Rạng ngày, Tôn chơn nhơn đến tướng đài nói:
- Tôi tài phép không bao nhiêu, bởi các vị đạo hữu ép hoài nên không lẽ từ chối. Nay đến ngày phá trận, xin các vị giúp sức cùng tôi cho tận tình.
Nói rồi bước lên tướng đài cầm một cầy lệnh tiễn kêu lớn:
- Xin mời Tần đạo hữu đem Cao Hoài Đức, Phan Nhơn Mỹ, Tào Bàn, Trương Quang Viễn, La Ngạn Oai lên đài lãnh lịnh. Trần Đoàn và năm tướng già đồng vâng lệnh lên đài, Tôn chơn nhơn mới nói:
- Đạo hữu lãnh năm điêu phù này, đưa cho ngũ lão tướng giắt trong đầu tóc, kẻo vào trận bị yêu khí nó hớp hồn, rồi dẫn một ngàn năm trăm binh đều dùng cờ vàng, còn năm tướng thì đội kim khôi, mặc giáp vàng, cỡi ngựa đạm, vào phá cửa phía Bắc, bởi màu vàng thuộc thổ, khắc màu đen thuộc thủy gọi là thổ khắc thủy. Năm tướng xông vô cửa phải chặt cây phướn của nó, giết chết các thây ma chửa và thây ma câm, còn chủ tướng cửa ấy là lão Huyền Hồ, bởi nó là hồ ly thành tiên, nên phép tắc cao lắm, phải đổ huyết vợ nó vào mình nó, ấy là dụng tà trừ tà thì giết nó mới đặng.
Huỳnh Thạch Công và năm tướng vâng lệnh xuống đài. Tôn chơn nhơn mời Lê Sơn Thánh mẫu, Đào Tam Xuân, Triệu Hoàng Cô, Lý Thái Huê (Lý phu nhơn), Dư Thoại Hoa (Dư phu nhơn) La phu nhơn đều lên đài truyền rằng:
- Thánh mẫu lãnh năm điêu phù này đưa cho ngũ lão âm tướng, giắt vào tóc, kẻo vào trận bị yêu khí nó hớp hồn, rồi dẫn một ngàn năm trăm binh đều dùng cờ đen vào phá cửa phía Nam, và năm tướng phải đội mũ sắt, mặc giáp đen, cỡi ngựa ô, bởi màu đen thuộc thủy, khắc màu đỏ thuộc hỏa, gọi là thủy khắc hỏa. Năm tướng xông vô cửa phải chặt cây phướn của nó, và giết chết các thây ma, còn chủ tướng trận ấy là con giả nhơn thành tinh phải dùng óc chim ôn hoàng mà rải vào mình nó, thì nó biến hóa không đặng, vật ấy gọi là ôn hoàng sa, vì óc chim ôn hồn mạnh lắm, vấy nhằm mình yêu thú tức thì hiện nguyên hình, thời giết nó mới đặng.
Lê Sơn Thánh mẫu và năm tướng vâng lệnh xuống đài. Tôn chơn nhơn lại mời Kim Quang Thánh mẫu và Lưu Kim Đính, Tiêu Dẫn Phụng, Ngại Ngân Bình, Úc Sanh Hương, Hoa Giải Nữ lên đài mà truyền rằng:
- Thánh mẫu lãnh năm điệu phù này, phát cho ngũ thiếu âm tướng, giắt trên đầu tóc mà trị khí yêu rồi dẫn một ngàn năm trăm binh đều dùng cờ đỏ, còn năm nàng ấy phải mặc áo điều, cỡi ngựa hồng, vào phá cửa phía Tây, bởi màu đỏ thuộc hỏa, khắc màu trắng thuộc kim, gọi là hỏa khắc kim. Năm tướng xông vào cửa phải chặt cây phướn của nó, và giết chết các thây ma. Còn chủ tướng trận ấy là tinh bươm bướm, thần thông quảng đại chẳng phải tầm thường, phải rải cao đường thảo cho nó bị uế nhơ thì biến hóa không đặng, tức thì hiện nguyên hình rồi dùng trảm yêu kiếm mà chém nó.
