Sáp Huyết

Quyển 1 - Chương 48: Ninh Minh (p4)




Quách Tuân bưng chén rượu, ngắm tuyết bay, một lúc sau mới nói:

- Y vốn tên là Chu Thuyết, Phạm Trọng Yêm là tên sau này của y. Phụ thân y mất sớm, mẫu thân vì là thiếp nên bị người Phạm gia tranh giành gia tài đuổi ra khỏi nhà, nàng tái giá đến Chu gia. Y thuở nhỏ hiếu học, đến khi biết thân thế chân chính của mình thì hổ thẹn vì đổi họ nên bỏ đến phủ Ứng Thiên cầu học. Huynh nghe nói khi đó y cực kỳ bần hàn, vào mùa đông, dựa vào cháo nóng mà sống qua ngày. Mỗi ngày y cho cháo đông lại rồi chia thành bốn phần, mỗi ngày hai bữa, mỗi bữa thì ăn hai phần. Lúc tiên đế tại vị, y vượt qua khảo thí khoa cử trở thành tiến sĩ, từ đó theo đường quan trường. Sau đó y đón mẫu thân lên phụng dưỡng, cũng sửa trở lại họ Phạm, tự lập môn hộ.

Địch Thanh cảm khái nói:

- Phạm đại nhân ý chí kiên cường, khiến cho người ta kính nể.

Quách Tuân ảm đạm cười nói:

- Một người như vậy, cho dù có chút căm ghét thế tục, nhưng huynh nghĩ cũng có thể cảm thông. Dù tuổi thơ y bất hạnh và gặp nhiều trắc trở, nhưng sau khi tham chính thì thanh liêm như nước, cứu tế thiên hạ. Chỉ cần gặp chuyện bất bình, mặc cho đối thủ là ai, y đều muốn chống lại đến cùng. Vì thế tuy y có tài cao, nhưng tại quan trường chìm nổi trước sau vẫn khó được triều đình trọng dụng. Khi y bị giáng chức đến Thái Châu, thấy đê biển không được tu sửa liền dẫn người xây đắp mấy trăm dặm đê biển, giúp cho ngàn vạn dân chúng tránh khỏi cảnh cửa nát nhà tan. Khi y đến phủ Ứng Thiên dạy học thì trợ giúp vô số thư sinh nghèo khổ, bản thân quanh năm chỉ mặc một bộ quần áo. Mặc dù y có quan vị thấp kém nhưng khi gặp bất bình sẽ phản đối, tuyệt đối không lặng yên mà sống. Như chuyện của đệ vậy, mặc dù rất nhiều người biết đệ oan uổng, nhưng thật sự dám dâng thư, đắc tội Thái Hậu, trong triều chỉ có một mình y!

Tâm trạng Địch Thanh kích động, hối hận nói:

- Khi nãy, đệ quên cảm tạ người rồi. Dường như y đang gặp chuyện rất khó khăn, lúc đó nói với Tống Thụ cái gì mà ‘Vi thần bất trung’, nghĩa là gì vậy?

Quách Tuân giải thích:

- Năm đó, Thái Hậu mới vừa nhiếp chính, nịnh thần Đinh Vị nắm hết quyền hành. Hắn liền ra lệnh cho Tống Thụ, lúc đó là Tri Chế cáo(1), khởi thảo chiếu thư vu cáo tất cả các đối thủ chính trị như danh thần Khấu Chuẩn, Lý Địch, sau đó giáng chức đuổi khỏi kinh thành. Khi đó, văn võ bá quan toàn triều đều khuất phục dưới bạo quyền của Đinh Vị, Tống Thụ cũng không ngoại lệ. Tuy Tống Thụ biết Khấu Chuẩn và Lý Địch đều là trung thần, nhưng trên chiếu thư lại khiển trách Khấu Chuẩn là "Vi thần bất trung" , còn phê bình Lý Địch là "Phụ hạ tế ác”(2). Tống Thụ tự cho mình là thanh liêm chính trực, nên chuyện này có thể nói là nỗi nhục cả đời của hắn. Phạm công đề cập đến chuyện "Vi thần bất trung", cũng không phải là muốn vạch trần vết sẹo của Tống Thụ mà quá nửa là muốn khích lệ Tống Thụ, lần trước không kiên định nên để lại tiếc nuối cả đời, hi vọng lần này hắn có thể kiên định.

