Ráng Chiều Tà – Tôi Là Bà Nội Khang Hy

Chương 9: Tình bà cháu




Tôi vùi mình trong nỗi đau đớn tột cùng của sự tách rời thể xác và linh hồn, càng nhớ tất cả mọi thứ của thời hiện đại thì càng trông mong có thể trở về sớm một chút.

Đúng lúc ấy, mẹ của Huyền Diệp, tức Đổng Giai thị bị bệnh, Huyền Diệp chăm sóc mẹ ngày đêm, bỏ cả cơm nước, cuối cùng, mẹ nó vẫn qua đời. Con muốn phụng dưỡng nhưng mẹ lại mất, Huyền Diệp rất đau lòng, chẳng màng ăn uống, Tô Mạt Nhi vội vã cầu khẩn tôi đến khuyên nhủ Hoàng đế. Lúc nhìn thấy Huyền Diệp khóc lóc thảm thương, bất giác như chạm phải nỗi đau của chính mình, tôi ôm lấy nó, bắt đầu nức nở đến khản giọng. Cha, mẹ, bây giờ con đã là Thái hoàng thái hậu nhưng lại chẳng thể đưa hai người đến đây hưởng phúc, con cũng không biết mình còn về được hay không, con rất nhớ hai người, con muốn về nhà lắm, huhu…

Bên này tôi ôm Huyền Diệp khóc đến đau lòng, hai mắt đẫm nước không ngừng rơi lệ, bên kia Tô Mạt Nhi cuống lên, bắt đầu nỉ non: “Thái hoàng thái hậu, nô tỳ biết Người rất đau lòng, lúc Tiên đế băng hà, Người vẫn chịu đựng để không phải rơi nước mắt, giờ đây Từ Hòa Hoàng thái hậu vừa mất, Người đã chẳng thể nén nổi, huhu…” Khụ khụ, sao tôi phải đau lòng vì mấy người đó chứ, lại hiểu nhầm rồi. Tôi được bọn họ tâng bốc đến xấu hổ lại chẳng thể giải thích, đành phải ôm Huyền Diệp chặt hơn, khóc lớn tiếng hơn nữa. Cung nữ và thái giám bên dưới cũng bắt đầu khóc, nhất thời cả Tử Cấm thành nhuốm màu tang thương. Dân chúng ngoài thành cũng rơi nước mắt vì hai kẻ cô nhi quả phụ chúng tôi.

Sau cảnh tượng “chí tình chí nghĩa” khóc chung với Huyền Diệp, nó có lòng bịn rịn không nỡ rời xa tôi. Trước đây, nó rất đáng ghét, chả giống con nít gì cả, ánh mắt sáng rực như đèn pha, soi chòng chọc vào tôi khiến tôi chẳng dễ chịu gì, quan hệ giữa hai chúng tôi cũng chỉ là tình cảm ngoài mặt, rất máy móc. Đến tận lúc này nó mới lộ ra sự yếu ớt con trẻ trước mặt tôi, ngước gương mặt đẫm nước mắt lên nhìn.

Tôi hơi thẹn, lại thương hại nó nhỏ xíu đã chả còn nơi nượng tựa, thế mà còn mất mẹ, nghĩ đến mình cũng là cô nhi ở thế giới này, đồng bệnh tương lân(1), thế nên chẳng thể ức hiếp nó được nữa, bắt đầu thật lòng bảo vệ. Tôi đành đảm nhiệm vai diễn bà nội thôi.

(1): cùng cảnh ngộ nên thấu hiểu nhau.

Dân gian lại bắt đầu truyền tai nhau Thái hoàng thái hậu có lòng nhân từ như nào, tiếc thương con dâu đến đâu, bảo vệ cháu trai ra sao, vân vân.