Kim Quang Thánh mẫu và năm tướng đồng vâng lệnh xuống đài. Lúc ấy, Tôn chơn nhơn mới nói:
- Còn cửa trung ương, Tử Hà Tiên trấn thủ, nguyên Tử Hà Tiên là Tiên hạc, tu ngàn năm hóa đặng hình người, nếu nó tu đôi ba năm nữa cũng thành chánh quả, nên phép tắc cao hơn các yêu tinh kia. Ta phải đem đầu Thập Linh và Định Phong châu, dẫn một ngàn rưỡi binh mặc áo xanh cầm cờ xanh vào phá cửa trung ương mới đặng. Vì màu xanh thuộc mộc, khắc màu vàng thuộc thổ, gọi là mộc khắc thổ. Năm đạo binh đồng phá một lượt, trận âm dương mới tan.
Tống Thái Tổ thấy Tôn chơn nhơn sửa soạn xuống đài thì bước tới nói:
- Chơn nhơn điểm các tướng hết thảy rồi, sao không đến quả nhơn. Tôn chơn nhơn nói:
- Bệ hạ là Thiên tử, lẽ nào đến chốn hiểm nghèo làm chi? Tống Thái Tổ nói:
- Khi trước trẫm cũng chinh chiến, từng ra trận giao công. Nay giặc ở trước mặt, ấy là việc lợi hại cho tổ tông, đến như các vị thần tiên còn đình việc thanh nhàn mà giúp trẫm thay, huống chi trẫm dám cậy đặng áo vàng mà không ra sức? Tôn chơn nhơn nói:
- Bệ hạ có lòng lo việc nước như vậy, song chẳng nên đem mình rồng vào trận nguy hiểm. Như hệ hạ muốn chịu sự mệt nhọc với chúng tôi xin nai nịt lên lầu, cầm dùi đánh trống; một là lợi oai cho chúng tướng, hai là mình rồng chấp lịnh mà ếm tế tà tinh, như vậy có ích lợi hơn cầm đao ra trận.
Tống Thái Tổ mừng rỡ khen phải, liền nai nịt lên mặt thành thị sự. Khi ấy năm vị tiên ông dẫn binh tướng vào phá trận âm dương, một lượt. Vô đến trận thấy tối tăm mù mịt, nghe những tiếng quỷ khóc thần rên!
Còn những vị chánh thần như Lý Thiên Vương. Na Tra, Nhị Lan hiển thánh là bật thần thông quảng đại, lẽ nào phò yêu mà diệt Tống, bởi Tử Hà Tiên dùng bùa chú theo phép mà triệu, cùng chẳng đã phải giáng hạ đó thôi. Nay thấy mấy vị đại tiên vào phá trận, thì các thần đều bỏ trận mà thăng thiên. Còn át sát hung thần cũng trốn hết. Trừ ra thây ma câm, thây ma chửa còn ở giữ trận mà thôi! Dư Triệu biết thế không xong, liền độn thổ trốn trước. Còn năm vị yêu tiên bị vật kỵ biến hóa không đặng, đều chết hết cả năm. Tôn chơn nhơn truyền cho các tướng giết thây ma chửa, thây ma câm và đánh giết binh Đường chết thôi không biết bao nhiêu mà kể. Khi trận phá rồi, vua Nam Đường thấy binh chết rất nhiều, nên truyền quân đào hầm dập lại. Còn Tống Thái Tổ thấy trận âm dương bị phá tan nát, trong lòng mừng rỡ vô cùng, truyền quân khai cửa thành nghinh tiếp binh lương. Lại truyền dọn tiệc chay đãi các vị thần tiên. Tống Thái Tổ giã ơn nói:
- Các vị giúp trẫm tận lực, thật chẳng biết dùng vật chi mà đền đáp cho xứng công. Các tiên nói:
- Trời đã định cho bệ hạ ra đời, tiếp tục Ngũ đại, lẽ nào Nam Đường giữ đặng Kim Lăng. Bởi yêu tinh nghịch thiên nên phải bỏ mạng, ấy là hồng phước của bệ hạ, chúng tôi có công chi mà bệ hạ tạ ơn. Khi mãn tiệc, các vị tiên kêu các đệ tử mà bảo rằng:
- Các con hãy trả bửu pháp lại, đặng thầy đem về động, vì từ đây đã hết việc chiến chinh bửu pháp không còn dụng nữa. Các đệ tử đều trả bửu pháp lại cho thầy. Lưu Kim Đính thưa:
- Khi phá trận rồi, tôi không thấy Dư Triệu, chắc nó chạy thoát, sau chắc báo cừu. Tôn chơn nhơn nói:
- Ta cũng nghĩ tới việc ấy, nên có vẽ họa đồ trận Ngũ lôi, e vậy ta cho ngươi hãy xem lấy đó mà lập trận. Nếu Dư Triệu không đến thì thôi, bằng nó cự địch nữa, thì lập trận Ngũ lôi trừ nó. Lưu Kim Đính lạy tạ và lãnh trận đồ. Các tiên từ giã Thái Tồ. Tống Thái Tổ nói:
- Xin các vị thượng tiên ở lại với trẫm một đôi ngày, trẫm rót rượu hầu tiệc ít lần, kẻo lòng chưa thỏa. Trần Đoàn nói:
- Bệ hạ nói bấy nhiêu lời cũng đủ thấy có tình hậu đãi. Chúng tôi đều cảm ơn. Song chúng tôi không muốn ở lâu giữa chốn chiến chinh. Từ nay sắp sau bệ hạ vô sự, xin đừng lo mà mệt lòng rồng. Nay tuy chúng tôi lui về, song cũng còn ngày gặp gỡ nữa.
Tống Thái Tổ thấy cầm lòng không đặng, liền theo đưa khỏi cửa thành. Các đệ tử cũng theo lạy đưa. Năm tiên đằng vân bay về động. Đoạn Tống Thái Tổ phán:
- Mới phá trận, tướng binh còn mệt. . . trẫm cho nghỉ ba ngày, rồi sẽ kéo tới vây thành bắt Lý Cảnh, ráng tận tâm một phen nữa rồi khải tấu ban sư. Bữa sau quân vào báo với Tống Thái Tổ:
- Chúng tôi thấy Dư Triệu vào ải Thanh Lưu. Tống Thái Tổ phán:
- Nay Dư Triệu đã trở lại, chắc nó đi viện yêu đạo nữa, bận này khó nổi cầu các tiên xuống đây mà bắt nó, biết tính làm sao? Lưu Kim Đính tâu:
- Khi Tôn chơn nhơn gần về có cho tôi họa đồ trận Ngũ lôi, nếu Dư Triệu đến đây thì lập trận ấy mà bắt nó. Nay nó còn trở lại, chắc chạy không khỏi số trời. Tống Thái Tổ phán:
- Tà lẽ nào thắng chánh, đốn cây cũng nên bứng rễ mới khỏi hậu hoạn về sau!
Lưu Kim Đính vâng chỉ. Về bên Nam Đường trận bị phá, binh chết hơn mười muôn, năm vị yêu tiên đều chết tuyệt. Vua Nam Đường thấy còn ít vạn binh và quân sĩ lão nhược, cả ngàn tướng cạnh chết hết phân nửa, tính bề cự không lại Tống thì ăn năn than:
- Phải chi đầu hàng trước thì bây giờ đã an. Nay lỡ quá rồi, sợ đầu hàng Tống không chịu. Chi bằng lạy tông miếu, giết hết vợ con, rồi mình cũng tự vận cho xong, kẻo bị Tống bắt về làm nhục.
