Săn Đuổi

Chương 15




Người dịch: Văn Hòa - Kim Thùy

Nhà xuất bản: NXB Thanh Niên

Shared by: CCG -

Vừa cuồng tín lại vừa là một thành viên trung thành của phong trào khủng bố, Mahamoud Al Najaf lo chuẩn bị kế hoạch để ám sát Đức Hồng y ở Li Băng.

Trong căn phòng nhìn ra quảng trường trải dài nằm sau điện Pantheon tại thành phố La Mã, hắn cẩn thận sửa soạn tấm thảm cầu nguyện hướng về phía Mecca. Cởi đôi giày được hắn thuê thợ đóng đặc biệt ra, đôi giày hắn rất quý trong cuộc sống đạm bạc của hắn, hắn quỳ xuống và cúi người lạy ba lần, mỗi lần hắn đều để cho trán chạm đất. Hắn bắt chước cha hắn trong cách cầu nguyện, giọng cầu nguyện trầm nhưng rõ ràng, mạnh mẽ.

— Lạy Đấng Ala, vị chúa tể trần gian, vị Đại trí Đại từ, vị Pháp quan tối cao phán xét cuối cùng, xin Ngài chứng giám cho lòng thành của kẻ tôi tớ Ngài. Chúng con chỉ thờ phượng Ngài. Chúng con chỉ xin Ngài giúp đỡ. Xin Ngài chỉ cho chúng con con đường giải thoát.

Hắn trích lời đọc trong bộ kinh "Ummul Quran", Bản Thể của kinh Koran, những lời cầu nguyện thiêng liêng nhất mà kẻ ngoại đạo Hồng y ở Li Băng kia đã dám gọi là lời nguyện cầu Chúa của dân Hồi giáo. Thằng cha quỷ sứ kia đã nói như vậy trong lời kêu gọi liên minh tôn giáo của hắn.

Khi Al Najaf đã đọc xong bảy câu thơ, hắn dừng lại. Bằng giọng thật trầm, hắn cầu nguyện tiếp :

— Nhân danh Đấng Ala. Bậc Đại Nhân, Đại Từ. Alif, Cam, Mim.

Một lần nữa hắn dừng lại sau khi đã đọc ra ba chữ trong mẫu tự Ả Rập có ý nghĩa biểu lộ sức mạnh thần bí ấy. Thế rồi hắn tuôn ra một hơi :

— "Xin Ngài hướng dẫn bàn tay kẻ tôi tớ của Ngài để bàn tay quý giá của Ngài bịt mõm kẻ thù của Ngài khỏi phát ngôn độc địa cố làm dơ bẩn sự thanh khiết của Ngài".

Al Najaf nằm sấp một hồi lâu, nhắm hai mắt, trong đầu nhớ lại cảnh đi hành hương của hắn đến thánh địa Mecca, hắn đã quỳ với hàng triệu người khác truớc Thánh thất, đã nguyền rằng thà chết chứ không chịu để cho quyền năng của Ngài suy giảm. Khi hắn cầu nguyện ở đấy, hắn đã cảm thấy chắc chắn Đấng Ala đang nghe lời hắn, như các vị tu sĩ Hồi giáo đã hứa chắc chắn như vậy.

Bây giờ, khi hắn nặng nề đứng dậy và cuốn tấm thảm cầu nguyện lại, hắn lại càng tin chắc như thế. Đấng Ala đã muốn tên ngoại đạo Hồng Y kia phải chết. Đúng là sự trừng phạt mà kinh Koran đã nói đến.

Al Najaf bước quanh trong phòng khách, từ đây hắn có thể nhìn thấy những tháp hình đụn, hình xoắn ốc, những tháp có mái vòm của La Mã. Người hắn to lớn nặng nề, có dáng đi rất kỳ dị. Chân hắn như có gắn lò xo. Mặt hắn trơn tru từ trán cho đến cằm, trông hắn có vẻ hiền từ chân chất.

Suốt nhiều năm trôi qua, vẻ người hiền lành đã giúp cho hắn hoạt động dễ dàng. Khi hắn di chuyển không mấy ai nghi ngờ. Rồi một năm nay, Raza báo cho hắn biết bọn Do Thái đã lên án tử hình hắn. Từ đó, hắn phải cẩn thận khi hoạt động. Nhưng vì vụ này quá phức tạp khiến hắn phải ở lại La Mã lâu hơn là hắn mong muốn. Như thế rất nguy hiểm vì có khả năng người Do Thái sẽ phát hiện ra hắn. Nhưng cũng như mọi khi, hắn đã chọn cách che giấu để giảm thiểu tối đa sự nguy hiểm đi.

