Săn Đuổi

Chương 6




Người dịch: Văn Hòa - Kim Thùy

Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên

Shared by: CCG -

Morton lái xe ra khỏi Tel Aviv. Trước khi đi, ông đã báo động cho các trạm mật vụ Mossad biết rằng Raza đang sẵn sàng tấn công. Ông đã gởi bản sao đến cho cơ quan an ninh nội địa Israel và đến các chỉ huy trưởng các đơn vị biên phòng. Ông đã chuẩn bị cho cả nước chu đáo hết sức mình.

Vì ở xa Danny, cho nên ông không nói cho ai biết về cái chết của người Xi Ri. Ông không gởi cho Bitburg bản báo cáo nào hết. Ra ngoài ranh giới thành phố là đường chạy thẳng đến nơi cắm trại đầu tiên của người Bedouin. Những tấm lều đen, những khuôn mặt đen cứng cỏi, giọng nói của họ mất hút vào trong tiếng ồn ào của xe cộ.

Vào giờ phút này, con đường chạy đến Jerusalem giống như con đường đua xe : xe quân đội, xe chở hàng, xe taxi, xe môtô. Không đầy một giờ nữa thôi, trời sẽ tối và những tay Ả Rập bắn tỉa sẽ từ trong những ngọn đồi xuất hiện, chọn những đối tượng để bắn. Mỗi người chết, là hận thù càng chồng chết thêm.

Đằng trước, một đoàn lừa chậm chạp băng qua xa lộ, những người chăn lừa bất cần tiếng còi xe đang inh ỏi vang lên. Đoàn lừa sẽ đến nghỉ đêm trong trại đóng nơi trạm cảnh sát đã bị đánh sập, trạm này đã có từ bốn mươi năm cho đến khi một đơn vị cảm tử của Raza xuất hiện từ bờ biển đã đánh phá. Morton trước đó đã cảnh cáo sự việc sẽ xảy ra. Bitburg gởi một tờ phúc đáp cho biết ông đã cho canh phòng theo lời cảnh cáo. Bản phúc đáp đến sau khi cuộc tấn công đã xảy ra.

Vì thế cho nên ông đã không nói cho Bitburg biết về chuyến hành quân ở La Mã. Thế nào rồi Bitburg cũng viết báo cáo để kiện ông, ông ấy sẵn sàng kiện ông nếu việc không trôi chảy. Và một việc trừ khử kẻ thù có thể không được trôi chảy lắm chứ, nhất là việc vạch kế hoạch để giết Mahamoud Al Najaf.

Michelle vừa mới gọi ông xin phép cho nàng được hoãn lại hai ngày nữa. Ông bằng lòng ngay. Công việc thanh toán kẻ thù không thể ấn định giờ giấc chính xác được. Địa điểm rõ ràng và giờ ra tay cần phải mềm dẻo. Đối với Wolfie và Michelle thì để cho họ hai ngày nữa tốt hơn là đến sớm.

Khi đến trại định cư đầu tiên của người Ả Rập ở bờ Tây, Morton giảm bớt tốc độ. Một hàng rào chắn ngang giữa đường, một tiểu đội lính trong lực lượng phòng vệ, hai chiếc xe jeep và một chiếc xe chỉ huy đậu trong một khúc quẹo để yểm trợ.

Ông trình thẻ chứng minh cho họ xem, họ để cho ông qua. Ông từ từ lái một đoạn ngắn, tránh những ổ gà trên mặt đường, cố tránh những viên đá nằm rải rác khỏi chạm vào bánh xe. Những tên phá hoại đã phá đoạn đường này. Ông giả vờ không trông thấy những bô mặt gớm ghiếc thù hằn.

Al Najaf đã đến từ một ngôi làng như thế này đây. Tại một nơi như thế này, hắn đã học được bài học vỡ lòng về nghệ thuật bạo tàn, và hắn đã giúp cho người ta viết lên được một chương trình nghị sự về thuật khủng bố hiện đại. Trên bất kỳ danh sách những tên đáng được trừ khử nào, cũng đều có tên hắn và Raza cả. Bây giờ thì ông cảm thấy nhẹ nhõm trong người khi biết được Al Najaf đang có mặt tại một nơi khá lâu để phanh phui săn lùng. Dùng luật trời là tuyệt nhất. Những tác phẩm của Steve viết đã dạy cho Morton điều đó.

Gió chiều nóng bức thổi phần phật vào cánh tay áo của ông và luồn vào cái gói hàng để bên chỗ ngồi cạnh ông. Mấy tháng trước đây, ông đã mua bộ sách đóng gáy da viết về lịch sử của Triều đại thứ nhất của Ai Cập, để làm quà sinh nhật nhằm lễ thất tuần của Steve. Bộ sách này thêm vào cho vừa đủ tủ sách lịch sử thế giới cổ đại của ông cụ.

Những bộ sách này, và phương pháp làm sống lại lịch sử của Steve, đã khiến cho Morton say mê môn khảo cổ học và say mê môn tôn giáo để đối chiếu, vì thế mà những giáo sư của ông tại trường Cambridge đã yêu cầu ông đi vào con đường nghiên cứu của trường đại học.