Thiên hạ sinh con gái, ai cũng hi vọng con gái mình gặp được một người mẹ chồng như tôi, còn những bà mẹ chồng trong thiên hạ đều lấy tôi làm mẫu, con dâu trong thiên hạ cũng tự mình kiểm điểm bản thân. Xã hội trước đây chưa từng có sự hòa hợp đến thế trong mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, đàn ông không còn nhiều lần bị kẹp giữa đôi đường, càng dồn tinh thần và thể lực vào việc sinh sản, năng suất của xã hội vì thế mà tăng cao không ít. Đấy là “cơ sở nền tảng” để tiến đến thời Khang Càn thịnh thế(2) sắp tới. Những kẻ làm trưởng bối(3) đều học tập tôi, cố gắng bồi dưỡng đời sau, đó là nguồn nhân tài dự trữ đến khi Huyền Diệp tự mình chấp chính. Chịu thôi, con người ta rất sáng suốt, trong lúc vô ý cũng đã làm được một việc tốt.

(2): thời đại phồn thịnh từ đời vua Khang Hy đến Càn Long.

(3): bậc bề trên, vai lớn.

Cứ thế, tôi đã trở thành Mẫu nghi thiên hạ(4).

(4): thường chỉ những người phụ nữ có quyền lực khuynh đảo đất nước.

Sau một hồi khóc lóc, những thứ ứ đọng trong tâm hồn như được gột rửa, chẳng qua chỉ là mất đi một người đàn ông, trời cũng có sập xuống đâu, nhịp sống vẫn cứ tiếp tục trôi. Tôi tĩnh tâm lại, khôi phục lòng nhiệt huyết, định bụng làm vài việc.

Nếu có thể trở về, tôi chẳng thể uổng phí môt chuyến đi đến đây, giá nào cũng phải mang về một ít kỷ vật thời Thanh này. Thế nên tôi liền ra vẻ yêu thích trò làm vườn, rảnh rỗi liền cầm xẻng quật đất trồng hoa, chả cần cung nữ hay thái giám hỗ trợ, đẩy họ ra ngoài, bảo Vô Trần giúp tôi khoét đất, không ít nơi ở thành phố Bắc Kinh có tác phẩm mà tôi để lại. Trên thực tế, tôi chọn ra một vài món châu báu đồ cổ, chôn sâu xuống nhiều nơi.

Địa điểm chôn là những nơi được tôi chọn ra sau một phen nung nấu cặn kẽ. Hoàng cung thì chẳng xét đến, sau này về rồi, tôi cũng chả tiện xúc xẻng gì trong Cố cung, chắc chắn những thứ đồ ấy đều được sung công quỹ. May mà tôi đến Bắc Kinh học đại học, đã đi rất nhiều chỗ. Tôi chôn kho báu của mình sâu xuống vài khu gần những công trình kiến trúc được bảo tồn đến hiện đại, những nơi ấy sau này đều là công viên hoặc bãi đất trống, rất dễ đào lên.Lo rằng trong ba trăm năm chiến tranh loạn lạc không ngớt, Trung Quốc thời hiện đại đã trở thành ‘Sách Na’ (China)(5), thế nên chôn nhiều nơi, chia nhiều chỗ, để chắc chắn rằng sẽ sót lại đôi chỗ thoát khỏi sự xoay vầncủa năm tháng. Vô Trần không hiểu lắm hành động của tôi nhưng chẳng lên tiếng hỏi, cứ y lời dặn mà đào hố đến rộp tay vài chỗ, đương nhiên sẽ có người đau lòng mà tặng thuốc. Tôi nhìn đến mức lòng chua xót, cũng chỉ đành nghẹn lại.

(5): Sách Na [拆那] đọc là [chāinà] – China, mặt khác, đây là cách chơi chữ của tác giả, vì [拆那] có nghĩa là đập phá lung tung, nên Thanh Thanh mới bảo rằng sợ tất cả ‘vật đổi sao dời’.

