Quỹ Đạo Đơn Phương

Chương 3: Mùa hè của cô ấy (3)




Tư Ngưng nhìn tên bạn cùng bàn của Thư Niệm rồi “Trời” một tiếng.

Nhưng sau khi xem bảng điểm Thư Niệm đưa thì đã hiểu ngay lý do thầy chủ nhiệm xếp hai người này ngồi chung.

Tư Ngưng lại gần Thư Niệm rồi rù rì bên tai cô: “Chắc thầy đang muốn để hai người hỗ trợ cho nhau đó.”

Khó khăn lắm Thư Niệm mới ép bản thân bình tĩnh lại được song vẫn không hiểu ý Tư Ngưng, thế là bèn nhẹ giọng: “Hả?” như hỏi lại cô nàng.

Tư Ngưng cười nói: “Tớ nghe Tề Hạ nói Tống Kỳ Thanh giỏi tự nhiên, vật lý trọn điểm nhưng tiếng Anh lại tệ.”

“Tiếng Anh cậu miễn chê mà vật lý thì ê chề còn gì?”

“E là thầy muốn hai người bù qua sớt lại đó, cậu kèm cậu ấy tiếng Anh rồi để cậu ấy giúp cậu hiểu bài vật lý.”

Thư Niệm chớp mắt, thấy Tư Ngưng nói có lý.

Mà quả tình mục đích của Dương Kỳ Tiến là thế thật.

Tư Ngưng giảng giải xong thì ôm cứng lấy Thư Niệm rầu rĩ nói: “Thế là phải chia xa cục cưng của tớ rồi.”

Thư Niệm vươn tay ôm lại cô nàng, hàng mi dài cong cong như vầng trăng khuyết, cô cười cười bảo: “Ngoài giờ học ra có lúc nào tớ không ở cùng cậu đâu mà lo.”

Tư Ngưng gật đầu, “Phải ha.”

Chỗ ngồi hiện tại của cô gần chỗ mới, còn có cả cô nàng Tư Ngưng giúp một tay nên hai cô gái dọn đến chỗ mới của Thư Niệm rất nhanh.

Sau đó đến lượt Thư Niệm giúp Tư Ngưng dọn bàn học.

Đến lúc cô về chỗ thì Tống Kỳ Thanh đã dọn đồ đến, chỗ hai người còn sát rịt nhau.

Ghế vẫn trống nên Thư Niệm cũng đỡ hồi hộp.

Cô kéo ghế ngồi xuống, không kiềm lòng được mà liếc nhìn sang chỗ cậu một chút.

Giá chặn sách đen kiểu dáng đơn giản có vài quyển sách giáo khoa, sách tham khảo, vở bài tập và vài xấp đề ôn, bài thi.

Hộp bút trong suốt đựng bút carbon, bút chì, bút đánh dấu và tẩy, bên cạnh còn có một bộ thước tiện dụng.

Bàn cậu sạch sẽ gọn gàng lắm, mặt bàn có để một tờ giấy nháp ghi vài công thức linh tinh bằng nét chữ như đẹp đến khó tin của cậu chàng.

Đúng lúc ấy, một bóng người xuất hiện trước mắt cô.

Thư Niệm còn chưa kịp làm gì thì đã nghe tiếng Tống Kỳ Thanh vang lên trên đầu mình: “Tớ vào chút.”

Thư Niệm đứng bật dậy nhường chỗ cho cậu vào bàn trong.

Tống Kỳ Thanh nghiêng người bước vào rồi ngồi xuống chỗ của mình.

Tim Thư Niệm cũng theo đấy nhảy loạn xạ cả lên.

Cô mím môi, yên lặng ngồi vào chỗ mình.

Ổn định chỗ ngồi xong là đến “tiết mục” giao bài tập về nhà cho kỳ nghỉ lễ.

Từng xấp bài tập được chuyển xuống và đến tay Thư Niệm rất nhanh.

Bài tập mỗi ngày của từng môn, tính cả thảy cũng chẳng ít ỏi gì.

Thư Niệm quyết định trong kỳ lễ Quốc Khánh sẽ đến thư viện tỉnh mỗi ngày để tiện giải quyết đống bài tập về nhà này, nếu làm xong hết bài mà còn dư thời gian thì sẽ tính đến chuyện tự học thêm.

Bấy giờ chuông tan học vẫn chưa vang, Thư Niệm bèn bắt tay vào giải bài tập vừa được giao luôn.

