Quần Long Chi Thủ [Luận Anh Hùng]

Chương 17: Thái Sơn




Phản ứng của Tôn Kiếm Yêu không thể nói là không nhanh.

Hơn nữa còn cực nhanh.

Hắn lập tức vơ lấy kiếm, lại rút kiếm ra, nhưng tấm lưới lớn màu đỏ thẫm kia đã bao trùm lấy hắn.

Có thể nói như sau, khi hắn phát hiện không ổn thì đã nhìn thấy tấm lưới kia, lúc nhìn thấy tấm lưới kia thì lưới đã trùm lên người hắn, một chút khoảng không né tránh cũng mất đi, một chút thời gian né tránh cũng không còn.

Vì vậy Tôn Ức Cựu người đã trong lưới.

Người ở trong lưới, kiếm ở trong tay.

Cho nên Tôn Ức Cựu vẫn xuất kiếm.

Tấm lưới kia là do Diệu Thủ Ban gia mượn “thiên lý ân oán nhất tuyến khiên” của Nhất Tuyến Vương để dệt nên, kiếm trong tay Tôn Ức Cựu là kiếm tốt, nhưng kiếm tốt vẫn không phá được lưới.

Đây là “Thiên La Địa Võng” của Phong Đao Quải Kiếm Lôi gia.

Tôn Ức Cựu chém không rách lưới, vẫn có thể xuất kiếm, xuất chiêu.

Bởi vì kiếm của hắn nhỏ, thân kiếm cực hẹp. Mà mắt lưới lại lớn, lỗ lớn ít nhất to bằng nắm tay, lỗ nhỏ cũng không nhỏ hơn một móng tay.

Cho dù kích cỡ bằng nắm tay hay là móng tay, kiếm của Tôn Ức Cựu đều như yêu, như khói, như ma quỷ công ra ngoài, đâm ra ngoài, đưa ra ngoài.

Tấn công người cầm lưới.

Người cầm lưới đang muốn thu lưới.

Bọn họ không chỉ một người, mà là bốn người.

Bọn họ đương nhiên chính là Lôi Thực, Lôi Thuộc, Lôi Hợp, Lôi Xảo trong “Bát Lôi Tử Đệ” của Tiểu Lôi môn, đặc biệt đến đối phó với Tôn Ức Cựu.

Lưới của bọn họ cũng chuyên dùng để thu thập Tôn Kiếm Yêu.

Kiếm pháp của Tôn Ức Cựu rất yêu dị, rất tà.

Hắn gần như không một kiếm nào là công thẳng, mỗi lần xuất kiếm đều nghiêng.

Hắn cũng không một kiếm nào là có kiếm chiêu, cũng không một chiêu nào là có quy tắc.

Hắn thi triển dường như không phải kiếm pháp, mà là yêu pháp.

Hắn trong tay dường như không phải kiếm, mà là yêu.

Nhưng kiếm pháp như yêu của hắn lại là khổ luyện mười năm trên đỉnh Thái Sơn mà thành.

Sư phụ của bảy sư huynh đệ bọn họ chính là Thất tuyệt Kiếm Thần, năm đó từng trợ giúp Trí Cao tại Quảng Nam tạo phản.

Thất tuyệt Kiếm Thần mặc dù cuối cùng bị ba người Gia Cát Tiểu Hoa, Nguyên Thập Tam Hạn và Thiên Y Cư Sĩ liên thủ đánh bại, bị thương khó lành, từ đó thoái ẩn, nhưng vẫn huấn luyện ra bảy tên đệ tử, chính là Thất Tuyệt Thần Kiếm này.

Năm đó Thất tuyệt Kiếm Thần là Ôn Hướng Thượng, Lương Vãng Hạ, Hà Trung Gian, La Tả Hữu, Tôn Khán Tiền, Dư Cố Hậu, Trần Thượng Hạ, mỗi người bọn họ chỉ thu nhân một đệ tử. Vốn đều là cô nhi, theo họ của bọn họ, xem bọn họ là cha.

Trong đó chỉ có Trần Thượng Hạ không để ý đệ tử của hắn là Ngô Phấn Đấu vẫn họ “Ngô”, bởi vì đệ tử mà hắn thu nhận là cháu ngoại của hắn.

Theo lý luận của Thất tuyệt Kiếm Thần, muốn vào cửa của bọn họ thì phải chuyên tâm.

Muốn chuyên tâm thì phải lên núi.

Bởi vì hồng trần thế tục có rất nhiều người và chuyện khiến người ta phân tâm không chuyên chú, đây cũng là nguyên nhân vì sao người muốn luyện giỏi võ công đều đi “lên núi”.

Lên núi, ngăn cách với trần thế, mới có thể chuyên tâm luyện võ. Giống như muốn học giỏi thi thư thì nên vào học đường, tư thục, thư viện, dốc lòng khổ học, mới hi vọng có thành tựu.

Lên núi là vì muốn xuống núi.

Cho nên “xuống núi” là đại sự, giống như đọc sách thành tài tham gia thi cử vậy.

Vì vậy bảy đệ tử của Thất tuyệt Kiếm Thần mỗi người lên một núi.

Tôn Khán Tiền muốn Tôn Ức Cựu lên núi Thái Sơn.

Bởi vì Thái Sơn cao, Thái Sơn to lớn.

Lên núi Thái Sơn thiên hạ nhỏ.