Một chiếc taxi chở khách rồ máy qua mặt ông. Morton giữ cho xe chạy năm mươi dặm một giờ. Xăng nhớt quý hơn vàng, cho nên ông đã có thời gian tiết kiệm chúng.

Phía trước mặt ông, một đoàn xe quân sự rẽ vào dãy đồi Du Đà. Ông biết nơi đến của đoàn xe - đấy là căn cứ mà ông đã dùng trực thăng để đi Li Băng nhiều lần vào năm ngoái.

Hai bên đường đã xuất hiện cảnh hoang vu thuộc địa phận của Du Đà. Khi còn đi học, ông đã nghe giảng rằng Đức Chúa Jesus thường ra đây để trầm tư. Ông thừa hiểu lý do của Ngài, vì nơi đây chẳng có gì để làm cho người ta phải phân tâm hết.

Ông tự hỏi không biết Raza sẽ chờ đợi bao lâu mới ra tay ? Khi lần đầu tiên hắn có chất nổ Semtex trong tay, hắn không để lâu quá một tuần mới gây nên bao cảnh tội ác. Ông chắc chắn là hắn đang hết sức nôn nóng vì nỗi thất bại nhục nhã vừa rồi của hắn đã khá lâu rồi.

Một ngôi làng Ả Rập khác xuất hiện. Lại những ngôi nhà tường sơn trắng và những khuôn mặt thiếu thiện cảm đang nhìn. Bên kia ngôi làng, nắng chiều đang tắt dần. Morton bật đèn lên.

Ánh đèn bắt đầu sáng trong những ngọn đồi, đèn trong lều của dân chăn cừu Bedouin. Mặt trăng tròn đang vươn lên để gặp những vì sao. Ruth đã thường nói rằng những giờ phút đầu tiên của đêm, dường như thời gian ngừng trôi.

Lên đến đỉnh một con dốc, Morton lái xe ra khỏi đường chính. Không biết bao nhiêu lâu rồi, đứng nơi đây nhìn xuống thành phố Jerusalem, ông vẫn thấy nó không giống bất kỳ một thành phố nào khác cả. Không có nơi nào trên thế giới mà so được với cảnh những đụn đá, những tháp xoắn ốc và những tháp lớn nổi lờ mờ trong bầu trời đêm. Một lần nữa ông cảm thấy mộ đạo và thành phố Jerusalem là một nơi độc đáo : một nơi phi thời gian, nơi cùng tồn tại của Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Thế nhưng cũng là nơi người ta xâu xé nhau quyết liệt hơn bất cứ nơi nào.

Bên phía trái ông, nằm nép dưới chân đồi khuất gió, những ngọn đèn dầu đỏ lung linh. Từ lần trước đến đây, nay đã mọc lên thêm một ngôi làng Ả Rập nữa, thêm một nơi dung thân nữa cho Raza. Ông cảm thấy những đôi mắt thù hận đang nhìn ông, những đôi mắt của đoàn người đang lên dốc. Ông vội cho xe nhập vào đoàn xe đang chạy, rồi hướng về Jerusalem.

Ông cho xe đậu gần cổng Damoscus, và những người bán cao đơn hoàn tán ùa đến. Mặc dù bây giờ đang là thời gian không có những ngày lễ hội, nhưng họ vẫn kiếm cớ để bán nào là hạt linh lấy từ Gethsemane, nào là nước thánh lấy từ Jordan, đất thiêng lấy từ Calvary. Ông xua họ đi bằng tiếng Anh. Ở đây, người ngoại quốc vẫn còn được tôn trọng, nhưng là dân Do Thái thì khó ổn lắm.

Thế nhưng Steve và Dolly sống ở thành phố cổ này đã trên năm mươi năm. Căn hộ của hai người nằm trên khu Dolorosa đã chứng minh hùng hồn rằng sự sống chung vẫn còn thực hiện được.

Ở bên trong những bức tường thập tự quân, những người bán đồ dạo lại chìa ra những Thánh giá thật, những móng tay móng chân của Chúa Cứu Thế phục sinh, lông đuôi của con thú thiêng, những mảnh vỡ lấy trong đền Herod.

Khi còn bé, ông rất yêu thành phố này: ông từng nói chuyện với những ông già ngồi trước những ngưỡng cửa còn già hơn họ nữa, đi theo những người phụ nữ trùm kín người, đầu đội bình nước hay giỏ đựng hàng hóa, và theo những ông giáo sĩ Do Thái giáo, những vị linh mục của Giáo hội Hy Lạp và Nga chính thống, cứ giữ tình trạng đạo hạnh trong sáng, đã sống cuộc sống lạc lõng với thế giới trước mắt vì mải hướng về quá khứ.

Những con đường ở đây rất nguy hiểm. Thanh niên lởn vởn trước ngưỡng cửa, yên lặng và dòm ngó, múa may đe dọa. Âm nhạc oang oang khắp nơi : Những bản tình ca Ả Rập, giọng hát trẻ trung the thé ; lại thêm nhạc Hy Lạp chói tai. Và khắp nơi nhạc Beattles, nhạc Rolling Stones vang lên ầm ĩ. Loại nhạc này trường tồn ở đây hơn nơi nào hết.

