Phải Chăng Là Cố Nhân Đến

Chương 3: Hoàn




Edit + Beta: Hayin

Rất nhanh Lý gia đã chọn được một vị hôn phu phù hợp cho Hoài Băng, là đích trưởng tử của đồng hương Trương thị, học trò cũ của Lý Học đài, hiện là tú tài trẻ tuổi đang làm quan ở Bắc Kinh. Như vậy xem ra, lão thái thái có ý muốn nàng gả xa tới kinh thành, tốt nhất là cả đời này đừng trở về Gia Hưng. Điều này hoàn toàn khác với ý định ban đầu lúc bà khuyên nhủ Lý Học đài.

Nhưng chưa đầy nửa tháng trôi qua, trong kinh bất ngờ truyền đến tin dữ Hoàng Đế Hoằng Trị băng hà, trong thời gian quốc tang không thể cử hành hôn sự. Chuyện quan trọng hơn nữa là tân đế lên ngôi, triều cục thay đổi, quan viên trong kinh cả ngày đều nơm nớp lo sợ, vị tú tài Trương gia kia sớm đã mất liên lạc với Gia Hưng bên này. Đọc đến đây, thật ra ta hiểu được rất rõ ràng. Quan viên trong triều xuất thân từ nhiều vùng khác nhau, có rất nhiều việc là bất đắc dĩ.

Sau quốc tang, Lý Học đài cũng bị cách chức, quay trở về quê. Mấy tháng trôi qua, Gia Hưng Trương gia nhờ người đến tìm lý do thoái thác, nó là muốn huỷ bỏ hôn ước.

Trương gia mạo muội bất chấp hiểm nguy kết thù với Lý gia đến huỷ bỏ hôn ước, hoặc là bên Trương công tử ở kinh thành tìm được mối nhân duyên tốt, hoặc là bản thân Lý gia đang mối mặt với nguy hiểm. Lý Học đài thất thế nhàn rỗi, thậm chí những học trò cũ cũng muốn phân rõ giới hạn với ông, xem ra mối nguy này không hề nhỏ.

Nhưng những việc này, Hoài Băng lại không hề để ý tới. Bởi vì từ một hôm nào đó, Song Kiếm Các đã khoá cửa, Đỗ tam công tử, đã biến mất rồi.

Vì đã lập hôn ước, nàng bị thái tổ mẫu nhốt trong nhà hơn mười ngày. Đến lúc được thả ra, lại phải mất tới mấy ngày thì mới lấy được can đảm, mang những bức tranh, mấy cuốn thư tịch thời Tống cùng với trang sức tiền bạc mà mình tích trữ được trong mấy năm qua, tới Song Kiếm Các lần nữa.

Với nàng mà nói, đối mặt với Đỗ tam công tử không khó bằng việc đối mặt với chính mình. Nhưng vất vả lắm nàng mới quyết tâm đối mặt với bản thân mình, cuối cùng nàng lại không thể gặp được Đỗ tam công tử.

Trong bản ghi chép nàng không nói mình đến Song Kiếm Các để làm gì, vì sao phải mang theo nhiều đồ như vậy, thậm chí đến cả xe ngựa cũng không dùng, cũng không thể không làm kinh động đến bên phòng lão thái thái. Mấy chuyện này nàng đều không nói gì cả. Có lẽ nàng sẽ đến giải thích, bộc bạch với Đỗ tam công tử, sau đó để Đỗ tam công tử lựa chọn. Có lẽ cho dù Đỗ tam công tử có lựa chọn thế nào, nàng cũng sẽ đi cùng y.

Nhưng Đỗ tam công tử lại không ở trong Các, y hoàn toàn tránh né cái lựa chọn này. Cửa lớn Song Kiếm Các đóng chặt, chỉ có một lão nô già canh cổng, nói Đỗ tam công tử ra ngoài vân du, còn mang theo cả một thuyền đầy trân bảo trong Các, xuôi theo dòng sông mà đi.

Hoài Băng trở về nhà, không giải thích bất cứ điều gì với người nhà, người nhà cũng tốt bụng chấp thuận nàng. Không lâu sau, Hoàng Đế băng hà, Lý Học đài về quê, Trương gia từ hôn...Mà Hoài Băng chỉ luôn nhốt mình trong khuê phòng, vẽ từng bức từng bức tranh.