Bá quan thấy vua tính như vậy đồng can gián hết lời, song vua Nam Đường không chịu nghe. Vua Nam Đường tính liều mình, kế Dư Triệu về ải, nghe việc ấy liền can rằng:
- Bệ hạ không sợ chết, thì đánh liều một trận họa may. Lẽ nào liều mình thà giao nước cho giặc vả lại bị trận này là bị năm thầy nó xuống giúp Tống đánh Đường. Chúng nó có thầy trợ lực, tôi lại không thầy hay sao? Bấy lâu tôi không về núi mà thỉnh thầy là sợ thầy tôi quở sao chẳng bảo Dư Hồng sư huynh về núi. Nay bại trận này, đạo hữu chết nhiều lắm, cừu này trả không đặng thì khó ngủ khó ăn. Tôi phen này quyết đánh liều về lạy thầy xuống, dầu bị quở bị phạt cũng an tâm. Nếu thầy tôi xuống giúp Đường, chẳng những Kim Đính, Phùng Mậu chết hết mà thôi, dầu Tôn Tẫn, Trần Đoàn, Huỳnh Thạch Công, Lê Sơn Thánh mẫu, Kim Quang Thánh mẫu cũng chịu phục và xin lỗi nữa!
Vua Nam Đường lúc cùng trí, nghe Dự Triệu nói mạnh mẽ như vậy cũng muốn cầu may, nên y lời lo đánh nữa. Còn Dư Triệu lén qua thám thính, rõ các việc bên Tống nên tâu:
- Năm vị đại tiên đã thâu phép các học trò về động, như vậy Kim Đính với Phùng Mậu đã hết phép, sá chi binh tướng Tống là phàm phu, chẳng đi thỉnh thầy tôi làm chi, một mình tôi báo cừu cũng đặng! Chúa tôi Nam Đường nghe rõ, hết khóc liền cười. Vua Nam Đường phán:
- Tiêu Dẫn Phụng, Ngại Ngân Bình và Úc Sanh Hương, cha mẹ chúng nó là người nước Nam Đường, chẳng biết tại sao chúng nó lấy tướng Tống mà làm phản triều đình? Bấy lâu trẫm muốn giết cha mẹ chúng nó, cho rõ tội phản thần, song ngại một điều ba đứa ấy là học trò của Thánh mẫu phép lực cao cường, nếu giết cha mẹ nó, ắt là nó báo cừu cho đã giận. Nay chúng nó đã bị thầy thâu phép, khỏi lo việc báo thù vậy trẫm truyền chỉ đòi Tiêu Thăng, Úc Thoại về triều, giả thương nghị việc nước, rồi sẽ phục binh mà giết phứt đi, mặt khác lại sai một ngàn binh đến Ngại gia trang giết cho tuyệt tộc họ Ngại.
Các quan đồng nói phải, rồi y theo kế mà làm. Tiêu Thăng, Úc Thoại thật tình vâng chỉ mà về triều, bị ba trăm đạo quần mai phục ập ra giết hết. Còn nội nhà cha Ngại Ngân Bình bị tướng binh tới vây giết không còn một mạng, rồi nổi lửa đốt nhà, lửa cháy hai ngày mới tắt! Thảm thay. Đoạn vua Nam Đường cho triệu binh các ải về, cộng hơn mười vạn, đều giao cho Dư Triệu cầm quyền. Còn vua Nam Đường cứ uống rượu giải buồn. Ngày kia, Dư Triệu dẫn hai vạn binh đi khiêu chiến. Quân về báo lại thì năm tướng nhỏ quyết ra cự chiến. Lưu Kim Đính can:
- Chẳng nên nóng nảy mà hư việc, hãy nán đợi trong ba ngày, như nó hồi tâm thời thôi, bằng khiêu chiến luôn luôn sẽ tính.
