Sói Thảo Nguyên

Chương 12




Tôi thấy, trong một thoáng ngắn ngủi, gã Harry quen thuộc, chỉ khác là với khuôn mặt tươi cười, rạng rỡ, vui vẻ khác thường. Nhưng tôi vừa mới nhận ra hắn thì hình ảnh hắn đã vỡ vụn, một hình thứ hai tách khỏi hắn, hình thứ ba, thứ mười, thứ hai mươi và rồi tấm gương không lồ đầy những Harry hay những mảnh Harry, vô số Harry, mà mỗi cái tôi đều chỉ nhìn qua và nhận ra trong chớp nhoáng. Vài cái trong vô vàn hình ảnh Harry này cũng cỡ tuổi tôi, một số gài hơn, một số già khú đế, số khác trẻ măng, những thanh niên, những thiếu niên, những học trò, những nhóc con, những đứa bé. Những Harry năm mươi tuổi và hai mươi tuổi chạy nhảy tung tăng, những Harry ba mươi tuổi và năm tuổi, đạo mạ và vui nhộn, nghiêm trang và buồn cười, áo quần lịch sự và rách rưới, có cả trần truồng, hói trọc và tóc quăn dài, và tất cả đều là tôi; mỗi hình ảnh ấy đều được tôi nhìn và nhận ra nhanh như chớp, rồi biến mất, chúng chạy tứ tung, sang trái, sáng phải, vào sâu trong tấm gương, từ trong gương chạy ra. Một gã, một chàng trai trẻ trung thanh lịch, vừa cười vừa nhảy bổ vào Pablo, ôm choàng anh rồi cùng anh bỏ chạy. Và một cậu mà tôi đặc biệt thích, một cậu xinh xắn, duyên dáng, khoảng mười sáu hay mười bảy tuổi, chạy ào như chớp vào hành lang, đọc ngấu nghiến những câu viết trên mọi cánh cửa; tôi chạy theo; cậu dừng lại trước một cánh cửa, trên đó tôi đọc thấy dòng chữ

Mọi đàn bàm con gái đều là của bạn

Bỏ một đồng mark vào khe

Cậu bé dễ thương này nhảy phóc lên một cái, chui tọt đầu vào khe bỏ tiền rồi mất dạng sau cánh cửa.

Cả Pablo cũng biến mất, dường như cả tấm gương cũng biến mất luôn cùng với vô số hình ảnh Harry. Tôi cảm thấy giờ đây bị phó mặc cho chính mình cùng với hí viện, nên tò mò lân la hết cửa này sang cửa khác, đọc trên mỗi cánh cửa một câu viết, một cám dỗ, một lời hứa hẹn.

Hàng chữ:

Hãy tham dự cuộc săn thú vị!

