Tarzan 2: Trở Lại Rừng Già

Chương 24: Trở lại Opa




Vừa về đến chòi, Clâytơn đã thấy Gian Potơrôva biến mất. Anh cũng chẳng hiểu vì sao nỗi đau đớn và sợ hãi không làm mình chết ngất đi được. Tơran lúc này rất tỉnh táo bởi cuối cùng thì hắn cũng đã cất cơn sốt. Tuy nhiên hắn vẫn nằm bẹp dí trong ổ cỏ khô. Khi Clâytơn hỏi về cô gái, Tơran tỏ vẻ ngạc nhiên và nói rằng không trông thấy cô ở đâu hết cả.

- Tôi chẳng nghe thấy tiếng động nào khả nghi - Tơran nói - Tôi chẳng hay biết gì hết.

Có hỏi cũng bằng thừa, Clâytơn không hỏi gặng thêm. Từ lâu anh đã không tin gì ở Tơran. Nhưng anh cũng thấy rõ là Tơran cho tới lúc này vẫn chưa đủ sức để chui ra khỏi chòi.

Clâytơn chạy nháo nhác đi tìm khắp bốn phía rừng quanh chòi. Anh tìm tới chiều tối mà vẫn không thấy vết tích nào của Potơrôva. Thật ra những vết chân của năm mươi người đàn ông lông lá để lại quanh đó đối với các công dân của rừng già là bằng chứng rõ ràng về tội phạm, nhưng đối với một công dân Anh quốc như Clâytơn thì chỉ là những vết chân vô nghĩa. Clâytơn sục sạo từng gốc cây tới hàng chục lượt nhưng vẫn không biết rằng cách đó mấy giờ có một nhóm người đi qua.

Trong khi tìm kiếm, Clâytơn gọi thật to tên cô gái. Kết quả là anh chỉ làm khuấy động chim muông và thu hút sự chú ý của sư tử. Vừa trông thấy bóng con sư tử tiến lại gần, Clâytơn kịp thời nhảy tót được lên cây. Anh buộc phải kết thúc chuyện tìm kiếm. Bởi vì con sư tử ngồi chầu mõm lên gốc cây cho tới tận nửa đêm. Tới khi con sư tử chán ngán bỏ đi, Clâytơn cũng không dám leo xuống gốc cây. Anh không đủ can đảm ném mình vào bóng tối đen đặc của rừng già. Tốt hơn hết là cứ ngồi trên cây, chờ trời sáng rõ. Sáng hôm sau anh trở về bờ sông, trong lòng vẫn còn gợn chút hy vọng: biết đâu anh may mắn tìm được Potơrôva.

Một tuần lễ trôi qua, sức khỏe của Tơran mỗi lúc một khá lên. Tuy vậy hắn vẫn nằm yên trong chòi, trong khi Clâytơn vẫn len lỏi trong rừng lo tìm thức ăn cho cả hai. Hai người hầu như không trò chuyện gì với nhau. Họ chỉ nói khi nào thật sự cần thiết. Lúc này Clâytơn nằm ở khoảng chòi lâu nay vẫn dành cho Potơrôva, anh chỉ sang với Tơran khi phải tiếp thức ăn, nước uống và khi Tơran cần anh giúp đỡ. Khi Tơran đã hoàn toàn khỏe mạnh, đủ sức đi kiếm ăn thì Clâytơn lại bị sốt. Anh nằm li bì suốt mấy ngày liền trong chòi. Thấy anh không muốn ăn, Tơran cứ để mặc anh nằm mà lên cơn mê sảng, không ghé sáng thăm lấy một lần. Clâytơn cảm thấy mình khô cháy đi vì không được một giọt nước nào vào lưỡi. Sau đợt sốt, mặc dù còn yếu, anh vẫn phải tự lần ra suối lấy nước uống dự trữ. Tơran quan sát Clâytơn vất vả tìm kiếm nước với thái độ thích thú. Hình như hắn có vẻ khoan khoái trước nỗi đau của Clâytơn.

