Sóng Ngầm (Hãy Nhắm Mắt Khi Anh Đến - Phần 2)

Chương 19: Ngoại truyện Tạ Mẫn




Tiếng kêu thê lương của nai trắng

Type: Thanh Thư

Nhớ khi đó, con bé mới ba tuổi, dáng người nho nhò, cánh tay múp míp, đội mắt đen lay láy. Ai gặp con bé cũng khen: “Cô bé này xinh quá, lớn lên nhất định là người đẹp cho xem.”

Khi ấy, tôi luôn cảm thấy vui mừng và tự hào. Đồng Sinh thừa hưởng ưu điểm của tôi và bố nó. Trong mắt tôi, ngay từ nhỏ, nó đã được hưởng vẻ đẹp mà ông trời ưu ái rồi. Huống chi con bé còn ngoan ngoãn đáng yêu như vậy.

Con bé luôn muốn mẹ bế, luôn bám chân mẹ không chịu buông tay, việc này làm bố nó ghen tị chết đi được. Nhưng có cách nào đâu, con bé là một linh hồn khác tách ra từ tôi, là cốt nhục của tôi mà.

Tôi làm giáo viên dạy Toán ở trường tiểu học trong trấn, bố nó là một công nhân bình thường. Thu nhập của chúng tôi không cao nhưng gia đình luôn hạnh phúc. Mỗi khi hè đến, bố nó thường dẫn con bé ra suối bơi. Đến độ đông sang thì cả nhà quây quần trước lò sưởi, tôi kể chuyện cho con bé nghe. Cuộc sống chúng tôi yên vui thế đấy, mỗi phút mỗi giây đều như được trời cao ban ân. Bảo bối Đồng Sinh xuất hiện khiến cuộc sống bình thường của chúng tôi trở nên thật kỳ diệu.

Con bé lớn lên từng ngày, vẫn xinh xắn như trước nhưng bắt đầu có chút nổi loạn. Nó không còn muốn chia sẻ tâm sự với mẹ nữa.

Có con gái xinh đẹp luôn là chuyện phiền phức. Thời cấp hai, ngày nào tôi cũng bắt gặp không ít nam sinh theo đuôi con bé. Thấy con bé dành dụm số tiền thừa từ bữa sáng để lén mua son môi, tôi rất tức giận. Khi ấy, bố nó luôn cười khuyên tôi: “Thôi đi, thôi đi, con gái lớn là vậy. Em không thể cứ trông chừng nó suốt cả ngày.” Nhưng tôi kiên quyết không nghe, trách mắng con bé hết lần này đến lần khác. Tôi không cho nó qua lại với mấy nam sinh kia, còn vứt hết mấy cây son rẻ tiền nó mua nữa.

Khi ấy, con bé cũng biết phản kháng rồi, khóc lóc đóng sầm cửa lại, không nói gì với tôi suốt mấy ngày. Tôi cũng ra vẻ không để ý đến nó. Cha hiền mẹ nghiêm, nề nếp gia đình cần tuân theo vì muốn tốt cho nó sau này. Nhưng có lẽ khoảng cách giữa Đồng Sinh và tôi cũng bắt đầu nảy sinh từ đó. Lên cấp ba, Đồng Sinh dần trở nên hướng nội. Dù tôi vẫn phát hiện thư tình của mấy nam sinh trong cặp sách, nhưng trước khi tôi chất vấn thì con bé đã thờ ơ lên tiếng: “Mẹ, mẹ không cần để ý đến họ. Một lũ con trai trẻ ranh thôi.” Tôi nhất thời không biết nên nói thế nào cho phải.

Tôi nghĩ nhất định nó đã có bạn trai, nhưng tôi chưa từng gặp nam sinh kia, cũng không tìm được chứng cứ. Còn con bé thì luôn im lặng, ăn cơm cũng đeo tai nghe nghe nhạc hoặc ôn bài. Tựa như nó sống trong thế giới của riêng mình, tôi và bố nó không thể nào hòa nhập được. Tôi có chút buồn bã, nhưng dù sao nó cũng lớn rồi. Bản tính nó vẫn như ban đầu, vừa lương thiện vừa lạc quan. Bây giờ nó có chút nổi loạn, nhưng trưởng thành sẽ tốt thôi.

