Quyền Lực Thứ Tư

Chương 37




Báo

DAILY MAIL

Ngày 2 tháng Bẩy, 1991

CHARLES VÀ DIANA: "GÂY SỰ CHÚ Ý"

"Trên một đường dây có cuộc gọi từ Thụy Sĩ, thưa ông Armstrong." Cô thư ký tạm thời mà ông chưa nhớ nổi tên nói. "Ông ấy nói tên là Jacques Lacroix. Tôi còn giữ một cuộc gọi khác từ London trên đường dây thứ hai."

"Ai gọi từ London vậy?" Armstrong hỏi.

"Một ông Peter Wakeham nào đó."

"Bảo ông ấy giữ máy, và nối máy cho tôi nói chuyện với Thụy Sĩ.”

"Ông đấy à, Dick?"

"Đúng đấy, Jacques. Ông thế nào, ông bạn cũ của tôi?" Armstrong oang oang.

"Hơi lúng túng một chút, Dick," giọng nói từ Geneva đáp lại nhỏ nhẹ.

"Sao vậy?” Armstrong hỏi. "Tuần trước tôi đã gửi một séc 50 triệu đô la vào chi nhánh của ông ở New York. Thậm chí tôi còn có cả biên lai của nó kia mà."

"Tôi không bàn cãi gì về việc ông đã gửi séc," Lacroix nói. "Mục đích của cuộc gọi này là để báo cho ông biết rằng hôm nay nó đã quay trở lại ngân hàng và được ghi là chuyển lại chủ tài khoản".

"Chắc phải có điều gì lầm lẫn,” Armstrong nói. "Tôi biết là tài khoản vẫn thừa đủ để thanh toán khoản tiền theo yêu cầu."

"Có lẽ là thế. Nhưng tuy nhiên có người nào đó đã từ chối không trả bất kỳ khoản tiền nào cho chúng tôi, và quả thực họ đã tuyên bố rõ, qua các kênh thường lệ, rằng trong tương lai họ sẽ không đảm bảo cho bất kỳ tờ séc nào xuất hiện trong tài khoản này."

"Tôi sẽ gọi cho họ ngay bây giờ," Armstrong nói, "và sẽ gọi lại cho ông."

"Tôi sẽ yên tâm nếu ông làm thế," Lacroix nói.

Armstrong đặt máy và nhận thấy đèn trên máy điện thoại vẫn đang nhấp nháy. Ông nhớ ra là Wakeham vẫn đang đợi ở đường dây thứ hai, bèn nhấc ống nghe và nói. "Peter, chuyện quái quỷ gì đang xảy ra ở đó vậy?”

"Chính tôi cũng không biết chắc lắm," Peter thừa nhận. "Tất cả những gì tôi có thể nói với ông là khuya hôm qua Paul Maitland và Eric Chapman đã đến nhà tôi, và hỏi là tôi có ký tờ séc nào thuộc tài khoản quỹ trợ cấp không. Tôi đã nói đúng như ông bảo, nhưng tôi có cảm giác là bây giờ Maitland đã ra lệnh dừng mọi tờ séc có chữ ký của tôi."

"Họ nghĩ họ là cái quái gì vậy?" Armstrong quát oang oang. "Đây là công ty của tôi, và tôi làm những gì tôi thấy thích hợp."

"Ngài Paul nói rằng suốt tuần qua ông ấy đã cố liên hệ với ông, nhưng ông đã không trả lời. Ông ấy đã nói tại cuộc họp ủy ban tài chính tuần trước là nếu ông không trở về dự cuộc họp Hội đồng Quản trị tháng tới, thì ông ấy sẽ chẳng còn cách lựa chọn nào khác là phải xin từ chức."

"Cứ để ông ta từ chức - quỷ tha ma bắt ông ta đi. Ngay khi ông ta rời đi tôi sẽ chỉ định bất kỳ người nào tôi muốn làm chủ tịch."

"Tất nhiên là ông có thể," Peter nói. "Nhưng tôi nghĩ ông cần biết là cô thư ký của ông ta đã bảo tôi rằng ông ấy đã mất mấy ngày vừa qua thảo đi thảo lại một tuyên bố trùng khớp với việc từ chức của ông ta."

"Vậy thì sao?" Armstrong nói. "Sẽ chẳng có ai thèm theo dõi nó."

"Tôi không dám chắc như thế." Peter nói.

"Cái gì khiến ông nói vậy?"

