Tam Thế

Quyển 2 - Chương 11: Buông tay




Đúng như Trầm Ngư dự liệu, gần sáng A Nghi mới trở về. Vẻ mặt buồn rầu, cả người thoảng mùi rượu hoa lê. Tôi nhớ A Nghi từng nói. Lúc mới tiến cung tỷ ấy có chọn ba bình rượu hoa lệ tự ủ chôn dưới gốc một cây lê trong cung của mình, đợi khi nào có dịp quan trọng mới đào lên. Hôm chúng tôi gặp lại A Nghi đã đào một bình lên để chúc mừng, có lẽ đem qua tỷ ấy đem một trong hai bình còn lại đến chỗ Trọng Hoa làm quà chia tay. Trước lúc Trọng Hoa lên đường, vì thân phận đôi bên mà A Nghi không thể đích thân ra tiễn, chỉ đành đứng trên tường thành, dõi mắt nhìn theo cho đến khi bóng chàng khuất hẳn mà lòng nặng trĩu tâm sự. 

Chuyến đi lần này của Trọng Hoa kéo dài hơn nửa tháng. Trong nửa tháng ấy, tâm tình của A Nghi tuyệt không dễ chịu. Tuy tỷ ấy không nói ra nhưng tôi biết tỷ ấy vẫn luôn nghe ngóng tình hình ở biên cương, lo lắng Trọng Hoa sẽ gặp chuyện chẳng lành. Không ít lần tỷ ấy bừng tỉnh khỏi giấc mộng hằng đêm, hoảng sợ nói: “A Tĩnh! Ta mơ thấy biên cương xảy ra chuyện, mơ thấy chàng trúng tên độc mà chết!”. 

Tôi đành nói lời an ủi tỷ ấy như trước kia sư phụ từng làm với tôi: “Ngày nghĩ gì đêm mơ thế. Tỷ quá lo lắng nên mới mơ thấy ác mộng thôi”. 

Nhưng tỷ ấy vẫn run bần bật, khác hẳn A Nghi điêm tĩnh của ngày thường: “Nhưng giấc mộng ấy chân thật đến nỗi không giống như mơ”. 

Tôi kéo A Nghi nằm xuống giường, miệng an ủi tay vỗ về: “Ác mộng dù đáng sợ và chân thật thế nào thì vẫn chỉ là mộng thôi. Đừng lo lắng, cũng đừng nghĩ nhiều. Ngủ đi”.

Những ngày kế tiếp,nỗi bất an trong lòng A Nghi càng lớn,tôi cũng lo lắng khôn nguôi.

Lúc còn là một đứa trẻ, cặp mắt La Sát của tôi có thể nhìn thấu sinh tử của bất kỳ ai, nhưng khi lớn lên rồi thì không còn hiệu nghiệm như vậy nữa, năng lực báo tử cũng lúc linh lúc không. Sau đêm A Nghi gặp ác mộng, tôi bắt đầu nhìn thấy tử khí lờn vờn quanh tỷ ấy, ban đầu thì chỉ như một tấm sa mỏng nhạt màu rồi dần dần đậm sắc hơn. Tỷ ấy càng lo lắng cho Trọng Hoa, tử khí quanh người càng đậm, nỗi bất an trong lòng tôi ngày càng lớn. Tôi biết A Nghi sắp gặp chuyện chẳng lành nhưng lại không biết để mà tránh, biết mà không dám kể cho tỷ ấy vì sợ tỷ ấy sẽ càng thêm suy sụp, chỉ có thể đem chuyện này nói với sư phụ, mong người nghĩ cách giúp tôi.

Điều A Nghi lo lắng cuối cùng đã trở thành sự thật.

Lúc đi Trọng Hoa là một người bằng xương bằng thịt, khi về lại chỉ còn một nắm tro cốt.

Buổi sáng ngày đại quân trở về, nghe được tin dữ, A Nghi lập tức chạy thẳng đến đại điện của Hạ vương, xông vào đúng lúc Cẩn tướng quân đang ôm bình đựng tro cốt của Trọng Hoa, bẩm báo với Hạ vương về cái chết của chàng. Tỷ ấy cứ thế xông vào khi chưa được sự cho phép của hoàng thượng, đột ngột xuất hiện mà không thèm hành lễ, chỉ dáo dác nhìn quanh như muốn tìm kiếm hình bóng của ai kia.

Rồi A Nghi thấy cái bình trên tay đại tướng quân.

Tỷ ấy nhìn cái bình với vẻ ngơ ngác hiếm thấy, gọi tên người mình vẫn hằng mong nhớ như để xác định: “Trọng Hoa?”.

Sắc mặt Hạ vương vốn không tốt, thấy A Nghi vội vã xông vào thì càng thêm sa sầm, nhưng ngài miệng vẫn nói: “Ái phi đến đúng lúc lắm, Cẩn khanh đang bẩm báo với trẫm về chuyện của Hoa đệ. Nói tiếp đi”. Câu trước là nói với A Nghi, câu sau lại là mệnh lệnh dành cho Cẩn tướng quân.

Cẩn tướng quân tuân lệnh Hạ vương mà nói tiếp: “Vương gia vì trúng tên bôi kịch độc mà qua đời, vì cứ để không xác ngài ấy sẽ rữa nát nên chúng thần đành phải hỏa thiêu”.

Nói đến đây, Cẩn tướng quân kinh ngạc hô lên, bởi A Nghi vừa rồi còn thất thần giờ lại bất ngờ vươn tay cướp lấy bình đựng tro cốt từ tay tướng quân, ôm cái bình vào lòng như ôm một người bằng xương bằng thịt, mắt vẫn loang loáng ướt nhưng môi vẫn nở nụ cười dịu dàng, không ngừng gọi tên Trọng Hoa như để đánh thức chàng khỏi giấc ngủ ngàn thu.

Trọng Nghiên nén giận nói: “Nghe rõ chưa? Người đã chết rồi, tỏ vẻ đau khổ thế cũng có ích gì? Mau đưa bình đựng tro cốt của Hoa đệ cho trẫm”.

