Tan Học Đừng Đến Văn Phòng Của Em

Chương 41




Sơ Trừng đã hơn bốn tháng không về nhà, ăn xong cậu lại bận rộn ôn lại chuyện xưa và kể về cuộc sống hiện tại với những người bạn đã lâu không gặp, mãi đến khuya nhà họ Sơ mới tiễn khách.

Hôm nay đi đường mệt mỏi, cộng thêm việc tiếp đón những người bạn cũ với thu dọn hành lí, Sơ Trừng về phòng ngủ là đã rất mệt lả nên lập tức tắm rửa, thay đồ ngủ chuẩn bị nghỉ ngơi.

Đã lâu rồi không nằm trên giường của mình nên đêm đó cậu ngủ rất ngon, khi cậu mở mắt ra lần nữa, ánh nắng chói chang đã chiếu từ ngọn cây xuống cửa sổ.

Màn hình điện thoại hiển thị chín giờ bốn mươi lăm sáng, đây mới chính là khung giờ cậu thường tự động ngủ dậy.

Ba mẹ cậu luôn duy trì chế độ ăn uống rất đều đặn, bếp nhà lại không nấu ăn nếu không đúng bữa, thế nhưng vì thích ngủ nướng mà không bao giờ cậu kịp ăn bữa sáng.

Sơ Trừng ngồi dậy tắm rửa, thay áo sơ mi với quần dài mặc nhà cho thoải mái rồi đi ra sảnh chính tìm đồ ăn nhẹ lót bụng đợi cơm trưa.

“Mẹ.” Sơ Trừng chào Giáo sư Kim đang lặng lẽ đọc sách bên cửa sổ.

“Ừ.” Giáo sư Kim ngồi trên chiếc ghế mềm tắm mình dưới ánh nắng ấm áp. Bà đang chuyên tâm nghiên cứu thơ từ.

Sơ Trừng đi thẳng tới chiếc bàn vuông bày đồ ăn nhẹ.

Trên những chiếc mâm tre tinh tế là bánh ngàn lớp nhân thịt còn ấm, có cả nhân hạt dẻ với hạt sen, bánh nếp trắng thơm và đủ thứ loại bánh trái chuẩn Bắc Kinh; mỗi khi Sơ Trừng ở nhà, bếp sẽ làm thêm món vì sợ cậu ăn không được.

“Ôi cái bánh nếp này ngon đấy nhưng hơi dễ nghẹn.” Sơ Trừng cầm bình thủy tinh trên bàn rót cho mình một li trà lúa mạch để ăn bớt ngán. Cậu còn cố tình tăng thêm cảm giác tồn tại của bản thân bằng cách tạo ra những âm thanh nhẹ nhàng khi đang ăn uống.

Giáo sư Kim còn lạ gì những thủ đoạn nhỏ này, cuối cùng bà cũng chịu để ý đến con trai mình: “Mới thức dậy mà đã lang thang khắp nơi, con ở ngoài lâu quá nên giờ ăn vặt ở nhà cũng thấy lạ sao?”

“Dạ đúng rồi, con đi hẳn một học kì, ở nhà đúng là thoải mái.” Sơ Trừng nói mà chẳng biết ngượng, suy cho cùng thì khi được ở ngoài, người ta mới cảm thấy tự do.

“Đừng nói linh tinh.” Giáo sư Kim cười lật trang sách: “Ba về rồi, đang ở phòng đọc sách đấy. Con rảnh thì qua đó uống chén trà với ba đi.”

Sơ Trừng nuốt hết bánh trong miệng rồi đứng dậy ‘dạ’ một tiếng.

Phòng đọc sách của ông cũng là chính phòng nên vị trí cách tiền sảnh không xa, cậu chỉ cần đi vài bước là tới. Cửa trượt kiểu Trung mới toanh màu gỗ hồ đào sáng đang mở, từ bên ngoài có thể nhìn thấy nội thất trang nhã.

Sơ Trừng lễ phép gõ cửa: “Ba.”

Người đàn ông ngồi bên trong ngẩng đầu mỉm cười với cậu: “Vào đi.”

Sơ Lệ Ninh trông không giống một người đã ngoài sáu mươi chút nào; tóc ông không bị bạc, ông cũng không để râu, gương mặt ông phúc hậu và hiền lành. Đôi mắt ông rất sáng; từng cử chỉ đều cho thấy sự đạm mạc tự nhiên, nhìn thoáng qua có thể biết ông là người điềm tĩnh, uyên bác.