"Buổi chiều khi thư ký của ông ta đi về, tôi đã lục lọi và xoay xở lấy được bản tuyên bố trên bàn của cô ta."

"Và nó nói gì?"

"Cùng với những điều khác, nó nói rằng ông ta sẽ đề nghị cơ quan hối đoái tạm ngưng các cổ phiếu của chúng ta cho đến khi tiến hành điều tra đầy đủ.”

"Ông ta không đủ thẩm quyền để làm việc đó." Armstrong quát. "Nó phải được sự phê chuẩn của Hội đồng."

"Tôi nghĩ ông ta đã có kế hoạch đề nghị được có thẩm quyền này tại cuộc họp Hội đồng tới," Peter nói.

"Vậy hãy nói rõ với ông ta là tôi sẽ có mặt tại cuộc họp đó." Armstrong la lớn vào điện thoại, "và rằng thông báo duy nhất được đăng tải sẽ là thông báo về lý do tại sao ngài Paul Maitland lại phải bị thay thế bằng một chủ tịch khác của Hội đồng Quản trị.”

"Có lẽ là tự ông nên nói với ông ấy thì hơn," Peter nói khẽ, "Tôi sẽ chỉ bảo ông ta là ông sẽ tới đó."

"Hãy nói cái chết tiệt gì cũng được. Chỉ cần đảm bảo là ông ta không đăng tải bất kỳ một thông báo nào trước khi tôi về vào cuối tháng này."

"Tôi sẽ làm hết sức, Dick, nhưng..." Peter nghe thấy một tiếng tách ở đầu dây bên kia.

Armstrong cố sắp xếp lại những ý nghĩ của ông. Ngài Paul có thể đợi. Ưu tiên hàng đầu là làm thế nào kiếm được 50 triệu đô la trước khi Jacques Lacroix cho toàn thế giới biết điều bí mật của ông. Mặc cho tất cả các nỗ lực của ông, tờ Tribune vẫn không vượt qua được giai đoạn khó khăn. Ngay cả sau khoản thỏa thuận thứ hai cho công đoàn, lượng tiền mặt của công ty vẫn âm một cách thảm hại. Ông đã lấy 300 triệu bảng từ quỹ trợ cấp mà không cho Hội đồng Quản trị biết, để thoát khỏi công đoàn và giữ cho giá cổ phiếu đứng vững tới mức có thể bằng cách mua vào một lượng lớn cổ phiếu của công ty. Ông biết cổ phiếu tiếp tục tụt xuống dốc, và lúc này ông không có sẵn một nguồn vốn như vậy để kéo nó lên.

Ông liếc nhìn chiếc đồng hồ báo giờ quốc tế treo trên bức tường phía sau bàn để kiểm tra xem ở Moscow bây giờ là mấy giờ. Mới hơn sáu giờ một chút. Nhưng ông không chắc là người ông cần nói chuyện vẫn còn ở văn phòng. Ông nhấc ống nghe và yêu cầu thư ký cho ông số máy ở Moscow.

Ông đặt ống nghe xuống. Không ai được biết rõ hơn Armtrong lúc Marshal Tulpanov được bổ nhiệm làm giám đốc KGB. Kể từ đó ông đã đến Moscow vài lần, và đã có một lượng hợp đồng lớn từ các nước Đông Âu. Nhưng gần đây ông thấy Tulpanov không còn sẵn lòng như vậy nữa.

Armstrong bắt đầu đổ mồ hôi khi đợi nối máy. Trong những năm qua ông đã một lần được gặp Mikhail Gorbachev, người có vẻ khá tiếp thu ý kiến của ông. Nhưng sau đó Boris Yeltsin lại lên nắm quyền. Tulpanov đã giới thiệu ông với nhà lãnh đạo mới của nước Nga, nhưng Armstrong đã rời khỏi cuộc gặp với cảm giác là chẳng có người nào trong số họ đánh giá đúng tầm quan trọng của ông.

Trong khi đợi nối máy, ông bắt đầu lật qua cuốn sổ, tìm mọi cái tên có thể giúp giải quyết thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay của ông. Ông đang giở tới vần "C" - Sally Carr - thì chuông điện thoại reo. Ông nhấc máy và nghe thấy một giọng hỏi bằng tiếng Nga rằng ai muốn nói chuyện với Marshal Tulpanov.

"Lubji, khu vực London." Ông đáp. Có tiếng tách nhỏ, sau đó giọng nói quen thuộc của người đứng đầu KGB vang lên trong ống nghe.

