Phù Dung Trì

Quyển 7 - Chương 4: Phủ Hòa An có một tiểu quận chúa




有所思

芙蓉出水時,

偶爾便分離.

自此無因見,

長教掛所思.

殘春不入夢,

芳信欲傳誰.

寂寞秋堂下,

空吟小謝詩.

Hữu sở tư

Phù dung xuất thuỷ thì,

Ngẫu nhĩ tiện phân ly.

Tự thử vô nhân kiến,

Trường giao quải sở ti.

Tàn xuân bất nhập mộng,

Phương tín dục truyền thuỳ.

Tịch mịch thu đường hạ,

Không ngâm Tiểu Tạ thi.

Có nỗi niềm

Thuở phù dung nở trên mặt nước

Bỗng không lời báo trước chia tay

Để rồi không thấy được nhau

Đêm ngày dằng dặc treo sầu nhớ ai

Khi xuân tàn mộng dài khó nhập

Muốn tin thư chuyển gấp đến người

Quanh nhà vắng vẻ cảnh thu

Thơ buồn Tiểu Tạ ngâm hoài không thôi

Phần 7: Kiếp này, kiếp sau, phù dung tái sinh vẫn phù dung

Năm Thái Minh thứ sáu, miền Bắc Khương La trải qua mùa đông khắc nghiệt, miền Nam hạn hán kéo dài, biên ải Bình Thành lại xảy ra tranh chấp, tuy không có đánh lớn nhưng vẫn hao tổn quốc khố. Hoàng đế tuổi trẻ, năm lên ngôi bãi miễn chức Nhiếp chính, lại mạnh tay thanh tẩy triều đình, giam Nhị hoàng tử tàn phế vào nội cung, phong Tứ hoàng tử làm Tề vương, cấp phủ đệ ở Đông Hoang. Bát hoàng tử chưa thành niên, được sống ở kinh thành thêm mấy năm rồi phong Cận vương, cũng bị đẩy ra xa tận phương Nam.

Sáu năm nay sóng ngầm vẫn âm ỉ chưa có cơ hội sôi trào, Thái Minh đế mới hai mươi ba, ở tuổi này tiên hoàng vẫn còn làm Thái tử, thái tổ vẫn còn lặn ngụp trong quan trường sâu không thấy đáy. Một vị vua trẻ sẽ thích dụng người trẻ, triều đình vận hành đã không như xưa, đại thần kì cựu từ quan hoặc bị cắt chức ngày càng nhiều, quá trình cải tổ ở trung ương vẫn thầm lặng diễn ra.

Tề vương ở Đông Hoang coi bộ sống rất tốt, tốt tới mức bắt đầu rục rịch. Tàn dư triều đại trước ai cũng có một thời huy hoàng nên khó lòng chấp nhận thực tại. Dẫu sao sáu năm không quá dài, ít nhất là chưa đủ cho Chu Lạc Ca Dương xây nên một chính quyền bền vững.

Những bất ổn phát sinh trong năm nay chả liên quan gì tới Sa Đà. Cát ở đây vẫn vàng tươi, nắng vẫn đổ lửa, dân chúng vẫn ngoan cường đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, không ngờ đất sỏi mà cũng nở hoa. Hòa An vương có công phò giá tân đế, danh tiếng rất tốt. Ông lại quy ẩn khỏi chính trị, gia đình nề nếp an phận, khiến cho bệ hạ vừa an tâm vừa thấy áy náy.

Lúc này Lệ Hà đang chỉ dẫn Khanh Ca cô nương cách làm sổ sách quản lý phòng bếp. Vị tiểu thư này do lão Tứ đưa về, quên quán ở Sơn Nguyên, gia cảnh đáng thương. Lệ Hà đối với cậu em chồng này không dám ý kiến nhiều, thỉnh thoảng hắn lại đem mèo lạc chó côi về phủ, ném cho nàng rồi đi mất hút. Tịch Tề đã qua tuổi thành thân từ lâu, vậy mà cứ lông bông khiến ba anh trai lo lắng thay hắn. Tháng trước hắn đem Khanh Ca cô nương cùng với mấy bao vàng ròng ném ở cửa phủ. Nửa đêm khuya khoắt nô tì chạy vào thông báo, khiến cho Thế tử đang an giấc phải lật đật ngồi dậy. Lệ Hà không biết làm sao, vừa khuyên nhủ chồng vừa sắp xếp cho cô gái kia một chỗ ở. Khi Chu Lạc Thán Khúc đọc lá thư vỏn vẹn ba dòng của Tứ đệ, hắn sa sầm mặt mày, đi tìm vương gia tố tội.

