Sống Chung Với Mẹ Chồng

Chương 12: Mua nhà




Cuộc sống của Hy Lôi vẫn khó chịu như thế.

Từ sau khi mẹ chồng lấy tiền để đầu tư cổ phiếu, không bao giờ cô còn nghe thấy thông tin cổ phiếu lên hay xuống nữa. Mẹ chồng cô thì dường như ngày càng quan tâm tới sự thay đổi của cô, Hy Lôi hơi mệt mỏi, đau đầu hay sốt là bà lại vô cùng căng thẳng, đưa Hy Lôi đi khám bệnh, rồi hỏi bác sĩ bằng giọng điệu vô cùng mong mỏi:

- Có phải cháu nó mang thai không ạ?

Nếu nhận được câu trả lời phủ định, mặt bà lập tức sa sầm xuống, lẩm bẩm nói:

- Lạ thật!

Tháng nào Hy Lôi cũng “bị” rất đúng ngày, mẹ chồng nếu nhìn thấy băng vệ sinh trong thùng rác là mặt lại sưng lên như bị ai đánh, mấy ngày liền đá thúng đụng nia. Hy Lôi ở nhà lúc nào cũng phải thận trọng, không dám nổi giận, cuối cùng tìm được nguồn gốc “căn bệnh” của bà, khi kinh nguyệt tới, băng vệ sinh thay ra cũng không dám vứt vào thùng rác mà nhét vào túi rồi lúc nào ra ngoài thì vứt.

Cuối cùng mẹ chồng không nhịn được nữa, sau bữa tối, nhân lúc bên cạnh không có người, bà thận trọng hỏi:

- Hy Lôi, có phải con bị bệnh gì không, hay là đến bác sĩ khám xem sao?

- Dạ không có! Con khỏe lắm, mấy hôm nay có bệnh tật gì đâu. - Hy Lôi không hiểu mẹ chồng nói thế là có ý gì.

- Ý mẹ là có phải con mắc bệnh gì như kiểu vô sinh mà con không biết, đi khám xem sao nhé.

Lúc này Hy Lôi mới hiểu ý của mẹ chồng, vừa xấu hổ vừa giận:

- Không có, không đâu.

- Thế con còn uống thuốc tránh thai nữa không?

- Không, không ạ! - Hy Lôi lập tức lắc đầu.

- Lạ nhỉ! Thế sao bây giờ vẫn chưa có thai! - Mẹ chồng vừa ra ngoài, vừa lẩm bẩm nói, sau đó quay lại nhìn vào phòng Hy Lôi một cái, rồi lại nói:

- Không được, ngày mai mẹ sẽ đưa con đi khám.

Hy Lôi nghe mẹ chồng nói thế thì đau cả đầu.

Hơn 10 giờ tối Hứa Bân mới tiếp khách xong, say mèm quay về nhà, vừa bước vào phòng đã nằm phịch xuống giường, nhìn Hy Lôi đang giận dữ nhìn mình, Hứa Bân lại mượn hơi rượu, cười hỉ hả:

- Bà xã, bà xã, anh yêu em lắm, yêu em lắm!

Hy Lôi lắc lắc Hứa Bân, nói:

- Anh thực sự yêu em không?

- Yêu! - Hứa Bân lúc này đã hơi mơ màng, một âm thanh mơ hồ thoát ra từ cổ họng.

- Thế bọn mình thuê cái nhà rồi ra ngoài ở nhé.

Hứa Bân lại ngẩng đầu lên:

- Vì sao chứ? Em chê nhà anh không đủ tốt à!

- Không phải, mẹ anh bây giờ thấy em không có thai, nói là em bị vô sinh, bắt em ngày mai đến bệnh viện kiểm tra, em không chịu nổi, em muốn chuyển ra ngoài.

- Được thôi, chuyển ra ngoài, chuyển ra ngoài!

- Thật không? Anh đồng ý rồi đấy nhé! - Hy Lôi kinh ngạc đẩy đẩy Hứa Bân, anh đã vang lên tiếng ngáy đều đều, miệng lẩm bẩm nói gì đó, tất cả chỉ là những lời nói trong lúc say của anh thôi.

Trái tim Hy Lôi lại lạnh lẽo như băng.

2.

Ngày hôm sau là cuối tuần, bố chồng dậy từ sớm để đi tập thể dục, mẹ chồng thì sáng sớm đã gọi to ngoài phòng khách:

- Dậy thôi, dậy thôi.

Hứa Bân nghe thấy, lật người một cái rồi ngủ tiếp. Hy Lôi cũng nghe thấy tiếng gọi của mẹ chồng, thấy Hứa Bân chẳng có phản ứng gì, cũng thản nhiên ngủ tiếp.

Vừa mới nhắm mắt vào đã nghe thấy tiếng “cốc cốc”, Hy Lôi tưởng là âm thanh do mẹ chồng quét nhà gây ra nên không để ý. Một lúc sau, tiếng cốc cốc dừng lại, cửa phòng ngủ cọt kẹt một tiếng, Hy Lôi lập tức tỉnh giấc, ngồi dậy. Thấy mẹ chồng đang thò nửa người qua khe cửa, nói:

- Dậy đi, nhìn xem mấy giờ rồi!