Địch Thanh không hiểu hỏi:

- Phạm đại nhân muốn Tống Thụ khuyên Hoàng Thượng đừng chúc thọ Thái Hậu sao? Điều này cũng đâu có vấn đề gì đâu?

Quách Tuân nhìn quanh bốn phía, thấy xung quanh không còn tửu khách nào nữa mới nhỏ giọng nói:

- Địch Thanh, có rất nhiều chuyện đệ chưa biết. Bây giờ, tuy Thái Hậu buông rèm chấp chính, nhưng Thiên tử đã trưởng thành. Rất nhiều người đều hi vọng Thái Hậu sớm trao trả triều chính cho Thiên tử, nhưng Thái Hậu dường như không hề có ý định này. Vì vậy rất nhiều người lén lút rỉ tai nhau, Thái Hậu muốn làm Hoàng đế.

Địch Thanh rùng mình, nhớ tới lời của Trương Ngọc đã nói ở Tây Hoa môn trước đây, bừng tỉnh hỏi:

- Cho nên Thái Hậu thà chết chứ không dùng Khấu Chuẩn, chỉ dùng người thân tín là vì muốn chuẩn bị để cướp ngôi sao?

Quách Tuân thở dài nói:

- Thái Hậu có cướp ngôi hay không, không ai biết rõ ràng. Nhưng mấy năm gần đây, khi Thái Hậu vi hành đều dùng Ngọc Lộ của Thiên tử, quy cách triều bái cũng càng ngày càng giống lễ nghi của Thiên tử. Mấy ngày nữa là triều đình tổ chức cúng tế đầu Đông, Thiên tử muốn dẫn quần thần đến chúc thọ Thái Hậu trước, sau đó mới cúng tế. Điều này chắc chắn sẽ làm cái bóng của Thái Hậu bao trùm lên người Thiên tử càng lớn. Thái Hậu được một tấc lại muốn tiến một thước, từng bước dò xét suy nghĩ của quần thần. Phạm công sợ Thái Hậu soán vị sẽ làm cho thiên hạ đại loạn, cho nên dâng thư phản đối việc này. Bây giờ quần thần trong triều đều ‘giữ miệng’, chỉ có Phạm công mới dám đứng mũi chịu sào. Huynh dẫn đệ đến đây chính là muốn đệ trò chuyện với y vài câu.

(3) Lộ: một loại xe lớn thời xưa. - Ngọc Lộ: Xe ngọc của vua dùng khi vi hành

Địch Thanh chợt hiểu, nói:

- Quách đại ca sợ đệ sa sút tinh thần nên muốn lấy chuyện Phạm công cổ vũ đệ?

Hắn giờ mới biết được dụng tâm sâu xa của Quách Tuân, trong lòng rất cảm kích.

Quách Tuân cười cười, thầm nghĩ: Cuối cùng Địch Thanh đã trưởng thành rồi. Haiz, hi vọng sau này đệ ấy ít phải chịu khổ.

Cả hai người đều có suy nghĩ riêng. Địch Thanh uống cạn chén rượu, cảm động nói:

- Mấy ngày nữa, đệ nhất định phải đến phủ Phạm công bái tạ. Người như vậy, thật đáng để kính trọng.

Quách Tuân lắc đầu nói:

- Không cần! Huynh nghĩ chẳng bao lâu nữa y phải rời khỏi kinh thành rồi.

Địch Thanh cả kinh nói:

- Vì sao?

Quách Tuân buồn bã nói:

- Vừa rồi, chẳng lẽ đệ không nghe thấy lời Tống Thụ nói sao? Chim đầu đàn luôn chết trước. Lần này, Phạm công dâng thư phản đối chuyện Thiên tử dẫn văn võ bá quan đến chúc thọ Thái Hậu, e rằng không đến hai ngày nữa y sẽ bị trục xuất khỏi kinh thành! Vừa rồi, lúc y xướng: 'nhưng lại vương vấn hư danh?', huynh đã biết rõ dụng ý của y.

Địch Thanh kinh ngạc hỏi:

- Ý huynh là Phạm công biết mình sẽ bị giáng chức, nhưng vẫn muốn dâng thư?

Đột nhiên nghĩ đến lúc sắp chia tay, Phạm Trọng Yêm có nói: "Hôm nay từ biệt, chẳng biết lúc nào gặp lại." Địch Thanh chợt hiểu rõ, nhớ tới bóng lưng cô độc kia, trong lòng bỗng dưng thấy chua xót.