A Nghi ngẩng phắt đầu, nước mắt lăn dài trên má, nụ cười dịu dàng khi áp mặt vào bình sứ đã biến mất từ lúc nào không hay: “Không đau khổ? Đương nhiên là bệ hạ cảm thấy không đau khổ rồi, bởi bệ hạ luôn mong chàng xảy ra chuyện mà, không phải sao?”.

Lời vừa rồi của tỷ ấy đã hoàn toàn chọc giận Trọng Nghiên: “Nàng! Nàng dám nói trẫm như vậy chỉ vì một người đã chết, có biết nhưng lời vừa rồi của nàng là khi quân phạm thượng, đủ để nàng chết trăm lần rồi không? Có phải ngày thường trẫm quá dung túng nàng nên nàng mới dám bất kính với trẫm?”.

A Nghi không chút run sợ đáp lời: “Vậy thì xin bệ hạ nhân từ thành toàn cho thần thiếp, hãy để thần thiếp chết theo Trọng Hoa. Nếu vậy thần thiếp sẽ vô cùng cảm kích bệ hạ”.

Dù tức giận thế nào thì Trọng Nghiên cũng không nỡ hạ lệnh trách phạt A Nghi, chỉ đành để Cẩn tướng quân đánh ngất tỷ ấy rồi đưa người về Trường Xuân cung. Không biết có phải vì Cẩn tướng quân ra tay hơi mạnh không mà tỷ ấy mê man hơn một ngày không tỉnh, không biết tỷ ấy mơ thấy gì mà gương mặt đầm đìa nước mắt, thấm ướt mấy chiếc khăn tay.

Sáng hôm sau, A Nghi vừa mở mắt ra đã hỏi tôi một câu: “Chàng đâu rồi?”.

Tôi mất một lúc mới hiểu tỷ ấy đang nhắc đến Trọng Hoa, đúng hơn là cái bình đựng tro cốt kia, bèn trả lời: “Hoàng thượng đã hạ lệnh an táng rồi”.

Cứ tưởng nghe vậy A Nghi sẽ rất kích động, nào ngờ tỷ ấy lại chỉ bình thản đáp: “Ừ”. Qua một lúc tỷ ấy lại hỏi: “Đây là hiện thực hay mộng ảo?”.

Tôi nhanh chóng đáp: “Đương nhiên là hiện thực rồi”.

A Nghi hỏi tiếp: “Đây là kiếp trước hay kiếp sau? Ta là Vân Nhược hay Yên Vũ?”.

Nghe tỷ ấy hỏi vậy, tôi muốn cười nhưng không cười nổi: “Tỷ là Yên Vũ và cũng là A Nghi của muội”.

A Nghi lên tiếng như thì thầm với chính mình: “Nếu là Vân Nhược, sao tóc còn chưa bạc trắng? Còn nếu là Yên Vũ thì sao chuyện này lại xảy ra, sao phải nếm trải cảm giác đó thêm lần nữa?”.

Tôi không hiểu A Nghi đang nói gì nên cũng không biết phải trả lời như thế nào, trong phòng lập tức trở nên yên ắng, tiếng mưa vì vậy mà cũng trở nên rõ ràng hơn. A Nghi mắt vừa nhắm lại đã đột ngột mở ra, hỏi: “Ngoài trời đang mưa?”.

Tôi khẽ “vâng” một tiếng trả lời.

A Nghi lập tức bật dậy, xỏ chân vào giày, khoác vội áo choàng, vớ lấy cái ô rồi chạy ra ngoài, tôi cũng lập tức cầm ô theo sau. Tỷ ấy chạy một lúc lâu mới chịu dừng lại. Tôi nhìn thấy tấm bia mộ hiện ra trước mắt mới vỡ lẽ ra đây là nơi an nghỉ của Trọng Hoa.

A Nghi giơ tay che mưa cho mộ chàng mà không để ý rằng mình đã ướt, tôi đành dùng ô cẩn thận che cho tỷ ấy. Nhưng trong mắt tỷ ấy bây giờ chỉ có người đang yên nghỉ trong mộ, lời thốt ra như hòa vào tiếng mưa: “Trông vậy thôi chứ chàng dễ cảm lạnh lắm, chỉ cần dính chút mưa là chàng có thể nằm liệt giường mấy ngày liền.Vậy nên ta phải che ô cho chàng, không để chàng dính một giọt mưa”.

Nhưng Trọng Hoa đã chết, không dầm mưa cũng chẳng thể cảm lạnh, tỷ đâu cần che ô cho chàng. Chẳng lẽ vẻ mặt bình thản lúc vừa mới tỉnh dậy là giả, tỷ chưa chấp nhận được sự thật là chàng đã chết?

Đúng lúc đó, tôi chợt nghe thấy tiếng thở dài khe khẽ gần như bị tiếng mưa rơi nhấn chìm.Tôi lập tức quay đầu nhưng chẳng thấy ai đứng đó, chỉ thấy một góc áo màu tím thoáng vụt qua trong màn mưa nhạt nhòa, không rõ là thực hay chỉ là ảo giác của tôi mà thôi.

Mưa càng lúc càng nặng hạt nhưng dường như A Nghi chưa muốn trở về, muốn đứng đây cho đến khi hết mưa. Gương mặt tỷ ấy trong màn mưa nhạt nhòa vẫn vẻ bình thản, đôi mắt trống rỗng như không còn lưu luyến gì nữa khiến tôi đâm ra hoảng sợ, mặc cho chiếc ô rơi xuống nền đất ẩm ướt, mặc cho người mình dính mưa, tôi vòng tay ôm chặt tỷ ấy từ đằng sau như không muốn để vuột mất, rõ ràng không khóc nhưng cổ họng lại bật ra những tiếng nức nở nghẹn ngào: “A Nghi, đừng mà! Đừng bỏ lại muội!”.

Thân thể A Nghi đột ngột cứng đờ.

