Phố Nha Hương

Chương 12




Sau khi Huệ Mẫn rời đi, Đình Phương ép bản thân tạm thời không được nghĩ về những việc này. Anh ở lại bệnh viện năm ngày. Ban ngày làm việc trên tầng mười hai, ban đêm về ký túc xá ngủ. Những người có chức vụ bậc cao mới có ký túc xá, một phòng hai người, mỗi người một giường, bình thường chỉ nghỉ trưa mới dùng đến. Đình Phương vốn ở cùng phòng với một vị bác sĩ khoa nhi, nhưng đã lâu không thấy vị kia nghỉ trưa trong ký túc xá bệnh viện nữa rồi.

Đến ngày thứ sáu, viện trưởng tìm anh nói chuyện, hy vọng anh có thể khuyên Huệ Mẫn đừng từ chức. Bác sĩ nhi khó tìm, cũng khó đào tạo, tỉ lệ rời ngành cực cao. Hiện giờ bệnh viện còn trống hơn một trăm vị trí bác sĩ khoa nhi, không thể gánh nổi sự rời đi của bất kỳ ai nữa. Vấn đề sinh đẻ của Huệ Mẫn chỉ là việc một chốc một lát, chỉ cần sinh xong thì vẫn có thể tiếp tục làm việc.

Đình Phương chỉ nghe, không đáp lại. Có lẽ phản ứng của anh quá bất thường khiến viện trưởng cảm thấy khó hiểu.

Viện trưởng cũng giống anh, đều là học trò chủ nhiệm cũ Liễu Chiêu Thành dẫn dắt. Quan hệ giữa bọn họ vẫn luôn rất khá. Thế nên viện trưởng bèn hỏi anh: “Đình Phương, cậu sao vậy?”

“Không có gì.”

“Có gì khó khăn à? Có cần tôi giới thiệu hai người với bên giáo sư Chu không?”

Đình Phương lắc lắc đầu: “Huệ Mẫn về Trạm Giang rồi.”

“Các cậu định ly hôn à?”

“Cũng gần như vậy. Thế nên chắc chắn cô ấy sẽ không ở lại đâu.”

Viện trưởng nói: “Tôi sẽ giúp cậu khuyên nhủ cô ấy. Ở với nhau bao nhiêu năm như vậy cũng chẳng dễ dàng gì, làm sao mà nói bỏ là bỏ được.”

Đình Phương trầm ngâm một lúc, rồi nói: “Tôi tôn trọng ý nguyện của cô ấy. Tôi là người hiểu rõ tính cách của cô ấy nhất, sẽ không có chuyện cô ấy quay lại đâu.”

Mấy năm trước, quản lý bầu cử chức vụ hãy còn lỏng lẻo. Hai mươi chín tuổi, Đình Phương đã được đề cử làm bác sĩ phụ trách điều trị chính. Thăng chức cấp cao cực kỳ sớm, ba mươi hai tuổi đã được bầu chọn rồi. Trong tám năm qua, anh là người đảm đương chính trong ngành nghiên cứu bệnh lý khoa sản; nghỉ nhiều nhất được một ngày, trước nay chưa bao giờ rời bệnh viện quá 48 giờ. Đến cả đi khám, làm thụ tinh ống nghiệm cũng chỉ được xin nghỉ phép nửa ngày đến một ngày. Có lẽ viện trưởng thấy hơi áy náy, bèn hỏi anh: “Cậu cũng nhiều năm liền chưa được nghỉ Tết rồi còn gì? Chi bằng cứ nghỉ rồi làm một chuyến đến Trạm Giang tìm cô ấy đi?”

Đình Phương cảm thấy vô cùng bải hoải, anh nghĩ có lẽ mình thực sự cũng nên nghỉ ngơi một chút. Còn về việc có đi tìm Huệ Mẫn hay không, còn phải cần cô đồng ý, anh mới có thể gặp được.

Anh cũng không hỏi  nếu tôi nghỉ, ai sẽ lo những việc này. Thiếu một người, trời cũng chẳng sập xuống được, anh tự đề cao bản thân mình quá rồi.

“Cậu đừng nghĩ gì nữa cả, đi tìm Huệ Mẫn đi. Bao nhiêu năm nay, tình cảm của các cậu cũng không phải không tốt, dẫu gì vẫn còn có thể cứu vãn được mà. Về phần cô ấy còn muốn đi làm hay không, từ góc độ công việc thì tôi muốn giữ cô ấy ở lại. Nhưng từ góc độ cá nhân mà nói, thì tùy cô ấy thế nào cũng được, chuyện của cậu quan trọng hơn.”

