Ơgiêni Grăngđê

Chương 6: Sự đời là thế




Đến ba mươi tuổi, Ogieni vẫn chưa từng nếm qua một cảnh lạc thú nào ở đời. Tuổi ấu thơ buồn nhạt của nàng đã trôi qua bên cạnh một bà mẹ luôn luôn đau khổ vì người ta không hiểu mình, người ta giày vò quả tim mình. Được chết đi bà ta lấy làm sung sướng, chỉ thương con gái phải sống ở đời. Bà để lại cho nàng một ít ân hận và bao nhiêu nỗi thương nhớ không nguôi.

Mối tình đầu, mối tình duy nhất của Ogieni chỉ làm cho nàng sầu muộn. Mới biết qua người yêu mấy ngày, nàng đã trao quả tim cho chàng giữa hai cái hôn lén lút. Thế rồi chàng ra đi để cho hai người cách nhau cả một thế giới biển trời. Mối tình ấy, cha nàng nguyền rủa; nó làm cho mẹ nàng hầu như chết vì nó; nó mang lại cho nàng nhiều đau khổ với một ít hy vọng mong manh. Như thế là đến nay nàng đã mất nhiều công sức để vượt lên tìm hạnh phúc, mà công sức ấy không được đền bù. Tâm hồn cũng hô hấp như cơ thể: mỗi tâm hồn cần hấp thu tình cảm của một tâm hồn khác, biến nó thành tình cảm của mình để trả trở lại cho người ta phong phú hơn xưa. Không có sự trao đổi đẹp đẽ thường tình ấy thì quả tim không sống được. Nó sẽ thiếu không khí, quằn quại và chết mòn.

Ogieni bắt đầu buồn khổ. Nàng không coi sự giàu có là một uy thế, cũng không lấy đó làm một niềm an ủi. Nếu không có tình yêu, không có đạo Chúa, không có đức tin ở tương lai thì nàng không thể sống. Tình yêu làm cho nàng hiểu cái vũ trụ vô thủy vô chung. Quả tim nàng cùng với quyển Kinh Thánh đã vạch cho nàng hai thế giới ao ước. Ngày đêm hồn nàng vật vờ trong hai cõi vô tận ấy, hai nhưng đối với nàng có lẽ chỉ một . Yêu và tin là mình được yêu, nàng thu mình vào đời sống bên trong. Từ bảy năm nay mối tình của nàng át tất cả. Kho báu của nàng không phải là những triệu bạc mà lợi tức mỗi năm mỗi chồng chất lên cao; kho báu của nàng chính là cái hộp của Saclo, là hai bức chân dung treo trên giường nằm, là những thứ trang sức chuộc từ tay cha, xếp kiêu hãnh trên một lớp bông mịn, trong ngăn kéo cái tủ cổ xưa; là cái bao ngón của bà thím đã qua tay mẹ nàng dùng, mà ngày ngày nàng kính cẩn mang vào để tiếp tục bức thêu dang dở; bức thêu kia cũng như tấm gấm nàng Penelop dệt mãi không thành, nàng bày ra làm chẳng qua chỉ để đeo vào tay chút vàng mang nhiều kỷ niệm ấy.

Lòng hiếu thảo của cô Grangde ai cũng biết, không có lý nào cô chịu lấy chồng trong thời kỳ tang chế, bởi vậy nhà họ Cruyso theo đường lối sáng suốt của ông linh mục, chỉ bao vây cô thừa kế bằng một sự chăm nom hết sức trìu mến mà thôi. Ở nhà nàng, mỗi buổi tối, gian phòng khách lại đầy những tay trung thành và sốt sắng nhất trong phái Cruyso. Họ lấy hơi ra sức tâng bốc cô chủ nhà bằng đủ các giọng điệu. Nàng cũng có quan thái y túc trực, quan tư tế đại thần, quan điện tiền thị vệ, bà đệ nhất nghi lễ phu nhân, quan tể tướng, quan tư khấu, một vị tư khấu chỉ trực tâu bày tất cả với nàng. Giá nàng muốn có một vị đại thần nâng áo cho hệt các vị đế vương thì người ta cũng tìm ra ngay. Nàng là một nữ hoàng, một bà nữ hoàng được người ta tâng bốc khéo léo nhất. Thói nịnh hót không phải là việc của những người cao thượng; nó là việc của những người ti tiện, họ có tài tự làm cho nhỏ bé thêm để dễ lọt vào vòng tuần hoàn của nhân vật mà họ muốn chầu. Sự nịnh hót bao giờ cũng hàm ý vụ lợi. Những nhân vật mỗi buổi tối đến ngồi lổm ngổm ở nhà cô Grangde, mà họ gọi tên là tiểu thư Đo Phoroaphong, đã tài tình tìm được cách dội lời tán tụng xuống người cô như mưa.

