Tam Thế

Quyển 2 - Chương 6: Nhị thế: Kẻ báo tử -Năng lực dị thường




Dưỡng mẫu nói tôi là một đứa trẻ đặc biệt, tự tôi cũng cảm thấy như thế.

Từ khi sinh ra tôi đã mang một đôi mắt khác người, một đôi mắt màu đen pha chút xanh lam, một đôi mắt có thể nhìn thấy cái chết.

Gặp bất kỳ ai, nhìn bất kỳ người nào, tôi đều có thể thấy được sinh mệnh của họ dài hay ngắn, có thể cảm nhận được luồng khí kỳ dị bao quanh họ. Luồng khí mà tôi đang nói đến chính là tử khí. Tử khí càng nhạt, chứng tỏ người đó phúc dày, sống lâu; tử khí càng đậm, chứng tỏ người đó đang cận kề cái chết.

Khi còn là trẻ con, ai mà chẳng muốn bản thân trở nên đặc biệt, được mọi người chú ý đến. Nhưng tôi thì không. Tôi chỉ muốn làm một người bình thường, được phụ mẫu thương yêu, được coi là con người. Chính đôi mắt và năng lực dị thường có được ngay từ khi sinh ra đã khiến tôi trở nên đặc biệt, và nó cũng đem lại cho tôi bao tai họa, bao rắc rối. Vì nó mà tôi bị dân làng coi là quái vật, là kẻ chuyên mang đến xui xẻo cho người khác, cuối cùng bị chính phụ thân của mình ruồng bỏ.

Vì mẫu thân qua đời ngay sau khi tôi được sinh ra nên tôi không biết bà dung mạo thế nào, tính tình ra sao, chỉ nghe dân làng đồn đại bà là một người vô cùng xinh đẹp, giỏi cầm kỳ thi họa, thêu thùa may vá, đáng tiếc hồng nhan thường bạc mệnh, mẫu thân tôi tuy tài mạo song toàn nhưng cơ thể bẩm sinh lại yếu ớt, thường xuyên ốm đau bệnh tật, đại phu từng nói bà rất khó có thai, dù có cũng khó giữ được. Vậy nên nghe nói khi mang thai tôi bình an vượt qua bốn tháng đầu, cả phụ thân và mẫu thân tôi đều rất vui mừng, cho rằng kỳ tích đã xảy ra, cuối cùng ông trời cũng thương xót mà ban cho họ một đứa con. Vốn tưởng mọi chuyện từ nay về sau sẽ diễn ra tốt đẹp, không còn gì phải lo lắng nữa, ngờ đâu tự dưng lại xuất hiện một vị đạo trưởng, bi kịch bắt đầu từ đây.

Vị đạo trưởng kia nói tôi, lúc đó vẫn còn là hài nhi trong bụng mẹ, mang một cặp mắt La Sát, chuyên mang đến tai họa và xui xẻo cho những người xung quanh. Ông ta còn khuyên mẫu thân tôi bỏ tôi đi, bằng không bà sẽ bị tôi hại chết. Nhưng khó khăn lắm mẫu thân tôi mới có thai, bà đâu chịu từ bỏ đứa con này chỉ vì lời nói của một người mà bà không hề quen biết, điều này tôi có thể hiểu được.

Mọi chuyện sau đó diễn ra y như lời vị đạo trưởng kia nói. Mẫu thân qua đời ngay sau khi hạ sinh tôi, tôi lại sinh ra với đôi mắt khác người nên bị coi là quái vật, là kẻ hại chết chính mẹ ruột của mình. Cha luôn đánh đập tôi, chửi mắng tôi suốt ngày, ánh mắt tràn ngập hận thù của ông như nói cho tôi biết rằng nếu gương mặt này không có vài phần giống thê tử quá cố của ông, nhất định ông sẽ không chần chừ mà lập tức lao đến bóp chết tôi cho hả giận. Kế mẫu vốn luôn gánh ghét đố kỵ với mẫu thân tôi, tôi lại giống mẫu thân đến vậy, bà ta đương nhiên cũng căm ghét tôi, đối xử với tôi không tốt, thường xuyên bắt tôi nhịn đói, bắt tôi làm việc cả ngày; coi tôi như một người hầu thấp kém, như một bao cát trút giận. Không chỉ riêng hai người bọn họ mà tất cả mọi người trong làng đều xa lánh tôi, nhìn tôi như thể đang nhìn một con quái vật ghê tởm. Mỗi khi trong làng có người chết, họ lại đổ mọi tội lỗi lên đầu tôi, nói tôi hại chết người đó, mặc dù có thể tôi chưa nhìn thấy người đó bao giờ. Trước sự chỉ trích và buộc tội của dân làng, tôi chỉ biết cúi đầu lầm lũi bước đi, hoặc trốn vào xó xỉnh nào đó ngồi khóc một mình.

Năm tôi tám tuổi, kế mẫu bày mưu hãm hại tôi nhằm đuổi tôi ra khỏi nhà. Cha vốn không hề yêu thương tôi, vậy nên đứng trước chuyện này, ông thà tin bà ta chứ không tin đứa con gái ruột của mình. Cha bỏ ngoài tai những lời van xin khẩn cầu của tôi, đuổi tôi ra khỏi nhà, ném tôi vào trong một cái hang đầy rắn rết bọ cạp, để mặc tôi tự sinh tự diệt. Lúc đó tôi mới chỉ là một đứa trẻ chưa đầy mười tuổi, nếu không vì Lục Lục tưởng tôi là đồng loại của nó nên mới không ăn thịt tôi, e rằng tôi đã sớm bỏ mạng trong cái hang này rồi.

