Phù Dung Trì

Quyển 2 - Chương 2: Nàng công chúa hòa thân




PHẦN 2: Triệu Tiếu Vy kể chuyện

Mấy ngày sau nghe nói Tứ hoàng tử ngã bệnh. Căn bệnh lạ khiến toàn bộ Thái y tụ tập ở Càn Huyên cung. Tuy đã có lệnh giữ bí mật bệnh tình nhưng triệu chứng của nó vẫn bị cung nhân loan truyền ra ngoài. Nói dễ nghe là bệnh đường tiêu hóa, nói khó nghe là bệnh “đánh rắm không ngừng”. Chẳng biết hoàng tử ăn phải cái gì mà liên tục xì hơi. Thái y khám bệnh đều phải bịt khăn trên mũi. Hoàng tử ngượng quá nằm lỳ trong phòng không dám đi đâu.

Lúc nghe a hoàn bẩm báo, ta đang thêu một bông sen lên khăn tay, muốn đem tặng Ca Dương. Chàng thì ngồi cắn hạt dưa để Tiểu Ninh Tử thay chàng làm bài tập về nhà. Mỗi lần Thái phó đến dạy, Tiểu Ninh Tử đều ở một bên chăm chú nghe, Tam hoàng tử ngủ gà ngủ gật. Để không phí công sức học tập của Tiểu Ninh Tử, chàng giao luôn nhiệm vụ làm bài cho hắn. Nô tài này giả nét chữ cực giỏi, thái phó chưa bao giờ phát hiện ra.

Nghe xong chuyện, chàng xoa tay vẻ lo lắng:

“Bệnh này lạ nhỉ? Cứ như thế thì quá mất mặt, không thể đi gặp ai rồi... Ta nói phải không Tiểu Ninh Tử?”

Tên nô tài lấm la lấm lét mà gật đầu. Ca Dương lại bỏ hạt dưa vào miệng tiếp tục lẩm bẩm:

“Nghe đồn con gái của Hình bộ thượng thư đã hứa hôn với Tứ đệ. Nàng ta vừa nghe hoàng đệ bị bệnh này liền khóc nháo đòi hủy hôn. Chậc chậc... Vậy là họ không có lương duyên!”

Tiểu Ninh Tử lắm mồm xen vào:

“Nhưng mà Hình bộ thượng thư chưa có nói là muốn đào hôn mà! Vài ngày nữa Tứ hoàng tử khỏi bệnh sẽ không việc gì...”

Hàm răng đang nhai của Ca Dương dừng lại, hai mắt phượng híp dài.

“Vài ngày... Cũng chưa chắc. Vị tiểu thư đó hình như là thanh mai trúc mã với Ngô Hà Huy – con trai Thừa tướng phải không?”

“A, nô tài cũng nghe nói vậy...”

Chàng gật gật đầu, lại tiếp tục vui vẻ cắn hạt dưa, không quên thúc giục Tiểu Ninh Tử tập trung làm bài.

Một tuần sau lại có chuyện thị phi. Không hiểu làm sao mà Lý Minh Nguyệt – tiểu thư khuê cát của Hình bộ thượng thư lại thức dậy trên giường của tam công tử con trai Thừa tướng. Đã thế còn bị phụ huynh hai nhà bắt gian tại trận. Gạo đã nấu thành cơm, Ngô Hà Huy dập đầu xin nhận trách nhiệm mà mặt mày rất hớn hở. Hai nhà Ngô – Lý vậy là kết thông gia. Chuyện này cũng coi như tốt đẹp. Chỉ có Lam quý phi là tiếc ngẩn tiếc ngơ. Hình bộ thượng thư luôn được hoàng đế trọng dụng, là một trụ cột rất quyền uy trong triều. Nếu không phải Tứ hoàng tử bị bệnh và đôi nam nữ kia làm chuyện bại hoại thì có lẽ Lý Minh Nguyệt đã thành Tứ hoàng phi rồi.

Ta đối với vụ việc này cũng có phần thích ý. Cái tên Chu Lạc Huyên Kim kia ngày trước dám xem thường ta, không ít lần từ chối hôn sự làm ta mất mặt. Nay hắn bị thế là quả báo. Nhưng nói gì cũng phải cảm ơn hắn đã giúp ta ngồi lên chức Tam hoàng phi này.

Làm hoàng phi cũng không dễ dàng. Hoàng hậu không mấy hài lòng về xuất thân của ta nhưng ta rất biết lấy lòng bà. Mỗi ngày đều thỉnh an đúng giờ, trò chuyện mua vui, hiến vũ ca hát, pha trà, rót nước,... Cuối cùng thì quan hệ mẹ chồng nàng dâu mới thoái mái hơn. Cho tới nay xem như số ta quá tốt rồi. Sau này Thái tử lên ngôi, Ca Dương sẽ là vương gia, ta làm vương phi, có thể được cấp đất rời khỏi hoàng thành. Tương lai sau này ta rất có niềm tin!

Nhưng thật không ngờ mọi chuyện không như ý muốn. Số ta không phải hên mà là cực cực cực hên.

Sau ngày đại hôn bốn tháng, Hoàng đế tổ chức đi săn bắn. Theo quy củ ở Khương La, vợ chồng mới cưới trong nửa năm đầu không có việc quan trọng thì sẽ không xa nhau, ở nhà lo chuyện sinh con nối dõi. Ngại quá, chúng ta còn chưa động phòng mà... Nhắc tới đây ta thực là sầu! Ca Dương không bao giờ nghiêm túc về vấn đề này. Sau đêm đầu tiên chàng không còn chạm vào ta nữa. Phòng ai nấy ngủ, chăn ai nấy đắp, giường ai nấy nằm. Cũng có lúc ta mặt dày nói chuyện chăn gối, Ca Dương lại vô tư lái sang chuyện khác hoặc giả ngờ nghệch. Ta không tin chàng không hiểu phong tình.

Có lẽ trong tâm chàng có vướng mắc điều gì, ta sẽ kiên nhẫn chờ đợi.

Cảnh Chân đế đi săn ở Bách Thượng – một vùng đồi núi cách kinh thành hai mươi dặm. Thái tử, Nhị hoàng tử, Bát hoàng tử, các phi tần và các quan thần cũng đi theo. Khoảng ba nghìn cấm y vệ hộ tống đoàn người. Lần du ngoạn này dự kiến kéo dài mười lăm ngày. Cung điện vì thế mà vắng tanh. Chỉ có Hoàng hậu bận cung sự không thể đi. Ta và Ca Dương còn trong nửa năm tân hôn. Tứ hoàng tử vừa hết bệnh, sợ tái phát đột ngột làm mất mặt nên vẫn trốn trong Càn Huyên cung. Hậu cung cũng chỉ có mấy phi tần thất sủng là ở lại oán đất than trời. Các đại nhân vật đều rời thành, ở lại có năm nghìn hộ vệ canh giữ cung điện và sự an toàn của những người không đi.

Mấy ngày này thực là nhàn rỗi. Ta và Hoàng hậu đã thân thiết như mẹ con, phần lớn thời gian ta ở Phượng Hòa cung hầu bà. Ca Dương cũng không ở trong Cương Dương điện. Thật ra ngày thường chàng ít khi có mặt ở nhà, chỉ có ta là lủi thủi qua lại giữa Cương Dương và Phượng Hòa. Việc chàng đi đâu làm gì ta không dám hỏi. Nam nhân không thích bị thê tử quản thúc.

Nhưng rồi ta cũng không nén nổi tò mò mà sai Tiểu Yến rình xem. Trước khi sang Khương La, phụ thân đã cấp cho ta Tiểu Yến và Tiểu Mạch. Hai a hoàn này kẻ thổi sáo, người chơi tì bà nhưng thực chất là hai cao thủ đi theo bảo vệ cho ta. Ở đây không quen thân ai, chỉ có thể tin tưởng người của mình.

“Hoàng phi nhương nương, sáng nay hoàng tử đi tới Thái y viện lấy dược phẩm gì đó, sau đó lại tới chỗ Thượng Cung nói vài câu, ghé qua Càn Huyên cung chọc giận Tứ hoàng tử rồi sai Tiểu Ninh Tử ôm một chồng sách đến U Trì. Ngài ở lại đó cho tới tận trưa, dùng bữa rồi lại ở cho tới chiều...”

“U Trì là nơi nào?”

“Là một cái đầm sen ạ!”

“Sen, lại là sen... Ngươi có nghe chàng nói gì với Thượng Cung không?”

“Thưa, nô tì ở xa không nghe được gì.”

“Vì sao không tới gần mà nghe?”

“Hoàng phi nương nương, nô tì thấy hình như hoàng tử biết võ công... Ý nô tì là võ công của ngài ấy rất khá. Người tập võ các giác quan rất mẫn cảm, bị theo dõi là biết ngay!”

Ta gật gù cho Tiểu Yến lui ra. Ca Dương giỏi võ? Ta không biết chuyện này, phải hỏi thử xem sao. Ngày sau và sau nữa, Ca Dương cũng chỉ quanh quẩn bên U Trì, dường như cái hồ sen kia có sức mê hoặc rất lớn đối với chàng. Ta có hỏi qua Hoàng hậu và nghe bà kể tường tận những gì liên quan tới U Trì. Nơi này toát lên một vẻ huyền bí khiến ta bất an. Có phải chàng giấu một bí mật ở đó?

Một đêm khi chàng trở về đã tối mịch, ta viện cớ tặng khăn tay mà giữ chàng ở lại xem Phù Dung Lưu Hương. Ca Dương vẫn vui vẻ nhưng không mê say nhưng hai lần trước.

“Cái chỗ Phù Dung ti mệnh ấy, lúc nàng nhảy lên sao chân không thẳng?”

Ta ngạc nhiên nhìn chàng:

“Sao chàng biết là chân phải thẳng? Đó là động tác khó nhất của Phù Dung Lưu Hương, thiếp tập đã mười năm mà chưa làm được.”

“Vậy... Để làm được thì phải tập rất rất lâu sao?”

Ta cười khúc khích

“Không thể làm được! Các ma ma nhảy chuyên nghiệp nhất cũng không thể làm được. Người rành vũ điệu này gọi nó là Bất Khả – không có khả năng. Trước giờ vẫn có không ít vũ công muốn chinh phục động tác này nhưng chưa ai làm được... Trừ một người...”

Ca Dương rất hứng thú hỏi ngay:

“Ai?”

“Là người sáng tạo ra Phù Dung Lưu Hương – thập nhị công chúa Phù Dung.”

Ca Dương nheo mắt, khuôn mặt phân vân:

“Người đó là ai?”

“Là một nhân vật không mấy nổi tiếng. Trung Lương của thiếp tính đến nay đã trải qua tám triều đại. Hơn một trăm năm trước là thời trị vì của dòng họ Sở. Vua Sở đời thứ tám là Sở Chính Hàn. Ông có một cô con gái tên là Sở Phù Dung. Thập nhị công chúa Sở Phù Dung có tư chất âm nhạc từ nhỏ, hát và múa đều rất giỏi. Trong nhân gian vẫn lưu truyền nhiều bài hát do công chúa sáng tác. Về vũ đạo, Phù Dung Lưu Hương là bài múa cầu kì nhất nhưng tuyệt mỹ nhất. Sở công chúa nghĩ ra bài múa này và cũng chỉ có nàng mới múa được Bất Khả...”

Ca Dương chăm chú nghe. Chàng nhìn ta và hỏi một cách do dự:

“Công chúa đó... Nàng ta có xinh đẹp không?”

Ta không khỏi bật cười vì bộ mặt bối rối của Ca Dương.

“Haha... Làm sao mà thiếp biết? Nhưng chắc là rất đẹp đi. Sử vẫn ghi chép, Sở Chính Hàn vì muốn tránh nguy cơ chiến tranh mà đem nàng đi hòa thân... À đúng rồi! Chính là gả đến Khương La quốc.”

Ta nhìn thấy tay chàng siết chặt chiếc khăn, bông sen ta nhọc công thêu bị bóp đến méo mó. Mặt chàng trắng bệch ra, lập tức gọi Tiểu Ninh Tử vào:

“Người nói ta nghe, Sở Phù Dung là ai?”

Tiểu Ninh Tử thấy chàng nổi giận mà run rẩy:

“Cái này... Cái này... Nô tài chỉ nghe Thái phó nhắc tới một lần...”

“Nhắc thế nào? Nói!”

Tiểu Ninh Tử hớp một ngụm không khí, nói một câu dài:

“Sở Phù Dung là công chúa hòa thân của Trung Lương quốc. Nàng gả cho Hoàng đế Hạ Hầu Vĩnh Khang, phong làm Dung phi... Lúc đó Hạ Hầu Vĩnh Khang đã có hậu cung đầy ắp giai lệ. Hình như... Hình như Dung phi nương nương chưa bao giờ được ân sủng, đến chết vẫn là một trinh nữ!”

Ca Dương mím môi, đôi mắt dại ra nhìn mông lung một phương vô định:

“Hạ Hầu Vĩnh Khang... Là vị vua cuối cùng của triều Hạ Hầu đúng không?”

“Không phải, về sau còn có Thái tử Hạ Hầu Vĩnh Bình lên ngôi, làm vua năm ngày thì bị Chu Lạc gia đoạt vị...”

“Vậy... Dung phi vì sao mà chết?”

“Cái này... Sử sách không ghi rõ. Vì nương nương không được sủng nên chẳng ai ngó ngàng tới. Nàng ta cũng không tranh sủng với các phi tần khác... Nghe đâu là chết vì bệnh.”

“Không đúng.”

“A? Không... Không đúng cái gì ạ?”

Ca Dương đứng bật dậy, hai mắt chớp chớp rồi phất tay đi ra ngoài. Tiểu Ninh Tử líu ríu theo sau. Chàng đi mà không nhìn ta một cái. Chiếc khăn ta thêu tặng chàng cũng bị bỏ rơi trên đất...

Kể từ ngày đó ta luôn thấy Ca Dương kì lạ... Chàng vẫn mỗi ngày lui tới U Trì. Nhưng chàng không nói cười như trước, gặp ta cũng hết sức thờ ơ...

Ta đang định tìm chàng hỏi rõ thì một chuyện kinh thiên động địa đã xảy ra, khiến cuộc đời của ta hoàn toàn thay đổi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.