Nàng chưa bao giờ vẽ một bức tranh của riêng mình. Những bức vẽ của nàng đều là chép theo tranh của Đỗ tam công tử, giống y như đúc thật giả lẫn lộn, chỉ khác mỗi phần ký chữ.

Đỗ tam công tử ký là "Gia Hưng Đỗ Nguyên Kỳ đề tặng tài nữ Hoài Băng", còn nàng thì ký "Song Kiếm Các Đỗ Tử Ước vẽ, Lý Hoài Băng phỏng lại".

Cứ như vậy, giống như Đỗ Tử Ước và Lý Hoài Băng đã được xếp cùng một chỗ dưới cái tên "Song Kiếm Các", đều trở thành một phần của Song Kiếm Các như các đồ sưu tầm. Ta không biết khi người ký tên có từng nghĩ như vậy hay không, nhưng sau này khi những bức hoạ của người được truyền ra ngoài thì quả thực đã có người nghĩ như vậy.

— Ở Gia Hưng có một kẻ ngốc tên là Lý Hoài Băng, cực kỳ yêu thích tranh của Đỗ tam công tử, vẽ phỏng lại đã đạt đến mức tuyệt hảo...Mọi người đều đồn đại như vậy. Rồi sau đó, thậm chí thế nhân cũng không thể phán đoán được Lý Hoài Băng là nam hay nữ.

Bởi vì tranh của nàng rất đẹp, dần dần đã có người đến mua tranh của nàng, dần dần càng có người muốn nàng làm giả. Phải biết rằng danh tiếng của nàng không thể sánh với Đỗ tam công tử. Nàng chỉ cần hơi sửa chữ ký một chút, giá trị bức tranh sẽ lập tức tăng mạnh. Lúc đầu Hoài Băng không chịu đồng ý, nhưng Chính Đức năm thứ ba, không biết vì sao nàng lại đổi ý, bán ra bức tranh giả đầu tiên với chữ ký của Gia Hưng Đỗ Nguyên Kỳ.

Rất nhanh tung tích của bức tranh này đã biến mất trên thị trường.

9.

Đọc đến đây, trong lòng ta bất giác lộp bộp vài tiếng, quay đầu nhìn những cuộn tranh trên bàn. Bức tranh đó, dù sao cũng không phải tổ mẫu của mình làm giả đâu nhỉ? Thân là một người yêu thích đồ cổ, tự xưng là người đọc sách văn nhã, trời sinh luôn có tính chấp nhất đối với thứ gọi là đồ cổ, đã khiến ta buông bản ghi chép xuống, nhìn những bức tranh kia thêm lần nữa.

Như đã nói trước đó, chữ ký trên bức tranh nằm trong khoảng những năm Hoằng Trị thứ mười bốn đến Hoằng Trị thứ mười tám, đó là khoảng thời gian năm năm từ lúc tổ mẫu học vẽ cùng Đỗ tam công tử cho đến khi Đỗ tam công tử rời Gia Hưng, là những ngày tháng yên bình, năm năm hoà hợp nhất. Có lẽ từ đó về sau cũng là những điều mà họ không thể tìm lại được nữa, cái khoảng thời gian năm năm tốt đẹp nhất ấy. Ta chưa nhìn thấy bút tích thật của Đỗ tam công tử bao giờ, nhìn trong tranh rất khó phân biệt thật giả, chỉ đành nhìn chằm chằm vào chữ ký, chỉ cảm thấy nét bút trên này rất sắc nét, mang theo chút khí khái cao ngạo. Mặc dù chữ của tổ mẫu ta cực kỳ đẹp, nhưng cuối cùng vẫn thua kém một bậc. Vì thế nhìn lại trang giấy, là loại giấy Sinh Tuyên khó phai tốt nhất, màu đen trơn bóng, hơn năm mươi năm rồi mà vẫn giữ được một lớp sáng màu. Hà cớ gì lại dùng tới loại giấy tốt như vậy?

Nhìn chung đã khẳng định được đây là bút tích của Đỗ tam công tử, trong lòng ta đã bình tâm lại một chút, định đóng quyển trục lại thì bỗng nhiên lại phát hiện ánh sáng mặt trời ngoài cửa sổ chiếu xuống, trên bức tranh xuất hiện một có bóng chồng lên.