Căn phòng làm ra vẻ là nơi ở của một nhà báo nước ngoài đi làm phận sự thuê ở tạm. Từng chồng báo chí chất khắp phòng. Trên bàn có một máy chữ đánh tay, nằm khuất một nửa dưới những ấn bản báo chí. Một máy in vô tuyến thuê để đưa tin kê trong một góc phòng, đang chạy rào rào sao chép giấy tờ. Những bản tin đánh đi bằng máy viễn ký treo đầy trong phòng như áo quần mới giặt treo phơi trên dây. Hắn cẩn thận nói cho mọi người ở trong tòa nhà biết hắn là một phóng viên cho một tờ nhật báo ở Cairo, đến La Mã để viết bài tường thuật hội nghị thượng đỉnh về tôn giáo sắp đến giữa Đạo Hồi và Đạo Thiên Chúa do Đức Giáo Hoàng triệu tập.

Một lần nữa hắn dừng lại ở máy in vô tuyến. Những vụ đánh bom khách sạn và vụ ở Trekfontein vẫn là tin tức hàng đầu, thế nhưng không có một lời nào nói về những yêu cầu mà hắn đã gởi đến ba cơ quan đánh điện tín hết. Cuộn băng sau cùng - Cuộn đã ghi trước về việc Lila tuyên bố thành phố Trekfontein bị tàn phá - vẫn còn ở trong máy trả lời, máy này hắn đã biến thành một máy phát tin.

Chắc là bọn ngoại đạo đã ra lệnh cho báo chí không đăng rồi. Cũng không cần thiết cho lắm. Rồi thế giới của bọn không có đức tin cũng sẽ biết sự thực thôi.

Hắn đứng một lát nơi cửa sổ chỉ có một tấm gương lớn. Thấy thế, con chó của chủ nhà sủa lên. Không sao : rồi sẽ đến lúc nó và hàng triệu người như nó đã từng bóc lột người Ả Rập sẽ phải trả giá. Không có hương đèn cúng bái nào sẽ cứu chúng ra khỏi lưỡi gươm trừng phạt được hết. Và thành phố này sẽ đưa ra một khung cảnh điển hình cho chúng thấy bất kể chúng có cầu nguyện đến đâu đi nữa thì bàn tay chân lý cũng vươn tới, để cho chúng thấy ý nghĩa đích thực của niềm tin.

Al Najaf đã chuẩn bị một vở kịch để chứng minh việc này rất hoàn hảo.

Trước khi tên biệt kích của Raza đến quảng trường St. Peter, Al Najaf sẽ đưa ra cho hắn một viên Xya-nuya. Sau khi đã ám sát tên Hồng y ở Li Răng rồi, tên hành quyết sẽ quay mặt nhìn đám đông kinh ngạc, đọc những lời mở đầu của bộ kinh Ar Ra’d, bộ kinh cầu nguyện về luật nhân quả. Tên biệt kích sẽ nuốt viên thuốc vào miệng để chứng tỏ cho bọn ngoại đạo biết rằng một chiến sĩ Hồi giáo không sợ chết.

Al Najaf sẽ không có mặt ở đấy để chứng kiến giờ phút xảy ra. Đêm trước đó hắn sẽ rời xa thành phố thù địch này, bay đi Tripoli. Hắn sẽ được Raza khen ngợi và được thưởng cho một cô gái. Những tuần bị bắt buộc phải sống độc thân này đã làm cho hắn không chịu đựng nổi. Hắn phải xả hơi sau chương trình quá nhọc nhằn mà Raza đã ép hắn phải làm này.

Al Najaf vào phòng ngủ, mặc vội bộ áo quần rộng màu tía dể tập thể dục và mang giày tập chạy vào. Sau khi đã duỗi người, nghiêng qua vẹo về cho giãn gân cốt, hắn bước ra phòng khách, đi đến máy trả lời để trên bàn. Hắn lấy cuộn băng ra rồi mở cái tủ sắt nhỏ hắn đã mua, cái tủ được kê sát bên bàn làm việc. Hắn bấm số trên khóa số rồi mở cửa ra.

