Sư Huynh, Cho Muội Mượn Nội Đan Nhé?

Chương 5




Giữa tháng 5 là sinh nhật của bà ngoại Tiểu Thạch Lựu. Cây gia phả nhà Tiểu Thạch Lựu đông đúc sum suê, các cô các dì đều đến chung vui. Những câu lời qua tiếng lại của họ có thể ép mấy đứa bình cháu con đang yên đang lành phải lên chùa xuất gia. Vậy nên ta thà chết chứ không muốn về nhà chung với con bé.

Chỉ riêng sinh nhật của bà Thạch Lựu là ta không thể không đi. Hồi nhỏ ta đã ăn món bánh trôi ủ rượu do bà của Thạch Lựu làm quá nhiều. Tiểu Thạch Lựu nói bởi vậy nên ta mới có má lúm đồng tiền. Cặp má lúm này lúng liếng xinh tươi, ta cực kỳ vừa lòng. Tiểu Thạch Lựu bảo có ơn thì phải báo đáp, nên mỗi năm vào sinh nhật bà con bé, ta đều đồng ý về nhà chung với nó để đối phó với mấy mụ ba hoa kia, à không, phải là về chúc thọ bà chứ, con bé bỗng sửa lại lời mình.

Năm nay ta chuẩn bị một hòn đá trăng đẹp nhất để tặng cho bà của Thạch Lựu. Ta phải phơi hòn đá này dưới ánh trăng nửa năm mới luyện ra nó. Thân đá trong văn vắt, tỉ lệ rất đẹp, đeo trên người như mang theo vầng trăng nhỏ, chẳng những đẹp, mà còn rất hữu ích cho việc tu luyện, bà con bé thích lắm.

Rượu quá ba tuần, những gì nên tới cuối cùng vẫn phải tới.

Bà chị dâu họ ngoại của bà chị họ bên nội của ông chú của cậu Bảy nhà Tiểu Thạch Lựu liếc thấy hòn đá trăng mới toanh đeo trên cổ bà cụ thì tấm tắc ngợi khen một lát, sau đấy quay đầu bảo Tiểu Thạch Lựu: “Thạch Lựu à, con phải học tập Phinh Phinh đi, biết suy nghĩ sâu xa vào. Con tặng bà con một đôi giày có bánh xe, tính để bà cụ luyện chân cho linh hoạt hay sao?”

Ta hơi cạn lời nhìn Tiểu Thạch Lựu. Trên đường tới đây, con bé ôm cái hộp to tướng trong lòng, trông đầy thần bí, mặt mày hí hửng bảo muốn để bà con bé nếm thử cảm giác được lướt như bay…

Tiểu Thạch Lựu đã bị đám họ hàng quở trách nguyên buổi chiều, trông nó rũ rượi buồn hiu, chỉ bận rộn nốc từng chén rượu giải sầu.

May mà bà cụ vừa hiền từ vừa dễ tính, bà cười nói: “Quà hay quá còn gì, các con tặng gì bà cũng thích.”

Ta nhìn món đồ chơi mà Tiểu Thạch Lựu đóng cửa nửa tháng mới làm ra được, rất muốn trấn an bà cụ, kể với bà rằng trong sinh nhật năm ngoái của ta, Tiểu Thạch Lựu còn tặng ta một cái quan tài tự tay nó đóng. Chẳng rõ Tiểu Thạch Lựu móc ở đâu ra mấy miếng gỗ Nam Mộc Tơ Vàng, nó nghĩ bụng đống gỗ quý giá nhường này, phải đóng thành quan tài mới tận dụng hết giá trị được. Tiểu Thạch Lựu tâm sự chính con bé còn chẳng dám dùng, nên nó đóng cho ta trước, dù gì sớm muộn cũng tới lúc xài…

(Kim Tơ Nam Mộc (Nam Mộc Tơ Vàng), là loại gỗ quý đặc biệt chỉ có ở TQ, vân gỗ tựa như sợi tơ màu vàng, cây gỗ phân bố ở Tứ Xuyên và một số vùng thuộc phía Nam sông Trường Giang, do vậy có tên gọi Kim Tơ Nam Mộc.)