Ta ngẩn ra, vỗ đầu một cái, thầm mắng bản thân ngu xuẩn. Hoá ra khi bức tranh này được cuộn lại, giữa phiến giấy vẽ và giấy lót có thêm một lớp khác nữa!

Mặc dù giấy vẽ dày hơn, nhưng phiến giấy lót lại mỏng, ánh mặt trời chiếu xuống đã khiến vô số bóng người nhỏ bé giữa những tầng kẹp giấy hiện ra. Bên dòng suối, trên núi đồi, dưới bóng cây, bọn họ không đứng thì ngồi, không nói chuyện thì đứng một mình, không cười đùa thì lại nghiêm trang. Mỗi hình ảnh đều sống động như thật, tựa như trong bức tranh thật sự tồn tại sự sống vậy!

Ta lấy những bức tranh khác ra kiểm tra một lượt, thế mà tất cả trong số đó đều ẩn giấu những thứ huyền diệu như vậy. Ngắm nhìn hàng chục bức tranh thuỷ mặc hàm ý sâu xa của Triệu thị, lại trở nên giống với vẻ náo nhiệt ấm cúng của《Thanh minh thượng hà đồ》.

(*) Thanh Minh thượng hà đồ: nghĩa là "tranh vẽ cảnh bên sông vào tiết Thanh minh" là tên của một số tác phẩm hội họa khổ rộng của Trung Quốc, trong đó bản đầu tiên và nổi tiếng nhất là bức tranh của họa sĩ Trương Trạch Đoan vẽ đời nhà Tống. Tác phẩm mô tả cảnh sống, sinh hoạt thường ngày của người dân Trung Quốc đời Tống tại kinh đô Biện Kinh (tức Khai Phong ngày nay).

Xem ra, đây thật sự là bút tích của Đỗ tam công tử.

Vì sao y lại phải làm như vậy? Vì làm tổ mẫu vui vẻ sao? Dùng những bức trang thuỷ mặc nổi tiếng của mình đóng thành đồ chơi cho trẻ nhỏ, giống như năm đó y đưa cho người một hạt vừng vi điêu...

Đỗ tam công tử này...dụng tâm này, tổ mẫu người, liệu có biết hay không?

Ta thẫn thờ ngồi trong phòng, nhìn những bức thi hoạ nằm đầy trên đất, nhất thời không biết làm sao cho phải. Tổ mẫu qua đời từ lâu, người và tổ phụ sống chung như thế nào ta không thể tưởng tượng được. Nhưng xét theo bậc cha chú đối với người, ước chừng vẫn luôn là một đôi phu thê tôn trọng nhau như khách nhỉ. Nhưng khi tổ mẫu còn trẻ, tổ phụ đã từng gặp qua rồi sao? Cô bé có thể ngây người cả ngày để ngắm nhìn một hạt vừng, tổ phụ đã từng gặp rồi sao? Cô bé có thể vui sướng đến mức trong lòng không chút vướng bận nào, tổ phụ biết làm thế nào để lấy lòng người sao?

Mang theo loại cảm giác khó tả này, ta mở bản ghi chép của tổ mẫu thêm lần nữa.

"Năm Chính Đức thứ ba, ta cố tình làm giả, dùng chữ ký và con dấu giống với Tử Ước. Ta rất tự phụ, kỹ xảo trước mắt này, trên thế gian ngoại trừ Đỗ Tử Ước thì không ai có thể nhận ra. Cứ như vậy tự cho mình là đúng, hy vọng có thể ép người kia xuất hiện để gặp mặt. Ai ngờ thấm thoắt đã tám năm, thế nhưng Tử Ước lại phụ sự mong đợi của ta."

10.

Hoài Băng vẽ những bức tranh giả đó, mục đích ban đầu là muốn ép Đỗ tam công tử xuất hiện, nghĩ rằng chung quy y cũng không muốn tất cả những bức tranh giả của mình bị lan truyền trên thế gian đâu nhỉ? Huống chi bức tranh nàng bán ra nhanh chóng biến mất khỏi hậu thế, dựa theo lời nói của người trung gian, tất cả đều đã bị chính Đỗ tam công tử mua hết rồi. Chắc chắn y cũng không thể để yên nhìn bản thân làm loạn như vậy, sớm muộn cũng sẽ phải ra mặt dọn dẹp cái mớ hỗn độn này.