Hy Lôi dụi mắt, mới 8 rưỡi sáng thôi mà. Hứa Bân cũng thức giấc, cằn nhằn:

- Ngày nghỉ cũng không cho người ta ngủ thêm một chút! Bực mình!

Mẹ chồng mặc kệ, lại nói:

- Hy Lôi, dậy đi, mẹ đưa con đi khám bệnh!

Hứa Bân thấy mẹ nói thế cũng tỉnh hẳn, hỏi Hy Lôi:

- Em bị ốm à, không khỏe chỗ nào?

Hy Lôi bực mình đẩy tay Hứa Bân ra:

- Không sao, vẫn khỏe lắm.

Mẹ chồng đi tới sát bên giường, kéo dài giọng nói:

- Có bệnh thì đi khám sớm, biết là mình mắc bệnh gì thì mới uống thuốc được chứ, cho dù là có bệnh thì bố mẹ đều là người hiểu biết, cũng không chê bai gì đâu.

Hứa Bân ngơ ngác. Hy Lôi không chịu được nữa:

- Con không bị bệnh, con không bị bệnh!

- Mẹ, rốt cuộc là làm sao? - Hứa Bân hỏi.

- Các con đã cưới lâu thế rồi mà không thấy có thai, mẹ sốt ruột lắm nên muốn đưa Hy Lôi đi khám xem có phải bị bệnh gì không, nhưng mà nó không chịu đi.

Hứa Bân biết rõ nguồn cơn thì cười khổ:

- Mẹ, mẹ đừng có lo lắng vớ vẩn được không? Ra ngoài đi, để con ngủ thêm lát nữa.

Mẹ chồng vẫn kiên trì bắt Hy Lôi đi bệnh viện. Cuối cùng Hy Lôi không nhịn được nữa, bùng nổ:

- Con không bị bệnh, cho dù có bị thì tự con cũng biết đi khám, con không phải trẻ con, không cần người khác phải đưa đi. Còn nữa, cưới được bao lâu rồi? Mới nửa năm là cùng, nửa năm không có thai thì bảo là bị vô sinh sao? Lần đầu tiên con nghe nói thế đấy. Vả lại con dùng biện pháp ngừa thai vì không muốn có con ngay bây giờ, con không bị bệnh!

Vừa nói xong, mẹ chồng đã khựng lại, dõng dạc chất vấn:

- Biện pháp gì, thuốc của chị tôi vứt hết đi rồi, chị còn dùng biện pháp gì?

Hy Lôi nhảy xuống giường, lồng ngực phập phồng:

- Con dùng biện pháp gì mẹ không phải lo, đây là đời tư của con, con muốn có con lúc nào là chuyện giữa vợ chồng con, không để người khác điều khiển đâu.

Mẹ chồng nghe thấy thế thì càng nóng ruột, mình đã mất bao nhiêu công sức để vứt thuốc ngừa thai của Hy Lôi đi, không ngờ con dâu vẫn lén sử dụng phương pháp khác. Bà giận quá, lục lọi khắp phòng, tủ đầu giường, bàn đọc sách, ngăn kéo.

Hy Lôi nhìn bà mẹ chồng như đang nổi điên, rồi nhìn Hứa Bân vẫn ngồi ngây như phỗng trên giường thì hét lên:

- Hứa Bân, anh có làm gì đi không hả?

Hứa Bân bất lực xuống giường, kéo mẹ mình lại, khuyên:

- Mẹ, đừng tìm nữa, sao mẹ không chịu nhớ cho con, đừng tùy tiện lục lọi đồ của người khác.

Mẹ chồng chẳng ngẩng đầu lên, miệng vẫn cằn nhằn:

- Cái gì mà người khác, đây là nhà của tôi, tôi không được tìm đồ sao. Để ở đâu? Ở đâu? Lấy ra cho tôi!

- Mẹ! - Hứa Bân hét lên một tiếng, cuối cùng cũng nổi cáu với mẹ, - Mẹ, mẹ để con sống vài ngày yên ổn được không?

Mẹ chồng giật mình trước tiếng hét của con trai, đứng khựng lại, rồi ngồi phịch xuống sàn nhà lạnh buốt, bắt đầu khóc rấm rứt:

- Tôi có gì sai, tôi muốn sớm có cháu thì có gì sai? Anh chị ngày nào cũng đi làm, một mình tôi ở nhà cô đơn, chẳng có ai để nói chuyện, tan làm rồi còn hầu hạ anh chị ăn uống, rồi ai lại làm việc đó, người xem tivi cùng tôi cũng chẳng có, vợ anh cả ngày sưng sỉa mặt mày với tôi, nhà này lạnh lẽo như không người, chẳng có chút sinh khí, tôi muốn có đứa cháu thì sai sao?

Mẹ chồng nói rất đau lòng, nước mắt nước mũi giàn giụa, Hứa Bân và Hy Lôi đều không nói gì nữa.

