Peter Pan

Chương 16: Trở về




Sáng hôm đó, hai tiếng chuông vang lên báo hiệu sự rối tinh rối mù trên tàu. Biển đã cả sóng lên và Nibs, trong vai thủy thủ trưởng, lượn lờ giữa đám con trai, tay cầm một đầu mẩu thuốc lá và mồm cũng nhai bỏm bẻm. Cả bọn đều mặc đồ của bọn cướp biển, cắt gấu ngang đầu gối, đầu cạo trọc lốc và quần xắn lên, chúng đi đi lại lại, vai đung đưa cứ như những con sói biển thực thụ. Chẳng cần phải nói ai là thuyền trưởng, Nibs và John giữ vai thuyền phó thứ nhất và thứ hai. Chả là có một phụ nữ trên tàu mà. Bọn khác đều là thuyền viên, phải làm các việc nặng và sinh hoạt trong cabin phía mũi thuyền. Peter đã dính ngay vào tay lái và sau khi triệu tập toàn thủy thủ đoàn, chú đã ra một bài diễn văn ngắn gọn. Chú cho biết rất mong muốn các thuyền viên sẽ cư xử cho xứng danh thủy thủ, mặc dù phải tự biết rằng chúng chỉ là hàng cuối so với tiêu chuẩn tại các cảng Riô và Bờ biển Vàng, và nếu có ngày nào chúng định nhe răng ra, Peter sẽ nghiền nát chúng không thương xót.

Những lời thô bạo huỵch toẹt này đã được các thủy thủ hoan hô không ngần ngại. Rồi sau một số mệnh lệnh, chúng cho thuyền quay mũi hướng về đất liền.

Sau khi xem xét các bản đồ trên tàu, thuyền trưởng Peter tính rằng nếu thời tiết vẫn tốt, tàu sẽ có thể cập bến Axores trước ngày 21 tháng Sáu, sau đó, chúng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian bằng cách bay.

Một vài thủy thủ muốn tàu được đăng ký vào ngạch hàng hải bình thường, một số khác cho rằng vẫn nên để là tàu cướp biển. Nhưng thuyền trưởng đối xử với chúng thô lỗ, chúng không dám bày tỏ nguyện vọng, dù là dưới dạng thỉnh cầu. Phải tuân lệnh ngay lập tức, đó là thái độ khôn ngoan nhất. Slightly đã bị đánh mười hai cú roi dây vì đã tỏ ra ngạc nhiên khi được lệnh ném cái dò độ sâu xuống biển. Theo ý kiến chung thì Peter tỏ ra không thiên vị là để làm yên lòng Wendy nhưng chắc chắn là thái độ của chú sẽ thay đổi khi bộ đồng phục mới mà Wendy đang cắt may, dù cô có không muốn, từ những mảnh đồ hắc ám của Hook hoàn thành. Sau đó, theo một vài lời đồn đại giữa bọn trẻ với nhau, đêm đầu tiên khi chú mặc bộ đồng phục này, Peter đã nấn ná rất lâu trong cabin thuyền trưởng, miệng ngậm tẩu của Hook, một tay giang ra, bàn tay nắm lại trừ ngón trỏ gập xuống và chú cố tạo cho cái ngón trỏ đó hình dáng đáng sợ của cái móc sắt.

Thay vì ở lại trên thuyền, chúng ta sẽ lại phải quay về tổ ấm đau buồn, nơi ba trong số các nhân vật chính không có trái tim của chúng ta bay đi cách đây đã lâu. Vì thật là không phải khi ta bỏ qua số nhà 14 lâu đến thế. Tuy nhiên, chúng tôi có thể tin chắc rằng bà Darling không giận chúng tôi. Nếu chúng tôi quay trở về đó sớm hơn và tỏ ra thương xót bà Darling, chắc bà ta sẽ kêu lên: "Này đừng có mà trẻ con thế, tôi không có gì đáng kể đâu. Hãy quay lại ngay đằng kia và canh chừng cho lũ trẻ!" Chừng nào mà các bà mẹ còn tỏ ra mềm yếu như vậy, bọn trẻ con vẫn còn lạm dụng tình thương của mẹ và các bà chỉ nên tự trách mình thôi.