Săn bằng ô tô

đã cám dỗ tôi. Tôi mở cánh cửa hẹp và bước vào. tức thì tôi bị cuốn vào một thế giới ồn ào và kích động. Những chiếc ô tô, có cái bọc thép, săn đuổi khách bộ hành trên đường phố, cán họ nát như tương hoặc ép bẹp gí vào những tường nhà. Tôi hiểu ngay: đó là cuộc chiến đấu giữa con người và máy móc, được chuẩn bị từ lâu, chờ đợi từ lâu, lo sợ từ lâu, nay cuối cùng đã bùng nổ. Ngổn ngang xác chết và những thây người nát bét, cả xác những chiếc xe bị đập phá, cong quep, cháy nham nhở; máy bay lượn vòng trên khung cảnh lộn xộn đáng sợ này, ngay cả chúng cũng bị súng săn và súng máy nã đạn từ những mái nhà và cửa sổ. Những tấm bích chương tuyệt đẹp đầy kích động tựa ngọn đuốc hừng hực, chữ thật to, treo cùng khắp mọi bức tường kêu gọi Nhà nước cuối cùng hãy bảo vệ con người chống lại máy móc, hãy đập chết bọn nhà giàu phì nộn, ăn mặc bảnh bao, thơm nức, bọn đã dùng máy móc vắt kiệt mỡ người khá, hãy phá tan những chiếc ô tô to ồn ào, gầm gừ, rền rĩ dữ dội của chúng, hãy đốt nhà máy của chúng, hãy don quang Trái Đất bị ô uế này và làm giảm số dân để cây cối lại mọc, để rừng rậm, bãi cỏ, đồng hoang, suối lạch và đầm lầy có thể tái sinh từ cái thế giới xi măng bụi bặm. Ngược lại, có những bích chương khác được vẽ thật đẹp, cách điệu hóa tuyệt vời, màu dịu, ít ngây ngô hơn, mang những hàng chữ thông minh ý nhị, cảnh báo một cách xúc động mọi kẻ sở hữu và mọi người có lý trí trước sự hỗn loạn có thể xảy ra của tình trạng vô chính phủ; chúng minh họa thật ấn tượng rằng có được trật tự, việc làm, sở hữu, văn hóa, pháp luật là cả một sự may mắn; chúng ca ngợi máy móc là phát minh mới nhất và cao siêu nhất của con người, nhờ máy móc mà con người sẽ trở thành thần thánh. Tôi trầm ngâm và thán phục đọc những tấm bích chương, những tấm màu đỏ và những tấm màu lục; giọng điệu hùng biện sôi nổi, logic áp chế của chúng cực kỳ tác động lên tôi: chúng có lý và tôi rất được thuyết phục lúc đứng trước tấm này hay tấm khác, nhưng cứ bị tiếng súng liên hồi khá giòn giã chung quanh quấy rầy không ít. Thế đấy, vấn đề chính đã sáng tỏ: đó là chiến tranh, một cuộc chiến tranh khốc liệt, cuồng nhiệt và hết sức khả ái, không phải vì Hoàng đế, nền Cộng hòa, biên cương, cờ quạt, màu sắc cùng những thứ bề ngoài và kệch cỡm, cơ bản vặt vãnh tương tự, mà một cuộc chiến trong đó ai thấy thiếu không khí để thở, thấy cuộc sống không còn thích hợp nữa, đều biểu lộ xác đáng sự bực bội của mình và nỗ lực dọn đường cho sự hủy diệt toàn thể cái văn minh bằng sắt thép này. Tôi thấy mọi đôi mắt đều rạng rỡ và chân thành toát ra vẻ thích thú được phá hủy, giết chóc; trong lòng tôi bừng nở những bông hoa dại đỏ, cao lớn, mập mạp và mơn mởn tười cười. Tôi vui vẻ tham gia chiến đấu.

Nhưng điều tuyệt vời hơn cả là Gustav, người bạn học tôi không gặp đã mấy chục năm nay, đột nhiên xuất hiện bên cạnh tôi; anh là người hiếu động nhất, khỏe nhất và liều lĩnh nhất trong số các bạn thời niên thiếu của tôi. Tim tôi rộn rã vui khi thấy anh lại nheo đôi mắt màu xanh nhạt với tôi. Anh vẫy và tôi hớn hở theo liền.

"Trời đất ơi, Gustav," tôi sung sướng kêu lên, "thế là lại được gặp cậu! Cậu đã trở thành ông gì rồi?"

Anh cười gằn, y như hồi nhỏ.

"Cái thằng! Cứ phải hỏi và tán dóc ngay à? Tớ trở thành giáo sư thần học rồi; đấy, nay cậu biết rồi nhé; nhưng may phước bây giờ không còn môn thần học nào nữa, mà chiến tranh. Nào!"

Anh bắn gục xuống đường người lái một chiếc xe con vừa mới phì phò chạy về phía chúng tôi; rồi vọt nhanh như vượn lên xe, phanh lại cho tôi đoạn chúng tôi phóng như điên qua những lằn và nhũng chiếc xe lật nhào, ra khỏi thành phố, về vùng ngoại ô.

"Cậu theo phe bọn chủ xí nghiệp à?" tôi hỏi bạn tôi.