Tôi ôm chặt tỷ ấy, giọng nghẹn ngào như tan biến trong trời mưa trắng xóa: “Dưỡng mẫu không còn, giờ tỷ cũng định bỏ muội ở lại sao? Dù Trọng Hoa đã chết nhưng tỷ vẫn còn có muội, vậy nên đừng nghĩ đến cái chết”.

Tỷ ấy quay người nhìn tôi,có vẻ bình tĩnh trở lại: “Được. Vì muội, ta sẽ không tìm đến cái chết”. 

Tôi nhặt chiếc ô rơi dưới đất lên, lòng bất an nhưng môi vẫn mỉm cười: “Vậy chúng ta mau trở về cung thôi, cứ dầm mưa như thế này thì sẽ cảm lạnh mất”. 

Tỷ ấy nắm lấy tay tôi, mỉm cười đồng ý. Trở về cung, tôi giúp A Nghi tắm rửa thay y phục, uống bát canh gừng rồi đưa tỷ ấy lên giường nghỉ ngơi. Khoảng thời gian này tỷ ấy thường mệt mỏi, trong canh gừng có bỏ thêm một số vị thuốc có công dụng an thần nên tỷ ấy rất nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Chẳng biết Trọng Nghiên đến từ lúc nào mà khi tôi đắp chăn cho tỷ ấy xong, vừa quay đầu lại thì đã thấy hắn đứng sừng sững ở đó. Tôi định quỳ xuống hành lễ thì hắn đã khoát tay tỏ ý không cần, chỉ hỏi: “Nàng vừa mới ngủ à?”. 

Tôi “vâng” một tiếng trả lời. 

Hắn bước tới bên giường, cúi người sửa lại chăn, vén mái tóc lòa xòa trước trán tỷ ấy sang hai bên cho đỡ vướng vào mắt. Ánh mắt lẫn động tác của hắn lúc này đều rất dịu dàng, khiến trong đầu tôi chợt nảy ra ý nghĩ: Dẫu thủ đoạn của hắn khiến những người biết chuyện cảm thấy chán ghét thì thì tình cảm của hắn dành cho A Nghi vẫn khiến người khác cảm thấy không khỏi ngưỡng mộ. 

Trọng Nghiên đột nhiên thở dài thật khẽ, nói thật nhỏ như không muốn đánh thức người trên giường: “Trẫm đâu muốn chuyện thành ra như vậy. Dù sao Trọng Hoa cũng là đệ đệ cùng chung nửa dòng máu với trẫm, sao trẫm lại mong nó gặp chuyện chẳng lành được?”.

Đương nhiên Hạ vương không muốn Trọng Hoa gặp chuyện rồi. Khoan nói đến giữa họ có tình thân thì chàng còn là cánh tay phải của Trọng Nghiên, hơn nữa dù có trở về thì chàng cũng sẽ thành thân với Trầm Ngư, không còn quan hệ gì với A Nghi, cũng chẳng thể giành lại tỷ ấy từ tay hoàng huynh của mình.

Tôi do dự hồi lâu, cuối cùng vẫn lên tiếng: “Bệ hạ có thể trả lời một câu hỏi của tiểu nữ không?”.

Hắn lập tức đáp: “Được”.

Có sự đồng ý của hắn, tôi liền thẳng thắn nói ra thắc mắc của mình: “Tại sao bệ hạ lại nhìn trúng tỷ tỷ của tiểu nữ?”.

“Lần đầu tiên trẫm nhìn thấy Lạc Lạc đã có cảm giác nàng ấy chính là người trẫm vuột mất ở kiếp trước, tự nhủ với bản thân rằng nhất định phải có được người này.”

“Kể cả khi đó là người mà đệ đệ của bệ hạ yêu?”

Trọng Nghiên khựng lại một lúc rồi đáp: “... Phải. Trẫm đã không từ thủ đoạn để có được thiên hạ này, vậy thì cũng có thể giành được nàng ấy bằng mọi giá”.

Tôi lại không cho rằng việc làm của hắn là đúng: “Nhưng trên thế gian có những thứ không thể cưỡng cầu”. Và tình cảm là một trong số đó.

Hắn lại chỉ mỉm cười lờ đi: “Đến lúc trẫm phải đi rồi. Nếu để nàng ấy tỉnh dậy rồi thấy trẫm thì cả hai đều không vui. Vậy nên cũng đừng nói với nàng ấy là trẫm đã tới”.

Tôi khẽ “vâng” một tiếng trả lời, nhìn chiếc áo choàng màu tím trên người Trọng Nghiên, tôi đột nhiên nhớ đến góc áo màu tím mà tôi nhìn thấy trong mưa, vội nói: “Tiểu nữ còn một chuyện nữa muốn hỏi bệ hạ”.

Trọng Nghiên nghe vậy thì lập tức mỉm cười: “Vừa rồi muội chỉ xin trẫm trả lời một câu hỏi của muội, nhưng giờ đã là câu thứ ba rồi”. Thấy tôi lúng túng, hắn bèn gật đầu chấp thuận: “Được rồi, muội hỏi đi”.

“Trước khi đến đây, bệ hạ có ghé qua thăm mộ của tam vương gia không?”

“Không. Sao vậy?”

Một ý nghĩ thoáng qua trong tâm trí tôi, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra bình thường: “Không có gì đâu. Chắc là tiểu nữ nhìn nhầm”. 

May mà hắn cũng không định truy cứu: “Được rồi. Trẫm đi đây. Nhớ thay trẫm chăm sóc tỷ tỷ của muội, nhưng cũng đừng quên chăm sóc chính mình”. 

Không ngờ hắn lại chu đáo đến vậy. Thì ra hắn cũng không hoàn toàn xấu xa như tôi vẫn nghĩ. 

Trọng Nghiên vừa rời đi không lâu, sư phụ đã tới. Sư phụ cầm cốc sữa còn ấm đưa cho tôi, nhẹ giọng trách mắng: “Ta nghe Nhâm Giai nói hai tỷ muội các con vừa dầm mưa trở về. Đúng là quá tùy hứng, nhỡ con dầm mưa mà cảm lạnh thì sao?”. 

