Ta Là Tiên Phàm

Chương 32: Nỗi đau của A Sửu




Dịch: Thỏ Con Lạc Đường

Biên: Hoa Gia Thất Đồng

Hai mắt A Sửu phiếm hồng rưng rưng. Thấy khó mà dối gạt được Tô Trần, biết không thể nào che giấu nổi nữa, nó bỗng dưng “oa” lên một tiếng rồi ngồi phệt xuống đất gào khóc nức nở. Nó biết nó không thể nào che giấu được nữa. Nó không thể dối gạt Tô Trần.

Từ lúc gia nhập Thiên Ưng Môn đến nay đã hơn nửa năm, A Sửu quả thật đã chịu quá nhiều uất ức. Thế nhưng, không có ai lắng nghe nó kể lể. Bao nhiêu khổ sở, nó chỉ đành tự giấu vào lòng, một mình chịu đựng.

Sau khi khóc một trận để trút ra hết bao uất ức, A Sửu gạt nước mắt, quyết định đem hết tất cả những chuyện xảy ra trong hơn nửa năm qua, từ lúc nó gia nhập Thiên Ưng Môn đến nay, mà kể hết cho Tô Trần.

Chuyện là, sau khi tạm biệt Tô Trần, A Sửu liền đến tham gia cuộc tuyển chọn đệ tử ngoại môn của Thiên Ưng Môn. Chỉ tiếc khả năng của nó không đủ, nên không thể vượt qua cuộc sát hạch tuyển chọn đệ tử lần đó.

A Sửu vất vả nài nỉ người quản sự rất lâu mới có thể nhận được cái gật đầu đồng ý của hắn, chấp nhận để nó ở lại Thiên Ưng Môn làm lao dịch trong ba năm, sau đó mới chính thức trở thành đệ tử ngoại môn của Thiên Ưng Môn.

Tô Trần nghe đến đó bất giác nhíu mày, trong lòng cảm thấy khó chịu.

Mấy lời nói dối này của tên quản sự Thiên Ưng Môn cũng chỉ có thể lừa được những tân đệ tử chưa từng học võ. Đây rõ ràng chính là lừa A Sửu, muốn tìm một lao dịch miễn phí, cứ thế làm không công cho Thiên Ưng Môn trong ba năm những công việc nhơ bẩn lại vừa khổ vừa cực.

Người trên giang hồ, ai nấy đều hiểu rõ, thời điểm thích hợp nhất để rèn luyện võ nghệ chính là từ chín đến mười lăm tuổi.

Tuổi tác quá nhỏ không hợp để luyện võ, bởi khi ấy tâm tính chưa ổn định, chín tuổi trở xuống vẫn còn ham chơi. Mà quá lớn thì cũng không được, sau mười lăm tuổi, xương cốt đã dần định hình, có thể coi như đã sắp là người trưởng thành. Đợi đến sau khi hoàn thành ba năm lao dịch, A Sửu cũng đã mười lăm, mười sáu tuổi rồi.

Đây cũng là lý do vì sao các bang phái đều yêu cầu những đệ tử mới phải nhập môn luyện võ trước mười ba tuổi, mà không chiêu mộ người trưởng thành.

Mười một, mười hai tuổi, cơ thể phát triển rất nhanh. Đây là thời điểm tốt nhất để rèn luyện căn cơ xương cốt.

Một khi đã bỏ qua thời gian luyện võ tốt nhất trong ba năm này, để sau khi trưởng thành mới đi luyện, thì kết quả cũng như thành tựu võ học sẽ phát triển rất chậm. Cứ cho là ba năm sau A Sửu có thể trở thành đệ tử của Thiên Ưng Môn, thì cũng không có được chút tiền đồ nổi bật nào.

Mà nếu chỉ như thế thì cũng không đến nỗi.

Có thể chịu đựng ba năm khổ dịch, A Sửu chí ít cũng đã được xem là đệ tử ngoại môn của Thiên Ưng Môn – một trong Ngũ đại môn phái tại Ngô Quận. Tốt xấu thế nào, nó cũng có được cái thân phận đệ tử giang hồ, so với thân phận bách tính bình dân của huyện thành, dù sao vẫn tốt hơn một chút.

Trong lòng A Sửu hiểu rõ, quản sự đưa ra yêu cầu hà khắc như vậy, chẳng qua cũng là vì hắn ta đang làm trâu ngựa cho Thiên Ưng Môn. Nó chỉ đành cắn răng, gật đầu đồng ý.

