Quyến Luyến Phù Thành

Chương 1




Từ Quảng Châu phủ ra khỏi Thanh Viễn, đi hướng tây bắc men theo quan đạo cổ, đến biên giới Lưỡng Quảng, có một tòa cổ thành có tên là Phù Huyền. Không ai biết tòa cổ thành nay đã bao nhiêu tuổi, đá xanh được khai thác từ trong ngọn núi già, xếp chồng lên thành từng đoạn tường thành cũ, sau bao lần tu tu sửa sửa mà thành. Dưới chân tường thành, từng kẽ đá âm u mặt trời không chiếu tới được cũng bám đầy rêu xanh ẩm ướt và cây bệ lệ, khắp nơi lộ ra dấu vết năm tháng.

Sau giờ ngọ của ngày hôm nay, ngay cần cửa đông bởi vì một đoàn xe gần đến dần mà sự yên bình vốn có của tòa cổ thành này đã bị đánh vỡ.

Thiếu phu nhân Bạch gia Trương Uyển Diễm và người làm từ Quảng Châu phủ đã trở lại.

Cổ thành và Quảng Châu phủ cách nhau chừng bốn năm trăm dặm đường, không tính là quá xa, nhưng cũng không gần, mấy ngày trước đi đường thủy, sau khi lên bờ thì đi quan đạo, ngồi xe ngựa cả ngày đường mới đến nơi được.

Đoạn quan đạo này vốn nhiều năm không tu sửa, xe ngựa rất khó khăn để đi qua, thương lữ Lưỡng Quảng qua lại rất bất tiện. Những năm này do Bạch gia ra mặt tu sửa đường xá, con đường cũng bằng phẳng lên rất nhiều, khoang trong xe ngựa rộng rãi rất thoải mái, nhưng hành trình mấy ngày liên tiếp, Thiếu phu nhân Bạch gia quen sống trong nhung lụa cũng cảm thấy rất mệt nhọc.

Huống chi, trong lòng chị ta rất không thích trở về. Chỗ này vừa xa xôi lại hẻo lánh, căn bản không thể nào sánh với Quảng Châu được.

Cũng may đến cũng nhanh.

– Thiếu phu nhân, sắp đến rồi ạ.

Người đánh xe ngựa nói to.

Cô hầu Hồng Ngọc đi theo xe liếc nhìn Trương Uyển Diễm, liền ngừng tay đang xoa bóp vai cho chị ta, vén rèm cửa sổ xe lên, thò đầu ra ngoài nhìn chung quanh, nói:

– Thiếu phu nhân, đúng là sắp đến rồi ạ. Có rất nhiều người đang chờ ở cửa thành ạ.

Trương Uyển Diễm cũng vén rèm lên nhìn ra ngoài một chút rồi ngồi trở lại, ra hiệu Hồng Ngọc buông rèm xuống.

Chuyến này chị ta về quê, ngay cả hộ vệ cộng thêm người làm, tổng cộng mấy chục người, bao gồm cả hành lý nữa, trước sau ước chừng mười chiếc xe, một hàng dài đi tới. Dân huyện bình thường hiếm khi thấy một đoàn xe nhiều như thế thì khó tránh khỏi tò mò, chạy tới xem đoàn xe của Thiếu phu nhân Bạch gia.

– Là Thiếu phu nhân Bạch gia quay về quê, để mừng đại thọ sáu mươi của Bạch lão gia thì phải.

– Xem khí thế của Thiếu phu nhân, chỉ sợ cả thành Quảng Châu cũng không có người thứ hai đâu.

– Chuyện vui của Bạch gia qua vài ngày nữa thì huyện thành chúng ta sẽ náo nhiệt lắm đây…

…..

Xe ngựa đến gần cửa thành, tiếng nghị luận truyền vào tai Trương Uyển Diễm, trong lòng chị ta mơ hồ sinh ra cảm giác như từ trên cao nhìn chúng sinh dưới đất.

Chị ta đúng là có tư cách đó.

Trương gia nhà mẹ đẻ chị ta tại Thập Tam Hàng vào thời điểm hưng thịnh nhất, chẳng những ngang hàng với Bạch gia, tổ tiên cũng quyên rất nhiều quan chức, về sau Thập Tam hàng thì bắt đầu sa sút, Trương gia tuy sau đó suy bại nhưng hiện nay em trai mình làm việc tại ngân hàng người phương Tây, bắt đầu thuận buồm xuôi gió, địa vị thăng lên, sự phục hưng của Trương gia nằm trong tầm tay mà thôi.