Một thời gian sau, Clâytơn lại bị cơn sốt tái phát. Anh yếu tới mức không đủ sức leo được cầu thang. Anh cố gắng chịu đựng cơn khát suốt một ngày, không muốn gọi Tơran. Tới khi cảm thấy mình không thể chịu đựng nổi nữa, anh lên tiếng nhờ Tơran đem cho mình ít nước. Gã người Nga bước sang với nụ cười nhăn nhở:

- Nước cho ông đây, - Tơran nói - Nhưng trước hết tôi muốn nhắc cho ông nhớ một điều, ông đã làm nhục tôi trước mặt cô gái. Ông đã giữ bo bo cô ấy cho mình mà không "chia" cho tôi tẹo nào.

- Ông im đi! - Clâytơn nổi điên lên - Nói về một cô gái như thế mà ông không xấu hổ à? Ông không biết rằng cô ấy đã chết rồi sao? Trời ơi, lẽ ra tôi phải để cho ông chết! Ông không đáng được sống ngay cả ở cái mảnh đất chết tiệt này!

- Nước của ông đây, - Tơran nhếch mép cười - Đó là ngụm nước cuối cùng của ông.

Tơran cầm chiếc vỏ sắt tây đựng nước, uống một hơi, không còn một giọt. Hắn "khà" một tiếng rồi quay đầu bỏ đi. Clâytơn quay đầu vào vách ngăn, úp mặt vào lòng bàn tay, chờ chết.

Ngày hôm sau, Tơran quyết định bỏ đi. Hắn đi dọc bờ sông, tiến về hướng bắc, hắn nghĩ rằng sớm hay muộn, thế nào hắn cũng gặp người. Mà nếu có gặp những điều rủi ro, tồi tệ thì theo hắn có lẽ chẳng có nơi nào rủi ro, tồi tệ hơn mảnh đất này. Hơn nữa, tiếng rên rỉ của gã người Anh sắp chết làm hắn không thể chịu nổi. Hắn cầm chiếc lao của Clâytơn. Thoạt đầu hắn định giết Clâytơn rồi mới đi. Nhưng ngẫm nghĩ một lúc, hắn lại buông tay. Sống ở đời, phải biết làm phúc chứ!

Đi đến chiều, hắn gặp một ngôi nhà gỗ gần bờ biển. Trông thấy ngôi nhà - bằng chứng rõ ràng về cuộc sống loài người, hắn cảm thấy thảnh thơi. Hắn nghĩ rằng hắn đã đặt chân tới vùng ven của một ngôi làng nào đó. Thật phúc đức cho Tơran! Nếu như hắn biết ngôi nhà đó là thuộc về ai, ai là chủ nhân đích thực của ngôi nhà? Nếu như hắn biết rằng chủ ngôi nhà đó mấy phút đã mở cửa ra đi với bao nhiêu kỷ niệm trong lòng, có lẽ hắn phải sởn gai ốc. Tất nhiên Tơran hoàn toàn không biết gì về ngôi nhà bất hạnh của dòng họ Grâyxtâu. Vì vậy hắn sống thoải mái trong ngôi nhà suốt mấy ngày liền để dưỡng sức và tìm kiếm thức ăn. Sau đó hắn lại tiếp tục cuộc hành trình, đi về hướng bắc.

° ° °

Trong khu trại mười tám người của huân tước Teningtơn, mọi người vừa củng cố chỗ ở, vừa sửa soạn cho chuyến lên đường. Ai cũng nghĩ rằng nếu đi về phương Bắc, sớm muộn thì cũng gặp người.