Ngay lúc này đây, chúng ta trở về phòng ngủ trẻ con quen thuộc chỉ vì các chủ nhân đích thực của chúng đang trên đường trở về. Chúng tôi đi trước chúng một lát là để xem giường chiếu có sạch sẽ, thoáng đãng không, ông bà Darling tối đó có nhà không. Chúng tôi chỉ là người phục vụ mà thôi. Nhưng việc gì mà phải giữ sạch giường chiếu khi mà bọn trẻ đó đã bỏ ra đi một cách vội vàng và ích kỷ đến thế? Chúng đáng được biết rằng cha mẹ đi nghỉ cuối tuần tại nông thôn lúc chúng quay về. Đó sẽ là một bài học xứng đáng nhất cho chúng từ khi chúng ta biết chúng đến giờ. Nhưng nếu chúng tôi hướng sự việc theo cách này, chắc hẳn bà Darling sẽ không tha thứ cho chúng tôi.

Tôi sẽ vui sướng vô cùng nếu được báo trước cho bà Darling, như một số tác giả khác vẫn làm, rằng các con của bà sắp trở về vào thứ năm tuần sau. Điều này sẽ làm hỏng hoàn toàn dự định gây ngạc nhiên của Wendy, John và Michael. Chúng đã tính toán từ lúc ở trên tàu: nào là niềm vui của mẹ, tiếng kêu mừng rỡ của ba, nào là Nana sẽ nhảy cuống lên ra sao để ôm hôn chúng trước nhất, thế mà đáng lẽ ra chúng phải bị mắng mỏ mới phải chứ. Thật thích nếu tôi được báo trước cho nhà Darling để khi bọn trẻ về với sự huyênh hoang, bà Darling thậm chí còn không thèm chìa môi về phía Wendy và ông Darling có thể cáu kỉnh kêu lên:

- Thật không may! Lại cái bọn trẻ hư đốn này!

Tuy nhiên, làm thế tôi chẳng có lợi lộc gì. Chúng tôi nay đã hiểu tính bà Darling rồi, chắc chắn là bà ta sẽ phê phán chúng tôi vì tội không để cho bọn trẻ có được niềm vui nho nhỏ đó.

Nhưng, thưa bà, vẫn còn phải chờ mươi ngày nữa mới tới thứ năm tuần sau. Nếu chúng tôi báo trước cho bà, chúng tôi sẽ giúp được bà bớt đi mười ngày lo lắng.

Đúng, nhưng cái giá phải trả là gì? Bọn trẻ sẽ mất đi mười phút hạnh phúc.

- Ồ, nếu bà lại nói kiểu ấy thì...

- Thế ông định bảo tôi phải xét sự việc thế nào?

Các bạn thấy đấy, cái bà này cũng thiếu cá tính nữa cơ. Tôi đã có ý định khen ngợi bà nhưng thực lòng thì tôi coi thường bà và không khen bà ở một điểm nào hết. Chẳng việc gì phải bảo bà chuẩn bị sẵn sàng vì tất cả đã được chuẩn bị rồi. Giường đã sẵn sàng và bà không bao giờ rời khỏi nhà, cửa sổ luôn rộng mở. Cách tốt nhất giúp bà Darling là quay về thuyền. Tuy nhiên, vì chúng ta đang ở đây, cũng nên nhân tiện tham quan một chút, chỉ với tư cách là khán giả thôi. Chẳng ai cần đến sự hiện diện của chúng tôi. Vậy tốt nhất là nên nhìn và nói đôi lời châm biếm với hy vọng rằng có khi lại kết quả thì sao.