"Chà chà, đó là vấn đề sở thích, ra tới ngoài kia mình sẽ tính. Ấy không, khoan đã, tớ lại muốn mình chọn phe kia hơn, dù về cơ bản đương nhiên như nhau thôi. Tớ là nhà thần học và ngày xưa tổ sư Luther[6] của tớ đã giúp đám vương hầu và bọn nhà giàu chống lại nông dân, bây giờ mình hãy sửa sai một chút. Xe này cà chớn quá, hy vọng nó chạy nổi vài cây số nữa!"

[6] Martin Luther (1483 - 1546), tu sĩ người Đức dòng Augustin. Ngày 31.10.1517m ông đã dán bố cáo trên cổng nhà thờ chính tòa ở Wittenberg lên án 95 năm tệ nạn của Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã thời bấy giờ (như bán chức sắc mọi cấp thuộc hàng giáo phẩm, bán giấy xá tội để được lên Thiên đường...) kêu gọi Nhà thờ cải cách, được đông đảo nông dân Đức nồng nhiệt hưởng ứng. Nhưng khi nông dân Đức nổi loạn chống lại giới lãnh chúa qu1y tộc và Nhà thờ, họ không được Luther ủng hộ, vì ông không cổ súy cách mạng! Song, những tư tưởng cải cách của Luther đã đưa đến sự ra đời của một tôn giáo mới: đạo Tin Lành.

Như đứa con của trời cao, nhanh như gió, xe chúng tôi lọc cọc vọt đi nhiều dặm, lăn vào một vùng quê xanh mướt yên tĩnh, qua một bình nguyên rộng lớn rồi từ từ leo lên một rặng núi khổng lồ. Nơi đây chúng tôi dừng xe trên một con đường nhẵn nhụi, sáng loáng với những khúc quanh hiểm trở vòng vèo giữa sườn đá dốc đứng và một bức tường chắn thấp tè. Dưới kia là một hồ nước xanh lấp lánh.

"Vùng này đẹp thật," tôi nói.

"Rất đẹp. Mình có thể gọi nó là 'con đường của những trục xe' được, vì sẽ có nhiều loại trục xe bị gãy ở đây. Nhóc Harry, xem này!"

Một cây thông to sừng sững bên đường; chúng tôi thấy trên tán cây có thứ gì dựng bằng ván, như thể một chòi canh và chỗ quan sát. Gustav cười rạng rỡ nhìn tôi, ranh mãnh nháy đôi mắt xanh và hai chúng tôi vội vã ra khỏi xe, leo phóc lên cây, thở hổn hển náu minh trong cái chòi canh mà chúng tôi rất thích. Chúng tôi tìm thấy trong đó súng săn, súng lục và những thùng đạn. Chúng tôi vừa mới nghỉ ngơi được một tí và chuẩn bị cho cuộc s8n bắn thì đã nghe vang lên từ khúc quanh gần nhất tiếng còi khàn khàn và hống hách của một chiếc xe to sang trọng đang phóng ào ào trên con đường núi bóng loáng. Tay chúng tôi đã nâng sẵn súng săn. Căng thẳng tuyệt vời.

"Nhắm gã tài xế!" Gustav nhanh chóng ra lệnh, vừa lúc chiếc xe nặng nề chạy qua phí dưới chúng tôi. Tôi nhắm vào gã lái xe đội mũ lưỡi trai màu xanh và bóp cò. Người đàn ông ấy gục xuống, chiếc xe sẵn đã phóng tới, húc vào sườn đá, dội lại, giận dữ tông mạnh vào bờ tường thấp tựa một con tôm hùm to béo, lật ngược rồi lăn qua bức tường, rơi xuống vực với một tiếng nổ ngắn khe khẽ.

"Xong!" Gustav cười. "Tớ sẽ thầu tay tài xế chiếc xe tới."