Điểm số của Đồng Sinh luôn ở mức trung bình, thế mà thi tốt nghiệp phổ thông lại rất khá, còn đỗ đại học chính quy. Tôi và bố nó hết sức vui mừng, Đồng Sinh cũng cao hứng: “Bố mẹ, chờ sau này con kiếm được nhiều tiền sẽ cho bố mẹ cuộc sống thật tốt.”

Bố nó vội hưởng ứng: “Được, được.” Còn tôi chỉ cười xòa: “Mẹ không cần con kiếm nhiều tiền, chỉ cần con sống thật tốt, khỏe mạnh bình an là được rồi.”

“Thôi đi...” Đồng Sinh dẩu môi, dường như hơi ngán ngẩm với căn bệnh giáo điều của tôi.

Nhưng cuối cùng, con bé vẫn vui vẻ ăn cơm, sau đó còn lôi kéo chúng tôi tán gẫu, như thể quay trở về những ngày cả nhà thân mật khăng khít xưa kia. Đồng Sinh của tôi rốt cuộc đã trưởng thành rồi.

Sau khi lên đại học, Đồng Sinh như chú chim sổ lồng, rất ít khi về nhà nhưng thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi bố mẹ. Tôi biết, với vẻ xinh đẹp, cởi mở của con bé, ở đại học chắc chắn sẽ như cá gặp nước, có rất nhiều người yêu thích và theo đuổi. Tôi thường dặn dò qua điện thoại: “Bây giờ, con lớn rồi, nếu quả thật muốn có bạn trai thì quan trọng nhất là phải xem nhân phẩm, phải đối xử tốt với con, điều kiện gia đình kha khá, dáng vẻ bình thường cũng không sao...”

Những lúc như thế, con bé luôn ngắt lời tôi: “Mẹ, con có chừng mực mà”, song nhất quyết không chịu nói rõ.

Thế rồi biến cố đột ngột xảy ra. Bố của Đồng Sinh mất mạng do công nhân thao tác sai gây ra sự cố trong khâu sản xuất. Thế nhưng gia cảnh người nọ cũng nghèo khó, nên cuối cùng chúng tôi chỉ nhận được khoản tiền bồi thường ít ỏi.

Đồng Sinh ngồi xe suốt đêm về nhà, ôm thi thể bố khóc nức nở. Tôi òa khoác. Nhưng khóc xong, tôi vẫn phải đi rửa rau nấu cơm, bởi tôi không thể để con gái đói bụng. Đồng Sinh nhìn dáng vẻ tôi khóc đến mức thở không ra hơi, bèn ôm chặt tôi bảo: “Mẹ, mẹ đừng đau lòng, con nhất định sẽ chăm sóc mẹ thật tốt. Mẹ, bố ở trên trời đang nhìn chúng ta đấy.”

Đồng Sinh đã trở nên hiểu chuyện chỉ trong một đêm. Mỗi lần được nghỉ, con bé luôn về nhà với tôi, đi chợ mua thức ăn, nấu cơm và quét dọn nhà cửa. Gần như mỗi ngày, nó đều gọi điện về nhà. Tôi dần biết được, ngoại trừ học hành ra, nó còn đi làm thêm. Bắt đầu từ năm hai, con bé đã không cần gia đình gửi tiền học phí và sinh hoạt phí nữa. Nỗi đau mất chồng của tôi cũng dần nguôi ngoai. Tôi rất lo lắng cho con, thường khuyên: “Đồng Sinh, đừng ham làm thêm quá, trong nhà vẫn còn chút tiền mà. Con hãy trao đổi nhiều với bạn học, sau này sẽ giúp ích cho công việc của con hơn.”

Con bé không buồn để tâm: “Con biết mình đang làm gì. Họ đều có bố mẹ giúp đỡ tìm việc. Con không giống với họ, phải tự mình cố gắng, mẹ à.”

Nghe vậy, tôi đành im lặng, chỉ cảm thấy vừa đau khổ vừa bất lực. Là người làm cha làm mẹ, chúng tôi không có bản lĩnh gì cả, chúng tôi có đứa con gái xinh xắn, ngoan ngoãn như thế nhưng lại không cách nào cho nó một cuộc sống đầy đủ và một tương lai rực rỡ.