Ông đã đi khỏi nơi đây lâu lắm rồi. Steve đã nói phải học ngay ở trường trung học công lập Anh. Năm năm học ở Clifton đã làm cho ông trưởng thành ra, rắn rỏi lên. Mỗi lần nghỉ lễ ông trở về, Dolly lại reo lên : Anh chóng lớn quá, anh nói tiếng Anh nghe hay quá ! Ruth lại chọc ghẹo ông về các cô gái. Steve cười rạng rỡ, nụ cười của người cha kiêu hãnh.

Khi Morton đi Cambridge để học, Steve đã đưa ra môt danh sách dài tên những giáo sư để giới thiệu. Hầu như ông cụ đã quen hết phân nửa số giáo sư kèm cho ông. Cho đến lúc ấy, ông mới nhận ra người cha danh tiếng của ông đã rất nổi tiếng trong giới học giả.

Môt toán tuần tra quân đội chạy dọc theo đường phố, hai chiếc xe jeep đã ép người ta vào chân tường. Morton cảm thấy nét giận dữ nơi họ do những người lính đã gây ra, ông thấy mắt họ nẩy lửa. Nhóm tuần tra vội nhìn ông. Một người lính nói bằng tiếng Do Thái :

— Tên ngoại quốc hiếu kỳ !

Morton giả vờ không nghe thấy, rồi ông đi vào khu Dolorosa. Ngày ông rời Cambridge trở về, trên tờ giấy thông báo ghi ông đạt hạng nhất hai môn, đó là lịch sử và khoa học chính trị, và ghi ông đã gia nhập cơ quan Mossad, Steve nhìn ông một hồi lâu rồi hỏi có thật ông muốn thế không. Ông trả lời tức khắc : Vâng. Vấn đề này không bao giờ đề cập đến nữa.

Căn hộ nằm trong tòa nhà được xây từ thời đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt tiền xây bằng đá trơn tru cao đến đầu người, do hàng triệu người đi hành hương đã tựa người vào đứng nghỉ khi họ đi tìm lại dấu chân của Chúa Cứu Thế; Morton dừng lại một chốc, cảm thấy như ông chưa bao giờ rời xa chốn này. Rồi ông leo lên các bậc cấp đá để vào tầng nhất.

Ông có chìa khóa riêng, ông tra vào ổ khóa, cánh cửa trước nặng nề, đóng bằng đinh sắt lớn. Ông cầm gói quà dấu sau lưng. Ông muốn làm cho họ ngạc nhiên, muốn nghe Dolly reo lên vì sung sướng, muốn thấy Steve đứng bật dậy khỏi ghế, đưa hai tay niềm nở chào đón ông. Morton nhẹ nhàng mở cánh cửa ra.

Căn nhà chìm trong bóng tối. Nhờ ánh sáng ở đầu cầu thang chiếu vào hành lang mà khung cảnh bớt thê lương. Ông bèn bật đèn ở phòng trước lên, đóng cửa lại, rồi đi từ phòng này qua phòng nọ, bật đèn lên. Tất cả cửa sổ cửa chớp, màn trong nhà đều đóng kín mít.

Ông quay trở lại phòng khách. Đồ đạc trong phòng đều y nguyên như trước. Chiếc bàn ăn bằng gỗ sồi nặng, với bốn chiếc ghế dựa kê ở cuối phòng. Chiếc bàn và cái giá thắp nến bằng đồng đều được Dolly chùi bóng láng. Chiếc ghế bành của Steve kê trong một góc, chiếc của Dolly kê ở góc kia. Giữa hai chiếc ghế là một cái tủ quân đội, có ngọn đèn đọc sách. Họ đã mang cái tủ từ bên châu Âu về.

Cái ghế dài mà Morton và Ruth thường ngồi khi còn nhỏ, kê sát chân tường, nơi họ ngồi để xem ti vi, cái ti vi đen trắng. Khi lãnh tháng lương đầu tiên, ông đã mua một cái ti vi màu. Dolly đã sung sướng rầy ông hoang phí.

Những kệ sách cao đến trần nhà, đầy cả sách không còn một khoảng trống. Những sách bình luận về tín đồ Cơ đốc, về người Ả Rập, một cuốn kinh Koran, một cuốn Phúc Âm nguyên bản, một cuốn tiểu sử bằng tiếng Nga viết về Alexander Đại đế nằm giữa những bản dịch bằng tiếng Xi Ri. Thư viện chạy vào tận trong phòng ngủ của Steve và Dolly, những kệ sách choán cả ba mặt tường, bao quanh chiếc giường bằng đồng rộng lớn.