Nhưng ta không dám lên tiếng. Chẳng những không dám cất lời, ta còn số sức cúi gằm mặt xuống, chỉ ước chi có thể hoá thành một cái bình trong suốt, hủy diệt hết sự tồn tại của mình.

Dù đã tỏ ra khiêm tốn như thế, nhưng ta vẫn không thoát được chầu này.

“Phinh Phinh, nghe nói mấy hôm trước muội làm Tinh Trầm tiên quan mất mặt trước mọi người à?”

Cô cháu dâu thứ Sáu của bà cô Hai nhà Tiểu Thạch Lựu đột nhiên cười mỉm chi quay về phía ta, bàn tiệc tức khắc trở nên lặng ngắt như tờ.

Lưng ta lạnh toát, ta vực lại tinh thần ra trận nghênh địch.

“Sao tẩu tẩu lại nói vậy? Tiên quan đối xử với muội tốt như thế, sao muội có thể làm ngài ấy mất mặt được.”

Ta cười mỉm đáp.

Bà chị dâu hàng thứ Sáu này gật đầu, bỗng cất cao giọng: “Nghe nói muội nhốt Thanh Hoa lại à?”

Ta mỉm cười sửa lại: “Tẩu tẩu nói gì vậy, Thanh Hoa thanh tú quý hiếm như thế, tiên quan coi trọng cô ấy, nên mới xếp cho cô ấy một vị trí tử tế, đâu dám sơ suất chút nào ạ.”

Những ánh mắt tò mò hóng hớt sáng ngời khắp bàn tiệc lần lượt tối đi, ta vẫn cười mỉm uống rượu dùng bữa, giả ngu giả ngơ.

Bà chị dâu Sáu lại nghiêm mặt dạy dỗ: “Đàn bà con gái phải tránh chữ “ghen tuông”. Tiên quan làm lụng vất vả cả ngày, cần thêm một đứa khéo léo đảm đang hầu hạ mới là phải nhẽ.”

Ta ngoan ngoãn thưa vâng, rồi làm bộ như chợt nhớ ra điều gì, buông đũa quan tâm hỏi: “Cô lẽ Bích Trì nhà bên ấy dạo này có khoẻ không ạ? Nghe nói mỗi tháng cô ấy phải đau ốm hai mươi mấy ngày, chi bằng tẩu tẩu tuyển thêm mấy người vợ lẽ khôn khéo đảm đang mới, để hầu Lục ca ca cho phải nhẽ ạ.”

Sắc mặt bà chị dâu hàng thứ Sáu này sầm đi ngay, chị ta tức tối lườm ta mấy cái, không bắt chuyện với ta nữa.

Ta bưng chén rượu che khoé môi đang khẽ nhếch lên, chờ đề tài năm nào cũng có được khơi gợi.

Quả nhiên, bà dì Cả nhà Tiểu Thạch Lựu mở miệng, vẻ mặt giọng điệu y xì năm ngoái: “Phinh Phinh à, con cũng già đầu rồi, bao giờ mới đưa tấm chồng về đây cho nhà mình ngắm?”

Ta chửi thầm trong lòng. Chuyện cưới xin của Tiểu Thạch Lựu nhà đằng ấy còn chưa có, ngày sinh tháng đẻ còn chưa xem, sao năm nào cũng giục đằng này.

Ta cười hì hì nhìn về phía thằng cháu ngoại ngồi bên cạnh bà dì Cả. Thằng cu này vẫn chưa nảy nở hết, nhưng nhìn cũng biết là một chồi non khá khẩm, giỏi đánh nhau sinh sự: “Dạo này tiểu ca học hành tốt không?”