Thư đó viết:

“Vụ làm ăn thắng to, đại ca giữ giùm đệ chỗ vàng này, tùy tiện dùng.

Vị cô nương kia gọi là Khanh Ca, nàng không biết nói, nhờ đại tẩu chăm sóc, tùy tiện xài.

Nhắn với ông già giữ gìn sức khỏe, đệ đi vài tháng, khi về tùy tiện đánh!”

Hòa An vương bình tĩnh đọc thư, rồi nói với con cả:

- Mai mốt nó về đóng cửa phủ lại, tùy tiện ngủ ngoài đường!

Nhớ tới lão Tứ, Lệ Hà lại thấy đau đầu. Mấy năm nay nàng hiếu thuận chăm sóc cha chồng, em chồng, thu xếp cửa nhà, làm một hiền thê. Lệ Hà rất mãn nguyện với cuộc sống này. Hòa An vương chỉ có một vương phi, sau khi nàng qua đời cũng không tái hôn, không nạp thiếp. Các công tử hình như học theo cha, trong vương phủ nữ chủ nhân rất ít, chung sống vui vẻ, ai nhìn vào cũng thấy hâm mộ.

Lệ Hà và Khanh Ca cô nương đang nói về định mức tiền chợ dành cho mỗi phòng. Khanh Ca tuy bị câm nhưng vẫn nghe được, tập trung học hỏi. Đột nhiên Dung ma ma từ bên ngoài hớt hãi chạy vào, nói năng lộn xộn:

- Không... Không hay rồi! Tiểu... Tiểu thiếu gia đẩy ngã quận chúa, nàng khóc rất to!

Lệ Hà giật mình đứng dậy, không hỏi gì liền chạy ra ngoài. Khanh Ca đặt bút xuống, chậm chạp vài giây rồi cũng đuổi theo. Đi đến hậu viện họ nghe có tiếng khóc của tiểu hài tử. Lệ Hà sốt ruột nhấc váy bước vào.

- Ôi sao lại thế này? Tương nhi ngoan, không khóc, không khóc! Có phải Nhất Nhất bắt nạt muội không? Tẩu tẩu đánh nó giúp muội!

Niệm Nhất là cháu đích tôn của Hòa An vương, Tương Tư lại là quận chúa do hoàng thượng sắc phong, đây chính là hai tiểu gia hỏa khó đối phó nhất phủ. Lúc Chu Lạc Tương Tư ra đời, Lệ Hà đã mang thai ba tháng, cho nên bọn trẻ cùng trang lứa, từ nhỏ đã chơi với nhau. Thằng nhóc Niệm Nhất vừa nghịch ngợm vừa ương bướng, Thế tử nhiều lần nổi khùng phải xách chổi rượt nó một vòng. Chân cu cậu chạy rất nhanh, leo trèo như khỉ cho nên Thán Khúc muốn dạy dỗ cũng phải tốn không ít mồ hôi.

Sau khi nô tì tóm tắt sự việc, Lệ Hà nôm na hiểu được hai đứa trẻ vì giành nhau một món đồ chơi mà xảy ra tranh chấp, Niệm Nhất mạnh tay làm Tương Tư ngã va phải ghế, đầu sưng một cục. Tiểu quận chúa nhà ta cũng không phải hạng vừa, đau thì có đau nhưng khóc ầm ĩ với tinh thần ăn vạ là chính. Lệ Hà túa mồ hôi dỗ dành, sợ chuyện này kinh động tới vương gia thì không xong. Người làm mẹ như nàng dĩ nhiên rất khổ, nhiều khi thấy chồng, em chồng rồi cả cha chồng dung túng tiểu quận chúa, thường xuyên quy lỗi lầm cho Niệm Nhất mà ấm ức không nói được. Nàng biết Tương Tư thân phận đặc biệt, là đứa con vương phi cùng cả mạng sống mà sinh ra, trên cổ bé đeo mảnh ngọc Tu Loan khắc ấn hoàng gia do đương kim hoàng thượng ban tặng, rồi còn có phong hào “Minh Châu” vốn chỉ dành cho trưởng công chúa. Vị tiểu quận chúa này Lệ Hà không động vào nổi, chưa kể tầng tầng lớp lớp “gà mái mẹ” che chở nàng.

