Ông Trùm

Chương 30




— Trang, sao con không chịu đi ra ngoài vậy..? Cứ nằm lỳ mãi trong phòng thế sao được.!

Mẹ Trang đứng ngoài cửa gọi con. Trang trùm chiếc gối lên đầu rồi trả lời bằng một giọng không mấy vui vẻ:

— Con mệt lắm, mới thi xong mẹ cũng phải để cho con nghỉ ngơi chứ. Con cũng hoàn thành đúng tâm nguyện của bố mẹ còn gì..?

Bà Nhàn thở dài lắc đầu quay lưng bỏ đi, ông Phú thấy vậy hỏi vợ:

— Con bé này dạo gần đây nó làm sao thế, hay là có chuyện gì hả bà.?

Bà Nhàn đáp:

— Tôi cũng không rõ, hỏi nó cũng không chịu nói. Nó bây giờ cứ như con robot ấy. Bảo gì làm nấy, liệu như này mà để nó lên Hà Nội học có làm sao không hả ông..? Tôi lo lắm..!!

Ông Phú nói:

— Bà còn lo gì nữa, chẳng phải đã bàn với nhau hết rồi sao. Trên đó còn có bạn tôi, gia đình họ cũng đã nhận lời giúp đỡ chuyện ăn ở. Con bé mà ở đó thì yên tâm quá còn gì. Vừa gần trường lại vừa có điều kiện sinh hoạt tốt. Chắc mới thi xong nên con nó khó chịu trong người. Cứ kệ nó, bao giờ lên Hà Nội trường mới, bạn mới, lại chẳng vui ngay ấy mà.

Định bỏ đi thì bà Nhàn quay lại hỏi chồng:

— À mà này, theo trực giác của tôi thì có khi nào con mình buồn vì thằng Nam không..? Nghe đâu nó bỏ nhà đi rồi, đợt đi họp phụ huynh thấy cô giáo nói thằng đấy nó ngỗ nghịch thay đổi nhiều lắm. Ngày trước ngoan, học giỏi là thế mà sao giờ nó lại thành thằng mất dạy như thế được nhỉ. Tôi là tôi thấy không ổn khi nhìn cái sẹo trên mặt nó rồi. Ông thì cứ quý rồi còn bảo sau này gả con gái cho nó. Đấy giờ mang đi mà gả...Phúc sao nó bỏ nhà đi chứ còn ở đây không khéo á, con bé này rồi cũng hỏng.

Ông Phú cau mày, chép miệng:

— Nó là thằng đàn ông có nghị lực, bà đừng có nói thế. Tôi còn thấy thương nó đây này, bố mẹ thì mất sớm...Rồi bà ngoại cũng chết, thằng nhóc sao lại khổ thế cơ chứ. Chắc nó phải chịu đựng nhiều lắm.

Bà Nhàn bĩu môi nguýt dài:

— Thôi thôi, chuyện nhà lo chưa xong ông còn đi lo chuyện thiên hạ. Mệt cả người....Rồi đây lo tiền học cho cái Trang chắc cũng vất vả đây. Bố con ông cứ nghe ông bà nội học đại học. Tôi thì con gái học xong một hai năm xem đám nào tốt tốt gả chồng là xong.

Ông Phú lắc đầu:

— Bà là mẹ nó mà ăn nói cứ như người ngoài ấy. Con nó học giỏi, nhà cũng không phải khó khăn gì. Hướng nó học tiếp mình là cha mẹ phải mừng chứ, đằng này.....Mà thôi tôi không nói với bà nữa, hôm nào mà đưa con lên Hà Nội tôi sẽ đi với nó.

Cuộc nói chuyện của bố mẹ bên ngoài Trang nằm trong phòng cũng đã nghe thấy hết. Nhưng Trang không bận tâm vì tranh cãi như vậy giữa bố mẹ Trang vẫn xảy ra suốt. Cầm hộp hạc giấy trong tay Trang khẽ buồn:

— Gì mà 1000 con hạc giấy cho một điều ước. Cuối cùng thì cậu coi tôi là cái gì chứ.?