Ông đi theo một hành lang ngắn dẫn đến phòng của Ruth và phòng trước đây của ông. Ngày ông còn ở đây, hành lang cũng đã kê các kệ chất đầy sách. Morton bước đến phòng của Ruth. Cái bảng ghi tên của cô ấy còn đóng trên cửa. Ông nhớ cái hôm ông đã đóng tấm bảng lên. Khi ấy Ruth đã mười hai tuổi.

Phòng của ông vẫn y nguyên kể từ khi ông ngủ ở đây lần cuối. Chiếc giường khung bằng gỗ sồi kê sát một bức tường, một tủ nhỏ và tủ áo quần kê sát bức tường kia. Ông vẫn còn một ít áo quần ở đây. Chiếc kệ sách, chất đầy sách về anh hùng thời thơ ấu : Just William, Biggles, Rockfist Rogan.

Morton trở về lại phòng khách, để xem có dấu hiệu gì cho thấy Steve và Dolly đã đi xa. Trên cái giá để đồ ở dưới điện thoại, ông thấy một chồng sách và tập san quảng cáo du lịch. Steve luôn luôn hứa với Dolly rằng hai ông bà sẽ đi du lịch một chuyến cuối cùng sang châu Âu. Sang Luân Đôn để xem một vở kịch. Đến Paris để thưởng thức thực phẩm và rượu vang đúng theo cách nấu và cách phục vụ. Về Đức, để mà nhớ.

Ông cũng nhớ, tại sao hai ông bà không gọi điện thoại báo cho ông biết họ đi đâu. Ông luôn luôn nói khó có cách để tìm cho ra ông - ngoại trừ gặp khi có chuyện hết sức quan trọng. Cũng vì thế mà ông đã đưa cho hai ông bà số điện thoại của Danny. Lúc nào Danny cũng biết ông đang ở đâu. Và Danny thế nào cũng gọi báo cho ông biết.

Để gói quà trên bàn, Morton đi vòng quanh rồi tắt đèn. Trở lại phòng ngoài, ông lại để ý nhìn một mảng tường nhỏ trên cửa không sơn quét. Đấy là dấu để tang nhắc nhở những ai còn sống hãy nhớ đến cảnh tàn phá ngôi đền Jerusalem cách đây đã hai thiên niên kỷ. Ông đã may mắn được những người mộ đạo và có lòng tốt như thế này nuôi dưỡng. Bỗng ông muốn nói cho họ biết thế quá.

Morton chợt nghe có tiếng động ở bên ngoài cửa. Có hơi người thở, như là có một ai đó đang áp tai vào gỗ, nghe ngóng. Morton nhẹ nhàng lấy khẩu Browning ra khỏi bao súng đeo ở vai, rồi nép người đi ra cửa. Ông tắt đèn ở phòng ngoài rồi quỳ xuống. Ông cúi người chờ đợi, một tay sẵn sàng trên nắm cửa, tay kia đưa khẩu súng lên ngang vai. Hơi thở khò khè to hơn. Rất nhanh và rất gọn, ông giật mạnh cánh cửa rồi chĩa súng ra.

Một bà già to mập co rúm người lại vì hốt hoảng, hai tay che lấy mặt, chiếc chìa khóa rơi khỏi tay rớt xuống đất. Bà nhìn ông sững sờ, lắp bắp muốn nói. Khi bà ta nói nên lời thì giọng của bà lai đủ thứ tiếng Do Thái, tiếng Do Thái Quốc tế và tiếng Anh.

— Davey ! Xin Chúa tha tội cho anh ! Anh chĩa súng vào mặt tôi kìa !

Ông thở phào. Hannah Meir là bạn thân nhất của Dolly. Bà là người đầu tiên và là người duy nhất mà Ruth và ông đã gọi bằng "dì". Bà cũng là người duy nhất vẫn còn gọi ông là Davey.

— Dì Hannah, cháu thành thật xin lỗi dì - Ông đứng lên, cất súng vào bao - Chỉ vì... cháu thật không ngờ là dì .. - Morton lượm chiếc chìa khóa lên, đưa cho bà.

Bà lắc đầu :

— Vậy cháu nghi là ai ? Một tên khủng bố à ? Bộ cháu tưởng có ai đến giết ba mẹ cháu à ?

Morton cười :

— Dì nói đúng. Nếu có hai người Do Thái nào được bình an trên thế giới, thì đấy chính là ba mẹ cháu. Mà cháu cứ tưởng mẹ cháu đang ở dưới bếp, chuẩn bị bữa ăn mừng sinh nhật đấy.

Ông vẫn gọi Dolly là Mẹ và Steve là Ba. Hai ông bà thích thế.

Bà già liếc xéo ông. — Anh muốn đứng đây nói chuyện hay là vào trong ?

— Xin lỗi, dì Hannah - Morton đứng sang một bên.

— Xin lỗi, đủ rồi - Bà vừa nói vừa bước qua trước mặt ông - Tôi mong là anh không có cơ hội như thế này nữa. Mẹ anh nói công việc của anh rất nguy hiểm, anh phải cẩn thận.

— Mẹ cháu quá lo đấy thôi - Ông đóng cửa lại.

Bà bước vào phòng khách. — Mẹ anh thương anh. Ba anh lại còn thương anh hơn nữa. Đương nhiên là họ phải lo cho anh.