Lục Lục mà tôi nói chính là con rắn lớn nhất trong cái hang đó, vì toàn thân nó được bao phủ bởi một lớp vảy óng ánh màu lục nên tôi gọi nó là Lục Lục. Không biết có phải nó tưởng tôi là đồng loại của nó hay không mà từ đầu đến cuối nó không hề làm tổn hại đến tôi, thậm chí còn đối xử với tôi rất tốt, còn tốt hơn cả cha và kế mẫu của tôi. Nó không chỉ không ăn thịt tôi mà còn chia cho tôi một nửa số đồ ăn mà nó kiếm được, thỉnh thoảng còn tha về cho tôi mấy bộ y phục màu lục để tiện thay đổi. Thời gian dần trôi, tôi không còn sợ rắn rết như trước nữa, thậm chí còn trở nên thân thiết với Lục Lục, coi nó như bằng hữu, như người nhà của mình. Ban ngày tôi cùng nó chơi đùa ở bờ sông gần hang, tối đến lại cuộn tròn ngủ trong lòng nó, còn nó thì dùng thân mình bao bọc cơ thể tôi. Nhiều lúc nằm trong lòng Lục Lục tôi lại suy nghĩ vẩn vơ, nghĩ rằng nếu Lục Lục mà là sói hay hổ thì tốt biết mấy, lớp vảy lành lạnh man mát sẽ biến thành tấm thảm lông mềm mại ấm áp, còn tuyệt hơn cả thứ được gọi là chăn của con người, khi ôm cũng sẽ thoải mái hơn nhiều. Nhưng điều đó cũng không khiến tôi cảm thấy tiếc nuối nhiều lắm, bởi Lục Lục tuy chỉ là rắn, tuy có lớp vảy lành lạnh nhưng sâu thẳm bên trong lại là một trái tim ấm áp, tâm địa thiện lương, đối xử ân cần với cả dị loại là tôi, khác hẳn những con người mà tôi từng biết, bề ngoài thì hiền từ nhân hậu, bên trong lại nham hiểm thâm độc, thối nát cực điểm, sẵn sàng ruồng bỏ, làm hại đồng loại của mình. Mỗi khi ôm Lục Lục, hơi lạnh từ lớp vảy của nó lan sang cơ thể tôi, không hiểu sao lại biến thành một cảm giác ấm áp và an toàn vô cùng, truyền vào tận tim. 

Khoảng thời gian tôi sống nương tựa vào Lục Lục có thể nói là một trong những khoảng thời gian hạnh phúc nhất, vui vẻ nhất trong cuộc đời của một đứa trẻ gắn liền với tai họa và chết chóc như tôi; hạnh phúc đến mức tôi còn có ý định ở bên Lục Lục cả đời, không bao giờ lìa xa. Nhưng khoảng thời gian hạnh phúc thường không kéo dài lâu, hai năm sau, một người phụ nữ đã xuất hiện và đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời tôi, cho tôi thêm một cơ hội được sống cuộc sống của một con người.

Đó là một góa phụ xinh đẹp sống bằng nghề săn bắt thú rừng. Bà tìm thấy tôi trong một chuyến đi săn khi đi vào khu rừng được dân làng coi là cấm địa. Sau khi biết được mọi chuyện xảy ra trong quá khứ của tôi, bà quyết định nhận tôi làm dưỡng nữ và đưa tôi về nhà của bà. Ban đầu tôi một mực từ chối, bởi tôi cảm thấy cuộc sống hiện tại rất tốt, tôi không muốn rời xa Lục Lục, hơn nữa tôi còn là đứa trẻ bị nguyền rủa, còn mang cặp mắt La Sát, tôi không muốn mang đến xui xẻo cho bà ấy, càng không muốn người khác phải chết vì mình. Tôi vốn tưởng sau khi nghe xong những lời đó bà ấy sẽ từ bỏ ý định nhận nuôi tôi, bởi đã là con người, ai mà chẳng quý trọng tính mạng, sợ hãi cái chết; nào ngờ những lời tôi nói lại phản tác dụng, lại khiến bà ấy càng thêm quyết tâm: “A đầu ngốc nghếch này, con nói lung tung gì vậy? Con mới chỉ là một đứa trẻ, có thể hại ai được chứ?”. Không để tôi kịp trả lời, lại nói: “Con là một đứa trẻ đặc biệt, chứ không phải quái vật bị nguyền rủa như mọi người thường nói; năng lực mà con sở hữu có thể giúp con dự báo cái chết của người khác, chứ không phải thứ mang lại tai hoạ, xui xẻo cho những người xung quanh, càng không phải một công cụ giết người hàng loạt. Hiểu chưa?”.

Tôi ngây người: “Nhưng…”. Nhưng từ trước đến giờ chỉ có bà ấy mới nói với tôi những lời như vậy, còn trong mắt mọi người, tôi vẫn luôn là đứa trẻ bị nguyền rủa, một con quái vậy ghê tởm.

Lại bị bà ấy thản nhiên ngắt lời: “Nếu ngay cả bản thân con còn nghĩ mình là quái vật thì còn ai có thể coi con là con người đây?”.

Khi nghe bà ấy hỏi vậy, tôi đột ngột ngẩn người, nhất thời không biết phải đáp lại thế nào cho phải. 

Thấy tôi không trả lời, bà dường như cũng chẳng bận tâm, chỉ đưa tay xoa đầu tôi, dịu dàng nói: “Cho dù có sở hữu đôi mắt và năng lực đặc biệt, con vẫn là con người, vẫn phải sống cuộc sống của một con người và sống cùng đồng loại của mình. Nhất là bây giờ, khi con vẫn còn là một đứa trẻ, vẫn cần được người khác chăm sóc. Một cái hang đầy rắn rết bọ cạp trong khu rừng âm u, tách biệt với cuộc sống của con người không phải nơi thích hợp để một đứa trẻ như con sinh sống. Cho dù Lục Lục của con có tốt thế nào, nó vẫn chỉ là một con rắn, không thể thay thế vị trí người mẹ trong cuộc sống của con. Con nhìn xem, y phục trên người con đã cũ quá rồi, không đủ giữấm cơ thể trong mùa đông lạnh giá; con cũng không thể chỉ ăn trái cây rừng mãi được, như vậy sẽ khiến cơ thể phát triển không hoàn thiện”. Nói đoạn bà ấy lại mỉm cười, lặp lại ý định của mình thêm một lần nữa: “Vậy nên hãy về nhà của ta, dưỡng mẫu sẽ chăm sóc con thật tốt, sẽ không để con phải chịu cực khổ, cũng không phải chịu ấm ức. Ý con thế nào, con gái?”.

Thất thần hồi lâu, lát sau tôi mới lên tiếng, lặp lại lời nói của bà trong vô thức: “Cuộc sống của một con người? Con có thể sao?”.

