Phượng Nghiên Trấn Quốc

Chương 17: Sắc phong




Hoàng cung Bình Tây quốc được xây dựng từ rất lâu về trước, tương truyền đã từng là một trong ba quốc gia thời cổ. Hoàng cung xây theo lối chấn thủ long mạch, vì theo phong thuỷ, dưới Đế thành là dòng chảy long mạch thịnh vượng nhất.

Hoàng cung tổng thể xây hai lớp thành. Lớp ngoài là cổng Đế thành, lớp trong là cổng vào cung cấm. Cấm cung chia làm bốn cổng lớn: Ngọc môn là cổng phía Tây- cổng dành cho các tú nữ tiến cung; Phiến môn là cổng phía Nam- cổng dành cho cống phẩm, sứ thần, các Vương gia quốc thuộc; Phí môn là cổng nhỏ nhất ở phía Tây Nam- nơi để vận chuyển lương thực, nơi ra vào của các cung nhân; Khải môn là cổng chính cũng là cổng lớn nhất ở phía Bắc- cổng chỉ mở cho hoàng đế và vào các dịp lễ tế cũng như các buổi quan trọng như sắc phong hậu cung, lập thái tử, đại điển lên ngôi,...

Nay đại quân Bắc Nam song vương khải hoàng oanh liệt trở về, Sùng Kha đế cho mở Khải môn, cả đoàn quân hùng dũng bước vào trong toà thành lộng lẫy cao sang. 

Trác Thiếu Hằng chiến bào màu đen, cùng Trác Thiếu Khanh một thân hỏa phục đứng ở đầu nhóm quan võ. Sùng Kha đế ngồi trên long ỷ, khó có khi vui vẻ cười nói:

“Hai hảo hài tử của trẫm, các con quả nhiên là không làm cho ta thất vọng mà. Lần này không những diệt được Phiên quân mà còn mở rộng lãnh thổ Bình Tây, công ơn này của các con quả thật không thể nói hết. Đến, A Ngũ, nói cho phụ hoàng nghe, con muốn thưởng thứ gì?”

Trác Thiếu Khanh là Ngũ hoàng tử, nhũ danh được Hinh Đức phi lúc còn sống thường gọi là A Ngũ- bị điểm tên liền bước ra. Chiến bào đỏ rực làm bằng kim loại quý, theo bước chân mà ma sát vào y phục bên trong, vang lên tiếng xoạt xoạt. 

Hắn mỉm cười phất tà áo quỳ xuống, không kiêu ngạo không siểm nịnh, hùng dũng nói:

“Tạ ân điển của phụ hoàng. Lần này nhi thần và Thất đệ đều là nhờ có uy lực và sự tin tưởng của phụ hoàng nên mới thắng trận dễ dàng như vậy. Nếu không có long ân, sợ là khó mà chiến thắng. Nhi thần cũng không dám tranh công, bờ cõi Bình Tây quốc là của phụ hoàng, giúp người mở rộng là bổn phận của hài tử như chúng con”.

Không thể không nói, dù cho là hoàng đế, vẫn cứ thích được vuốt mông ngựa như vậy nha...

Sùng Kha đế bật cười, kêu hai tiếng tốt rồi quay lại hỏi Trác Thiếu Hằng:

“Còn con, A Thất, công lao lần này của con cũng không nhỏ, con nói xem con muốn gì, phụ hoàng nhất định sẽ cho con”.

Trác Thiếu Hằng tiến lên một bước, quỳ bên cạnh Trác Thiếu Khanh, cũng kết hợp mà đẩy công lao về phía hoàng đế:

“Ngũ ca nói rất đúng, công lao này là của phụ hoàng. Nhi thần chỉ là thanh đao trong tay phụ hoàng, giúp người thuận lợi thắng trận mà thôi. Phụ hoàng, nhi thần và Ngũ ca tại đây chúc mừng ngài lãnh thổ Bình Tây quốc lại được mở rộng, từ nay Phiên quốc sẽ trở thành quốc thuộc của nước ta. Cung chúc phụ hoàng phước như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn để còn vì dân chúng, vì Bình Tây quốc mà cống hiến sức lực”.

Được hai công thần thay phiên nhau vuốt đuôi ngựa đến vui vẻ, hoàng đế trong lúc cao hứng, nhìn Trác Thiếu Khanh thành thục ổn trọng, lại là người đầu tiên đẩy công lai của chính mình qua cho hoàng đế, phấn khích nói với Tổng quản thái giám bên người:

“Lý Quỳ, nghe lệnh của trẫm. Bắc vương thân mình uy dũng, trí tuệ vô song, tính tình ôn nhuận lại thông minh khiêm nhường, quả thật hợp ý trẫm. Nay trẫm sắc phong Bắc vương làm Đông cung Hoàng thái tử, bắt đầu từ ngày mai theo trẫm tiến vào tiền triều học hỏi công vụ. Còn Nam vương, chiến công hiển hách, tuy tuổi còn nhỏ nhưng không ham mê quyền lực, lại ăn nói lễ nghi đầy đủ, trẫm rất vừa lòng. Nay trẫm phong Nam vương làm Trấn Quốc vương- một trong tam vương trấn thủ triều chính biên cương*. Khâm thử”.