Bản hợp xướng ngọt ngào, lúc đầu mới lạ làm cho Ogieni xấu hổ. Nhưng dần dần, và mặc dù những lời tán tụng sắc đẹp của nàng quá sống sượng, nàng nghe cũng quen tai, cho đến nỗi giá có người nào mới đến bảo nàng xấu xí thì nàng sẽ lấy làm vô cùng khổ tâm hơn là nghe như thế tám năm về trước. Cuối cùng nàng cũng đâm ra ưa những lời đường mật ấy và kín đáo mang đặt dưới chân thần tượng xa xôi. Được tôn nữ hoàng, nàng dần dà quen đi, và quen thấy cái sân chầu của mình tối nào cũng đủ mặt bá quan.

Quan chánh án Đo Bongphong là tay kiệt hiệt giữa triều; người ta luôn tán tụng quan thông minh tuấn tú, đọc thông vạn quyển, lịch sự với mọi người. Người này nhận xét là từ bảy năm nay sản nghiệp của quan chánh án không ngừng phát triển; là ấp Đo Bongphong mỗi năm thu hoạch ít nhất một vạn phorang hoa lợi mà ấp ấy lại nằm lọt vào giữa những đồng ruộng mênh mông của cô thừa kế, cũng như tất cả bất động sản khác của nhà Cruyso. Một người khách quen thuộc khác bảo:

-Thưa tiểu thư, tiểu thư có biết rằng gia tài của ba ông Cruyso gộp lại có đến bốn vạn phorang lợi tức đồng niên không?

Cô Gricobua già cùng cánh với họ Cruyso thêm:

-Còn tiền dành dụm của họ nữa. Một ông ở Pari về vừa rồi đã trả mua phòng trưởng khế của ông Cruyso hai mươi vạn phorang. Nếu được bổ làm quan tòa tạp tụng thì ông ấy sẽ bán phòng trưởng khế.

Bà Doocxongvan phụ họa:

- Ông ta muốn kế vị cho ông Đo Bongphong nên lo trước, bởi vì quan chánh án chắc chắn sẽ thăng bồi thẩm tòa thượng thẩm, rồi chánh án thượng thẩm. Quan có nhiều phương tiện quá không thể không hiển đạt.

- Vâng, một người khác xen vào, ông ấy quả thật là một nhân vật lỗi lạc. Thưa tiểu thư, tiểu thư có thấy thế không?

Quan chánh án cố nhập vai mình đóng. Dù đã bốn mươi tuổi, dù có bộ mặt màu nâu, quăm quắm, tàn tạ như tất cả các bộ mặt củ giới tư pháp, quan cũng diện kiểu thanh niên và múa may một cây gậy song; quan không hít thuốc lá ở nhà tiểu thư Đo Phoroaphong; quan thắt ca vát trắng và mặc áo sơ mi ngực phồng có nhiều nếp lớn. Trông cái ngực sơ mi ấy, cứ tưởng quan có họ với gà. Quan nói năng thân mật với cô thừa kế xinh đẹp và thường gọi: “Ogieni thân mến của chúng ta”.

Tóm lại, cảnh buổi tối ở nhà Grangde ngày nay cũng không khác gì ngày xưa, duy vắng mặt ông bà Grangde, khách khứa đông hơn và đánh bài Anh chứ không đánh lô tô nữa. Đoàn chó săn vẫn đuổi sát Ogieni và những triệu bạc của cô, tuy đoàn chó bây giờ đông hơn, đánh hay hơn, và nhất tề bao vây con thú. Nếu Saclo từ Ấn Độ xa xôi trở về, thì Saclo cũng chỉ thấy lại những nhân vật quen biết, với động cơ ngày nào. Bà Đe Gratxanh được Ogieni đối đãi rất tốt và rất lịch sự; bà vẫn tiếp tục châm chọc bọn Cruyso. Cũng như ngày xưa, trong khung cảnh ấy, Ogieni vẫn là nhân vật trung tâm và nếu Saclo có mặt, Saclo vẫn là ông hoàng ngự trị. Nói thế chứ cũng có một sự tiến bộ: cái bó hoa quan chánh án mừng lễ sinh nhật Ogieni đã trở thành một bó hoa to rất đẹp, tối nào quan cũng mang đến dâng đều đặn cho cô thừa kế triệu phú. Trước mặt mọi người, bà Coocnoie đem hoa cắm vòa lọ, khi khách khứa về hết, bà bí mật mang ra vứt ở góc sân.