Hứa Bân thương mẹ, dìu bà đứng dậy, khuyên nhủ:

- Mẹ, đừng khóc nữa, để con khuyên Hy Lôi, được không?

Nhưng Hy Lôi vẫn kiên trì với lý lẽ của mình, sao cô có thể khuất phục trước ý chí của mẹ chồng được. Thấy Hứa Bân ngả về phía mẹ anh, Hy Lôi lập tức thể hiện rõ lập trường của mình:

- Bao giờ sinh con tự con có kế hoạch, con không để người khác làm đảo lộn cuộc sống của con đâu. Mọi người mà ép con, con sẽ ra ngoài ở.

- Ai bảo ra ngoài ở? - Bên ngoài vang lên tiếng của bố chồng, không biết ông về nhà từ lúc nào, thấy cả nhà như đang có chiến tranh, bèn bước vào phòng hỏi, - Ai muốn chuyển ra ngoài? Sao thế? Lại cãi nhau à, có vấn đề gì thì cùng nhau giải quyết mà, hở một chút là đòi chuyển ra ngoài, đều là người một nhà cả, truyền ra ngoài người ta lại cười cho.

Lời nói của bố chồng như đang muốn an ủi mọi người, nhưng đã thể hiện rõ lập trường của ông: “Không thể chuyển!”.

Hy Lôi nghĩ lại cuộc sống gò bó, tù túng sau này mà cô phải chịu đựng, trái tim đã một màu đen tối.

Mẹ chồng lại tố cáo với chồng:

- Em đã bảo nó mau sinh một đứa bé mà nó không chịu, cãi lời em, cả ngày lén uống thuốc ngừa thai!

Bố chồng đỡ bà đứng dậy, nói:

- Đi thôi, về phòng, chuyện sinh con thì từ từ bàn sau! - Khi ông nói câu này, quay sang liếc Hy Lôi một cái, lần đầu tiên ông thể hiện rõ lập trường của mình, ông ủng hộ vợ mình, muốn con dâu sinh một đứa con, chỉ có điều phải bàn bạc cẩn thận.

Bố mẹ chồng đã ra ngoài. Hứa Bân vẫn im lặng. Hy Lôi mở lời:

- Em không chịu nổi mẹ anh nữa, em phải chuyển ra ngoài, ngày mai em sẽ đi tìm nhà.

Hứa Bân giờ vẫn còn rối bời vì cảnh tượng ban nãy, nghe Hy Lôi nói vậy lại càng bực mình hơn:

- Đừng quậy nữa được không. Không nghe bố nói à, không được chuyển ra ngoài.

- Lời của bố anh là Thánh chỉ à, ông ấy không cho chuyển thì không được chuyển à? Nhìn mẹ anh xem, trước mặt em mà còn lục lọi đồ trong phòng em, khi em không có nhà, bà ấy còn thoải mái hơn ý chứ! Chẳng có ý thức về đời tư của người khác gì cả. Em là người làm công tác viết lách, ngay cả không gian riêng của em cũng không có sao? Ngày mai em sẽ đi tìm nhà.

Thấy Hy Lôi có vẻ nghiêm túc, Hứa Bân cũng sợ hãi, vừa nịnh vừa khuyên:

- Xin em đấy, đừng quậy nữa, em chuyển ra ngoài thì để mặt mũi của bố anh vào đâu! Anh xin em mà!

Hy Lôi bình tĩnh lại suy nghĩ:

- Ai quậy chứ, thế anh đi nói với mẹ anh, đừng có nhắc chuyện sinh con nữa, tâm trạng của bà ấy em hiểu được, nhưng bây giờ không thể có con, em có sự nghiệp của em, năm nay mọi người đều đang tranh giành cái chức phó chủ biên, chờ qua năm sau, ổn định hơn một chút rồi nghĩ tới chuyện ấy.

- Được, anh sẽ nói với mẹ.

- Còn nữa, từ ngày mai, khi đi làm em sẽ khóa cửa, nếu anh đi muộn hơn thì anh khóa.

Hứa Bân nghe thế đã không vui:

- Thế để làm gì? Làm thế chả khác nào phòng trộm, để người ta thấy lại không thoải mái.

- Nhưng em không như thế, bà ấy cứ vào phòng em lục lọi, em đã nói mấy lần rồi mà vẫn thế! Em chẳng còn cách nào khác!

- Đừng khóa cửa, như thế không tốt, để anh nói với mẹ, anh hứa đấy.

Hứa Bân dậy rửa mặt, nhân tiện đi vào phòng mẹ mình, không biết anh nói thế nào với mẹ mà bữa trưa khi ăn cơm, sắc mặt mẹ chồng vẫn nặng chình chịch, cũng không nói năng gì với Hy Lôi, không nhắc tới chuyện sinh con.

Sáng sớm thứ hai rời khỏi nhà, lúc đi ra khỏi phòng ngủ, Hy Lôi nghĩ ngợi một lát nhưng rồi vẫn không khóa cửa phòng, chỉ khẽ khàng đóng lại, làm một hành động giả vờ, ý là đang nói đừng ai bước vào. Hy vọng mẹ chồng có thể hiểu.