- Đừng khóc nữa, Tương nhi ngoan nào, để tẩu tẩu đánh vào mông Nhất Nhất, bắt nó xin lỗi muội nhé?

Tương Tư nước mắt ngắn nước mắt dài, méo miệng chỉ Niệm Nhất.

- Trâu nước, trâu nước của muội~~~

Lệ Hà nhìn con trâu đất trên tay Niệm Nhất, nghiêm nghị nói:

- Đưa đồ chơi cho tiểu cô mau!

Niệm Nhất bướng bỉnh giấu trâu vào tay áo, ngoan cố chống cự.

- Của Nhất Nhất mà, Ngũ thúc làm tặng ta, không phải của tiểu cô đâu!

Niệm Nhất gọi Tương Tư là “tiểu cô”, hắn không tài nào hiểu được vì sao đứa con gái mít ướt đó không phải muội muội hay tỷ tỷ mà lại là cô của hắn. Tình hình khá căng thẳng, Niệm Nhất không chịu đưa đồ chơi, Tương Tư khóc đòi, Lệ Hà cuống quýt vừa dỗ dành Tương nhi vừa hăm dọa Nhất Nhất. Cuối cùng là Khanh Ca cô nương nhẹ nhàng đi tới, giơ một khối thủy tinh trong suốt, bên trong có nước lóng lánh, một ngôi nhà gỗ bé xíu, một cây thông tí hon. Mỗi lần lắc lắc khối thủy tinh là tuyết lại theo nước dềnh dàng, cảnh tượng như mùa đông. Không chỉ Tương Tư quên khóc si mê nhìn mà Lệ Hà cũng rất kinh ngạc. Khanh Ca không nói được, nàng cười cười, đặt món quà vào tay Tương Tư.

- Đây... Đây là cái gì?

Lệ Hà nghi hoặc nhìn Khanh Ca. Nàng đưa bốn ngón tay rồi vỗ ngực, ý muốn bảo “Tứ lang cho ta.” Khối cầu này chế tác tinh xảo, thợ thủy tinh bình thường không thổi được. Trong một phi vụ làm ăn Tịch Tề đã mua nó từ người Tây Dương. Hắn mỗi năm đi rất nhiều hơn, thu được không ít của hiếm vật lạ. Tương Tư và Niệm Nhất cũng có rất nhiều nhưng con nít thì hay chóng chán. Khối thủy tinh rất đẹp, nhìn rất kỳ diệu, chẳng mấy chốc Tương Tư đã quên chuyện cũ, Niệm Nhất mon men tới nhìn ké. Bọn chúng dù sao vẫn là trẻ con, có cãi nhau thì tình bạn mới bền. Lệ Hà an tâm nhìn hai đứa chơi, lao nhao bình luận, mấy nô tì và ma ma cũng tò mò ngóng theo, nàng không khỏi thở phào cảm kích Khanh Ca.

Chuyện giải quyết êm ấm nhưng vẫn để lại hậu quả. Buổi chiều Hòa An vương trở về, phát hiện con gái cưng mọc sừng trên đầu, thế là Niệm Nhất không tránh khỏi tai vạ. Thằng nhóc đó không sợ cha, không sợ mẹ, được các chú yêu thương, ngươi duy nhất làm nó phải cúi đầu chính là “vương gia gia”. Ngài cao to vạm vỡ, nét mặt cương nghị, đôi mắt đen sâu, nói rất ít nhưng chuyện gì cũng hiểu. Ở vương phủ, gia gia là lớn nhất, cha và các chú đều sợ ông, phải khép nép vâng dạ.

Lúc này cậu nhóc cụp đuôi quỳ ở gối đôn, sợ sệt giương đôi mắt nhỏ nhìn lên trên. Chu Lạc Trinh chậm rãi uống trà, quen tay vuốt tóc Tương Tư đang nằm trên chân ông. Ở bên ngoài phòng, Lệ Hà nơm nớp nghe ngóng, Thế tử thở dài trấn an nàng:

- Cứ để phụ vương dậy dỗ nó, ngài sẽ không mạnh tay với tôn tử đâu, chỉ dọa chút thôi. Thằng bé này ngày càng ngỗ nghịch, phải có ai đó kiềm chế nó!

Chu Lạc Trinh hơi buồn cười nhìn đứa cháu nội bình thường làm trời làm đất, ở trước mặt ông giả dạng mèo con.

- Tiểu Niệm, con có biết mình sai ở đâu không?

Giọng nói của ông không lớn, cũng không tức giận nhưng vẫn khiến thằng bé run lên. Sợ thì sợ, nó vẫn lém lỉnh đáp:

- Thưa gia gia, cháu sai rồi. Đồ chơi Ngũ thúc làm tặng cháu, cháu phải đem nó tặng lại tiểu cô. Đồ của cháu phải giao nộp hết cho tiểu cô, tiểu cô muốn cái gì thì đưa cái đó!

Chu Lạc Trinh nhướng mày.

- Phải vậy không? Sao ta nghe có vẻ hơi chèn ép con nhỉ?

- Không phải đâu ạ, tiểu cô là quận chúa điện hạ, danh phận cao quý nhất nhà. Chuyện gì cũng phải ưu ái nàng, nhường nhịn nàng. Cháu chẳng qua là tôn tử, mặc dù do Thế tử sinh ra nhưng nhỏ nhoi chẳng khác gì con kiến. Làm sao chống đối tiểu cô được?

Ở bên ngoài, Thế tử vỗ trán bó tay với thằng con, Thế tử phi mặt trái mướp, cảm thấy nên đổi gia sư dạy văn cho Niệm Nhất, dạy giỏi quá cũng không tốt. Chu Lạc Trinh nhếch môi, khuôn mặt nghiêm túc thoáng hiện một ý cười. Ông có hai đứa cháu nội. An An mới một tuổi rưỡi, vẫn chưa gây nhiều phiền phức được. Mấy năm nay chỉ có tiểu gia hỏa Niệm Nhất suốt ngày gây náo nhiệt, thường bắt nạt Tương Tư của ông. Chu Lạc Trinh nhìn thằng bé, theo thói quen muốn tìm đôi nét tương tự với vương phi. Xem nào, mày lá liễu hơi nhạt, đuôi mày hơi nhếch lên, rất giống Tố Tâm. Ông lại nhìn Tương Tư, con gái duy nhất và cũng là đứa con “sao y bản chính” từ mẹ nó. Riêng cái mũi cao cao là của ông. Chu Lạc Trinh đã ngoài năm mươi, ông thấy mình thực già, không rõ vì tuổi cao hay vì thương nhớ mà héo hon đến vậy.

- Được rồi, ta nể tình thân phận “con kiến” của cháu, chỉ phạt quỳ trước bàn thờ nội tổ mẫu hai canh giờ, chép Gia huấn hai trăm lần, từ đây tới cuối năm không được xuất phủ!

Niệm Nhất trợn mắt, uất ức nhìn ông nội. Cái vẻ oan uổng này là làm nũng, lại khiến ông thấy yêu thương. Tương Tư thấy Niệm Nhất bị phạt, tuy có hơi hả dạ nhưng vẫn thấy tội nghiệp. Nếu Niệm Nhất phải chép bài, vậy sẽ ở trong phòng cả ngày, ai chơi với nàng đây?

- Phụ thân... Có thể giảm một chút không?

Chu Lạc Trinh cúi đầu nhìn.

- Cũng được, chia ra mỗi đứa một trăm lần, ngày mai bắt đầu chép đi!

-...

***

Lúc xem hết tấu chương đã là nửa đêm, Ca Dương ném bút lông, giơ tay ấn hai bên thái dương. Tiểu Ninh Tử nhỏ nhẹ đi vào, hỏi hắn muốn nghỉ ngơi ở đâu.

- Đến Chiêu Hiên viện đi...

Chiêu Hiên viện là chỗ của Chiêu Hoa nương nương. Vị này vào cung trong đợt tuyển tú gần đây nhất, gia thế trung bình, nhan sắc tươi trẻ, có phần khả ái non nớt hơn các phi tần khác. Hiện giờ nàng là người được sủng ái nhất. Ca Dương đi nửa đường, không hiểu trúng tà gì lại rẽ trái. Tiểu Ninh Tử thầm than không ổn, cúi đầu bám sát theo. Lối này dẫn tới U Trì. À, chính là cái đầm sen năm xưa. Sau vụ nhiễm độc, hoàng thượng cho trồng lại hồ, hoa sen tiếp tục nở rộ. Do chăm bón tỉ mỉ, sen mọc rất tốt nhưng ai cũng cảm thấy đầm không đẹp như xưa. Có bàn tay con người chạm vào, U Trì dường như mất một phần hồn, hoa vẫn nở, lá vẫn xanh nhưng không sống động giống trước. Sau khi lên ngôi, Ca Dương không xây dựng thêm cung điện, chỉ làm cái nhà sàn ở giữa hồ.

Nói thì đơn giản nhưng phải mất hai năm rưỡi mới xong. U Trì quá sâu, nhiều kiến trúc sư khảo sát rồi lắc đầu. Đáy đầm có một lớp đất mềm dày tới ba trượng, dưới đất mềm là thạch nhũ trắng – loại đá tự nhiên vốn rất kiên cố. Ngô Thái học sĩ vì hoàng thượng mà đi mời cao nhân khắp nơi, cuối cùng đưa về một lão thợ hồ hơn sáu mươi tuổi. Lão già chẳng học qua trường lớp nào, chỉ có kinh nghiệm bốn mươi năm theo nghề, hiểu biết sâu sắc kiến trúc các nước và bí quyết dựng cột của tộc người Cao sống trên núi. Lão thợ hồ cùng nhiều kiến trúc sư bàn bạc, cuối cùng thống nhất chọn cách nạo vét đầm, phá tầng thạch trắng. Nhà xây không lớn nhưng rất duyên dáng, trên cửa treo biển “Phù Dung đình” bút tích hoàng đế. Có một cái cầu nhỏ bắc ngang đầm, những lúc thơ thẩn Ca Dương thích ngồi đây câu cá. Trong đình chuẩn bị sẵn chăn giường, bởi vì hoàng thượng thích qua đêm chỗ này.

Sương khuya làm vai áo sẫm một mảng nước. Ca Dương hơi ngửa đầu nhìn trời, lại nhìn hoa sen ngủ im trong hồ, lòng đượm buồn thương... Mấy năm này trôi qua rất nhanh, hắn không nhớ hết mình đã làm những gì, gặp những ai, cả thân và tâm đều mòn mỏi. Chỉ khi bước vào Phù Dung đình, Ca Dương mới thấy bình yên một chút, cảm giác đã về nhà. Hắn tắm rửa, thay y phục rồi lên giường ngủ. Đêm tĩnh lặng, Ca Dương nhớ tới giấc mơ ngày hôm qua. Hắn thường có những giấc mộng xa xôi, đứt đoạn và mờ ảo. Ca Dương tin đây là hồi ức từ kiếp trước, hắn vẫn trông ngóng những cơn mơ bất chợt để gặp nàng. Nhiều việc Ca Dương chưa rõ, cũng không lý giải được vì sao giữa họ lại có nhiều rào cản và bi thương đến vậy... Hắn mong giấc mộng sẽ đem tới một đáp án, để hắn thôi day dứt, thôi khắc khoải.

Rốt cuộc vì sao Sở Phù Dung thà nhảy vào U Trì tự vẫn chứ quyết không muốn sống bên cạnh Thiên Vĩnh đế?

***

Cẩn Thiện và mấy ám vệ thật vất vả mới tìm ra hoàng thượng. Nhìn nhan sắc của ngài, bọn họ ôm một bụng ảo não. Cũng vì không bảo vệ chặt chẽ, bệ hạ đã bị người ta bắt nạt, bên má có nguyên một dấu bàn tay. Cẩn công tử, à không, Cẩn tiểu thư nộ khí công tâm, nhảy ra trước ôm lấy mặt Vĩnh Khang, kêu trời oán đất.

- Bệ hạ của tôi ơi! Là ai đã biến ngài thành cái dạng này? Ngài cứ nói ra, vi thần nhất định đi đòi lại công đạo cho bệ hạ.

Mấy hắc y năm nhân phía sau gật đầu phụ họa. Vĩnh Khang chán ghét gỡ móng heo của Cẩn Thiện ra. Hắn vẫn còn thấy răng lưỡi đau đớn. Đáng chết! Lần đầu tiên hắn “hạ mình” chủ động đi hôn nữ nhân, vậy mà nàng ta không thèm cảm ơn, lại còn cho một chưởng sao bay đầy trời. Hạ Hầu Vĩnh Khang cảm thấy bất bình, tay xoa xoa bên má, cặp mắt hung ác tuyên bố:

- Các ngươi chuẩn bị đi, tối mai chúng ta hành động!