- Đúng vậy, đây chính là Phạm Trọng Yêm, một Phạm Trọng Yêm liêm chính!

Quách Tuân đặt chén rượu đã cạn xuống, gõ nhẹ lên bàn thở dài:

- Người như thế, đệ nên gặp mặt một lần, bởi vậy hôm nay huynh mới dẫn đệ đến đây.

Quách Tuân đứng dậy bỏ chút bạc vụn xuống, cất bước đi xuống lầu. Chẳng bao lâu sau, có một cấm quân vội vàng chạy đến, mừng rỡ nói:

- Chỉ huy sứ, quả nhiên người ở chỗ này, Thái Hậu triệu người vào cung gấp.

Quách Tuân ngạc nhiên, không biết Thái Hậu tuyên triệu có chuyện gì. Quay đầu nói với Địch Thanh:

- Đệ về trước đi, huynh vào trong cung.

Địch Thanh gật đầu. Hắn thấy gió tuyết đầy đường, sau khi thấy Quách Tuân đi khuất mới xoay người cất bước về hướng Quách phủ. Hắn uống chút rượu, mượn cảm giác say, nhớ lại những chuyện đã phát sinh trong quán rượu mới nãy, tâm trạng lúc thì kích động, lúc thì đau lòng xót dạ.

Tuổi thơ của hắn vốn gắn liền với miền thôn quê, bản tính thiện lương, dựa vào chút bản lãnh, khi gặp phải chuyện bất bình rất thích dây vào. Nhưng sau mấy lần gặp tai họa, tính cách đã thay đổi rất nhiều, có phần căm ghét thế tục, có phần ăn năn hối hận, nhưng hôm nay biết chuyện của Phạm Trọng Yêm, đột nhiên nghĩ tới Phạm đại nhân nhiều lần trải qua trắc trở, nhưng lòng vẫn lo cho thiên hạ, cớ gì mình phải cam chịu chứ?

Vừa nghĩ đến đây, Địch Thanh cảm thấy phấn chấn, gió tuyết phả vào mặt không cảm thấy rét lạnh, trái lại còn hào hứng bừng bừng. Mượn men rượu, hắn ưỡn ngực cao giọng ngâm: "Đời người không trăm tuổi, bấm đốt tay nghĩ kỹ, dùng hết cơ mưu, uổng phí tâm lực. Tuổi trẻ si, tuổi già tiều tụy, chỉ có khoảng giữa cuộc đời, tinh lực tràn trề, nhưng lại vương vấn hư danh?"

Địch Thanh không thích thơ văn, nhưng thích ý cảnh thê lương của bài từ này. Đang đạp tuyết trở về, vừa tới bên cạnh một ngõ hẻm nhỏ, gió tuyết lấp đường. Hắn bỗng thấy trên một cây đại thụ ở bên kia tường hẻm có con diều giấy mắc vào.

Con diều được làm vô cùng khéo léo, phía trên có vẽ chú chim. Chú chim này có cánh hoa lệ, mỏ chim màu đỏ, hai cánh lại có lốm đốm đỏ vàng. Cả kinh thành chìm trong màu trắng xóa khiến nó tỏ ra rất rực rỡ. Địch Thanh vừa nhìn thấy con chim đó, dù không biết tên nó là gì nhưng cũng cảm thấy rất ưa thích.

Hiện giờ không phải là mùa thích hợp để chơi diều, nhưng sao lại có con diều mắc trên cành cây? Địch Thanh đột nhiên nghĩ đến, thời tiết thế này mà chơi diều, người này cô quạnh y chang con diều này. Không nghĩ thêm nữa, Địch Thanh quyết định vượt tường trèo lên cây lấy con diều xuống. Vừa định hành động, đột nhiên hắn nghe thấy có tiếng cô gái nào đó gọi:

- Này, ngươi giúp chúng ta lấy con diều xuống được không?

(1) Tri Chế cáo (知制诰): Chức vị thời xưa, người khởi thảo chiếu lệnh.

(2) “Phụ hạ tế ác”: bao che cấp dưới làm chuyện ác.

(3) Lộ: một loại xe lớn thời xưa. – Ngọc Lộ: Xe ngọc của vua dùng khi vi hành.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.