Chưa gì đã thêm một chiếc xe khác chạy tới với ba hoặc bốn hành khác ngồi trong nhỏ thó trên ghế nệm; một chéo khăn màu xanh nhạt trên đầu người thiếu phụ bay thẳng tắp ra saul quả thật tôi thấy thương hại nó, biết đâu nó chẳng đang được ôm ấp khuôn mặt tươi cười kiều diễm nhất thế gian. Chúa ơi, một khi đã chơi trò thảo khấu, chúng tôi nên noi theo những tấm gương vĩ đại, không háo sát đối với đàn bà, con gái đẹp thì có lẽ đúng đắn và đáng khen hơn. Nhưng Gustav đã lấy cò. Người tài xế giãy lên rồi gục xuống, chiếc xe chồm lên vách đá thẳng đứng, dội lại, lật nhào xuống đường, chổng bốn bánh lên trời. Chúng tôi chờ, chẳng thấy gì nhúc nhích, mọi hành khách nằm im lìm dưới chiếc xe như trong một cáí bẫy. Nó vẫn còn kêu rì rì, lạch cạch, bốn bánh quay kỳ dị trong không khí; đột nhiên nó phát nổ dữ dội và bốc lửa sáng lóa.

"Một chiếc Ford," Gustav nói. "Mình phải chạy xuống đấy, dọn cho trống đường."

Chúng tôi leo xuống ngắm nghía cái đống đang cháy phừng phừng. Chẳng mấy chốc nó cháy rựi. Trong lúc đó chúng tôi dùng cây con làm đòn, bẩy nó sang một bên rồi qua vệ đường xuống vực, lát sau vẫn còn nghe tiếng các bụi cây gãy răng rắc. Lúc xe lăn, hai trong số những người chết văng xuống đường, y phục cháy sém. Áo vét của một người còn khá nguyên vẹn; tôi lục tìm trong các túi áo vét để may ra biết được ông ta là ai, thấy một cái cặp da đựng giấy với những danh thiếp. Tôi lấy một tấm, đọc hàng chữ trên đó: "Tat twam asi."[7]

[7] Tiếng Phạn, "Đó chính là bạn đấy." Theo Áo nghĩa thư - sách chú giải ý nghĩa uyên áo Kinh Vệ Đà của đạo Bà La Môn - câu này có nghĩa: cái thân tính, cái Tuyệt đối ở ngay trong tâm của chúng ta.

"Dí dỏm gớm" Gustav nói. "Nhưng thật ra bọn người bị mình giết tên gì cũng thế thôi. Họ đều là những con quỷ đáng thương như chúng ta, thì tên gọi nào đáng kể gì. Thế giới này phải bị phá hủy, cùng với cả chúng ta nữa. Dìm cái thế giới này xuống nước được mười phút hẳn sẽ là giải pháp nhẹ nhàng, êm ái nhất. Nào, bắt tay vào việc thôi!

Chúng tôi đẩy các xác chết xuống theo xe. Chưa gì đã lại thấy một chiếc xe nữa nhấn còi chạy tới. Chúng tôi đứng trên đường bắn ngay. Nó loạng choạng như người say rượu một đoạn nữa rồi lật nhào, nằm thở hồng hộc. Một người ngồi bất động trong xe, một thiếu nữ xinh xắn chui ra, hoàn toàn lành lặn, dù cô run lẩy bẩy và mặt mũi nhợt nhạt. Chúng tôi thân mật chào cô và ngỏ ý sẵn sàng giúp đỡ. Cô ấy quá khiếp hãi, không thốt nên lời, chỉ chòng chọc nhìn chúng tôi một lúc như bị loạn trí.

"Nào, trước hết mình xem ông già ra sao cái đã," Gustav nói rồi quay qua ông khách vẫn còn ngồi rịt trên chiếc ghế sau lưng người tài xế đã chết. Đó là một người đàn ông tóc ngắn, hoa râm, đôi mắt xám nhạt thông minh vẫn mở, song dường như đã bị thương nặng, ít nhất miệng đã ứa máu, cổ lệch đi và cứng đờ thật kỳ dị.

"Thưa ông, xin được giới thiệu tôi tên là Gustav. Chúng tôi đã tự phép bắn chết người tài xế của ông. Xin mạn phép hỏi chúng tôi hân hạnh được hầu chuyện cùng ai ạ?"

Đôi mắt nhỏ và xám của ông già lạnh lùng và buồn bã nhìn chúng tôi.

