Song Nữ Hiệp Hồng Y

Chương 41: Đây là tử cốc




Nguyên Nhân thấy Công Tôn Vô Kỵ thách đấu với mình, liền tủm tỉm cười và đáp:

- Công Tôn lão ca đã ra lệnh, Triển mỗ đâu dám không tuân theo!

- A di đà Phật!

Hoa Di Lạc bỗng niệm một câu Phật hiệu, rồi đứng dậy nói tiếp:

- Tiểu tăng mộ danh Bát Ty Kiếm Khách Triển đại hiệp đã lâu, Công Tôn huynh hãy nhường trận này cho tiểu tăng nhé?

Công Tôn Vô Kỵ biết rõ võ công của Hoa Di Lạc lắm, tuy có thể gọi được là đệ nhất cao thủ của võ lâm, nhưng nếu để y đấu với Nguyên Nhân thì không hi vọng gì đắc thắng nên y mới không ưng thuận mà quay đầu lại đáp:

- Hôm nay đệ với Triển lão ca gác những sự liên can của hai phái Không Động và Tần Lãnh sang bên, mà chỉ lấy tư cách cá nhân để so tài với nhau một phen, vậy mong Hoa đại sư hãy tạm đợi chờ giây lát đã.

Nói tới đó, y liền cầm lấy thanh trường kiếm của Hà Dị rồi bước ra ngoài chỗ trống, lớn tiếng thách thức:

- Mời Triển lão ca chỉ giáo cho!

Nguyên Nhân từ từ tiến lên, cũng rút trường kiếm ra, mỉm cười đáp:

- Xin mời Công Tôn lão ca tấn công trước!

Công Tôn Vô Kỵ cười nhạt một tiếng rồi múa kiếm nhằm ngực Nguyên Nhân đâm luôn.

Bát Ty Kiếm Khách cũng dùng thế "Công Vân Thác Nguyệt".

(bưng mây đỡ trăng) ra chống đỡ thế công của Vô Kỵ.

Kiếm của hai người va đụng nhau kêu đến "coong" một tiếng, cả hai cùng thấy cánh tay phải tê tái.

Độc Giác Tú lại cười nhạt một tiếng, xoay thế kiếm nhằm cổ tay phải của đối thủ chém luôn.

Thấy đối phương biến thế nhanh chóng như vậy, Nguyên Nhân vội lui về sau nửa bước, giơ kiếm lên khua một cái để gạt kiếm thế của đối phương. Ngờ đâu Công Tôn Vô Kỵ đã lẹ làng tấn công luôn ba thế một lúc, nhanh và mạnh không thể tưởng tượng được.

Nguyên Nhân thấy vậy giật mình kinh hãi, vội múa tít thanh kiếm hóa thành bảy tám thanh và kín như một cái lưới bạc để bảo vệ toàn thân.

Sau mấy tiếng kêu "coong coong" Bát Ty Kiếm Khách đã phong tỏa được ba thế kiếm của Công Tôn Vô Kỵ. Lúc này ông ta không còn khách sáo nữa, liền giở Thông Thiên kiếm pháp ra phản công luôn.

Hai tay cao thủ của hai phái Không Động và Tần Lãnh đấu với nhau, trận đấu kịch liệt khôn tả.

Bạch Tú Sơn, Qúy Tử Thanh, Hầu Trường Thắng, Hoa Di Lạc với Hà Dị mấy người đứng cạnh đó xem bốn trận đấu của tám người.

Trong tám người đó, công lực của Thiên Lang mạnh hơn hết nên thế công của y lợi hại khôn tả, nhưng y lại gặp phải địch thủ là Hắc Ma Lạc nên dù đối phương chỉ cầm có một thanh kiếm gỗ thôi mà y không sao chiếm được phần hơn, nên y tức giận khôn tả, cứ kêu rú lên như tiếng sài lang hú hoài. Còn trận đấu giữa Tam Nhỡn Tỳ Ni với Thiên Hồ hai người thì công lực ngang nhau, nhất thời khó mà phân biệt thắng bại được. Tuy vậy Thẩm sư thái vẫn hơi lép vế hơn một chút nhưng lúc này bà ta không coi sự sống chết vào đâu hết, giở cả mười hai thành công lực ra đối phó, nhờ vậy mới cầm cự được với Thiên Hồ lâu như thế.