Có một mùa hè, tôi được nghỉ nên đến thành phố thăm nó. Con bé rất vui, thu xếp để tôi ở trong căn phòng mà nó cùng một người bạn thuê chung. Khoảng thời gian ấy, mẹ con tôi quả thật vô cùng vui vẻ. Ban ngày, con bé đi học, đi làm và trở về nhà khi sầm uất và đẹp dẽ nơi phố xá đông vui.

Khi đó, Đồng Sinh nói: “Mẹ, chờ con tốt nghiệp sẽ thuê căn phòng thế này. Mỗi lần được, mẹ lại đến đây ở với con.”

Tôi mỉm cười đồng ý.

Có lần, tôi đang lau nhà, vừa ngẩng đầu liền bắt gặp con bé ngồi trong phòng, đeo tai nghe cười tươi tắn trước màn hình máy tính. Đó là một nụ cười rất khó tả. Tôi chợt thấy bồn chồn trong lòng, đợi con bé không chú ý thì nhìn lén phía sau nó.

Tôi nhìn thấy một số QQ, ảnh đại diện là một chàng trai. Lịch sử trò chuyện của hai người rất dài. Tin nhắn mới nhất đối phương gửi đến là: “Dáng em đẹp quá, anh sẽ chịu trách nhiệm với em.”

Tôi không biết hình dung cảm giác của mình khi ấy thế nào, làm chuyện gì cũng thấy lòng dạ hoang mang. Đến tối, nhìn Đồng Sinh an lành ngủ trên giường, tôi bước ra ban công nhìn bầu trời lấp lánh ánh sao, bỗng nhiên trong lòng thông suốt. Con cái đã lớn, nó cần có cuộc sống của riêng mình. Bố nó nói đúng, tốt nhất tôi đừng xen vào nữa.

Đứa con gái này của tôi, từ sâu thẳm nội tâm nó khát khao tìm được tình yêu và một nơi nương tựa. Mà điểm tựa ấy, người làm mẹ như tôi không thể nào thay thế được.

Có điều, tôi vẫn không nhịn được mà nói bóng gió với con bé về tâm lý đề phòng đàn ông và ý thức bảo vệ bản thân. Đồng Sinh ấp úng, không muốn nói nhiều với tôi nên tôi đành thôi.

Nếu biết chuyến du lịch lần nó sẽ xảy ra chuyện, tôi tuyệt đối sẽ không để nó đi.

Mấy năm qua, con bé sống quá cực khổ. Vì vậy, khi nó nói muốn ra ngoài chơi một chuyến, tôi lập tức đồng ý, còn gửi tiền thưởng tháng này của mình cho con. Tôi cho rằng con bé đi chơi với bạn, nào ngờ nó đã quen độc lập, cũng không có bạn bè tâm sự nên tự đi du lịch một mình.

***

Đến ngày thứ năm sau khi Đồng Sinh mất tích, sau khi tan lớp, tôi gọi điện thoại cho cảnh sát nhưng vẫn nhận được câu trả lời như cũ: “Chúng tôi đang điều tra. Chị Tạ, chị nghĩ lại xem, con chị có khả năng đi nơi khác chơi nhưng không nói cho chị biết không? Hoặc là điện thoại không có sóng, trên người hết tiền?”

“Không, không đâu.” Tôi gần như gào lên: “Nó nhất định sẽ gọi điện thoại cho tôi, không bao giờ biến mất đột ngột như vậy. Nhất định con bé đã xảy ra chuyện. Các cậu nhất định phải tìm được con bé, hãy tìm ra con bé.”

Thế nhưng họ vẫn không tìm được. Cảnh sát nói có chứng cứ cho thấy con bé ở lại một thành phố cổ vài ngày, sau đó đến huyện thành gần đó rồi mất tích. Có người từng gặp con bé, nhưng không một ai nhìn thấy nó đã đi đâu.

Đồng Sinh của tôi tựa như giọt mưa rơi xuống đất, cứ thế bốc hơi khỏi nhân gian, chẳng còn lại gì. Nhưng nó lại chính là nguồn nước duy nhất của đời tôi.