Bao nhiêu ngày trôi qua mà mọi người không thấy ai tới giúp đỡ. Hy vọng về sự sống sót của Potơ rôva và Clâytơn ngày càng mờ mịt. Về điều này, ai cũng biết là không nên nói với giáo sư Potơ. Hàng ngày, vị giáo sư này vẫn trầm ngâm trước những giả thiết khoa học mà ông tự đặt ra. Ông chẳng biết gì tới cuộc sống hiện tại. Một hôm, ông thản nhiên nói rằng, chỉ vài ngày nữa sẽ có một con tàu tới thả neo ven vùng biển này và rồi mọi người sẽ sung sướng vẫy tay khi tàu về bến cảng. Rồi một hôm khác, tự nhiên ông nhắc tới chuyện giao thông đường sắt và tỏ ra ngạc nhiên không hiểu vì sao tàu lại đến muộn thế. Cuối cùng ông lẩm bẩm đoán rằng chuyến tàu ông đang chờ đến chậm là vì bão tuyết làm lấp đường rầy.

- Nếu như tôi không biết rõ về giáo sư Potơ, - Teningtơn tâm sự với Stroong - thì có lẽ tôi cho rằng ông mắc bệnh tâm thần.

- Nếu như không lâm vào hoàn cảnh này thì nghe ông nói ai cũng phải bật cười - Cô gái phụ họa.

- Tôi là chỗ quen biết của ông nên tôi biết ông yêu con gái vô cùng. Mọi người có thể ngạc nhiên không hiểu vì sao ông có vẻ thờ ơ với số phận của con gái mình như vậy. Nhưng thật ra, ông yêu con tới mức không thể hình dung được cái chết của con mình, chỉ trừ khi ông phải chứng kiến tận mắt. Cô không thể hình dung được chuyện xảy ra hôm qua đâu, Stroong ạ! - Huân tước Teningtơn tiếp tục nói - Hôm qua tôi đi săn về thì gặp ông trên một lối mòn mà thú dữ thường hay qua lại. Cũng như mọi ngày, ông để trễ mũ sau gáy, hai tay đút túi. Nhưng ông đang hấp tấp chạy đi đâu đó. Mắt chăm chăm quan sát lối mòn trước mặt. Có lẽ nếu đụng mìn nổ thì ông mới dừng lại. "Ông đi đâu đấy, giáo sư Potơ?" Tôi gọi mấy lần ông mới dừng chân. "Vào thành phố". Ông trả lời, giọng rất nghiêm trọng. "Tôi đem đơn kiện ra bưu điện. Suốt một tuần liền mà tôi không nhận được lá thư nào. Tính riêng Gian viết, thì tôi phải có ở bưu điện vài lá rồi. Vậy mà tuyệt nhiên họ không hề chuyển cho tôi được một lá. Tôi sẽ tố cáo chuyện này lên tận Trung tâm bưu điện Washington". Thế là tôi đã rất vất vả mới chứng minh được cho ông tin rằng ở đây không có bưu điện, không có thành phố cũng như chẳng có Washington nào cả. Tới khi ông hiểu được những gì tôi nói, ông mới tỏ ra lo lắng cho số phận con gái mình. Tôi cho rằng đó là lần đầu tiên giáo sư nhận biết được mình đang sống trong hoàn cảnh như thế nào. Và ông bắt đầu nghĩ rằng chưa chắc Gian đã được cứu sống.

- Tôi cũng không thích nghĩ như vậy - Stroong nói - Mặc dù lúc nào tôi cũng nhớ tới những người vắng mặt.

- Chúng ta hãy tin vào những điều tốt đẹp - Huân tước nói - Chính cô là tấm gương của lòng can đảm, bởi vì những người mất tích có quan hệ đến cô nhiều nhất.

- Đúng thế! - Stroong gật đầu - Tôi rất yêu Gian. Chúng tôi chẳng khác gì hai chị em ruột.

Huân tước Teningtơn rất đỗi ngạc nhiên. Anh không ngờ Stroong lại trả lời như vậy. Từ khi chiếc thuyền buồm của anh bị đắm, anh thường gần gũi, trò chuyện với Stroong, cô gái của vùng Marilan xinh đẹp. Càng ngày anh càng cảm thấy yêu cô. Nhưng anh vẫn còn nhớ lời thông báo đầy tự tin của Tơran. Tơran đã nói với anh rằng đã cùng Stroong đính hôn và đang chờ ngày cưới. Thế mà bây giờ Stroong không nhắc tới Tơran (?) Hay là Tơran đã nói dối anh?