Lúc này trong phòng làm việc đang đốt hương, khói nhẹ cuộn lên như sương nước tỏa ra mùi thơm dễ chịu; trên bàn là bản thảo viết tay sách mới của ông. Trong thời đại nhập liệu điện tử, thỉnh thoảng ông vẫn sẽ viết tay để có thể vừa sáng tác, vừa luyện thư pháp.

“Hôm qua con về à?” Ba Sơ đang chuẩn bị đun nước, ông luôn thích uống trà vào thời điểm này vì theo ông thì hương trà có thể giúp mọi người bình tĩnh hơn.

“Dạ con về chiều hôm qua, lúc đó ba không có ở nhà.” Sơ Trừng tiếp nhận công việc vệ sinh bộ ấm trà rồi hỏi ba xem chuyến công tác vừa rồi có suôn sẻ không.

Hai ba con thoải mái trò chuyện về chủ đề này, đó đều là những câu chuyện phiếm của bọn họ khi rảnh rỗi. Mãi đến khi ông Sơ chủ động hỏi: “Con không có gì muốn kể ba nghe à?”

“Ba đang hỏi con về công việc sao? Con làm việc ở trường vẫn ổn lắm.” Sơ Trừng ngẫm nghĩ cũng chẳng có gì đặc biệt để nói, ngày thường Giáo sư Kim luôn gọi điện để hỏi thăm tình hình hiện tại của con trai rồi sau đó chia sẻ với chồng mình.

Ba Sơ bình tĩnh sửa lời: “Ba đang hỏi về sức khoẻ của con.”

Động tác pha trà của Sơ Trừng khựng lại.

Không phải mẹ đã nói là sẽ để con tự giải thích sao?

Ông Sơ hỏi như vậy đương nhiên là do giáo sư Kim đã ‘cáo trạng’ rồi, bây giờ cậu rơi vào trạng thái hoàn toàn thụ động, bao nhiêu câu bào chữa cậu đã chuẩn bị sẵn trong đầu bây giờ không còn cần thiết nữa.

“À…” Sơ Trừng cảm thấy có lỗi: “Con cũng khỏe mà.”

Ông Sơ biết nhất thời không giải thích được nên cũng không làm khó, ông bình tĩnh nói: “Ba biết con không muốn phiền ba mẹ phải đi ngược đi xuôi, nhưng chuyện thì con vẫn phải nói. Mẹ con ngày nào cũng lo cho con nhất, thế mà mẹ lại bị cả con trai với em trai lừa thì làm sao không giận cho được?”

Sơ Trừng cúi đầu mân mê chiếc bánh trà bằng chiếc kẹp tre nhỏ.

“Đừng nghịch, lỡ chẳng may bị hư mất.” Ông Sơ ngăn bàn tay phá hoại của con trai lại rồi nói tiếp: “Con làm thầy là làm gương cho học trò của mình, ở trường con không dạy học sinh mấy nguyên tắc như không nói bậy, không nói dối, không lừa gạt ba mẹ à?”

“Con có dạy…” Sơ Trừng nghe ba răn đe. Cậu buông tay ra khỏi bàn rồi làm mấy động tác nhỏ ở nơi ông không nhìn thấy. Cậu ngắt một chiếc lá, thả vào thác nước bên cạnh và nhìn nó xoay tròn trong làn nước.

Tuy ông không nhìn thấy con mình đang làm gì nhưng cũng biết cậu không chú ý lắng nghe, ông bất lực thở dài. Sơ Trừng đã bước vào chốn công sở với tư cách là một giáo viên, thế mà cậu vẫn giống như một đứa con nít, ngay cả khi tâm hồn treo ngược cành cây mà cũng rõ rành rành như thế.

“Con xin lỗi mẹ chưa?” Sơ Lệ Ninh hỏi.

Sơ Trừng nhẹ nhàng nói: “Dạ rồi.”

Ông Sơ nói thêm: “Lát nữa qua đó thành khẩn nói con sẽ không tái phạm để cho mẹ yên tâm, nếu không sau này mẹ cứ phải nhớ thương, nghi ngờ con.”

Thái độ của Sơ Trừng vẫn không thay đổi: “Dạ.”

Ông Sơ nói tiếp: “Lấy cây thước của ba xuống đây.”

Sơ Trừng lơ đãng đáp: “Dạ.”

… Trong phòng làm việc yên lặng hai giây, không có người lên tiếng nữa.

Vài phút sau, Sơ Trừng chợt tỉnh táo lại: “Dạ?! Ba mới nói gì?”

Cây thước?