Trong tủ sắt có vé máy bay của hắn, thẻ thông hành giả của Ai Cập, và tờ quyết toán tiền bạc hắn được cấp cho để ghi những chi tiêu. Bên cạnh một chồng giấy tờ ghi chú, có hai cuộn băng cátxét. Hắn lấy một cuộn và để cuộn đang nằm trên tay thay vào đó, hắn đóng cửa và xóa số trên ổ khóa đi. Hắn chọn những con số 3 - 10 để làm mật mã an toàn vì những con số này là số hên ở trong kinh Koran huy hoàng. Khi hắn quay số, hắn lại đọc to những từ được tiết lộ lần đầu tiên của vị sứ giả tại Al Madinah, nơi chôn nhau cắt rốn của Al Najaf.

"Cả bọn giàu có lẫn con cháu của bọn vô tín ngưỡng đều không có ích gì cho Đấng Ala. Chúng phải làm mồi cho ngọn lửa hết”.

Hắn đứng thẳng người lên rồi quay qua máy trả lời. Hắn nhét cuộn băng vào rồi mở máy, giữ cho âm lượng nho nhỏ, để nghe giọng của Lila.

"Nhân danh Raza, người chiến sĩ chiến đấu cho tự do, Chính phủ Pháp cần ghi nhớ điều này. Các người đã cầm tù ba mươi hai chiến sĩ cảm tử quân ưu tú của chúng tôi. Cũng như những yêu cầu đã được nêu ra nhân danh các dân tộc Hồi giáo bị áp bức. Yêu cầu các người thả tự do cho tất cả những vị anh hùng cách mạng này trong vòng hai mươi bốn giờ đồng hồ kể từ khi cuộn băng này được văn phòng tuyên truyền láo khoét của các người nhận được. Không làm đúng yêu cầu này, các nguời sẽ nhận hình phạt ngay tức khắc"

Al Najaf cho cuộn băng quay lại, tay hắn hơi ngần ngại. Những yêu cầu không những lần này mà còn cả những lần khác đều rất phi thường chưa từng xảy ra trước đây, thế mà tại sao chúng làm ngơ nhỉ ?

Hắn lấy cuộn băng ra rồi bỏ vào túi. Chắc hắn sẽ thấy được hứng thú trong người khi đi khắp các đường phố với cuộn băng cátxét này. Chắc là đấng chí tôn cũng đã có cảm nghĩ như thế vào hồi hắn bí mật đi vào thành phố Jerusalem của bọn phục quốc Do Thái, hắn đã long trọng thề ngay trong đất địch rằng một ngày nào đấy hắn sẽ tiêu diệt hết chúng.

Khóa cửa phòng xong, trên cửa có gắn một tấm bảng bằng đồng mang hàng chữ "Cơ quan báo chí Ả Rập", Al Najaf bước vào cái thang máy cổ lỗ xuống tận tầng trệt, rồi hắn bước ra ngoài quảng trường. Hắn bắt đầu chạy, không để ý đến chiếc Peugeot đang đậu ở tít tận phía bên kia của quảng trường.

— Hắn giống như Chúa, điệu bộ di chuyển thật bí mật, - Wolfie nói nho nhỏ, cười với Michelle ngồi ở ghế trước xe. Anh vỗ nhẹ mấy ngón tay trên tay lái. Ánh sáng sớm mai làm nổi rõ cái dải vải trắng thắt quanh cổ chiếc áo chùng đen của Linh mục Giáo hội La Mã trên người anh.

— Có khá nhiều thằng khờ đi nhầm chỗ lắm - Michelle đáp rồi cô đưa tay sờ tấm khăn trùm của nữ tu sĩ được sửa lại, khâu vào mái tóc giả trên đầu. Chiếc khăn phù hợp với cái váy màu xám dài đến bắp chân và cái áo rộng trên người. Có hàng ngàn nữ tu ăn mặc như cô trong giáo phái Cách Tân.

— Chắc em đã cho là hắn vì quá bề bộn công việc mà không thèm tập chạy sáng nay đấy - Wolfie nói.

Chiếc rađiô trong xe cứ tường trình mãi về vụ ở Trekfontein, về các vụ đánh bom khách sạn và về vụ nổ xe bồn dầu ở Athens.

Michelle nhíu mày. — Em không nghĩ Raza lại đi đánh môt chiếc xe bồn dầu như thế. Trò của hắn là phải cả một nhà máy lọc dầu cơ.

Wolfìe thấy Al Najaf mất dạng ở cuối đường, anh bèn nổ máy cho xe chạy.

- Morton vừa cho biết hết rồi - Michelle nói, vừa đưa tay vào trong cái túi xách đeo vai lớn, loại túi xách các nữ tu thường mang trong năm nay. Cô vặn ống giảm thanh vào nòng khẩu súng nhỏ Tiệp Khắc.