Thay đổi duy nhất trong phòng ngủ của bọn trẻ là sự biến mất của chiếc chuồng chó từ 9h sáng đến 6h chiều. Ông Darling tự cảm thấy day dứt vì đã xích Nana lại và ông nay hiểu rằng Nana khôn hơn ông rất nhiều. Tất nhiên chúng ta đã rõ rằng ông Darling là một người đơn giản, và thực ra nếu không có cái sự hói đầu thì ông gần như có thể được coi như một đứa trẻ. Nhưng ông cũng có một ý thức rất cao quý về sự công bằng và lòng dũng cảm như loài sư tử để có thể làm được những điều ông thấy cần thiết và sau khi cân nhắc kỹ càng vấn đề bọn trẻ bay đi, ông bèn bò bốn chân và chui vào chuồng chó. Dù bà Darling có van xin năn nỉ ông ra đến thế nào thì ông cũng chỉ đáp lại bằng một giọng buồn rầu nhưng cương quyết:

- Không em ạ, chỗ của anh là ở đây mới đúng.

Trong nỗi ân hận xót xa, ông đã thề rằng mình sẽ chỉ rời chuồng chó khi nào bọn trẻ quay về. Cố nhiên đó là một quyết định đáng buồn, nhưng ông Darling là người cực đoan trong mọi hành động, hoặc ông sẽ từ bỏ ý định sau một thời gian ngắn. Và chưa bao giờ ta lại thấy có ai khiêm nhường hơn cái ông George Darling đầy kiêu hãnh trước đây, nay lại chồm hỗm trong chuồng chó, nói chuyện với vợ về các con và về các cách thức yêu kiều của chúng.

Sự âu yếm của ông đối với Nana cũng thật là cảm động. Ông không cho nó vào chuồng nhưng làm tất cả những điều nó muốn.

Mỗi sáng, cái chuồng chó, có ông Darling ở trong, được khiêng ra tới chỗ một chiếc xe ngựa để chở ông đến cơ quan và đến 6h chiều thì ông quay trở về nhà cũng trong đội hình như vậy. Chúng ta hiểu rõ sức mạnh phi thường trong tính cách của ông khi nghĩ tới việc ông đã lo người ta đàm tiếu như thế nào. Nay mỗi hành động của ông đều khiến mọi người chú ý pha lẫn kinh ngạc. Chắc hẳn trong ông cũng tự cảm thấy như một cực hình nhưng ông vẫn giữ vẻ bề ngoài thản nhiên, kể cả khi bọn thanh niên chế giễu ông về ngôi nhà nhỏ bé của ông. Và ông luôn lịch sự giở mũ chào khi có một quý bà nào nghiêng người ngó vào chuồng chó của ông. Thái độ của ông Darling có thể được coi như là hơi mang tính Đông ki sốt một chút nhưng nó cũng có một ý nghĩa cao cả. Và rồi, mọi người cũng hiểu ý nghĩa sâu sắc của hành động và thấy cảm động tự trái tim nhân hậu. Từng đám đông đi theo cỗ xe ngựa và hoan hô trên đường xe qua. Các thiếu nữ xinh đẹp chen nhau xin chữ ký của ông, nhiều bài phỏng vấn trên các tờ báo có tiếng nhất được đăng, ông được mời đến dự nhiều cuộc tiếp tân thời thượng và trên giấy mời ghi rõ: "Xin đến trong chiếc chuồng của ông."

Tối thứ năm đó có nhiều sự cố. Bà Darling đang chờ chồng về trong phòng trẻ. Đau buồn hiện rõ trên gương mặt bà. Trong khi chúng ta nhìn gần vị phu nhân ấy và nhớ tới sự vui tươi trước đây của bà, sự vui tươi vốn đã ra đi cùng với các con thân yêu, tôi nghĩ rằng tôi sẽ không thể nói xấu gì bà được. Nếu bà quá yêu các con hư đốn của bà, đó cũng không phải là lỗi của bà. Hãy nhìn bà đang ngủ thiếp đi trong chiếc ghế phô-tơi: khóe môi của bà hằn xuống, đầu bà hơi gục xuống tựa như bà đang đau khổ. Có độc giả thích Peter, có người lại thích Wendy, tôi lại thích nhân vật bà Darling. Giả sử, để cho bà vui sướng, chúng ta lại thì thầm vào giấc mơ của bà là các con sắp trở về.