"Tôi là Loering, công tố viên tòa án phúc thẩm," ông chậm chạp nói. "Các ông không chỉ giết người tài xế đáng thương của tôi, mà cả tôi nữa; tôi cảm thấy sắp chết rồi. Vì sao các ông lại bắn chúng tôi?"

"Vì xe chạy quá nhanh."

"Chúng tôi chạy vận tốc bình thường."

"Điều ngay hôm qua là bình thường thì hôm nay không bình thường nữa, thưa ông công tố viên. Hôm nay chúng tôi quan niệm rằng mọí vận tốc mà một chiếc xe có thể chạy đều là quá nhanh. Bây giờ chúng tôi phá hủy xe ô tô, hết thảy, và cả những máy móc khác nữa."

"Cả súng săn của các ông?"

"Rồi sẽ đến lượt chúng, nếu chúng tôi còn đủ thời gian. Có thể ngày mai hay ngày kia tất cả chúng ta đều bị tiêu diệt. Ông biết rằng Trái Đất của chúng ta tràn ngập người đến mức kinh tởm mà. Đấy bây giờ nó sẽ lại có không khí để thở."

"Nghĩa là các ông bắn bừa bãi bất kỳ ai?"

"Tất nhiên. Đối với một số người thì chắc chắn điều ấy có thể là đáng phàn nàn. Chẳng hạn tôi sẽ lấy làm tiếc, nếu chuyện đó xảy ra với cô gái trẻ xinh đẹp này. Hẳn cô đây là ái nữ của ông?"

"Không, cô ấy là nữ tốc ký của tôi."

"Càng hay. Bây giờ mời ông xuống hoặc để chúng tôi kéo ra khỏi xe, vì nó sẽ bị phá hủy."

"Tôi thích bị phá hủy cùng với nó hơn."

"Tùy ý ông thôi. Xin phép được hỏi câu nữa! Ông là công tố viên. Tôi luôn không hiểu nổi làm sao người ta lại có thể trở thành công tố viên được. Ông sống nhờ vào việc ông buộc tội người khác, phần lớn là những kẻ khốn khổ, và kết án họ. Đúng thế không?"

"Đúng thế. Tôi làm nhiệm vụ của mình. Đó là chức trách của tôi. Giống như chức trách của đao phủ là hành quyết những kẻ bị tôi kết án. Chính các ông cũng nhận cùng chức trách ấy. Các ông cũng giết người vậy."

"Đúng. Chỉ khác là chúng tôi không giết vì nhiệm vụ, mà vì vui thú, hay đúng hơn: vì bất mãn, vì tuyệt vọng thế giới này. Vì thế việc giết người khiến chúng tôi thích thú đôi chút, Chẳng lẽ nó chưa từn làm ông vui thú?"

"Ông làm tôi chán ngáy. Ông vui lòng kết thúc công việc cùng mình đi thôi, Nếu ông không biết khái niệm nhiệm vụ...:

Ông ta im lặng và dẩu môi như thể muốn nhổ. Nhưng chỉ khạc ra được tí máu, dính ở cằm.

"Khoan đã!" Gustav lịch sự nói. "Đương nhiên tôi không biết khái niệm nhiệm vụ, không biết nữa. Trước đây, do chức trách nên tôi liên quan nhiều với nó, tôi vốn là giáo sư thần học mà. Ngoài ra từng là lính và đã tham gia chiến tranh. Cái đối với tôi dường như là bổn phận và cái tôi bị những kẻ quyền uy và cấp trên ra lệnh đều chẳng tốt lành gì, tôi luôn ao ước được làm ngược lại. Song cho dù tôi không còn biết khái niệm bổn phận đi nữa, tôi vẫn biết khái niệm tội lỗi - có thể hai khái niệm này là một thôi. Bởi tôi được một bà mẹ sinh ra nên tôi có tội, bị kết án phải sống, bắt buộc phải làm dân một đất nước, làm lính, giết người, đóng thuế để vũ trang quân đội. Giờ đây, trong giây phút này, lầm lỗi của đời sống lại khiến tôi một lần nữa phải giết người, như trong cuộc chiến tranh trước kia. Và lần này tôi không giết người với lòng ghê tởm nữa, tôi cam chịu tội lỗi; tôi hoàn toàn không phản đối gì việc thế giới ngu xuẩn, đầy nhóc này vỡ tan thành mảnh vụn, tôi còn muốn giúp sức vào nữa, và thích thú được tan rã theo."