— Trời hôm nay chắc đẹp đấy - Wolfie vừa nói vừa cho chiếc xe chạy vào quảng trường điện Pantheen. Những quán cà phê bắt đầu mở cửa.

Chiếc Peugeot chạy về phía khu Largo Argentina. Một chiếc xe tải giao bánh mì chặn cả lối đi. Wolfie nhoài người ra khỏi xe, anh nói to với người tài xế bằng tiếng Ý rất sõi :

— Thưa ông, tôi cần đến kịp giờ làm lễ.

— Không sao, thưa Cha - Anh tài xế nói. Anh de chiếc xe lui để cho Wolfie chạy vào một con đường hẹp đến khu Santa Chiara. Chiếc Peugeot chồm lên chúi xuống trên nền đá cuội đã được lát cho xe tứ mã của Caesar chạy.

Wolfie cho xe đỗ ở bên kia lối vào nhà thờ "Our Lady of Hope" (Đức Bà Hy Vọng). Anh để cho máy xe nổ nho nhỏ. Mang túi xách lên vai, Michelle bước vào nhà thờ. Wolfie ngồi yên bên tay lái, đưa tay lấy cuốn sách lễ ở dưới mặt đồng hồ xe. Bên cạnh anh, trên ghế ngồi, có một khẩu súng nhỏ loại Luger. Khẩu súng cũng có gắn ống hãm thanh.

Vào trong cửa giáo đường, Michelle nhúng một ngón tay vào chậu nước thánh ở trên tường. Rồi cô kính cẩn quỳ xuống trước bàn thờ, đưa mấy ngón tay còn ướt làm dấu thánh giá. Cô ngồi trên chiếc ghế cầu nguyện đối diện ngay với cửa vào.

Anh nắng ban mai đã chiếu lấp lánh trên các cửa sổ của giáo đường. Ánh sáng làm cho hình Chúa ở trên khung kính màu giống như ngài đã bị đóng đinh vào môt bầu trời màu tía, đượm màu đỏ sẫm hơn là màu máu. Michelle chú ý thấy có vài người đi dự lễ sớm đã ngồi trong giáo đường rồi. Hai lần đến viếng trước đây chỉ có một vài bà già ngồi gần bàn thờ, cũng như hôm nay vậy.

Để cái túi xách bên cạnh, Michelle lấy một cuốn sách nguyện, mở ra lúc cuộc lễ bắt đầu. Cô có vẻ để hết tâm trí vào buổi lễ. Khi các bà già xưng tội thì Michelle đứng dậy, bước ra cửa, cái túi xách đeo vai của cô vẫn để mở.

Cô đứng bên trong ngưỡng cửa hình vòng cung, lắng tai nghe ngóng. Ngoài tiếng máy chiếc Peugoet nổ nho nhỏ đều đều, cô còn nghe thêm một tiếng nữa, tiếng hổn hển như tiếng một con thú hòa lẫn với tiếng lê chân. Âm thanh ấy đến từ hướng cô đã mong đợi, hướng bên trái của cô, đang tiến đến chỗ Wolfĩe đang ngồi, anh vẫn mải miết đọc cuốn sách lễ.

Trước mặt chiếc xe khoảng hai mươi thước Anh là đoạn đường vòng. Bên kia chỗ quẹo, tiếng thở hổn hển càng lúc càng to. Bây giờ cô đã phân biệt được tiếng thở với tiếng lê chân, đặc biệt nhận ra tiếng thở phì phò nặng nhọc và đôi chân sắp quỵ sau khi đã rán chạy trên sỏi đá.

Al Najaf xuất hiện. Mồ hôi ướt đẫm cả mặt, miệng há ra. Dường như hắn cũng bị hành hạ như Đấng Cứu Thế trên khung kính màu vậy.

Michelle thấy Wolfie đưa tay mở cánh cửa phía trước ra. Anh nhìn về phía Al Najaf cười khoan khoái.

Cô thấy nét mặt hắn có vẻ hốt hoảng, rồi hắn chạy ngang qua cô, mắt vẫn nhìn về phía chiếc xe. Bây giờ thì cô không thấy rõ nét mặt của hắn nữa.

Michelle bước ra ngoài đường.

— Mahamoud Al Najaf - Cô gọi bằng tiếng Ả Rập rất rõ ràng - Quay lại đi !

Hắn chạy thêm một hay hai mét nữa. Cô lại gọi : — Quay lại !

Al Najaf chỉ còn thấy loáng thoáng một nữ tu chĩa súng vào hắn, hai chân dạng ra hai bàn tay nắm chặt khẩu súng.