Cuối cùng, Chính Đức năm thứ tư, Đỗ tam công tử đã trở về Gia Hưng. Chiếc thuyền chở đầy trân bảo năm đó đã không thấy đâu, nhưng lại mang về rất nhiều tranh giả do Hoài Băng vẽ. Mà một năm trôi qua, Hoài Băng đã tròn hai mươi, đã là cô nương lỡ thì rồi.

Hoài Băng ở trong nhà đợi nửa tháng, mà bên Song Kiếm Các lại không có động tĩnh gì. Nàng đã hai mươi tuổi, kiên trì từng chút với bản thân của trước kia. Nàng khuê phòng trống vắng, nguỵ tạo làm giả, cuộc sống đã trở thành trò cười nơi quê nhà, nhưng nàng vẫn cứ kiên trì. Có lẽ chỉ cần y nói một lời, nàng sẽ lập tức mang lại tất cả đồ châu báu trang sức của mình cho y. Song y lại chẳng nói gì cả.

Nàng nhờ người truyền tin cho y, hỏi y gần đây có khoẻ không, hỏi y ra ngoài làm gì, mà tất cả đều như kim chìm đáy bể. Nha hoàn chỉ mang về một tin tức xác thực, đó chính là sau này y sẽ không bao giờ gặp lại nàng nữa.

Không lâu sau, phụ thân Lý Bình Kính được khôi phục lại chức quan lúc trước, một lần nữa đến tỉnh khác làm Đề học.

Trong bốn năm này nàng quá chú tâm vào chuyện của mình, không hề để ý đến những thay đổi trong nhà. Khoảng thời gian phụ thân nhàn rỗi, sân nhà Lý gia cũng vắng vẻ, đồ đạc thiếu thốn, có vài lần còn rơi vào cảnh thu không đủ chi. Nàng biết được năm đó Lý Học đài đắc tội đại Thái giám Lưu Cẩn bên cạnh Hoàng Đế, ở Bắc Kinh bị phạt đình trượng (*) rồi đày về quê nhà, đương nhiên sẽ không có ai dám ra mặt giúp ông, thậm chí còn sợ có dính líu chút quan hệ với ông. Lúc trước Trương gia nóng lòng huỷ bỏ hôn ước, cũng là vì nguyên do này.

(*) Đình trượng: Hình phạt mà hoàng đế tại triều đình ra lệnh dùng trượng trách phạt thần hạ.

- -

Trong bản ghi chép ghi lại vốn Lý Học đài có thể Đông Sơn tái khởi, là bởi vì Lưu Cẩn bị người ta tố giác, bị lăng trì mà chết. Thiên tử hồi tâm chuyển ý, nhớ tới đại thần đã can ngăn ngày xưa. Nhưng mà ta bất giác lại thấy hoang mang. Vì cái chết của Lưu Cẩn rơi vào năm Chính Đức thứ năm, đây là điều mà những người trong giới quan viên đều nhớ rõ. Mà Lý Học đài lại được đề bạt vào năm Chính Đức thứ tư, rõ ràng năm đó Lưu Cẩn vẫn còn đang lộng hành.

Đoạn này tổ mẫu ta kể rất mơ hồ. Ta nghĩ người ở Giang Nam xa xôi, đoán chừng là không rõ ràng về triều cục cho lắm, Lưu Cẩn các thứ, chỉ là nghe người ta đồn đại mà thôi. Nếu người nhà đều nói như vậy với người, chắc chắn người sẽ tin. Nhưng hiển nhiên sự thật không phải như vậy.

Con đường làm quan của Lý Học đài, chắc chắn có người trợ giúp.

11.

Đỗ tam công tử nói, sau này sẽ không bao giờ gặp nàng nữa.

Hoài Băng đã không còn là cô bé năm đó nữa. Nàng đã học được cách suy nghĩ, tính toán và thận trọng. Nàng cũng biết mình không thể gả cho Đỗ tam công tử được, chưa kể đến những nguyên do thái tổ mẫu nêu ra, việc kinh doanh của Đỗ gia ngày càng sa sút, mà con đường làm quan của phụ thân mình như đang đi trên băng mỏng. Nàng không thể nào hấp tấp làm ra chuyện hại người hại mình nữa.

Nhưng muốn nói từ bỏ, nào có chuyện dễ dàng như vậy.