3.

Các bà mẹ chồng trên thế giới này đúng là mỗi người một kiểu, chẳng ai giống ai, có người thì giống con gà mẹ, ra sức ôm con vào lòng, có người thì giống con chim ưng, ra sức đẩy con ra ngoài.

Đã đến văn phòng từ lâu mà mãi không thấy Tiểu Lộc tới. Bình thường ở cơ quan, quan hệ giữa Hy Lôi với Tiểu Lộc là tốt nhất, cô thích tính cách thoải mái của bạn, thấy bạn chưa tới, cô cũng hơi lo, đang định gọi điện thoại hỏi thì nghe thấy một đồng nghiệp tên Tường Vi ở cùng phòng nói:

- Ôi, Tiểu Lộc xui thật, tắm mà cũng bị trúng độc than.

- Cậu nghe ai nói thế, trúng độc khí than, có nghiêm trọng lắm không?

- Sếp bọn mình nói chứ ai, tối qua, nghe nói là đã cấp cứu tỉnh lại rồi, giờ vẫn nằm trong bệnh viện thành phố.

Vừa tan ca, Hy Lôi đã gọi điện thoại cho Tiểu Lộc, nói là tới thăm cô, hỏi nằm ở phòng bệnh số mấy. Tiểu Lộc nghe có vẻ rất yếu ớt, bên kia điện thoại ấp úng:

- Không cần tới đâu, tớ xuất viện về nhà rồi, không sao!

Hy Lôi không hiểu rõ nguồn cơn, vẫn quan tâm hỏi:

- Thế sao được, hai đứa mình bình thường thân với nhau như thế, cậu lại luôn chăm sóc tớ, bây giờ cậu gặp chuyện, tớ không đi thăm cậu thì còn ra gì.

- Thế được rồi.

- Vẫn ở tiểu khu Nhã Uyển hả? - Hồi Tiểu Lộc cưới, Hy Lôi từng tới nhà cô, một tiểu khu rất xinh đẹp, một căn phòng rộng rãi và sang trọng.

Ở bên kia điện thoại, Tiểu Lộc thở hổn hển một lúc lâu rồi mới ậm ừ nói:

- Không, tớ không ở đó nữa, tớ ở nơi khác. - Sau đó nói một địa chỉ ở một nơi khá hẻo lánh.

Hy Lôi thấy nghi ngờ trong lòng, theo như địa chỉ mà Tiểu Lộc nói, cô bắt taxi rẽ đông rẽ tây mãi, cuối cùng cũng tìm được nơi bạn sống. Đó là một căn nhà cũ của một cơ quan, ở tầng một, có hai phòng, đường đi là phòng khách, bày một cái bàn thấp, căn phòng lớn hơn một chút là phòng ngủ của vợ chồng Tiểu Lộc, chồng Tiểu Lộc là một giáo viên mỹ thuật trung học, phòng còn lại bày đầy tranh và đồ dùng của chồng cô.

Hy Lôi đặt túi hoa quả trong tay xuống, lúc này mới để ý thấy một bên mặt của Tiểu Lộc vàng vọt vô cùng, không còn vẻ xinh xắn và sinh động như thường ngày nữa.

- Rốt cuộc là có chuyện gì, sao lại bị trúng độc khí than?

Tiểu Lộc cười khổ:

- Đây là nhà thuê, nước nóng đun bằng khí than, hôm qua lúc tớ tắm, anh ấy lại không có nhà, không biết vì sao khí than bị rò ra ngoài, tớ ngất đi từ lúc nào không biết, cũng may bên cạnh có hàng xóm, nếu không thì chắc tớ mất mạng rồi.

- Sao lại bất cẩn như thế, cậu dùng bình nước nóng gì mà sao lại bị rò khí than! - Hy Lôi đi vào nhà vệ sinh ngó một cái, quay ra nói. - Cái này cũ quá rồi, còn dùng được không? Đúng rồi, sao cậu lại chuyển sang sống ở đây, nhà cậu có nhà to không ở, chạy tới đây chịu khổ làm gì, chẳng nhẽ cậu cũng mâu thuẫn với mẹ chồng.

Vừa nhắc tới câu này, nước mắt Tiểu Lộc đã giàn giụa:

- Nhà to thì sao, nhà to đến mấy cũng là của người ta, chẳng có liên quan gì với tớ cả, người ta muốn cho cậu ở thì cậu được ở, không muốn cho cậu ở thì đuổi cậu ra ngoài. Trước khi cưới tớ còn nghĩ, nhà họ to như thế, mẹ chồng lại mất chồng từ trẻ, nuôi con trai một mình chẳng dễ dàng gì, tính tình lại thoải mái, dễ sống, tớ còn ngây thơ nghĩ rằng, sau này cưới xong sống chung với nhau, nhất định phải cư xử thật tốt với mẹ chồng, không ngờ vừa mới cưới nhau được một tháng thì đã bắt bọn tớ dọn ra ngoài. Cả nhà đều là lừa đảo, lừa đảo.