Nghe Tiểu Thạch Lựu kể, thằng cháu ngoại của bà dì Cả nhà con bé chính là trùm của cả trường, mấy hôm trước cu cậu vừa đốt râu của thầy nó.

Cu cậu thành thật trả lời: “Bị thầy đánh sưng cả tay ạ, chép phạt tận gần 300 lần vẫn chưa xong ấy chứ.”

Bà dì Cả quả nhiên không chịu nổi nữa, vội cười ha hả nói Đông nói Tây, chuyển qua đề tài khác.

Có hai cô chị dâu tốt bụng đứng ra hoà giải: “Phinh Phinh tốt nhường này, việc gì phải gấp ạ. Ta cứ bình tĩnh chọn lựa cho kỹ, bét ra cũng phải xuất thân thuộc dòng Quan Diêu, như thế mới xứng đôi với Phinh Phinh nhà mình.”

Ta vờ như thẹn thùng đỏ mặt cúi gằm đầu…

(Đồ sứ Quan diêu nhà Bắc Tống có màu men chủ đạo là màu xanh ngọc, xanh trắng, có vết rạn. Mặc dù bị coi là “kém hơn Nhữ” nhưng vẫn rất đẹp và quý. Đọc thêm tại:.)

Sau chầu rượu thịt, ta cảm thấy người mình như bị khoét rỗng. Tiệc tàn, ta túm Tiểu Thạch Lựu đang say chuếnh choáng ra sân sau để tắm trăng.

Dưới gốc cây hải đường trong sân, mấy đứa bình nít vây quanh một ông bình cụ, nghe kể chuyện vô cùng say sưa.

Ta và Tiểu Thạch Lựu sán lại gần nghe.

Đây là một câu chuyện cũ rích, năm nào cũng nghe, nhưng mỗi năm ta đều thích nghe lại.

Bình cụ nằm trên ghế tre, vuốt chòm râu dưới cằm, chậm chạp giảng đạo: “Ngày xửa ngày xưa, tộc yêu quái bình thành tinh chúng ta, cũng từng có một vị thần tiên.”

Lũ bình nít mở to những đôi mắt be bé tròn xoe, vô cùng tò mò.

Bình cụ thổn thức ngắm trăng, như thể cụ từng gặp tận mặt vị tiên tử đã thoát xác phàm bay lên trời thành tiên, mang lại niềm hãnh diện và hi vọng vô hạn cho cộng đồng yêu quái bình lọ thành tinh này.

“Vị thần tiên đã phi thăng kia, chẳng những xinh đẹp vô ngần, mà tính tình còn thoải mái vô tư, không câu nệ tiểu tiết, cực kỳ dễ gần. Ngài ấy cực giỏi dùng thuốc màu, rất thích mực nhuộm, vô cùng thân thiết với Sở Dao tiên quan – một trong những người quản lý đồ sứ ở cõi phàm. Ngài ấy đã giúp Sở Dao tiên quan phác mẫu, nhuộm màu, từng kéo một mảng trời trong sau mưa vào trong tranh vẽ, vì thế mới sinh ra màu thiên thanh. Một vị vua ở nhân gian rất có tài thơ phú nhạc họa từng làm một bài thơ tả màu đó rằng: Hết mưa trời sáng mây tản dần. Màu sắc ấy trong tương lai, cũng mang chút linh khí và ngộ tính. Nói tóm lại, nhờ vị tiên tử này, mà đồ gốm sứ cõi nhân gian mới thêm nhiều sắc màu phiêu dật.”

(Hết mưa trời sáng mây tản dần: Vũ quá thiên tình vân phá xử. Đây là câu thơ của vua Tống Huy Tông. Nhiều người cho rằng nó được dùng để ca ngợi sứ Nhữ Diêu màu thiên thanh, nhưng về sau đã có đính chính đấy là nhầm nhọt..)

