Lúc ấy, quân vào báo lại. Giám quốc Triệu Khuông Nghĩa và Tả thừa tướng Triệu Phổ Đồng dẫn bá quan ra cách mười dặm trường đình mà tiếp giá.
Tống Thái Tổ về đền ngồi ngự, Triệu Khuông Nghĩa và bá quan văn võ đồng lạy và vấn an. Tống Thái Tổ thuật sơ việc đánh Nam Đường lao khổ. Còn Cao Hoài Đức dâng ấn Nguyên soái cho Thái Tổ và giao quân lại cho quan Hộ bộ đâu đó xong xuôi, đoạn Tống Thái Tổ phán:
- Trẫm cho các tướng sĩ về nhà thăm gia quyến, ngày mai sẽ đến chầu.
Phán rồi lại vào cung ra mắt Đỗ thái hậu. Mẹ con mừng rỡ chuyện vãn hồi lâu. Hoàng hậu và các cung phi đồng vào kiến giá.
Còn các tướng cũng về thăm bà con, ai nấy đều mừng vui. Đây chỉ có hai nhà không vui là nhà Sử Khuê và Thạch Thủ Tín thấy quân khiêng hai linh cữu tới đều than khóc và lo việc ma chay. Hôm sau, Tống Thái Tổ lâm triều, các quan chầu chực đủ mặt, Tống Thái Tổ nghĩ thầm:
- Cao Hoài Đức công lao cả nhà, song phong đến chức vương đã là tột bực rồi, còn Miêu quân sư và các tướng khác cũng nên gia phong cho xứng đáng công lao. Nghĩ như vậy liền phán:
- Miêu quân sư giúp việc thiên văn và bói toán rất linh nghiệm, giúp trẫm thành công không nhỏ. Nay phong tước vương và chức trụ quốc cho ăn lộc muôn nóc gia. Còn Đông Bình vương công lao cả nhà, tuy hết bậc gia phong, song cũng được hưởng trọng thể. Lưu Kim Đính, Ngại Ngân Bình, Tiêu Dẫn Phụng, Úc Sanh Hương và Hoa Giải Nữ năm nữ tướng trước trẫm đã phong làm phu nhơn, nay phong làm Ngũ công chúa Nhất phẩm phu nhơn. Còn Cao Quân Bảo, Cao Quân Bội, Trịnh Ấn. Phùng Mậu, Dương Diễn Bình, trẫm phong làm Ngũ thiếu vương nhất phẩm, sau con cháu đều nối chức như vậy. Còn Thạch Thủ Tín Sử Khuê vì nước chết lại Thọ Châu, nay phong vương chôn theo lễ vua.
Tất cả mọi người đều lạy tạ ơn. Cao Quân Bảo quỳ tâu:
- Xin bệ hạ ban ơn cho tôi rước nhạc phụ là Lưu Nãi đem về nuôi dưỡng cho trọn đạo rể con.
Tống Thái Tổ y tấu, ban xe ngựa cho vợ chồng đi rước Lưu Nãi về và phong cho Lưu Nãi làm chức Lễ bộ Thượng thư.
Sau đó, Tống Thái Tổ truyền chỉ cho Cao Quân Bội đem vàng bạc qua Thạch Châu, San Hậu ban thưởng cho cha con Dương Nghiệp và binh tướng. Tính ra Tống Thái Tổ ban thưởng và phong tặng không sót một người chỉ trừ Giám quốc là Triệu Khuông Nghĩa không thấy được ban khen.
Không bao lâu, đến ngày lễ bát tuần của Đỗ thái hậu, Tống Thái Tổ và Triệu Khuông Nghĩa và Triệu Khuông Mỹ, anh em đồng đến chúc thọ. Tống Thái Tổ nhớ lời cũ, truyền chỉ giảm thuế tha tù. Một hôm, Đỗ thái hậu nói với Tống Thái Tổ rằng:
- Vương nhi mười tám năm chinh chiến mới được ngôi trời. Triệu Khuông Nghĩa, Triệu Khuông Mỹ cũng đồng là con cả. Nếu ngày sau vương nhi băng hà, mẹ muốn vương nhi nhường ngôi cho Khuông Nghĩa, như vậy là anh em đồng hưởng giàu sang, không khinh không trọng. Lòng mẹ như vậy không biết vương nhi thế nào? Tống Thái Tổ nghe mẹ hỏi, nghĩ thầm:
- Mình may mắn mà đặng ngôi thiên tử là cũng tại khi đến Trần Kiều, các tướng sanh lòng bất phục Hậu Châu, đem long bào mà mặc ình, tôn lên Hoàng đế ấy là tại lòng trời xui khiến. Nay mẹ ta muốn nhường ngôi cho em ruột, nối nghiệp mã trời, rồi sau giao cho các em khác, thay đổi mà lo việc giữ nước. Chi bằng vâng lời cho vừa ý mẹ. Nghĩ rồi Tống Thái Tổ nói:
- Mẹ tính như vậy cũng phải. Con xin vâng theo. Đỗ thái hậu khen:
- Mẹ nói một lời mà con không cãi. Thật là con chí hiếu trên đời.
Lời bàn: Trong lúc khốn đốn, ai cũng muốn kẻ khác giúp mình, nhưng đến lúc thành công ít người nghĩ đến công lao của kẻ khác đó cũng chỉ vì tham vọng. Tống Thái Tổ chinh phục Nam Đường công lao rất lớn, những tướng có công được Tống Thái Tổ đền ơn ban chức quyền. Đó là lòng tri ân của những bậc vua chúa có đức độ. Thói thường, các bậc vua thiếu lòng nghĩa nhân, lúc thành công chẳng những chỉ biết có mình, hưởng thụ một mình, mà còn tìm cách làm hại những kẻ đã giúp mình, vì sợ kẻ ấy can ngăn, không ình hưởng thụ. Giá trị con người không phải ở chức vị, mà ở chỗ biết đạo nghĩa làm người, không vì quyền lợi riêng mình mà bỏ điều nhân nghĩa, làm cho dân chúng không phục tùng. Chỉ có nhân nghĩa mới giữ được địa vị của một ông vua.-oOo-
- Hết hồi 29:2 (38):