Bà ấy nhìn tôi, dịu dàng trách cứ: “A đầu ngốc nghếch này, sao con lại hỏi câu đó? Đừng quên con vốn là một con người”.

Câu nói ấy của bà đã xoá tan mọi do dự, lo lắng trong lòng tôi, thay vào đó là khát vọng bấy lâu nay tôi luôn che giấu bắt đầu trỗi dậy, không ngừng vọng đi vọng lại trong tâm trí: Tôi muốn được sống như bao người khác, muốn được sống cuộc sống của một con người!

Lục Lục và tôi gắn bó với nhau đã lâu, nay tự dưng lại phải xa cách đúng là một chuyện chẳng hề dễ dàng. Nhưng Lục Lục là một con rắn tốt, nó luôn muốn tôi được vui vẻ hạnh phúc, nó cũng hiểu cuộc sống mà dưỡng mẫu mang lại cho tôi chính là cuộc sống mà tôi vẫn hằng mong ước nên cho dù không nỡ, nó vẫn đồng ý để tôi đi, để tôi rời khỏi nó, rời khỏi khu rừng này.

Trên con đường trở về nhà của dưỡng mẫu, đúng hơn là nhà mới của tôi, tôi có hỏi bà một câu: “Sau này con có thể thường xuyên trở về đây thăm Lục Lục không ạ?”.

Bà lắc đầu trả lời: “Nhà của chúng ta cách khu rừng này rất xa, ta e thường xuyên là không thể, nhưng nếu thỉnh thoảng mới trở về thì không có vấn đề gì”.

Nghe tôi trả lời như vậy, tôi không tránh khỏi có chút hụt hẫng, nhưng cũng chỉ có thể tự nhủ với lòng rằng thỉnh thoảng cũng được, chỉ cần có thể gặp lại Lục Lục, có thể chơi đùa cùng nó như trước đây là tốt rồi.

Vì đã sống tách biệt với con người trong một khoảng thời gian dài nên tôi rất ít nói, cũng không biết phải nói những gì, nên mở lời thế nào, vậy nên bầu không khí giữa tôi và dưỡng mẫu yên ắng lạ thường. Suốt dọc đường đi, vẫn là bà ấy chủ động nói chuyện với tôi: “Phải rồi, ta quên chưa hỏi con, tên con là gì?”.

Tên ư? Tôi thành thật trả lời: “Mẫu thân con mất sớm, phụ thân lại không đặt tên cho con, chỉ có bọn trẻ trong làng gọi con là A Khắc”. Tôi còn nhớ năm tôi bốn tuổi, có một lần tôi hỏi phụ thân vì sao tôi không có tên như bao người khác, ông lại nổi cơn thịnh nộ, đánh tôi một trận rồi mới đáp bằng giọng đầy khinh miệt: “Quái vật như ngươi không xứng có được một cái tên”. Còn cái tên A Khắc mà bọn trẻ trong làng đặt cho tôi cũng chẳng khiến tôi cảm thấy vui vẻ, dễ chịu gì, bởi nó gắn liền với năng lực chết chóc mà tôi có được ngay từ khi sinh ra, với những chuyện đã xảy ra trong quá khứ mà tôi muốn quên cũng không được.

Dưỡng mẫu trầm ngâm hồi lâu, miệng không ngừng lẩm bẩm: “A Khắc? Không được, cái tên này quá xui xẻo, không hợp với con chút nào, để ta đặt cho cái tên khác hay hơn nhé”. Chẳng để tôi kịp phản ứng, bà đã nhanh chóng nghĩ ra một cái tên: “Dung Tĩnh, tư dung hơn người, đoan trang thục tĩnh. Ta hy vọng con sẽ trở thành một người như vậy. Còn con thì sao, con thấy cái tên này thế nào?”.

Hệt như một đứa trẻ được tặng món đồ chơi mà nó thích, vì chuyện này mà tôi vui vẻ cả ngày liền: “Cái tên này rất hay. Con rất thích nó”.

Nghe tôi nói vậy, nụ cười trên môi bà càng hiện rõ, ánh mắt càng thêm dịu dàng: “Con thích là tốt rồi. Còn bây giờ thì nhanh chóng trở về thôi, A Nghi hẳn là đang lo lắng lắm”.

Tôi tròn mắt ngạc nhiên: “A Nghi? Đó là ai vậy ạ?”.

Dưỡng mẫu xoa đầu tôi, mỉm cười trả lời: “Đó là con gái của ta, Dung Nghi. Phải rồi, hai con giống nhau lắm, thoạt nhìn như in từ một khuôn vậy. Người ngoài không biết còn tưởng hai con là tỷ muội song sinh”. Ngừng một lát, bà lại nói: “Nếu biết được mình vừa có thêm một tiểu muội xinh xắn đáng yêu như con, nhất định nó sẽ rất vui mừng”.

Tôi vẫn chăm chú nhìn đường đi, không biết phải đáp lại thế nào ngoài một tiếng “vâng” nhỏ lí nhí. Đột nhiên có thêm một dưỡng mẫu và một tỷ tỷ còn chưa cả gặp mặt khiến tôi nhất thời không thích ứng được.

Dường như biết tôi đang suy nghĩ gì, bà đột nhiên bật cười, bàn tay đang xoa đầu chuyển sang gõ nhẹ vào trán tôi: “Sao phải căng thẳng đến thế, chúng ta có ăn thịt con đâu mà sợ! Dù sao cũng đã là người một nhà, dần dần rồi sẽ quen thôi”.

Đi thêm khoảng chừng một canh giờ nữa chúng tôi mới về đến nhà. Nhà của dưỡng mẫu cũng như bao ngôi nhà khác trong làng, sân trước trồng một cây lê. Bây giờ đang là mùa xuân, hoa lê đang kì nở rộ, sắc trắng của hoa lê nổi bật lên trên tấm thảm hoa đào màu hồng trải khắp triền núi. Dưới tán hoa lê là một tiểu cô nương áo tím đang cúi người nhặt những đoá hoa lê rơi, để vào trong một cái bát sứ to màu trắng. Chúng tôi vừa mới bước vào trong sân, tiểu cô nương áo tím đó đã đặt cái bát đựng đầy hoa lê lên chiếc bàn kê dưới tán hoa, nhanh chóng chạy về phía chúng tôi. Nụ cười của tỷấy còn đẹp hơn cả hoa lê tháng ba; giọng nói trong trẻo, thanh thanh như băng tuyết tan khi xuân về, róc rách chảy qua từng khe đá: “Mẹ cuối cùng cũng về rồi!”. Ánh mắt dừng lại trên người tôi, giọng điệu vui mừng nhanh chóng chuyển sang ngạc nhiên: “Mẹ, đây là…”.