Nàng có thể tính rõ đủ chuyện của mọi người, nhưng lại không thể tính ra được người cách đây vài con phố đang ở Song Kiếm Các, rốt cuộc y có thích mình hay không? Rốt cuộc y có từng thích mình hay chưa?

Sau khi phụ thân phục chức, gia cảnh dần chuyển biến tốt đẹp hơn, nàng lại dần chìm đắm trong việc trốn tránh. Nàng nhốt mình trong phòng nhiều hơn cả trước kia, cứ mãi vẽ đi vẽ lại những bức tranh cũ của Đỗ tam công tử. Tranh của y, chữ của y, con dấu của y...không một ai làm phiền đến nàng.

Những bức tranh giả của nàng vẫn luôn lưu truyền trên hậu thế, mà Song Kiếm Các vẫn luôn tìm cách mua về. Lúc đó Đỗ tam công tử cũng đã đóng cửa từ chối tiếp khách, một nửa là bởi vì gia cảnh sa sút, không thể mua bảo vật không chớp mắt như trước kia. Lúc bấy giờ đã không còn mua nổi nữa rồi.

Nhưng những kẻ bán hàng xảo quyệt biết rằng chỉ cần là tranh Lý Hoài Băng làm giả, bất luận có hét giá cao đến đâu, Đỗ tam công tử cũng nhất quyết mua lại hết, thế nên giá đã cao lại càng thêm cao. Những chuyện này, rất nhiều năm sau Hoài Băng mới được nghe nói đến.

Lúc ấy, Đỗ tam công tử đã không còn trên đời, Song Kiếm Các cũng đã tan thành mây khói.

Tháng mười năm Chính Đức thứ tư, Vô Tích Chu thị đến cầu hôn Hoài Băng. Mà lần này, thái tổ mẫu ở Gia Hưng và phụ thân ở tỉnh khác bắt tay nhau, không hề hỏi qua nàng một câu mà trực tiếp đồng ý thay nàng.

Hoá ra đây là đầu đuôi sự việc nàng gả đến Chu gia.

12.

Trước khi Hoài Băng xuất giá, từng đến Song Kiếm Các một lần cuối cùng.

Lão thái thái quản nàng rất nghiêm, những việc như bỏ trốn như lúc trước sẽ không được phép xảy ra nữa. Nàng tốn rất nhiều sức lực mới có thể trà trộn vào đám đông để chạy đến Song Kiếm Các vào ngày mùng một tháng Giêng. Miệng lẩm nhẩm, cảnh tượng người xe như nước đã không còn nữa. Hoài Băng vào sân, đứng dưới gác mái quen thuộc, ngẩng đầu lên nhìn thấy một ô cửa sổ còn đang mở trong đêm. Trước cửa sổ có một bóng người lặng lẽ cô độc, một tay cầm ly, không biết đang uống trà hay uống rượu.

Người nọ đứng quay lưng về phía ánh nến lờ mờ, như là có gì đó đang cháy, thỉnh thoảng ánh lửa lại loé lên. Mà người nọ lại không quay đầu nhìn lại, chỉ ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa sổ.

Nàng không biết y có nhìn thấy mình không, cố gắng lấy hết can đảm nâng làn váy đi vào trong Các.

Nhưng đúng lúc này có một lão nô già đi xuống, trong tay ông ấy cầm một cái ki hốt rác, trong ki đựng rất nhiều tro tàn, có lẽ là thứ mà Đỗ tam công tử vừa mới đốt khi nãy. Nàng bước lên lầu, đi lướt qua lão nô già kia, vài mẩu tro từ trong ki hốt rác rơi xuống chân nàng.

Nàng dừng chân, luận ra chữ trên mảnh giấy bị đốt trụi kia, đúng là chữ ký nàng tự mình phỏng theo – "Đỗ chủ nhân Song Kiếm Các".

Tro tàn trong cái ki kia, tất cả đều là những bức tranh giả nàng đã vẽ.

Nhất thời, nàng đứng ngơ ngác trên cầu thang, đi lên không được, đi xuống không xong, giống như đi thêm một bước nữa sẽ bị ngã xuống. Trái tim vẫn luôn bồn chồn treo lơ lửng giữa không trung, run rẩy trong bầu không khí vẩn đục.