(Bát sứ Nhữ Diêu màu thiên thanh)

Ta nghe mà lòng bổi hổi bồi hồi. Mấy năm nay, nhờ sự chăm sóc của Tinh Trầm tiên quan, việc tu hành của ta đã có nhiều tiến bộ. Không biết đến bao giờ ta mới có tương lai xán lạn bằng một nửa nàng bình trong lời cụ đây, một ngày kia phi thăng lên Tiên giới, được thỏa nỗi thèm thuồng làm tiên.

“Rồi sao nữa ạ?”

Một cái bình nít hỏi bằng giọng non nớt búng ra sữa.

Bình cụ nói với vẻ mặt đắc ý: “Sau đấy ngài ấy có hôn ước với Thái Tử trên Cửu Trùng Thiên, quả thực khiến tộc bình lọ chúng ta được mát mặt. Vị Thái Tử nọ chiều vợ như si như dại, chỉ cần vợ thích thứ gì, thì dù lên trời xuống đất cũng phải tìm bằng được cho nàng…”

“Rồi sao nữa ạ?”

Bình nít lại hỏi bằng giọng non choẹt.

Bình cụ phiền muộn lắc đầu: “Tan xương nát thịt, hoá thành khói bụi.”

Lũ bình nít ào ào không chịu, mồm năm miệng mười nói: “Vất vả lắm tộc mình mới có một thần tiên phi thăng, sao lại biến mất ngay được ạ, cụ chớ lừa chúng con.”

Có đứa dứt khoát đặt đít xuống đất khóc lóc òa ọa.

Mỗi khi nghe đến đoạn này, ta luôn thấy vô cùng buồn bã.

Bình cụ cũng buồn bã nói: “Gặp mối duyên tồi, gặp mối duyên tồi đó…”

Một đứa bình nít thút tha thút thít nức nở hỏi: “Duyên rồi, duyên rồi sao còn tan thành khói bụi ạ?”

Cụ bình già tức giận thổi râu trừng mắt: “Tên ranh này, mi học hành thế nào đấy, về nhà chép câu “Gặp mối duyên tồi” một trăm lần cho ta.”

Lũ bình nít dưới gốc cây lập tức giải tán. Mấy cánh hải đường rụng xuống vai ta. Tiểu Thạch Lựu đã nằm trên bãi cỏ ngủ khì khì, ta khiêng con bé về chốn nghỉ. Ta đang thở hồng hộc vì mệt, ngẩng đầu lên bỗng thấy một chàng trai dáng cao như ngọc đứng khuất nẻo trong hành lang uốn lượn, dưới ánh đèn lưu li tù mù. Mái cong xòa bóng như tỏ như mờ, càng tôn lên vẻ tịch liêu cho chiếc bóng cô đơn của chàng trai nọ.

Khi lại gần hơn, ta phát hiện chàng trai ấy chính là Tinh Trầm tiên quan.

Ta nhất thời mừng vui quá xá, gọi ngài từ đằng xa: “Tiên quan, ngài đứng ngẩn ở đây làm gì?”

Tiên quan nghe vậy thì chợt quay đầu nhìn theo hướng ta, đôi con ngươi đen láy đột nhiên như được vầng trăng thắp sáng. Ngài cất bước đi về phía ta, khom lưng nhấc Tiểu Thạch Lựu đang ngủ say trên vai ta lên, thuận miệng nói: “Về rồi à…”

Ta thưa vâng, cùng ngài đưa Tiểu Thạch Lựu về chỗ ngủ tử tế, rồi lại đi dọc hành lang quay về với ngài.

Bỗng nhiên gió nổi lên, những chiếc đèn lưu li trong hành lang đung đưa nhè nhẹ, bóng của ta và tiên quan cũng lay động không chừng, đan chéo lên nhau. Lòng ta vẫn còn nhớ đến câu chuyện vừa nghe, bèn hỏi Tinh Trầm tiên quan: “Em nghe một cụ bình có tuổi trong vườn kể, trước kia tộc bình lọ chúng em có một người phi thăng thành tiên, chuyện ấy có thật không ạ?”

