra vài loại dược liệu có khả năng là thuốc giải nhất. Hoàn thiện, chế dược, thử thuốc, điều chỉnh, lại lập lại quá trình này thêm nhiều lần nữa, hành hạ nhau suốt cả ngày, đến lúc có thể thở ra một chút thì cũng đã sắp sáng rồi.

Mặc dù y không oán giận câu nào, nhưng đúng là y đã rất mệt rồi.

Y cùng với hòa thượng tiêu sái đi lại trong chùa, Phổ Đà Tự lúc nửa đêm lại càng yên tĩnh hơn những nơi khác mấy phần.

Lúc đi qua phật điện, nhìn thấy rất nhiều phật tử không ngủ được, đang thành kính tụng kinh niệm phật bên trong, thính lực của y hơn người, đã nghe rõ thanh âm khẩn cầu phật tổ ban phật tích, để cho cha mẹ nhi nữ, tình nhân của mình đang mắc ôn dịch được khỏe lại.

Trì Võng nghe một lát, cười nhạo nói: "Mỗi ngày ngồi đây niệm a di đà phật, niệm quan thế âm bồ tát phù hộ thì có ích lợi gì? Người chân chính bảo vệ họ, nguyện bất chấp nguy hiểm tính mạng cứu bọn họ là người đang đứng bên ngoài điện như chúng ta đây này. Thế nhân ngu muội, lúc an ổn thì không nhớ đến ăn chay niệm phật, phát tâm bồ đề, đến lúc muốn cầu xin bình an, nhang đèn trong chùa miếu mới bắt đầu thịnh vượng, nhiều đến mức đuổi cũng không đi."

Tử An dừng bước, không đồng ý nhìn y.

Nhưng không chờ hòa thượng mở miệng, Trì Võng đã cướp lời: "Phật tổ của các ngươi cũng đã nói, đến lúc gặp chuyện mới ôm chân phật thì đã không kịp nữa rồi —— nếu ngươi nhìn ta bằng hình dạng, dùng lời nói cầu xin ta, tức là người tà đạo, không thể thấy được như lai*. Sao nào, ta chỉ dịch lại lời phật tổ của các ngươi thành bạch thoại (văn nói), hay ngươi định nói phật tổ của các ngươi sai rồi?"

* trích kinh Kim cương ba la mật đa.

Tử An lắc đầu một cái, không muốn tiếp tục nói chuyện với y, bước tiếp, muốn đưa Trì Võng về lại phòng nhỏ trong tự của y.

Trì Võng vốn đã chuẩn bị trong bụng một đống dẫn chứng phong phú, chỉ cần hòa thượng dám há mồm biện giải, y có thể gậy ông đập lưng ông, dùng kinh văn phật giáo và giải nghĩa của các đời cao tăng, nói cho hòa thượng kia câm nín thì thôi.

Vậy mà hòa thượng này lại không ý kiến gì, khiến cho tà hỏa này của Trì Võng cứ như đánh vào bị bông.

Nếu không thể phát ra ngoài, thì cũng chỉ đành nuốt ngược xuống bụng, khiến cho Trì Võng rất buồn bực.

Môi hòa thượng khẽ động, không một tiếng động mà tụng cái gì đó. Trì Võng ngưng thần lắng nghe, mới kinh ngạc phát hiện, kinh văn hòa thượng đang niệm, có ý cầu xin phật tổ tiêu trừ khẩu nghiệp.

Người trong phật môn kiêng kỵ không làm chuyện xấu, làm ác là tạo nghiệp, nói năng linh tinh cũng là tạo ác nghiệp, sẽ phải chịu nhân quả báo ứng.

Hắn ở cùng y cả ngày, phạm phải khẩu nghiệp lúc nào chứ? Trì Võng lúc này mới nhận ra, con lừa ngốc này thấy mình bất kính với phật tổ, mới thay mình niệm kinh cầu tha thứ.

Tử An cho rằng vừa nãy y đã vọng ngôn, tạo ra ác nghiệp phải chịu ác báo, bây giờ đang đọc kinh để tiêu nghiệp cho y.

Vì vậy mà trận hỏa khí khó khăn lắm Trì Võng mới nuốt xuống được, đột nhiên bùng lên.

Y đã quen hào hiệp rộng rãi, cho dù có thật sự bị báo ứng, thì sao y phải sợ chứ? Ai cần con lừa ngốc lắm chuyện chịu thay cho y?

Y đang chuẩn bị phun lửa, vừa quay đầu lại thì thấy hòa thượng tuấn lãng dưới ánh trăng, thần sắc dịu dàng, so với vị cố nhân trong mộng của y thì... cực kỳ giống nhau.

Trong nháy mắt ngơ ngác này, tà hỏa cũng lạnh xuống, run rẩy bị ép vào trong bụng thêm một lần nữa.

Hòa thượng lặng lẽ tụng kinh, Trì Võng đi sau lưng hắn cũng từ từ bình tĩnh lại.