Các tướng cũng y lời. Dư Triệu khiêu chiến hơn nửa ngày không thấy tướng nào ra trận, bữa sau khiêu chiến một ngày nữa cũng không ai ra, bữa thứ ba mắng nhiếc cũng trơ trơ. Dư Triệu nổi giận cho phá thành, bị đổ nước sôi và lăn đá. Binh Nam Đường bị bệnh cũng nhiều, lại thêm cung ná bắn xuống nữa, Dư Triệu túng phải lui binh, nín một ngày không khiêu chiến nữa. Khi ấy Lưu Kim Đính liền ngẫm nghĩ:
- Có lẽ nào Dư Triệu biết ăn năn mà không đánh nữa? Bất quá phá thành không nổi nên về đỡ đó thôi. Chắc ngày khác cũng khiêu chiến, lẽ nào mình bế thành hoài? Ấy là nó tới số, chừng nào chết mới thôi khiêu chiến.
Nghĩ rồi Kim Đính lấy họa đồ Ngũ lôi trận ra xem, lời dặn bảo rõ ràng. Tức thì Kim Đính sai Phùng Mậu đem binh qua phía Đông Nam gần kẹt núi, chọn chỗ đất hàng phẳng, đào một cái hầm vuông vức ba trượng, sâu năm thước, đổ thuốc súng cho đầy, để lá bùa dằn trên mặt, rồi lấp đất lại, trên mặt đất trồng nấm cây tre như chữ thập, gọi là trận Ngũ lôi. Phùng Mậu vâng lệnh đi lập tức. Lưu Kim Đính sai Trịnh Ấn đem năm ngàn binh mai phục ngoài trận sau núi, bắn xuống trận Ngũ lôi, Trịnh Ấn vâng lệnh đi nữa. Lưu Kim Đính lại sai Cao Quân Bảo chọn năm tên lính già yếu tàn tật, đội kim khôi, mặc thiết giáp, giả làm dũng tướng đi du ngoại. Cao Quân Bảo y lời. Khi Lưu Kim Đính sai cất xong rồi, liền tắm gội thay áo mới, lấy năm lá phù của Tôn chôn nhơn để lại, đến trận Ngũ lôi, dán phù trên ngọn tre, rồi niệm chú thâu lôi, tức thì sấm nổ vang tai. Lưn Kim Đính trở về sai Cao Quân đi khiêu chiến, và dặn phải lời nói khích luôn luôn. Lại truyền cho năm tướng già yếu tàn tật, dẫn hai mươi tên lính chưa rõ ốm o vây chung quanh trận ấy. Rồi truyền cho năm ngàn binh mai phục ngoài thành, đợi Dư Triệu vào trận rồi, sẽ áp tới vậy phủ. Còn Cao Quân Bảo đơn thân độc mã đến ải Thanh Lưu khiêu chiến. Dư Triệu cỡi ngựa ra trận, Cao Quân Bảo nói:
- Nay ta chẳng đấu lực, nên chẳng đem binh. Bởi trước người lập trận đã bị năm vị tiên sư phá rồi, giết chết hết, Nam Đường hao binh tướng cũng nhiều, đáng lẽ ngươi biết hổ thẹn, mình trốn về non tiên tu luyện cũng phải. Sao còn đem binh khiêu chiến, quyết việc đua tranh, nay nữ tướng lập trận lạ, ngươi đến xem mà cất nghĩa phép phá trận ấy ra thể nào. Nếu ngươi cắt nghĩa được ta sẽ không đánh Nam Đường nữa. Bằng ngươi biết mình phá không nổi, thì lui về au! Dư Triệu nói:
- Ngươi đã lập đặng thì phá đặng, lẽ nào không dám đi coi?
Cao Quân Bảo thấy Dư Triệu chịu đi, liền chạy về báo tin với Lưu Kim Đính. Lưu Kim Đính nghe nói, liền giục ngựa ra trận. Kế Dư Triệu cỡi ngựa đến. Lưn Kim Đính chỉ trận ấy mà nói rằng:
- Nếu ngươi dám vào trận ba lần, thì ta về tâu xin vua bãi binh, nhượng đất Nam Đường cho Lý Cảnh. Bằng ngươi không dám thì lui về au, đừng gánh việc trần, mà báo đời thiên hạ!