"Ta..." Nàng suy nghĩ một lục lâu cũng không nghĩ ra rốt cuộc nên đáp lại thế nào, cuối cùng chỉ có thể nghẹn ngào nói: "Ta vẫn sẽ tiếp tục vẽ! Nếu cả đời này ngài không gặp ta, thì ta sẽ vẽ cả đời!"

Tiếng khóc này đã kinh động đến người trong Các, thế nhưng một lúc lâu sau vẫn không có tiếng đáp lại. Cuối cùng một nha hoàn phải đi xuống, khẽ nói với nàng: "Lý tiểu thư, công tử đã nghỉ ngơi rồi. Ngài ấy dặn dò, nếu sau này người muốn giả tên của ngài ấy thì cứ tuỳ ý, cuối cùng ngài ấy cũng sẽ đi báo người lên quan, mong người tự thu xếp ổn thoả đi."

Hoài Băng không hiểu. Tại sao một nha hoàn bình thường, nhưng ngày nào cũng có thể nhìn thấy y, ở cùng với y, nói chuyện với y, mà sao nàng lại không thể chứ? Vì sao nàng là người giống với y nhất, hiểu y nhất, nhưng lại không thể chứ?

Nàng lảo đảo bước lùi ra sau, một chân bỗng nhiên giẫm hụt, ngã mạnh xuống từng bậc từng bậc cầu thang.

13.

Hoài Băng bị thương nặng ở Song Kiếm Các, hôn mê tới hơn nửa tháng. Suy cho cùng Đỗ tam công tử vẫn phải ra mặt, đưa nàng về Lý gia, hơn nữa còn chịu đòn nhận tội, ở trước mặt Lý lão thái thái bồi tội một thời gian khá dài. Đến khi Hoài Băng tỉnh lại thì y đã rời đi rồi.

Dường như lần ngã đau này đã khiến cho Hoài Băng tỉnh ngộ. Chìm đắm trong giấc mộng của quá khứ quá lâu không thể tỉnh, bỗng một ngày lại có thể thoát ra, nàng không khóc cũng không ầm ĩ. Tháng ba năm đó, nàng ngoan ngoãn gả tới Vô Tích Chu gia.

Đỗ tam công tử cũng nhờ người đưa tới một phần quà mừng, là《Khoái tuyết thời tình thiếp》của Vương Hi Chi.

Có phần lễ mừng này, cho dù là nhà chồng mà nàng gả thấp, hay là khách khứa trong tiệc cưới, không một ai dám coi thường nàng.

Nàng ngồi trong hỷ phòng, trong lòng nghĩ đến cuốn thư pháp kia, ý nghĩ cực kỳ xấu xa dâng lên vài lần – Nàng muốn phá huỷ nó. Hoặc là đốt, hoặc là xé bỏ, nàng muốn người kia phải đau khổ, giống như lần trước nàng đã hại y hất đổ ly trà nóng lên bức tranh của Nghê Toản mà y vất vả lắm mới có được. Có lẽ nàng vốn không bình tâm như vẻ ngoài đang gỉả vờ của mình, hoặc cũng có thể bên trong nàng vẫn luôn ẩn giấu một linh hồn độc ác.

Nhưng cuối cùng nàng cũng không làm điều đó.

Sau khi xuất giá, nàng không làm giả nữa – căn bản là nàng không hề vẽ tranh.

Tuy rằng cách nhau không xa, nhưng Vô Tích đã trở thành một thế giới khác. Ở nơi này, không ai biết được quá khứ của nàng, cũng không có ai muốn quan tâm. Ngay cả trượng phu của nàng, cũng không biết rằng tài hội hoạ của nàng đã từng được nhân thế khen ngợi, không biết nguồn gốc của những cuộn tranh đó cùng với những cuốn thư tịch thời Tống trong của hồi môn của nàng, không biết nàng đã từng được cưng chiều quá mức nên đã kiêu căng đến nhường nào.

Chu gia không được gọi là đại phú hào, nhưng điểm tốt của Chu gia này là không có liên quan đến triều đình. Hoài Băng gả thấp, sẽ không gây ra phong ba nào cả.

Đến đây thì bút ký bị bỏ trống sáu năm, đến lần chấp bút tiếp theo thì đã là năm Chính Đức thứ mười một.