Đầu mùa xuân, muốn quấy bọn Cruyso, bà Đe Gratxanh mang hầu tước Phoroaphong ra tán với Ogieni. Gia tư suy sụp của hầu tước có thể vực dậy nếu thông qua hôn nhân. Ogieni giao hoàn ấp Phoroaphong lại cho ngài. Bà Đe Gratxanh tán tụng với Ogieni cái danh vị thượng khanh, cái danh vị hầu tước phu nhân, Ogieni cười nhạt. Lầm hiểu nụ cười ấy là dấu hiệu đồng tình, bà ta đi rêu rao khắp nơi rằng việc hôn nhân của quan chánh án chưa đi đến đâu hết, chứ không như người ta tưởng. Bà bảo:

- Mặc dù hầu tước Phoroaphong năm mươi tuổi, ngài cũng không có vẻ gì là có tuổi hơn ông chánh án. Đành rằng ngài đã được một đời vợ và có con riêng, nhưng ngài là hầu tước, ngài sẽ là thượng khanh, thời buổi này còn tìm đâu một đám cỡ ấy. Tôi biết chắc mười mươi rằng khi ông Grangde đập tất cả gia sản của ông vào đất Phoroaphong là ông có ý định ghép cành lên họ Phoroaphong. Ông ấy đã nhiều lần nói với tôi như thế. Cái bố già ấy láu cá lắm.

Một buổi tối kia, khi lên giường đi ngủ, Ogieni nói:

- Sao thế chị Nanong nhỉ? Bảy năm trời mà chàng không gửi cho tôi một bức thư!

Trong khi những sự việc trên đây diễn ra ở Xomuya thì ở Ấn Độ, Saclo đương làm giàu!

Thoạt đầu, lô tạp hóa của hắn bán rất chạy. Trở bàn tay, hắn đã kiếm ra số tiền sáu ngàn đô la. °(Lúc ấy, một đô la Mỹ bằng hơn năm phorang Pháp). Thụ lễ vượt xích đạo °(Tục hàng hải ngày xưa, khi tàu ở Bắc bán cầu vượt qua xích đạo thì người ta làm phép tưới nước cho những người mới vượt xích đạo lần đầu để cầu may), hắn cũng bỏ lại khá nhiều thành kiến của xã hội văn minh; hắn nhận thấy cách tốt nhất để làm giàu ở vùng nhiệt đới cũng như ở Châu Âu là buôn người. Vì vậy, hắn đến bờ biển châu Phi buôn người da đen. Đồng thời với món hàng chính ấy, hắn còn buôn thêm những thứ hàng hóa bán có lời nhất ở mấy thị trường mà công việc buôn người của hắn đưa tới. Hắn làm quần quật, không có chút nào rỗi rãi. Mọi hành động, mọi ý nghĩ của hắn đều xuất phát từ ý định một ngày kia sẽ tái hiện ở Pari trong cảnh phú quý lộng lẫy, và sẽ chiếm một địa vị còn cao sang hơn cái địa vị hắn đã từ đó rơi xuống ngày xưa. Lăn lóc qua nhiều xứ sở, chung đụng với nhiều hạng người, nhìn thấy phong tục ở các nơi trái ngược với nhau, tư tưởng của Saclo biến đổi và hắn trở thành hoài nghi. Hắn không có ý niệm nhất định về chính nghĩa và phi nghĩa, khi thấy cái này ở xứ này thì coi là đạo đức thì xứ kia lại cho là tội ác. Vì luôn luôn cọ xát với tiền bạc, tim hắn lạnh đi, co lại và khô cằn. Dòng máu Grangde không chảy hoài công trong tim hắn, không phụ sự nghiệp hắn, hắn trở thành tàn nhẫn, chăm bẵm làm tiền. Hắn buôn người Trung Hoa, người da đen, tổ yến, trẻ con, nghệ sĩ; hắn cho vay nặng lãi một cách quy mô. Thói quen vi phạm luật quan thuế khiến cho hắn bớt đắn đo về luật làm người. Hắn đi Xanh Toma mua hàng bọn đạo tặc cướp được, với giá rẻ mạt, để mang đi bán ở những nơi khan hiếm. °(Cửa biển ở quần đảo Angti vùng Trung Mỹ).