Sự thực là chúng đang bay thẳng cánh cách cửa sổ chưa đầy bốn cây số, nhưng chúng ta chỉ cần nói với bà Darling là chúng sẽ về nhà trong giây lát. Nào, hãy nói đi.

Chúng ta làm vậy thật là sai, vì bà Darling liền giật mình thức giấc, gọi tên các con, mà trong phòng nào có ai ngoài Nana.

- Ôi Nana, ta lại mơ thấy các con yêu quý của ta trở về.

Mắt Nana đẫm lệ nhưng nó chỉ biết nhẹ nhàng đặt chân lên đầu gối chủ, cả hai ở bên nhau như vậy khi người ta đem chuồng chó trở về.

Trong khi ông Darling thò đầu ra để hôn vợ, chúng ta có thể thấy rằng nét mặt ông gầy đi nhưng có vẻ dịu dàng hơn.

Ông đưa mũ cho Lida. Cô này cầm mũ một cách đầy vẻ coi thường vì cô ta không thể nào hiểu được những động cơ thúc đẩy một con người như vậy. Bên ngoài, đám đông đã đi cùng chiếc xe vẫn còn vỗ tay và ông tất nhiên là cảm thấy xúc động.

- Nghe họ mà xem, thật cũng mát lòng mát dạ.

- Một đám con nít - Lida cười nhạt nói.

- Hôm nay có rất nhiều người lớn - ông Darling vừa đỏ mặt vừa đảm bảo.

Nhưng khi Lida hất đầu về phía sau, ông chẳng trách cứ gì cô ta cả. Sự nổi tiếng của ông không làm ông xấu tính đi mà chỉ khiến ông trở nên dễ thông cảm hơn. Ông ngồi trên ngưỡng cửa chuồng một lát nữa, nói chuyện với bà Darling về sự nổi tiếng mới mẻ này và trong khi bà nhắc nhở ông chớ nên quá say sưa với thành công, ông xiết tay bà như để làm bà yên tâm.

- Thế nhưng nếu anh là người yếu đuối! Chúa ơi, nếu anh lại là

người yếu đuối thì sẽ ra sao!

- George - bà Darling rụt rè hỏi - anh vẫn rất ân hận phải không?

- n hận lắm em yêu ạ. Em đã thấy hình phạt của anh rồi đó: sống trong một chiếc chuồng chó.

- Nhưng có đúng đấy là hình phạt không anh? Anh có chắc là

anh không cảm thấy vui thú khi sống trong đó chứ?

- Ôi em yêu! Sao lại thế được!

Các bạn hãy tin rằng thế là đủ để bà Darling xin lỗi ông Darling. Rồi ông cảm thấy cơn buồn ngủ kéo đến, ông cuộn tròn mình lăn vào góc chuồng.

- Em có thể chơi một bài gì trên đàn piano để anh dễ ngủ được không - ông đề nghị.

Trong lúc bà đi qua phòng, ông lơ đễnh thêm:

- Với lại em đóng cửa sổ vào. Anh cảm thấy có gió lùa đấy.

- George, đừng yêu cầu em làm điều ấy. Cửa sổ luôn phải để

mở để cho các con trở về. Luôn luôn phải như vậy.

Thế là đến lượt ông xin lỗi bà. Rồi bà Darling ngồi vào đàn và chơi một bản nhạc. Chẳng mấy chốc ông chìm vào trong giấc ngủ và trong khi ông ngủ, Wendy, John và Michael bay vào qua lối cửa sổ.

Ồ không! Chúng tôi vừa mô tả như vậy vì đó là bức tranh dễ thương mà tụi trẻ tưởng tượng ra trong khi chúng rời khỏi tàu. Nhưng còn có chuyện khác đã xảy ra, vì không phải là tụi trẻ mà chính là Peter và Tinker Bell bay vào phòng.

Những lời đầu tiên của Peter giải thích tất cả:

- Tinker Bell, nhanh lên, đóng cửa sổ lại, chốt vào. Được, được rồi. Cậu và tớ ra bằng lối cửa chính và khi nào Wendy bay về tới nơi, cô ấy sẽ nghĩ là mẹ không nhớ gì đến cô ấy nữa và buộc phải ra đi cùng với tớ.

Bây giờ tôi đã hiểu cái điều khiến tôi rất ngạc nhiên là tại sao sau khi giết hết bọn cướp biển, Peter lại không quay trở về đảo và để Tinker Bell đi cùng với tụi trẻ về đất liền. Chú đã có mưu đồ bày sẵn từ lâu.

Đáng ra phải cảm thấy tội lỗi vì một hành động xấu, Peter lại nhẩy cẫng lên vui mừng. Rồi chú nhìn quanh xem ai đang chơi đàn và thì thầm với Tinker Bell:

- Mẹ Wendy đấy. Bà ấy xinh nhưng không xinh bằng mẹ tớ. Miệng bà ấy có nhiều đê khâu lắm nhưng cũng không nhiều bằng mẹ tớ.

Tất nhiên là chú không biết gì về mẹ chú nhưng đôi khi lại cứ thích dựng đứng lên như vậy.

Chú không biết tên bài ca mà bà Darling đang chơi: "Ôi tổ ấm thân yêu" nhưng chú biết lời của điệp khúc là "Trở về đi Wendy, trở về với mẹ!" và chú phấn khích kêu lên:

- Không nhá, không bao giờ Wendy trở về với bà đâu nhé, cửa sổ đóng rồi!

Chú lại hé mắt xem sao nhạc đã ngừng, và thấy bà Darling gục xuống, đầu tì vào nắp đàn, hai giọt nước mắt ứa ra.

"Bà này muốn mình mở cửa sổ đây - Peter thầm nghĩ - Nhưng mình không mở, không đời nào."

Chú lại nhìn lần nữa. Lại có hai giọt nước mắt rơi từ mắt bà Darling.

"Đúng là bà này yêu Wendy thật" - chú tự nhủ. Chú thấy giận vì bà ta không chịu hiểu tại sao Wendy không thể quay về với bà được.

Lý do rất đơn giản: "Tôi cũng yêu cô ấy, không thể nào cả tôi và bà đều có cô ấy được, thưa bà."

Tuy nhiên cái bà này lại không nghe lọt tai cái điều như thế và Peter cảm thấy bất hạnh. Chú ra sức không nhìn bà ta nhưng bà ta vẫn ám ảnh tâm trí chú. Chú bắt đầu vung vẩy tay chân, nhăn nhó mặt mày, nhưng cứ hơi dừng là lại cảm thấy bà Darling ở bên trong người chú, dường như bà ta đánh chú để tìm lấy lối ra.

- Thôi được rồi - cuối cùng chú nói, cổ họng như nghẹn lại.

Rồi chú mở cửa sổ ra.

- Nào Tinker Bell, đi thôi - chú kêu lên và cười gằn trước các quy luật của tự nhiên - Cái giống mẹ này thật ngớ ngẩn, chúng ta không cần họ.

Và chú bay đi.

Thế là khi Wendy, John và Michael về đã thấy cửa sổ mở rộng, chúng thật chẳng xứng đáng với điều đó. Chúng hạ cánh mà chẳng thấy xấu hổ gì cả. Đứa bé nhất trong ba đứa đã quên cả nhà mình rồi.

- John này - nó vừa nói vừa nghi hoặc nhìn quanh - hình như em đến chỗ này rồi.

- Rõ quá, đồ ngốc, giường cũ của em kia kìa.

- Ờ nhỉ - Michael nói không tin chắc lắm.

- Nhìn kìa - John kêu lên - chuồng chó kìa.

Và nó chạy ngay tới xem bên trong.

- Có khi Nana ở trong ấy đấy - Wendy nói.

Nhưng John huýt sáo kinh ngạc.

- Này, có một ông ở trong.

- Ba đây mà! - Wendy thốt lên.