Dư Triệu ngó thấy trận xơ bơ, có năm tướng già và hai mươi người lính tật nguyền thủ trận, coi không thấy hào quang và thần tướng, chỉ có trên ngọn tre nháng hơi lửa, bèn nghĩ:
- Chắc là Kim Đính dùng lửa mà đốt binh mình, mà mình chẳng đem binh, nó đốt mình sao đặng? Bề gì mình độn ra cũng khỏi, nhắm chẳng bề chi. Chắc là Lưu Kim Đính hết phép rồi nên lập trận hồ nghi mà gạt ình về núi, cũng như Khổng Minh dụng trí đờn cầm, ấy là làm túng mà gạt Tư Mã Ý. Ta cũng nên vào trận cho chúng nó hết hồn, rồi phun lửa đốt cả bầy cho bỏ ghét. Nghĩ rồi Dư Triệu nói lớn rằng:
- Kim Đính, ngươi lập cái trận lôi thôi như vậy, chẳng những ta vào ba lần, dầu vô ra ba chục lần cũng chẳng khó gì? Lưu Kim Đính làm bộ thất sắc nói cách yếu ớt:
- Xin hãy suy xét rồi sẽ vào, kẻo thất bại và uổng mạng.
Dư Triệu nghe nói càng mạnh mẽ mười phần. Dư Triệu cầm song kiếm giục ngựa vào trận. Năm tướng già và hai mươi người lính tàn tật vây phủ đánh liền. Dư Triệu đánh chúng nó ngã lăn, liền xông vào trận giữa. Lưu Kim Đính phát pháo, năm ngàn phục binh áp tới vây phủ ngoài xa, còn Cao Quân Bảo ở ngoài tuần vãng. Trịnh Ấn nghe hiệu lịnh dẫn binh pháo thủ lên núi, bắn xuống như mưa, tên bay bời bời. Lưu Kim Đính niệm chú và đánh lôi quyết năm vị lôi công nổi sét ầm ầm. Dư Triệu thất kinh đằng vân bay lên thì bị lôi công đánh ngã xuống. Dư Triệu tính bề độn thổ, ngặt đất đã cứng như đồng, túng phải nhảy vào trung ương mà độn hỏa, chẳng ngờ tứ bề có thiên la địa võng, không ngõ thoát thân, bị ngũ lôi đánh chết, bay hơi tanh khét vô cùng. Năm tướng già và hai mươi người lính tàn tật cũng bị thuốc súng mà chết.
Lời bàn: Nếu kẻ phô trương tài năng để đe dọa thiên hạ, thì cũng có kẻ làm ra cách không hiểu biết để chiến thắng kẻ tự cao tự phụ. Dư Triệu lập trận âm dương tận dụng hết khả năng của mình đế làm cho tướng Tống sợ hãi, các vị tiên phục tùng, thì trái lại Tôn Tẫn chí lập một trận sơ sài, tưởng như kẻ không biết gì về trận pháp. Nhưng Dư Triệu phải bỏ mình vào cái trận sơ sài ấy, chứng tỏ Dư Triệu là người tự cao tự đại, không lường được tài năng của kẻ khác và không rõ sự dốt nát của mình. Trong cuộc sống đời người, kẻ nào không hiểu được cái dốt nát của mình, thường khinh bỉ việc làm của kẻ khác, cuối cùng họ đã bị kẻ khác lợi dụng cái dốt nát của kẻ tự cao tự phụ để chiến thắng. Ấy vậy, cái khôn không phải đem sự hiểu biết của mình khoe khoang, mà chính là làm cho họ không thấy sự hiểu biết của mình.-oOo-
- Hết hồi 25:118: