Sau Khi Có Con Ngoài Ý Muốn Với Thái Tử Địch Quốc

Chương 166: Ngoại truyện 27: Thái tử điện hạ là một người điên cuồng bảo vệ em trai (Hoàn toàn văn)




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

"Dung mạo thế này, tuổi tác thế này, chỉ có thể là Nhị hoàng tử điện hạ."

Mây trôi bồng bềnh, sắc xuân rực rỡ, năm nay các tân khoa đều mặc y bào sĩ tử màu xanh, đứng dưới thềm đỏ, chờ đợi kỳ thi đình sắp sửa diễn ra.

Năm nay là năm thứ ba kể từ khi nam bắc chính thức thống nhất, cũng là năm thứ ba các học sĩ phương Nam và phương Bắc cùng tham gia thi đình và kỳ thi phân khoa.

Kể từ khi chế độ phân khoa chọn người tài được áp dụng ở Giang Bắc, hàng năm số lượng học sĩ hàn môn muốn thông qua con đường này để "cá chép hóa rồng", bước vào chốn quan trường đều nhiều vô số kể. Cuối cùng, những người thể hiện xuất sắc sẽ đứng dưới thềm đỏ uy nghiêm này, có cơ hội tham gia kỳ thi đình, tất nhiên bọn họ đều là rồng phượng nhân gian - những người nổi bật nhất trong số các học sĩ cùng khóa.

Những năm trước vào thời điểm này, dù bề ngoài có vẻ hòa hợp nhưng thực chất các học sĩ nam bắc thường phân biệt rõ ràng cả về vị trí và giọng nói, nhiều cuộc tranh cãi mỉa mai, châm chọc lẫn nhau không ngừng diễn ra.

Học sĩ phương Nam thường khoe khoang rằng trong danh sách tân khoa năm nay, họ vẫn áp đảo học sĩ phương Bắc về số lượng, chứng tỏ vùng đất Giang Nam là nơi núi non tươi đẹp, hội tụ nhân tài xuất chúng.

Còn học sĩ phương Bắc thì chê bai người phương Nam trông yếu ớt, ai nấy đều trói gà không chặt, chỉ đẹp mã chứ không có tài cán gì. Nếu sau này thật sự làm quan, chưa kịp đến nơi nhậm chức đã đổ bệnh mà chết.

Chuyện này không phải không có tiền lệ. Sau khi nam bắc thống nhất, để thúc đẩy sự giao lưu kinh tế và văn hóa giữa hai miền, thời điểm tất cả các tân khoa được bổ nhiệm, học sĩ phương Nam ưu tiên lên Bắc làm quan, học sĩ phương Bắc ưu tiên xuôi Nam cai trị. Học sĩ phương Nam mang phong tục, lễ nghi văn hóa lâu đời của Giang Nam đến các vùng đất phía Bắc, truyền đạt lại cho dân chúng địa phương. Học sĩ phương Bắc thì phát huy lối sống nhanh nhẹn hăng hái, giúp dân chúng phương Nam rèn luyện thân thể, xua tan mệt mỏi uể oải.

Khí hậu địa lý Giang Nam và Giang Bắc khác biệt khá lớn, việc bổ nhiệm theo cách này dễ gây ra tình trạng không thích nghi với thổ nhưỡng. Năm ngoái, một học sĩ Giang Nam được bổ nhiệm đến phương Bắc do không chịu nổi cái nóng gay gắt vào mùa hè, trên đường nhậm chức đã mắc bệnh lỵ không thể đi nổi. Lễ quan đành tâu với triều đình, cho phép học sĩ này về Giang Nam làm quan.

Chuyện này dần đà trở thành đề tài châm chọc của nhóm học sĩ phương Bắc.

Thường thì học sĩ phương Nam sẽ khéo léo phản kích lại: "Không hợp thổ nhưỡng là chuyện thường tình, chẳng phải trong sách có câu "Quýt trồng ở phía Nam thì là quýt, trồng ở phía Bắc thì là quất" đó sao? Chẳng qua là do không thích nghi được nên mới đổ bệnh, đâu phải chuyện đáng xấu hổ gì. Ngược lại các vị, lẽ nào lúc đến Giang Nam không thấy bất tiện à? Ta nghe nói có huynh đài nào đó, mới nhậm chức chưa đầy một tháng đã về nhà ba lần, không phải để thăm cha mẹ mà là lén về trộm vài cái bánh bao lớn."

Những trận đấu khẩu còn kịch liệt hơn cả trận đấu gà.

Tuy nhiên hôm nay, cả hai phe đều biết điều giữ im lặng và cư xử cẩn trọng, không ai dám chủ động khơi mào tranh cãi.

Điều này không phải vì học sĩ nam bắc đoàn kết yêu thương, mà vì người chủ trì kỳ thi đình hôm nay không phải là hai vị Hoàng đế mà là Thái tử điện hạ.

Một số học sĩ không rõ nội tình hỏi nhỏ: "Nghe nói Thái tử điện hạ văn võ song toàn, tài trí hơn người, xử lý mọi việc luôn công bằng chính trực, là một bậc thiếu niên tài giỏi. Chẳng lẽ lời này có gì không đúng à? Tại sao các huynh ấy lại nói vậy?"

Một số học sĩ lớn tuổi hơn liếc nhìn người hỏi bằng ánh mắt ngây thơ.

"Chuyện này, Xuân Đài huynh là người rõ nhất."

Một người lên tiếng.

Tất cả ánh mắt đều đổ dồn về phía lão học sĩ gần 50 tuổi, tóc đã điểm bạc.

Lão học sĩ này vốn đang đứng thẳng, nghe thấy câu đó, dường như nhớ lại chuyện gì kinh hoàng, sắc mặt tái nhợt, liên tục xua tay, làm ra vẻ cầu xin: "Đừng hỏi ta, ta không biết gì cả."

Ông giận dữ nhìn đám đông: "Điện hạ anh minh thần võ, phong thái không kém gì hai vị Hoàng đế, đâu phải là người để chúng ta bàn luận. Ta khuyên các ngươi cẩn trọng lời nói."

Một số người biết chuyện không nhịn được bật cười.

"Thực ra chuyện này cũng không phải bí mật gì, chỉ là lần đầu huynh tham gia thi đình nên chưa biết thôi. Năm nay đã là năm thứ hai Xuân Đài huynh tham gia kỳ thi này."

Học sĩ trẻ tuổi lộ vẻ ngạc nhiên.

"Vậy lần trước Xuân Đài huynh thi đình là khi nào?"

"Là năm ngoái."

Học sĩ càng kinh ngạc.

"Nếu đã thi đỗ rồi, vì sao không được bổ nhiệm?"

Tuy thi đỗ chỉ là bước vào danh sách được chọn, không có nghĩa chắc chắn sẽ được làm quan, nhưng giờ đây nam bắc thống nhất, triều đình đang cần người, Chiêu Văn đế còn cố tình bỏ đi điều kiện về "dung mạo" trong tiêu chí tuyển chọn để đảm bảo mọi người tài đều có cơ hội phát huy. Chỉ cần gia cảnh và phẩm chất của học sĩ không có vết nhơ quá lớn thì đều được bổ nhiệm, chỉ khác nhau về chức vị và cấp bậc.

Trừ khi cha mẹ ở nhà mất đột ngột, cần về quê chịu tang, thì việc thi đỗ mà không được bổ nhiệm là chuyện hiếm thấy.

Người kia đáp: "Bởi vì năm ngoái, Xuân Đài huynh không vượt qua được kỳ thi đình."

"Cụ thể là khi huynh ấy đang trả lời câu hỏi sách luận, Thái tử điện hạ đột nhiên xuất hiện..."

Tuy học sĩ trẻ chưa biết chuyện gì xảy ra, nhưng từ ánh mắt thương cảm của các học sĩ đồng hương xung quanh, y cũng mơ hồ đoán được.

"Nghe nói Thái tử điện hạ được Chiêu Văn đế triệu tới, đến để quan sát học hỏi. Khụ! Sau khi Thái tử đến, Chiêu Văn đế có ý muốn Thái tử trau dồi rèn luyện thêm nên lệnh cho ngài ấy đặt câu hỏi."

Thế là, ác mộng của lão học sĩ Quý Xuân Đài chính thức bắt đầu.

Dù đã tròn một năm trôi qua, lão học sĩ vẫn không thể quên được vị thiếu niên Thái tử với đôi mắt phượng sắc bén, diện trang phục đỏ tươi và thắt lưng ngọc ngà. Đối phương mang theo lời lẽ sắc bén, từng bước ép sát, không hề có chút nhân nhượng.

Ban đầu ông chỉ hơi căng thẳng, trả lời không lưu loát lắm. Sau hai vòng, mặt mũi ông đã đỏ bừng như gan lợn, xấu hổ muốn chết.

Cuối cùng căng thẳng đến mức ngất xỉu ngay trong điện.

Trước khi ngất, ông còn nghe vị Thái tử phía trên nói bằng giọng hơi chán ghét: "Vị lão bá này, hình như tâm lý không vững vàng. Nhi thần mới hỏi có vài câu đơn giản mà ông ấy đã sợ đến thế. Nếu gặp trúng giặc cướp, há chẳng phải bị hù chết hay sao."

Chiêu Văn đế đành phải khiển trách Thái tử, bảo ngài ấy không được kiêu căng ngạo mạn.

Thái tử đứng lên tạ tội, nói rằng lần sau sẽ chú ý tốc độ nói và giữ thái độ đứng đắn.

Còn những gì xảy ra sau đó, lão học sĩ được người đưa về quán trọ bằng cách nào, bản thân ông ấy cũng không biết rõ.

Từ khi chế độ tuyển chọn quan chức thông qua thi cử được thực hiện, cha con nhà họ Quý nhờ vào quyết tâm "có công mài sắt có ngày nên kim" và "không thi đỗ thì về nhà nuôi cá trồng rau", mỗi năm đều hăng hái tham gia thi cử, từ khoa Minh Kinh đến khoa Cửu Kinh, từ thời nam bắc phân tranh đến khi nam bắc thống nhất. Trải qua bao khó khăn khổ sở, cuối cùng họ cũng đến được kỳ thi cuối cùng, nhưng nào ngờ lại thất bại ở kỳ thi đình quan trọng nhất.

Khi tỉnh dậy, ông Quý khóc lóc một trận nhưng không cam lòng bỏ cuộc. Trái lại càng thêm quyết tâm, càng thất bại thì càng phải mạnh mẽ. Năm nay ông ấy không những đỗ đạt, mà còn vượt qua khoa Cửu Kinh - kỳ thi khó nhằn nhất.

Đáng lẽ đó phải là một niềm vui lớn, nhưng ai ngờ lúc vào cung, các quan viên Lại bộ báo rằng, hai vị Chiêu Văn đế và Ý Võ đế đã ra ngoài tuần tra dân tình, kỳ thi đình năm nay được giao toàn quyền cho Thái tử xử lý.

Trong triều, ai ai cũng biết hai vị bệ hạ có cảm tình sâu đậm, những chuyến tuần tra kiểu này thường là đi du ngoạn thưởng thức mỹ vị nhân gian là chính.

Gương mặt đầy phấn khởi của ông Quý lập tức ỉu xìu như cà tím héo. Các học sĩ khác cũng chẳng khá là bao. Dù chưa từng thấy phong thái của Thái tử trẻ tuổi, nhưng họ đã nghe qua đôi chút về phong cách hành sự của đối phương.

"Thái tử điện hạ thân phận cao quý, giờ còn kiêm nhiệm việc giám quốc, chủ trì kỳ thi đình thì không có gì không hợp. Chỉ có điều, nghe nói tính tình của Thái tử giống với Ý Võ đế, nói năng và hành động đều rất thẳng thắn."

Nói đúng hơn là độc miệng.

Khi còn trẻ, Ý Võ đế chinh chiến khắp nơi, dù thủ đoạn có phần tàn nhẫn, nhưng sau khi lên ngôi, nhờ có Chiêu Văn đế bên cạnh, tính tình đã bớt gay gắt hơn, thậm chí lúc xử phạt phạm nhân cũng mỉm cười nhẹ nhàng. Thái tử điện hạ thì không chỉ kế thừa tính cách mạnh mẽ của Ý Võ đế, mà còn thừa hưởng tài ăn nói khéo léo của Chiêu Văn đế.

Một khi hai phẩm chất này kết hợp thì thật khủng khiếp đáng sợ.

Nghe nói trong thời gian Thái tử giám quốc, từ văn thần đến võ tướng, từ quan thất phẩm đến quan nhị phẩm, ai ai cũng bị Thái tử mắng đến mức ngây người như phỗng, tự vấn về cuộc đời.

Còn lý do quan nhất phẩm thoát khỏi kiếp nạn là vì một trong hai vị Thừa tướng hiện tại, một người thì cáo ốm không lên triều, một người là sư phụ của Thái tử, đại đệ tử của Tả tướng Tức Mặc Thanh Vũ - Triệu Diễn. Dù Thái tử có độc miệng đến đâu thì vẫn là một học trò tôn sư trọng đạo.

"Mau nhìn kìa, đó là kiệu của Thái tử!"

Không biết người nào đó hô to, các học sĩ rón rén ngẩng đầu nhìn, thấy trên con đường hoàng cung, đám cung nhân đang khiêng một chiếc kiệu lộng lẫy, bốn phía che rèm bằng tơ lụa, trên rèm thêu hình kỳ lân chỉ vàng. Qua lớp rèm, họ thoáng thấy một góc áo choàng lộng lẫy và góc nghiêng khuôn mặt đẹp đẽ của người ngồi trong kiệu.

Thừa tướng Triệu Diễn vừa được đệ tử dìu xuống xe, nhìn thấy cảnh này, ông thoáng bần thần.

"Sư phụ sao vậy?"

Đệ tử thấp giọng hỏi.

Triệu Diễn vuốt râu, ánh mắt xuyên qua kiệu xe, không biết đang nghĩ gì. Một lúc sau mới cười nói: "Giờ đây điện hạ càng có phong thái của hai vị bệ hạ khi xưa."

Vẻ đẹp thanh nhã của Giang Nam và sự lạnh lẽo của Mạc Bắc được kết hợp hoàn hảo trên người thiếu niên ấy.

Cũng như nhiều năm trước, trong buổi tiệc Xuân Nhật, hình ảnh Thái tử kiêu ngạo của Giang Bắc và chàng thiếu niên áo xanh phong nhã sánh bước bên nhau, tuy tương phản nhưng lại đầy sức ấn tượng.

Quan viên Lại bộ thấy Thừa tướng đến, bèn cung kính bước lên chào đón.

Triệu Diễn hỏi: "Khi nào thì bắt đầu thi đình?"

Quan viên đáp: "Một khắc nữa ạ."

"Mau dìu bổn tướng qua đó."

Triệu Diễn nói với các đệ tử.

"Trước khi xuất phát, bệ hạ đã dặn dò kỹ lưỡng, bảo bổn tướng phải giám sát Thái tử."

Các học sĩ đứng chờ dưới thềm ngọc nhìn thấy cảnh này, lập tức vui vẻ reo lên: "Triệu thừa tướng đến rồi. Có Thừa tướng ở đây, hôm nay có lẽ chúng ta sẽ thuận lợi hơn."

Thừa tướng Triệu Diễn tuy xuất thân từ phủ Tả tướng, là đại đệ tử của vị Đại nho Tức Mặc Thanh Vũ, đồng thời cũng là sư phụ của Thái tử. Nhưng nghe nói sau khi đỗ đạt, ông không nhờ đến bất kỳ sự ưu ái nào từ sư môn hay phủ Thái tử, mà cần cù bắt đầu từ chức quan nhỏ ở địa phương, dựa vào thành tích nổi bật và tiếng tốt trong lòng dân chúng mà từng bước đạt được vị trí Thừa tướng, khiến giới học sĩ vô cùng kính trọng.

Lễ quan truyền lệnh, nhóm học sĩ đầu tiên được triệu vào điện.

Kỳ thi đình chính thức bắt đầu. Những học sĩ còn lại không tránh khỏi căng thẳng. Vị học sĩ trẻ từng đặt câu hỏi trước đó, sau khi được các sư huynh giải thích tường tận, cũng tỏ ra lo lắng, khẽ hỏi: "Có Triệu thừa tướng ở đây, Thái tử điện hạ sẽ đối xử nhẹ nhàng với chúng ta chứ?"

"Chắc chắn là không."

Có người lập tức dội một gáo nước lạnh.

"Thái tử điện hạ luôn phân biệt rạch ròi giữa công và tư. Dù ngài tôn trọng Triệu thừa tướng, nhưng về quốc sự, cũng không ít lần hai người bất đồng và xảy ra xung đột."

"Đó chưa phải là điều quan trọng nhất."

"Thế điều gì mới quan trọng nhất?"

"Quan trọng nhất là mong rằng trong kỳ thi đình này, sẽ xuất hiện người khéo léo làm dịu tình hình, đừng để ai châm dầu vào lửa khiến Thái tử tức giận..."

Vị học sĩ trẻ vừa thắc mắc thế nào là người làm dịu tình hình và người châm dầu vào lửa, thì đã nghe thấy tiếng giáp trụ leng keng. Một bóng dáng mạnh mẽ trong bộ giáp tử kim lấp lánh, người nọ đeo đao bên hông, đầu đội ngọc quan, không để ý đến sự ngăn cản của cung nhân, nghênh ngang bước thẳng lên thềm ngọc, hướng về phía điện Văn Hoa nơi diễn ra kỳ thi đình.

Học sĩ trẻ ngạc nhiên, ai lại dám ngang ngược đi lại trong cung như thế, bèn hỏi: "Đó là..."

"Toi rồi, thật sự toi đời rồi! Đó là quận vương Dự Chương, tính tình cộc cằn, không hợp với Thái tử điện hạ nhất. Nhìn bộ dạng này, chắc chắn lại đến để cãi nhau với Thái tử."

"Hóa ra là quận vương Dự Chương."

Học sĩ nọ lập tức vỡ lẽ.

Nghe nói quận vương Dự Chương là cháu của Ý Võ đế, từ nhỏ đã học chung với Thái tử. Những năm qua, ngài ấy vẫn luôn chinh chiến ở Mạc Bắc, lập được vô số chiến công, là đệ nhất danh tướng của triều đình. Nếu không phải vì cấp bậc không thể vượt qua cha mình, có lẽ ngài ấy đã sớm được phong vương.

Thời gian thi đình sắp đến, Triệu Diễn bước vào điện Văn Hoa, thấy các học sĩ mới đỗ kỳ thi năm nay đã có mặt, đang cung kính chờ đợi. Chỗ ngồi bên cạnh long ỷ vẫn trống không, ông hỏi nội quan: "Thái tử điện hạ đâu?"

Nội quan khổ sở đáp: "Quận vương Dự Chương vừa tới, Thái tử điện hạ đang nói chuyện với quận vương ở điện bên cạnh."

Triệu Diễn thầm nói một câu "toi đời", ông vội bước ra khỏi điện, đi về phía điện bên cạnh. Vừa đến cửa đã nghe thấy tiếng hét lớn đầy khí thế vang lên: "Tóm lại đệ tự lo liệu đi. Hôm nay nếu không lấy được tiền, ta sẽ không trở lại Mạc Bắc!"

Ngay lập tức có tiếng cười khẩy vang lên.

"Huynh tưởng quốc khố là tài sản riêng của cô sao? Trước đây để gom tiền cho huynh, cô đã đắc tội với đám lão già trong Hộ bộ, suýt chút còn bị phụ hoàng trách phạt. Vậy mà huynh lại tiêu xài như nước, rõ ràng đã nói một năm, thế mà chưa tới nửa năm huynh lại kêu nghèo? Huynh muốn ở bao lâu thì ở, lần này cô mặc kệ."

"Tiền này không phải ta tiêu riêng! Giờ lão già Ô Xích Tà đó đã bị ta đánh cho không còn manh giáp, trốn về vương cung Mạc Bắc rồi. Nếu không thừa thắng xông lên, lẽ nào phải đợi tới năm sau?"

"Huynh bé cái mồm lại, cô đau đầu!"

"Ta lớn tiếng lúc nào?"

Quận vương Dự Chương hừ lạnh.

"Đừng tưởng ta không biết, tháng trước đệ vừa cho lão già Trường Ninh vương một khoản lớn để dưỡng lão. Gã xấu xa đó hoang dâm vô độ, đệ quan tâm ông ta làm gì? Số tiền lớn như vậy đáng lẽ phải đưa cho ta."

"Huynh còn dám nói!" Không biết chuyện này đã chạm đến dây thần kinh nào của Thái tử: "Nếu không phải huynh đánh gãy một chân con trai ông ta, khiến ông ta khóc lóc trước mặt phụ hoàng, cô phải mất bao công sức dọn dẹp hậu quả cho huynh! Trường Ninh vương là huynh đệ với Hoàng tổ phụ, từng lập công lớn trên chiến trường. Năm xưa, vì bảo vệ cửa ngõ Long Tây, trai tráng trong nhà ông ta đã hy sinh gần hết. Ngay cả phụ hoàng cũng không thể tùy tiện đụng đến lão, thế mà huynh lại dám làm càn! Lão Trường Ninh vương đó, năm xưa vì chinh chiến sa trường mà căn cốt tổn thương, chỉ có duy nhất một đứa con trai nối dõi tông đường. Huynh đánh gãy chân hắn, khác gì muốn lấy mạng hắn! Nếu không phải cô cầu xin giúp huynh trước mặt phụ hoàng, huynh nghĩ phụ hoàng sẽ dễ dàng bỏ qua cho huynh à? Còn dám nhắc chuyện này trước mặt cô!"

"Ai bảo tên chó má đó ức hiếp dân chúng, đáng đời! Lần sau gặp lại, bổn quận vương sẽ cho hắn tàn canh gió lạnh."

Quận vương Dự Chương đang nói rồi đột nhiên bật cười: "Đệ cũng đừng giở giọng Thái tử với ta. Chuyện này, đệ cũng không thể chối bỏ trách nhiệm đâu. Rõ ràng đệ đã nhìn thấu kế hoạch của ta từ sớm, tại sao không nói với bệ hạ? Hơn nữa, trước khi bổn quận vương đánh hắn, con ngựa của tên đó đột nhiên kinh hoảng vô cớ. Nếu không nhờ phản ứng nhanh, có lẽ hắn đã gãy chân ngay tại chỗ. Nói xem nào, ai đã động tay động chân đến con ngựa đó nhỉ?"

Lúc này, Thái tử vẫn điềm nhiên dõng dạc đáp: "Chuyện này chẳng liên quan gì đến cô."

"Rõ ràng là đệ!"

Quận vương Dự Chương đắc ý nói.

Thái tử cũng hừ một tiếng: "Chuyện gì cũng cần chứng cứ. Huynh vu oan giá họa cho cô mà không có bằng chứng, cẩn thận cô trị huynh tội vu cáo Thái tử. Có điều, đúng là nên dạy dỗ lão già kia một chút."

Ở ngoài, Triệu Diễn nghe đến đau đầu chóng mặt, thầm nghĩ, hai đứa này đúng là to gan lớn mật. May mà con trai Trường Ninh vương không có chuyện gì đáng ngại, nếu không thì không chỉ là vấn đề tiền dưỡng già nữa rồi.

Bên trong, Thái tử bắt đầu kết thúc cuộc trò chuyện: "Cô còn chính sự, lười đôi co với huynh. Huynh lượn đi càng xa càng tốt, đừng có cản đường cô."

Lúc này, đại đệ tử đi cùng Triệu Diễn cười nói: "Rõ ràng Thái tử là người ngoài lạnh trong nóng. Dù hay mỉa mai quận vương, nhưng mỗi khi quận vương gặp chuyện, Thái tử luôn là người đầu tiên đứng ra giúp đỡ. Nếu không với tính cách của ngài ấy, không biết đã đắc tội với bao nhiêu người trong triều rồi. Còn nhớ tiệc giao thừa năm ngoái, lúc các anh em cùng mẹ với quận vương chế giễu ngài ấy suốt ngày chỉ biết mài đao múa kiếm, Thái tử đã lôi bọn họ ra trách mắng một trận, khiến cả đám khóc lóc không ngừng. Nhị quận chúa của phủ Thụy vương còn cảm thấy oan ức, hỏi vì sao Thái tử chỉ nói giúp cho đại ca, Thái tử lạnh lùng đáp rằng tình cảm huynh đệ từ nhỏ há có thể so sánh với người ngoài."

"Đúng thế."

Nhìn hai đứa học trò của mình, Triệu Diễn vừa buồn cười vừa bất lực. Rõ ràng hai đứa rất quan tâm đến nhau, nhưng cứ cãi nhau chí chóe từ bé đến lớn.

"Đệ cứ bận việc của mình, ta không đi đâu."

Bên trong, quận vương Dự Chương khoanh tay lại, từ tốn nói: "Nghe nói mấy hôm nữa A Ngọc sẽ về, lần này ta mang rất nhiều quà từ Mạc Bắc về cho đệ ấy."

Thiếu niên Thái tử đang định rời đi bỗng dừng bước.

"A Ngọc sắp về rồi? Sao cô không biết?"

"Còn phải hỏi? Chắc chắn là đệ ấy không muốn gặp vị huynh trưởng nào đó rồi."

Ngay sau đó là tiếng thét đầy đau đớn vang lên, quận vương Dự Chương vì cái miệng tiện nên nhận được một cú đấm sấm sét từ Thái tử.

...

Dưới bậc thềm cung điện, đám học trò đang chờ đợi ngày một căng thẳng. Một học sĩ trẻ không nhịn được hỏi lại: "Huynh vừa nói người có thể khiến Thái tử điện hạ trở nên dịu dàng hòa nhã, đó là ai vậy?"

"Đương nhiên là Nhị hoàng tử điện hạ."

Có người lập tức trả lời thay, rõ ràng chuyện này ai ai cũng biết, không còn đáp án nào khác.

"Nhị hoàng tử, Tùy Ngọc điện hạ? Là cháu trai duy nhất của vị Tả tướng đại nhân nổi tiếng ở Giang Bắc khi xưa?"

"Đúng vậy. Ai mà không biết Thái tử điện hạ dù cương trực sắc bén đến đâu, nhưng lúc đối xử với em trai thì vô cùng yêu thương chiều chuộng, chưa bao giờ dám nói nặng lời. Trong triều có thể có người không tôn trọng Thái tử, nhưng nếu ai dám không tôn trọng Nhị hoàng tử thì... Hừ! Kết cục thảm hại! Nghe nói con trai của Lưu tướng quân, chỉ vì nhìn Nhị hoàng tử hơi lâu tại yến tiệc trong cung, còn cố ý chuốc rượu Nhị hoàng tử nhỏ tuổi, nên bị Thái tử đánh đến mức phải lượm răng khắp nơi, thật là tàn tạ."

Đám học trò lại thở dài cảm thán.

Nhắc đến vị tiểu điện hạ này, đó cũng là một nhân vật truyền kỳ. Từ nhỏ, điện hạ đã có dung mạo thanh tú, thông minh ham học, ai nhìn cũng cho rằng là tiên đồng hạ phàm. Năm năm tuổi, ngài được Tả tướng Giang Bắc, cũng là gia chủ của gia tộc Tức Mặc nổi tiếng nhận làm cháu nội. Nghe nói, Tả tướng hết mực thương yêu đứa cháu này, lần nào đi hội thanh đàm cũng dẫn theo, khiến bao công tử quý tộc cùng tuổi ở Tùy đô thấy mà ngưỡng mộ không thôi. Năm mười một tuổi, điện hạ nổi tiếng khắp Giang Nam Giang Bắc nhờ sáng tác bài "Thu Thanh phú", được người người ca tụng là thần đồng. Nếu là thiếu niên bình thường, có được thành công như vậy nhất định sẽ phấn đấu vươn lên, mong đạt thêm nhiều thành tựu trong học vấn, nhưng điện hạ lại quyết định rời khỏi phủ Tả tướng, bắt đầu du ngoạn khắp nơi để mở mang tầm mắt. Cuộc du ngoạn ấy kéo dài cho đến nay. Trong thời gian đó, nơi mà điện hạ ở lại lâu nhất chính là Đông Châu. Một là vì ở đây điện hạ đã kết giao với một bậc thầy chế tạo cơ quan của Mặc gia. Tính tình điện hạ vốn trầm tĩnh, thích tìm tòi nghiên cứu, từ nhỏ lại mê mẩn với những chiếc cơ quan điểu, thế là ngài theo bậc thầy đó học chế tạo cơ quan, về sau đạt được thành tựu xuất sắc. Nghe nói, những chiếc cơ quan điểu do chính tay điện hạ làm ra được đẩy giá lên đến ngàn vàng! Hai là vì điện hạ có tài năng âm nhạc. Dù đã theo học cầm nghệ với Nhạc công tử nổi danh thiên hạ, nhưng điện hạ vẫn chưa thỏa mãn, nhân lúc học chế tạo cơ quan ở Đông Châu, ngài ấy đã vào phủ Đoàn hầu để học hỏi thêm."

"Có phải là vị Đoàn hầu vừa qua đời cách đây hai năm không?"

"Đúng rồi, chính là người đó."

Một học trò biết chuyện bèn thở dài.

"Nghe nói Đoàn hầu rất được lòng bách tính Đông Châu, chỉ vì ngày xưa từng phụ tá cho Liệt vương - người nổi tiếng là hoang dâm tàn bạo của Tề quốc. Thế là, thời điểm cai quản Đông Châu, Đoàn hầu luôn tự coi mình là tội nhân, làm việc chăm chỉ cật lực nhưng chưa từng nhận một xu bổng lộc. Ngày Đoàn hầu an táng, dân chúng Đông Châu quỳ ở hai bên đường tiễn biệt, tiếng khóc vang dội không ngừng. Những năm qua, tình hình Đông Châu ổn định, xã hội phát triển phồn vinh, dân chúng an cư lạc nghiệp, tất cả đều là công lao của Đoàn hầu."

"Ta còn nghe nói, thời điểm Đoàn hầu bệnh nặng, hai vị bệ hạ còn đích thân đến Đông Châu ở lại một thời gian. Nhị hoàng tử điện hạ và công tử phủ Đoàn hầu còn làm lễ bái nhận cháu mà không phải lễ sư đồ, tự tay đưa tang cho Hầu gia, không biết vì lý do gì..."

"Còn vì lý do gì nữa, dĩ nhiên là cảm kích công lao của Đoàn hầu khi còn sống. Nhưng nghe nói, hiện nay người tiếp quản Đông Châu là công tử phủ Đoàn hầu, Tề Tử Kỳ. Thậm chí đối phương còn nghe theo ý nguyện của phụ vương, quản lý Đông Châu đâu vào đấy, Đoàn hầu dưới suối vàng cũng có thể an lòng rồi."

Lúc bấy giờ, thật ra còn có một sự kiện lớn khác xảy ra.

Không lâu sau khi Đoàn hầu qua đời, Giang đế khi xưa - cũng là Thái thượng hoàng sau này của Giang quốc đột ngột mắc bệnh tim không qua khỏi, cũng lìa trần vào mùa đông năm đó.

Những ân oán vùi sâu trong cát bụi, không ai biết đến, giờ đây cũng theo bước chân của người đã khuất mà tan thành mây khói.

"Mau nhìn kìa, đó là ai?!"

Có người vội kêu lên, giọng nói mang theo sự kinh ngạc.

Các học trò cùng nhìn theo, chỉ thấy một nội quan đang cung kính dẫn theo một thiếu niên khoác trường bào màu trắng ngọc đi qua hành cung, tiến về hướng điện Văn Hoa. Thiếu niên có đôi lông mày đen tựa tranh vẽ, đôi mắt sáng như sao, dáng người uyển chuyển, dung mạo thanh nhã, người nọ không mặc áo gấm mà chỉ mặc áo bào làm từ vải thô bình thường, trên vai đeo một chiếc túi nang đựng sách, nhưng chỉ cần nhìn thoáng qua cũng đủ làm say đắm lòng người.

"Dung mạo thế này, tuổi tác thế này, chỉ có thể là Nhị hoàng tử điện hạ."

"Ha ha, tiểu điện hạ vừa về, Thái tử chắc chắn sẽ vui vẻ, không làm khó chúng ta nữa."

Triệu Diễn đứng trên bậc thềm dài, nhìn thiếu niên áo trắng như ngọc đang chậm rãi bước lên bậc thang, không khỏi ngẩn ngơ.

"Sư bá."

Tùy Ngọc hơi cong mắt, mỉm cười chào Triệu Diễn, đôi mắt trong veo như làn nước xuân tháng ba.

Sau khi thiếu niên vào điện, các học trò phía sau Triệu Diễn lại cảm thán: "Nhị điện hạ phong thái thế này, thật sự là tuyệt thế vô song."

Nhưng Triệu Diễn biết rõ không phải vậy.

Chỉ là thời thế đổi thay, nhiều người trẻ tuổi chưa từng chứng kiến vị tiểu lang quân áo xanh năm xưa có dáng vẻ phong hoa tuyệt đại ra sao. Trong thời loạn lạc ấy, đã có biết bao câu chuyện và truyền thuyết được sinh ra.

Kỳ thi điện kết thúc thuận lợi, đúng như các học trò dự đoán, tiểu điện hạ Tùy Ngọc trở về khiến tâm trạng Thái tử điện hạ vui vẻ, lời nói cũng nhẹ nhàng hơn, hầu hết các học sĩ đều qua được kỳ thi, ngay cả ông lão Quý Xuân Đài cũng nhận được một chức quan nhàn nhã ở Hàn Lâm Viện. Lão học sĩ lần này không ngất vì lo lắng, nhưng khi ra khỏi điện, lại ngất vì quá phấn khích. Mọi người phải đút ông ấy hai bát nước gừng thật to mới chịu tỉnh lại.

Trong điện nhỏ, ba người ngồi quanh bàn, Thái tử Giang Nặc với đôi mày kiếm sắc bén, gương mặt sáng rỡ, mặc áo bào đỏ thẫm, trước tiên là lạnh lùng liếc mắt nhìn quận vương Dự Chương đang đảo mắt lườm ngược lại mình, rồi ra lệnh cho nội quan lấy ra bình rượu mật hoa quế quý hiếm cho em trai cưng uống.

Sự trở về của tiểu điện hạ Tùy Ngọc không chỉ mang lại niềm vui cho các tân khoa học sĩ, mà còn dễ dàng giải quyết vấn đề đang làm đau đầu hai vị huynh trưởng.

Khi biết anh họ đang lo lắng về vấn đề quân phí, tiểu điện hạ không chớp mắt lấy ra mười vạn lượng vàng, đặt trước mặt quận vương, còn nói rằng nếu không đủ thì còn có thêm, giúp anh họ hạ bệ Mạc Bắc chắc sẽ không thành vấn đề, chỉ là cần phải đến Đông Châu một chuyến để lấy.

Thái tử Giang Nặc lập tức cảm thấy mình làm Thái tử thật là thảm hại, thậm chí còn nghi ngờ rằng em trai ngây thơ hiền lành dễ bị lừa này của mình có phải đã đi theo băng nhóm thổ phỉ nào đó để cướp bóc hay không.

Thái tử điện hạ vốn là một người điên cuồng bảo vệ em trai, nhưng tuyệt đối không hề lơ là trong việc dạy dỗ em mình. Thái tử nghiêm túc hỏi: "A Ngọc, đệ nói thật đi, rốt cuộc đệ kiếm đâu ra nhiều tiền như vậy?"

Tiểu điện hạ Tùy Ngọc đành nhàn nhã kể lại hành trình kỳ diệu của mình. Hóa ra, người đã truyền dạy cho tiểu điện hạ phương pháp chế tạo cơ quan trước đây không phải là một thợ thủ công bình thường, mà là truyền nhân của phái Mặc gia. Ông lão kia mê mẩn cơ quan đến mức không lấy vợ sinh con, bởi vì quá yêu mến vị đệ tử nhỏ tuổi tài năng này nên trước khi qua đời, ông đã trực tiếp giao lệnh bài gia chủ cho tiểu điện hạ Tùy Ngọc. Hiện tại, khắp các cửa tiệm cơ quan điểu ở Đông Châu đều là tài sản riêng của tiểu điện hạ.

