Quỹ Đạo Đơn Phương

Chương 14: Mùa hè của cô ấy (14)




Vào cuối tháng 2 năm 2019, 100 ngày trước kỳ thi tuyển sinh đại học, trường tổ chức lễ tuyên thệ với mục đích cỗ vũ cho toàn bộ các cô cậu học sinh đang lao đầu chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất đời người sắp đến.

Thư Niệm và Tống Kỳ Thanh lần lượt được chọn làm đại diện cho học sinh của hai ban xã hội và tự nhiên, ban giám hiệu đã sắp xếp cho họ lên bục phát biểu.

Khi lãnh đạo nhà trường đang phát biểu trên bục, Thư Niệm và Tống Kỳ Thanh đứng ở một bên bục, mỗi người mỗi cầm bản nháp tự soạn riêng.

Thư Niệm cúi đầu nhìn tất cả học sinh lớp 12 dưới khán đài, sau đó nhìn bản nháp rồi khẽ thở dài vì lo lắng.

Tống Kỳ Thanh đột nhiên nói với cô: “Cúi đầu đọc bản nháp là được, không nhìn thì sẽ không căng thẳng.”

Tim Thư Niệm như ngừng đập trong chốc lát, rồi cô ngẩng mặt mỉm cười với cậu chàng, gật gật đầu tỏ vẻ đã biết.

Sau một lát, cô lấy hết can đảm nhẹ giọng nói: “Chúc mừng cậu nhé.”

Tống Kỳ Thanh cúi đầu nhìn như thể mình chưa hiểu ý cô.

Thư Niệm giải thích: “Chúc mừng cậu đậu thẳng vào đại học Thẩm.”

Tống Kỳ Thanh cười, đáp lời: “Cảm ơn.”

Ít lâu sau, cậu là người bước lên bục phát biểu trước, Thư Niệm bèn đứng sát bên sườn, môi bất giác nở nụ cười khi nhìn cậu đang dõng dạc và hùng hồn.

Dáng vẻ của cậu tràn ngập trong đáy mắt cô, dáng vẻ của cậu con trai mặc đồng phục xanh trắng rạng rỡ dưới ánh nắng mặt trời.

Cậu tên Tống Kỳ Thanh, họ Tống phỏng theo triều Tống, Kỳ trong kỳ vọng và Thanh trong âm thanh.

Cậu là người cô thầm thương trộm nhớ.

Cậu cũng là động lực to lớn nhất thôi thúc cô không ngừng cố gắng để ngày càng trở nên xuất sắc hơn.

“Chúc chúng ta có thể phất cờ làm hiệu (*), đề tên bảng vàng trong kỳ tuyển sinh đại học sắp tới!”

(*) Câu raw là Kỳ khai đắc thắng, câu này trích từ “kỳ khai đắc thắng, mã đáo thành công” (Cờ phất báo hiệu chiến thắng, ngựa quay về báo tin thành công), câu này thường là để chúc ai đó có thể dễ dàng thăng tiến, đạt thành công (tất nhiên), sự nghiệp (ở đây là chuyện học hành) suôn sẻ rộng mở.

Thư Niệm bước lên bục ngay sau Tống Kỳ Thanh.

Lúc đi ngang qua cô cậu còn nói khẽ một câu: “Cố lên nhé.”

Bước chân Thư Niệm thoáng khựng lại rồi nhỏ giọng “Ừ” một tiếng.

Hôm đó từ đầu đến cuối phần phát biểu của mình, Thư Niệm vẫn luôn nhìn chằm chằm vào bản nháp mình soạn.

Mãi đến lúc cuối, khi chuẩn bị nói câu sau chót Thư Niệm mới ngước lên nhìn về đông đảo các bạn học đồng trang lứa cũng đang lo lắng chuẩn bị cho kỳ thi như mình.

Cô nói: “Cuối cùng, tớ muốn tặng mọi người một câu — Cuộc đời thiên biến vạn hóa, chúng ta đều là hắc mã; Thắng bại chưa phân, chúng ta đều có cơ hội như nhau.” 

Thư Niệm nói xong rồi cúi đầu chào trong tiếng vỗ tay như sấm dậy vang trời sau đó không khỏi quay mặt sang một bên khán đài.

Tống Kỳ Thanh đang đứng đó, mỉm cười nhìn cô.

Thư Niệm hoảng loạn thu hồi ánh mắt của mình ngay tức thì.

Sức nóng từ mặt trời như cháy rực lên trong tích tắc rồi thiêu đốt đôi gò má cô đến bỏng rát.