Nhà mẹ đẻ như vậy, nhà chồng chị ta Bạch gia lại suôn sẻ hưng vượng hơn rất nhiều. Lúc Thập Tam Hàng còn đang vượng, Bạch gia đứng hàng đầu trong các cự phú, thanh danh lan xa đến tận Nam Dương thậm chí Tây Dương, về sau chuyển sang các nghiệp như tàu thuyền, dệt, thuốc lá. Lúc truyền đến tay cha chồng chị ta Bạch Thành Sơn thì gia sản đã không thể tính được rồi.

Cha chồng nay tuy giao việc làm ăn cho chồng mình, bản thân thì lui về Cổ thành sống cuộc sống nhàn nhã, nhưng vẫn là hội trưởng thương hội. Chỉ cần ông chịu ra mặt, một câu nói thôi là có thể điều động nửa hiệu buôn và tài lực của phía nam Trung Quốc, nói không khoa trương chút nào, ngay cả Tân Quân của Quảng Châu phủ cũng phải dựa vào Bạch gia.

Sở dĩ nói như vậy, là bởi vì triều đình hiệu xưng dựng lại Tân Quân, quân phí quá ít ỏi, hơn một nửa quân phí của Tân Quân Quảng Châu phủ đều do Bạch gia tài trợ. Mà Bạch gia sở dĩ chịu bỏ tiền ra nuôi binh thay Quảng Châu phủ, là bởi vì Quảng Châu phủ Tướng quân quản lý Tân Quân là Khang Thành, là cậu ruột của chồng mình.

Khang Thành là tông thất. Nếu là trước đây, có một người cậu có quyền thế xuất thân như vậy, dĩ nhiên là chỗ dựa cực lớn, nhưng hôm nay, Hoàng thượng và Tây Thái hậu đều đã chết, bảo tọa của tiểu hoàng đế kia không biết ngồi được bao lâu, nhỡ một ngày nào đó có biến động mà thay đổi, Bồ Tát bùn qua sông Khang Thành có tự bảo toàn được hay không cũng khó mà nói. Có một sui gia như vậy, không chừng còn kéo luôn Bạch gia xuống nước ấy chứ.

Nhân dịp này, bất kể thế nào thì phải thuyết phục cha chồng, vì cô út cũng được, hay là vì tương lai của Bạch gia cũng thế mà cân nhắc kỹ, không thể tiếp tục để mặc cho cô út ở bên ngoài thích làm gì thì làm, càng không thể ngại thân thích, ngại mặt mũi mà đồng ý hôn sự của cô út và con trai của Tướng Quân phủ được.

Dân huyện còn đang thì thầm to nhỏ, sự mệt nhọc trên đường đi của Trương Uyển Diễm tan biến, chị ta ngồi thẳng lên thúc giục người đánh xe mau chóng đánh xe đến nhà Bạch gia.

Nơi ở của nhà họ Bạch nằm ở phía bắc cổ thành, tường xám ngói đen, trước cửa là hai con sư tử đá xanh không ra xanh tro không ra tro. Bởi vì tin tưởng sờ vào sư tử giữ cửa của Bạch gia sẽ đem lại tài vận cho mình, cho nên trên đỉnh đầu hai con sư tử bóng loáng, cứ như là bị người ta cạo lông vậy. Nhìn bề ngoài cũng chỉ lớn hơn nhà bình thường một chút. Ai có thể nghĩ, sau cánh cửa rất bình thường kia lại là nam thương Bạch Thành Sơn đại danh đỉnh đỉnh chứ?

Bạch Thành Sơn biết con dâu hôm nay trở về Cổ thành, gọi Lưu Quảng ra đón. Lưu Qảng dẫn người ra ngoài cửa lớn đón Trương Uyển Diễm đi vào nhà. Trương Uyển Diễm đi qua tiền đường có treo tấm biển chữ vàng “Trời ban phúc đức”, bảo người làm mang đồ đạc vào, lại hỏi ông cụ, biết đang câu cá phía sau, cũng không có khách thăm nào thì đổi quần áo xong lập tức tới đó.

Bạch gia phía trước nhìn rất bình thường, nhưng hậu viện thì lại vô cùng khác biệt. Một cái hồ lớn thông qua con sông Bàn Thành của huyện thành, nước chảy không ngừng, dưới hồ đầy cá.