Ngoài ra, còn đôi Liễu Kỳ với tiểu tử da đen, tức là Lan Nhi, tuy công lực và thế võ của hai người non kém hơn ba đôi kia nhiều, nhưng vì hai người là tình địch của nhau, nên người nào cũng muốn diệt cho kỳ được đối phương, một người cầm đoản kiếm, một người cầm trường kiếm, cả hai như hai con rồng bay lượn, không sao trông thấy rõ được người nào với người nào và chỉ nghe thấy tiếng khí giới va đụng với nhau kêu inh tai thôi.

Vương Ốc Tản Nhân ngồi ở trên cao thản nhiên xem trận đấu của các người. Một lát sau, y quay đầu chỉ điểm cho tên đồ đệ duy nhất của y là Ông Hoàng rõ những thế võ nào lợi hại, thế võ nào đáng học hỏi.

Chỉ trong nháy mắt, Độc Giác Tú với Bát Ty Kiếm Khách đã đấu với nhau được bốn năm mươi hiệp, nhưng hai người vẫn ngang tài nhau không ai hơn, không ai kém hết. Xem như vậy, hai người phải đấu đến vài trăm hiệp mới có thể phân thắng bại được.

Công Tôn Vô Kỵ Ở phái Tần Lãnh vẫn có tiếng là sở trường về môn kiếm thuật, công lực của y còn hơn cả Tam Nhỡn Tỳ Ni, nhất là Chung Nam kiếm pháp xưa nay vẫn có tiếng là trầm mạnh. Y lại khoẻ mạnh hơn người, nên kiếm thế của y càng tấn công càng nhanh lại càng mạnh hơn trước.

Mười tám năm trước, Triển Nguyên Nhân đã nổi danh là Bát Ty Kiếm Khách, tất nhiên là kiếm thuật của ông ta như thế nào? Từ đò đến giờ mười tám năm nay ông ta tiềm tu ở trong Tiết Phủ, công lực đã luyện tới mức thượng thừa rồi.

Vì hai người ngang tài nhau nên càng đấu lâu bao nhiêu, trận đấu càng kịch liệt và đẹp mắt bấy nhiêu.

"Coong" một tiếng thật lớn, kiếm quang bỗng lịm hẳn rồi hai người cũng nhảy lui về phía sau. Lúc ấy tay của hai người chỉ còn lại có một thanh kiếm gãy, khiến những người đứng xem quanh đó càng kinh hãi và gay cấn thêm. Vì địa vị của Công Tôn Vô Kỵ rất cao nên bọn Bạch Tú Sơn các người đứng xem cạnh đó chỉ đứng yên thôi, chứ không dám lỗ mãng ra tay giúp sức.

- Kiếm pháp của Công Tôn lão ca lợi hại thật! Triển mỗ xin phục và chịu thua đấy!

Nguyên Nhân muốn thừa dịp này ngừng tay không đấu nữa nhưng Độc Giác Tú đã cười nhạt hai tiếng và đáp:

- Triển lão ca sao lại khiêm tốn đến như thế? Kiếm của hai người cũng gãy trận đấu đã phân thắng bại được đâu? Ngưng chiến ở đây sao được! Chúng ta hãy đổi kiếm khác để tái đấu.

Thấy đối phương kiêu ngạo vô cùng, Nguyên Nhân không sao nhịn được bụng bảo dạ rằng:

"Chả lẽ ta lại sợ ngươi hay sao?".

Nghĩ đoạn, ông ta tủm tỉm cười, đáp:

- Nếu Công Tôn lão ca muốn tái chiến, Triển mỗ đành phải xả thân tiếp lão ca, và chúng ta chả cần phải thay đổi kiếm khác làm chi. Chúng ta cứ dùng hai khúc kiếm gãy này đấu với nhau cũng được chứ sao?

Công Tôn Vô Kỵ bất đắc dĩ đành phải nhận lời, liền múa tít thanh kiếm gãy xông lại, nhằm giữa ngực của Nguyên Nhân đâm luôn.

Bát Ty Kiếm Khách thấy đối phương vừa nhận lời đấu đã ra tay tấn công luôn, liền lớn tiếng cười, xoay người một vòng, rồi cũng dơ thanh kiếm gãy lên để phong tỏa. Hai thanh kiếm gãy va đụng nhau kêu đến "coong" một tiếng, và cả hai thanh đều có đom đóm lửa bay ra tung toé, còn lưỡi kiếm thì dính chặt vào nhau.