Sơ Trừng kinh ngạc nhìn phía sau lưng ông, quả nhiên trên giá đỡ có một chiếc thước gỗ đàn hương hình chiếc lá màu đen sáng bóng, đuôi thước treo một mặt dây chuyền bằng ngọc trắng trong suốt.

Cậu không còn nhớ cây thước này đặc biệt xuất hiện vì cậu từ khi nào nữa, cậu chỉ biết từ khi còn nhỏ, mỗi lần cậu chướng khí dám nói dối hoặc nghịch ngợm thì sẽ bị nó ‘uy hiếp’.

Ba cậu không bao giờ xuống tay ngoại trừ một số trường hợp hiếm hoi, chẳng hạn như lần được ghi vào sách.

Lần đó cậu phá hư tổng phổ nhạc cổ điển và cắt dây đàn tranh quý giá của mẹ, ông Sơ giận đến mức đánh cậu mấy cái. Sơ Trừng nhớ khi ấy mình khóc rất nhiều, nhưng cậu khóc không phải vì đau, mà là do sợ hãi đan xen với hối hận; sau đó ba phải dỗ dành cậu rất lâu.

Từ khi cậu lên cấp ba, ngoại trừ việc dọn dẹp hàng ngày thì bọn họ chưa từng chạm vào cây thước này, sao hôm nay ông Sơ lại nhớ tới nó chứ?

“Ba ơi, con đã lớn lắm rồi.” Sơ Trừng không thể tin được mà nhìn ông.

“Lấy ra đây.” Vẻ mặt ông Sơ vẫn bình tĩnh và thoải mái, ông cũng không có ý nói đùa.

Sơ Trừng không còn cách nào khác nên đành phải đứng thẳng dậy đi lấy thước.

Cậu hơi cúi đầu rồi duỗi thẳng tay đưa cây thước ra trước mặt ba, chỉ là một miếng gỗ đàn hương mà trên tay cậu cũng thấy nặng nề đến thứ.

Ông chưa kịp nói lời nào thì đôi má vốn dĩ vốn trắng nõn của thầy Sơ đã đỏ bừng, đầu ngón tay khó chịu xoa chữ ‘Sơ’ nhỏ xíu khắc trên lưng thước.

Ông Sơ có thể nhìn thấy mọi hành động của cậu, ông lấy đầu ngón tay chạm vào cái chặn giấy rồi lặng lẽ nhếch khóe môi lên nhưng con trai ông lại chẳng thấy.

Nuôi dạy con cái không chỉ là chơi đùa khi con còn nhỏ, trêu chọc khi con đã lớn âu cũng là niềm vui. Mới kêu lấy cây thước mà đã nhõng nhẽo thế này, nếu ông đánh con hai cái thì có khi cậu sẽ chui xuống đất mất.

Tiếc là từ khi con trai lớn lên, ông đã ngưng viết về cậu để con mình có không gian riêng tư, nếu vẫn còn viết thì ‘tư liệu sống’ này cũng phải được ghi lại rồi nhỉ?

“Làm thầy quan trọng nhất là phải sửa mình, khi con muốn làm công việc này, ba định cất cây thước đi và xem nó như một kỉ niệm trưởng thành; bây giờ con muốn làm gì thì làm, ba còn cất nó đi thì coi sao được?”

“Con đâu có muốn làm gì thì làm…”

Hai ba con lại giằng co thêm nửa phút, ông Sơ không đành lòng để cậu giơ tay một cách đau đớn nên nhàn nhã nói: “Lần này phạt con lau thước một lần rồi để lại thôi.”

“Ba…” Sơ Trừng cuối cùng cũng nhận ra mình đang bị trêu chọc: “Sao ba lại như thế chứ?”

“Tiểu Trừng, khi nghe tin con bị bệnh, ba còn đang họp ở ngoại thành. Nghĩ tới con vừa trải qua cuộc phẫu thuật gây mê toàn thân, nằm trên giường bệnh không thể ăn uống và cử động, con biết ba ngủ không yên giấc mấy đêm không?”

Ông Sơ không bao giờ nói năng gay gắt, giọng ông vẫn luôn nhẹ nhàng như vậy. Ông yêu thương đứa con hiếu thảo ngoan ngoãn, nhưng cũng trách nó mới rời xa gia đình là đã học cách chỉ báo tin vui và giấu đi những tin xấu.

Cảm xúc tích tụ trong lòng ông quá phức tạp, cuối cùng ông chọn cách trêu chọc khiến ‘kẻ chủ mưu’ phải khó chịu trong nửa phút.

Bực bội nhưng bất lực, Sơ Trừng đặt cây thước xuống cười gượng: “Con có lỗi vì đã khiến ba lo lắng, ba uống miếng trà đi.”