Tiểu Lộc vừa nói vừa khóc rấm rứt, tố khổ mẹ chồng một hồi, thì ra khi còn trẻ, mẹ chồng cô là diễn viên của đoàn ca múa, mất chồng từ trẻ, tính tình khoáng đạt, một mình nuôi nấng con cái, khi sắp về hưu, cơ quan phân cho một căn nhà chung cư với 4 phòng ngủ và 1 phòng khách. Lúc con trai cưới, bà đã đồng ý cho con trai và con dâu sống chung, sau khi cưới cũng chẳng có mâu thuẫn gì, nhưng đột nhiên lại yêu cầu họ tự ra ngoài tìm nhà, sống độc lập, nói là mình vất vả cả đời, cũng tự do cả đời, giờ đến lúc hưởng phúc rồi, không muốn người khác làm ảnh hưởng tới cuộc sống của bà. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ngày nào bà cũng tham gia rất nhiều hoạt động, đoàn ca múa người già, đội người mẫu Tịch Dương, còn thường xuyên đi các tỉnh khác để biểu diễn, bản thân bà cũng có nhiều bạn bè, cuối tuần cùng nhau đi leo núi, nếu không thì tới nhà ai đó tập múa tập hát, cuộc sống của bà ấy rất thú vị, bận nhưng mà vui, nói chung về tinh thần rất là đầy đủ. Con trai cưới xong, bà cảm thấy bọn tớ làm phiền tới cuộc sống của mình, thế nên bảo bọn tớ chuyển ra ngoài tự lực cánh sinh, cũng chẳng có yêu cầu gì với con trai con dâu, không hỏi han đến, ai sống của người đó.

Hy Lôi nghe thấy vậy, thầm thấy kỳ lạ, mẹ chồng như thế mà lại ở vào cái độ tuổi này thì đúng là hiếm có, Hy Lôi rất thích. Cô thở dài:

- Thực ra mẹ chồng cậu cũng chẳng có gì sai, người già và con cái sống riêng ra, không ai làm phiền ai, như thế cũng tốt, không nảy sinh mâu thuẫn.

- Đúng là không sai, sống riêng cũng tốt, nhưng vì sao ban đầu không nói rõ ràng ra, lúc mới cưới thì cho bọn tớ cưới ở nhà to, vừa cưới xong thì dở chứng, thế chẳng phải là lừa gạt à? Tớ yêu cầu thấp lắm, tóm lại là nghĩ nhà họ có nhà, cũng chẳng quan trọng là của ai, được ở là được rồi, không ngờ lại như thế, mẹ anh ấy từ sau khi bọn tớ chuyển ra ngoài, chưa bao giờ tới giúp bọn tớ cái gì, đều vừa mới đi làm, thanh niên sống ở ngoài, thuê nhà cũng khó khăn lắm, mùa đông không có lò sưởi, mùa hè thì nóng điên người, không thương tớ nhưng cũng chẳng thương con trai, chưa thấy bà mẹ nào ác thế.

- Đừng nói thế, suy nghĩ của mỗi người khác nhau, mẹ chồng tớ mà được như mẹ chồng cậu thì nằm mơ tớ cũng cười, nếu mà được như nhà cậu, không can thiệp vào cuộc sống của bọn tớ thì cho dù phải thuê nhà ở ngoài tớ cũng vui lòng.

Nghe Hy Lôi nói thế, Tiểu Lộc thấy lòng mình thoải mái hơn nhiều, cười nói:

- Để cậu sống trong cái nhà nổi mốc này, nhìn xem ở dưới bàn còn có mộc nhĩ kia kìa, xem có nói thế không?

- Ôi, dưới bàn có mộc nhĩ á!

Tiểu Lộc cười khổ:

- Chưa nghe nói phải không! Còn có chuyện ly kỳ hơn cơ! Buổi tối còn có ma nữa! Nửa đêm đèn điện tự nhiên sáng trưng. - Hy Lôi nổi cả gai ốc, kinh ngạc hét:

- Không phải chứ!

Trên đường về nhà, Hy Lôi nghĩ, các bà mẹ chồng trên thế giới này đúng là mỗi người một kiểu, chẳng ai giống ai, có người thì giống con gà mẹ, ra sức ôm con vào lòng, có người thì giống con chim ưng, ra sức đẩy con ra ngoài. Rốt cuộc kiểu mẹ chồng nào là tốt đây?

4.

Buổi sáng, Hy Lôi kiểm tra xong bản thảo, uống nước nghỉ ngơi, một tin tức có liên quan về “Phân nhà phúc lợi” trên báo thu hút sự chú ý của cô.

- Tiểu Lộc, tớ đọc cho cậu nhé: 10 năm sau khi ngừng việc phân nhà phúc lợi ở Trung Quốc, vẫn có một lượng lớn người sống bên ngoài cơn sóng của giá nhà đất tăng cao, được hưởng sự ưu đãi và thuận tiện do chế độ phân nhà mang lại. Rất nhiều cơ quan của Đảng, quân đội, trường học chuyên nghiệp, doanh nghiệp quốc doanh lớn đều liên tục áp dụng các hình thức “tự xây nhà”. Những cơ cấu mang màu sắc “cơ quan quốc gia” này đều đang dùng danh nghĩa của “nhà nước” để chiến thắng giá nhà đang ngày một tăng cao.