Công Tôn Vô Kỵ chưa kịp thâu kiếm lại đã thấy thân kiếm của mình bị dính chặt vào kiếm của đối phương, trong lòng kinh hãi hết sức, vội dồn chân khí vào thân kiếm để mong rút thanh kiếm của mình ra, nhưng đã muộn một bước, y cứ phải giở hết nội lực phản công tiếp.

Chỉ trong nháy mắt, đầu y đã có hơi khói bốc lên nghi ngút.

Hai người đấu nội lực với nhau, không ai dám sơ ý cả và cùng chăm chú nhìn thanh kiếm gãy. Lúc này hễ người nào sơ ý một chút là bị toi mạng ngay.

Cầm cự hồi lâu, cả hai đều toát mồ hôi như mưa, và cũng không ai dám giơ tay lên lau chùi mồ hôi cả, vì sợ nếu hơi phân tâm một chút là nguy hiểm đến tính mạng ngay.

Bọn Bạch Tú Sơn các người đều im hơi lặng tiếng nhìn vào trận đấu. Chúng biết nếu cứ để hai người tiếp tục đấu với nhau như vậy, thể nào cả hai cũng bị nguy hiểm đến tính mạng; muốn gỡ người ra, nhưng chúng lại không có cách gì để gỡ được cả, chúng biết công lực của chúng còn kém hai người xa, nếu nhúng tay vào, không khác gì dấn thân vào chỗ chết.

Đang lúc ấy, trước đại sảnh bỗng có một cái bóng xanh bay xuống. Mọi người nhìn kỹ mói hay là một thư sinh trẻ tuổi, má hồng môi son, mặt trắng trẻo, trông như một tiên đồng hạ phàm vậy.

Chàng đeo thanh trường kiếm, vừa xuống tới mặt đất đã đưa mắt liếc nhìn bốn trận đấu một lượt. Khi nhìn tới trận đấu của Nguyên Nhân với Vô Kỵ, chàng liền biến sắc mặt vội tiến tới gần.

Hoa Di Lạc đứng gần hai người nhất, nay y bỗng thấy có người lạ mặt tiến tới gần, sợ Vô Kỵ bị người đó tấn công - Tiểu tử, không ngờ ngươi cũng tới kịp! Phen này để Hoa đại sư giúp ngươi xuống âm ty gặp cha mẹ ngươi!

Y vừa nói vừa vén tay áo lên, và múa song chưởng đang định xông lên tấn công, thì bỗng cảm thấy trên đầu có luồng gió lạnh lấn át xuống, bên tai còn nghe thấy có người quát bảo.

- Bước ra!

Hoa Di Lạc liền bị luồng kình phong ấy đẩy té sang bên.

Một cái bóng xanh phi xuống, như núi Thái Sơn đè đầu đánh úp thiếu niên thư sinh nọ, đồng thời người đó còn quát lớn:

- Tiểu tử họ Giang, không ngờ ngươi lại sống dai như thế này!

Khí giới của y là một đôi bánh xe và có ánh sáng tỏa ra làm loé mắt mọi người. Sau một tiếng "coong", người nọ vừa nhảy xuống tới trước mặt thư sinh, thấy khí giới của mình va đụng vào khí giới của đối phương, ánh sáng lửa bắn ra tung toé. Y biết thế công này của thiếu niên nọ lợi hại lắm, vội rút lui ngay. Thực là y nhảy xuống tấn công chớp nhoáng và lúc rút lui cũng nhanh khôn tả, còn thư sinh nọ vẫn đứng yên tại chỗ, tay đã có thêm một thanh trường kiếm, kiếm quang tỏa ra làm loé mắt mọi người. Chàng giận dữ quát lớn:

- Kỳ Thiên Hành, tiểu sinh đang có việc bận, không thể tiếp ngươi được! Nếu ngươi muốn trả thù thì tùy ngươi chọn lấy thời gian và nơi đấu. Công việc ở nơi đây xong xuôi, tiểu sinh sẽ tới đó hầu tiếp ngay!

Vương Ốc Tản Nhân cười khỉnh đáp:

- Hay lắm! Lão phu sẽ đợi chờ ngươi!

Thư sinh nọ chỉ cười nhạt thôi, chứ không thèm đếm xỉa gì đến y và chàng quay trở lại, đi tới giữa Bát Ty Kiếm Khách với Độc Giác Tú.