Xuất phát từ sự day dứt đối với Huyền Diệp, đồng thời cũng để chuẩn bị cho khả năng nhỡ mà không về được (không giữ thực quyền, làm sao hủy tiên diệt giáo(6) được?), tôi bắt đầu quan tâm đến chính sự, Vô Trần rất vui vì cuối cùng tôi đã chịu làm việc xứng với chức danh, dày công bồi dưỡng tôi. Tiếc rằng muộn rồi, quá nửa triều chính đã rơi vào tay Ngao Bái. Thế nên tôi bỏ dở giữa chừng, đành để Vô Trần tập trung giáo dục Huyền Diệp, chấn chỉnh sơn hà đợi hậu sinh thôi. Tôi liệt Nhị thập tứ hiếu vào môn bắt buộc, giữ chặt Huyền Diệp cũng tương đương với nắm giữ thực quyền. Sau này Huyền Diệp rất có hiếu, cũng khuyến khích điều đó, lấy đạo hiếu cảm hóa thiên hạ, dưỡng thành lương phong mĩ tục kính già yêu trẻ khắp toàn quốc.

(6): nôm na là đánh giết.

Tôi cũng suy xét đến khả năng phát sinh kết cục khác nên làm quen với khoa học tự nhiên của phương Tây, vì xã hội tương lai mà chuẩn bị xong xuôi. Bị ảnh hưởng bởi tôi, Huyền Diệp bắt đầu tiếp xúc với Tây học, nó học thiên văn, toán học, lịch pháp(7), vật lý, hóa học, sinh vật học, địa lý học, y học, dược học, thậm chí còn học cả giải phẫu học, đích thân giải phẫu gấu trong kỳ ngủ đông, trong hoàng cung có cả phòng thí nghiệm điều chế thuốc. Những điều này tạo nên hiệu quả tiên phong để Tây học du nhập vào nước. Đáng tiếc là Hoàng đế Tứ Tứ sau này không kế thừa phẩm chất tốt đẹp ấy nên chẳng thể phát triển khoa học kỹ thuật của Trung Quốc, dẫn đến việc triều Thanh dần suy bại, bị các cường quốc phương Tây làm nhục. Nếu lúc trước tôi thiết lập chế độ thi tuyển Hoàng đế mô phỏng theo thi đại học ở hiện đại thì tốt rồi, hoàng tử nào muốn làm Hoàng đế bắt buộc phải đỗ tất cả cuộc thi mới được, thế thì sẽ chọn ra được những hạt giống ưu tú, thúc đẩy việc bồi dưỡng tố chất của đám hoàng tử hoàng tôn, cũng là để phòng quyết định chủ quan sai lầm của Hoàng đế. Biết đâu trên vũ đài quốc tế hiện nay đã chẳng đến lượt Mỹ kiêu ngạo, ôi, hối hận đã muộn rồi!

(7): học cách làm lịch.

Tôi vẫn chưa quên lời thề của mình với thần tiên, bắt đầu sáng thắp hương, tối cầu nguyện, kiêng thịt heo, xây đạo quán… nhưng qua một thời gian lại chẳng thể tiếp tục kiên trì thực hiện. Tôi nghĩ rằng nếu mình “vỗ béo” quá, ngộ nhỡ họ “ăn quen đường”, dây dưa không cho tôi về thì chả phản tác dụng à? Với lại, nếu câu trả lời cuối cùng không hợp ý tôi thì chẳng phải tôi tự rước khổ vào người ư, thôi, tốt nhất vẫn là đợi nguyện vọng thành thật đi hẵng thực hiện lời thề.

Tháng tư năm Khang Hi thứ ba, bốn thân sĩ bên người Huyền Diệp: Uy Hách, Tây Trụ, Chiết Khắc Đồ, Giác La Tắc Nhĩ Bật bị Ngao Bái vào cung bắt giữ, đến khi Huyền Diệp biết chuyện, họ đã bị vứt xác giữa đường, mất đầu. Huyền Diệp giận run người muốn vấn tội Ngao Bái, tôi lập tức lên tiếng trách cứ đám quan phù trợ: “Tự tiện vào cung bắt người, không tấu đã chém, từ lúc khai quốc Đại Thanh đến nay chưa từng có việc này, trong mắt các ngươi còn có Hoàng đế không? Đến nước này rồi, lắm lời chi nữa? Các ngươi trở về tự vấn lời thề trước lăng vua năm xưa đi!” Dứt lời, tôi kéo Huyền Diệp hồi cung. Tôi và Huyền Diệp bây giờ là hai con châu chấu cùng trên một sợi dây, không thể không lộ diện, ra vẻ phẫn nộ.