Michelle bắn hắn năm phát, hai phát vào tim và ba phát vào đầu. Khi hắn nhào xuống, cuộn băng cátxét ở trong túi quần văng ra ngoài.

Michelle chạy đến chiếc xe vừa lúc chiếc Peugeot cũng chuyển bánh, cánh cửa phía trước mở rộng. Cô nhanh nhẹn cúi xuống nhặt cuốn băng, ném vào cái túi xách cùng với khẩu súng. Không dừng lại một giây, cô nhảy vào chiếc xe đang di chuyển. Chín phút sau, Wolfie đỗ xe gần khu Spanish Steps (Những bậc cấp Tây Ban Nha). Anh và Michelle buớc vào khách sạn Hassler.

Hai người đã chọn khách sạn Hassler, vì ở đây người ta bớt tiền rất nhiều cho những khách mộ đạo, và không nhận thẻ tín dụng. Chuyện một nữ tu sĩ và một linh mục đến ở chi trả bằng tiền mặt là một chuyện rất bình thường.

Mười lăm phút sau họ trả phòng khách sạn.

Chiếc Volvo đã đậu đúng chỗ Morton đã nói, ở trên khu Condotti, chùm chìa khóa trong túi xách của Michelle mở được cửa xe. Dưới sự chỉ đường của Wolfie, cô lái thật nhanh ra xa lộ dẫn đến Florence. Cô lái cẩn thận, kiểu nữ tu sĩ lái xe. Wolfie ngồi bên cạnh ngay thẳng nghiêm trang, với dáng điệu các linh mục thường ngồi.

Hai người im lặng một hồi lâu.

— Chúng ta nghe cuộn băng xem - Michelle nói khi họ ra khỏi ranh giới thành phố Roma.

Wolfìe lấy cuộn băng trong túi xách, đút vào trong khe ở dưới rađiô trong hộp đồng hồ xe. Họ lặng lẽ nghe. Anh cho băng quay lại và nghe thêm một lần nữa. Anh nhìn Michelle.

— Không biết những yêu cầu kia ra sao rồi ?

— Raza chắc là bể dĩa rồi - Michelle nói.

— Anh hy vọng Chính phủ nước em không nhượng bộ. - Wolfìe không che giấu sự hoài nghi khi nói thế.

Michelle nhíu mày.

— Thường thì họ nhượng bộ. Rồi những nước khác sẽ làm theo. Morton gọi kiểu này là ván bài đôminô. Chắc ông ấy muốn nghe chuyện này lắm.

— Chắc thế rồi! - Wolfie bắt chước giọng nói của Morton rất giống.

Cô cười. Giọng nhạỉ của Wolfie đã nhiều lần làm cho công viêc của họ được nhẹ nhàng hơn. Anh cho cuộn băng chạy lại một lần nữa. Wolfie nói :

— Theo anh thì bất kỳ nước nào cũng phải lo nghĩ đến chuyện các khách sạn bị đánh phá hay chịu cảnh như Trekfontein, và lo việc thả ra cả một loạt bọn khủng bố như thế.

— Tại sao không thả chúng ra, rồi săn lùng chúng và hạ chúng ?

Anh nhìn cô rồi cười vang. — Lạy Chúa, Michelle. Có nhiều người như em ở nước em không ?

— Nhiều lắm. Cả những kẻ xấu cũng nhiều. Mẹ em chắc không bận tâm đến việc thả chúng nó đâu.

Hai người im lặng suốt trong khoảng đường dài hơn hai cây số. Hai bên đường, người ta đang hái nho, vụ hái cuối cùng để ép làm rượu.

Ra khỏi thành phố chừng mười sáu cây số, họ rời xa lộ để lái vào giữa những cánh đồng ô liu và chanh. Michelle cho xe chạy chầm chậm trên con đường gồ ghề. Sau một dặm đường, Wolfie trông thấy cái ụ đá hình tháp nhỏ dẫn vào một rừng chanh.

Cô dừng xe lại, rồi cả hai bước ra khỏi xe. Wolfie duỗi hai tay, còn Michelle thì lục lọi tìm trong túi xách đeo vai. Cô lấy ra một miếng giấy.

— Năm và chín - cô nói - một vết khắc hình chéo trên thân cây.

— Đặc trưng của Bitburg - Wolfie đáp - Có lẽ chưa bao giờ ông ta thấy một cây chanh nữa.