Tiểu điện hạ còn khiêm tốn nói rằng, mười vạn lượng này vốn là tiền mình chuẩn bị để làm lộ phí, nhưng nếu quận vương cần thì đành phải tiện tay tặng cho anh họ đáng thương này thôi. Dù sao thì y chỉ cần làm vài chiếc cơ quan điểu là kiếm lại được ngay.

Hai người đối diện nhìn nhau với vẻ mặt phức tạp, đặc biệt là Thái tử điện hạ điên cuồng bảo vệ em trai. Lúc này, Thái tử rất muốn gõ một cái vào đầu đứa em ngốc này, lấy mười vạn lượng vàng làm lộ phí, chỉ sợ chưa kịp lên đường đã bị thổ phỉ nhắm tới rồi. Hiện tại đệ ấy không bị đánh ngất nhét vào bao tải kéo lên núi thì quả thực là tổ tiên phù hộ, tổ mộ bốc khói xanh.

Tiểu điện hạ Tùy Ngọc nói mình đã dùng diều gỗ mới chế tạo để bay về, không có cơ hội gặp thổ phỉ. Nếu anh họ muốn, y còn có thể đưa vài chiếc mộc ngưu lưu mã* mới chế tạo lên chiến trường Mạc Bắc để hỗ trợ chiến đấu. Nhưng vì kỹ thuật còn chưa hoàn thiện, y không đảm bảo hiệu quả.

*Mộc ngưu lưu mã:một loại xe gỗ do Thừa tướng Gia Cát Lượng và phu nhân Hoàng Nguyệt Anh đồng sáng chế và thực hiện từ năm Kiến Hưng thứ 9 đến năm Kiến Hưng thứ 12. Xe có thể chở được 400 ký lương thực trở lên, mỗi ngày đi được vài chục dặm.

Quận vương lập tức muốn nhận, còn vỗ ngực đảm bảo sẽ mang về cho Tùy Ngọc vài rương đồ tốt, nhưng bị Thái tử Giang Nặc lườm một cái cản lại.

"Ra trận đánh giặc không phải chuyện đùa, hai người đừng có làm bừa, nếu không, cô bẩm báo phụ hoàng."

"Rốt cuộc là ta đánh trận hay đệ đánh trận?"

"Cô nói không được dùng là không được dùng."

"Chuyện của ta không cần đệ lo."

"Hừ, huynh nói được thì phải làm được. Lần sau đám thê thiếp trong phủ huynh gây sự đánh nhau thì đừng có chạy đến kêu cô thu dọn tàn cục. Đến cả chuyện trong phủ còn lo chưa xong, cô cũng thấy xấu hổ thay cho huynh."

"..."

Thấy hai người chuẩn bị chuyển từ tranh cãi bằng lời sang thi đấu quyền cước, tiểu điện hạ Tùy Ngọc nói rằng mình nhất định sẽ cố gắng gấp đôi, ngoài viết văn gảy đàn, nghiên cứu kiến trúc, còn chăm chỉ nghiên cứu thêm về chế tạo cơ quan, cố gắng mang những con mộc ngưu lưu mã hoàn thiện hơn ra chiến trường, mới có thể kết thúc được cuộc tranh cãi này.

"Bây giờ Thừa tướng có thể yên tâm rồi, có Nhị hoàng tử điện hạ ở đây, hai vị kia sẽ không cãi nhau nữa đâu."

Đệ tử của phủ Thừa tướng vẫn đứng bên cạnh Thừa tướng nhà mình bên ngoài điện, lắng nghe ba vị điện hạ đấu khẩu.

Triệu Diễn cười nói: "Ba đứa nhỏ này, dù tính cách khác nhau, nhưng may mắn là trong lòng đều có chủ kiến và kế hoạch rõ ràng. Ngay cả vị tiểu quận vương tính tình hay bốc đồng nhất, trên chiến trường cũng là một người đầy mưu lược, đánh được không ít trận hay. Nay giang sơn có người trấn giữ, ta cũng có thể an tâm bẩm báo với hai vị bệ hạ rồi."

Nói xong, Thừa tướng đại nhân buông thõng ống tay áo rộng phất phới trong gió, đối diện với ánh nến sáng rực khắp hoàng cung, chậm rãi bước xuống bậc thang ngọc, đi về phía cổng chính.

Kết thúc (20/02/24 - 15/09/24)

┄┄┄・ ♪ ・ ┄┄ ☆ ┄┄ ・ ♪ ・ ┄┄┄

. 。 • ゚ 。.

. 。 ඞ 。. • •

Lời tác giả

"Một lần nữa cảm ơn mọi người! Có duyên gặp lại ở truyện mới! Ngoài ra, mình mặt dày xin mọi người một chiếc đánh giá cho tổng thể bộ truyện nha, cảm ơn rất nhiều! Truyện đam mỹ cổ đại tiếp theo có lẽ thuộc thể loại cưới trước yêu sau, nội dung dự tính sẽ thay đổi một chút, ai không quan tâm có thể bỏ lưu, tên truyện tạm định là "Sau khi phụng chỉ thành hôn với kẻ thù không đội trời chung"《和死对头奉旨成婚后》, câu chuyện kể về một tiểu lang quân bên ngoài dịu dàng bên trong đen tối và một võ tướng cố chấp điên cuồng, chua ngọt dễ thương, ai có hứng thú thì theo dõi mình để đón xem nha~"

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.