Tân Sinh Thập Niên 90

Chương 8: Chuẩn bị đón Tết




Theo như sự hiểu biết một số sở thích kiếp trước của ông cậu, Tuệ Mai nói với Tiêu Nguyệt một số ý kiến của cô về các món ăn. Cô biết ông cậu không thích thịt thái to như ở quê nhưng để cô cầm dao thái thịt thì hơi khó. Ở đây, cả năm có rất ít nhà được ăn thịt, mỗi lần nhà ai có công việc thì mua rất nhiều thịt bày lên mâm. Mà ông cậu ở trên thủ đô nhiều, với địa vị của ông luôn được mời đi nơi này nơi kia, mỗi lần về quê ông chỉ muốn được đắm chìm vào thiên nhiên, ăn những món dân dã thôi.

Ba mẹ cô thì không hiểu điều đó, cũng có lẽ do sự tôn trọng với khách nên nghĩ cách tiếp đãi chu đáo nhất là nấu nhiều món ăn ngon bằng thịt. Tuệ Mai nhờ mẹ nấu cho một bát canh cua mồng tơi, vì tối qua ba cô có đi nhấc rọ được một ít cua. Mồng tơi thì ra vườn hái, mặc dù không non lắm như đúng mùa rau nhưng chỉ hái lá ăn cũng rất ngon rồi. Hôm qua mẹ cô có làm một nồi cá chạch kho tương, bây giờ mẹ đang luộc gà và xào thịt.

Tiêu Nguyệt vừa nấu ăn vừa nhìn hai con giúp mình mà lòng ấm áp, các con bà tuy nhỏ tuổi nhưng chúng rất ngoan và chăm chỉ, không bao giờ phải để bà bận lòng. Vì bếp đun bếp rơm, bà sợ bụi đến bọn trẻ nên để chúng phụ giúp ở ngoài, trừ khi bà không có nhà thì thôi.

Trong lúc Tuệ Minh dọn bàn, Tuệ Mai lấy đĩa gắp cá chạch ra, lấy bát múc canh cua và cà pháo muối. Sau đó cô mang từng món ăn lên bàn bày bát đũa ra. Đĩa cá kho chắc thịt, mền xương, đậm đà gia vị, thơm đặc trưng của mùi tương. Bát canh cua đồng nấu mồng tơi chuẩn vị, phần thịt cua kết thành từng mảng, phần nước canh ngọt và không bị đục, gạch cua có màu vàng và rau mồng tơi xanh. Cách muối cà pháo của mẹ cô đúng chuẩn dân quê miền bắc nên luôn đảm bảo được độ giòn, không thâm đen, ngon và bảo quản được lâu.

Khi sắp xếp xong, Tuệ Mai mang đĩa xuống bếp và gắp từng món ăn mẹ nấu lên bàn, còn Tuệ Minh đi mời ông cậu về ăn cơm. Đứng như dự đoán của Tuệ Mai, Trần Nhận ăn bữa cơm rất ngon miệng, ông chỉ ăn canh cua, cá kho và cà pháo.

Ông cũng biết cuộc sống của cháu gái mình không đầy đủ nhưng lúc nào cũng vui vẻ hạnh phúc. Tiêu Nguyệt dạy con rất tốt, những đứa bé này đều ngoan và biết thương ba mẹ. Đây là cháu gái ông yêu thương nhất, cháu gái ông không những học giỏi, lại còn rất tình cảm. Bao năm mẹ ông nằm liệt trên giường toàn bộ đều nhờ vào Tiêu Nguyệt chăm sóc. Những lúc ông về nhà nhìn mẹ ông không tự chủ phóng uế, vợ và các chị gái, họ hàng ông đều nhăn mũi bỏ đi thì riêng Tiêu Nguyệt không ngần ngại thay đồ, rửa ráy cho bà.

Đây là điều ông nợ Tiêu Nguyệt, cũng là nợ ba mẹ ông. Dù trong hoàn cảnh nào ông cũng sẽ tận khả năng làm cuộc sống cháu ông tốt hơn. Mấy năm trước về nhà, ông nhìn thấy người cháu rể này cũng yêu thương vợ con nhưng vẫn còn gia trưởng lắm. Ông nghe mọi người kể, Tiêu Nguyệt vì làm kế toán hợp tác xã nên không có thời gian nghỉ để làm vụ mùa, cô cháu ông đều tranh thủ buổi trưa làm việc đồng áng. Có một hôm Tiêu Nguyệt mải miết cấy cố cho xong thửa ruộng thì nhìn thấy Hàn vượng bế con bé thứ ba mới một tuổi ra, đặt lên đầu bờ và chạy xuống nhổ hết mạ cô cháu ông cấy, lý do rất đơn giản là cháu rể ông không dỗ được con khóc và không có người nấu cơm trưa. Ông cũng thấy xót xa cho cháu, nhưng năm nay về ông toàn nghe được lời khen của mọi người về cháu rể ông, nghe nói đã thay đổi rất nhiều, bọn trẻ cũng trưởng thành nữa.

Ông vui mừng cho cuộc sống của cháu gái ông. Nhìn gia đình Tiêu Nguyệt quây quần ăn cơm, không khí ấm cúng vui vẻ, các con biết nhường nhịn nhau, hai vợ chồng tình tứ hòa hợp. Trần Nhận hài lòng.

Ăn cơm dọn dẹp xong, Tiêu Nguyệt chuẩn bị cho Trần Nhận đồ mang đi gồm một con gà, một con vịt, ổ trứng gà năm mươi quả, một ít rau dưa trong vườn. Anh em Tuệ Mai thì vây quanh đồ ông cậu mang về, ba anhem rôm rả chọn lựa quần áo cũ, xem ai mặc vừa thì lấy. Chọn mệt mỏi, ba anh em lên giường ngủ trưa, lúc tỉnh dậy ông cậu đã đi rồi.

Cả gia đình Tiêu Nguyệt chuẩn bị cho tết sắp tới, đây là tết đầu tiên Tuệ Mai đón cùng gia đình sau khi trở về nên háo hức hết sức. Hai chị em Tuệ Tâm và Tuệ Quân ngồi chơi võng ngoài sân. Cả nhà dọn dẹp đồ dạc, che chắn cẩn thận để quét vôi tường Cô chạy tới chạy lui cùng Hàn Vượng quét lại vôi tường, cô dùng cái chổi nhỏ Tuệ Minh buộc cho quét phía góc tường. Ba Hàn Vượng và mẹ Tiêu Nguyệt phụ trách quét trên cao. Đầu tiên, Ba Hàn vượng đổ nước vào thùng, sau đó cho vôi cục vào từ từ, ba nói không nên làm ngược lại. Nếu người thợ cho vôi vào thùng trước, sau đó mới đổ nước thì rất nguy hiểm. Vôi gặp nước sẽ sôi lên, thoát ra những lớp khí dày đặc, khó chịu. Vôi ngâm trong nước qua đêm là có thể dùng tốt.

Ở quê, khi quét vôi người ta thường quét ba lớp. Nếu quét vôi màu thì lớp đầu quét trắng, hai lớp sau quét màu. Nếu quét vôi tường trắng thì lớp đầu quét vôi trắng, lớp sau cũng là vôi trắng nhưng pha đặc hơn một chút, như vậy chỉ cần hai lớp là được. Tuệ Mai và Tuệ Minh làm theo hướng dẫn từ ba, quét vôi đều tay từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Nhúng ngập phần chổi vào thùng vôi, khi nhấc chổi lên, quẹt nhẹ vào miệng thùng vôi để lấy vừa đủ lượng vôi cần thiết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.