Khi nhìn thấy rõ gương mặt của tiểu cô nương áo tím, tôi cũng sững người. Gương mặt của tỷ ấy giống tôi đến tám, chín phần, thoạt nhìn như in từ một khuôn. Đúng như dưỡng mẫu nói, người ngoài không biết còn tưởng tỷ ấy và tôi là tỷ muội song sinh cũng nên.

Dưỡng mẫu một tay cầm lấy tay trái của tôi, một tay giơ lên phủi đi cánh hoa lê rơi trên tóc tiểu cô nương áo tím, dịu giọng bảo: “Vào nhà rồi hãy nói”.

Trước khi ăn, dưỡng mẫu kể lại mọi chuyện cho tiểu cô nương áo tím nghe. Tôi ngồi đối diện với tỷ ấy, hai tay nắm chặt một góc áo, lòng nơm nớp lo sợ. Trẻ con vốn có ham muốn độc chiếm rất mạnh, chúng không muốn chia sẻ tình yêu cùng sự quan tâm của cha mẹ chúng với bất kỳ đứa trẻ nào khác. Hơn nữa, tôi còn giống tỷ ấy đến vậy, tỷ ấy càng có lý do để ghét tôi hơn. Tôi càng nghĩ lại càng thêm lo lắng, căng thẳng.

Sự thật chứng minh lo lắng của tôi là thừa.

Sau khi nghe xong toàn bộ câu chuyện, tỷ ấy nhìn tôi hồi lâu, ánh mắt không hề để lộ biểu tình chán ghét hay đố kỵ, ngược lại còn tươi cười rạng rỡ như hoa nở mùa xuân, giọng nói cũng tràn ngập hứng khởi: “Tốt quá! Con mong ngày này từ lâu lắm rồi!”.

Từ đó trở đi, tỷ ấy quả thật đối xử với tôi rất tốt, coi tôi như muội muội ruột của mình. Có đồ ăn ngon, tỷ ấy đều chia tôi phần hơn; có quần áo đẹp, tỷ ấy đều nhường tôi chọn trước. Tôi luôn đi theo tỷấy như hình với bóng, tỷ ấy cũng không chê tôi phiền; tôi có nhiều điều muốn hỏi, tỷ ấy đều kiên nhẫn giải đáp từng vấn đề một. Đối với tôi, tỷ ấy là người làm tỷ tỷ tốt nhất trên đời.

Một buổi sáng đẹp trời, khi dọn lại tủ quần áo của tỷ ấy, mắt lướt qua đống y phục trong tủ, tôi không kìm được thốt lên: “Dung Nghi tỷ tỷ…”.

Tỷ ấy lập tức đáp trả: “Gọi A Nghi”.

Tôi ngoan ngoãn sửa lại: “A Nghi, sao y phục của tỷ toàn là màu tím vậy? Tỷ thích màu tím lắm sao?”.

Tỷ ấy lắc đầu, nhẹ giọng giải thích: “Cũng không hẳn là thích, chỉ là màu tím khó bẩn dễ giặt nên ta mới hay mặc màu này thôi”. 

“Vậy tỷ thích màu nào nhất?”

“Ừm… Ta thích nhất là màu trắng, màu đại diện cho tất cả những gì trong sạch nhất, thuần khiết nhất trên thế gian này.”

“Vậy tại sao tỷ không mặc y phục màu trắng?”

“Màu trắng là màu trong sạch nhất, thuần khiết nhất thế gian, nhưng cũng là màu dễ bị vấy bẩn nhất”, A Nghi kiên nhẫn trả lời, “Ta thích màu trắng nhưng không thích mặc bạch y, là bởi vì nó dễ bẩn khó giặt”.

Tôi gật đầu tỏ ý đã biết, sắp xếp y phục xong, lại thấy trong tay A Nghi là cái bát đựng đầy hoa lê quen thuộc, tôi không kìm được mà hỏi: “Tỷ định dùng số hoa lê này vào việc gì?”.

A Nghi nhanh chóng đáp lại: “Làm một bồn tắm thả đầy hoa lê”.

“Hoa lê? Tỷ định tắm với hoa lê sao? Muội chỉ nghe nói người ta thường tắm với hoa hồng vì làm vậy sẽ giúp cơ thể lưu thông khí huyết, dưỡng tâm an thần, hơn nữa còn rất tốt cho da. Chẳng lẽ hoa lê cũng có công dụng thần kỳ như vậy?”

“Hoa lê cũng có công dụng thần kỳ như hoa hồng hay không thì ta không biết, nhưng cảm giác được ngâm mình trong làn nước ấm, giữa những cánh hoa lê trắng muốt thì đúng là vô cùng tuyệt vời.” Trả lời xong, tỷ ấy lại giục: “Dọn tủ xong rồi thì mau ra phụ ta nhặt hoa lê. Hôm nay gió lớn, hoa lê rụng nhiều, mình ta nhặt không xuể. Nhặt xong ta sẽ đi đun nước để lát nữa chúng ta tắm chung”.

Kể từ khi A Nghi nhận tôi làm muội muội của tỷấy, mỗi ngày của chúng tôi cứ trôi qua như vậy. Tỷ ấy đi một bước, tôi theo một bước; tôi hỏi một câu, tỷ ấy trả lời một câu. Chúng tôi thân thiết như hình với bóng, yêu thương nhau còn hơn cả tỷ muội ruột. Quan hệ giữa chúng tôi tốt đến mức ngay cả dưỡng mẫu cũng phải cảm thán một câu: “Hai con kiếp trước nhất định là tỷ muội song sinh!”.

Tôi cúi đầu nhìn chiếc túi hương A Nghi vừa thêu, trong lòng tràn ngập hạnh phúc, khẽ đáp lời: “Con cũng nghĩ vậy”.

Dưỡng mẫu xoa đầu tôi, lơ đãng nói tiếp: “À, còn chuyện này ta quên chưa nói với con, ta đã nói cho mọi người trong làng biết về chuyện của con rồi”.

Tay tôi vô thức siết chặt đoá hoa đào sinh động như thật thêu trên túi, lòng nơm nớp lo sợ. Tôi sợ mọi người trong ngôi làng này cũng nhìn tôi như thể đang nhìn một con quái vật ghê tởm, sẽ đối xử với tôi như bao người coi tôi là đứa trẻ bị nguyền rủa từng làm. Phải khó khăn lắm tôi mới được sống như một con người thực sự, mới có được một gia đình tuy không đầy đủ nhưng vô cùng êm ấm, hạnh phúc như bao đứa trẻ bình thường. Tôi không muốn tất cả bị phá huỷ chỉ vì năng lực dị thường mà tôi có được ngay từ khi sinh ra, không muốn những gì bản thân có được bây giờ sụp đổ chỉ trong phút chốc.

Nhận ra được tôi đang lo lắng, dưỡng mẫu liền nở nụ cười hiền từ để trấn an: “Đừng lo, ta chỉ nói với họ con không có phụ mẫu, không may đi lạc trong rừng. Mọi người ở đây đều rất tốt bụng, chúng ta sẽ luôn chào đón con”.

Mọi chuyện diễn ra sau đó đúng như lời dưỡng mẫu nói. Không có ai trong làng nhìn tôi như thể nhìn một con quái vật ghê tởm, bọn trẻ trạc tuổi cũng không hề xa lánh tôi, phụ mẫu của chúng cũng không hề khuyên con mình phải tránh xe đứa trẻ không rõ lai lịch này, thậm chí họ còn đối xử với tôi rất tốt, thường xuyên làm cho tôi đồ ăn ngon, may cho tôi vài bộ y phục đẹp. Bây giờ tôi đã thực sự trở thành một đứa trẻ bình thường trong mắt mọi người, hơn nữa, còn là một đứa trẻ vô cùng đáng thương.

Những thứ tôi có được bây giờ đều là nhờ dưỡng mẫu ban tặng. Tôi không biết phải thể hiện sự biết ơn của mình như thế nào ngoài việc nhào vào lòng bà, thốt lên những lời xuất phát từ tận đáy lòng: “Dưỡng mẫu là người đầu tiên đối xử tốt với con, cho con những gì con vẫn hằng khao khát. Ân tình của người con sẽ không bao giờ quên, chỉ sợ trả cả đời cũng không hết”. Nếu nói mẫu thân là người đưa tôi đến với thế gian này, ban cho tôi hình hài con người thì dưỡng mẫu chính là người cho tôi được sống như một con người thực sự, như một đứa trẻ bình thường; chính là người đã sinh ra Dung Tĩnh.

Trước vẻ kích động của tôi, dưỡng mẫu chỉ nở một nụ cười hiền hoà, từ tốn nói: “Nếu con thực sự muốn trả ơn ta thì hãy đối tốt với bản thân, đừng tự coi mình là quái vật, sống như bao đứa trẻ bình thường, như bao người bình thường khác. Vậy là đủ rồi”.

Nghe dưỡng mẫu nói vậy, tim tôi lại tràn ngập một thứ cảm xúc không tên, sóng lòng lại dâng lên tầng tầng lớp lớp. Khi cảm xúc trong tôi vẫn còn hỗn loạn, A Nghi đã bưng bát gà hầm vào đặt lên bàn, tỏ vẻ đồng tình: “Đúng vậy, vẫn còn rất nhiều thời gian để muội trảơn mà. Còn bây giờ thì ra ăn cơm đi, tối nay có món gà hầm táo đỏ mà muội thích đấy”.

Dưỡng mẫu cũng nói bằng giọng rất mực dịu dàng: “A Tĩnh, ra ăn thôi”.

Lòng còn nhiều điều muốn nói, nhưng ngàn vạn lời nói ra đến miệng lại chỉ hoá thành một chữ: “Vâng”. Với dưỡng mẫu, cách báo ân tốt nhất là tôi sẽ sống thật tốt, biết coi trọng bản thân; và điều tôi mong muốn cũng chỉ đơn giản là sống một cuộc sống bình yên hạnh phúc bên những người tôi yêu và thương tôi. Vậy là đủ rồi.

Nhưng trên đời này làm gì có chuyện gì thập toàn thập mỹ. Lúc tôi đang sống trong hạnh phúc vì được mọi người chấp nhận và muốn chia sẻ niềm hạnh phúc ấy với “người” bạn thân nhất là Lục Lục thì nó lại không còn sống trong cái hang kia nữa. Lần đầu về thăm không thấy bóng dáng của Lục Lục, tôi đã có dự cảm chẳng lành. Mọi khi vào thời gian này nó đều đã về hang rồi, vậy tại sao hôm nay lại không thấy? Tôi chờ ở đó cả canh giờ nhưng vẫn chẳng thấy Lục Lục đâu. Nhìn tôi lo lắng như vậy, A Nghi đành lên tiếng khuyên nhủ: “Có lẽ nó vẫn còn đang bận kiếm mồi. Trời không còn sớm, chúng ta mau trở về thôi, hôm khác lại tới thăm nó”.

Thấy tôi vẫn còn do dự, tỷ ấy lại nói: “Nếu bây giờ còn không về, e là chúng ta sẽ không thể về nhà trước lúc trời tối đâu. Hơn nữa, đây đâu phải lần cuối cùng muội về thăm nó, vẫn có thể đến lúc khác mà. Nghe lời ta, trở về đi, A Tĩnh”.

A Nghi đã nói đến vậy, người làm muội muội là tôi không thể không nghe theo, chỉ là lúc trở về tôi không đành lòng mà thường ngoảnh lại nhìn cái hang ấy cho đến khi khuất hẳn.

Những ngày tiếp đó chúng tôi đều về thăm nơi này, nhưng không ngày nào trông thấy nó. Sự thật rành rành khiến tôi không thể không tin: Lục Lục thật sự đã rời đi rồi, đã không còn sống trong cái hang kia nữa. 

Đối với người khác, có lẽ Lục Lục chỉ đơn thuần là một con rắn sống lâu năm, tốt bụng lại hiểu tính người; nhưng đối với tôi nó lại như một con người thật sự, một “con người” đã chấp nhận tôi khi tôi bị cả thế gian này ruồng bỏ. Hơn nữa, khoảng thời gian chúng tôi sống nương tựa vào nhau không phải chỉ là ngày một ngày hai, sao có thể không buồn cho được? Dường như trước khi tôi đến nó đã sống ở đó từ rất lâu rồi, một mình ở đó trong một khoảng thời gian dài đằng đẵng, nó có buồn, có cảm thấy cô đơn? Khi tôi rời đi, nó có cảm thấy trống vắng như tôi hiện giờ?

Dường như biết được tôi đang nghĩ gì, A Nghi bật cười khanh khách: “Là muội lo nghĩ quá thôi. Dù có hiểu tính người thế nào đi chăng nữa thì nó vẫn chỉ là rắn, sao có thể có những suy nghĩ, tình cảm như con người được?”.

Tôi ủ rũ cúi đầu, nói bằng giọng buồn thiu: “Vậy tại sao Lục Lục lại rời đi vào lúc này, chẳng phải nó đã sống trong cái hang này từ rất lâu rồi sao? Tỷ nói xem, có phải vì muội rời đi nên nó mới không muốn ở lại đó?”.

Nghe vậy, tỷ ấy càng cười giòn giã, giọng nói thường ngày vốn trong trẻo giờ lại lanh lảnh như tiếng chim ca: “A Tĩnh, suy nghĩ của muội khác người thật đấy!”.

Tôi xoay mặt đi, làm bộ không để ý đến tỷấy, cũng chẳng buồn lên tiếng trả lời.

Thấy tôi dường như giận thật, A Nghi vội vàng giải thích: “Ta không phải cố ý trêu chọc muội đâu, thật đấy! Ta chỉ là thấy muội buồn bã đã mấy ngày nên muốn chọc muội vui mà thôi”. Tỷ ấy lập tức ngừng cười, giọng trở nên nghiêm túc: “Hơn nữa, ngày này sớm muộn cũng đến. Cho dù Lục Lục có có tốt với muội thế nào, cho dù muội có thích nó đến đâu thì vẫn không thể thay đổi sự thật rằng muội là người, còn nó chỉ là rắn. Cả hai không thể sống bên nhau cả đời được”.

Đã từng có lúc tôi định sống bên Lục Lục cả đời, bởi Lục Lục đối với tôi rất tốt, chúng tôi sống chung cũng rất vui vẻ, nhưng chỉ đến lúc nghe A Nghi nói tôi mới biết chỉ đối tốt thôi, chỉ vui vẻ thôi chưa đủ, còn cần rất nhiều điều khác nữa, nhất là khi một trong hai không phải con người.

Thấy sắc mặt tôi hoà hoãn hơn nhiều, A Nghi nhích lại gần tôi hơn, mở miệng nói tiếp: “Trong cuộc đời chúng ta đều sẽ gặp rất người, có người chỉ xuất hiện thoáng qua rồi hoàn toàn biến mất, chỉ để lại ấn tượng mờ nhạt hoặc thậm chí là chẳng để lại gì cả; có những người lại cùng chúng ta dây dưa không dứt, quấn quýt cả đời. Duyên phận giữa con người đã khó nắm bắt như vậy, huống hồ là giữa một người một rắn”.

Lòng vẫn buồn nhưng tôi không kìm được trả lời: “Rõ ràng chúng ta bằng tuổi nhau nhưng tỷ lại có thể nói ra những câu triết lý như thể đã sống hơn nửa đời người rồi ấy”.

Nào ngờ A Nghi lại chỉ thản nhiên đáp lại: “Mấy câu vừa rồi đó hả? Là ta đọc được trong một cuốn sách của mẫu thân đó thôi”.

Tôi: “...”. Vậy mà cứ tưởng tỷ ấy người lớn hơn tôi nhiều, trưởng thành hơn tuổi chứ.

Tỷ ấy kéo tôi đứng dậy, nở một nụ cười trong sáng như hoa lê mới nở: “Vậy nên muội đừng buồn, nếu muội và Lục Lục thực sự có duyên, ta tin cả hai rồi sẽ sớm có ngày gặp lại. Còn bây giờ thì cùng ta về nhà, ta sẽ làm bánh chẻo nhân thịt gà cho muội ăn”.

Tôi phủi váy đứng dậy, tròn mắt hỏi lại: “Có loại bánh chẻo nhân đó sao? Muội chưa bao giờ nghe có người ăn nó cả”.

A Nghi lập tức đáp: “Đương nhiên là có. Chỉ cần lấy thịt gà làm nhân là ta có bánh chẻo nhân thịt gà rồi. Hơn nữa, không ai ăn cũng chẳng sao, chỉ cần ta thích ăn là được”.

A Nghi chính là người như vậy đấy, không quan tâm ánh mắt người đời, không cần biết người khác nghĩ gì, nói gì; chỉ cần mình thích, chỉ cần bản thân cảm thấy vui vẻ thoải mái là được. Và đó cũng là điều tôi ngưỡng mộ ở tỷ ấy. Nếu có thể tuỳ hứng giống tỷ ấy, tôi sẽ không vì lời đàm tiếu của người khác mà tự xem thường, nguyền rủa mình, sẽ không vì thế mà coi bản thân là quái vật, để rồi từ bỏ cuộc sống của một con người.

Nhờ có dưỡng mẫu, A Nghi và mọi người trong làng, nỗi buồn vì Lục Lục rời đi trong tôi đã vơi đi không ít. Mỗi khi nhớ về con rắn tốt bụng ấy, nhớ về khoảng thời gian chúng tôi sống nương tựa vào nhau, ngoại trừ cảm giác trống rỗng và tiếc nuối trong tim, tôi chẳng còn cảm thấy gì cả, và rồi khoảng trống ấy cũng được mọi người lấp đầy theo thời gian. Khoảng thời gian sau đó tôi lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác, được yêu thương, được chăm sóc. Tôi vốn tưởng từ nay về sau sẽ sống những tháng ngày yên ổn cho đến cuối đời, cứ tưởng nơi đây là chốn bình yên để tôi dừng chân; nào ngờ sự thật không phải vậy, nào ngờ ngày vui chóng tàn, hạnh phúc chóng tan. Sau hai năm sống trong yên bình, sóng gió lại một lần nữa nổi lên.

Năm tôi mười hai tuổi, năng lực dị thường vốn tưởng đã biến mất vì cuộc sống bình yên nơi đây lại có dấu hiệu trở lại, cặp mắt La Sát vốn tưởng đã bình thường nay lại trông thấy bóng đêm chết chóc. Tôi có thể nhìn thấy cả làng bị bóng đen chết chóc bủa vây, ai ai cũng lờn vờn tử khí dù đậm dù nhạt. Dịch hạch hoành hành khắp nơi, ngôi làng tôi đang sinh sống cũng không thể tránh khỏi. Ban đầu mới chỉ có một hai người chết, nhưng rồi số người chết cũng tăng dần theo thời gian. Chỉ trong vòng một tháng, số người còn sống sót đã giảm đi một nửa.

Đây là lần đầu tiên ngôi làng tôi đang sinh sống vướng vào thảm hoạ khủng khiếp như vậy trong vòng sáu mươi năm đổ lại, cũng là khoảng thời gian đôi mắt tôi không còn nhìn thấy bất kỳ màu sắc nào ngoại trừ màu đen, màu đen của chết chóc và tuyệt vọng. Cùng với sự lây lan vô cùng nhanh chóng của dịch bệnh, lời đồn rằng sự xuất hiện của tôi đã mang đến tai hoạ bắt đầu lan truyền khắp làng. Một đồn mười, mười đồn trăm. Chẳng mấy chốc, tôi đã trở thành kẻ gây nên tất cả tất cả trong mắt mọi người. Hằng ngày đều có người đến trước cửa nhà la hét chửi mắng tôi, nguyền rủa thâm độc, đòi thiêu sống tôi để diệt trừ tai hoạ; nhưng tất cả đều bị dưỡng mẫu chặn lại không cho vào, còn A Nghi thì ôm lấy cơ thể run lẩy bẩy của tôi trốn trong một góc của ngôi nhà, luôn miệng an ủi: “Không sao đâu A Tĩnh. Có mẫu thân và ta ở đây, sẽ không có ai có thể làm hại muội đâu”.

Nhờ có dưỡng mẫu và A Nghi, tôi bình an vượt qua mấy ngày, nhưng rõ ràng mọi chuyện đâu có dễ dàng dừng lại như vậy. Mấy ngày sau đó, số người chết chẳng những không giảm đi mà còn nhanh chóng tăng lên, mọi người trong làng cũng không bỏ qua cho tôi như những lần trước. Đêm đó, trưởng làng và mọi người cầm đuốc tụ tập trước cửa nhà tôi, bắt dưỡng mẫu phải giao tôi ra. Ban đầu họ nói rất khó nghe, nhưng sau đó không biết trưởng làng đã nói gì mà tất cả đều im bặt, tôi và A Nghi trốn trong nhà chỉ còn nghe thấy giọng nói già nua của ông ấy: “Ai ai trong ngôi làng này cũng đều yêu thương a đầu đó, điều này cô chắc chắn biết rõ. Nhưng chuyện đã đến nước này, Trúc Uẩn, giao a đầu đó ra đi”. Trúc Uẩn chính là tên của dưỡng mẫu.

Trưởng làng vừa dứt lời, tiếng bước chân dồn dập đã vang lên gần ngôi nhà, dường như có vài người xông lên định phá cửa xông vào bắt tôi nhưng đều bị dưỡng mẫu chặn lại: “Các người thì ngoài miệng nói yêu thương nó, vậy mà các người lại đang làm gì? Hả? Định thiêu sống một đứa trẻ bằng tuổi con cháu của mình, các người có còn nhân tính không?”.

Lát sau, trưởng làng lại lên tiếng, giọng nói tràn ngập sự áy náy và bất đắc dĩ: “Ta cũng không muốn làm như vậy, nhưng Trúc Uẩn, cô thử nói xem, vậy tại sao khi a đầu đó đến sống ở đây dịch bệnh lại bùng phát?”.

Dưỡng mẫu không cam lòng trả lời: “Đó chẳng qua chỉ là trùng hợp, là các người tự suy diễn đó thôi!”.

Lại bị trưởng làng thản nhiên ngắt lời: “Trúc Uẩn”.

Ngữ điệu bình thường nhưng lại khiến người ta không thể không nghe theo, khiến dưỡng mẫu đang cao giọng chất vấn cũng phải run run hỏi lại: “Người khác tin A Tĩnh là kẻ gây ra mọi chuyện là chuyện có thể hiểu được, nhưng ngài… ngay cả ngài cũng tin vào lời đồn vô căn cứ đó?”.

Trầm mặc một hồi, lát sau tôi nghe trưởng làng nói: “Đúng vậy. Ta tin”.

Dường như mất hết hy vọng, dưỡng mẫu đành quỳ xuống, dập đầu cầu xin: “Nếu mọi người đã cho rằng thảm hoạ lần này là do A Tĩnh mang tới, vậy thì hãy để nó rời khỏi ngôi làng này, để nó đến một nơi thật xa, không bao giờ trở về đây nữa, chỉ cầu xin mọi người… hãy tha cho nó một con đường sống”.

Qua khe hở từ cánh cửa khép hờ, tôi thấy dưỡng mẫu dập đầu rất mạnh, bà ấy không ngại đau đớn để cầu xin mọi người rủ lòng thương xót, để bảo toàn tính mạng cho tôi. Dưỡng mẫu quay lưng về phía ngôi nhà nên tôi không thấy được vết thương trên trán bà ấy, nhưng chỉ ngửi mùi máu nhàn nhạt phảng phất trong không khí thôi cũng đủ để đoán được bà đã dập đầu mạnh thế nào. Tại sao bà phải làm vậy chứ? Tại sao phải vì một đứa trẻ như tôi mà làm tổn thương chính mình? Tôi không đành lòng nhìn bà làm vậy, định xông ra ngăn cản thì bị A Nghi cản lại, không cho phép ra ngoài nửa bước. Nhìn đôi môi bị cắn đến bật máu của tỷ ấy, tôi biết tỷ ấy cũng đang rất kiềm chế để không chạy ra ngoài ngăn cản mẹ mình, bởi lúc này mà xuất đầu lộ diện thì mọi cố gắng của bà ấy sẽ đổ sông đổ biển mất.