Ông theo bà vào phòng, bà quay lại nhìn ông, nhìn như ông còn là một chú bé. Bà thở dài.

— Dì đã nói hai ông bà nên gọi điện thoại cho cháu biết.

Bà lôi trong túi áo ra một mảnh giấy, vuốt cho thẳng. Morton nhận ra nét chữ của Steve, nét chữ của một học giả, nhỏ, ngay ngắn, cách đều nhau. Hannah đọc to lên:

— Ngày đầu tiên và ngày thứ hai, ở Luân Đôn. Tại khách sạn Connaught - Ngày thứ ba, thăm quê hương Shakespeare. Ngày thứ tư, đáp máy bay tốc hành Phương Đông đi Paris. Ở tại khách sạn Maurice.

— Hôm nay là ngày mấy, thưa dì Hannah ? - Ông hỏi.

— Hôm nay vẫn còn là ngày đầu tiên, Davey à. Hai người đi sáng nay, ăn mặc khỏi chê, chi phiếu du lịch đầy đủ để cho ba cháu thỏa mãn một ao ước lớn lao là thết mẹ cháu sâm banh trong mấy bữa ăn. Ông ấy còn hứa đem về biếu dì một chai để trả công dì trông nhà nữa đấy.

Hannah bỏ tờ giấy ghi lịch trình vào túi áo. Bà thấy món quà của Morton, bèn bước đến cầm lên xem.

— Của cháu à ?

— Dạ. Một cuốn sách.

Bà gật đâu.

— Năm nào dì cũng nói hãy tặng ba cháu một chiếc áo sơ mi mới nhưng ba cháu chỉ muốn sách thôi. Cháu biết ba cháu đã có cả một đống sách rồi chứ ? Ông ấy vẫn muốn đọc hàng trăm cuốn nữa - Bà để cuốn sách xuống bàn trở lại - Dì đã nói cháu sẽ đến. Không có đứa con nào lại quên ngày sinh của ba mẹ mình hết.

Hannah dường như định nói thêm gì đấy. Nhưng rồi bà quay đi. Bà đã mất người con trai duy nhất trong trận Yom Kippur. Năm sau, chồng bà cũng mất. Bà con thân thích đều mất đã lâu. Ông cảm thông bà cố che giấu nỗi đau khổ của mình. Hannah là con người rất can đảm, khiến cho ông phải khâm phục. Bà quay lại nhìn thẳng vào ông, rồi cười nói :

— Mẹ cháu đã để sẵn mọi thứ trong tủ lạnh. Bà ây biết thế nào cháu cũng về. Xúp đấy, xúp khoai, gan, hành và bánh rán. Đều là những thứ cháu thích cả. Những thứ vợ cháu không quen làm.

Bà kéo một cái ghế dưới bàn ra, ngồi xuống.

— Xin lỗi cháu. Dì không cố ý gợi lại những kỷ niệm của người đã khuất.

Ông kéo một cái ghế đối diện với bà, rồi ngồi xuống.

— Shola không chết, dì Hannah à.

Bà lắc đầu :

— Cô ấy đã sống ở trong nhà này, Davey à. Cô ấy đã làm cho ba mẹ cháu khổ sở chưa từng thấy.

— Không phải hoàn toàn do lỗi của Shola đâu.

Hannah buông một tiếng thở dài nhè nhẹ.

— Thế cháu cho là mẹ cháu sai à, Davey ?

— Không phải thế. Không có gì trầm trọng để mà phải nói là ai sai hay đúng. Họ có gây gổ nhau gì đâu ? Không có gì hết ! Mà chỉ... Chỉ vì cháu đi luôn. Shola bực là vì thế.

Hannah nhìn ông.

— Nhưng cô ấy phải hiểu chứ. Mẹ cháu không hiểu đã đành. Còn cô ấy "đã biết" công việc của cháu mà.

Ông nhìn khuôn mặt, nhăn nhúm, mái tóc bạc buộc túm ra đằng sau của dì. Bà là người mẹ đã mất con. Ông không muốn làm cho bà đau khổ.

— Davey - bà lại lên tiếng - Cháu và cô ấy đều cùng chung một chiến tuyến, chắc là hai người tâm đầu ý hợp lắm!

— Không phải khi nào cũng thế đâu, dì Hannah à.

— Hai người cần có thời gian để hiểu nhau hơn.

— Có lẽ dì nói đúng.

Im lặng một hồi lâu, rồi bà lại nói : — Không có cách nào tái hợp được à ?

— Chúng cháu đã ly dị nhau hai năm nay rồi. Mới đây cháu nghe nói cô ấy đã có người khác rồi.

— Cháu vẫn quan tâm đến cô ấy à ?

Ông cười : — Dạ không. Tình cờ mà cháu được tin thôi.

Bà nhìn thẳng vào ông.

— Còn cháu ? Không có ai hết ư ?

Ông cười lớn :

— Dì lưu tâm đến cháu quá nhỉ ? Bộ dì muốn làm mai cho cháu ư ?