Đình Phương gật đầu.

Thoắt cái đã vào hè, tối ngủ trong ký túc xá, đắp chăn bông thì nóng, mà lại chưa đến mức phải bật điều hòa. Quần áo Đình Phương đem theo cũng quá dày, không mặc tiếp được nữa. Anh nghĩ chắc phải về nhà một chuyến thôi.

Đã mấy ngày Đình Phương không về, Huệ Mẫn cũng không có ở nhà. Ba mẹ anh lại chẳng hề lấy làm lạ, thậm chí một cuộc điện thoại hỏi thăm cũng không có. Mãi đến hôm qua, Đình Hoa mới gọi hỏi anh: “Anh ơi, anh đi du lịch với chị dâu đấy ạ? Sao lâu vậy rồi vẫn chưa về thế?”

Đình Phương quả thực không muốn về nhà. Tuy hiện giờ bọn họ chưa để ý, nhưng sớm muộn gì cũng sẽ hỏi thôi. Anh đáp: “Hôm nay anh sẽ về thu dọn hành lý, tạm thời anh muốn ra ngoài ở.” 

“Tại sao? Chị dâu đâu ạ?”

“Bọn anh đều không ở nhà nữa đâu.”

“À.” Đình Hoa muốn hỏi nhưng lại không dám.

Nhân lúc ba mẹ đi vắng, Đình Phương liền quay trở về thu dọn đồ đạc. Cũng chẳng có gì nhiều, chỉ có vài bộ quần áo cho mùa này. Anh cũng không biết phải đi đâu, chỉ nghĩ rằng nếu đã về rồi, tiện đường ghé qua chỗ Trần Tắc xem thử, cũng không biết dạo này Phùng Sinh thế nào rồi.

Giờ bệnh viện cho nghỉ phép rồi, Đình Phương lại không muốn tới Trạm Giang tìm Huệ Mẫn. Anh hiểu rất rõ Huệ Mẫn, chuyện này đã hoàn toàn hết đường cứu vãn rồi.

Chiều nay anh có gửi tin nhắn WeChat hỏi Huệ Mẫn: “Ngày mai anh đến Trạm Giang gặp em được không?”

Huệ Mẫn rề rà mấy tiếng sau mới trả lời: Không cần, mấy hôm nữa em về sẽ hoàn tất thủ tục với anh.

Ngô Đình Phương không làm những việc ngu ngốc hay vô ích. Cuộc chia tay của bọn họ không liên quan đến chuyện tình cảm, đương nhiên cũng không phải dựa vào tình cảm là có thể cứu vãn. Nói cho cùng, tình cảm là thứ mong manh nhất trên đời. Huệ Mẫn cũng đã nói, trước đây chúng ta chẳng hề quen biết, mai này chúng ta cũng sẽ chẳng can hệ gì đến nhau. Sau khi ly hôn, không có quan hệ huyết thống, những nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện cũng không còn, không cần thiết phải gặp lại nữa.

Đôi khi anh nghĩ, nếu như Huệ Mẫn chưa từng bắt gặp bốn chữ mà Trần Tắc đã phán ấy, liệu cô có ra đi dứt khoát đến vậy không?

Kết cục như nhau cả thôi. Trước giờ Trần Tắc không cải mệnh. Hắn nói rằng số mệnh là thứ không thể thay đổi được. Trong lòng Huệ Mẫn đã có ý nghĩ đó từ lâu, đến lúc không vượt qua được thì tự khắc sẽ buông bỏ mà thôi, có liên quan gì đến Trần Tắc đâu?

Phần lớn hoa trên cây long nhãn bên bờ sông đối diện với cửa tiệm bạch mộc hương đã rụng gần hết. Đầu cành bắt đầu lắt nhắt kết trái. Lá xanh lấp lánh dưới ánh nắng, đó là một ngày trời đẹp hiếm hoi. Đình Phương mặc một chiếc áo sơ mi dài tay, lúc xuống khỏi xe, rời khỏi điều hòa chợt cảm thấy nóng khiếp. Anh xắn tay áo lên, đúng lúc trông thấy Trần Tắc đang bế Phùng Sinh đi rong trước cửa hàng, mà bé con vẫn còn mặc đồ mùa đông. Phùng Sinh quấy khóc ê a, Trần Tắc vừa đi qua đi lại, vừa vỗ về bé, nhưng có vẻ chẳng đâu vào đâu. Đình Phương lại bắt đầu thấy đầu ong ong.