Tôi cầm cốc sữa nhấp một ngụm, hơi ấm truyền vào tận tim: “Thấy tỷ ấy chạy ra ngoài mưa gió, sao con có thể ngồi yên cho được? Hơn nữa sức khỏe con tốt lắm, không dễ dàng vì một lúc dầm mưa mà cảm lạnh đâu”. 

Biết khó lòng mà khuyên được tôi, sư phụ đành thở dài nói sang chuyện khác: “Hạ vương vừa đến đây?”. 

“Vâng. Nhưng chỉ ghé qua thăm A Nghi một lúc rồi đi luôn.” Sư phụ gật đầu tỏ ý đã biết, giọng đột nhiên trở nên nghiêm túc hơn: “Dường như Hạ vương chưa thực sự tin tam vương gia đã chết, nhưng cho dù có hỏi ai trong quân doanh thì cũng nhận được câu trả lời như vị tướng quân kia vậy”. 

Đối với sự nghi ngờ của Trọng Nghiêm, tôi không lấy gì làm lạ: “Đừng nói là Hạ vương, đến con còn chưa tin mà. Người khác có thể không hay nhưng con biết Trọng Hoa là người phúc dày, sống lâu chứ không phải kẻ yểu mệnh muốn chết là chết ngay được. Có ai dám chắc tro cốt trong bình chính là của tam vương gia? Hơn nữa vừa rồi khi đến thăm mộ Trọng Hoa con có nhìn thấy một người, dù người đó trốn thoát rất nhanh nhưng con vẫn kịp nhìn thấy góc áo màu tím của hắn. Lúc Trọng Nghiên ghé qua cũng khoác một chiếc áo choàng màu tím nhưng khi con hỏi hắn có thăm mộ Trọng Hoa không thì hắn trả lời là không”. 

Sư phụ gật đầu tiếp lời: “Nếu là Hạ vương thì hắn việc gì phải nói dối con chứ? Nhưng nếu không phải hắn thì là ai? Là ai đến đấy khi trời mưa thế này, hơn nữa còn không muốn con nhìn thấy, trừ phi người đó không thể lộ diện”. 

Sư đồ chúng tôi cùng nghĩ đến một người, nhưng cả hai đều chưa chắc chắn, vậy nên: “Nhưng bây giờ chưa phải lúc thích hợp để nói cho A Nghi chuyện này. Con không muốn tỷ ấy hy vọng rồi lại thất vọng đâu”. 

“Ta cũng nghĩ vậy.” Sư phụ đưa mắt nhìn màn nước trắng xóa giăng kín đất trời ngoài cửa sổ, trên môi bỗng nở nụ cười dịu dàng như đang nhớ về hồi ức đẹp nào đó: “Trước kia khi con còn nhỏ, mỗi khi trời mưa con đều ngồi trong lòng ta nhâm nhi sữa ấm, cả hai đều làm biếng không muốn động đậy. Có còn nhớ không?”. 

Sao có thể không chứ? Đó là những hồi ức đẹp mà tôi luôn giấu kín trong tim để nó không bị thời gian xóa nhòa. Thế nhưng ngoài miệng vẫn nói cứng: “Đương nhiên là có. Trí nhớ con tốt lắm mà”. Nói đến đây giọng bỗng trở nên ngập ngừng: “Hồi nhỏ có thể làm, còn bây giờ thì sao? Bây giờ con có thể ngồi trong lòng sư phụ như lúc xưa không?”. 

Sư phụ ngẩn người trong chốc lát rồi mỉm cười trả lời: “Đương nhiên là được. A Tĩnh, lại đây”. 

Chỉ chờ có vậy, tôi lập tức cầm cốc sữa vẫn còn âm ấm ngồi vào lòng sư phụ. Tôi cố gắng tỏ ra bình thường để người ngồi đằng sau không nhận ra trái tim tôi đang đập loạn nhịp. Những ngày còn nhỏ tôi có thể vô tư ngồi trong lòng sư phụ, thoải mái tựa đầu vào lồng ngực của người, nhưng bây giờ mọi chuyện đã khác. Bây giờ chỉ cần sư phụ tựa đầu vào vai tôi, chỉ cần nghe hơi thở âm ấm phả ra bên tai là mặt tôi đã nóng bừng. Phải mất một lúc lâu tôi mới bình ổn được trái tim của mình, những lo lắng, buồn phiền trong thời gian gần đây cũng không cánh mà bay. Trong lòng sự phụ đúng là nơi bình yên nhất trên thế gian này. Dần dà, trong tiếng mưa rời đều đều, tôi đã thiếp đi lúc nào không hay…

Lúc tỉnh dậy thì tôi đã ở trên giường còn A Nghi thì đã tỉnh từ lúc nào không biết. Nghe nói khi tỷ ấy tỉnh dậy thì tôi đã ngủ được một lúc rồi, sư phụ thấy tôi ngủ ngon nên không nỡ đánh thức, đành bế tôi lên giường rồi mới rời đi. Nói xong, dường như tỷ ấy nhớ đến chuyện gì đó, ngập ngừng hỏi: “Y… đối với muội tốt lắm sao?”. 

Tôi gật đầu tỏ ý đó là điều đương nhiên, không khỏi thắc mắc: “Sao tự nhiên tỷ lại hỏi vậy?”. 

A Nghi không trả lời câu hỏi của tôi mà trả lời bằng một câu hỏi khác: “Nếu đã vậy, sao cả hai đều trốn tránh vấn đề, giấu giếm đối phương?”. 

Lý trí hiểu được A Nghi đang nói gì, nhưng trái tim lại cố tình lảng tránh. 

Cơn mưa dai dẳng kéo dài thêm mấy ngày nữa rồi mới tạnh hẳn, tâm tình A Nghi cũng theo đó mà chuyển biến tốt hơn. Tỷ ấy không còn mơ thấy ác mộng, cũng không còn kích động khi nhìn thấy Trọng Nghiên như trước nữa, nhưng vẫn có những lúc tỷ ấy ngẩn người, nước mắt lăn dài trên má trong vô thức, nhất là những khi trời mưa nhỏ. Những lúc như vậy tôi rất lo lắng nhưng cũng chỉ có thể để tỷ ấy một mình, để thời gian xoa dịu nỗi đau, khép lại vết thương rỉ máu. Mấy ngày sau đó, khi chúng tôi nghĩ rằng mọi chuyện đã ổn, A Nghi đã nghĩ thông suốt thì đột nhiên tỷ ấy nói: “Ta muốn uống rượu”. 