Tiểu Lộc lên tiếng:

- Chỉ là một hình thức khác của phân nhà phúc lợi thôi mà, nhưng những cơ quan có nhà phúc lợi cho nhân viên cũng được lắm, sao chúng ta không may mắn như thế nhỉ! Bao giờ tớ mới được ở nhà mới, thoát khỏi cái ổ chó hiện nay đây, để tớ cho bà mẹ chồng ích kỷ của tớ biết mặt.

Hy Lôi cũng cảm thán:

- Đúng thế, có nhà rẻ thì tớ cũng mua một căn, thế thì không cần phải để ý tới sắc mặt của mẹ chồng nữa, cũng không cần phải giấu giếm thuốc tránh thai với bao cao su nữa. Tớ cũng có thể mời bạn bè tới nhà uống trà, ăn cơm.

Không ngờ chuyện nhà cửa mà hai người bàn bạc với nhau buổi sáng, ngay buổi chiều đã được đưa vào cuộc họp, và là một tin tức tốt khiến mọi người đều phấn chấn. Tổng biên tập nói, đơn vị cấp trên mới xây một số căn hộ ở khu vực vành đai 3 phía Nam, nhà lớn, nhỏ, vừa đều có, sẽ bán ra với giá “kinh tế” nhất. Tòa soạn báo và các đơn vị có liên quan cấp dưới đều sẽ được chia một lô.

Tin này vừa thông báo, mọi người đã thì thầm bàn tán với nhau, ai cũng vô cùng hứng khởi. Bất luận là lúc nào, việc mua nhà với người Trung Quốc mà nói đều là việc lớn, mà mua được nhà giá rẻ thì đúng là việc lớn mà họ luôn mơ ước. Ai cũng biết, giá nhà có hỗ trợ của cơ quan có nghĩa là gì.

Kết thúc, Tổng biên tập lại bổ sung thêm một câu:

- Ai có ý định mua nhà thì trước khi tan ca tới phòng chủ nhiệm để đăng ký.

Còn chưa hết giờ làm, Tiểu Lộc đã kéo Hy Lôi đi đăng ký. Cô đăng ký luôn một căn nhà hai phòng ngủ. Hy Lôi trù trừ một lát rồi cũng đăng ký một căn hộ nhỏ.

Lúc ở cơ quan đi ra, Hy Lôi hỏi:

- Cậu có tiền không? Mặc dù rất rẻ nhưng cũng phải mười mấy vạn đấy.

- Yên tâm đi, chỉ cần có một căn nhà vừa ý thì đi vay thêm cũng được. Tớ chịu đủ cuộc sống trong căn nhà đó rồi. - Tiểu Lộc thở phào một hơi, cứ như thể ước mơ đã được thực hiện, hòn đá đè nặng trong tim đã được bỏ xuống.

Trong lòng Hy Lôi thì vẫn do dự, chút tiền của cô đã đầu tư cổ phiếu, cho dù lấy hết ra thì cũng không đủ, không biết nhà Hứa Bân có chịu bỏ ra thêm một chút không.

Buổi tối khi ăn cơm, Hy Lôi vẫn do dự không biết có nên nói ra hay không.

Bố chồng ăn cơm xong thì ngồi đọc báo, vô tình nói với mẹ chồng:

- Anh thấy trên báo nói gần đây thị trường cổ phiếu không ra sao cả! Cứ chia liên tục như thế này thì có khi tiền vốn cũng chẳng còn.

- Thế thì làm thế nào, tiền để trong ngân hàng chẳng được bao nhiêu lãi, vả lại em số may, hai năm nay cổ phiếu mà em mua chẳng có cái nào giảm cả.

- Giảm thành xu thế chung rồi, không giảm chỉ là tạm thời thôi.

- Hay là rút tiền ra, mua căn nhà, nhà sau này sẽ lên giá. Hơn nữa anh nghĩ, lúc nào đó đón bố mẹ lên, nhà ở đây cũng không đủ sống, hay là mua cho vợ chồng Hứa Bân một căn nhà phòng khi cần dùng.

Mẹ chồng vừa nghe nói vậy đã lập tức phản đối:

- Mua nhà để đầu tư thì em không có ý kiến, nhưng còn đón bố mẹ anh lên thì đừng có mơ! Em không sống với họ đâu.

Bố chồng cũng chỉ nói thế để thăm dò, nay thấy bà phản ứng kịch liệt như thế thì lại nói:

- Được rồi, ăn cơm đi, coi như anh chưa nói gì.

Hy Lôi lúc này mới thận trọng nói:

- Bố, nếu muốn mua nhà thì hay là mua ở cơ quan con, 1m2chưa tới 2000 tệ, rất rẻ, nếu nhà ở cùng khu vực đó phải hơn 3000 cơ.

Mẹ chồng vừa nghe nói thế, mắt đã sáng lên:

- Sao không nói sớm! Ở chỗ nào, có những kiểu nhà ra sao?