Công tố viên gắng sức mỉm cười với đôi môi bết máu. Không thành công lắm, nhưng rõ ràng ông ta đã nỗ lục.

"Tốt lắm," ông ta nói. "Vậy thì chúng ta là đồng nghiệp. Thưa đồng nghiệp, ông vui lòng làm nhiệm vụ của mình đi thôi."

Trong lúc đó cô gái xinh xắn đã ngồi xuống vệ đường và ngất xỉu.

Đúng lúc ấy lại một chiếc xe ấn còi và phóng hết tốc độ tới. Chúng tôi kéo cô gái qua bên một chút rồi đứng nép người vào vách đá, mặc cho chiếc xe đang chạy tới húc vào xác chiếc xe cũ. Nó phanh gắt, lồng lên rồi dừng lại không suy suyển. Chúng tôi lẹ làng cầm súng săn chĩa vào những người mới.

"Xuống xe!" Gustav ra lệnh. "Giơ tay lên!"

Ba người đàn ông xuống xe, ngoan ngoãn giơ cao tay.

"Có ai trong các ông là thầy thuốc không?" Gustav hỏi.

Họ lắc đầu.

"Vậy các ông vui lòng thận trọng đưa ông đây ra khỏi xe, ông ấy bị thương nặng. Rồi lấy xe của các ông chở ông ấy tới thành phố gần nhất. Nào, làm đi!"

Chẳng mấy chốc ông già được đặt nàng trong chiếc xe kia; Gustav ra lệnh và họ phóng đi ngay.

Trong lúc đó cô tốc ký của chúng tôi đã hồi tỉnh và quan sát các diễn biến. Tôi thích thú vìa đã bắt được con mồi xinh đẹp này.

"Này cô," Gustav nói, "cô đã mất chủ rồi. Hy vọng ngoài việc đó ra ông ta không phải là gì thân thiết của cô. Bây giờ cô giúp việc cho tôi; hãy là một chiến hữu tốt của chúng tôi! Thế nhé, bây giờ khẩn trương lên một chút. Nơi đây sẽ mau chóng trở nên bất tiện. Cô biết leo không? Được à? Vậy cô leo đi, chúng tôi theo hai bên, hỗ trợ cô."

Ba chúng tôi leo, nhanh nhất có thể, lên chiếc chòi. Tới bên trên, cô thấy nôn nao, nhưng sau khi được uống Cognac, cô nhanh chóng hồi phục, đến độ nức nở khen cảnh trí trên hồ, trên núi và cho chúng tôi biết tên cô là Dora.

Ngay sau đó lại một chiếc xe trờ tới phía dưới kia; nó thận trọng lách qua chiếc xe bị lật, chứ không ngừng, rồi tăng tốc độ ngay.

"Đồ nhát gan!" Gustav cười, bắn người cầm lái.

Chiếc xe loạng choạng một chút, vọt đâm vào tường, xuyên qua nó rồi nghiêng lơ lửng trên vực thẳm,

"Dora," tôi nói, "cô biết sử dụng súng săn chứ?"

Cô không biết, nhưng chúng tôi chỉ cô cách nạp đạn. Mới đầu cô vụng về, làm xước chảy máu một ngón tay, gào lên khóc lên, đòi băng dán. Nhưng Gustav bảo rằng đang thời chiến và cô hãy chứng tỏ là một cô gái can trường, dũng cảm. Cô nín ngay.

"Nhưng rồi chúng ta sẽ ra sao?" cô hỏi.

"Tôi không biết," Gustav đáp. "Anh bạn Harry của tôi thích đàn bà đẹp lắm, anh ấy sẽ là bạn của cô."

"Nhưng người ta sẽ đưa cảnh sát và lính tráng tới đây, giết chết chúng ta."