Đôi khi uống rượu giải sầu cũng tốt, nhất là với người vừa mất đi ái nhân như A Nghi nên tôi không phản đối, còn định uống cùng để tỷ ấy đỡ cô đơn. A Nghi lại nói: “Ta muốn uống rượu hoa lê mà ta ủ”. Vì vậy, Nhâm Giai bèn đi đào bình rượu cuối cùng trôn dưới cây lê trong cung lên. Lúc trở về Nhâm Giai còn mang theo chiếc trâm ngọc mà tôi đánh rơi ở chỗ sư phụ hôm trước, nói là Mạc Trọng tiên sinh vừa ghé qua. Tôi nhận lại trâm từ tay Nhâm Giai, A Nghi lại hỏi: “Sao không mời tiên sinh vào cùng uống rượu?”. 

Nhâm Giai vừa rót vừa cung kính trả lời: “Nô tỳ cũng đã ngỏ lời mời, tiếc rằng tiên sinh còn phải đến Trường Nhạc cung nên đã từ chối”. 

Vì gần đây tâm trạng A Nghi đã tốt lên nên tôi cứ tưởng tỷ ấy đã thông suốt, vì có tôi uống rượu cùng nên tôi đã yên tâm nghĩ rằng tỷ ấy sẽ không bỏ độc vào rượu để tự sát. Nhưng tôi đã lầm. Vừa uống hết chén thứ hai, tỷ ấy đã gục xuống bàn, khóe miệng trào ra máu. Chuyện này xảy ra quá đột ngột khiến đầu óc tôi nhất thời trống rỗng. Cùng uống rượu trong một bình mà chỉ có A nghi gặp chuyện, không lẽ vấn đề nằm ở chén? Chẳng lẽ tỷ ấy thoa độc vào chén của mình để tự sát mà không liên lụy đến tôi? Chẳng lẽ vì Trọng Hoa không còn nên tỷ ấy không muốn sống tiếp? Không được! Tôi nhất định sẽ không để tỷ ấy chết, nhất là khi chuyện của người đó còn chưa được sáng tỏ. Một thoáng bất ngờ trôi qua, tôi lập tức ra lệnh: “Mau truyền thái y! Nhâm Giai, cho người đến bẩm báo với hoàng thượng và hoàng hậu!”. Nhớ đến sư phụ đang ở chỗ Bạch Phụng, tôi liền sửa lại: “Chỉ cần báo với hoàng thượng thôi, phía bên hoàng hậu ta sẽ tự lo liệu. Nhớ là đừng để tin này truyền ra ngoài”. 

Dặn dò xong xuôi, tôi lập tức chạy đến chỗ hoàng hậu. Nhưng vừa bước ra khỏi cửa Trường Xuân cung tôi đã bị một người ăn vận như cung nữ chặn lại, dâng lên một chiếc túi hương. Vừa nhìn thấy chiếc túi hương đó, tôi đã ngẩn người vì tôi cũng có một chiếc giống như vậy, chỉ khác là túi của tôi mang thêu hình hoa đào còn chiếc này lại là hoa lê. Chiếc túi này là của A Nghi làm tặng ai đó, còn mảnh giấy nhét trong túi hương chính là lời nhắn của người đó dành cho A Nghi. Trên mảnh giấy chỉ viết đúng hai chữ “Chờ ta” cùng một hình vẽ trông giống như hoa lê, như ấn ký trên trán ai đó nhưng cũng đủ để làm sáng tỏ nghi vấn trong lòng tôi.

Thì ra chàng thật sự chưa chết.

Thì ra chàng vẫn luôn dõi theo A Nghi. Người theo chúng tôi trong ngày mưa hôm đó chính là chàng. Vì lẽ gì đó mà chàng phải giả chết, buộc phải giấu giếm cả A Nghi nhưng vì không nỡ nhìn tỷ ấy đau lòng nên đành tiết lộ. Tiếc là việc làm này của chàng có lẽ đã muộn.

Chàng vẫn còn sống thì A Nghi càng không thể chết được. Giữ lấy mảnh giấy trả lại túi hương, tôi nhờ người trước mặt chuyển lời tới ai đó: “Nói với chủ nhân của ngươi rằng người chàng ấy yêu đã xảy ra chuyện, bảo chàng lập tức tới đây”.

Người ăn vận giống cung nữ kia lập tức vâng lời biến mất, tôi cũng nhanh chóng chạy đến Trường Nhạc cung, xông vào trong tất cả sự ngỡ ngàng của mọi người. Tôi vừa nhét mảnh giấy vào tay sư phụ vừa vội vàng nói: “Trên đường đến đây con có gặp một người. Người đó phụng mệnh chủ nhân gửi lời tới A Nghi nhưng lại nhận lầm nên mới đưa cho con”. 

Vừa nhìn thấy chữ viết cùng hình vẽ trên mảnh giấy, sắc mặt sư phụ lập tức thay đổi. Bạch Phụng thấy vậy liền truy vấn: “Có chuyện gì vậy?”.

Tôi lập tức quỳ xuống thưa: “Bẩm nương nương, tỷ tỷ của muội uống rượu độc tự sát”.

Bạch Phụng kinh ngạc hỏi lại như không tin vào tai mình nghe thấy: “Cái gì?”.

Chẳng để tôi kịp trả lời, sư phụ đã quỳ xuống xen ngang: “Trước kia thảo dân có từng nói có chuyện gì xin nhờ nương nương giúp đỡ, nương nương cũng đã đápứng rồi. Không biết lời đó cho đến bây giờ còn hiệu nghiệm không?”.

Dù kinh ngạc nhưng Bạch Phụng vẫn nhanh chóng trả lời:“Tiên sinh cần bổn cung giúp gì?”.