Thấy trưởng làng đã có chút dao động, dưỡng mẫu lại lên tiếng, tranh thủ rèn sắt khi còn nóng: “Trưởng làng, người định thiêu sống A Tĩnh, nếu nó thực sự là mầm mống của tai hoạ thì không sao, nhưng nếu hoạ không phải từ nó mà ra, chẳng phải là sẽ lại có một người chết oan như con gái ngài mười năm trước?”.

Nghe đến câu này, trưởng làng không chỉ là ánh mắt dao động nữa, mà là cả người chấn động.

Tuy không biết con gái trưởng làng là ai nhưng qua lời dưỡng mẫu vừa nói và phản ứng của trưởng làng, tôi có thể lờ mờ đoán được chuyện xảy ra mười năm trước. Có lẽ nàng ấy cũng giống tôi, cũng bị mọi người coi là mầm mống của tai hoạ rồi mang đi thiêu sống. Và chỉ sau khi nàng ấy mất mọi người mới phát hiện ra đó chỉ là một nữ nhân bình thường, nhưng chuyện đã lỡ, người chết không thể sống lại, có hối hận cũng vô ích.

Trưởng làng trầm mặc rất lâu, lâu đến độ tất cả chúng tôi đều tưởng ông ấy không đồng ý, nhưng cuối cùng vẫn gật đầu chấp thuận: “Được, ta sẽ tha mạng cho A Tĩnh với điều kiện nó vĩnh viễn rời đi, không bao giờ trở lại nơi này. Nếu để ta biết nó còn dám trở về, đến lúc đó sẽ không chỉ có mình nó phải chết, mà cả cô và A Nghi cũng phải tuẫn táng theo”.

Tuy biết đó mới chỉ là cảnh cáo nhưng tôi vẫn không kìm được mà run sợ trong lòng. Còn dưỡng mẫu thì không hề để ý đến an nguy của mình mà chỉ luôn miệng nói đa tạ trưởng làng, kích động đến nỗi không nói được trọn câu. Đa tạ một hồi, lát sau bà hướng về phía chúng tôi, gọi to: “A Nghi! Mau dẫn A Tĩnh rời khỏi đây! Mau lên!”.

Tuy đã nghe thấy hết những lời van xin khẩn cầu của dưỡng mẫu với trưởng làng, tuy biết bà làm vậy là muốn tốt cho tôi nhưng khi tận tai nghe thấy những lời này, lòng tôi vẫn không tránh khỏi xót xa. Trong hai năm gắn bó với ngôi làng này, tôi đã coi nơi đây là nhà của mình, là chốn bình yên cho tôi dừng chân, sinh sống cả đời, nhưng chuyện đã đến nước này, năm năm còn chẳng được, nói chi đến trọn đời trọn kiếp?

A Nghi chẳng để tôi có thời gian do dự đã kéo tôi chạy ra ngoài bằng cửa sau, vừa chạy thục mạng vừa lên tiếng giải thích: “Chúng ta phải nhanh chóng rời khỏi đây trước khi bọn họ đổi ý!”.

Nghe tỷ ấy nói vậy, tôi cũng hiểu được bây giờ không phải lúc để do dự, dưỡng mẫu đã cố gắng hết sức để cho tôi có một cơ hội được sống, tôi không thể để mọi cố gắng của bà đổ sông đổ biển được. Bởi vậy, tôi cắn răng chạy theo A Nghi, chạy nhanh hết mức có thể. Chúng tôi cứ chạy cho đến khi rời khỏi ngôi làng và vượt qua một khu rừng nữa mới dừng lại. Tỷ ấy dựa lưng vào thân cây thở dốc một hồi, lát sau hơi thở mới trở về bình thường, thấp giọng nói một câu: “Ta chỉ có thể dẫn muội đến đây thôi”.

Tôi ngẩng đầu, đột nhiên cảm thấy vô cùng hoang mang: “Tỷ… không đi cùng muội sao?”.

A Nghi buồn bã lắc đầu: “Ta không thể để mẫu thân một mình ở lại đó gánh vác mọi chuyện được”.

Mọi chuyện đều từ tôi mà ra, vậy mà người gây chuyện lại một mình trốn chạy, để lại mọi trách nhiệm cho người vô tội gánh vác. Cảm giác ân hận áy náy như bóp nghẹt trái tim tôi, khiến nước mắt không thể kìm được mà cứ thế chảy dài trên má. Tại sao những người tôi yêu và thương tôi luôn bị tôi làm cho liên luỵ? Tôi chỉ muốn sống một cuộc sống bình thường như bao người, nhưng sao chỉ riêng điều ấy thôi cũng thật khó khăn? 

Tỷ ấy dùng ống tay áo lau nước mắt cho tôi, mắt đã ướt nước, nhưng môi vẫn nở nụ cười dịu dàng: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Nếu ta và muội thực sự có duyên, nhất định sẽ có một ngày chúng ta gặp lại”.

Khi tỷ ấy chuẩn bị rời đi, tôi có nói với tỷ ấy rằng: “Muội còn nợ dưỡng mẫu và tỷ một lời cảm ơn”. Mà đâu chỉ phải một lời cảm ơn thôi đâu, tôi nợ họ quá nhiều, nhiều đến nỗi có trả cả đời cũng chẳng hết.

Nghe tôi nói vậy, A Nghi mỉm cười hỏi lại: “Đều là người một nhà, cảm ơn cái gì cơ chứ?”. Trước khi rời đi, tỷ ấy còn để lại một câu: “Một ngày là tỷ muội, cả đời là tỷ muội. A Tĩnh, đừng bao giờ quên ta, ta cũng tuyệt đối không quên muội”.

Nhìn bóng áo tím cứ xa dần rồi khuất hẳn trong tầm mắt, chìm hẳn vào màn đêm đen đặc, môi tôi khẽ cong tạo thành nụ cười nửa miệng đầy xót xa. A Nghi, tỷ là một trong những người muội yêu và thương muội nhất trên thế gian này; chúng ta đã từng có một khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc bên nhau; đã từng thân thiết như hình với bóng, yêu thương nhau còn hơn cả tỷ muội ruột thịt, vậy thì làm sao muội có thể quên tỷ cho được?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.