Trương Uyển Diễm đến bên hồ, nhìn thấy cha chồng mặc áo lụa cũ thường ngày, đang ngồi trên một tảng đá bên bờ hồ thả câu, bóng lưng không nhúc nhích.

Trương Uyển Diễm làm dâu mười mấy năm, Bạch Thành Sơn cũng không phải người nghiêm nghị, nhưng chị ta vẫn luôn luôn kính sợ cha chồng, vừa rồi còn vội vã đi tìm ông cụ, giờ gặp rồi thì lại rụt rè không dám đến gần.

Trương Uyển Diễm căng thẳng đứng chờ bên cạnh. Qua một lúc lâu, thấy ông cụ có vẻ như đã ngủ, mặt nước vẫn phẳng lặng, đang trù trừ có nên mở miệng không thì chợt nghe ông cụ hỏi:

– Đến rồi à? Đi đường vất vả không con?

Trương Uyển Diễm thở phào nhẹ nhõm, vội nở nụ cười, đi đến phía sau Bạch Thành Sơn, nói:

– Con không mệt. Cha vất vả nửa đời người, mới là mệt nhọc ạ. Tháng sau là đại thọ sáu mươi rồi, nhất định phải làm thật tốt. Kính Đường vẫn còn có chút chuyện ở Quảng Châu phủ, chắc vài ngày nữa mới quay về được ạ. Con về trước, ngoài chăm sóc cha, thì cũng xem có gì cần để sắp xếp không, tránh đến lúc đó lại có thiếu sót.

Bạch Thành Sơn cũng không quay đầu lại, chỉ nói:

– Làm đơn giản thôi, mời một số bạn cũ và một số quan hệ thân thiết là được, không cần làm quá phô trương.

Trương Uyển Diễm nói:

– Không cần cha dặn thì bọn con cũng biết ạ. Cha cứ yên tâm.

Bạch Thành Sơn gật đầu:

– Đi nghỉ ngơi đi, không cần phải ở đây với cha.

Trương Uyển Diễm dạ một câu, chân lại chẳng nhúc nhích, tiếp tục nói:

– Cha ơi, bên chỗ cô út, tuy nói đã đồng ý với Kính Đường sẽ trở về rồi, nhưng con sợ em ấy lại giở quẻ…

Thấy bả vai Bạch Thành Sơn khẽ động một cái, Trương Uyển Diễm vội nói:

– Cha đừng hiểu lầm, con không phải nói cô út không chịu trở về, con chỉ sợ em ấy nghe theo mấy lời khuyên của bạn bè kiểu như tư tưởng kiểu mới gì đó mà thay đổi ý kiến thôi ạ. Từ sau khi em ấy đi du học trở về thì vẫn ở Hương Cảng chẳng chịu về nhà. Tuy không phải quá xa nhưng chỉ sợ dễ bị người ta xúi giục phải không ạ? Ý con là, cha có thể phát điện báo cho em ấy không, giọng điệu nặng một chút, để em ấy bắt buộc phải về ấy ạ.

– Cha, cô út lúc trước đòi đi nước ngoài du học, cả nhà không ai gàn được, dù là không nỡ nhưng vẫn phải để em ấy đi. Con biết hôm nay thời đại đã khác, ngay cả lão thái hậu lúc còn sống cũng phái đại thần ra nước ngoài khảo sát. Một cô gái có thể ra nước ngoài, nhưng dẫu có học thức tân tiến thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng vẫn phải làm vợ hiền mẹ đảm…

Trương Uyển Diễm vừa quan sát phản ứng của cha chồng vừa cẩn thận nói:

– Không phải con ở trước mặt cha nói cô út, con cũng rất quý em ấy, trong lòng coi em ấy như em ruột. Nhưng tính tình cô út quá khác mọi người. Đa số các cô gái đi Đông Dương, nhưng em ấy cứ đòi đi Tây Dương, học chính là hội họa Tây Dương. Con kiến thức nông cạn, đến vài ngày trước mới nghe nói đến hội họa Tây Dương cũng không phải vẽ loại đó…

Cô út vẽ tranh khỏa thân, mà tranh khỏa thân còn lại là đàn ông nữa. Trương Uyển Diễm không có cách nào hình dung được sự kinh hãi và cảm giác xấu hổ của mình khi lần đầu tiên nghe nói đến, nhất thời không thốt ra lời được, ngừng lại.

