Tam Hạ Nam Đường

Chương 33: Mã thị đấu tài nơi Trấp Thượng Diên Táng hàm oan tại Biện Lương







Lúc vợ chồng Mã Trung đem binh qua trại Tân Kiến thì thấy Hô Diên Táng xông ra mắng:

- Ta chưa giết hết chúng bay nên cứ đến chọc giận ta hoài. Lưu thị nghe nói lướt tới nhìn thấy la lớn:

- Phước Lang, không nên vô lễ như vậy.

Hô Diên Táng nghe biết tiếng mẹ mình, liền ném thương xuống đất, quỳ gối bên đường mà chịu tội. Lưu thị nói:

- Con hãy mau mau đứng dậy mà ra mắt chú con.

Diên Táng đứng dậy bước đến chào Mã Trung. Mã Trung hỏi:

- Sao ngươi không ở với chú ngươi là Kiển Trung, Kiển Lượng, lại đến đây mà gây chiến với bọn Mã Khôn? Diên Táng thuật lại mọi việc. Mã Trung nói:

- Mã Khôn cùng ta kết nghĩa anh em, nay ngươi không biết mà lầm. Thôi, ngươi phải chịu tội cùng bác ngươi. Diên Táng thưa:

- Con của bác một người bị tôi bắt, một người bị tôi đánh trọng thương, bác có oán hận tôi chăng? Mã Trung nói:

- Bề nào cũng có ta đây, không sao mà sợ.

Diên Táng liền theo Mã Trung đến Thái Hành sơn ra mắt Mã Khôn, và xin lỗi:

- Cháu không biết nhơn huynh nên lầm, xin nhơn huynh thứ tội. Mã Khôn ngạc nhiên nói:

- Nguyên nhân tại sao mà cháu hành động như vậy?


Mã Trung thuật lại đầu đuôi chuyện của Diên Táng cho Mã Khôn nghe. Mã Khôn than:

- Không dè Tướng quốc còn di lưu ân oán như vậy.

Sau khi bày tỏ tâm sự, Mã Khôn hối quân dọn tiệc thết đãi. Qua hôm sau, Mã Khôn nói với Mã Trung:

- Ta có một chuyện muốn nói cùng hiền đệ. Mã Trung hỏi:

- Có việc gì xin hiền huynh có nói. Mã Khôn nói:

- Ta có một gái tên là Mã Thị tự Kim Đẩu, diện mạo tuy xấu mà võ nghệ cao cường, ta muốn gả cho Hô Diên Táng để kết tóc trăm năm, chẳng biết có nên chăng. Mã Trung đứng dậy nói:

- Nếu hiền huynh có lòng đoái tưởng đến cháu thì thật đội ơn.

Mã Khôn mừng, liền sai người tỏ chuyện ấy cho Mã thị hay. Mã thị cười nói:

- Cha mẹ định đâu thì tôi hay đó, song không biết Hô Diên Táng võ nghệ thế nào, vì ngày trực giáp trận thì chưa biết ai thắng bại, xin cho tôi tỉ thí cùng Hô Diên Táng, nếu thắng được tôi, thì tôi mới đành kết duyên.

Người ấy liền trở ra nói với Mã Khôn như vậy. Mã Khôn nhìn Mã Trung nói:

- Phần con ta võ nghệ tinh thông, lâu nay chưa gặp tay đối thủ nay muốn thử sức Hô Diên Táng thì cũng chẳng hại gì.

Vợ chồng Mã Trung ra đến giáo trường xem Diên Táng đấu võ với Kim Đẩu. Hai người đấu nhau hơn hai mươi hiệp chưa định hơn thua. Kim Đẩu nghĩ thầm:

- Đấu về thương kiếm thì mình không lại đối phương, thôi thì đấu nhau bằng cung tên.

Nghĩ như vậy Kim Đẩu giục ngựa chạy vòng theo giáo trường, Diên Táng hiểu ý rượt theo, Kim Đẩu lắp ba mũi tên bắn Diên Táng một lần. Diên Táng bắt đặng hết, rồi cười lớn nói:

- Nàng tưởng ta vụng về lắm sao. Kim Đẩu quay ngựa bắn Diên Táng một mũi, trúng nơi chóp mão, cả giáo trường đều vỗ tay khen. Mã Trung bước ra nói:

- Hai người đừng đấu nữa, giỏi dở mọi người đã biết rồi.

Tiếp đó, ai nấy kéo nhau về trại. Mã Khôn gọi con nói:

- Hô Diên Táng tài năng có xứng với con không?

Kim Đẩu nhìn xuống đất làm thinh. Mã Khôn biết ý truyền tả hữu bày lễ giao bôi, gả Kim Đẩu cho Diên Táng. Sáng hôm sau Hô Diên Táng vào thưa với Mã Khôn:

- Tôi xin về Tân Kiến trại để xin Lý Kiến Trung thả anh tôi ra.

Mã Khôn nhận lời, liền đưa tiễn Diên Táng lên đường. Diên Táng về trại thuật lại hết các chuyện bên Thái Hành sơn cho Lý Kiến Trung và Liễu Hùng Ngọc nghe. Mã Huê rất mừng mời Kiến Trung và đồng bọn qua chơi Thái Hành sơn. Lý Kiến Trung nói:

- Tướng quân về trước, chúng tôi sẽ đến sau. Mã Huê liền từ giã ra về. Lý Kiến Trung nói:

- Xưa kia chúng ta là thù địch, nay là thân quyến, tình cảm sẽ được giao lưu.

Bỗng thấy Hàng Diên Thọ kẻo lâu la tới, biết là binh U Châu. Mã Khôn giục ngựa tới khiêm nhượng hỏi:

- Tướng quân đến đây có việc chí? Hàng Diên Thọ nói:

- Nay U Châu Gia Lục Hoàng đã từ trần, quần thần lập Tiêu thái hậu lên ngôi, ban chỉ cho ta qua đây mời tướng quân về giúp nước.

Mã Khôn nghe có chỉ triệu, liền dọn tiệc đãi đằng. Trong lúc ăn uống, Mã Khôn nói với Hô Diên Táng:


- Ta vốn là tướng của Đại Liêu, vì gặp hôn quân nên từ chức qua đây lánh nạn, nay đã mười lăm năm, Tiêu thái hậu lên nối trị, còn tưởng đến ta mà đòi về. Vậy ta phải tuân chỉ hồi trào cùng anh con Mã Huê và Mã Vinh. Còn vợ chồng con thì ở lại đây mà trấn thủ chỗ này, ngày sau có cờ ta đến thì phải vâng theo.

Hô Diên Táng và Kim Đẩu đều vâng lời. Tiệc xong, cha con Mã Khôn sắp đặt các việc trong trại giao cho vợ chồng Diên Táng, rồi từ giã theo sứ về U Châu.

Bấy giờ triều Tống, sau khi Triệu Khuông Nghĩa lên ngôi, xưng hiệu là Thái Tông Hoàng đế, ngày ngày chăm lo việc nước, lại sai sứ đi rước Hô Diên Táng tại núi Thái Hành về thăng chức, và dụ cha con Dương Nghiệp về đầu. Cao Quỳnh lãnh mạng ra đi đến Thái Hành sơn, được Diên Táng và Lý Kiến Trung tiếp rước rất tử tế. Cao Quỳnh đọc chiếu xong, Lý Kiến Trung nói với Vương sứ:

- Xin để một mình Hô Diên Táng về trào, còn tôi xin ở lại đây mà giữ Thái Hành sơn, vì chỗ này gần Hà Đông lắm, nếu bỏ trống để kẻ địch chiếm thì rất uổng, ngày nào chúa thượng cử binh đánh Hà Đông thì tôi đem binh hộ giá.

Cao Quỳnh nhận lời. Ngày hôm sau vợ chồng Hô Diên Táng từ giã Lý Kiến Trung Đem hai ngàn binh theo sứ về trào yết kiến Tống Thái Tông. Tống Thái Tông khen thầm:

- Hô Diên Táng diện mạo khôi ngô, đúng là một trang võ tướng. Cao Quỳnh tâu với vua Thái Tông:

- Hô Diên Táng mới về trào, xin bệ hạ truyền cất dinh cho tướng ấy ở để tỏ lòng chuộng nghĩa. Tống Thái Tông liền hỏi quần thần:

- Vậy ngoài thành có chỗ nào tốt lập dinh cho Hô Diên Táng ở chăng? Phan Nhơn Mỹ tâu:

- Tôi có hỏi rồi, bên phía cửa Đông môn có một cái dinh Hoàng phủ, chỗ ấy cho Diên Táng ở thì phải lắm.

Thái Tông liền hạ chỉ cho Diên Táng ra nơi dinh ấy. Hô Diên Táng lãnh mạng đem gia quyến đi cùng binh mã đến đó mà ở, đến nơi thì thấy một cái nhà dơ dáy, gần sập, ngoài sân cỏ mọc vô tới cửa. Diên Táng thấy vậy thì buồn, vợ là Mã thị khuyên và nói:

- Xin phu quân hãy an lòng, vì ở đỡ mà thôi, chờ chừng nào chúa thượng cử binh đi đánh Hà Đông thì ta có ở đây đâu mà lo.

Diên Táng nghe lời, khiến quân dọn quét sạch sẽ, yên ổn rồi, cứ mỗi ngày chuyên tập việc binh mã. Nói về Phan Nhơn Mỹ thấy Diên Táng thì sanh lòng ganh ghét, vì có tích Diên Táng giết con mình là Phan Chiêu Lượng khi ở Thái Hành sơn.

Ngày kia Nhơn Mỹ lén sai người đến dòm hành động cử chỉ của Diên Táng, người ấy về thuật lại rằng:

- Hô Diên Táng từ về ở đó đến nay, coi ý chẳng cần chi việc nhà cửa hư rách, cứ thường ngày tới giáo trường tập luyện binh mã hoài. Nhơn Mỹ nghĩ thầm:

- Coi thế Hô Diên Táng nghiêm chỉnh lắm, ngày sau ắt đặng quyền cao lộc cả chớ chẳng không.

Nghĩ như vậy, liền cho đòi người tâm phúc là Lư Nhâm đến thương nghị mưu kế đuổi Diên Táng đi cho rảnh. Lưu Nhâm nói:

- Diên Táng mới nhập trào thì chưa có tước phẩm chi lớn, chừng ba ngày nữa Diên Táng cũng đến mà ra mắt tướng công chớ chẳng không. Chờ khi Diên Táng đến thì kiếm thế làm nhục Diên Táng thì tự ý phải trốn đi, chớ cần gì lo kế mà đuổi cho nhọc!

Nhơn Mỹ nghe theo, liền sai quân sắm đồ khảo để dành đó cho sẵn mà đánh Diên Táng. Quả thiệt, ngày thứ tư có Diên Táng đến ra mắt Nhơn Mỹ. Mới bước tới thềm, Diên Táng liền cúi lạy mà nói:

- Tôi đặng vào chốn này thì tôi chí nguyện tận tâm bảo quốc mà đền ơn tri ngộ cho Tiên đế, là nhờ ơn của tướng công. Phan Nhơn Mỹ làm thinh một lát, rồi nói:

- Ngươi có hiểu luật lệ của Tiên đế chăng? Diên Táng trả lời:

- Tôi mới đến nên chưa rõ luật pháp thế nào. Nhơn Mỹ nói:

- Luật của Tiên đế trừng trị như vầy: Hễ cường nhơn nào ở núi mới xuống mà hàng phục triều đình, thì phải chịu xử một trăm trượng mới đặng làm quan, nay ngươi trúng luật đó rồi!

Diên Táng nghe nói sửng sốt, tháo mồ hôi dầm mình mà không dám nói chi hết. Nhơn Mỹ liền sai kẻ tả hữu cứ phép mà thi hành. Quân kéo Diên Táng ra trước thềm đánh một trăm trượng lở đít, máu chảy dầm dề, dậy đi không nổi, ai thấy cũng thương. Nhơn Mỹ lại sai quân đuổi Diên Táng đi.

Diên Táng về tới cửa, vợ là Mã thị thấy bộ đi hình như có thương tích chi, mới chạy ra hỏi. Diên Táng thuật công cuộc mình bị xử trượng. Mã thị nói:

- Thiệt như Tiên đế có để luật ấy lại thì phải cam tâm mà chịu.

Nói rồi Mã thị lật đật đi hâm rượu đem ra rót mời chồng uống và khuyên giải xin hãy nhịn nhục. Hô Diên Táng rầu không nói chi hết, phần đói bụng lại thèm rượu, mới uống chén rượu vào khỏi cổ thì la lên một tiếng té xỉu và bất tỉnh. Mã thị thấy vậy thất kinh, lật đật chạy lại đỡ, thấy Diên Táng không cựa quậy chi hết, bèn khóc kể lể, xảy thấy một tên quân già chạy lại nói:

- Xin phu nhơn chớ khóc, tôi có phương cứu tỉnh cho. Mã thị nói:


- Như vậy thì ơn của ngươi sánh bằng tái tạo chớ chẳng vừa.