Hứa Bân cũng rất có hứng thú, hỏi hết chuyện này đến chuyện khác.

Hy Lôi bèn kể về tình hình mà Tổng biên tập vừa công bố lúc sáng và tình hình nhà đất mà mình được biết cho mọi người nghe, cả nhà đều cảm thấy rất được, có thể suy nghĩ, đều thống nhất là bảo Hy Lôi cứ đăng ký một căn.

Mẹ chồng khảng khái nói:

- Tiền thì không phải lo, theo như giá mà con nói thì nhà mình có thể trả được hết, không lo.

Hy Lôi lúc này mới yên tâm. Buổi tối nằm trên giường, tâm trạng cô vô cùng thoải mái, dường như sắp được vào ở nhà mới đến nơi, bèn mơ mộng:

- Nghe nói nhà đó đã làm trần rồi, chỉ cần trang trí lại một chút là bọn mình có thể được ở nhà mới rồi, sống thế giới chỉ có hai chúng ta rồi.

- Xem em tưởng bở kìa.

5.

Ngày giao nhà đang đến gần, vì là nhà nội bộ của cơ quan, không thể trả góp, nên ngày nào Tiểu Lộc cũng vô cùng bận rộn, vay mượn khắp nơi, cứ tới giờ cơm trưa là lại thấy Tiểu Lộc gọi điện thoại cho bạn học cũ, họ hàng gần xa, thậm chí cả những người bạn mới quen trên mạng:

- Cậu có tiền thừa không, cho tớ vay một chút. Mua nhà mà! Trả cậu nhanh thôi. Rốt cuộc là cậu có hay không?

- OK! - Tiểu Lộc cúp điện thoại rồi ngồi xuống.

- Đủ tiền rồi à.

- Không vấn đề gì nữa, tớ để dành được bốn, năm vạn, mẹ tớ cho năm vạn, không cần trả, một ông anh họ cho vay ba vạn, chồng tớ cũng vay của bạn bè một ít, tương đối rồi. Mẹ anh ấy thì không cho một xu. Tức chết lên được. Bà ấy nói đã nuôi con trai thành người, hoàn thành nhiệm vụ, hết trách nhiệm rồi, bây giờ là lúc bà ấy hưởng thụ. Bà ấy có tiền chỉ để hưởng thụ thôi, nói năm nay sẽ đi du lịch châu Âu 10 ngày.

- Được rồi, đừng giận nữa, dù sao cũng giải quyết xong rồi.

- Cậu thì sao?

- Nhà anh ấy đồng ý bỏ tiền ra, tớ không phải lo nữa.

Tiểu Lộc vừa nghe thấy thế đã chép miệng:

- Còn nói nhà người ta không tốt, thấy chưa, cậu chẳng phải lo lắng gì, sướng biết bao. - Hy Lôi nghĩ lại cũng thấy đúng.

Buổi tối trên bàn ăn, nói tới chuyện hôm sau sẽ giao nhà, mẹ chồng nói:

- Tiền mẹ chuẩn bị xong xuôi rồi, sáng sớm mai cùng đi ngân hàng rút!

Ăn cơm xong, Hy Lôi vui vẻ đi rửa bát.

Bố mẹ chồng đã ra ngoài nói chuyện với Hứa Bân.

Một lát sau mẹ chồng bước vào, lục tìm cái gì đó trong tủ lạnh, rồi lại ngó vào giỏ thức ăn, giả vờ như rất bình thường, cuối cùng thu hết dũng khí để hỏi:

- Nhà ở cơ quan con mua rồi thì ghi tên ai?

Hy Lôi cũng chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, trả lời luôn:

- Con ạ.

- Không thể viết tên Hứa Bân à?

- Không ạ, đây là nhà bán trong nội bộ cơ quan, chỉ có thể ghi tên của nhân viên cơ quan thôi, có phải nhà thị trường đâu.

- À.

Mẹ chồng hỏi xong lại đi ra ngoài.

- Mẹ nói câu này con đừng giận nhé, mẹ chỉ nói nếu thôi, nếu con với Hứa Bân không ở được với nhau, phải ly hôn, thì căn nhà đó là của ai?

- Cái này chắc là tài sản chung, mẹ hỏi Hứa Bân xem, anh ấy học luật mà. Vả lại đang sống yên lành thế này, sao tự nhiên lại ly hôn!

Mẹ chồng lại ra ngoài rồi không thấy quay vào nữa.

Buổi tối khi đã đi ngủ, Hy Lôi thấy lo lắng bèn hỏi Hứa Bân:

- Mẹ anh vừa nãy hỏi em, nhà đứng tên ai, ly hôn thì là của ai là có ý gì? Sợ em ly hôn với anh để nuốt chửng cái nhà à? Bà ấy có phải hối hận rồi, không muốn bỏ tiền ra nữa không?

- Người già mà, nghĩ nhiều, vất vả kiếm tiền nên hỏi thế thôi.