Hộp hạc giấy này là món quà đầu tiên, cũng là món quà duy nhất Nam tặng cho Trang từ trước đến giờ. Không biết Nam phải thức bao nhiêu đêm mới xêp được bằng từng này hạc, chỉ biết khi nhận món quà này Trang đã mất ngủ cả tuần. Trang không ngờ cậu bạn khô khan, mặt mũi lúc nào cũng lầm lỳ khó chịu như Nam lại có thể tặng cho Trang món quà này. Đó là thời điểm bà ngoại Nam còn sống, Trang nhớ nhất khoảng thời gian đó. Hai đứa như hình với bóng, đi học có nhau, tan trường cũng đi với nhau. Cả hai cùng cố gắng để tiến bộ, Trang chính là người chứng kiến toàn bộ sự thay đổi của Nam từ xấu đến tốt và ngược lại.

Nhớ đến đây Trang vẫn không thể quên câu mà bà ngoại Nam nói với mình:

— Thằng Nam bao lâu nay nó không có bạn đâu. Đây là lần đầu tiên nó dẫn bạn về nhà đấy. Đã vây còn là bạn gái, cảm ơn cháu nhé. May mà có cháu nên nó mới được như ngày hôm nay. Bà biết cháu bà nó không được may mắn như người khác, bố mẹ thì không còn ai. Bà cũng chẳng sống được bao lâu. Biết là hai đứa bây giờ hãy còn nhỏ nhưng sau này bà nhờ cháu chăm sóc cho nó nhé..!!

Trang nắm lấy bàn tay gầy gò phủ làn da đã nhăn nheo của bà ngoại, Trang đáp:

— Dạ vâng, bà yên tâm. Cháu sẽ cố gắng hết sức...Mà bà phải thật khoẻ mạnh để còn nhìn thấy Nam thành công chứ. Nam nói sau này sẽ chăm sóc cho bà không để bà phải khổ nữa.

Bà ngoại móm mém cười, đôi mắt khẽ ướt vì cảm động:

— Bà chỉ cần thấy nó vui vẻ như bây giờ thì nhắm mắt không hối tiếc. Con bé này ăn nói đáo để quá, mày mà sống ở thời các ông các bà ngày xưa là lắm người dạm ngõ lắm đấy nhé..

Trang khẽ lau nước mắt khi những ký ức tuyệt đẹp đó bây giờ chỉ còn là quá khứ. Tất cả đã hết không còn lại gì sau khi bà ngoại mất. Trang vẫn giữ lời hứa với bà ngoại rằng sẽ cố gắng chăm sóc cho Nam. Dù cho Nam luôn hắt hủi, xa lánh Trang bằng đủ mọi cách. Người ngoài nhìn vào vẫn không thể hiểu nổi tại sao một cô gái như Trang lại suốt ngày lẽo đẽo đi theo một thằng như Nam. Bởi tận sâu trong trái tim mình Trang biết Nam không phải người như vậy. Vậy nhưng cuối cùng Nam vẫn bỏ đi không một lời từ biệt.

Khẽ lấy một con hạc để trong lòng bàn tay, Trang úp hai tay lại rồi khẽ nói:

— Hi vọng điều ước sẽ thành hiện thực.

******

Hà Nội, 5h chiều, chú Đại bước về nhà với dáng vẻ mệt mỏi. Cô nhóc nhanh nhẹn chạy ra cười toe toét:

— A chú Đại về rồi, chú đưa cháu xách đồ cho.

Nhìn bé Hạnh chú Đại dù mệt đến mấy cũng phải phì cười bởi dáng vẻ nhí nhố của nó. Chú Đại xoa đầu rồi đáp:

— Hạnh ngoan thế, ông bà đâu rồi hả Hạnh..!

Bé Hạnh trả lởi:

— Ông đi tập thể dục rồi ạ. Còn bà đang nấu cơm...Chú đi làm về có mệt không, ngày kia là chủ nhật rồi chú nhỉ..?

