Tam Hạ Nam Đường

Chương 1: Xích Mi sai đệ tử phạt Thái Tổ Dư Hồng quyết hạ san giúp Nam Đường







Tại núi Thái Sơn có một vị tiên trường tên là Xích Mi lão tổ, tu luyện hơn mấy ngàn năm, phép tắc vô cùng, tinh thông đúng mực. Ngày nọ các bạn tiên là: Lê Sơn Thánh mẫu, Trần Đoàn lão tổ, Hy Dy tiên sanh, Tôn Tẫn chơn nhơn, cùng tới động ông Xích Mi đàm đạo việc nhân gian. Xích Mi lão tổ nói:
- Nay thiên hạ gần về một mối, Hương Hài Nhi vâng lệnh Thượng Đế nối nghiệp vua Châu Thế Tông, lại được Tào Bang, Triệu Phố, Cao Hoài Đức, Trịnh Ân, kẻ văn người võ phò tá, dựng nên cơ nghiệp. Nghĩ lại Châu Thế Tôn hiền lành nhơn đức, nối cơ nghiệp của Quách Ngạn Oai trị nước bấy lâu, sáng suốt hơn bốn đời vua trước. Nhưng lúc Châu Thế Tông băng hà, truyền ngôi cho ấu chúa, Hương Hài Nhi kế tục trị vì đến khi Trần Kiêu làm phản, chư tướng hết lòng báo quốc, thuận lòng dân, hợp ý trời. Ấy cũng vì trời xuôi, lòng người mới an thuận như vậy Hương Hài Nhi lên ngôi, lẽ phải yêu mến các tướng của mình, lại ham mê tửu sắc, giết trung thần, trảm Trịnh Ân là em nuôi rất trung nghĩa. Rõ ràng là vua vô nhân đạo! Bởi kế ấy, ta muốn sai yêu quái xuống phá Hương Hài Nhi để trừng phạt lội bất nhân, bất nghĩa ấy. Trần Đoàn lão tổ nói:

- Việc ấy cũng tưởng đáng trừng phạt, song chẳng qua cuộc đời phải vậy. Xưa nay hễ bề tôi có công lớn rồi thì phải giữ mình chẳng nên khinh suất làm cho vua nghi ngờ nên mượn cớ đi tu mà lánh nạn, còn các tôi có công khác không đề phòng đều bị Cao Tổ giết hết. Còn như Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt là những người ham phú quí công danh, ỷ mình có công lớn, không đề phòng nên bị hại. Nếu họ noi theo Phạm Lãi thuở xưa, hay bắt chước Trương Lương mà tránh, thì ai hại mình được. Xích Mi lão tổ nghe Trần Đoàn nói thì cười lớn:
- Lời bàn của đạo hữu có thể giác ngộ các trung thần có công dựng nước. Nhưng cõi tục hễ được chim thì bẻ ná, cho nên các vị vua hễ được nước rồi lại nghi tướng giỏi. Dù vậy Hương Hài Nhi và Trịnh Ân, tuy bề ngoài là nghĩa chúa tôi, mà trong là tình thủ túc. Lấy lẽ phải mà nói thì nếu không đẹp lòng, không dùng nữa thì đuổi đi. Lẽ đâu giết oan người ta như vậy? Nếu không bị trừng phạt thì sao gọi là lẽ công bằng. Tôn Tẫn nói:
- Nếu lão tổ trừng phạt một mình vua vô đạo mà hại trăm họ dân đen, dẫu công bình cũng là tội nghiệp! Xích Mi lão tổ nói:
- Nếu vậy ta không sai yêu quái xuống quấy rối, mà sai một vị thần thông phép tắc xuống đó trừng phạt cho vui lòng kẻ tôi trung, làm gương người bội bạc. Các tiên thấy Xích Mi lão tổ định trừng phạt một mình Triệu Khuông Dẫn thì đều bằng lòng, không cãi nữa, cùng nhau từ giã lui về. Xích Mi lão tổ liền kêu một người đệ tử tên là Dư Hồng đến dạy rằng:
- Bởi ta trách vua Thái Tổ giết oan Trịnh Ân, nên ta sai ngươi xuống nước Nam Đường, đầu vua Lý Cảnh, khiến Lý Cảnh đem đánh Tống, và bắt phục làm tôi. Vua Thái Tổ tính nết hung hăng nghe chẳng phục tùng, ác là vấn tội. Lúc ấy ngươi phải ra tài thao lược hóa phép thần thông, vây người bạc nghĩa ít năm, giải oan kẻ trung thần nơi chín suối. Song ta cấm ngươi một điều là chẳng nên sát sánh giết tướng, bắt sống thì vô can, giết oan thì có tội. Ta chỉ muốn làm cho vua Thái Tổ đau lòng nhọc trí, khổ sở mà thôi. Khi mãn hạn ngươi sẽ về non mà tu luyện.
Nguyên Dư Hồng cốt là chim hồng nhạn, có công tu luyện ngàn năm mới được hóa hình người, sau theo lão tổ học phép thần thông nghe có lời thầy cho hạ san thì muốn chớp cánh bay liền. Xích Mi lão tổ trao phép, Dư Hồng vâng lệnh đằng vân xuống núi.
Bấy giờ vua nước Nam Đường là Lý Cảnh đóng đô tại đất Kim Lăng. Khi trước bị vua Châu Thế Tông hưng binh chinh phạt nên Vua Nam Đường sợ mà bỏ hiệu Hoàng Đế. Từ khi Tống Thái Tổ hùng cứ nhất phương, gồm thâu bốn nước, thì Vua Nam Đường trở lại xưng đế, chiêu hiền đãi sĩ, kén chọn tướng tài ngày đêm rèn luyện ba quân.
Quan văn tướng võ ước chừng vài mươi, quân giỏi binh hùng chừng hai mươi vạn. Vả lại vua Nam Đường thông minh trí tuệ, còn các danh tướng như: Huỳnh Phủ Huy, Huỳnh Nguyên Thế, Phụng Dương, đều là anh hùng cái thế, còn Tuyết Lữ, Tần Phụng, La Anh, Trịnh Phi Hổ đều là con dòng cháu giống thời trước lưu truyền. Lại có hai tướng tài là Long Văn, Văn Bảo, Lâm Văn Thả là tay hào kiệt.

Vua sáng, tôi ngay, quả Nam Đường là một nước hưng thịnh. Một hôm Vua Nam Đường lâm triều, các quan chầu chực đủ mặt. Vua phán.
- Tống Thái Tổ dẹp nước Hớn Nam của Lưu An, lại trừ Cao Quí Hưng nơi phương tây, dẹp Mạnh Trí Tường nơi nước Thục, đều nhờ binh tướng như Cao Hoài Đức, Vương Toàn Bân, Tào Bân, Phan Nhơn Mỹ, cầm binh như thần nên mới thâu các nước ấy được, trong thiên hạ mười phần về tay Thái Tổ hết tám. Tuy họ lấy đất Giang Nam ta chưa được, song ta cũng phải lo, vì sợ túi tham không đáy. Các quan văn võ đều tâu:
- Tống mạnh tám phần, Đường chẳng được hai. Một góc Kim Lăng cự sao cho lại. Dầu có binh hùng tướng mạnh cũng cự không nổi họ Vương, họ Tào, họ Cao, họ Phan, chỉ bằng bỏ hiệu Hoàng Đế giữ bực chư hầu, dâng sớ chịu làm tôi, sắm lễ cống sứ thì giữ được cơ nghiệp, khỏi động đao binh. Vua Nam Đường chưa kịp có ý kiến thì một viên tướng võ quì tâu:
- Chẳng nên ép mình làm tôi nước Tống. Nhà Đường là chính thống, cai trị mấy đời, còn nước Tống là dòng quan, một tên tướng soán ngôi, huống chi nước ta vua sáng tôi ngay, binh ròng tướng mạnh, bất quá Tống lo nghiệp Tống, Đường giữ nhà Đường, không lẽ họ dám cất quân đi đánh nước mạnh mẽ? Chi bằng bệ hạ sai sứ đem thơ, mượn cớ do thám việc binh tình để biết thiệt hư mà liệu bề xử sự, đừng thấy người đồn đại mà sợ. Vua Nam Đường gật đầu khen phải. Trong lúc chúa tôi đang bàn luận, xảy có quân vào báo:
- Có một đạo sĩ xin ra mắt. Vua Nam Đường nghĩ thầm:
- Chắc có duyên cớ gì đạo sĩ mới đến đây. Nghĩ rồi truyền lệnh cho vào ra mắt. Đạo sĩ bước vào thấy vua diện mạo oai nghi, hình dung mạnh mẽ, đôi mắt sáng ngời, liền quì tung hô vạn tuế. Vua Nam Đường mời ngồi và hỏi:
- Chằng hay đạo sư đến đây có việc chi dạy bảo? Người đạo sĩ chính là Dư Hồng. Khi nghe vua Nam Đường hỏi, liền thong thả đáp:

- Tôi ở núi Thái Sơn, có nghe bệ hạ chiêu hiền đãi sĩ, yêu nước thương dân. Còn vua Tống tuy đã thâu được tám phần thiên hạ nhưng không lấy nổi Kim Lăng là vì phía đông có sông dài ngăn cách, tôi e bệ hạ kiêng oai mà phục tùng vua Tống, nên xuống giúp Bệ hạ, chưa rõ ý định Bệ hạ thế nào. Nếu Bệ hạ cần tôi giúp sức, tôi chẳng dám khoe, nhưng biết tài giá võ đằng vân, lại rõ vị lai quá khứ. Bởi số Bệ hạ nối nghiệp nhà Đường một cõi lâu dài. Vua Nam Đường nghe nói rất đẹp lòng, hỏi:
- Trẫm đang nghị luận với bá quan, song chẳng biết nên đầu hay nên thủ, nay có đạo sư đến cùng luận việc ấy thì may cho trẫm biết chừng nào. Nếu đạo sư sẵn lòng giúp đỡ thì trẫm khỏi lo, ấy cũng nhờ phước trời mới gặp người tài đức.
Nói rồi truyền quân sĩ dọn cuộc đăng đàn bái tường, phong Dư Hồng làm Hộ Quốc Quân sư. Dư Hồng lên đứng trên đàn, văn võ hai bên hầu hạ. Vua Nam Đường thường ba chén rượu, Quân sư nhậm lễ uống xong rồi xuống đài về dinh. Hôm sau các quan vào chầu đủ mặt, vua Nam Đường hỏi Quân sư cách dùng binh. Dư Hồng đáp ứng rất trôi chảy, bá quan đều phục tùng, vui mừng không còn lo bị Thái Tổ xâm phạm đến Giang Nam.
Ấy cũng bởi trời xuôi cõi Kim Lăng có giặc.
Lời bàn: Lòng tham vọng của con người phát xuất từ lúc đã thành công trên sự nghiệp. Xưa nay những vị vua khôi phục đất nước, thường hy sinh chịu những đắng cay khổ cực, nhưng lúc cơ nghiệp đã vững vàng, thái bình thanh thả thì lại quên những lúc khổ đau, ham hưởng thụ những thú vui bỏ bê việc nước. Mặt khác lại theo lời kẻ nịnh thần áp chế và vong ơn đối với những trung thần có công dựng trước. Ấy vậy những kẻ có mưu lược hiểu được lòng người, khi nguy biến họ hết mình phò vua giúp nước, nhưng đến khi hưởng thụ họ không màng. Tấm gương Phạm Lãi, Trương Lương thuở xưa thật đáng là một bài học cho những ai ỷ vào công trạng của mình mà đòi hỏi vinh hoa phú quí để rồi chịu đau khổ vì lòng ganh tị của kẻ có quyền thế.
-oOo-



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.