Ở Thiên Ưng khách sạn, nó cũng làm mấy công việc tiểu nhị cực khổ như vậy, mà chẳng kiếm được mấy đồng, cũng không có tiền đồ gì. Vậy chi bằng nó đến làm việc cho Thiên Ưng Môn, biết đâu ba năm sau còn có chút hy vọng.

Thế nhưng, sự tình đâu có đơn giản như vậy.

Vương thiếu chưởng quỹ – con trai Vương đại chưởng quỹ của khách sạn Thiên Ưng – cũng gia nhập Thiên Ưng Môn. Nhưng gã lại không thể vượt qua được cuộc tuyển chọn nội môn đệ tử, mà giống như cha của gã, chỉ được chọn là đệ tử ngoại môn của Thiên Ưng Môn.

Trong lúc tâm trạng đang hụt hẫng vô cùng, Vương thiếu chưởng quỹ lại trông thấy tên tiểu nhị mà ngày thường gã chẳng buồn để mắt tới – A Sửu – ngang nhiên gia nhập Thiên Ưng Môn cùng gã. Mặc dù bây giờ A Sửu chỉ là một lao dịch, nhưng ba năm sau nó đã có thể chính thức trở thành đệ tử ngoại môn. Việc này khiến cảm giác mất mát hụt hẫng của gã càng tâng thêm gấp trăm lần. Sự hiện diện của A Sửu, thực chẳng khác chi nỗi sỉ nhục đối với gã.

Tâm trạng buồn bực không chỗ phát tiết, mà Vương thiếu chưởng quỹ cũng chẳng dám bắt nạt những đồng môn khác. Nhưng gã lại biết rõ lai lịch của A Sửu: một cô nhi không có chỗ dựa dẫm. Quen thói ức hiếp người, gã lấy cớ cùng đồng môn luyện tập để đem A Sửu ra làm bia sống để luyện công, rồi cùng đồng bọn đánh đập nó.

A Sửu đáng thương mỗi ngày đều ở Thiên Ưng Môn làm những công việc vừa hôi thối vừa khổ cực, đâu để ý là mình đã vô tình đắc tội với tên thiếu chưởng quản kia. Bị Vương thiếu chưởng quản cùng bọn ngoại môn đệ tử đánh đập, nó thường xuyên phải chịu thương tích đầy mình.

Ở Thiên Ưng Môn phải chịu biết bao nhiêu thống khổ không thể thốt thành lời, A Sửu đã sắp không chịu đựng nổi nữa.

Nhưng A Sửu đã ước hẹn với Tô Trần, ngày sau, khi hai huynh đệ đã có thành tựu võ học rồi, sẽ cùng nhau xông pha giang hồ, trở thành những đại hiệp khách tiếu ngạo giang hồ. Nghĩ đến đấy, nó không còn muốn rời bỏ Thiên Ưng Môn nữa, chỉ có thể tìm đủ mọi cách để tránh mặt bọn chúng.

So ra, Trương đồ tể của Thiên Ưng khách sạn đã quá tinh ranh. Thấy Vương đại chưởng quỹ dẫn Vương thiếu chưởng quỹ đến Thiên Ưng Môn báo danh, gã họ Trương đã lập tức đưa Trương Thiết Ngưu đến Dược Vương, để tránh cho con trai gã khỏi bị Vương thiếu chưởng quỹ đề đầu cưỡi cổ.

“Đúng là khốn khiếp!”

Tô Trần vô cùng tức giận, tay nắm thành quyền, hận không thể ngay lập tức đánh cho tên Vương thiếu chưởng quỹ kia một trận, để xem gã còn dám ỷ mạnh hiếp yếu, bắt nạt người khác nữa hay không.

Nhưng rốt cuộc y cũng dằn được cơn giận.

Thù này, nhất định phải để A Sửu tự tay báo, phải dùng chính đôi tay của nó đánh cho tên Vương thiếu chưởng quỹ thối tha kia phải bò lăn bò càn. Bằng không, A Sửu ở Thiên Ưng Môn cứ bị Vương thiếu chưởng quỹ ức hiếp mãi không ngẩng đầu lên được.

A Sửu cũng biết địa vị của mình thấp hèn, thậm chí còn không bằng một tên đệ tử ngoại môn. Mỗi ngày ở Thiên Ưng Môn, ngoài việc phải dọn phân cho đám đệ tử, làm những công việc nặng nhọc, bẩn thỉu của một đầy tớ, nó còn bị bọn đệ tử ngoại môn ấy ức hiếp.

Nửa năm qua đi, gặp lại nhau ở huyện thành, Tô Trần bấy giờ đã là một chấp sự, một thân thanh y rạng rỡ, hiển nhiên y đã trở nên vượt trội ở Dược Vương Bang, tiền đồ ngày sau rộng lớn.