Chú Đại hơi do dự trước câu hỏi của con bé. Đúng rồi, ngày kia là chủ nhật....Lần trước con bé đi du lịch với lớp nên không về cùng chú Đại thăm Nam. Chú Đại có hứa tuần sau sẽ cho nó về chơi với anh, nhưng giờ anh nó đâu còn ở nhà nữa. Con bé nhìn chú Đại với ánh mắt đầy hi vọng khiến chú Đại rất bối rối. Không thấy chú Đại nói gì, bé Hạnh hỏi tiếp:

— Cuối tuần chú chở cháu về chơi với anh Nam nhé..!?

Nhìn bé Hạnh, chú Đại không biết phải trả lời thế nào, nói dối, đúng vậy giờ chỉ còn cách nói dối mà thôi. Chú Đại cúi xuống nói với Hạnh:

— Tiếc quá, tuần này chú bận công chuyện mất rồi. Không đưa Hạnh về chơi với anh được. Hạnh cho chú xin lỗi nhé.

Con bé nghe xong rơm rớm nước mắt nhưng nó vẫn cười, chỉ có điều nụ cười không còn tươi tắn như trước nữa, nó nói:

— Dạ vâng, cháu biết rồi...Hi hi vậy để bao giờ chú rảnh chú cho Hạnh về thăm anh nhé.

Nói xong Hạnh chạy lon ton vào trong bếp gọi bà:

— Bà ơi, chú Đại về rồi này...

Nhìn con bé tim chú Đại bỗng nhói lên từng cơn. Nói dối trẻ con là một điều đáng xấu hổ, nhưng ngoài nói dối thì còn cách nào..? Chẳng lẽ nói anh nó đã bỏ nhà đi đến giờ vẫn không rõ tung tích. Phải tìm ra một lý do nào đó để nói với con bé mà không khiến nó buồn. Mới nhỏ xíu mà đã phải sống nay đây mai đó. Dù ngôi nhà này luôn dành hết tình cảm cho Hạnh nhưng suy cho cùng tình máu mủ vẫn là thứ không ai có thể thay thế, bù đắp được.

Mẹ chú Đại đi ra nói:

— Khổ thân, con bé nó đợi cả tuần nay rồi. Hay giờ cũng hết thời điểm học hành rồi, hôm nào con đón thằng Nam lên đây. Cả cái Thuý nữa, lâu lắm rồi bố mẹ cũng không gặp con bé. Cứ thế này mẹ còn tưởng chúng mày không còn liên quan đến nhau nữa đấy.

Chú Đại thở dài trả lời mẹ:

— Chuyện đến nước này con cũng không giấu bố mẹ nữa. Tối nay con sẽ kể cho bố mẹ nghe.....

Cùng lúc đó tại một quán ăn Hàn Quốc:

— Thuý ăn đi chứ, hay là tại những món này không hợp khẩu vị.

Cô Thuý ngượng ngùng đáp:

— À không không..Tớ ăn được, chỉ có điều khung cảnh này nó cứ làm sao ấy..!!

Dưới ánh đèn lấp lánh, những đồ vật bài trí vô cùng lãng mạn, nào là những cây giả lá phong treo những hình trái tim, những bản nhạc tình. Những bàn bên cạnh đều là các cặp đôi đang cùng nhau dùng bữa đầy tình cảm. Có vẻ như quán ăn này là địa điểm dành cho những người đang yêu nhau. Điều đó khiến cô Thuý thấy hơi ngại. Trung làm bộ ngơ ngác:

— Sao là sao..? Trung thấy đồ ăn ở đây ngon mà. Để Trung lấy cho Thuý....

Mọi cử chỉ, hành động tình tứ của Trung với cô Thuý, những nụ cười e thẹn của cô Thuý với Trung đang được quay lại một cách cặn kẽ....Trong khung cảnh lãng mạn ấy một âm mưu đang được thực hiện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.