Thì ra thư sinh trẻ tuổi ấy chính là Giang Thanh Lam, người đã bị Vương Ốc Tản Nhân liên tay với Thác Thành Song Hung tấn công và đẩy rớt xuống vực thẳm.

Hôm đó, chàng bị ba kẻ địch đẩy té xuống vực thẳm. Chàng thấy hai chân lơ lửng trên không trong lòng kinh hãi vô cùng muốn thâu thế lại cũng không kịp nữa. Đang lúc nguy hiểm ấy, nghĩ tới "hồi nọ Hắc Ma Lạc giả bộ Ông già ăn quỵt dẫn mình đi, sử dụng môn khinh công Vân Long Tam Hiện, phi thân vượt lên đỉnh núi cao hàng trăm trượng. Vậy bây giờ tại sao mình không thử thi thố môn ấy, may ra nhờ vậy mà thoát chết cũng chưa chừng?".

Nghĩ như vậy, chàng mím môi lấy sức, giơ hay tay ra giở thế Thần Long Bái Vĩ (rồng thần vẫy đuôi) lượn một vòng, rồi phi vượt lên trên không, Lúc này huyền quan của chàng đã được đả thông, nên người nhẹ như sợi bông lại thêm trí nhớ của chàng rất dai, trong lúc nguy hiểm này chàng nhớ ngay dáng điệu và hình thức của thế khinh công ấy như thế nào, liền bắt chước giống hệt, thực là vô sự tự thông. Chàng đã thành công ngay, trong lòng mừng rỡ khôn tả, lại co chân khom lưng thuận thế lượn thêm một vòng nữa, lại phi vượt lên tiếp. Chỉ làm như vậy ba lần chàng bỗng nghe thấy có tiếng cười nhạt, và mé bên trái, đột nhiên xuất hiện một bóng người cao lớn, mặt mọc đầy râu quai nón. Chàng đã nhận ra ngay người đó chính là Công Tôn Vô Kỵ.

Chưa thoát khỏi hiểm nghèo, bây giờ lại gặp cường địch, chàng biết thế nào cũng nguy tai đến nơi.

Quả nhiên Vô Kỵ đã giơ song chưởng lên, nhằm mặt chàng tấn công tới. Chàng hoảng sợ vô cùng, bụng bảo dạ rằng:

"Có lẽ phen này ta chết mất!".

Chàng vừa nghĩ xong, áp lực nặng nghìn cân đã đè nén xuống.

Chàng không dám chống đỡ mà chỉ để mặc kình lực của đối phương gia đụng vào người mình thôi. Cũng may chàng đã nhanh nhẹn vận Ly Hợp thần công lên nên chàng mới không bị thương, nhưng người đã nhanh như sao sa, bị rớt xuống bên dưới tức thì.

Chàng thấy người mình đã rớt xuống đỉnh núi quá xa biết lần này không còn hi vọng sử dụng môn khinh công Vân Long Tam Hiện như hồi nãy để bay ngược trở lên như trước nữa, mà dù có lên được trên đỉnh núi đi chăng nữa, chưa chắc bọn kẻ địch đã chịu buông tha cho mình?

Vì vậy chàng cứ để mặc cho thân hình rớt xuống. chờ xuống dưới đáy vực thẳm đã, rồi hãy tính toán sau.

Khi chàng đã rớt xuống tới mấy chục trượng, chàng thấy hàn khí ở chung quanh bốc lên ngày càng lạnh buốt.

Chàng lại nín hơi lấy sức buông thõng người xuống hai mắt chăm chú nhìn xuống bên dưới. Chàng làm như vậy rất có công hiệu, vì huyền quan của chàng đã đả thông, khí cơ lưu chuyển, có thể tự kìm chế được tốc lực. Lúc này người chàng đã buông thõng nhẹ như một chiếc lông gà nhờ vậy người chàng mới từ từ rớt xuống. Đồng thời chàng đã trông thấy rõ đáy vực thẳm là những hòn đá lởm chởm, và chỉ còn cách mình chừng hai, ba mươi trượng. Chàng vội giơ song chưởng lên giở hết công lực ra vỗ mạnh xuống một thế, nhờ vậy người chàng mới lại bắn ngược trở lên. Chàng vội lộn đi một vòng và giở ngay môn khinh công Vân Long Tam Hiện ra, từ từ hạ chân xuống dưới đáy vực thẳm.