- Cho em xem ba nào - Michael hăng hái nói và ngắm mãi ông bố - ba không to bằng tên cướp biển mà em giết đâu - nó nói tiếp với vẻ thất vọng.

May mà ông Darling đang ngủ, nếu không những lời đầu tiên mà ông nghe được từ cậu bé Michael yêu quý sẽ làm ông buồn xiết bao.

Wendy và John lại vô cùng ngỡ ngàng khi thấy ba trong chuồng chó.

- Xem nào, hồi xưa ba có bao giờ ngủ trong chuồng chó không? - John hỏi như thể không tin lắm vào trí nhớ của mình.

- John - Wendy nói cũng không chắc chắn lắm - có khi chúng mình không nhớ rõ lắm về cuộc sống ngày trước như chúng mình tưởng đâu.

Một nỗi lo khắc khoải chợt xiết lấy chúng, mà chúng cũng đáng như vậy thôi.

- Mẹ không có mặt ở đây khi chúng mình về thật không phải - cái thằng John láo xược lại còn dám nói vậy.

Chính lúc đó, bà Darling lại tiếp tục chơi đàn.

- Mẹ kìa - Wendy vươn cổ ra.

- Ờ nhỉ - John đáp.

- Wendy, thế chị không phải là mẹ thật của bọn em à? - Michael gà gật hỏi.

- Ôi lạy Chúa - Wendy cảm thấy chút ân hận đầu tiên - chúng ta đúng là đã đến lúc phải về nhà rồi.

- Chúng mình tiến lại thật khẽ rồi bịt mắt mẹ - John đề nghị.

Nhưng Wendy hiểu rằng phải thông báo tin tức một cách ít đột ngột lại có kế hoạch khác hay hơn.

- Chúng mình chui vào giường. Khi mẹ đến bên giường thì chúng mình đã nằm rồi, cứ như thể chúng mình chưa đi khỏi nhà bao giờ.

Thế là khi bà Darling quay vào phòng trẻ để xem ông chồng đã ngủ chưa, các giường đều có người ngủ. Bọn trẻ chờ đợi xem có tiếng kêu vui mừng không, chẳng có tiếng gì cả. Bà Darling đã nhìn thấy chúng nhưng bà không tin là thật. Biết bao lần bà đã mơ thấy chúng nằm trong giường nên lần này bà tưởng lại mơ một lần nữa.

Thế là bà đến ngồi bên ghế phô tơi gần lò sưởi nơi bà thường ru lũ trẻ ngày xưa.

Bọn trẻ không hiểu sao mẹ lại như vậy và một nỗi sợ hãi lạnh người choán lấy chúng.

- Mẹ! - Wendy kêu lên.

- Wendy đấy - bà Darling nói, bà vẫn tưởng rằng mình đang mơ ngủ.

- Mẹ!

- John đấy!

- Mẹ! Mẹ ơi! - Michael nay đã nhận ra mẹ.

- Đây là Michael.

Và bà giang tay về phía ba đứa trẻ ích kỷ, lòng tưởng rằng chẳng bao giờ còn được thật sự ôm lấy chúng nữa. Ấy thế mà trái lại, tay bà ôm vào Wendy, John và Michael, chúng đã trườn ra khỏi giường để lao vào lòng mẹ.

- George! Anh George! - Bà Darling kêu lên khi đã thốt được nên lời.

Ông Darling tỉnh dậy để chia sẻ niềm sung sướng của vợ và Nana cũng lao bổ vào phòng như cơn lốc. Có lẽ chẳng thể nào có một cảnh tượng tuyệt vời hơn nhưng có ai để ngắm đâu, ngoại trừ một cậu bé kỳ dị đang ngó qua cửa sổ. Chú đã có vô số những niềm hứng khởi mà những đứa trẻ khác có lẽ không khi nào có nhưng giờ lại phải ngắm nhìn qua ô cửa cái niềm vui mà mãi mãi chú chẳng bao giờ có được.

Đã sửa bởi Nminhngoc1012 lúc 30.10.2015, 13:32.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.