- Nếu như Tơran mất tích thì đối với cô, đó là tổn thất không gì bù đắp nổi, phải không? - Huân tước Teningtơn hỏi thăm dò.

- Ông Tơran là một người bạn tốt - Stroong nhìn Teningtơn có vẻ ngạc nhiên - Tôi cũng quý ông ta, mặc dù biết ông ta rất ít.

- Chả lẽ hai người chưa đính hôn? - Teningtơn hỏi với giọng rụt rè.

- Lạy Chúa tôi! Không! - Cô gái kêu lên - Chưa bao giờ tôi nghĩ tới chuyện đó.

Hình như chàng huân tước còn muốn nói với Stroong điều gì quan trọng nữa. Nhưng không hiểu sao "điều đó" cứ mắc cứng trong ngực anh, làm anh khó thở. Anh hắng giọng mấy lần và đỏ bừng mặt. Cuối cùng anh lúng túng nói rằng tất cả các mái lều cần phải lợp lại trước khi cơn mưa kéo đến. Hazen Stroong biết rằng chàng huân tước thật thà này đã không nói được cái điều đang muốn nói. Nhưng chính vì vậy, mà cô cảm thấy sung sướng. Thậm chí cô cảm thấy mình chưa bao giờ được sung sướng như vậy.

Cuộc trò chuyện của hai người lẽ ra còn tiếp tục nhưng bị cắt đứt bởi một bóng người đi tới. Đó là một thân hình trông thật man rợ và quái đản. Cả hai cùng giật mình và quay ra nhìn. Teningtơn vội chộp lấy súng ngắn. Ngay tức khắc cái con vật nửa người nửa ngợm, ăn mặc hở hang đó đã xưng tên, giơ cao hai bàn tay không lên trời, bình tĩnh tiến lại gần. Hai người giương mắt lên nhìn kẻ lạ mặt có mảnh da thú loang lổ quấn quanh mình. Đó chẳng phải ai xa lạ mà chính là người vừa được nhắc tới - Chàng công tử Tơran.

Vừa nhận ra Tơran, Teningtơn và Stroong đã hỏi ngay tới số phận của những người còn lại trên con thuyền cứu hộ.

- Chết hết cả rồi, - Tơran trả lời quả quyết - Tất cả thủy thủ đều chết trước lúc thuyền chạm đất liền. Potơrôva thì bị bọn đười ươi bắt cóc vào rừng sâu trong lúc tôi bị sốt. Clâytơn thì chết sau mấy ngày sốt rét. Tôi không ngờ là chúng tôi chỉ cách mọi người vài dặm đường thế này. Ôi, thật là kinh khủng!

° ° °

Gian Potơrôva không biết là mình đã nằm trong căn buồng tối của thành phố bí ẩn này trong bao lâu. Cô nằm thiêm thiếp trong những cơn mê sảng, thậm chí, có ngày cô chẳng biết mình đang ở nơi đâu. Nhưng rồi sức mạnh của tuổi trẻ cũng giúp cô hồi tỉnh và dần dần khỏe lại. Người đàn bà thường đem thức ăn cho cô đã kiên trì giúp cô đứng dậy, nhưng đôi chân cô vẫn còn mềm oặt.

Rồi một hôm, không cần người giúp sức, Potơrôva đã tự đứng dậy được và lần bước quanh bốn bức tường. Từ hôm ấy, những người đàn bà gác ngục thỉnh thoảng lại ghé vào quan sát cô với thái độ vừa tò mò vừa thích thú.