Sáng sớm ngày mồng Sáu tháng Mười năm Chính Đức thứ mười một, đó là một buổi sáng mùa đông bình thường. Hoài Băng dậy sớm như thường lệ, đi thỉnh an kính trà cha mẹ chồng, sau đó thì ở trong phòng làm chút nữ công, thỉnh thoảng lại đọc chút sách.

Sau khi nàng gả đến thì trượng phu đã nạp hai tiểu thiếp, đều đã có con nối dõi. Đôi lúc mấy đứa nhỏ sẽ đến tìm nàng chơi đùa, nàng bèn buông việc trong tay xuống rồi cười đáp lại. Đến tối, trượng phu trở về nhà. Khi cả nhà quây quần cùng nhau ăn tối, trượng phu đã nhắc đến một câu chuyện cũ ở Gia Hưng xa xôi.

Kể rằng vào tháng mười một, Song Kiếm Các cất giữ rất nhiều bảo vật kia bị người ta phóng hoả, cháy sạch cả rồi.

Trượng phu làm buôn là một người thô thiển, cũng không hiểu được ý nghĩa của những bảo vật được lưu giữ kia, lúc nhắc đến cũng chỉ như đang nói một chuyện vặt vô tình nhắc tới. Nhưng sau khi Hoài Băng nghe xong thì lại bận tâm, cố ý sai người hỏi thăm, cuối cùng mới biết chuyện gì đã xảy ra.

Thì ra Đỗ tam công tử đắc tội với mấy kẻ sĩ ở Gia Hưng, mà lại tình cờ nghe được chuyện Đỗ tam công tử ở trong kinh từng đút lót cho mấy đại thái giám trong cung, thậm chí còn khom lưng tặng cho Lưu nương nương một đôi Bạch ngọc vũ nữ của thời nhà Hán. Những kẻ ngày thường tự xưng là học sĩ thanh cao, nắm được nhược điểm như thế há lại chịu buông tha một cách dễ dàng như vậy. Ngay lập tức đưa ra một hịch văn hào hùng, kích động đồng hương, cổ xuý người trí thức, vào một ngày trời hanh khô tháng mười một đã ném một mồi lửa vào Song Kiếm Các cùng với hơn mười gian nhà mặt tiền trên phố của Đỗ gia, thiêu rụi toàn bộ. Đồ cổ báu vật trong Song Kiếm Các, một nửa cháy thành tro, số còn lại bị kẻ khác nhân lúc cháy nhà mà đi hôi của trộm mất. Thân thích của Đỗ thị chật vật chạy trốn, nhưng lại bị đám đông đang kích động giận dữ truy đuổi, thậm chí còn có người phải nhảy xuống sông để chạy trốn.

Mặc dù việc kinh doanh Đỗ gia sa sút, nhưng mấy huynh đệ Đỗ gia vẫn muốn đút lót dùng quan hệ để báo cáo đám người làm loạn lên quan, song lại bị Đỗ tam công tử ngăn cản.

Hoài Băng nghĩ một lúc lâu mà vẫn không hiểu.

Nàng không hiểu một con cháu thương nhân cách xa triều thế như y, mỗi ngày chỉ lo thu thập mấy món bảo vật, vẽ vài bức tranh thuỷ mặc, cớ sao lại phải đến kinh thành đút lót chứ? Nàng không hiểu y đã ru rú trong nhà, không màng thế sự, sao lại có thể đắc tội với kẻ sĩ Gia Hưng được đây. Điều nàng không thể hiểu nhất chính là, lúc trước y từ chối gặp nàng, liệu có liên quan đến chuyện này hay không.

Vô Tích và Gia Hưng, hai nơi cũng chỉ cách nhau không quá hai trăm dặm (~100 km), thếnhưng lại giống như cách biệt cả dải ngân hà. Nàng không thể hình dung được cuộc sống của y, không thể hình dung được tâm trạng, vẻ mặt và dung mạo của y lúc này nữa.

Ngày mồng Tám, nàng mở thư phòng, viết cho y một phong thư dài.

14.

Trong thư nàng hỏi thăm sức khoẻ của y mấy năm qua, cũng ân cần hỏi han về vụ cháy mới xảy ra. Gần đây việc buôn bán của Đỗ gia không tốt, lúc này lại gặp phải tổn thất nặng nề. Nàng có đề xuất, chung quy cũng đều là dân làm ăn buôn bán, nếu Đỗ gia cần gì thì bản thân có thể nhờ nhà chồng giúp đỡ một chút. Nếu bản thân y thiếu tiền, nàng vẫn còn chút tiền riêng. Cuối thư, nàng viết: "Khi Hoài Băng còn bé, quân (*) đã từng dạy: Một đời trăm năm, đối với thư pháp cổ vật vạn năm chỉ giống như một vị khách qua đường. Tuy có lưu luyến, nhưng khó nán lại. Một toà Song Kiếm Các trên nhân gian, đều được tạo thành nhờ tâm huyết. Hoài Băng biết quân đương khó khăn, nhưng vạn vật ắt có số định trước, đừng quá đau buồn. Chuyện khác ta không hỏi, chỉ mong quân bình an."

(*) Quân: Cách gọi tôn xưng người khác, thường là cha hoặc thầy.

Nhưng mà khi phong thư này được gửi đi thì lại nhận được hồi âm. Hoài Băng nhận được thư trả lời thì vui mừng khôn siết. Có lẽ cũng giống như ta ngày hôm nay, rửa tay dâng hương, đặt lá thư dưới ánh nắng mặt trời bên cửa sổ -

Nhưng trong thư chỉ ghi tám chữ đơn giản:

"Khoái tuyết thời tình, giai tưởng an thiện."

(Tạm dịch: Tuyết ngừng nắng hạ, cầu người bình an.)

Đây là câu trong bài thơ《Khoái tuyết thời tình thiếp》(ánh nắng sau tuyết) của Vương Hi Chi, nhưng nhiều năm qua Đỗ tam công tử đã không còn giữ《Khoái tuyết thời tình thiếp》nữa. Y hoàn toàn dựa vào trí nhớ của mình để viết ra tám chữ này, từng chữ từng chữ liền mạch, tài hoa ẩn ẩn hiện hiện. Mặc dù có một vài chi tiết vụn vặt không hợp với quân lắm, nhưng ý tứ hoà nhã tiêu dao lại không khác là bao.

Đó là sau khi uổng phí nhiều năm trong vô vọng, cuối cùng cũng quyết định quay đầu thoả hiệp với bản thân của quãng thời gian rất lâu về trước, dáng vẻ trầm lắng và chân thành.

Hoài Băng nâng mắt, nhìn khung cảnh ngoài cửa sổ sau trận tuyết. Ánh nắng nghiêng nghiêng chiếu xuống, từng đốm tuyết đọng trên cây hoa sơn trà, vài nụ hoa đỏ rực e ấp hé nở giữa đốm tuyết tàn.

Hoài Băng lại viết thư gửi qua cho Đỗ tam công tử, một tháng sau, thế nhưng thư hồi âm là người nhà của Đỗ tam công tử viết. Bọn họ nói với nàng rằng, tháng trước Đỗ tam công tử đã ngã bệnh chết rồi.

15.

Gia Hưng Song Kiếm Các, Đỗ Nguyên Kỳ Tử Ước sinh ra vào năm Thành Hoá thứ mười chín. Đỗ Tử Ước, vốn là người Gia Hưng, là con trai dòng chính thứ ba của thương nhân bán muối Đỗ Biện, phong lưu từ nhỏ, không biết mỏi mệt, biết nhìn bảo vật, vung tiền như rác. Toàn bộ trân bảo của hai triều Hoằng Trị, Chính Đức, phân nửa đều ở trong Song Kiếm Các. Tử Ước vẽ tranh rất đẹp, học hỏi những người đương thời để mà luyện được bút ý của người vẽ, truy tìm dấu tích của thời Đường, kiệt tác xuất chúng lúc đương thời. Ấy vậy mà làm người lại bủn xỉn, kết oán với giới quan viên, phải chăng cũng là bản tính của thương nhân. Năm Chính Đức thứ mười một, Song Kiếm Các bị cháy, hơn nửa đồ sưu tập biến thành tro tàn, vào thời điểm đó có thể coi là thảm hoạ với kẻ văn nhã. Tử Ước cũng đã tạ thế, năm bốn mươi ba tuổi. Một đời lẻ bóng, sản nghiệp rơi vào tay huynh đệ, chẳng mấy chốc đã bị chia cắt mổ xẻ, điêu tàn hầu như chẳng còn lại gì.

2

- --《Bản ghi chép cũ bị thất lạc》

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.