Còn bản thân A Sửu ở Thiên Ưng Môn lại khốn khổ mịt mù.

Trong lòng, A Sửu cảm thấy vô cùng tự tin. Nó làm gì còn mặt mũi nào mà nhận mình quen biết Tô Trần. Chi bằng từ đây giang hồ bái biệt, không hẹn ngày tương kiến.

“Trần ca, đệ biết bản thân mình chẳng còn hy vọng gì. Thôi thì đệ cố chịu đựng, ở lại Thiên Ưng Môn. Còn huynh ở Dược Vương Bang cũng cố gắng mà làm việc, nhất định phải trở nên xuất chúng đó, đừng để bị người khác ức hiếp… Huynh đi đi." A Sửu vừa khóc vừa nói.

Nó đưa tay quẹt nước mắt, cầm chiếc khăn lau mồ hôi, sau đó đẩy xe phân rời đi.

“Ai nói là đệ không làm được! Đi! Huynh đệ chúng ta đã nửa năm không gặp, ta ra ngoài thành tìm một chỗ yên tĩnh hội ngộ, huynh mời đệ ăn một bữa thật ngon.” Tô Trần buồn bực nói. Rồi không dài dòng thêm nữa, y kéo A Sửu rời đi.

Khoảng thời gian A Sửu ở Thiên Ưng Môn, so với lúc ở khách sạn Thiên Ưng, còn khổ hơn gấp bội.

Tô Trần không thể đứng trơ mắt nhìn A Sửu trở nên vô dụng. Y nhất định phải giúp thằng bé mạnh mẽ hơn.

Trong lòng y vẫn còn nhớ rất rõ. Năm ngoái, vào một ngày đông lạnh đến thấu xương, y đau khổ bỏ nhà ra đi, một mình đến Cô Tô huyện thành. Lúc đó, y vừa đói vừa lạnh. Chính A Sửu đã cưu mang y, đưa y về kho củi để tránh rét một thời gian.

Những món đồ ăn ngon mà khách ăn còn thừa lại ở khách sạn Thiên Ưng, A Sửu đều không nỡ ăn, còn chia ra một nửa đem về cho y.

Nếu không phải A Sửu tốt bụng trượng nghĩa, chỉ sợ y đã chết rét giữa trời đông lạnh giá, hoặc chết đói ở đầu đường xó chợ, càng chớ mong đến chuyện có thể gia nhập Dược Vương Bang.

Hảo huynh đệ nhất định phải có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu, cùng nhau trở nên xuất chúng.

“Nhưng còn xe phân này tính sao… Nếu đẩy ra ngoài thành bán cho nông hộ, có thể bán được những mấy đồng đấy.” A Sửu bị Tô Trần mạnh tay lôi đi, chực nhớ ra xe phân của mình, vội vàng nói.

“Mặc kệ nó, chỉ mấy đồng lẻ, cứ bỏ lại đây khi quay về hẵng tính sau.” Tô Trần kéo A Sửu ra cửa Đông, ba chân bốn cẳng rời khỏi Cô Tô huyện thành.

Y biết cách đó không xa ở vùng ngoại ô phía đông của Cô Tô thành, có một ngôi miếu Thành Hoàng bỏ hoang.

Toàn miếu Thành Hoàng này thoạt đầu cũng hương khói dày đặc. Nhưng từ sau khi Hàn Sơn Chân Nhân đến Hàn Sơn Đạo Quán làm quán chủ, dưới uy danh hiển hách của đệ nhất cao nhân Ngô Quận, hương khói của Hàn Sơn quán vô cùng hưng thịnh, nên làm gì còn ai đến miếu Thành Hoàng dâng hương nữa.

Tòa miếu Thành Hoàng ở ngoại ô phía Đông thành ấy đã bỏ hoang mười mấy năm, đổ nát hoang tàn, không người thờ cùng. Thỉnh thoảng, chỉ có những người nghèo khổ không nhà để ở, hay những lữ khách không đủ tiền ở trọ trong thành mới ghé vào miếu Thành Hoàng để nghỉ chân qua đêm. Thế nên, ngôi miếu hoàng này mới còn được chút nhân khí như vậy.

Tô Trần dự định sẽ cùng A Sửu hội ngô, ăn một bữa thịnh soạn, sau đó tìm cách giúp A Sửu tiến nhập con đường võ đạo.

Mà miếu Thành Hoàng bỏ hoang kia vừa lớn lại vừa yên tĩnh, nhất định sẽ không có ai đến quấy nhiễu, làm phiền bọn họ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.