"Tôi có thể làm gì cho ông, Lubji?" ông ta hỏi.

"Tôi cần một sự giúp đỡ nhỏ, Sergei," Armstrong bắt đầu. Không thấy có sự đáp ứng ngay lập tức.

"Và ông mong được nhận sự giúp đỡ theo kiểu nào?" Cuối cùng Tulpanov hỏi với giọng đánh giá.

"Tôi cần vay nóng 50 triệu đô la. Ông sẽ được hoàn trả trong vòng một tháng, tôi xin cam đoan như vậy."

"Nhưng, ông bạn ơi," người đứng đầu KGB nói. "Ông vẫn còn cầm của chúng tôi bảy triệu đô la. Nhiều sĩ quan ở các trạm của chúng tôi nói rằng họ không nhận được tiền nhuận bút từ việc xuất bản cuốn sách mới đây nhất của chúng tôi."

Miệng Armstrong trở nên khô khốc. "Tôi biết, tôi biết, Seigei," ông biện bạch. "Nhưng tôi chỉ cần một thời gian rất ngắn, và tôi sẽ có thể trả tất cả một lúc."

"Tôi không chắc là tôi muốn gặp rủi ro," Tulpanov nói sau một lát im lặng kéo dài. "Tôi tin là người Anh có câu nói về chuyện tiêu tiền tốt sau khi gặp vận xấu. Và ông nên khôn ngoan nhớ cho, Lubji, là người ta không chỉ đọc Financial Time ở London và New York, mà còn ở cả Moscow nữa. Tôi nghĩ là tôi sẽ đợi cho đến khi thấy được 7 triệu đô la đã được gửi vào tất cả những tài khoản đúng đắn truớc khi xem xét việc cho ông vay thêm. Tôi nói thế ông rõ chứ?"

"Vâng," Armstrong đáp khẽ.

"Tốt. Tôi sẽ cho ông hạn đến cuối tháng để hoàn thành các nghĩa vụ của mình. Sau đó tôi sợ là chúng ta có thể phải sử dụng đến những phương pháp ít xảo quyệt hơn. Tôi nghĩ là nhiều năm trước tôi đã chỉ cho ông rõ, Lubji, là lúc nào đó ông sẽ phải nghĩ đến chuyện ông thuộc về bên nào. Tôi nhắc ông chỉ vì lúc này, như một người Anh khác đã nói, có vẻ như ông đang chơi cho cả hai bên chống lại những người ở giữa."

"Không, điều đó không đúng," Armstrong phản đối. "Tôi ở phía các ông, Sergei, tôi luôn ở phía các ông."

"Tôi nghe những gì ông nói, Lubji, nhưng nếu đến hết tháng này mà tiền của chúng tôi vẫn chưa được trả lại, tôi sẽ hoàn toàn không thể giúp gì được. Và sau một tình bạn lâu dài như vậy, đấy sẽ là sự không may lớn nhất. Tôi chắc là ông đánh giá được tình thế mà ông đã đẩy tôi vào."

Arsmtrong nghe thấy đầu dây bên kia chết lặng. Mồ hôi chảy nhỏ giọt trên trán; ông cảm thấy người nôn nao. Ông đặt ống nghe xuống, lấy miếng bông phấn từ trong túi và thấm lên trán cố gắng tập trung tư tưởng. Lát sau ông lại nhấc điện thoại lên. "Cho tôi gặp Thủ tướng Israel."

"Đó có phải số ở Manhattan không?" Cô thư ký tạm thời hỏi.

"Mẹ kiếp, có lẽ tôi là người duy nhất cho vào tòa nhà một người không thể tiến hành công việc đơn giản này."

"Tôi xin lỗi," cô lắp bắp.

"Thôi, tôi sẽ tự làm lấy," Armstrong quát.

Ông xem sổ và quay số. Trong khi đợi nối máy, ông tiếp tục giở qua các trang của cuốn sổ điện thoại. Tới vần "H" - Julius Hahn - thì có giọng nói ở đầu dây bên kia. "Đây là văn phòng Thủ tướng."

"Dick Armstrong đây. Tôi cần nói chuyện khẩn cấp với Thủ tướng."

"Tôi sẽ xem xem liệu có thể làm phiền ngài không?"

Một tiếng tách nữa, và lại một lát đợi. Lật qua vài trang giấy ông đi tới vần "L" - Sharon Levitt.

"Dick, ông đấy à?" Thủ tướng Shamir hỏi.