– Cha kiến thức rộng, con không cần nói rõ. Con biết hội họa Tây Dương là vẽ cái đó. Nếu biết thế hồi trước dù có bị cô út trách cứ, con cũng không đồng ý để em ấy đi học đâu. Cái này còn thôi, hiện tại bên ngoài quả thực quá loạn lạc, học sinh trẻ tuổi khắp nơi đều cổ động người dân cắt tóc đuôi sam. Cô út tuổi còn nhỏ, tính tình lại kích động, thường qua lại với những người đó, một mình ở bên ngoài, con thật sự không yên tâm, nên hôm nay dẫu có bị cha trách cứ thì cũng phải nói ra những lời trong lòng…

– Con đi nghỉ ngơi đi.

Bạch Thành Sơn chỉ bình thản nói một câu.

Trương Uyển Diễm vẫn còn muốn nói nữa, lại là lời quan trọng nhất, nhưng lại không dám, đành phải ngậm miệng lại.

Con dâu đi rồi, Bạch Thành Sơn ngồi một mình bên hồ chốc lát mới từ từ buông cần câu xuống, đứng lên.

...

Hơn nửa tháng sau, trong Quảng Châu Tướng Quân phủ, Khang Thành đang làm việc trong thư phòng thì nghe người làm nói công tử Bạch gia tới, vội vàng kêu người dẫn vào.

Bạch Kính Đường hơn ba mươi tuổi, hiên ngang đĩnh đạc, vẫn ăn mặc theo lỗi cũ, trong ánh mắt lộ ra sự từng trải, vừa đi vào thấy Khang Thành thì gọi một tiếng “cậu”, rồi lập tức mở miệng xin giúp đỡ.

Khang Thành cười nói:

– Chuyện gì thế? Không nhờ người cha thần thánh của cháu mà lại chạy tới đây nhờ vả cậu thế?

– Chuyện này bắt buộc phải là cậu mới được ạ.

Thời tiết ấm áp, Bạch Kính Đường lau mồ hôi trên trán, nói ra nguyên do.

Thì ra Bạch Thành Sơn giao cho con trai mau chóng mua một chiếc xe hơi mới để tặng cho cô con gái sắp trở về. Hiện tại xe hơi mới nhập về không bao lâu, đến giờ cũng chưa tới trăm chiếc. Quảng Châu phủ lại càng ít, đếm trên đầu ngón tay được, sử dụng xe hơi phần lớn là người phương Tây và người giúp việc cho người phương Tây.  Bạch Kính Đường biết em gái tầm mắt cao, để cô ấy hài lòng thì nhất định phải mua loại tốt nhất. Tình cờ biết được có một người Anh nhập một chiếc Rolls-Royce, nghe nói là kiểu mới nhất vừa xuất xưởng năm ngoái, toàn bộ Âu Châu cũng không có đến mấy chiếc, vốn định mua để dùng, bị anh ta lấy giá cao hơn giá thị trường gấp đôi để mua đứt. Nhưng vừa lấy được chiếc xe từ tay người Anh kia, ai ngờ còn chưa kịp tặng thì tài xế bị ngã gãy chân, chiếc xe dĩ nhiên để không rồi.

Khang Thành là tông thất, dù chủ trương phát triển Tân Quân, nhưng đối với người Tây phương cùng với đồ của người Tây phương thì dù có tốt đến mấy thì trong lòng vẫn luôn bài xích, có thể tránh thì tránh, đương nhiên sẽ không dùng xe hơi gì đó.

Bạch Kính Đường nhìn cậu, giải thích:

– Cha vừa đến tuổi trung niên thì có Tú Tú, luôn cưng chiều con bé như báu vật. Tú Tú đi Tây Dương, không giống cháu không biết lái xe. Nay sắp trở về, cha cháu mua cho em ấy một chiếc cũng là để em ấy tiện đi lại thôi.

Bạch Thành Sơn gần bốn mươi tuổi chỉ có mỗi cậu con trai là Bạch Kính Đường, lúc đó con trai được mười mấy tuổi, năm ấy phu nhân lại lần nữa mang thai. Lúc mang thai chín tháng thì có vụ làm ăn lớn, cần ông phải đích thân đi Nam Dương một chuyến. Dù không muốn nhưng vẫn phải đi. Vào đêm trước khi đi, vợ ông bị động thai, ngay trong đêm mời thầy lang tới khám, nói có triệu chứng động thai rất nguy hiểm. Bạch Thành Sơn quyết định đổi kỳ hạn đi Nam Dương. Qua mấy ngày sau, cái thai mới ổn định, đúng lúc có tin tức gửi tới, là con tàu mà đáng nhẽ ông sẽ đi khi ra biển không bao lâu thì gặp phải thời tiết xấu bất ngờ, tàu bị chìm, toàn bộ người trên tàu không một ai sống sót, chỉ có ông bởi vì tạm thời thay đổi ngày đi mà may mắn tránh thoát được một kiếp.