Mặt Thư Niệm dần đỏ bừng hết cả song vẫn cố tỏ vẻ bình tĩnh nhìn con đường dưới chân, nhanh chóng bước xuống bục trong tiếng tim đập thình thịch như ma đuổi đầy bất thường.



Đầu tháng 3, Thư Niệm đăng ký tham gia kỳ tuyển sinh độc lập (*) của đại học Thẩm sau khi trường cô gửi thư giới thiệu lên.

(*): Kỳ tuyển sinh độc lập hay tuyển sinh riêng của một trường đại học, không áp dụng cách xếp điểm cũng như kết quả của kỳ thi đại học chung.

Mãi đến cuối tháng 4, danh sách xét duyệt sơ bộ của Đại học Thẩm mới được công bố.

Trong danh sách có cô.

Nhưng đây chỉ mới là bắt đầu.

Từ sau hôm ấy, ngày nào Thư Niệm cũng chăm chỉ ôn bài luyện đề.

Cô luôn xem các kỳ thi thử do trường tổ chức như kỳ thi tuyển sinh đại học chính thức.

Và sau mỗi lần thi thử, Thư Niệm đều đứng vững ở vị trí đầu bảng xếp hạng toàn ban xã hội.

Kỳ nghỉ lễ đầu tháng 5, cô đã về quê để đầu óc được nghỉ ngơi đôi chút.

Nội dẫn cô lên chùa Huệ Cổ trên thành phố, bảo là muốn cầu nguyện với Chư Phật để cô thi cử thuận lợi.

Bà cụ tặng Thư Niệm túi thơm cầu may đường học hành, Thư Niệm cũng xin bà một túi thơm cầu cho sức khỏe an khang. 

Trừ chuyện này ra cô còn hỏi xin bà thêm một túi thơm cầu chuyện học hành hanh thông nữa.

Nội hỏi cô: “Túi thơm này con xin cho ai đã?”

Thư Niệm hơi đỏ mặt, lấp lửng đáp: “Bạn ạ, năm nay cậu ấy cũng thi đại học.”

Bà cụ cứ nghĩ bạn trong miệng cháu gái cưng là Giang Điềm nên cũng không hỏi han gì thêm.



Trước kỳ thi đại học một ngày, bà nội vội vã từ thôn lên.

Thư Niệm thấy nội bất ngờ đến thăm như thế thì ngạc nhiên lắm, cô vui mừng hỏi: “Sao giờ nội lên đây ạ?”

Bà cụ bèn tủm tỉm cười đáp: “Đương nhiên là đến đưa cháu gái cưng của nội đi thi đại học rồi.”

“Ôi bà đừng đưa con đi mà,” Thư Niệm nói: “Nóng thế này, bên ngoài trường con cũng không có chỗ ngồi đợi mát mẻ nào hết, bà đứng chờ miết sẽ cảm nắng mất.”

Bà cụ vẫn hớn ha hớn hở cười đáp: “Biết mà biết mà, nội sẽ ở nhà chờ con.”

“Mai phải thi rồi, con có căng thẳng lắm không?” Bà quan tâm hỏi Thư Niệm.

Thư Niệm lắc đầu, “Không ạ, trường đã cho chúng con thi thử nhiều lần rồi nên giờ con cũng khá là quen.”

“Vậy thì tốt,” Nội dặn cô, “Con đừng lo quá, cứ bình tĩnh làm bài như thường là được.”

Sau đó lại nhắc nhở Thư Niệm: “Phải mang đủ đồ dùng học tập đấy, cũng đừng làm rơi giấy chứng nhận.”

Thư Niệm đồng ý với bà hết, “Lát nữa nội kiểm tra lại giúp con nhé.”



Giữa trời hè, kỳ thi đại học diễn ra như dự kiến.

Thư Niệm thi tại trường đang học, vì được thi trong khung cảnh quen thuộc nên cô an tâm hơn không ít.

Mưa tầm tã ở Thẩm Thành suốt hai ngày thi.

Cơ mà tâm trạng Thư Niệm luôn yên bình lắm.

Năm giờ chiều ngày 8, phần thi tiếng Anh kết thúc.

Kỳ thi đại học năm 2019 ở Thẩm Thành cũng đi đến hồi kết.

Nhưng với Thư Niệm thì đây vẫn chưa phải là dấu chấm hết của thời cấp ba của mình.

Cũng vì tiếp theo đây cô còn phải tham gia kỳ tuyển sinh riêng của trường đại học.

Kỳ thi độc lập bắt đầu từ ngày 10 tháng 6, Thư Niệm thi đại học xong thì về nhà tiếp tục ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh thứ hai.

Vài ngày sau khi Thư Niệm đi thi suôn sẻ, Đại học Thẩm công bố danh sách, trong đó có cô.