"Không còn cảnh sát và những bọn đại loại như thế nữa. Chúng ta có thể chọn lựa, Dora ạ. Hoặc chúng ta bình thản ở trên này và bắn mọi chiếc xe chạy qua. Hoặc chúng ta tóm lấy một chiếc chạy đi và để bọn khác bắn chúng ta. Chọn cách nào thì cũng như nhau cả thôi. Tôi chọn ở lại đây."

Dưới kia lại một chiếc xe ấn còi lanh lảnh chạy lên. Nó bị diệt chóng vánh, nằm chổng bốn bánh lên trời.

"Lạ thật," tôi nói, "không ngờ bắn người lại có thể thú vị thế! Vậy mà trước kia tớ là kẻ chống chiến tranh!"

Gustav mỉm cười. "Đúng vậy, chẳng qua chỉ vì thế giới quá đông người. Hồi xưa người ta không nhận thấy thế đâu. Nhưng giờ đây, khi ai cũng không chỉ hít thở không khí mà còn muốn có cả ô tô nữa, người ta mời nhận ra. Dĩ nhiên điều chúng ta làm là không khôn ngoan; nó là trò nghịch ngợm, giống như chiến tranh là một trò nghịch ngợm ở mức độ gớm ghê. Rồi đây nhân loại sẽ có lúc phải học hạn chế sinh sản bằng phương cách hợp lý. Tạm thời mình phản ứng lại những tình trạng không thể chịu đựng nổi này bằng cách hơi thiếu khôn ngoan nhưng về cơ bản mình làm đúng: mình giảm bớt người."

"Phải," tôi nói, "việc chúng mình làm hhẳn là điên rồ thật, xong có lẽ đúng đắn và cần thiết. Thật chẳng hay ho chút nào, khi nhân loại quá lao tâm khổ tứ tìm cách dùng lý trí chỉnh đốn những việc mà nó hoàn toàn chưa vươn tới được. Rồi từ đó nảy ra những tư tưởng như của người Mỹ hay người Bôn-sê-vích cả hai tư tưởng này đều cực kỳ chín chắn, nhưng vì chúng quá đơn giản hóa đời sống, nên đâm ra chúng lại áp bức và bóc lột đời sống ghê gớm. Hình ảnh con người, xưa kia là một lý tưởng cao cả, nay đang trở thành một thứ sao chép vụng về. Chúng ta, những kẻ điên rồ, có thể sẽ làm nó trở thành cao quý lại."

Gustav cười đáp: "Nhóc ơi, cậu ăn nói khôn ngoan tuyệt vời; thật là thú vị và bổ ích được lắng nghe những lời thông tuệ này. Thậm chí có thể cậu khá có lý. Nhưng thôi, làm ơn nạp đạn vào khẩu súng săn của cậu đi, tớ thấy cậu hơi quá mơ mộng đấy. Bất cứ lúc nào cũng lại có thể có vài con hươu đực chạy lên đây, mình không thể bắn chết chúng bằng triết lý được, trong nòng súng phải sẵn đạn."

Một chiếc xe trờ tới, bị lật ngay, thế là đường tắc nghẽn. Một kẻ sống sót, một người đàn ông phì nộn tóc đỏ giận dữ vung tay vung chân bên những xác xe, hết trố mắt ngó xuống dưới, lại nhìn lên cao; khi phát hiện chỗ chúng tôi ẩn nấp, y vừa gầm gừ vừa chạy tới, chĩa súng lúc lên nã nhiều lần.

"Cút ngay không tôi bắn," Gustav hét xuống. Người đàn ông nhắm anh nã phát nữa. Chúng tôi liền bắn gục y bằng hai phát.

Thêm hai xe nữa bị chúng tôi bị bắn hạ. Con đường trở nên vắng lặng; dường như sự nguy hiểm của nó đã đồn xa. Chúng tôi được rảnh rang ngắm nhìn cảnh đẹp. Trong thung lũng phía bên kia hồ có một thị trấn nhỏ, khói đang bốc lên từ đó và chỉ lát sau chúng tôi thấy lửa lan từ mái nhà này sang mái nhà khác. Nghe cả tiếng súng nữa. Dora thổn tức, tôi vuốt nhẹ đôi má đẫm lệ của cô.