"Đúng đấy, Yitzhak."

"Khỏe không, ông bạn già của tôi?"

"Bình thường, thế còn ông?" Armstrong hỏi.

"Cảm ơn, tôi khỏe." Ông ta ngừng lời. "Tất nhiên là tôi vẫn có một số vấn đề như thường lệ, nhưng ít ra là tôi rất khỏe. Thế Charlotte thế nào?"

"Charlotte khỏe," Armstrong nói, không thể nhớ nổi ông gặp cô lần gần đây nhất là lúc nào. "Cô ấy đang ở Oxford chăm sóc bọn trẻ."

"Vậy là ông có bao nhiêu đứa?" Shamir hỏi.

Armstrong phải nghĩ mất một lát. "Ba," ông nói, và sau đó chữa lại, "hoặc bốn thì phải?".

"Ông thật may mắn. Và ông vẫn giúp cho những người Do thái ở New York sống hạnh phúc đấy chứ."

"Ông có thể luôn luôn tin tưởng ở tôi trong việc này," Armstrong nói.

"Tôi biết là chúng tôi có thể, ông bạn cũ,"Thủ tướng nói. "Vậy hãy cho tôi biết tôi có thể làm gì cho ông?"

"Đây là chuyện riêng, Yizhak, mà tôi hy vọng ông có thể khuyên tôi đôi điều."

"Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp ông; Israel luôn mang nợ ông vì những gì ông đã làm cho nhân dân chúng tôi. Hãy cho tôi biết tôi có thể giúp gì được ông, ông bạn cũ?"

"Một yêu cầu đơn giản," Armstrong đáp. "Tôi cần một khoản vay ngắn hạn 50 triệu đồ la, không quá 1 tháng. Không biết liệu ông có cách nào giúp tôi không?"

Một lát im lặng khá lâu trước khi thủ tướng nói. "Tất nhiên là chính phủ không dính dáng vào những khoản vay, nhưng tôi có thể nói với chủ tịch ngân hàng Bank Leuimi nếu ông cho rằng điều đó có ích."

Armstrong quyết định không nói cho thủ tướng biết ông đã có một khoản vay 20 triệu đô la chưa trả ở ngân hàng đặc biệt này, và rõ ràng là chúng cũng sắp đến hạn.

"Thật là một ý hay, Yizhak. Nhưng ông đừng bận tâm, tôi có thể tự liên hệ với ông ta," ông nói thêm, cố tỏ ra hoan hỉ.

"Nhân thể, Dick," thủ tướng nói. "trong khi ông đang cầm máy, về đề nghị kia của ông..."

"Vâng?" Ông nói, chợt loé lên một tia hy vọng.

"Đừng nói quá yếu ớt thế, tuần trước Knesset đã đồng ý là ông được nghỉ ở núi Oliver, một đặc quyền chỉ dành cho những người Do thái đã có công lao to lớn đối với Israel. Xin chúc mừng. Ông biết đấy, không phải thủ tướng nào cũng chắc làm được điều đó.” Ông cười phá lên. "Tôi sẽ không nói trước cho ông biết là ông sẽ được thuận lợi gì từ lời đề nghị này trong nhiều năm sau.”

“Hy vọng là ông đúng,” Armstrong nói.

“Vậy tôi sẽ gặp ông và Charlotte trong bữa tiệc ở Guidhall tháng sau chứ?”

“Vâng, chúng tôi đang mong chờ ngày đó,” Armstrong nói. “Tôi sẽ gặp ông sau. Nhưng đừng để tôi làm phiền ông thêm nữa, thưa Thủ tướng.”

Armstrong đặt điện thoại xuống, chợt nhận ra rằng chiếc áo sơ mi đã ướt đẫm và dính chặt vào người, ông ráng sức đứng lên khỏi ghế và đi vào phòng tắm, vừa đi vừa cởi áo vét và cúc áo sơ mi. Khi đã đóng cửa lại, ông lau người và thay chiếc áo sơ mi sạch thứ ba trong ngày.

Ông quay lại bàn làm việc và tiếp tục lật cuốn sổ điện thoại tới khi đến vần "S" - Arno Schultz. Ông nhấc máy và yêu cầu thư ký cho ông nói chuyện với luật sư của mình.

“Ông có số máy của ông ấy không?” Cô ta hỏi.