Anh bước tới bên Trần Tắc, bế Phùng Sinh lên. Khuôn mặt bé con đỏ chót. Đình Phương lấy mu bàn tay đo thử, phỏng hết cả lên rồi. Ngoài trời suýt soát ba mươi độ, nhưng lại mặc áo khoác mùa đông, còn quấn cả chăn bông. Phía dưới cặp kính của người giám hộ là quầng thâm mắt đen sì sì. Đình Phương đoan chắc, cho Phùng Sinh ăn mặc kiểu này, ắt hẳn mấy đêm nay cả người lớn lẫn bé con đều không tài nào ngủ được.

Đình Phương mở chiếc chăn quấn ra, vị thánh sống nọ hỏi: “Không sợ nó lạnh à?”

“Ba mươi độ rồi, còn quấn kiểu này khéo con bé bị nấu chín mất. Anh không có đồ mùa hè à?”

“Có.”

“Thế thì đem ra đây.”

Dường như lúc leo cầu thang, Trần Tắc lại bị vấp một cái. Đình Phương đứng ngoài cửa tiệm nhìn vào, cảm thấy hình tượng thánh sống chỉ trong chốc lát đã sụp đổ.

Thế nhưng thứ mà hắn lề rề mang xuống lại là chính chiếc áo phông mùa hè của mình. Ngô Đình Phương nhìn Trần Tắc chòng chọc, hoàn toàn không biết làm sao để khai thông được rốt cuộc vấn đề nằm ở đâu.

Trần Tắc cũng cứ thế mà nhìn lại Ngô Đình Phương.

Đình Phương nhìn chiếc áo sơ mi kẻ ca-rô rúm ró mà Trần Tắc mặc, tin chắc vị thánh sống này đã rất lâu không giặt giũ gì rồi.

Anh không yên tâm.

Đây là phán quyết cuối cùng của Ngô Đình Phương. Anh sợ Trần Tắc chăm Phùng Sinh rồi được thể ngỏm luôn cả lớn lẫn bé.

“Anh có đồ mặc mùa hè cho Phùng Sinh không?”

“Có thì có, nhưng mà to quá.”

“Vậy thì đi mua.”

“Đi đâu mua? Tôi không có xe.”

Ngô Đình Phương cởi áo khoác mùa đông của Phùng Sinh ra, chỉ để lại một lớp đồ ngủ thoáng mát cuối cùng, Phùng Sinh mới chịu nín khóc, hơi nóng trên người cũng dần tản đi. Anh đặt bé lại vào trong vòng tay Trần Tắc, thấy hắn lại định lấy chăn bọc bé con, bèn cản: “Đừng bọc. Lên xe đi, tôi đưa anh đi mua.”

Ngô Đình Phương vừa lái xe vừa ngó xuống ghế sau qua kính chiếu hậu. Trần Tắc bế Phùng Sinh ngồi tựa vào ghế. Thoạt đầu vẫn còn chống chịu được, chưa đầy phút sau đã ngả đầu ngủ thiếp đi. Anh đành phải lái xe chậm rãi, giữ tốc độ không quá hai mươi cây số một giờ. Đi qua làng bên, mua lấy mấy bộ đồ ở cửa hàng bán đồ sơ sinh gần nhất. Đến khi dừng xe, Trần Tắc vẫn chưa dậy, nhưng Phùng Sinh thì đã bắt đầu ồn ào vì xe dừng lại.

Đình Phương mở cửa sau xe, nhẹ nhàng bế Phùng Sinh khỏi tay hắn. Anh không tắt máy, để điều hòa cho Trần Tắc ngủ trong xe.

Phùng Sinh được bế lên vẫn chưa chịu ngoan ngay. Đôi mắt mở to nhìn đông ngó tây, oe oa mếu máo. Đến khi được Đình Phương bế hướng mặt về phía trước, bé mới bắt đầu vui vẻ lại, tay chân khua khoắng loạn xạ, không gào khóc nữa, chỉ mải nhìn ngó xung quanh.

Mới bé nứt mắt, tí tuổi đầu mà biết đòi hỏi rõ nhiều, tâm tình cũng nhạy bén, hoàn toàn chẳng giống trẻ sinh non tí nào.

Thông thường trẻ sinh non đều cần tính tuổi hiệu chỉnh, nhưng đầu Phùng Sinh có vẻ đã khá vững, cổ có thể dựng thẳng tựa lên ngực Đình Phương. Khỏi phải lo về khả năng bé mắc chứng bại não.