Hannah đưa hai tay lên giả vờ phản đối.

— Nói thế thì thật tội trời. Nhưng mà này, dì cũng quen biết một hai cô rất đẹp có thể là vợ hiền được đấy. Đã đẹp lại tân tiến chẳng thua gì gái Luân Đôn hay là Paris đâu.

— Như thế này là cháu hạnh phúc lắm rồi, dì Hannah à.

Bà nghiêm nghị nhìn ông.

— Đàn ông nào cũng đều phải lấy vợ hết. Ba mẹ cháu chắc là rất muốn cháu đi bước nữa. Và muốn có cháu nội là một thằng con trai...

— Dì Hannah, dì vẫn y như ngày xưa !

Bà rạng rỡ cả mặt mày.

— Dì biết, dì biết. Dì còn pha cà phê rất ngon được mà.

— Chắc là cháu thèm cà phê rồi đấy.

Bà vội vã đi xuống bếp. - Tel Aviv ra sao cháu ? - Bà vừa hỏi vừa quay lại với khay đựng tách và bình cà phê.

Họ uống cà phê kiểu Ả Rập, cà phê đen không bơ không đường.

— Dì biết đấy... Tel Aviv là Tel Aviv... thay đổi hàng ngày. Một số chúng ta bắt đầu chấp nhận quan điểm của thế giới cho rằng anh chàng IRan là ngon lành nhất trong khu vực này.

Bà đưa cho ông một tách.

— Rồi có được yên ổn không, Davey ?

Câu hỏi của bà thật giản dị khiến ông thấy bối rối trong lòng. Ông thành thật đáp : — Có lẽ một ngày nào đấy sẽ yên ổn. Nhưng ngày ấy vẫn còn lâu.

Bà nhìn thẳng vào Morton. Đôi mắt bà bối rối.

— Nhưng nước chúng ta quá nhỏ. Khi IRắc chiếm Kuwait, cả thế giới đều cho rằng anh chàng Kuwait "bé nhỏ". Mà chúng ta còn bé hơn nữa.

Ông nhấp cà phê. — Cà phê thật tuyệt - Ông để tách cà phê xuống bàn - Chúng ta có tầm cỡ sức mạnh mà kẻ thù không hiểu nổi. Có nhiều vũ khí và có đông người không hẳn đã mạnh. Vấn đề là quyết tâm. Chừng nào mà chúng ta còn có quyết tâm, chúng ta sẽ sống còn, dì Hannah à !

— Nhưng họ đang mạnh lên đấy. Cháu chắc cũng thấy trên tivi hằng ngày. Dì nghe radio thế. Rồi ra sẽ mệt đấy, Davey à. Dì cảm thấy như thế. Mẹ cháu cũng nghĩ vậy.

Ông uống hết tách cà phê, rồi rót thêm tách khác. Tiếng đồng hồ kêu tích tắc trên kệ bên trên máy sưởi.

— Dân tộc này muốn tạo nên một cuộc thánh chiến, dì Hannah à, và họ muốn thực hiện khắp nơi. Nhưng họ biết rằng trước hết họ phải loại chúng ta đi đã. Chúng ta đứng ở giữa họ với thế giới. Vì thế mà người Mỹ sẽ ủng hộ chúng ta, và tất cả những nước ở châu Âu nữa. Chúng ta là vật đệm cho họ.

Mặt bàn gỗ láng bóng phản chiếu ánh sáng ngọn đèn. Hễ mỗi lần Morton ngồi ở đây là ông lại thấy bóng ngọn đèn in dưới lớp gỗ láng bóng do bà Dolly lau chùi.

— Mẹ cháu thường nói Chúa đem chúng ta đến đây cũng nhằm mục đích ấy đấy, Davey à. Để chúng ta chịu trận thay cho thế giới.

Ông đẩy tách cà phê ra, rồi nói tiếp : — Vì chúng ta nhất quyết không chịu thua bằng vũ lực, cho nên kẻ thù đã dùng cách khác. Chúng đe dọa thế giới để họ đừng ủng hộ chúng ta nữa. Chúng còn làm cho một số bạn bè của chúng ta phải kinh hoàng để họ xa lánh chúng ta. Rồi chúng sẽ đến.

Hai người im lặng một hồi lâu rồi bà hỏi :

— Khi nào, Davey ? Khi nào thì chúng sẽ đến ?

— Ước gì mà cháu biết được, dì Hannah - Morton đáp.

Bà gượng cuời : — Mẹ cháu nói nếu cái gì mà cháu không biết, thì không đáng cho cháu biết - Bà rót cho mình một tách cà phê mới pha - Ước gì ba cháu nghe được những gì cháu vừa nói.

— Thật không, dì ?

— Thật chứ - Bà uống nhanh tách cà phê rồi để cái tách xuống - ít khi dì tranh cãi với ba cháu, Davey à. Dì chưa bao giờ nghe ai giảng giải về lịch sử của chúng ta hay hơn ba cháu. Đáng ra thì ông ấy nên in sách nhiều hơn kia. Mà không chỉ là in bằng tiếng Do Thái. Ông nên in nhiều ở Mỹ hơn. Ông ấy nên đi diễn thuyết khi họ yêu cầu.