Cả hai đều cười rồi họ đi vào trong rừng chanh. Gần đây Bitburg thích dùng các loại dấu thông tin như dân Hướng Đạo thế này lắm. Vừa đi, họ vừa đếm. Cây thứ năm hàng thứ chín, họ thấy một vết nứt nơi vỏ cây.

— Anh đi ra xe lấy xẻng và cái túi lớn - Wolfie nói.

Khi anh trở lại, Michelle đã tháo bộ tóc giả ra và cởi áo khoác ngoài. Cô có một cơ thể lực sĩ, rám nắng và dẻo dai.

— Em còn có việc phải làm nữa đấy nhé - Giọng Wolfie trầm, rõ, phát âm rất chuẩn, không ra vẻ người nước ngoài.

Cô tiến đến gần anh hơn. — Thì anh cũng thế.

Cô ngửa người ra sau, áp hông vào anh một cách khêu gợi.

— Anh còn phải đáp một chuyến bay nữa - Wolfie nói nho nhỏ.

— Em biết rồi - Cô nói thì thào, không để ý đến lời anh, cứ nảy hông tới trước.

— Morton không thích thế đâu - Anh ghẹo.

Cô cười : — Chắc chắn rồi !

Anh để mặc cho cô cởi áo quần anh ra một cách từ từ như sở thích của anh. Cô áp môi vào ngực anh, thích thú. Anh nhẹ nhàng đẩy cô nằm xuống, áp mặt vào ngực cô. Hai người lặng lẽ làm tình.

Sau đó, họ lấy áo quần thể thao trong cái túi xách lớn ra, mặc vào. Michelle gói bộ áo quần tu sĩ vào một gói, thả vào hố. Wolfie lấp đất lại rồi lấy xẻng đầm mặt đất cho đều. Nhân viên của Morton ở La Mã sẽ đến để lấy áo quần đem đốt đi, rồi thu xếp cho một gara đến thu hồi chiếc Peugeot mà không hỏi han thắc mắc gì.

Ở phi trường Florence, Wolfie trả lại chiếc Volvo cho công ty thuê xe. Họ đưa giấy thông hành Thụy Sĩ cho một nhân viên di trú xem, anh chàng này có vẻ mặt thật u sầu. Từ phi cảng, Michelle điện thẳng tới Tel Aviv.

— Đợt nghỉ hè mỹ mãn - Cô nói - Và tôi có kiếm được mấy thứ mà chắc ông thích nghe lắm.

— Tuyệt lắm. Tôi có vài công việc ở Luân Đôn. Chúng ta hãy gặp nhau ở đấy nhé - Morton đáp xong, ông cúp máy.

Khi Michelle nói cho Wolfie nghe, anh cười. Họ được kết nạp vào tổ rồi.

oOo

Sau khi nghe Michelle gọi xong, Morton lái xe đến phi trường Lod. Một giờ sau, qua lớp kính màu, sáng bóng trên đài không lưu, ông nhìn thấy chiếc Concorde xuất hiện trên bầu trời. Mũi chiếc máy bay có hình nón đang chúc xuống khi bay qua bầu trời Tel Aviv rồi bay dọc theo đường băng. Một kiểm tra viên không lưu thông báo chiếc máy bay chở thi hài của Steve và Dolly về nhà.

— Nairobi, Addis Ababa, rồi bây giờ đang đâu đó ở Nam Kabul - Danny ngồi bên cạnh ông vừa để điện thoại xuống vừa lên tiếng nói - Đúng là dấu vết của con ấy.

Morton quay lại khỏi cửa sổ. — Có khả năng Raza đang ở tại Afghanistan.

— Chúng tôi chưa nhận được tin chính xác. Cụ Gù cho biết mỗi lần đọc đều giống như giọng trong các cuộn băng đòi yêu sách. Và cả hai máy Comint cùng Elint đều xác nhận địa điểm nơi nó gọi.

Morton biết Danny rất tin tưởng vào các kỹ thuật gia điều khiển máy Comint, máy tình báo viễn thông, và máy Elint, máy tình báo điện tử. Nhờ hai máy này, họ có thể tung ra một mạng lưới trên nhiều trăm dặm vuông khắp nơi trên mặt đất.

Từ tin chặn được đầu tiên ấy ở Nairobi, họ mò mẫm tìm kiếm trên không để phát hiện ra những nơi khác. Họ đã bắt được giọng phụ nữ ở vùng ngoại ô của phi trường đổ nát Addis Ababa, rồi nhiều giờ sau, họ lại bắt được tiếng nói khoảng gần Kabul.

— Công việc tốt đấy, Danny. Nhưng không được thừa nhận à ?