Y nhớ lại chuyện vừa rồi, rõ ràng là mình cố ý gây sự.

Tướng mạo hòa thượng này giống hệt Trang Diễn, nếu muốn lưu lại ấn tượng tốt với hắn, thì cũng không cần phải gay gắt như vậy. Nhưng không biết tại sao... Cứ nhìn tên hòa thượng này, là lại bùng lên một cỗ tà hỏa mà y khó lòng nín nhịn nổi.

Cũng may hòa thượng này tuy tuổi còn trẻ, nhưng tu hành hàm dưỡng cũng không tệ, thái độ ôn hòa, đủ bao dung khi y cố tình gây sự.

Trì Võng nhìn bóng lưng hắn, sau khi hỏa khí tản ra, lại xuất hiện loại tình cảm khác.

Y bình tĩnh lại, ngoan ngoãn để hòa thượng đưa về nơi nghỉ ngơi, trong lòng vô duyên vô cớ mà thấy khổ sở.

Đường có dài bao nhiêu cũng có điểm cuối.

Hòa thượng mở cửa cho y, lại thấy Trì Võng không muốn vào trong.

Tử An cũng đã biết rõ tâm ý của y, bấy giờ mới hỏi: "Có chuyện gì sao?"

Trì Võng khoanh tay nhìn hắn: "Phật nói tam thế luân hồi, nhưng dựa vào đâu mà nói luân hồi là có thật?"

Tử An bình tĩnh trả lời: "Phật nói với chúng đệ tử: nhân sinh là chốn thụ hình*. Mắt thường không thể nhìn thấy bản thân ở kiếp trước. Cho nên khi ngươi thọ tận mà chết, thì đến kiếp sau, thụ thân hình, cũng không còn biết về việc ở kiếp này nữa."

* Trích Chính kinh Phật dạy

Hắn dừng một chút, lặng lẽ nhìn Trì Võng nói: "Bằng thông tuệ của Trì thí chủ, chắc là đã đọc qua đoạn này rồi."

Trì Võng gật đầu, không phủ nhận: "Phật tổ các ngươi cho là: khi bị ràng buộc trong xác phàm, thì không thể nhìn thấy kiếp trước của mình, cũng không thấy được sau khi già mà chết đi thì sẽ đi về đâu. Thân bất do kỷ, lập đi lập lại, mỗi một kiếp tỉnh tỉnh mê mê, không biết gì."

"Sống và chết, nhận thức về thần phật cũng thay đổi. Mười hai nghiệp chướng, lấy si làm đầu, tỉnh tỉnh mê mê, không thể nói rõ được." Trì Võng tới cạnh hắn thì dừng lại, y cũng không ngẩng lên nhìn hắn, thanh âm lại có vẻ dịu dàng: "Hòa thượng, ngươi nói cho ta nghe, đây nghĩa là gì?"

Kinh văn này là do khi một vị tì kheo ni (*ni cô) hỏi phật tổ, sau khi chết đi thì có lục đạo luân hồi hay không? Phật tổ dùng kinh văn này để trả lời nghi hoặc của nàng.

Trì Võng đã thuộc đoạn này rất kỹ, nói là mỗi người phải chịu nổi khổ luân hồi, lúc sinh tử luân phiên, thần hồn ý thức không tồn tại nữa. Mà "ngu si vô tri" khiến cho người ta không nhìn được nghiệp báo, không thể thoát khỏi luân hồi, cho dù có đầu thai lại làm người, cũng không thể nhớ được gì.

Tử An chỉ nói: "Thiện tai, thí chủ là người hữu duyên."

Cửa rất hẹp, Trì Võng còn cố tình đứng chắn ở chỗ này, y tới gần, tựa như ngay cả mình cũng không biết: "Ngươi vẫn chưa trả lời câu hỏi của ta."

Ngữ khí Tử An ôn hòa, giải thích: "Bần tăng tu hành chưa đủ, chưa thấy được nghiệp chướng từ đâu mà tới. Nếu có một ngày hiểu được chính đạo bồ đề, sẽ thấy được nơi tất cả phải trở về, thấy rõ được quá khứ và tương lai."

Hắn lui ra khỏi phòng Trì Võng: "Cũng sắp sáng rồi, Trì thí chủ nghỉ ngơi sớm một chút, bần tăng cũng không tiện quấy rầy nữa."

Trì Võng dựa vào cửa, nhìn theo bóng người hắn, nhẹ giọng nói: "Vậy ngươi có biết ngươi sẽ đi tới đâu không?"

Hòa thượng yên tĩnh đứng ngoài cửa, không trả lời câu hỏi này.

Hắn lùi về sau vài bước, trong đêm đen không thấy rõ được thần sắc, chắp tay hành lễ với Trì Võng, rồi quay người rời đi.

____________________

Tác giả có lời muốn nói:

Trì Võng: Nếu như có kiếp trước kiếp này, ngươi có phải là...

Tử An: Chỉ có một mình bần tăng... Xác chết vùng dậy trở về.

Trì Võng:...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.