— Ba cháu không muốn rời xa chúng ta.

Bà vội vẫy tay. — Ấy, không phải đâu. Ông ấy không thích đi mà thôi... bây giờ thì... -Bà có vẻ bối rối.

Ông đợi cho bà tìm ra ý. Rồi bà nói tiếp : - Ông thường nói chúng ta phải học cách để thương yêu kẻ thù. Dì hỏi ông đoạn nào trong kinh Torah nói thế ? Trong sách nào của ông ta ? Nhưng ông ấy chỉ đáp chúng ta phải học để thương yêu họ.

— Ba cháu là người thiếu thực tế rất đáng mến, dì Hannah à. Nếu mọi người đều như ba cháu hết, thì thế giới sẽ tuyệt biết bao !

Bà đưa tách lên môi, nhìn ông, bà hỏi :

— Lần chót cháu gặp ba mẹ cháu là khi nào, Davey ?

Ông ngẫm nghĩ rồi đáp ; — Cách đây cũng mười tháng rồi.

— Còn nói chuyện bằng điện thoại ?

— Cũng năm, sáu tuần rồi. Mà sao dì lại hỏi thế ?

Bà nhìn chăm chăm vào ông. — Thế mà cháu không biết à ?

— Biết cái gì, dì Hannah ?

Bỗng ông cảm thấy lo. Rồi dì nói thật nhanh :

— Ba cháu bệnh nặng, Davey à. Rất, rất nặng.

Ông nhìn bà.

— Ba cháu bệnh sao ạ ? Sao lại bệnh được ? Ba cháu đi nghỉ phép mà !

— Các bác sĩ nói ông ấy còn đi du lịch được.

— Các bác sĩ nào ?

— Các bác sĩ ở bệnh viện Brai Nith.

Ông nhìn bà không thốt nên lời, Brai Nith là bệnh viện mới của Israel chuyên trị bệnh ung thư. Hannah để cái tách xuống.

— Ba cháu đã đến đấy một tháng rồi. Họ phát hiện thấy ung thư ở gan và bao tử. Vì biết ba cháu là ai, cho nên họ nói hết cho ba cháu nghe. Không chữa chạy được nữa. Chỉ kéo dài thêm thời gian của ba cháu mà thôi.

— Nhưng ở đây người ta đã có máy bắn điện tử mà. Chắc là họ có thể bắn...

Hannah lắc đầu. — Đã quá nặng rồi, Davey à...

— Bao lâu ? - Ông hỏi nho nhỏ - Ba cháu bị đã bao lâu rồi ?

— Họ không biết.

Ông nhìn khuôn mặt khổ sở của bà dì, cảm thấy lòng mình quặn đau, và bỗng ông thấy ngạt thở. Ông đứng dậy.

— Cháu muốn nói chuyện với ba cháu.

Bà lấy ra tờ giấy ghi lịch trình du lịch, rồi đưa số điện thoại khách sạn Connaught cho ông. Ông bước đến điện thoại, bấm số gọi thẳng đến Luân Đôn. Nhân viên điều phối điện thoại ở khách sạn cho biết ông bà Vaughan đã nghiêm ngặt căn dặn rằng phải để cho hai ông bà được yên tĩnh cho đến sáng mai. Ông để điện thoại xuống, đứng yên một lúc, mắt nhìn đăm đăm vào kệ sách.

Bà già bước đến bên ông, ôm lấy ông như mẹ ôm con.

— Ở lại đây đêm nay đi, Davey ! Sáng mai gọi lại cho ba mẹ cháu. Rồi ra giáo đường cầu nguyên. Mẹ cháu chắc là thích thế.

Morton gật đầu, không hứa, rồi ông bước ra ngoài ban công nhỏ. Khi ông còn nhỏ, ông thường đứng ở đây hàng giờ trong khi Steve chỉ lên những vì sao. Morton nhìn ra cổ thành rồi nhìn qua đồi Gethsemane. Không khí mát lạnh. Chắc rồi trời sẽ lạnh lắm.

Khi ông bước vào lại phòng, bà Hannah đã đi rồi. Tháo điện thoại ra, ông đem vào phòng mình rồi nối điện thoại vào ổ cắm ở bàn bên cạnh giường ngủ. Ông đã cho thiết kế ở đây để nhận nghe điện thoại bất cứ vào giờ nào khi ông ở nhà sau ngày Shola bỏ đi.

Ông tháo súng và bao ra để trên bàn. Ông nhắm mắt lại, nghĩ đến Ruth rồi Shola, đến Dolly và Steve... rồi cuối cùng nghĩ đến Nan. Bỗng ông có ý nghĩ nói cho Hannah nghe về chuyện hai người gặp nhau, Nan giống như cảnh lâu ngày mở một cánh tủ, tìm thấy một cái sơ mi mình ưa ý và mặc còn vừa vặn. Nhưng rồi ông lại không muốn tâm sự với ai về chuyên Nan hết. Ông tự hỏi không biết những người khác khi yêu có như thế không ?