Lên chóp đỉnh mà trông, lè tè muôn núi dưới. *

Hắn hi vọng đồ nhi của mình có thể nổi bật xuất chúng, lãnh tụ quần hùng, khiến hắn nở mày nở mặt.

Kiếm pháp của hắn luôn đi theo hướng tà, nghiêng, gian xảo, tàn độc.

Hắn hi vọng truyền nhân y bát của hắn có thể bổ sung thiếu sót của hắn, có thể thấy được sự hào hùng khí phái của Thái Sơn, lại dung hợp vào trong kiếm pháp, trở thành kiếm pháp tuyệt đỉnh.

Cách nhìn của bọn họ là đến từ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Một người chìm đắm lâu dài trong hoàn cảnh đó, sẽ thu được khí chất của nó mà thành bản tính, giống như “ở lâu trong cửa hàng cá muối sẽ không ngửi thấy mùi thối của nó”, nếu xuất thân từ phú quý giàu sang đương nhiên cũng thành cành vàng lá ngọc.

Bọn họ thúc đẩy đệ tử lên núi học nghệ, chẳng qua là muốn truyền nhân của mình được trời đất nuôi dưỡng, lại hóa thành kiếm pháp võ công, để hoàn thành chí nguyện năm đó bọn họ còn chưa hoàn thành.

Độc bộ thiên hạ, siêu việt quần hùng.

Thế nhưng, dường như kết quả lại trái với ý muốn ban đầu.

Bởi vì Tôn Ức Cựu (cùng với những Kiếm khác) luyện thành kiếm pháp trên núi, cho đến khi xuống núi, lại không nhất định giống như mong muốn ban đầu của bọn họ. Ví dụ như luyện kiếm tại Thái Sơn, sẽ có được khí thế đỉnh cao của kiếm pháp; luyện kiếm tại Hoa Sơn, sẽ thu được sự kỳ diệu của kiếm pháp; luyện kiếm tại Hoàng Sơn, sẽ đạt được vẻ đẹp của kiếm pháp… có lúc lại hoàn toàn trái ngược.

Kiếm pháp của Tôn Ức Cựu ngược lại càng thêm kỳ, quỷ, yêu, dị.

Đối với tình hình như vậy, người đứng đầu Thất tuyệt Kiếm Thần là La Tả Hữu lại cho rằng đương nhiên, không xem là kỳ quái:

- Hoàn cảnh không quan trọng, tất cả vẫn phụ thuộc vào bản tính. Khí chất xu hướng của bản thân mới quyết định tất cả. Người hiếu sát, cho dù ngày ngày không ăn thịt, vẫn sẽ có lúc giết người. Người có tuệ căn, cho dù xuất thân từ đồ tể, cuối cùng vẫn sẽ quy y phật môn. Có điều, chúng ta để bọn nó lên núi cũng không uổng phí, cho dù không thể đưa sự hùng vĩ của Thái Sơn vào trong kiếm pháp hùng hồn, nhưng lại có thể bức ra kiếm ý càng linh động, yêu dị, như bóng tối của trăng, mặt sau của ánh sáng, có thể thấy được hiệu quả và lợi ích của nó. Khí chất bất đồng, tương sinh tương khắc, nhật nguyệt cùng động, ngược lại thu hoạch bất ngờ, đó là chuyện tốt đáng mừng.

Cách nói này cuối cùng có thể khiến cho sáu Kiếm Thần khác không còn chán nản mất mát như trước nữa.

Do đó, “Kiếm Yêu” Tôn Ức Cựu tuy luyện kiếm tại Thái Sơn, nhưng kiếm pháp của hắn lại không phải là kiếm của Thái Sơn, mà là “yêu kiếm”.

Chủ nhân của kiếm cũng có ngoại hiệu là “Kiếm Yêu”.

Hiện nay, “Thái Sơn” sụp phía trước, “Lôi võng” trùm xuống dưới, hắn muốn dùng yêu của kiếm, kiếm của yêu để đối kháng với trận tập kích, đánh lén này.

Chú thích:

* Trích từ bài thơ “Vọng Nhạc” của Đỗ Phủ.

Ðại Tông phù như hà?

Tề Lỗ thanh vị liễu.

Tạo hoá chung thần tú,

Âm dương cát hôn hiểu.

Ðãng hung sinh tằng vân,

Quyết tý nhập quy điểu.

Hội đương lăng tuyệt đính,

Nhất lãm chúng sơn tiểu.

Dịch nghĩa:

Núi Ðại Tông như thế nào?

Ðất Tề, đất Lỗ màu xanh không ngớt.

Tạo hoá hun đúc nét đẹp khí thiêng ở đó,

Sườn núi bắc (âm), nam (dương) phân chia chiều sớm.

Lòng (ngực) núi dao động phát sinh lớp lớp khói mây

Giương mắt đắm vào bầy chim về tổ.

Ðược dịp lên tận đỉnh cao chót vót,

Ngắm nhìn mới thấy núi non chung quanh đều nhỏ bé

Dịch thơ: (Hoàng Trung Thông)

Thái Sơn trông thế nào?

Tề, Lỗ xanh liền giải.

Trời đất dồn xinh tươi,

Âm dương chia sớm tối.

Lòng ùn với lớp mây,

Mắt hút theo chim núi.

Lên chóp đỉnh mà trông,

Lè tè muôn núi dưới.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.