Cô cúi đầu nghiêm túc giải bài, sau khi tập trung vào bài vở thì trái tim trong lồ ng ngực cũng dần bình tĩnh lại, không còn đập như trống bỏi nữa.

Còn cậu bạn Tống Kỳ Thanh ngồi cạnh cô thì lại nhàn nhã nhìn chăm chăm vào chỗ nào đó qua ô cửa sổ.

Cũng không biết là trông thấy cảnh đẹp gì mà Tống Kỳ Thanh lấy điện thoại ra, nhoẻn miệng cười rồi chụp một phô ảnh.



Ngày đầu tiên của lễ Quốc Khánh ở Thẩm Thành mở đầu bằng một cơn mưa thu rả rích.

Thư Niệm vẫn đem theo cặp, cầm theo ô đội mưa đến thư viện tỉnh.

Ngoài trời đen kịt nên tất cả đèn trong thư viện đều được mở sáng.

Thư Niệm làm bài tập về nhà rất nghiêm túc, chỗ biết đáp án sẽ điền cẩn thận còn chỗ không biết thì sẽ khoanh lại bằng chì và đánh dấu bên cạnh.

Mà vẫn chẳng thấy Tống Kỳ Thanh đâu, Thư Niệm ăn trưa về ngồi vào chỗ cậu thường đọc sách, ngẩn người mất một lúc rồi mới đứng dậy đến kệ sách.

Cô tìm rất lâu, cuối cùng cũng tìm thấy quyển trò Sudoku cậu lấy lần trước.

Thư Niệm cầm theo mang về chỗ ngồi, giở ra và lấy giấy lịch sử mượn trả của thư viện từ bên trong cuốn sách.

Người mượn sách gần nhất là Tống Kỳ Thanh, ba cột phía trên từ trái sang phải là tên, ngày mượn và ngày trả.

Hàng đầu viết: Tống Kỳ Thanh, 04.08.2016, 30.08.2016.

Thư Niệm mím môi, viết tên mình vào hàng trống ngay phía dưới hàng có tên cậu: Thư Niệm.

Ngày mượn: 01.10.2016.

Chiều đến, Thư Niệm nhét quyển sách vào cặp rồi về nhà.

Vừa mở cửa vào đã nghe thấy giọng bà nội vang lên.

Thư Niệm đang cởi giày nghe tiếng bà thì ngạc nhiên ngẩng đầu nhìn vào phòng khách, thấy bà nội đang cười tủm tỉm nhìn mình.

Thư Niệm thây kệ đôi dép lê định thay, đi chân trần vô phòng khách rồi hân hoan nắm tay nội, kinh ngạc hỏi bà bằng giọng địa phương: “Sao nội lên ở đây ạ?” (*)

(*) Nếu edit theo kiểu “địa phương” luôn thì chắc sẽ thành “Răng nội lên mô?” =))) Mà thế thì sợ mọi người mất tập trung nên Trà để bình thường nhá.

Bà cũng dùng giọng ở quê trả lời: “Cha con lái xe chở bà lên ở mấy bữa, tiện thể ở gần cháu bà hơn.”

Thư Niệm vui lắm, tối đó cứ khăng khăng đòi phải ngủ chung một giường với bà mới chịu.

Hôm sau cô cũng không đến thư viện tỉnh nữa mà ở nhà làm bài tập.

Bà nội rảnh rang ngồi chơi xơi nước bèn lấy táo quýt gì đó gọt cho cháu nội, còn chốc chốc lại xuống nhà dưới rót nước ấm đem lên phòng Thư Niệm để cô uống thêm nước.

Hai hôm liền tiết trời ảm đạm, cứ mưa suốt, bà cụ ăn xong bữa trưa thì ngủ thiếp đi vì bệnh trong tiếng mưa rả rích bên ngoài phòng Thư Niệm.

Trời vừa đổ mưa thì không khí cũng lạnh hẳn đi, Thư Niệm sợ nội cảm lạnh nên dém chăn cẩn thận cho bà rồi mới ngồi lại bàn học tiếp tục làm bài tập.

Đến lúc muốn nghỉ giải lao thì sẽ giở quyển Trò Sudoku mà cô mượn ở Thư viện tỉnh và cố gắng giải thử mấy thế Sudoku có sẵn trong ấy.

Vì bà nội ở nhà nên Thư Niệm không đến thư viện tỉnh suốt cả kỳ nghỉ.

Ba ngày kế tiếp trời vẫn mưa liên miên, song sau đó cũng đã rời quang mây tạnh, Thư Niệm tay trong tay đi với bà cụ dạo chung quanh vài vòng.