Ngày ông gặp Nan đến nay đã một năm qua rồi, cái ngày mà ông bước lên bục để đọc bảng tường trình hằng năm về chứng tâm động do khủng bố gây ra trước giới trí thức của trường Đại học Harvard. Khi mọi người nói xong, nàng bèn đứng dậy đến tự giới thiệu với ông : "Tôi là Tiến sĩ Nan Cooper, nhà vi rút học", rồi nàng hỏi ông nhiều câu hỏi đã suy nghĩ rất cẩn thận, và yêu cầu ông trả lời cũng cho thật chính xác. Ông mời nàng đi ăn tối. Ông chắc là cơ quan Mossad sẽ nhận thêm được một nhân tài mới đáng chú ý. Khi uống cà phê nàng trả lời bằng lòng rất giản dị, nàng muốn giúp ông.

Trên xe trở về nhà, nàng nói cho ông nghe đầy đủ về O’Hara, nhà bệnh lý học đã cùng chung sống không được êm đẹp, cuối cùng họ chia tay nhau và O’Hara bỏ đi New York. Ông bán tín bán nghi, vì từ ngày Shola bỏ đi, ông tránh không để cho vướng vào con đường tình cảm. Nàng chìa má cho ông hôn, nụ hôn tạm biệt chân thành.

Nan đã sang Luân Đôn sáu tháng rồi, nàng giữ chức Trưởng đoàn Nghiên cứu một thời gian tại bệnh viện Các Bệnh Lây Nhiễm. Trong chuyến thăm Luân Đôn vừa qua, ông đã gặp lại nàng.

Ông sang Luân Đôn để báo cáo trước Bộ Nội vụ Anh, về các tội phạm chiến tranh của Đức quốc xã, mà cơ quan Mossad đã phát hiện chúng đang sống bình an phè phỡn tại những nơi như là Hastings và Torquay. Đêm đó ông đến căn hộ của Nan, định mời nàng đi ăn tối như sáu lần trước hai người đã gặp nhau. Nhưng khi nàng mở cửa ra thì trên người nàng chỉ có chiếc áo mặc ở nhà bằng lụa mỏng. Ông còn thấy nàng không mặc đồ lót.

Nàng dẫn ông đến chiếc đi văng, rót sâm banh ra hai ly lớn có chân, rồi với giọng dịu dàng, nàng nói muốn làm tình với ông. Nàng nói nàng đã muốn làm tình với ông ngay từ khi nàng mới gặp ông. Ông thấy người bị kích thích ghê gớm. Ông đã quên bẵng cảm giác khi đụng chạm một cơ thể xa lạ rồi, nhưng lần này khi ông hôn nàng, ông cảm thấy như là lần đầu tiên ông được yêu. Ông cởi áo quần, môi vẫn không rời người nàng. Khi nàng cong người lại, nàng như muốn ông yêu nàng thật nồng nhiệt hơn nữa. Sau đó, nàng nằm yên dưới người ông một hồi lâu, không nói năng gì.

Sau lần làm tình thứ mười vào hôm cuối tuần đó, ông nói với nàng là ông đã yêu nàng. Nàng nhìn ông mỉm cười tinh nghịch, rồi nói ông không nên quá lo về tuổi tác của mình. Một người bằng nửa số tuổi của ông cũng không thể yêu một cách cuồng nhiệt như thế.

Buổi sáng hôm ông về Tel Aviv, hai người cùng nằm trong bể tắm cổ lỗ sĩ, mà ông vẫn thấy vừa đủ cho cả hai người. Hai cơ thể áp vào nhau rồi họ làm tình thêm lần nữa. Ông lại thì thào bên tai nàng là ông yêu nàng. Nàng bước ra khỏi bể tắm, rồi vừa lau mình nàng vừa nói một cách tinh nghịch :

— Davey, đừng có trẻ con như thế. Em không muốn tình yêu. Em chỉ muốn làm tình thôi. Đừng làm rắc rối thêm lên. Nhé ?

Vì ông yêu nàng, nên ông chấp nhận. Ông biết ông không biết rõ quá khứ của nàng, khi hai người dan díu nhau thì nàng đã nói cho ông biết. Ông không hề tìm hiểu. Ông chỉ nhớ nàng khoảng ba mươi lăm tuổi, và ông đừng hy vọng nàng còn trinh. Trong vòng một tháng nữa, Nan sẽ trở về lại Boston, như thế càng xa thêm. Nhưng chắc ông sẽ tìm cách để đến thăm nàng.

Điện thoại reo.

— David - Danny nói - Chúng tôi đã chặn được một tin.

— Phải chăng anh đã nghe giọng nói, Danny ? - Morton hỏi, đáng ra ông không cần phải hỏi làm gì.

— Chính xác lắm. Giọng Raza.

— Tôi về ngay đây.

Hai mươi phút sau, ông rời Jerusalem, phóng nhanh về Tel Aviv, ông nhắc thầm thế nào cũng phải gọi Steve.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.