Ám vệ nghe thế hưng phấn bừng bừng, cứ như bò tót nhìn thấy màu đỏ. Cẩn Thiện khinh thường nhìn bọn chúng đã bắt đầu lắc eo lắc mông. Hắn vẫn rất lý trí hỏi chính sự:

- Tối mai hành động, bệ hạ muốn làm gì? Đốt cung điện hay ám sát Sở Chính Hàn?

Vĩnh Khang nhìn trời, nói một cách hàm xúc:

- Làm hái hoa tặc!

-...

.

.

Tiểu Na khó hiểu nhìn công chúa điện hạ. Nàng lại vứt một cái khăn tay lau miệng, bưng tách trà uống một ngụm rồi phun vào chậu cây.

- Công chúa... Cô không khỏe à?

Phù Dung quẹt môi, tức giận gật đầu.

- Bổn công chúa rất không khỏe. Tối nay xui xẻo gặp một gã thần kinh, hắn dám...

Phù Dung ngừng lại, nhớ đến cảnh tượng bị ai đó kéo vào ngách tối, cường bạo cướp đoạt... Hai gò má bầu bĩnh lập tức đỏ ửng. Lăng Quân còn chưa được hôn nàng, dựa vào cái gì hắn dám nhảy vào ăn giựt món khai vị?

Càng nghĩ càng ức, Phù Dung lăn ra giường khóc nức nở. Tên lưu manh đó ỷ nàng là hoàng hoa khuê nữ, không hiểu chuyện nam nữ nên mới giở trò gian lận. Hắn có thể ngang nhiên liếm hết một vòng môi răng người ta mà không để cho nàng liếm trả, làm người ai làm thế?

Tiểu Na khó xử nhìn công chúa. Từ lúc đi hội hoa đăng trở về, nàng đã cáu kỉnh như vậy. Rõ ràng công chúa cố ý đánh lạc hướng Lăng tam gia để đi chơi riêng, cuối cùng lại vì Lăng tam gia không đi cùng nàng mà tức giận. Hỏi lý do thì ậm ừ chẳng nói. Dựa vào lời công chúa khi nãy, hình như... Trên đường có gã điên nào đó chọc phải nàng? Tiểu Na dù sao cũng còn nhỏ, chuyện đời không hiểu, chuyện nam nữ cũng không rành, ngu ngu ngơ ngơ thế này làm sao hiểu được thế nào là nữ nhân bị nam nhân xâm phạm chứ?

Phù Dung khóc chán thì cũng nín, gọi cung nữ đem một đĩa bánh mật tới ăn bổ sung năng lượng. Cả đêm nàng ngủ không yên, có lúc phải thức dậy tự đốt đèn soi gương. Mỹ nhân trong kính đồng nhìn không rõ nét, chỉ thấy một bộ áo trắng phiêu phiêu dịu dàng, tóc đen dài tùy tiện xõa trên vai. Nàng mở to mắt nhìn mình trong kính, sờ sờ đôi môi hơi sưng đỏ. Không thể phủ nhận nàng đang nhớ tới kẻ lai lịch bất minh, lưu manh dê xồm kia. Hắn mạo phạm nàng, nàng nên oán hận mới phải... Phù Dung mười bảy tuổi, tự hào rằng mình trải nghiệm nhiều hơn các tỷ muội cùng trang lứa nhưng mọi hiểu biết vẫn gói gọn trong hoàng cung này, kinh thành này. Trung Lương là tiểu quốc, nhân tài tuấn kiệt vẫn có nhưng chắc chắn không ai có được khí chất của hắn. Ngay cả Lăng Kì, Lăng Thế, Lăng Quân cũng không sánh được. Một người như thế, sao có thể là tên hái hoa tặc tùy tiện chộp gái bên đường chứ?

Phù Dung lại chống cằm mơ mộng, không biết có phải vì nàng thẹn quá tát hắn một cái mà khiến bạch mã hoàng tử chạy mất rồi không? Haiz... Chắc sẽ không gặp lại nữa... Nàng sắp lấy chồng rồi... Một chút tâm xuân này xem như giấc mộng phù hoa đi!

Năm mười bảy tuổi, Phù Dung thực sự nghĩ chàng như một vị hoàng tử trong câu truyện cổ tích, thình lình xuất hiện, thình lình biến mất. Nhưng đến năm hai mươi bảy tuổi, nàng mới hiểu ra hắn là một con quỷ nanh ác. Nàng sa vào sào huyệt ma vương, sống là đồ chơi của người, đến chết thân xác cũng thuộc về người...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.