“Đứng ra đòi lại công bằng cho Đàm quý phi, giúp nàng ấy thỏa nguyện.”

Lúc chúng tôi đến Trường Xuân cung, Trọng Nghiên đang quát tháo tháy y với vẻ mặt vô cùng tức giận: “Đồ vô dụng! Nếu không cứu được nàng trẫm chém đầu cả nhà ngươi!”.

Thái y run sợ đáp lời: “Bẩm bệ hạ, thần thật sự không có cách, bởi Đàm quý phi nương nương đã tắt thở rồi”.

Sao có thể? Chàng còn sống, sao A nghi có thể chết được! Nếu tỷ ấy chết chẳng phải mọi chuyện sẽ trở nên vô nghĩa, nhân duyên của họ sẽ đứt đoạn từ đây sao?

Trọng Nghiên tức giận, giơ chân đạp vào bụng thái y, luôn miệng mắng “đồ vô dụng”. Nhìn thấy sư phụ bước vào, ánh mắt lại dấy lên hy vọng: “Tiên sinh đến đúng lúc lắm. Mau cứu ái phi của trẫm, trẫm nhất định sẽ trọng thưởng cho tiên sinh”.

Đáng tiếc, chút lời nói vừa dấy lên cũng bị lời nói của sư phụ dập tắt: “Thảo dân là một đại phu chứ không phải thần tiên, không thể khiến người chết sống lại. Xin bệ hạ thứ tội”.

Trọng Nghiên suy sụp nhìn A Nghi, miệng không ngừng lẩm bẩm: “Lại vuột mất nữa rồi...”.

Đúng lúc đó, một người tưởng như đã chết trong lần ra trận vừa rồi đột nhiên xuất hiện ở đây, xông vào trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi nhìn thấy người đó là: “Đến nhanh thật đấy”.

Trọng Hoa không thèm để ý đén ánh mắt kinh ngạc của mọi người xung quanh mà đi thẳng đến chỗ A Nghi đang nằm, dường như trong mắt chàng chỉ có mình tỷ ấy mà thôi. Chàng đỡ tỷ ấy ngồi dậy, để tỷ ấy tựa đầu vào vai mình, dịu dàng gọi “Yên Vũ” như để gọi người mình yêu tỉnh lại từ giấc ngủ dài.

Nhìn thấy cảnh này, tôi đột nhiên nhớ tới mười ngày trước, khi biết tin người trong mộng qua đời, A Nghi cũng ôm bình đựng tro cốt như ôm lấy một người sống thực sự, cũng gọi tên chàng như để đánh thức người yêu. Giọng tỷ ấy lúc đó cũng dịu dàng, bi thương cũng đặc quánh trong mắt như chàng lúc này vậy.

Trọng Nghiên nghiến răng nghiến lợi nói: “Thì ra ngươi thật sự chưa chết”.

Trọng Hoa lạnh lùng đáp lại: “Đương nhiên. Chết mà để lại người mình yêu cho kẻ khác, ta không cam lòng. Vậy nên ta chỉ có thể giả chết để ngươi mất cảnh giác, âm thầm thâu tóm binh quyền, chờ thời cơ giết vua cướp ngôi”.

Chàng nói thẳng dã tâm của mình làm Hạ vương càng thêm tức giận: “Trẫm đối với ngươi không bạc,vậy mà ngươi lại có ý định mưu phản!”.

“Đúng. Ngươi đối ta không bạc, chỉ là hết lần này đến lần khác chèn ép, dồn ta vào đường cùng. Cướp đi vương vị còn chưa đủ, sau còn tranh giành Yên Vũ với ta! Đừng hòng! Giang sơn ta có thể không cần, nhưng người thì nhất định phải có. Hôm nay ta đến chính là để mang nàng đi.”

“Lạc Lạc từ lâu đã thành người của ta, dù nàng sống hay chết cũng là của ta! Không ai được phép mang nàng đi.”

“Yên Vũ chưa bao giờ là của ngươi. Nếu không phải do ngươi tìm mọi cách chia rẽ, bọn ta đã hạnh phúc bên nhau từ lâu rồi!”

“Vậy thì sao? Giờ nàng đã chết, ngươi lại vì một người chết mà đối đầu với ta?”

“Còn ngươi thì sao? Giày vò nàng đến chết còn không chịu giải thoát cho nàng?”

Thấy Hạ vương cùng tam vương gia lời qua tiếng lại, chẳng ai nhường ai như hai đứa trẻ giành giật đồ chơi cho mình, sư phụ đột nhiên xen ngang: “Thảo dân vừa nói không thể khiến người chết sống lại chứ đâu nói Đàm quý phi đã chết”.

Lời nói của sư phụ khiến tất cả mọi người ở đây kinh ngạc, làm hy vọng lại dấy lên trong lòng tôi, trong mắt Trọng Hoa và Trọng Nghiên: “Cái gì?”.

Tất cả mọi người bỗng im bặt, ánh mắt đổ dồn về người trong lòng Trọng Hoa, bởi rèm mi A Nghi rung lên rất khẽ rồi hé mở, để lộ dần đôi mắt mờ sương bên trong. Phải mất một lúc lâu tỷ ấy mới tỉnh táo trở lại, khẽ ngẩng đầu nhìn người đang ôm mình, trong đôi mắt trong veo toàn là bóng hình của ai kia, tay siết chặt áo người ấy như sợ chàng sẽ biến mất một lần nữa: “Trọng Hoa… Thật sự là chàng… Chàng đến đón ta sao? Hay là chúng ta đã đoàn tụ dưới suối vàng?”.

Trọng Hoa lắc đầu trả lời: “Chúng ta sẽ đoàn tụ, nhưng không phải dưới suối vàng mà là trên trần thế. Nhưng sao nàng lại... Chẳng phải vừa rồi nàng đã chết rồi sao?”.

A Nghi cũng bị lời chàng nói làm cho kinh ngạc: “Ta còn sống? Không thể nào! Chính tay ta đã thoa độc trong chén rồi uống cạn chén rượu hòa lẫn độc mà”.