Tiên quan ngẩn người, hàng mi dài khẽ khàng rủ xuống, gương mặt nhìn nghiêng sáng ngời tựa bức tượng ngọc lạnh lẽo có vẻ chất chứa chút đau thương. Nhưng vẻ đau thương ấy chỉ thoảng qua trong giây lát, như làn sương mờ bị gió thổi tan trên cành phong xanh.

Ta cho rằng mình hoa mắt.

Ngài sinh ra đã có gương mặt lạnh lùng bất cần, ngày thường càng giống một con sông băng biết đi hơn. Ta thiết nghĩ trái tim ngài cũng được tạo ra từ băng giá, làm sao lại chứa đựng dịu dàng và đau khổ được?

Chắc chắn là ta hoa mắt rồi.

Ngài im lặng thật lâu, từng ngọn đèn lưu li dần khuất sau lưng. Ngay lúc ta cho rằng ngài bị câm, ngài đột nhiên cất tiếng nhẹ tênh: “Có thật đấy…”

Ta định thần lại ngay, túm vạt áo ngài, vội vàng hỏi: “Vậy ngài đã gặp người ấy chưa?”

Tinh Trầm tiên quan gật đầu: “Gặp rồi…”

“Thế ngài đã từng nói chuyện với người ấy chưa?”

Ta tò mò hỏi.

Tiểu Trầm Trầm gật đầu: “Nói chuyện rồi…”

“Vậy người ấy là một cái bình thật sao?”

Câu chuyện này làm cõi lòng của đám bình vại chai lọ phấn khích vô cùng, ta cực kỳ ngóng trông ngài gật đầu nói phải.

Tiên quan gật đầu: “Phải…”

Lòng ta sướng rơn, cảm thấy con đường tu tiên của mình cuối cùng cũng có hy vọng.

“Người ấy chết thật rồi sao?”

Ta gặng hỏi ngài.

Sắc mặt tiên quan trắng bệch, ngài có vẻ vô cùng mỏi mệt, chỉ bâng quơ ừ một tiếng.

“Rốt cuộc là tại sao ạ? Em nghe nói người đó gặp mối duyên tồi, bị kẻ khác gài bẫy nên mất mạng, có phải thật thế không ngài?”

Tiên quan trầm ngâm không nói gì, mãi lâu sau mới gật đầu lần nữa, sắc mặt trông không thể tệ hơn.

Ta thần bí hỏi: “Người kia, chính là Tam điện hạ khét tiếng nhiều tội ấy ạ?”

Ngoài phố người ta đồn rất nhiều sự tích ly kỳ lắt léo về Tam điện hạ danh nổi như cồn kia, từ thời thơ ấu bất hảo của gã đến những ngày niên thiếu bày đủ trò ác ôn, rồi tới tận khi gã rơi vào ma đạo.

Từng vụ từng việc nghe mà rợn cả người.

Những điều ác gã làm không thể đếm xuể, nghe đồn chiếc bình phi thăng thành tiên kia cũng bỏ mạng do gã.

Ta ngước mắt, ngóng trông Tinh Trầm tiên quan thỏa mãn lòng hiếu kỳ mãnh liệt của mình. Nhưng ngài lại dừng bước chân, nhắm hai mắt như nhà tu nhập định. Đôi môi mỏng góc cạnh rõ ràng trắng tới độ lóa mắt, lạnh lẽo tựa đốt tim, khiến ta gần như không nỡ nhìn thẳng.

Mãi đến khi ta tưởng rằng chắc đêm nay phải ngồi thiền tu đạo ở đây với ngài, ngài mới chậm rãi mở đôi mắt thon dài, thốt ra một chữ nhẹ tênh: “Đúng…”

[HẾT CHƯƠNG 5]

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.