Buổi sáng ngủ dậy, mẹ chồng không hề dậy sớm như mọi khi. Hy Lôi bảo Hứa Bân vào giục bà, Hứa Bân bước vào một lát rồi đi ra nói, mẹ không khỏe, để lát nữa bà đi rút tiền rồi mang thẳng tới cơ quan cô. Hy Lôi thấy nói thế thì cũng không nghĩ ngợi gì, vội vàng đi làm.

Ở cơ quan chờ mãi, đã hơn 10 giờ mà không thấy mẹ chồng mang tiền đến. Hy Lôi hơi sốt ruột, bèn gọi điện cho Hứa Bân, Hứa Bân nói là để anh hỏi xem sao. Chỉ hỏi một câu mà hơn nửa tiếng sau không thấy gọi điện thoại lại. Hy Lôi lại gọi điện thoại cho Hứa Bân, Hứa Bân ấp úng:

- Mẹ anh nói tiền còn mắc trong cổ phiếu, bây giờ mà rút ra thì tổn thất nhiều lắm.

Hy Lôi nghe vậy càng ruốt ruột hơn:

- Thế là có ý gì, chẳng phải đã hứa rồi sao, lúc trước mẹ anh nói gì? Không chịu cho thì nói rõ ra, sao ban đầu còn hứa với em!

- Có phải là không đồng ý cho đâu, tại bị kẹt trong cổ phiếu mà! - Hứa Bân vẫn biện giải cho mẹ mình.

- Thế còn ba vạn của em đâu, lấy ra cho em, em đi vay thêm, không cần nhà anh nữa, được chưa?

- Chỗ đó đủ làm sao được, em định đi đâu vay, trả thế nào? Anh không muốn mang nợ vào người đâu. Anh không trả nợ cho em đâu!

- Hứa Bân, anh là đồ khốn nạn! - Cúp điện thoại, Hy Lôi nằm bò ra bàn, giận tới mức ứa nước mắt. Các đồng nghiệp thấy Hy Lôi vốn thường ngày hòa nhã, dễ tính, nay lại chửi người khác thì ai cũng lựa lời an ủi.

Hy Lôi không muốn thể hiện sự yếu đuối của mình trước mặt mọi người, không muốn để người khác nhìn thấy cuộc hôn nhân đã thủng lỗ chỗ của mình, đành phải lấy lại tinh thần, nhẹ nhàng nói:

- Không sao đâu!

Chuyện mua nhà đã thất bại vào phút cuối cùng quan trọng nhất, về tới nhà, mẹ chồng cũng không nói lấy nửa chữ về việc này, cứ như thế chưa bao giờ đồng ý, cũng chưa bao giờ hối hận. Mối quan hệ giữa Hy Lôi với mẹ chồng rơi vào một vòng tròn kỳ quái, dường như ở giữa cách một cánh cửa, nhưng không ai chịu mở ra, không khí ở nhà cứ buồn bã, tù túng.

Mối quan hệ với Hứa Bân cũng trở nên khó chịu, buổi tối bước vào phòng, vừa nhìn thấy Hứa Bân, cô đã thấy một nỗi tức giận vô cớ, cô thấy buồn, muốn nổi giận với anh, nhưng rồi lại chỉ rơi nước mắt. Hứa Bân đã bực mình lắm rồi, thấy Hy Lôi khóc, anh lại chế giễu:

- Bệnh trầm cảm lại tái phát à?

Không lâu sau, cơ quan bố chồng cũng bán nhà nội bộ, mẹ chồng bỏ ra một khoản tiền thanh toán hết một lần, giá nhà đắt hơn 200 tệ so với giá bán ở cơ quan Hy Lôi. Không ai nói với Hy Lôi chuyện này, khi họ cầm sơ đồ nhà để nghiên cứu, cũng không ai hỏi ý kiến Hy Lôi, giây phút đó, cuối cùng cô cũng hiểu ra, mình dù sao cũng chỉ là một người ngoài.

Buổi tối, Hy Lôi dậy uống nước, đi qua phòng khách, thấy đèn trong phòng bố mẹ chồng vẫn sáng, bên trong vang lên tiếng nói chuyện. Hy Lôi nổi tính tò mò, bèn rón rén chân, ghé tai nghe vài câu, cuối cùng cô cũng hiểu nguyên nhân vì sao mẹ chồng không chịu bỏ tiền ra mua nhà cho cô.

- Đắt thì đắt một chút! Còn hơn là mua cho nó, nhỡ ly hôn thì mười mấy vạn tệ của nhà mình phải chia cho người ta một nửa. Hừ, cái này thì em hiểu chứ. - Giọng của mẹ chồng.

- Em thật là, nhà mình rồi sổ tiết kiệm đều là tên em, ai em cũng đề phòng. - Giọng của bố chồng.

- Ngủ đi, ngủ đi.

Về phòng, Hứa Bân đã ngủ say. Cô tắt đèn, cảm giác đau đớn thắt nghẹn tim. Cô nghĩ thầm, lúc nào đó cô tìm một lý do hợp lý để đòi ba vạn tệ của mình về mới được, mẹ chồng nói đúng, ai cũng phải đề phòng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.