Đình Phương đi đến quầy lễ tân, để nhân viên phục vụ chọn vài ba bộ quần áo mùa hè theo kích cỡ của Phùng Sinh. Bé con là trẻ sinh non, anh khó mà ước lượng được, vậy nên mới phải đưa Phùng Sinh đến để cùng mua.

Nhân viên phục vụ lựa ra mấy bộ quần áo cho trẻ sáu tháng, Đình Phương hỏi: “Có cần mua cỡ to thế không?”

“Cỡ dành cho trẻ ba tháng mặc chưa hết hè sẽ nhỏ, mặc cỡ sáu tháng giờ hơi rộng chút, sau rồi ngắn đi là vừa.”

Đình Phương còn chọn thêm một vài món đồ chơi lục lạc các kiểu cho Phùng Sinh. Con bé nom có vẻ tươi roi rói.

Nhóc con mà vui vẻ thì sẽ không khóc nữa. Tay chân chịu khua khoắng, nhưng không phải đạp đá lung tung. Đình Phương sống chung với An An riết, hiểu rất rõ cảm xúc của trẻ con.

Mua xong đồ trở lại xe, Trần Tắc vẫn còn đang ngủ. Hơn nữa còn gục trên cửa kính xe mà ngủ, chẳng có tí khí chất thần tiên nào cả, hình như còn chảy cả nước dãi. Ngô Đình Phương cảm thấy cảnh tượng trước mắt đúng là thảm không nỡ nhìn, ấy thế mà tâm trạng tồi tệ mấy ngày nay lại vì lòng thương hại này mà dịu nguôi đi phần nào.

Có điều nói gì thì nói, anh cũng phải có trách nhiệm về chuyện của Phùng Sinh. A Ba là thân thích của anh, Phùng Sinh lại là con của bệnh nhân của anh.

Dù sao cũng chẳng có nơi nào để đi. Tuy không biết tại sao vị thánh sống này lại không muốn thuê giúp việc, nhưng anh nghĩ có lẽ Trần Tắc sẽ không để bụng việc có thêm một người trong nhà đâu.

Đình Phương quay lại cửa hàng mua thêm một cái địu em bé, để Phùng Sinh quay mặt về phía trước, ngồi cùng anh trên ghế lái, tựa lưng lên ngực anh. Đình Phương thầm hy vọng con đường này không có camera độ phân giải cao ghi lại cảnh vi phạm của mình.

Phùng Sinh cực kỳ thích chí với chuyện này.

Về đến phố Nha Hương, Đình Phương xuống xe, địu Phùng Sinh dạo lòng vòng gần chỗ đỗ xe. Xe vẫn chẳng hề tắt máy, mở điều hòa cho Trần Tắc ngủ. Mãi cả tiếng sau, Trần Tắc mới tỉnh dậy, mà Phùng Sinh cũng đã chìm vào giấc ngủ.

Lúc Trần Tắc ra khỏi xe thì đụng vào khung cửa. Hắn bụm đầu ngã vật xuống hàng ghế sau. Đình Phường không đành lòng, chìa tay về phía hắn.

Phùng Sinh đang say giấc được địu trước ngực Đình Phương, giống như bé chuột túi con trong túi bụng mẹ vậy. Trần Tắc ù ù cạc cạc nắm lấy tay Đình Phương, không biết anh định làm gì.

“Không phải anh là đại sư cao thâm khó dò sao? Sao trông lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác thế?”

“Đi ra đi.” Tay Đình Phương dùng sức.

Bàn tay của Trần Tắc không văn nhã như trong tưởng tượng, mà đầy các vết chai sạn.

“Tôi ra được mà, chỉ là mới nãy có hơi chóng mặt.” Trần Tắc buông bàn tay của Đình Phương ra.

“Mấy ngày không ngủ rồi?”

Trần Tắc ra khỏi xe, ngẫm nghĩ một lúc, nói: “Không biết nữa. Từ lúc trời trở nóng là con bé đã bắt đầu khó chịu rồi.”

Đình Phương nén lại tiếng thở dài, nói: “Anh cảm thấy hai lăm ba mươi độ mà mặc áo bông có chịu được không?”

“Tôi thấy trẻ con nhà người ta cũng đâu có mặc ít đâu, nên tôi tưởng trẻ nhỏ đều sợ lạnh.” Trần Tắc lấy tay che nắng trước mặt.