Thấy có người bán kẹo bông gòn ven đường, bà bèn ghé vào mua cho cháu gái mình cây kẹo, tới chừng gặp hàng bán xúc xích nướng thì lại tiếp tục bước vô mua một phần xúc xích nướng cho cô.

Mấy món này đều là những món ăn vặt bà của Thư Niệm thường mua cho cô vào những buổi hai bà cháu cùng đi hợp chợ làng, khi cô còn nhỏ.

Dù bây giờ Thư Niệm đã là một cô học sinh cấp ba lớn tướng nhưng bà vẫn chăm lo cho cô như thể đang chăm cho đứa cháu gái bé bỏng ngày nào vậy.

Còn Thư Niệm thì vẫn thích giở tính trẻ con trước mặt bà nội, vẫn sẽ nài nỉ nũng nịu đòi ăn vặt với bà.

Kỳ nghỉ lễ chóng qua quá, vừa chớp mắt một cái mà bảy ngày đã trôi qua.

Đến ngày khai giảng của Thư Niệm, cũng là ngày phải tiễn bà cụ về quê.

Trưa thứ bảy, sau khi cả nhà ăn xong cơm trưa, Thư Niệm không nỡ xa bà nên cứ níu lấy cánh tay bà cụ chả chịu buông ra.

Trước khi lên xe, bà nội vỗ vỗ tay cô, vừa dịu dàng vừa hiền từ nói với Thư Niệm: “Niệm Niệm đừng áp lực về chuyện học tập quá, con là đứa trẻ ngoan nhất trên đời rồi có biết không.”

Thư Niệm gượng cười, gật gật đầu với bà: “Con biết rồi mà.”

“Tết Nguyên Đán con sẽ về quê thăm bà.”

Bà cụ cười toe toét đến tận mang tai, luôn miệng bảo: “Được được, nội ở nhà chờ con.”

Kỳ nghỉ lễ chỉ còn sót lại nửa ngày cuối, nội về trấn Giang Lĩnh, Thư Niệm đến thư viện.

Lần này cô đến để trả sách, nhân tiện ở lại làm bài thêm vài tiếng nữa, khi nào thư viện đóng cửa rồi về nhà sau.

Sau khi trả sách, cô đi đến chỗ cũ, tức thì nhận ra Tống Kỳ Thanh đang ngồi chếch phía đối diện cô đọc sách.

Tim Thư Niệm thoáng chốc đập lỡ một nhịp.

Cố kiềm chế trái tim sắp đập loạn xạ, cô vờ tự nhiên ngồi xuống, với lấy sách vở bắt đầu cúi gằm đầu mà học.

Hai tiếng sau, màn hình điện thoại Thư Niệm nhấp nháy sáng.

Nhìn thấy người gọi đến là “Bà nội”, Thư Niệm bèn cầm điện thoại bước nhanh vào hành lang chỗ nhà vệ sinh để nhận cuộc gọi.

Thư Niệm vừa bắt điện thoại đã điềm đạm gọi một tiếng: “Nội ơi.”

Tiếng cười nói của bà cụ vang rõ từ đầu dây bên kia: “Nội về tới nhà rồi, con đừng lo lắng quá nhé.”

Thư Niệm dịu giọng đáp: “Vâng.”

Sau đó không biết vì duyên cớ gì, nước mắt cô cứ lã chã tuôn rơi mà chẳng hề báo trước.

Thư Niệm chớp chớp đôi mắt đo đỏ của mình, cố hít sâu vào một hơi rồi hơi nghẹn ngào nói: “Vậy nội phải giữ gìn sức khoẻ nhé, đừng để bị bệnh.”

Bà cụ cười đồng ý: “Được, nội khỏe lắm đó, bệnh sao nổi mà bệnh.”

“Khóc à? Con khóc làm chi? Cũng đâu phải không gặp nhau nữa,” Bà an ủi bé cháu gái nhà mình, “Con hứa Nguyên Đán về thăm nội rồi còn gì?”

“Đến lúc đó nội sẽ nướng khoai cho con ăn ha.”

Thư Niệm ấm ức “Ưm” nhỏ một tiếng rồi nói trong nước mắt: “Con muốn ăn hạt dẻ chiên với đậu phộng luộc nữa.”

“Được, được hết mà,” Bà nội đồng ý ngay tắc lự, hỏi tiếp: “Muốn ăn thêm gì nữa không con?”

“Hết rồi ạ.”

“Đừng khóc nữa mà, lớn tướng rồi sao còn khóc nhè vầy nè?” Bà cụ như cười ghẹo cô.

