Sau Khi Tôi Chết, Anh Ấy Không Cưới Thêm Ai Nữa

Chương 11: 25 tuổi




25 tuổi.

Năm hai mươi lăm, Tô Uyển Uyển và Nguyễn Chính Ý tốt nghiệp thạc sĩ, bọn họ không có quan hệ ở thành phố D nên đa số thời gian đi làm đều phải cạnh tranh rất khốc liệt, chuyện tìm việc xem ra còn cần phải từ từ.

Bọn họ thuê một ngôi nhà trong khu phố cũ gần trung tâm thành phố, tuy không lớn nhưng cũng đủ cho cuộc sống hai người.

Hai người ở cùng nhau, bố mẹ hai bên đều vô cùng yên tâm.

Nguyễn Chính Ý nhờ có thư giới thiệu của giáo sư và sơ yếu lý lịch xuất sắc mà được nhận vào một công ty không tồi ở địa phương, chẳng qua vẫn chỉ là một nhân viên nhỏ từng bước đi lên, làm nhiều việc nhất nhưng nhận lương cũng chẳng bao nhiêu. Nhưng đối với họ, từng đó tiền cũng đủ để trang trải cuộc sống.

Tô Uyển Uyển làm trợ lý cho một công ty thiết kế, không cần thường xuyên xã giao với cấp trên như Nguyễn Chính Ý nhưng cô cũng phải bù đầu bù cổ chạy cho kịp hạn nộp bản thảo.

Bọn họ thường xuyên tăng ca, thỉnh thoảng về nhà cùng một lúc, hai người lại cùng nhau đi ăn bún xào bên ngoài khu dân cư. Trên dĩa bún xào có rất nhiều rau thơm, thịt bên trong vừa mềm vừa dai, cà rốt lẫn dưa chuột bào sợi ăn vào rất thanh mát. Chỉ cần cắn một miếng mà cảm giác cả đầu lưỡi nở hoa.

Nếu Tô Uyển Uyển tan tầm sớm sẽ dành phần cho anh một chén cơm chiên trứng, bên trong có thêm chút dăm bông và hạt ngô.

Bọn họ sẽ nằm trên giường trò chuyện một hồi, cô gối lên cánh tay anh, chưa nói được mấy câu đã gục đầu ngủ quên. Anh sờ đầu cô, nghĩ đến sắp xếp ngày mai trong công ty.

Mỗi lần Tô Uyển Uyển phát bản thảo đều làm ở phòng khách, một mình cô ngồi trên sô pha, ôm chiếc laptop cũ kỹ thường xuyên bị đơ máy, xoa xoa chiếc cổ đau đớn.

Cô ngồi trong phòng khách không bật đèn, căn phòng tối đen như mực, ánh sáng trên màn hình hắt lên mặt cô, nhìn thấy rõ quầng thâm mắt.

Lúc Nguyễn Chính Ý đi vệ sinh mới biết một mình cô ngồi lẻ loi vẽ bản thảo. Anh bật đèn, mang tới ánh đèn chùm ngả vàng không biết đã bao nhiêu năm tuổi.

“Mười hai giờ rồi, Uyển Uyển, em chưa vẽ xong à?”

Tô Uyển Uyển ngồi trên sô pha, ôm eo anh làm nũng nói “Em đang gánh nặng đường xa đó đồng chí tiểu Nguyễn à.”

Nguyễn Chính Ý vỗ vỗ lưng cô, sờ vào xương bướm nhô lên của cô, đau lòng nói, “Sao không bật đèn, tối vậy không tốt cho mắt đâu.”

Tô Uyển Uyển vùi đầu vào ngực anh, đáp: “Không sao đâu, có bật cũng vậy thôi, không quan trọng.”

Nguyễn Chính Ý cau mày, “Bật đèn lên vẽ, vẽ xong rồi còn đi ngủ. Bữa sáng mai em không cần dậy làm đâu. Anh xuống lầu mua cháo với bánh bao.”

“Bánh đậu cơ.”

“Được.”

Chờ anh đi ngủ lại, Tô Uyển Uyển lặng lẽ tắt đèn đi. Tiền điện nếu có thể tiết kiệm vẫn nên tiết kiệm.

Phiền não lớn nhất của dân thiết kế chính là – hói đầu.

Tô Uyển Uyển nhìn đống tóc rụng, mặt ủ mày chau hỏi Nguyễn Chính Ý, “Nếu đầu em trọc lóc thì anh có cưới em không?”

Nguyễn Chính Ý dở khóc dở cười, “Vẫn cưới, em không cần lo lắng chuyện này.”

Tô Uyển Uyển không tin, “Đầu trọc mà anh cũng thích à?”

Nguyễn Chính Ý nghiêm túc, “Anh không thích đầu trọc.” Sau đó nhìn Tô Uyển Uyển ủ rũ mà bật cười, “Nhưng nếu người đó là em thì anh không thành vấn đề.”

Tô Uyển Uyển rất sợ rụng tóc trọc đầu, Nguyễn Chính Ý lại sợ uống rượu bia. Nhưng anh là người mới ở công ty, đạo lý đối nhân xử thế trên bàn cơm, văn hoá uống rượu bia đã chiếm một nửa. Lãnh đạo còn cố ý dìu dắt nên thường xuyên mang theo anh đi xã giao.

Anh không thích uống cũng phải uống.

Lúc về nhà mặt hồng, tai cũng hồng. Nhưng anh lúc say rất ngoan, không ầm ĩ, trừ khi khó chịu quá mới phải nôn ra thì anh đều nằm trên sô pha, mang bộ dáng hệt như để mặc cho người khác định đoạt. Còn Tô Uyển Uyển cầm khăn lông ướt lau mặt cho anh.

Tô Uyển Uyển đút anh trà mật ong giải rượu, đầu của anh dựa vào gối ôm con thỏ của cô, đôi mắt vằn tơ máu ấm ức nhìn cô nói, “Anh không muốn uống, nhưng không thể không uống được. Em đừng chê anh nhé?”

Lời này khiến lòng Tô Uyển Uyển đau xót, cô sờ vào mái tóc có chút cứng đâm vào đầu ngón tay, nói: “Em không chê anh, đồng chí tiểu Nguyễn của chúng ta cũng chỉ vì công việc, cũng chỉ vì gia đình này thôi.” Cô không kiềm được mà rơi nước mắt, “Cũng là vì em…”

Anh được cô xoa tóc mơ màng đi vào giấc ngủ, nắm chặt tay cô mà ngủ.

Đôi khi anh uống quá nhiều rượu bia đau dạ dày. Cô không thích anh hở ra là uống thuốc cho xong chuyện, vẫn thường xuyên nấu mấy món dưỡng dạ dày cho anh.

Sữa bò cho bệnh dạ dày rất đắt, trước giờ bọn họ chưa từng uống. Nhưng bây giờ ngày nào cô cũng kiên trì mua cho anh một hộp. Nguyễn Chính Ý nhất quyết chia cho mỗi người một nửa hộp sữa mới chịu uống. Có lần Tô Uyển Uyển mua luôn hai thùng sữa, nói: “Em tốn nhiều tiền lắm đó, đừng có nhường qua nhường lại nữa, mỗi người một nửa. Anh một thùng em một thùng, ngày nào em cũng uống cùng anh.”

Nhưng về sau Nguyễn Chính Ý mới vô tình phát hiện ra, thùng sữa của Tô Uyển Uyển chỉ được bán một nửa giá.

Bữa sáng mỗi ngày, nào là gạo, nào là cháo, nào là mì sợi đều là đồ ăn dễ tiêu hoá. Cháo cũng được chế biến đa dạng, có hôm thì cho thêm bí ngô, có khi cho thêm táo đỏ, rất ngon miệng.

Những ngày như vậy đều rất bận rộn, thời gian chân chính thả lỏng là lúc họ cùng nhau ăn bữa cơm, hoặc là lúc cô gối đầu lên cánh tay anh, trò chuyện cùng với ánh trăng ngoài cửa sổ. Nói chưa được vài câu mí mắt sẽ díp lại, mệt đến thiếp đi. Ngày mai rời giường sẽ quên mất nội dung cuộc trò chuyện đêm qua.

Ngày nghỉ rất ít, mấy ngày nghỉ phép đó họ vẫn làm việc ở nhà, vừa giải quyết xong công việc lại tiếp tục cùng nhau ăn bữa cơm sau đó ngủ bù.

Cuộc sống bình thản giống hệt như dòng nước chảy xuôi trong cuốn nhật ký lúc tấm bé của Tô Uyển Uyển. Nhưng vì có sự tồn tại của Nguyễn Chính Ý mà cuộc sống nhạt nhẽo như nồi nước đun sôi trước kia như được trộn thêm một thìa mật ong, vị ngọt ngào lan toả.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.