"Tất cả chúng ta phải chết sao?" cô hỏi. Không ai trả lời. Trong lúc đó một người bộ hành đi tới phía dưới kia, nhìn các xác xe, đi quanh hỉnh mũi ngửi, rồi cúi vào trong một chiếc, lôi ra một cái ô sặc sỡ, một xắc tay phụ nữ bằng da, một chai vang; rồi y bình thản ngồi trên bức tường, ăn gì đấy bọc giấy nhôm lấy từ xắc tay, nốc sạch rượu rồi kẹp ô dưới nách vui vẻ đi tiếp. Y thanh thản bước. Tôi bảo Gustav: "Cậu có thể bắn thủng đầu gã khả ái kia không? Lạy Chúa, tớ chịu!"

"Đâu ai đòi cậu bắn," bạn tôi lầu bầu. Nhưng chính anh cũng thấy không thoải mái trong lòng. Chỉ vừa mới nhìn thấy một con người cung cách vô hại, hiền hòa và như trẻ con, một người còn có thể sống hồn nhiên, thì mọi hành động đáng ca ngợi và cần thiết nhường ấy của chúng tôi đột nhiên dường như thành ngu xuẩn và ghê tởm. Mẹ kiếp, bao nhiêu máu đã đổ! Chúng tôi hổ thẹn. Nhưng trong chiến tranh thậm chí các viên tướng cũng đôi khi cảm thấy như thế đây.

"Chúng ta không nên ở đây lâu hơn nữa," Dora than thở, "mà nên xuống dưới kia; chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy gì đấy để ăn trong những chiếc xe. Mấy người không đói sao, hở các Bôn-sê-vích?"

Phía dưới, nơi thị trấn đang cháy kia tiếng chuông nhà thờ bắt đầu rền rĩ, náo động và đầy sợ hãi. Chúng tôi chuẩn bị leo xuống. Lúc giúp Dora leo qua lan can, tôi hôn đầu gối cô. Cô cười ré lên. Nhưng rồi những thanh gỗ bung ra và hai chúng tôi rơi vào khoảng không...

Tôi lại thấy mình đang ở trong hành lang hình móng ngựa, vẫn còn bị kích thích bởi trò phiêu lưu săn bắn vừa rồi. Và những hàng chữ lôi cuốn khắp nơi, trên hết thảy vô số cánh cửa:

Mutabor[8]

Hóa thân thành thú vật và cây cỏ bất kỳ

[8]Mutabor (tiếng Latin): tôi sẽ được hóa thân

Kamasutram[9]

[9] Kamasutram (hay Kamasutra): cổ thư Ấn Độ, khoảng thế kỷ 2 và 5, dạy nghệ thuật ái ân.

Dạy nghệ thuật yêu đương Ấn Độ

Lớp cho người mới học: 42 cách ân ái khác nhau.

Tự sát đầy hoan lạc

Cười tới chết.

Bạn muốn tâm linh hóa

Minh triết phương Đông.

Ước chi tôi có nghìn cái lưỡi!

Dành riêng cho đàn ông.

Sự suy tàn của phương Tây

Giảm giá. Vẫn mãi dẫn đầu.

Bản chất của nghệ thuật

Sự chuyển hóa từ thời gian sang không gian nhờ âm nhạc.

Cười chảy nước mắt

Phòng hài hước.

Trò chơi của người ẩn dật

Thay thế hoàn toàn cho mọi sự quảng giao.

Những hàng chữ như thế này nhiều vô số kể. Một hàng viết:

Hướng dẫn tạo dựng nhân cách

Bảo đảm thành công.

Tôi thấy thật đáng chú ý, liền bước vào.

Một căn phòng tĩnh lặng, sáng lờ mờ chào đón tôi. Một người đàn ông ngồi bệt dưới đất phương Đông, trước mặt là một bàn cờ vua thật to. Thoạt nhìn, tôi tưởng đó là anh bạn Pablo, vì ông cũng khoác một chiếc áo vét lụa sặc sỡ tương tự và đôi mắt cũng đen và long lanh y hệt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.