Thư Niệm đang khóc giọt ngắn giọt dài nhưng nhất quyết không chịu thừa nhận, còn giương cái giọng sụt sùi của mình lên cãi: “Con đâu có khóc.”

Giọng cứ nghe như mèo con đang làm nũng vậy.

Khi cúp điện thoại và trở lại chỗ ngồi, cô phát hiện Tống Kỳ Thanh không ngồi ở vị trí cũ nữa nhưng sách thì vẫn đặt đấy.

Thư Niệm vừa lấy giấy lau nước mắt vươn trên mặt đi, Tống Kỳ Thanh đã bước ra từ nhà vệ sinh với bàn tay ướt nước.

Cậu ngồi xuống, lấy khăn giấy từ gói khăn trong cặp ra, lau khô tay rồi cúi đầu đọc sách tiếp.

Đến giờ thư viện đóng cửa, Thư Niệm dọn đồ kéo khóa cặp rồi rời khỏi thư viện tỉnh.

Tống Kỳ Thành rời thư viện trước cô ít lâu.

Lúc Thư Niệm đến trạm xe buýt thì nhìn thấy cậu đang biếng nhác ngồi trên xe đạp cúi đầu bấm điện thoại gần trạm xe buýt.

Bên cạnh cậu chàng còn có hai cậu trai cũng đang ngồi trên xe đạp, trong hai người có một người Thư Niệm quen mặt, là cậu trai bảo Thư Niệm giới thiệu lớn lên trong hôm nhận lớp nọ, Tưởng Phong, giỏ xe đạp của cậu này còn có một quả bóng rổ đỏ.

Thư Niệm nghe Tưởng Phong hỏi: “Anh Thanh làm gì đấy?”

Một cậu khác thì thẳng thừng giơ chân đá vào xe Tống Kỳ Thanh rồi cười khẩy: “Có đi không thì bảo?”

Tống Kỳ Thanh “Xì” một tiếng rồi lên tiếng cảnh cáo: “Quý Tinh Lãng, bỏ cái chân thối của cậu xuống đi chứ.”

Rồi giải thích: “Đợi chút, đang bận nhắn tin.”

“Tin tiếc gì, nhắn ai thế? Bạn gái hả?” Cậu bạn khác ghẹo cậu.

Tống Kỳ Thanh cười mắng: “Bạn gái con mắt cậu.”

Chuyến xe buýt số 21 dừng ngay trạm, Thư Niệm âm thầm “cụp” cái tai nhiều chuyện của mình xuống rồi bước lên xe buýt.

Cô tìm ghế dựa cảnh cửa sổ theo thói quen, để cặp cạnh chân rồi ngồi xuống.

Cùng lúc ấy, Thư Niệm thoáng thấy ba chiếc xe đạp đang bon bon về phía trước trên làn đường xe chạy.

Sau đó xe buýt cũng chậm rãi khởi động rồi dần tăng tốc, vượt qua ba chiếc xe đạp kia rất mau.

Tống Kỳ Thanh vừa xuất hiện trước mắt Thư Niệm cũng vì thế mà mất tăm.

Thư Niệm thậm chí còn chả có can đảm liếc nhìn người ta lần nào qua lớp kính xe.

Thế mà, chỉ chốc lát sau bóng dáng cao cao đạp xe kia lại hiện diện trong tầm nhìn Thư Niệm.

Hình như cậu đang thi đạp xe với hai cậu trai đi cùng thì phải.

Cậu chàng rướn người về phía trước, cúi thấp người, hai chân đạp bàn hết tốc lực, áo khoác ngoài trắng tinh vốn đã rộng nay đã vì cùng hướng gió mà bị phất bay lên, đến cả mái tóc đen vốn ngăn ngắn của cậu cũng bị gió thổi cho rối bời.

Tống Kỳ Thanh nhoẻn miệng cười toe.

Vầng thái dương đương buổi chiều tà đang dần lặn khuất và khuôn mặt cậu cũng đang đắm chìm trong ánh tịch dương đỏ rạng ấy.

Ngay một khoảnh khắc huyền diệu nào đó, thẳm sâu trong đôi mắt Thư Niệm, toàn bộ thế giới của cô chợt thu hẹp đến độ chỉ còn để lại mỗi mình Tống Kỳ Thành.

Cậu là chàng thiếu niên như cơn gió miên man, đầy tự tại mà cũng phóng khoáng ngập tràn, vừa chói lòa mà cũng vừa rạng ngời như nắng sớm.

Hết 03.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.