Cậu định rót hai tách trà nhưng khi định cầm một tách lên thì ba Sơ ngăn cậu lại.

Ông Sơ nói: “Con không cần uống với ba, con có thích uống trà đâu. Con chưa ăn sáng đúng không? Để bụng đói uống trà không tốt cho dạ dày.”

“Dạ con ra ngoài trước.” Sơ Trừng đang định đứng dậy thì liếc mắt thấy người ngồi trên ghế vẫn muốn nói gì đó, cậu lập tức dừng bước kiên nhẫn chờ đợi.

Quả nhiên ông Sơ nói tiếp: “Sáng nay mẹ nói với ba là từ lúc con đi làm có một đồng nghiệp hỗ trợ con rất nhiều, lúc con bị bệnh cũng chạy ngược chạy xuôi để chăm lo cho con. Nhà người ta cũng ở Bắc Kinh.”

Sơ Trừng lại ‘dạ’ một tiếng.

“Nghe nói ba mẹ nó ở nước ngoài quanh năm suốt tháng, ở nhà chỉ có hai chị thôi. Ba mẹ có chuẩn bị quà cảm ơn nhưng đích thân đưa tới thì không hay lắm, con sắp xếp thời gian gửi qua giúp ba mẹ.”

Hẳn là thầy Dụ và Giáo sư Kim đã nói với nhau mấy chuyện này, có lẽ hắn cũng không ngờ bà đã ghi nhớ hết.

“Sao nhà mình phải trịnh trọng quá vậy?” Sơ Trừng nghĩ về mối quan hệ của mình với Dụ Tư Đình, cả hai người vẫn duy trì bầu không khí thoải mái, giản dị.

Ông Sơ cầm chén trà cười rồi nói: “Ba muốn bày tỏ lòng biết ơn vì nó đã chăm sóc cho vợ con mình ở Đình Châu, làm như thế cũng là phép lịch sự tối thiểu. Còn những việc khác, chẳng hạn như con có hoà hợp với tính cách của nó hay không, có muốn duy trì mối quan hệ lâu dài để mời nó đến nhà làm khách hay không là việc cá nhân của con, ba sẽ không can thiệp.”

“Dạ rồi.” Sơ Trừng do dự một chút rồi đồng ý: “Để con đánh tiếng với người ta trước.”

Ông Sơ gật đầu: “Cứ nói đi.”

Sơ Trừng đứng thẳng, hơi nghiêng người về phía ba rồi rời khỏi phòng đọc sáng.

Thầy Sơ trở về phòng và lấy điện thoại ra rồi suy nghĩ rất lâu để giải thích toàn bộ câu chuyện, sau đó cậu mới gửi tin nhắn cho thầy Dụ.

Một lúc sau cậu nhận được câu trả lời từ đối phương.

[Dụ Tư Đình: Tất nhiên, thầy tới lúc nào cũng được.]

Sơ Trừng được ba giao nhiệm vụ nên muốn xác nhận thời gian ngay, cậu gõ tiếp:

[Tối mai có tiện không? Nếu được thì thầy gửi tôi địa chỉ nhé.]

Dụ Tư Đình gửi địa chỉ kèm theo một tin nhắn khác.

[Dụ Tư Đình: Ngày mai tôi định ra ngoài mua vài thứ, nếu cần thì tôi qua đón thầy.]

[Sơ Trừng: Không cần đâu, gặp nhau ở trung tâm thương mại là được.]

[Dụ Tư Đình: Ừ.]

Đọc xong tin nhắn, Sơ Trừng đặt điện thoại xuống và nằm trở lại giường.

Sở dĩ cậu hẹn gặp đối phương trong trung tâm thương mại là vì cậu muốn mua ít quà tặng ông Sơ, đồng thời cũng muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với chuyên gia dinh dưỡng đã nấu canh cho cậu.

Còn việc tặng gì cho dì thì phải hỏi thầy Dụ mới quyết định được.

Sơ Trừng đang nghĩ đến ngày mai thì đột nhiên cảm thấy trong người hơi cộm lên, cậu dùng ngón tay chạm vào thì mới nhận ra mình đã vô thức cầm theo cây thước.

Nghĩ đến sự xấu hổ vừa rồi càng khiến cậu khó chịu hơn, Sơ Trừng cau mày và tùy tiện ném nó về phía ghế sofa.



Tác giả có lời muốn nói

Dụ Tư Đình: Thì ra người nấu canh có quà, vậy anh lấy cây thước độc quyền của em được không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.