Tất cả chúng tôi đều bất ngờ trước màn sống lại của tỷ ấy, chỉ trừ người đang đứng bên tôi đây, sư phụ. Từ đầu đến cuối sư phụ vẫn điềm nhiên như không, dường như đã lường trước mọi chuyện, hơn nữa còn là người đứng sau giật dây, bèn hỏi: “Sư phụ... đã sắp đặt tất cả, đúng không?”.

Sư phụ cũng chẳng thèm che giấu mà lập tức nói ra sự thật: “Lúc ta ghé qua Trường Xuân cung có thấy Nhâm Giai cùng mấy cung nữ khác đang đào vật gì đó chôn dưới gốc cây lê lên, hỏi ra thì biết Đàm quý phi bỗng dưng muốn uống rượu, hơn nữ còn là bình rượu cuối cùng mà nàng ấy từng ủ. Mấy ngày trước con nói dự cảm chẳng lành nên ta cũng hơi nghi ngờ, bèn nhân lúc Nhâm Giai không chú ý thả thuốc giải bách độc vào đó. Thuốc đó giải được bách độc nhưng sẽ khiến người uống lâm vào trạng thái chết giả”.

Hạ vương giận dữ hỏi lại: “Vậy tại sao tiên sinh không ngăn cản nàng? Vì sao đến tận bây giờ mới nói?”.

Sư phụ bình thản trả lời: “Một là vì thảo dân không chắc chắn, hại là vì muốn bệ hạ hiểu được một điều: Có những thứ không thể cưỡng cầu, đặc biệt là tình cảm. Nếu không phải do thảo dân lường trước được việc này thì bệ hạ không những phá hoại một mối lương duyên mà còn gián tiếp hại chết người trong lòng. Vì vậy xin bệ hạ hãy thông suốt, tác thành cho hai người họ”.

Nhưng Trọng Nghiên vốn cố chấp ích kỷ, nào đếm xỉa đến những lời sư phụ nói: “Chuyện của trẫm không phiền tiên sinh bận tâm”.

Sư phụ nản lòng thở dài, đành nhờ đến Bạch Phụng: “Hoàng hậu nương nương, mong người thực hiện lời hứa của mình”.

Bạch Phụng gật đầu quỳ xuống: “Kính mong bệ hạ tác thành cho hai người bọn họ”.

“Đến cả nàng cũng... Được lắm! Các người dám cấu kết với nhau chống đối trẫm! Bạch Phụng, nàng đứng ra cầu xin ta là vì tiên sinh có ơn với nàng?”

Bạch Phụng ngẩng phắt đầu, nhìn thẳng vào mặt phu quân mình mà nói: “Thần thiếp làm vậy không chỉ vì để thực hiện lời hứa với tiên sinh mà còn vì không muốn chuyện giữa Thục phi và Lăng chiêu nghi xảy ra lần nữa”.

Trọng Nghiên sững người, nhất thời không nói được câu nào.

“Thục phi và Lăng chiêu nghi đáng chết sao? Họ chỉ là yêu và muốn ở bên nhau thôi mà. Hơn nữa, Lăng chiêu nghi nói rất đúng. Nếu bệ hạ không thể một lòng một dạ với ai đó thì sao còn ép người ta toàn tâm toàn ý yêu chàng?” Môi vẫn đang cười nhưng mắt đã ướt nước, nàng gọi thẳng tên phu quân mình: “Trọng Nghiên, sao lòng chàng lại rộng đến thế, sao tim chàng chứa được nhiều người đến vậy? Chẳng lẽ có thiếp chàng vẫn chưa cảm thấy đủ sao?”.

Trọng Nghiên chưa kịp phản ứng, Trọng Hoa đã lên tiếng chen ngang: “Có được thê tử như thế, hoàng huynh còn mong muốn gì hơn? Thần đệ mong hoàng huynh đừng vì tham lam người không thuộc về mình mà quên trân trọng người trước mắt. Nếu hoàng huynh bằng lòng làm vậy, thần đệ sẽ tự nguyện rút lui, cùng người yêu quy ẩn giang hồ, không đối đầu với hoàng huynh nữa”.

Hạ vương cau mày hỏi lại: “Ngươi uy hiếp trẫm sao?”.

Tam vương gia điềm tĩnh trả lời: “Không phải uy hiếp mà là đang nói sự thật. Nếu ta mưu phản chưa chắc ngươi đã ngồi vững trên vương vị. Đừng quên trong tay ta còn có di chiếu của phụ vương, và người các trọng thần trong triều muốn phò tá là ta chứ không phải ngươi. Ngươi biết tại sao hôm nay ta lại có thể dễ dàng vào cung không, là vì trong triều, trong cung có không ít thế lực hậu thuẫn ta, nếu hôm nay ta không bình an rời khỏi, quân dưới trướng ta sẽ nổi dậy tạo phản. Nhưng ta có thể không làm thế. Ta có thể vì người mình yêu mà từ bỏ thiên hạ, nhưng ngươi có thể chịu tổn thất chỉ vì một nữ nhân không?”.

Câu này chẳng cần Trọng Nghiên trả lời, tôi cũng biết được đáp án. Đối với hắn, giang sơn này quan trọng hơn bất kỳ ai, hơn bất cứ nữ nhân nào. Hắn thực sự có tình cảm với A Nghi, nhưng tình cảm đó chưa lớn đến mức đủ để hắn vì tỷ ấy mà từ bỏ vương vị hắn vất vả lắm mới giành được. 

Trọng Nghiên đưa mắt nhìn đệ đệ của mình, nhìn A Nghi, người mà hắn không từ thủ đoạn để đoạt được rồi ánh mắt lại dừng thật lâu trên thê tử luôn kề vai sát cánh với mình, cuối cùng cũng đồng ý: “Được rồi. Trẫm từ bỏ. Trọng Hoa, Lạc Lạc, trẫm tác thành cho hai người”. 

Trọng Hoa thở phào một hơi, nói lời từ tận đáy lòng: “Tạ ơn hoàng huynh đã tác thành”. 