“Trẻ con sợ nóng, chứ đâu ra mà sợ lạnh.” Đình Phương nói như vậy, đột nhiên lại cảm thấy không ổn. Anh cảm giác nếu Trần Tắc nhẹ dạ tin theo lời anh, nhất định sẽ lại đi theo hướng cực đoan.

“Thế sau này không cần mặc áo bông nữa nhỉ.” Trần Tắc quả nhiên làm ra vẻ như vừa giác ngộ được tất cả bí mật trên thế gian vậy.

Thôi vậy. Đình Phương tự biết mình lỡ miệng, bèn nghĩ, thôi thì đã quyết ở lại giúp rồi, cứ nhọc lòng chăm lo thêm chút cũng chẳng sao.

Đình Phương cùng Trần Tắc quay lại cửa tiệm, mới phát hiện hắn chỉ tiện tay khép cửa lại chứ không khóa. Hình như còn có người đã vào trong tiệm, để cửa hở ra một cái khe.

“Anh không sợ bị người ta vào trộm đồ à?”

“Chẳng có gì giá trị cả.” Trần Tắc nói, “Cũng chẳng có ai dám đến trộm.”

“Thế vừa rồi chẳng phải có người vào đấy à?”

Trần Tắc chỉ lên mảnh giấy đỏ trên bàn trà: “Có người đem bát tự đến chọn ngày. Đã hẹn từ hôm qua rồi.”

“Tôi đi đặt Phùng Sinh lên giường. Anh đợi chút, tôi có chuyện muốn nói với anh.”

Trần Tắc ngẩng đầu nhìn anh, Đình Phương nói: “Anh cứ chờ chút đã.”

Đình Phương tháo địu ra, đặt Phùng Sinh vào cũi sơ sinh ở tầng một. May thay bé con ngủ sâu giấc, đặt xuống cũng không tỉnh. Có điều Đình Phương đoán bé cũng kiệt sức rồi, mấy ngày hôm nay cũng chẳng có lấy một hôm ngon giấc.

Sắp xếp ổn thỏa cho Phùng Sinh xong, đã thấy Trần Tắc ngồi bên bàn trà, bắt đầu pha trà, trông hắn lại nhàn nhã như trước. Đình Phương nhận lấy ly trà trong tay hắn, thầm nghĩ: “Con người này mà cuống cuồng lên thì không biết sẽ trông thế nào nhỉ?”

Có giống như ngày hôm đó không?

Trời đêm quá tối, Đình Phương cảm thấy có lẽ đó chỉ là ảo giác của chính mình mà thôi.

“Tôi muốn thuê phòng chỗ anh ở một thời gian.” Đình Phương đặt ly trà xuống, nói.

Trần Tắc tiếp tục rót trà vào chén của Đình Phương. Anh nhìn mép ly, trà đổ quá đầy, có bị tràn ra ngoài một chút.

Trần Tắc đặt ấm trà xuống, chỉ nói một tiếng: “Ồ.”

“Có được không?” Đình Phương muốn uống thêm ngụm trà, nhưng chén thì nóng, trà lại đầy. Trần Tắc lấy một cái kẹp gỗ, đem đổ chén trà của anh đi.

Đình Phương ngạc nhiên nhìn Trần Tắc.

“Được chứ.” Trần Tắc lại rót trà vào chén của Đình Phương. Đến khi chén gần đầy, Đình Phương bèn cầm ngay chén lên.

Anh nhìn vị thánh sống này một cách kỳ quặc. Ánh sáng mờ ảo, vị thánh sống tháo kính ra, để qua một bên, bưng chén trà lên uống.

Vị thánh sống có ngoại hình rõ là ưa nhìn.

“Tầng hai có hai phòng không? Cho tôi thuê một phòng.”

“Ừm, được.” Trần Tắc đứng lên, xoay người đi lấy viên trầm hương trên giá. Đình Phương cũng đứng dậy.

“Tôi ra ngoài chuyển đồ vào trong.”

Có điều Trần Tắc không hề nói với anh rằng, phòng còn lại ở tầng hai không hề có giường. Đình Phương đứng ở cửa nơi gọi là phòng còn lại ở tầng hai nhìn vào bên trong, chỉ thấy một lượng lớn bánh trầm hương chất thành đống, cái to nhất trông như một cái rễ cây cổ thụ. Còn lại là một cái giá sách dựa tường. Đình Phương cảm giác bên trên đều là sách dùng để tu đạo thành tiên.

Hai người trầm ngâm nhìn căn phòng đó. Ngay lúc Đình Phương định mở lời, Trần Tắc bèn nói: “Cũng không nhất thiết phải cần hai phòng.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.