Chàng nhờ có khinh công tuyệt thế và đầu óc trầm tĩnh biết tùy cơ ứng biến nên rớt từ trên cao xuống như thế mà không hề bị thương chút nào. Đó cũng có thể nói là một kỳ tích của võ lâm.

Chàng định thần nhìn kỹ, mới hay dưới đáy vực là một khe núi, cạn nước từ lâu, đá mọc lởm chởm. Hai bên là vách núi cao hàng nghìn trượng ngửng đầu nhìn lên chỉ trông thấy mây và trời chứ không sao trông thấy đỉnh núi.

Chàng nghỉ ngơi giây lát rồi mới tiến thẳng về phía trước. Cũng may khe núi này không dài lắm chỉ đi một quãng đường là đã tới đường cùng rồi. Vì phía trước lại có một vách núi cao chọc trời chắn hẳn đường lối, chàng nghĩ thầm:

"Nguy tai! Không ngờ nơi đây là một tử cốc!".

Vách núi vừa cao vừa thẳng tuột, dù chàng có khinh công tuyệt thế, nhưng chàng cũng tự biết không thể leo vách núi như thế này.

Chàng đang thất vọng, ngờ đâu bỗng trông thấy trên vách núi, chỗ cách chàng hơn mười trượng, quả có hai chữ Tử Cốc to bằng bánh xe bò vậy.

Chàng thắc mắc vô cùng bụng bảo dạ tiếp:

"Nơi đây đã là Tử Cốc, chim chóc cũng không thể bay xuống được, vậy còn ai lại khắc nổi hai chữ ở trên vách như thế?".

Chàng tiến lên mấy bước để xem có phát hiện gì không? Quả nhiên cạnh chữ đó có một hàng chữ nhỏ, nhưng chữ nào cũng to bằng gang tay, phải đứng gần mới trông thấy rõ, vì rêu và mây mọc đè lên, hầu như để che lấp hết vậy. Những chữ đó viết như sau:

"Rớt xuống sơn cốc không chết tức là hữu duyên, mau lùi về phía sau ba trăm bước sẽ thấy một hang động ẩn ở sau những thỏi đá. Nơi đó chính là chỗ tiềm tu của lão phu, nếu dùng lễ phép đệ tử xin vào yết kiến sẽ được".

Đọc tới đó, chàng cảm thấy người này ăn nói hơi huyênh hoang một chút, nhưng chàng nghĩ kỹ lại thì nhận thấy người ấy không đại ngôn đâu, vì trên vách núi thẳng tuột như vậy và cách mặt đất những mười mấy trượng, như vậy làm sao mà khắc hay viết nổi những chữ ở trên đó? Nếu không có khinh công thượng thặng thì không sao viết nổi như vậy!

Bây giờ ta may mắn được gặp gỡ người này ở đây, ta thể nào cũng phải yết kiến vị kỳ nhân này cho được mới thôi!

Chàng vừa quyết định như vậy, lại bụng bảo dạ tiếp:

"Không thể được, ta đã làm môn hạ của phái Không Động rồi, không thể nào lại là môn đồ của một phái khác. Như thế có khác gì là phản bội sư môn không? Vả là người này tự nhận là Tử Cốc Tàn Tú, chỉ xem cái tên của y cũng đủ thấy y là người thuộc hạng tà ma ngoại đạo. Như vậy, ta không nên gặp y thì hơn".

Nghĩ tới đó, chàng lại dẹp lòng hiếu kỳ sang một bên mà ngửng mặt nhìn tứ phía để tìm kiếm lối thoát.

Lúc ấy trời đã tối dần, nhất là ở dưới đáy vực này lại càng chóng tối om thêm, có lẽ chim chóc lẫn giun dế đều không thích cả nơi đây nên trời đã đổ tối rồi mà chàng không nghe thấy một tiếng kêu nào của chúng cả, đủ thấy nơi đây quả là một tử cốc và yên lặng hơn cả một bãi tha ma. Chàng lại nghĩ tiếp:

"Có lẽ đêm nay thể nào ta cũng phải ngủ lộ thiên trong tử cốc này chắc? Đành thế vậy chứ biết làm sao? Chờ ngày mai trời sáng rồi hãy tính toán sau.".

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.