— Không. Tôi không chấp nhận loại tin như thế. Mỗi lần nó báo cáo là lúc ở trên đường đí. Nó tinh khôn và nhanh nhẹn, nó sẵn sàng đổi hướng bay giữa đường nếu ông chủ nó ra lệnh.

— Còn con kia thì sao ?

— Cũng không biết rõ hơn.

Morton nhìn ra ngoài cửa sổ. Mấy bánh xe đã hiện ra duới hai cánh chiếc Concorde.

— Con vịt con xấu xí của chúng ta kìa - Danny nói nho nhỏ.

Không phải con vịt con đâu, mà là con chim cắt, Morton nghĩ thế. Cái mũi khoằm ấy trông ác liệt lắm đấy. Tel Aviv đi Luân Đôn rồi trở về chưa đầy năm giờ. Trọng tải gần hai trăm nghìn ký mà bay với vận tốc gần bằng vận tốc viên đạn, từ đây đến Jerusalem trong ba mươi giây.

Từ khi họ có mặt ở đây, người viên chức hãng tống táng El Al nói đủ thứ chuyện với họ. Ai cũng cố xua đuổi cảnh chết chóc đi.

Morton nhìn Danny.

— Raza chắc đã dùng hộp phát âm đấy. Chắc hắn ngồi ở Beirut truyền lệnh đi mà thôi.

— Có thể hắn làm thế, nhưng chắc chắn là máy Elint và Comint đã thu được lời hắn từ văn phòng của hắn ở Beirut truyền đến khu vực nào đấy quanh Kabul.

— Hắn nói gì ?

— Chỉ là lặp lại chuyện về Đấng chí tôn nhận lại người đàn bà ấy với nước hoa của nó.

Danny liếc mắt nhìn Morton. — Anh có nghĩ là chúng có thể đã ướp nước hoa vào vi rút để đánh lừa người ta không ?

Morton nhìn chằm chằm vào mặt Danny.

— Anh có thể đã thấy được vấn đề rồi đấy. Người đàn bà ở Nairobi đã nói đến nước hoa. Nó có thể đã mang vi rút bệnh than vào Trekfontein trong một chai nước hoa. Con đàn bà ấy có thể đã làm thế để khỏi bị nghi ngờ. Có thế vì thế mà nó đã nói nước đã pha nước hoa. Chúng ta lại còn biết là Raza dùng phụ nữ nhiều hơn bất cứ tên khủng bố nào khác. Phải chăng hắn đã phái một con nào sắp thả nhiều vi rút và bỗng đã xảy ra chuyện gì đây ? Có thể con ấy đã bị chết trong một tai nạn hay là bị giết rồi ? Và nó đã mang theo vi rút bên mình. Thế mới đúng với ý nghĩa câu Đấng chí tôn đã đem cô ta về... và đem theo cả vi rút bệnh than luôn.

Danny lắc đầu. — Nếu Bitburg nghe anh nói, mắt ông ta chắc nổ luôn ! Rồi tìm đâu cho ra con mắt như thế. Và chúng ta biết nhìn ở đâu đây ?

— Nhân viên của anh cho biết cuộc gọi xuất phát đâu đó trong vùng cách Beirut năm trăm dặm. Cũng đáng lạ lắm. Chúng ta chắc là phải nơi nào gần hơn.

— Chắc nguồn gọi đi vẫn có thể là ở khu vực quanh Kabul. Cách phía đông Beirut chưa đầy năm trăm dặm - Danny nói.

— Thì chắc chắn là thế. Nhưng linh tính cho tôi biết chúng ta nên lục soát ở phía Tây Beirut. Bây giờ hắn đang hoạt động đấy, Raza đang nôn nóng hành động đấy. Tôi đoán chắc là hắn ở đâu đó tại châu Âu.

Một viên chức bước đến, mặt đầy trang trọng :

— Ngài có muốn vào xem đưa hòm xuống không ?

— Không, xin cám ơn anh.

Người kiểm soát không lưu hướng dẫn chiếc Concorde sơn màu trắng hạ cánh xuống đất. Giới báo chí đặt tên cho chiếc máy bay là bồ câu. Hiện tại, nó được dùng hầu hết thì giờ để chở những nhà lãnh đạo Israel đi Liên Hiệp Quốc để bàn thảo về việc dàn xếp hòa bình. Morton lại nghĩ khác. Chiếc Concorde trông giống một con cò hơn, với cặp chân dài đang chạy trên đường băng.