Cái ngày quyết định số phận của cô đã tới. Cô thấy một người đàn bà còn khá trẻ bước vào hầm cùng một tốp đàn ông hộ tống. Người đàn bà tiến hành luôn các nghi lễ ngay trong hầm. Trong khi chứng kiến các nghi lễ, Potơrôva tràn trề hy vọng. Ít ra thì cô cũng đang được sống trong môi trường của cuộc sống loài người. Khi mà người ta biết cúng tế thì tức là người ta biết sống theo những niềm tin thiêng liêng và cao cả. Có lẽ rồi người ta sẽ xử sự với cô một cách nhân ái.

Thấy người ta đưa mình ra khỏi hầm tối, dắt qua những hành lang, cầu thang sạch sẽ, làm bằng đá hoa cương, Potơrôva hào hứng bước đi, đôi lúc còn cảm thấy thích thú. Cô nghĩ rằng, người ở đây có niềm tin tôn giáo, biết tin vào thần linh thì họ sẽ sống theo tiếng gọi của hòa bình và lòng nhân đạo.

Nhưng vừa trông thấy xung quanh chiếc bàn thờ đá đầy những vệt máu khô, Potơrôva bắt đầu nghi ngờ. Cho tới khi đám người xúm vào trói chân, trói tay cô thì cô vô cùng sợ hãi. Chỉ trong chốc lát cô đã bị khênh lên, đặt ngửa dưới bậc bàn thờ. Lúc này thì chẳng còn hy vọng gì nữa! Cô gái bắt đầu run rẩy toàn thân.

Tuy vậy, cô vẫn còn kịp trông thấy con dao nhọn hoắt trong tay nữ chủ tế. Cô vội nhắm chặt mắt, đọc lời cầu nguyện cho linh hồn mình được trở về bên chân Chúa Trời. Cô lẩm nhẩm được mấy câu rồi ngất lịm.

° ° °

Suốt ngày suốt đêm Tácdăng xuyên rừng, hướng về phía thành phố đổ nát - nơi mà chàng tin rằng cô gái bị bắt chẳng phải ai khác ngoài cô gái mình yêu, Potơrôva của chàng! Nếu thực sự có Chúa Trời, nếu rừng xanh biển bạc có thần thánh linh thiêng, xin giữ nàng lại cho chàng, đừng để kẻ thù giết nàng trước lúc chàng đến! Vừa bay người qua những cành cây cao, Tácdăng vừa thầm kêu lên trong lòng như vậy.

Chưa bao giờ Tácdăng đi nhanh và bay nhanh đến thế. Lòng chàng nóng như lửa đốt. Căn cứ vào lời kể của con vượn tìm vợ, chàng biết rằng người đàn bà bị bắt làm tù binh đó chỉ có thể là Gian Potơrôva. Chàng đã đi khắp nơi, qua bao cánh rừng già, chàng đã gặp nhiều người đàn bà trong rừng sâu này, nhưng chưa gặp một ai có hình dáng như lời con vượn đực đã kể. Những người đàn bà trong thành Opa cũng không giống thế. Chắc chắn đó là Potơrôva tội nghiệp của chàng! Kinh nghiệm từng trải mới đây cho chàng hình dung ngay được điều gì sẽ đến với Gian. Chàng không biết được Gian bị hành hình vào lúc nào. Nhưng chàng biết chắc chắn Gian bị hành hình ở đâu. Chắc không còn chỗ nào khác ngoài chiếc bàn đá dưới bệ thờ.

Con đường tới Opa dài như xuyên qua một lục địa. Thời gian như đã trôi qua hàng thế kỷ. Tácdăng đi với ngọn lửa thiêu đốt ngùn ngụt trong lòng. Và rồi cuối cùng chàng đã tới được con đường mòn đầy vách đá, bao quanh thung lũng. Những ngọn gió khô khốc cuốn tung bụi đường. Tácdăng nhắm mắt lao đi trong gió. Liệu chàng còn kịp cứu cô gái nữa không? Chàng không chắc lắm. Nhưng dù không kịp, chàng cũng phải xông vào trả thù. Chàng sẽ tung hoành chiến đấu với cái thành phố ma quái này, không để sót một gã đàn ông trong đó.