Huyền Diệp nước mắt chảy dài: “Hoàng tổ mẫu, chẳng phải bảo Hoàng thượng miệng vàng lời ngọc, bất luận kẻ nào cũng phải tuân theo Hoàng thượng sao? Cớ gì Ngao Bái càn rỡ đến vậy, ta thật muốn chém hắn ngay lập tức để giải mối hận này.” Tôi thở dài: “Hoàng thượng à, tuổi con còn nhỏ, không thể tự mình chấp chính, vài đại sự trong triều vẫn phải nhờ họ giải quyết hộ, thế lực Ngao Bái trải rộng khắp trong ngoài hoàng cung, bây giờ không phải lúc để diệt trừ hắn. Điển tích Câu Tiển nằm gai nếm mật hẳn con biết chứ, giờ đây, việc chúng ta có thể làm là nghỉ ngơi dưỡng sức, ra đòn đúng lúc, cho chúng một kích trí mạng.”

Sau này, Huyền Diệp càng lúc càng nỗ lực học tập, Tứ thư Ngũ kinh đọc một trăm hai mươi lần rồi lại một trăm hai mươi lần nữa, mệt đến ho ra máu, tôi nhìn mà lòng đau không dứt. Bất đắc dĩ rằng thằng nhóc này rất bướng bỉnh, có khuyên thế nào cũng vô dụng. Tôi hết cách, đành phải đốc thúc Phúc Toàn chăm chỉ học tập, dù sao thì nó cũng mang số làm Hiền vương rồi, cứ chuẩn bị sẵn sàng để phụ tá Huyền Diệp thôi. Về phần Thường Ninh, tôi vẫn thương tiếc, nên khi Huyền Diệp hỏi chí hướng của nó, Thường Ninh đáp: “Không được tự do, chi bằng chết đi.” Tôi rút kinh nghiệm từ vụ Phúc Toàn, không dạy nó hiểu nhầm lời đáp. Sau này cuộc sống của Thường Ninh rất tự tại.

Trong thời đại này, bệnh đầu mùa vẫn hoành hành, tôi nhớ đến kỹ thuật tiêm phòng thời hiện đại nhưng chỉ hiểu sơ sơ bèn thuật lại với Huyền Diệp, nó là một đứa có tài, lập tức phân phó thái y nghiên cứu. Thế nên vào thời Khang Hy, Trung Quốc đã có kỹ thuật tiêm ngừa, những kẻ sính ngoại nhớ kỹ nhé, người đầu tiên phát minh ra kỹ thuật tiêm phòng mang quốc tịch Trung Quốc. Người hưởng lợi là Phúc Toàn, Thường Ninh, còn có Tứ Tứ, Bát Bát sau này, vân vân…

Vì ở hiện đại tôi là người Hán, thế nên rất khó chấp nhận việc triều đình nhà Thanh trọng Mãn khinh Hán, Huyền Diệp hiện nay vô cùng kính trọng tôi, vì thế xem trọng Hán học, sau này lại trọng dụng Hán quan, thi hành Mãn Hán cùng chung một nhà, thống nhất lòng người trong thiên hạ.

Chẳng phải bảo phụ nữ tốt là trường học tốt nhất dành cho nam giới sao. Huyền Diệp biết ơn tôi một đời, nó thường bảo “Nếu không có tổ mẫu, ta đã chẳng nên người”, “Nếu không có tổ mẫu, đã chẳng có ngày hôm nay”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.