Trác Thiếu Khanh và Trác Thiếu Hằng đồng loạt quay sang nhìn nhau, sâu bên trong đôi mắt tràn ngập bất ngờ là sự mưu tính thành công. Hai người mỉm cười khấu đầu với Sùng Kha đế:

“Tạ phụ hoàng ân điển. Phụ hoàng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế”.

Chúng quan văn quan võ cũng đồng loạt quỳ xuống, mấy vị hoàng tử không muốn cũng phải hô vang:

“Thánh thượng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế. Thái tử thiên tuế thiên tuế thiên thiên tuế. Trấn Quốc vương gia thiên tuế thiên tuế thiên thiên tuế”.

Sau đó Sùng Kha đế để cho phủ Nội vụ chuẩn bị lễ nghi sắc phong Thái tử và Trấn Quốc vương, rồi lại ban thưởng vài thứ cho những người có các chiến công. Xong xuôi tất cả, hoàng đế cho bãi triều. 

Song song bước ra khỏi Cần Chính điện, Trác Thiếu Hằng cùng Trác Thiếu Khanh đều không nói câu gì. Bởi bọn hắn biết, nơi này tai vách mạch rừng, hai người họ lại vừa được sắc phong, dễ dẫn đến dị nghị.

Nào ngờ cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, mấy vị vương gia khác lại cùng nhau chặn đường hai người.

Trên thân là y phục tam đẳng vương gia*, Trác Thiếu Kình hai mắt như muốn bốc hoả, tức đến bật cười nói:

“Hay cho cái hảo đệ đệ. Lời ngươi hứa với bản vương, ngươi là muốn nuốt lời phải không?”.

Trác Thiếu Khanh cũng lờ mờ đoán ra việc gì, song đây là chuyện của A Thất, hắn sẽ không xen vào. Nhìn ca ca im lặng nhưng vẫn đứng đây bảo hộ mình, Trác Thiếu Hằng cảm thấy quyết định đưa Trác Thiếu Khanh lên vị trí Thái tử là không hề sai. 

“Lục ca, bản vương có hứa với ngươi điều gì à? Sao bản vương chẳng nhớ gì cả? Thứ lỗi cho bản vương, có lẽ là đã già  nên đại não hư rồi đi”, Trác Thiếu Hằng thờ ơ phủi tà áo.

Chẳng những bị phủi sạch lời hứa mà còn bị mắng “đã già nên đại não hư rồi”, Trác Thiếu Kình thật sự muốn phát điên. Nhưng đột nhiên y bình tĩnh lại, âm dương quái khí mà nói:

“Nếu Trấn Quốc vương đã không thương tiếc mỹ nhân, vì giang sơn mà buông bỏ mỹ nhân, thế thì Tịnh vương ta đây nhất định là phải an ủi nàng thay ngươi a”.

Không cần nghĩ cũng biết, Trác Thiếu Kình nhất định là đang nói Trầm Thư Kính. Trác Thiếu Khanh sợ Trác Thiếu Kình thật sự làm bậy, liền lên tiếng:

“A Lục, đệ biết điều một chút cho ta. Nếu dám đụng đến Trầm Tam tiểu thư, ngươi nghĩ Tô gia sẽ bỏ qua cho ngươi sao? Chỉ cần ta còn, A Thất còn, Tô gia sừng sững không ngã, Trầm Tam tiểu thư- ngươi chính là với không tới”.

Trác Thiếu Kình tuy không thấy được Trác Thiếu Hằng hoảng loạn, song đã thấy được Trác Thiếu Khanh vì hắn (Trác Thiếu Hằng) mà lên tiếng, vẫn rất hài lòng. Y tốt bụng tiến lên hai bước, ở bên tai hai người nói:

“Hai vị a, giang sơn và mỹ nhân chỉ có thể chọn một. Nếu giang sơn các vị đã nắm, vậy mỹ nhân phải về tay bản vương rồi. Nàng sắp cập kê rồi. A Thất, có bản lãnh thì ở lễ cập kê của nàng, ngươi đem nàng thu về tay luôn đi”.

Dứt lời, y phẩy mạnh tà áo, nhấc chân rời đi. Đám hoàng tử phía sau cũng nhanh chóng đi theo. 

Ở bên đây, Trác Thiếu Hằng như sực nhớ ra một điều: ba tháng nữa là lễ cập kê của Trầm Thư Kính.

—Chú thích—: những chú thích trong [] là những quy tắc trong truyện.

*[Tam vương trấn thủ triều chính biên cương: Nhiếp Chính vương- ngang với thừa tướng. Định Quốc vương- ngang với Thái tử. Trấn Quốc vương- ngang với thượng tướng quân. Nhưng vì là vương gia hoàng tộc, nên thực quyền vẫn là cao hơn các vị trí vốn dĩ ngang bằng, trừ Thái tử là bằng nhau.]

*[Chức vương chia ra làm bốn cấp: nhất đẳng là tam vương trấn thủ biên cương triều chính, nhị đẳng là các vị thân vương và Tứ vương Bắc Nam Đông Tây, tam đẳng là vương gia phong hào bình thường, tứ đẳng là vương gia không có phong hào.]

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.