Tên quân già liền móc lưng lấy một hoàn thuốc họa mà đổ cho Diên Táng rồi nói:

- Bệnh này là lại bị đánh bằng trượng có tẩm thuốc, cho nên thấm vào thịt hễ uống rượu vô thì khắc, nên làm như vậy.

Giây phút Diên Táng tỉnh lại, cả nhà đều mừng. Diên Táng hỏi tên quân già ấy:

- Thuốc nào ở đâu mà ngươi có hay như vậy? Tên quân già nói:

- Vì khi trước tôi bị đánh bằng trượng có tẩm thuốc độc, cũng chết giấc như vậy, may nhờ một ông đạo nhơn cứu người lại truyền bài thuốc ấy cho tôi. . .

Diên Táng liền hối vợ lấy vàng bạc mà thưởng, thì tên quân già ấy từ chối, và nói:

- Tôi e tướng quân ở đây chắc không đặng toàn thân, phải kiếm lánh chỗ nào mới đặng, vì Phan Nhơn Mỹ cố oán tướng quân lắm, nên lập thế mà đánh như vậy, chớ không phải lề luật chi của Tiên đế đâu. Diên Táng nghe nói nổi giận và nói:

- Nếu trong nước có gian thần như vậy, thì bọn ta ắt lập công danh không đặng rồi!

Nói rồi liền hối Mã thị dọn đồ hành lý nội đêm ấy đem nhau về núi Thái Hành sơn. Khi cả bọn về tới, Lý Kiến Trung chạy ra mừng và hỏi:

- Vì cớ làm sao mà trở về?

Diên Táng thuật các việc mình bị xử trượng cho Lý Kiến Trung. Kiến Trung nghe nổi giận và nói:

- Chúng ta hãy chờ ngày nào thánh giá cử binh tái phát Hà Đông, đi ngang qua đây, chúng ta sẽ rạ sức đón bắt cho đặng Phan Nhơn Mỹ mà ăn gan nó mới đã giận.

Nói vừa dứt lời, lâu la vào báo rằng có một đạo binh đương kéo tới. Lý Kiến Trung lật đật lên ngựa ra xem, thì thấy Kiển Trung và Kiển Lượng vừa đến. Kiển Trung thấy Diên Táng thì hỏi:

- Nghe cháu đặng chỉ triệu về trào rồi, sao nay còn ở đây? Lý Kiến Trung vội vã trả lời:

- Việc ấy nói sao xiết! Em tôi từ vâng chỉ theo sứ mạng nhập trào thì toan bề tận trung mà báo quốc, không dè bị gian thần là Phan Nhơn Mỹ thiết độc kế mà mong hại, cho nên ở không đặng phải trở về. Kiển Trung nghe nổi giận liền nói:

- Hiền đệ có đặng bao nhiêu binh mã? Lý Kiến Trung nói:

- Ước đặng tám ngàn. Kiển Trung nói:

- Thôi, em hãy cho ta mượn binh ấy đặng đi cùng Hô Diên Táng thẳng đến vây Hoài Châu mà ép tướng thành ấy phải dâng biểu về trào, đặng minh sự oan ấy cho cháu ta.

Lý Kiến Trung mừng, liền điểm hai ngàn người ngựa giao cho Kiển Trung và Hô Diên Táng, thẳng tới vây Hoài Châu.

Lời bàn: Pháp luật là khuôn khổ để bảo vệ cộng đồng, chủ trương của một chế độ, nhưng khi cộng đồng không còn thấy giá trị của chế độ nữa thì pháp luật sẽ bị đổ vỡ. Tình trạng loạn lạc sau chiến tranh, đã làm cho cuộc sống xã hội mất công bình, rạn nứt. Các tướng lãnh trong triều đình phải ly tán, bỏ ra ngoài rừng núi, đế mưu đồ sự nghiệp của mình, ấy là lúc luật pháp triều đình không còn thích nghi trong cuộc sống đương thời. Đó có thể gọi là loạn lạc. Nhưng loạn lạc ở đây không bằng pháp thuật và tài năng, mà bằng ý thức con người, không thỏa mãn một chính sách cai trị, hay một sự đối xử không hoàn hảo trong lẽ sống con người.-oOo-

- Hết hồi 33:00 (84):



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.