Mặt trời đã đứng đỉnh đầu, Tácdăng dừng chân bên một tảng đá khổng lồ. Trên đỉnh cao của tảng đá, chàng biết, có một con đường bí mật. Như một con mèo lọc lõi, Tácdăng liếc mắt, nhìn đảo bốn phía rồi bất thần đu mình bám vào vách đá, leo lên. Chỉ một lát sau, chàng đã chui qua đường hầm dẫn tới căn buồng giấu chàng khi trước. Khu mộ cổ đây rồi! Đâu đó bên kia khu mộ, hẳn là nơi giam cô gái. Tácdăng băn khoăn dự đoán.

Chàng dừng lại bên miệng giếng tối om và chợt nghe thấy từ trên cao vọng xuống một âm thanh yếu ớt, rền rĩ. Chàng giật mình, hiểu ra. Đó chính là tiếng hát cho vũ điệu tạ ơn Thần Chết, thường tiến hành vào lúc hành quyết tù nhân. Chàng nghiêng đầu lắng nghe. Rõ ràng là có cả giọng hát của nữ đạo sĩ - chủ tế.

Như một con thú bị săn đuổi, Tácdăng chồm lên, lao mình bay qua miệng giếng. Trước mặt chàng là một hành lang dài hun hút, có lát đá lục lăng. Chàng quyết định mở lối đi tắt bằng cách phá tường. Dùng hết sức bình sinh, chàng đẩy bức tường và phá thủng được một lỗ vừa lọt đầu mình. Hòn đá bên lỗ thủng không lớn lắm. Chàng ghé vai đẩy mạnh. Cuối cùng thì hòn đá cũng bật ra, rơi xuống nền căn buồng bên cạnh. Tiếng hòn đá rơi vang lên lên náo động khu hầm. Chàng vọt qua lỗ thủng, băng qua căn buồng rồi dừng lại bên cánh cửa gỗ nặng nề. Có lẽ then gỗ phía bên kia cánh cửa được làm ra để ngăn chặn những người kiểu như Tácdăng. Sau vài cú đẩy, Tácdăng không làm cánh cửa nhúc nhích một li. Sức mạnh của chàng lúc này đã trở nên vô ích. Hai tấm cửa vẫn lì lợm chắn trước mặt chàng.

Chỉ còn lại con đường duy nhất là đường xuất phát cách xa ngôi đền. Con đường ấy, lần trước các chiến binh Oadiri đã cùng chàng đột nhập. Tácdăng bực bội. Chàng đã mất quá nhiều thời gian. Khi tới nơi, liệu Gian còn sống không? Nhưng lúc này, chàng không còn một quyết định nào khác.

Chàng vội vã quay lại hành lang có bức tường thủng. Khi đứng bên cạnh giếng, chàng lại nghe thấy tiếng hát của cô gái chủ tế. Tiếng hát nghe vừa ma quái, vừa thê lương như tiếng người quả phụ khóc chồng. Tácdăng càng đi xa, tiếng hát càng nhỏ dần. Một lát sau chàng đã trông thấy khoảng sân rộng rãi bao quanh điện thờ. Chàng có đủ can đảm bay từ trên cao xuống giữa sân thờ không? Liệu chàng có thể sử dụng được cuộn dây trong tay? Tất nhiên Tácdăng đã có cách giải quyết của mình. Chàng quay trở lại bức tường đổ, lấy một hòn đá buộc vào đầu dây rồi tung đầu dây cho cuộn dây vòng quanh chiếc xà ngang. Chàng cầm chắc phần giữa sợi dây rồi thả mình đánh đu vọt qua khoảng trống phía dưới. Trong phút chốc, chiếc dây đã trở thành một thứ đạo cụ trong tay nghệ sĩ của sân khấu xiếc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.