Sự kiện này, thân thích Bạch gia thậm chí toàn bộ Quảng Châu phủ không ai không biết, Khang Thành dĩ nhiên cũng biết.

Khi con gái được sinh ra, Bạch Thành Sơn cưng chiều thế nào có thể tưởng tượng được. Hôm nay con gái chịu về nhà, ông muốn mua tặng con gái một chiếc xe hơi làm quà cho con vui, thật sự chẳng thấm vào đâu.

Khang Thành yên lặng chốc lát, cũng cười nói:

– Với thân phận cha cháu đừng nói một chiếc, dù là mười chiếc thì đều được cả. Cháu muốn cậu tìm giúp cháu một tài xế phải không?

Bạch Kính Đường gật đầu:

– Vâng. Cậu cũng biết, thứ đồ chơi này rất ít người biết sử dụng, đây chỉ là một nguyên nhân. Biết lái nhưng không chắc, cháu cũng không yên tâm, đây là thứ hai. Lái xe thuê về, nhất định phải lành nghề, chững chạc. Cháu cũng nói với Tú Tú rồi, cha tặng em ấy một chiếc xe hơi, về là dùng ngay được. Em ấy sắp về rồi mà chẳng có người lái, nếu em ấy không vui, cháu biết ăn nói với cha cháu thế nào? Cháu vẫn đang tìm người, cũng phiền cậu giúp cháu tìm xem có ai phù hợp không.

Thật ra cần gấp thì người vẫn có. Công tử Tổng đốc phủ Cố Cảnh Hồng đi du học về mấy năm rồi, tuổi trẻ, mới hai mươi sáu tuổi đã là tham mưu hạng nhất của Tân Quân Đệ Nhất Tiêu, quan viên tứ phẩm. Cậu ta có xe hơi, tự lái, cũng có tài xế. Hai ngày trước cậu ta có tới thăm Bạch Kính Đường, ngoài hỏi chuyện chúc thọ Bạch lão gia thì cũng hỏi thăm em gái mình lúc nào về, rất ân cần quan tâm.

Bạch Kính Đường vốn có thể hỏi thẳng cậu ta để mượn tài xế, chắc chắn cậu ta sẽ sẵn lòng ngay. Nhưng tình thế hiện giờ anh ta không thể quá thân cận với Cố gia được.

Cố gia sớm đã có ý cầu hôn em gái mình cho con trai họ, Bạch Kính Đường biết rõ. Mưu đồ là gì, mọi người cũng biết, không cần nói nhiều.

Nếu như em gái bắt buộc phải gả đi, so với em họ của mình, Bạch Kính Đường nghiêng về công tử Cố gia hơn. Hai nhà thân phận địa vị tương đương, bất kể nhìn từ phương diện nào, dưới con mắt thời cuộc, Cố Cảnh Hồng hiển nhiên phù hợp tiêu chuẩn lương tế hơn.

Nhưng đây không phải là chuyện anh ta có thể làm chủ, toàn bộ đều phải do ông cụ quyết định. Cộng thêm Thượng tướng quân phủ cùng Tổng đốc phủ hai nhà vẫn luôn luôn bất hòa, cho nên anh ta dù như thế nào cũng sẽ không chủ động liên hệ với Cố gia. Đây cũng là nguyên nhân mà tại sao hôm nay anh ta lại đến đây.

Khang Thành dĩ nhiên biết Cố gia muốn đào góc tường nhà mình không phải một ngày hai ngày. Chuyện hai ngày trước Cố Cảnh Hồng tìm Bạch Kính Đường ông cũng có nghe nói, thấy cháu ngoại không chủ động bày tỏ thân cận với Cố gia, trong lòng khá là vui vẻ yên tâm, chỉ hơi trầm ngâm, nói:

– Cháu đến tìm cậu là tìm đúng người rồi. Dưới tay cậu có một người rất xuất sắc, bảo cậu ta lái xe cho Tú Tú là vô cùng thích hợp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.