Điểm thi đại học năm ấy cũng được công bố sau đấy.

Thư Niệm tra điểm của mình, là hạng 8 toàn tỉnh.

Thư Niệm được nhận vào khoa Ngoại Ngữ ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Thẩm qua kỳ thi độc lập của trường.

Điểm thi đại học của Giang Điềm dưới quê cũng không tệ, hoàn toàn có khả năng đăng ký ngành Hóa học đại học Thẩm.

Kỳ nghỉ hè năm ấy vừa dài lại vừa ngắn ngủi.

Thư Niệm không ghé đến thư viện tỉnh nữa mà trốn vào thư viện địa phương để có không gian yên tĩnh hơn mà đọc sách.

Cô đăng ký một lớp học vẽ tự do, đi học đều đặn mỗi tuần cũng rất nghiêm túc học vẽ.

Các bạn học cùng lớp ngày nào cũng phát hàng tá thiệp mời, đến nỗi dường như hôm nào cũng tổ chức hội họp lớn bé, song Thư Niệm chỉ tham gia duy nhất một buổi liên hoan chung cả lớp.

Trùng hợp là hôm Thư Niệm đến tham dự thì Tống Kỳ Thanh và bạn bè cậu cũng tụ tập cùng một nhà hàng.

Thư Niệm chỉ đứng đằng xa nhìn cậu chàng một cái rồi vào phòng lớp cô đặt trước.

Sau đó, trên đường đến nhà vệ sinh cô tình cờ bắt gặp Tưởng Phong vừa bước ra khỏi cửa nhà vệ sinh.

Cậu ta là một trong những cậu bạn đi cùng với Tống Kỳ Thanh đến đây.

Tánh tình Tưởng Phong vẫn thế, vẫn là một cậu trai thích nói thích cười, thấy Thư Niệm thì niềm nở chào hỏi rồi nói: “Chúc mừng cậu đậu kỳ tuyển sinh riêng của đại học Thẩm nhé.”

Thư Niệm mỉm cười đáp: “Cảm ơn.”

Rồi hỏi thêm một câu: “Cậu thì sao? Đến đâu học thế?”

Tưởng Phong cười cười, nói: “Hải Thành.”

Thư Niệm gật đầu tỏ ý đã hiểu.

Ngay lúc Thư Niệm đang định tiếp tục đi vào nhà vệ sinh thì Tưởng Phong đột nhiên gọi cô: “Thư Niệm này.”

Thư Niệm quay mặt lại, ngước nhìn cậu ta.

Tưởng Phong do dự một chốc, rốt cuộc chỉ nói gọn: “Chúc cậu vạn sự như ý.”

Thư Niệm đang sợ cậu ta thổ lộ nghe thế thì nhẹ nhõm trong lòng tức thì, cô cười cười đáp: “Cậu cũng vậy.”

Tối hôm đó, Thư Niệm về đến nhà, lấy từ trong ngăn kéo ra chiếc túi thơm vẫn nằm trong ngăn kéo, trầm ngâm ngắm nghía nó một lát rồi bỏ trở lại vào ngăn kéo.

Đây là túi thơm cầu đường học vấn hanh thông cô xin cho Tống Kỳ Thanh.

Dù hôm đến chùa Huệ Cổ cô đã sớm biết cậu đậu vào đại học Thẩm rồi.

Nhưng Thư Niệm vẫn muốn xin thay anh một chiếc túi thơm cầu phúc.

Cô thành khẩn cầu nguyện với Chư Phật và Bồ Tát — Mong cho Tống Kỳ Thanh tiền đồ như gấm thêu hoa, tương lai rộng mở.

Về phần túi thơm này, Thư Niệm cũng không định tặng cho người ta làm gì.

Nếu có lòng thì mọi ước nguyện đều sẽ được viên thành, Chư Phật Bồ Tát sẽ nghe thấy điều cô cầu thay anh và sẽ phù hộ cho anh.

Hết 14.
Tâm sự tuổi hồng của Ngải Ngư: 

Vậy là hai cục cưng tốt nghiệp cấp ba rồi, từ chương sau sẽ là phần đại học nhé.

Tâm sự mỏng của Trà Trà:

– Túi thơm ở đây không có ý nghĩa như dạng túi thơm định tình hồi xưa mà là kiểu túi thơm cầu may từa tựa “lộc” xin đầu năm ấy. Túi thơm này là túi vải, thường thêu thêm họa tiết và dùng màu vải khá bắt mắt (đỏ, xanh lá), bên trong thường để thuốc hoặc hương liệu. 

– Chương sau là đoạn đại học rồi nên Trà mạnh bạn:v đổi từ cậu sang anh từ chương 15 đến hết nghen.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.