A Nghi tựa đầu vào vai Trọng Hoa, khoé mắt chảy ra những giọt nước mắt hạnh phúc: “Ta đã đợi rất lâu, cuối cùng thì ngày này cũng đến. Cuối cùng thì xiềng xích giam giữ ta bấy lâu nay đã bị phá vỡ, con chim hoàng oanh cũng thoát khỏi chiếc lồng sơn son thếp vàng để bay vào trời xanh bao la mà nó vẫn hằng khao khát...”. 

Cuối cùng câu chuyện tình dang dở giữa họ cũng dược viết tiếp và có được một kết thúc có hậu, gần như tốt đẹp với tất cả mọi người. Bạch Phụng vòng tay ôm lấy phu quân mình từ đằng sau, nhẹ giọng thầm thì: “Đừng buồn, Trọng lang, chàng vẫn còn có thiếp mà...”. 

Nàng vẫn luôn kề vai sát cánh, ở bên hắn từ khi hắn mới chỉ là một hoàng tử không được trọng dụng, chỉ là khi đã đạt được mục đích hắn đã vô tình lãng quên, đối xử lạnh nhạt với nàng thôi. Kỳ thực hậu cung cũng có chân tình, chỉ là nó quá mong manh giữa những phồn hoa phù phiếm, trước những dối gian lọc lừa. Nếu hắn không sớm nhận ra và trân trọng, sẽ có một ngày hắn phải hối hận. 

Lúc Trọng Hoa cùng A Nghi rời khỏi hoàng cung, đi đến nơi chốn bình yên dành cho hai người họ cũng là lúc hai tỷ muội chúng tôi lần nữa phải chia ly. Trước khi chia ly, tỷ ấy nói: “May mà có sư phụ của muội, bằng không nhân duyên của ta và Trọng Hoa sẽ lần nữa đứt đoạn, âm dương cách biệt, kẻ còn người mất”.

Tôi gật đầu trả lời: “Muội sẽ chuyển lời cảm ơn của tỷ đến sư phụ”. 

A Nghi lại nói sang chuyện khác: “Nghe nói Trọng Cơ vừa ngỏ lời cầu hôn sư phụ của muội nhưng lại bị người ta từ chối. Muội có biết lý do sư phụ muội đưa ra là gì không?”. 

Tôi thành thật lắc đầu. 

“Sư phụ của muội nói mình đã có người trong lòng, không thể đồng ý hôn sự này.” Tỷ ấy nhìn tôi, nở một nụ cười đầy ẩn ý: “Có khi nào người đó lại là muội?”.

“Tỷ nói vậy... sẽ làm muội hy vọng rồi lại thất vọng đó.” Nhưng nếu không phải tôi thì là ai? Chẳng lẽ lại là người mà sư phụ gọi tên khi say,cố nhân của sư phụ? 

A Nghi thở dài nói tiếp: “Dù sao thì ta cũng cảm thấy Mạc Trọng không chỉ biết tình cảm của muội dành cho y mà cả bản thân y cũng có tình cảm ấy”. 

Lời tỷ ấy nói như viên đá ném xuống mặt hồ êm ả, chỉ tạo nên vài gợn sóng lăn tăn rồi lại phẳng lặng như lúc đầu, nhanh chóng chìm vào quên lãng. 

Trên đường đi đến Sở quốc, sau khi gửi lời cảm ơn của A Nghi đến sư phụ, tôi nói ra điều mà mình canh cánh trong lòng: “Con biết sẽ có chuyện không hay xảy ra với A Nghi, lại có mặt ở đó mà chẳng thể làm được gì. Nếu không nhờ sư phụ thì tỷ ấy giờ đây đã chết, con sẽ phải ân hận cả đời”.

“Quan tâm tất loạn. Con vì quá lo lắng cho nàng ấy nên mới không tỉnh táo được như người ngoài cuộc là ta, cũng đâu ngờ nàng ấy lại thoa độc vào chén của chính mình chứ.” Ngừng một lát, sư phụ lại nói: “Hơn nữa ta để ý đến chuyện của nàng ấy cũng chỉ vì con. Nàng ấy là tỷ tỷ của con, nếu nàng ấy xảy chuyện gì con sẽ rất đau khổ, sẽ lại đổ lỗi cho chính mình. Ta không muốn thấy con như vậy”. 

Sự quan tâm hiển hiện trong lời nói của sư phụ khiến tôi ấm lòng. Chợt nhớ đến lời A Nghi nói trước lúc chia ly, tôi buột miệng: “Yến Nhạc công chúa đã ngỏ lời với sư phụ?”. 

Sư phụ không hề do dự đáp: “Ừ. Con nghe Đàm quý phi nói?”.

Tôi gật đầu tiếp lời: “Con còn nghe nói sư phụ từ chối công chúa với lý do đã có người trong lòng. Đó có phải là sự thật không? Nếu phải thì là ai?”. 

Sư phụ nhìn thẳng vào mắt tôi, cười đáp: “Chuyện này con rõ hơn bất cứ ai mà”. 

Nụ cười thản nhiên cùng giọng điệu mập mờ của người khiến trái tim tôi trong phút chốc loạn nhịp. Trái với mong đợi của tôi, sư phụ chỉ dửng dưng nói: “Ta vốn không thích công chúa, nhưng nói nói thẳng ra thì quá thất lễ rồi; thọ mệnh cũng quá khác nhau, nhưng nói vậy thì có ai tin chứ, họ lại tưởng vì muốn từ chối hôn sự này mà ta lại bịa ra cái cớ hoang đường này cũng nên. Vậy nên ta chỉ có thể đưa ra lý do này, vừa thuyết phục vừa không tổn hại đến lòng tự trọng của công chúa”.

Vậy mà sự phụ cứ nói mập mờ làm tôi cứ tưởng... Sư phụ có thể thản nhiên trêu đùa, dửng dưng châm chọc tôi như vậy, sao có thể như lời A Nghi nói, sao có thể biết tình cảm của tôi dành cho người và bản thân người cũng có tình cảm đó chứ?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.