Sau một cơn thịnh nộ ông dập mạnh ống nghe xuống và tự quay số của Russell. Ông lơ đãng lật thêm vài trang trong cuốn sổ điện thoại cho tới khi nghe thấy giọng nói của viên luật sư ở đầu dây bên kia. “Liệu tôi có giấu 50 triệu đô la ở đâu đó trên thế giới này không?” Ông hỏi.

“Ông cần nó làm gì?” Russell hỏi.

“Người Thụy Sĩ bắt đầu đe doạ tôi.”

“Tôi tưởng tuần trước ông đã dàn xếp với họ rồi kia mà."

“Tôi đã làm vậy.”

“Vậy chuyện gì đã xảy ra với những nguồn ngân quỹ bất tận đó?”

“Chúng đã bị cạn kiệt.”

“Tôi hiểu. Ông nói là bao nhiêu?”

“Năm mươi triệu.”

“Ỗ, chắc chắn tôi có thể nghĩ ra một cách để ông kiếm được chí ít là khoản tiền đó.”

“Thế nào?” Armstrong hỏi, cố không tỏ ra tuyệt vọng.

Russell lưỡng lự. “Bất cứ lúc nào ông cũng có thể bán đi 46% cổ phần trong tờ New York Star."

“Nhưng ai có thể thu xếp đủ tiền trong một thời hạn ngắn như thế?”

“Keith Townsend.” Russell đưa ống nghe ra xa khỏi tai và chờ tiếng quát “Không bao giờ” vang lên trong máy. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả, vì vậy ông lại tiếp tục. “Tôi đoán ông ta sẽ đồng ý trả trên giá thị trường, vì nó sẽ cho phép ông ta kiểm soát toàn bộ công ty.”

Russell lại đưa ống nghe ra khỏi tai một lần nữa, chờ đón một tràng chửi rủa vì sự lăng nhục này. Nhưng tất cả những gì Armstrong nói chỉ là, “Tại sao ông không nói chuyện với luật sư của ông ta?”

“Tôi không chắc đó là biện pháp tốt nhất,” Russell nói. “Nếu tôi gọi điện cho họ hoàn toàn bất ngờ, Townsend sẽ đoán là ngân quỹ của ông đã bị cạn kiệt.”

“Không đúng!” Armstrong quát.

“Không ai cho là ông thế cả,” Russell nói. “Ông sẽ dự bữa tiệc tối nay của các chủ ngân hàng chứ?”

“Bữa tiệc của các chủ ngân hàng? Bữa tiệc của các chủ ngân hàng nào?”

"Cuộc họp mặt thường niên của những người điều hành chủ chốt trong giới tài chính và các khách mời của họ. Tôi biết là ông được mời, vì tôi đọc thấy trên tờ Tribune là ông sẽ ngồi giữa Thống đốc và Thị trưởng.”

Armstrong xem lại bản in thử của tờ báo đang nằm trên bàn. “ Ông nói đúng, tôi định sẽ tới. Nhưng thế thì sao?”

“Tôi có cảm giác là Townsend sẽ có mặt, chỉ để cho giới ngân hàng biết là ông ta vẫn vô sự sau bài báo không may mắn trên tờ Financial Times.”

“Có lẽ điều đó cũng được áp dụng với tôi,” Armstrong rầu rĩ nói một cách lạ lùng.

“Đó sẽ là cơ hội lý tưởng để làm như tình cờ nêu vấn đề ra và xem ông ta sẽ định thế nào.”

Một máy điện thoại khác lại đổ chuông.

"'Giữ máy một lát, Russell,” Armstrong nói khi ông cầm máy kia lên. Đầu kia là cô thư ký của ông. “Cô muốn gì?” Giọng Armstrong to đến mức trong một lát Russell đã tự hỏi không biết có phải ông ta vẫn đang nói chuyện với ông hay không.”

"Tôi xin lỗi phải ngắt lời ông, thưa ông Armstrong,” cô ta nói, “nhưng người đàn ông từ Thụy Sĩ vừa gọi điện lại."

“Bảo ông ấy là tôi sẽ gọi lại sau,” Armstrong nói.

“Ông ấy khăng khăng giữ máy. Tôi sẽ nối máy cho ông ta nhé?”

“Lát nữa tôi sẽ phải gọi lại cho ông, Rusell,” Armstrong vừa nói vừa ngắt máy.

Ông nhìn xuống cuốn sổ điện thoại đang mở ở vần "T".

“Jaques, tôi nghĩ có lẽ tôi đã giải quyết được rắc rối nhỏ của chúng ta.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.