Tôi xin thôi việc, bán nhà, mang theo tất cả tiền bạc dành dụm được bắt đầu hành trình tìm con. Tôi đã tìm hết mỗi ngóc ngách của huyện thành kia, nhưng chẳng có chút dấu vết nào của con bé. Tại sao lại không thu được bất kỳ tin tức nào cả? Tôi ở đó một năm, tiền cũng tiêu gần hết.

Một hôm, nhìn bản thân trong gương ở phòng trọ, tôi bỗng sợ hãi đến mức như vừa thoát khỏi cơn mộng. Đây là tôi sao? Trước kia làm cô giáo, ngoại trừ thời gian lên lớp thì đa phần tôi chỉ ru rú trong nhà. Sinh nhật năm ngoái, Đồng Sinh còn khen tôi hết lời. Nó bảo mẹ vừa trẻ vừa đẹp, da lại trắng, giống như chị gái con vậy. Tuy rằng lời khen khoa trương, tôi đã có vài sợi tóc bạc rồi, nhưng khác hoàn toàn dáng vẻ trong gương hiện giờ.

Da dẻ tôi ngăm đen, mái tóc hoa râm, ngón tay vừa thô vừa bẩn. Trước đây, tôi giết gà còn không nổi, phải nhờ cậy bố của Đồng Sinh. Bây giờ, một tay tôi có thể nhấc cả bao tải chỉ để đổi một bữa cơm trưa, ăn no xong lại tiếp tục đi tìm Đồng Sinh.

Đêm đó, tôi có chút khó chịu. Tôi nghĩ, nếu tìm được Đồng Sinh rồi, con bé không nhận ra mẹ thì phải làm sao?

Tôi cũng từng cung cấp số QQ kia cho cảnh sát. Nhưng cảnh sát nói cho tôi biết, họ đã điều tra rồi. Khi Đồng Sinh mất tích, chàng trai kia đang học trên lớp, có chứng cứ ngoại phạm rõ ràng, không liên quan gì đến vụ án này. Tôi muốn xin cách thức liên lạc với chàng trai này nhưng lại bị cảnh sát từ chối.

Tôi biết mình phải tìm một công việc, nếu không sẽ không thể tiếp tục tìm kiếm con gái nữa. Tình cờ, tôi được một chị làm công chung bày đường đi nước bước: “Muốn kiếm nhiều tiền thì có thể đến Diêu gia. Nhà họ trả lương cao, nhưng... công việc không phải dành cho con người đâu.”

“Tôi bào này, người Diêu gia không phải người mà, một người đàn ông cưới năm bà vợ.” Ông anh khác chen lời. “Nghe nói dạo trước, ông chủ nhà còn thích một nữ sinh đại học, muốn cưới làm vợ bé đấy. Sau đó cô bé kia biến mất, nghe nói đã bỏ trốn rồi.”

Ban đầu, tôi không để ý lắm, sau này càng nghĩ càng thấy bất thường. Tôi gặng hỏi ông anh kia về dáng vẻ, tuổi tác cô gái kia. Nhưng anh ta cũng không biết gì nhiều.

Tôi đứng trước cổng Diêu gia, cẩn thận suy nghĩ từng chi tiết: Đồng Sinh mất tích, đến huyện Lâm nhưng không tìm được manh mối nào; cô sinh viên mấy năm trước suýt làm vợ bé người ta đã bỏ trốn; người đàn ông gần năm mươi tuổi có gia tài bạc triệu, cưới năm bà vợ còn chưa thỏa mãn...

Bề ngoài, rõ ràng họ không  có bất cứ liên quan nào đến Đồng Sinh. Nhưng dường như, có một dự cảm mãnh liệt nào đó xui khiến tôi gõ cửa bước vào Diêu gia.

***

Trong tuần, có ba ngày ông ta ngủ ở phòng bà cả Minh Lan. Họ chưa bao giờ nhắc đến cái tên “Đồng Sinh”.

Phòng ông ta và Minh Lan chỉ có một người giúp việc lâu năm được phép bước vào. Những người như tôi bị cấm bén mảng đến đó.

Mỗi khi gặp một cô gái xinh đẹp trẻ tuổi nào đó, ông ta đều nhìn chằm chằm, rõ ràng tuổi tác đã có thể làm cha họ mà vẫn trâu già thích gặm cỏ non.

Triệu Hà không giống với họ. Cô ấy luôn trầm mặc, buồn bã và chưa bao giờ đánh tôi. Có lần, tôi làm như vô tình nói với cô ấy: “Nghe nói trước kia, ông Diêu còn định cưới một cô bé sinh viên. Sau đó cô ấy biến mất hả bà?” Khi đó, vẻ mặt của Triệu Hà vô cùng kỳ lạ. Nhưng cô ấy chỉ quay đầu không đáp, cũng không hề nhìn tôi.

Lòng tôi như bị búa tạ nện thật mạnh. Suýt nữa tôi đã không nhịn được mà truy vấn cô ấy, gia đình này liệu có liên quan gì đến Đồng Sinh của tôi không? Nhưng nhìn cả căn viện vẳng lặng quạnh hiu, cuối cùng tôi vẫn nhẫn nại. Diêu gia vừa có tiền vừa có thế, trong tay tôi lại không có chứng cứ nào. Vì vậy, tôi phải nhẫn nại, nhẫn nại đến ngày không thể nhịn được nữa mới thôi.

Mỗi ngày, tôi đều tự nói với mình rất nhiều lần: Tôi nhất định sẽ tìm được Đồng Sinh. Tôi nghĩ tôi đang từng bước tới gần chân tướng hơn rồi.

Sau này, tôi hiểu ra, không có chứng cứ cũng không sao. Chỉ cần xác định được bọn họ đã hại chết Đồng Sinh, tôi sẽ không do dự mà giết chết Diêu Viễn Qua, giết chết tất cả bọn họ. Thì đã sao? Mạng của họ quý giá, vậy mạng của Đồng Sinh thì rẻ rúng lắm sao?

Dần dần, tôi đã quen với việc chờ đợi, quen bị người Diêu gia đánh chửi, quen với cuộc sống như vậy. Tôi không còn sống như một con người nữa. Tôi tồn tại như một cái bóng lặng lẽ trong căn viện này nhờ vào sự nghi ngờ và căm hận giấu trong tim.

Trời đất to lớn, nơi nào cũng không tìm được Đồng Sinh. Tôi đã không còn chỗ để đi nữa rồi.

***

Vào một buổi sáng mưa phùn, tôi đang quét dọn ở quầy lễ tân thì nghe thấy giọng của một chàng trai trẻ.

“Chào cô, cho tôi một căn phòng có giường lớn.” Chàng trai cười nói với cô lễ tân.

Tôi vẫn cúi đầu, tiếp tục công việc của mình. Bây giờ, tôi chỉ thích công việc quét dọn lặp đi lặp lại như máy móc thế này. Nhìn mặt đất từ từ sạch sẽ, bổng có một khoái cảm kỳ dị cuộn trào trong lòng tôi.

“Cô là sinh viên làm thêm ở đây à?” Chàng trai kia ân cần hỏi han.

Cô lễ tân cười bảo không phải.

“Trông cô giống sinh viên ghê! Số QQ của tôi là 5643XXX321, kết bạn nhé!”

Tay tôi khựng lại, ngẩng đầu nhìn rõ khuôn mặt của cậu ta. Cậu ta cũng phát hiện tôi đang quan sát mình, nhưng chỉ liếc nhìn rồi thản nhiên dời mắt.

Đêm đó, tôi ngồi thật lâu trong căn phòng chật hẹp và tối tăm của người giúp việc, nhìn cơn mưa tí tách rơi ngoài cửa sổ. Ngọn gió thổi xào xạc làm lay động tấm drap trên giường, như thể có ai đó đang bầu bạn với tôi. Tôi bỗng thông suốt: Tất cả đều là vận mệnh an bài, mọi thứ đều tuần hoàn lặp lại, khiến tôi tuyệt vọng lại cho tôi hy vọng.

Đồng Sinh, mẹ biết là con đã đến. Con đang nói với mẹ, đừng chờ nữa, hãy ra tay đi!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.