Người viên chức vẫn đứng yên bên cạnh ông : — Hầu hết thân nhân của người đã khuất đều muốn nhận các quan tài khi người ta mới đem ra khỏi máy bay.

Morton nhìn anh ta. Trông hắn gớm ghiếc quá, một gã nông dân đã được bố trí làm một công việc nhàn nhã. Việc bố trí lại công việc thật tức cười. Một thư ký của Bitburg đã đi lái tàu hỏa ở Nga. Gã viên chức này lại còn kỳ hơn nữa. Morton đáp :

— Tôi thích ở đây.

— Dạ tốt, tốt thôi.

Chiếc Concorde chạy về phía nhà kho lớn. Một xe bốc xếp hàng hóa và một chiếc xe tải của hãng El Al đang đợi sẵn trên sân bay.

— Ngài có muốn tôi... ? - Người viên chức lại lên tiếng.

Danny nắm lấy tay người viên chức lôi anh ta ra cửa. — Đi lo làm việc của anh đi - Danny từ tốn nói, đẩy nhẹ anh ra khỏi phòng.

Morton nhìn cánh cửa ở khoang chất hàng của chiếc Concorde mở ra. Chiếc xe bốc xếp chạy dọc theo máy bay để lấy hai chiếc quan tài. Hai chiếc quan tài trông nhỏ nhoi quá. Sau khi quan tài đã được đưa vào xe rồi, Morton rời khỏi cửa sổ. Có lẽ Steve và Dolly đã bỏ qua cho Raza khi hai người về đến quê nhà. Morton thấy ông vẫn không chấp nhận cái chết của hai người. Bởi thế mà ông không buồn phiền, ông không cảm thấy một cái gì lạ hết.

Hai giờ sau, ông bước theo hai quan tài ra giáo đường. Trên mỗi quan tài có phủ một lá cờ Israel. Hannah đi bên cạnh ông, cặp mắt bà sưng vù lên vì khóc quá nhiều cho đến khi không còn nước mắt để khóc nữa, chiếc áo dài rách tươm vì bà vật vã khóc thương. Bà nhìn đăm đăm về phía trước.

Karshov có mặt trong số những người khiêng quan tài, họ đều là những học giả tiếng tăm của Israel, đàn ông mặc cômlê đen, quàng khăn nguyện, họ khiêng quan tài trên vai đi đến huyệt gần bên ngôi mộ của Ruth.

Phía sau Morton là đại điện của chính quyền, của phe phái đối lập, và các thành viên trong Ban Hội đồng. Thấy thế, người ta mới biết ảnh hưởng của Steve sâu xa biết dường nào. Bạn bè thân thiết của Dolly đều có mặt ở đấy, những bà già đoan trang trùm khăn đen, nét mặt đầy đau khổ.

Bithurg có đến, ông nhìn vào đám chuyên viên truyền hình ra vẻ hài lòng. Đám tang những người chết vì bạo động thường thường được đưa lên hàng tin tức quan trọng. Bitburg đã nói rằng tin này nhắc nhở cho cả nước ghi nhớ.

Chantal và Laster Finel cũng có mặt, họ cùng đi với Cụ Gù và ông Giáo sư. Họ đến dự vì Morton.

Khi đã đến nghĩa trang, Danny bước tới trước, quàng hai tay ôm lấy vai Hannah. Morton nhìn Danny, ông nghĩ ông ta làm thế là đúng. Ông ta yêu mến dì Hannah cũng như yêu mến Steve và Dolly. Nhưng ông chỉ mải miết nghĩ đến câu thơ trong Thánh Kinh và Steve đã đọc cách đây nhiều năm rồi : "Rồi kẻ thù sẽ biết ta là Chúa tể khi ta giáng trả thù hận lên chúng".

Sau khi quan tài đã hạ huyệt, vị chủ lễ cất tiếng hát. Tiếng hát nhịp nhàng vút lên bao trùm lấy những người đi đưa đám, ru họ vào quá khứ, nhưng Morton thì không xao xuyến. Thầy chủ lễ quay qua nhìn ông. Mọi người đều im lặng.

Morton bước ra mép huyệt, và cũng như ông đã làm trước đây cho Ruth, ông đọc kinh Kadish cho Steve và Dolly, cuối cùng ông đọc cho ông, đọc cho bóng ma hiện ra trong ông đã lâu rồi.

Đọc xong đoạn kinh ngắn, Morton quỳ xuống nhặt lên một nắm đất thả vào trong huyệt.

Thế rồi, cũng như khi đi dự đám tang của Ruth, không nhìn ai, ông quay mình lại và lặng lẽ bỏ đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.