Hình ảnh thanh cao trong trắng của Ogieni đi theo với hắn trong cuộc hành trình thứ nhất, cũng như bức tranh Đức Mẹ mà người thủy thủ Tây Ban Nha treo trêm tàu mình. Buổi đầu Saclo cho rằng mình thành công là do ảnh hưởng kỳ ảo của những lời cầu nguyện của người thiếu nữ dịu dàng đó. Về sau, vô số những gái da đen, da trắng, lai, Chà và, vũ nữ Ai Cập, những đêm trác táng, những chuyện trăng hoa đây đó xóa hẳn hình ảnh cô chị họ Xomuya trong ký ức hắn, cùng với ngôi nhà, cái ghế gỗ, cái hôn trao đổi ở hành lang. Hắn chỉ nhớ mảnh vườn con có mấy bức tường cũ vây quanh, bởi vì số kiếp phiêu lưu của hắn bắt đầu từ nơi ấy. Còn đối với họ hàng thì Saclo không thừa nhận: Bác hắn là một con chó già đã mua lừa đồ trang sức của hắn, Ogieni thì chẳng còn ở trong tim cũng chẳng ở trong trí hắn; trong công việc kinh doanh của hắn, nàng chiếm vẻn vẹn cái cương vị một người chủ nợ đã cho hắn vay sáu nghìn phorang. Thái độ ấy làm cho ta hiểu vì sao Saclo chẳng có tin tức gì về cho Ogieni.

Làm ăn ở Ấn Độ, ở Xanh Toma, trên bờ biển châu Phi cũng như ở Lisbon và Hoa Kỳ, tay gian thương ấy đã đội cái tên giả là Xiphoc, để cho tên tộc mình khỏi bị dây bẩn. Với cái tên Cac Xiphoc thì ở chỗ nào cũng có thể hoạt động không mệt mỏi, táo tợn, tham lam mà không ngại. Kiên quyết làm giàu bất chấp thủ đoạn, hắn giống như những người vội vã sống cho xong cảnh sống đê hèn để làm một người lương thiện trong những ngày còn lại. Với chủ nghĩa ấy, Saclo xây dựng cơ đồ một cách rực rỡ và chóng vánh.

Và thế là năm 1872, hắn cập bến Boocdo trên chiếc tàu buôn Mari Carolin xinh xắn, thuộc một hãng buôn bảo hoàng. Hắn có ba thùng vàng tấm đóng đai rất chắc chắn, trị giá một trăm chín mươi vạn phorang, hắn dự trù đem bán ở Pari sẽ còn lời bảy tám phân nữa.

Trong chuyến tàu ấy có một vị quý tộc quan hầu của hoàng thượng Saclo X. Đó là Đobriong, một ông già hiền lành, trước kia đã điên rồ cưới một bà vợ ăn diện. Gia tư ông ở cả bên quần đảo.°(tên gọi chung thông thường những hòn đảo thuộc quần đảo Angti nằm trong vịnh Mechxich). Để bù đắp vào chỗ xa xỉ của phu nhân Đobriong, ông phải sang Quần đảo để bán sự nghiệp. Ông Đobriong là dòng dõi họ Đobriong Đo Buyso mà vị tướng quân cuối cùng°(Tước vị cha truyền con nối từ đời xưa, đã bị xóa bỏ với Cách mạng 1789, sau này được Lu-i XVIII, Saclo X khôi phục) đã chết trước năm 1789. Hai ông bà chỉ còn hai vạn phorang thực lợi. Họ có một người con gái khá xấu xí mà bà mẹ muốn gả không của hồi môn, bởi vì với chừng ấy lợi tức, họ sống ở Pari cũng còn là vất vả. Ý định ấy của bà Đobriong, những người lịch thiệp đều cho là khó lòng thực hiện, mặc dù họ biết rằng những bà thượng lưu ấy khôn khéo ghê lắm. Cho đến ngay cả bà Đobriong cũng vậy, càng nhìn con, bà càng hầu như hết hy vọng đem buộc nó vòa lưng một anh chàng nào, dù anh chàng đó mê say những tước vị quý tộc.

Cô Đobriong là một tiểu thư dài thườn thượt như con chuồn chuồn kim, gầy ốm, mảnh khảnh. Cô có cái miệng khinh người. Từ phía trên mồm thông xuống một cái mũi quá dài, chóp mũi to, bình thường thì vàng nhợt, khi cơm xong thì đỏ lừ. Cái mũi ấy có vẻ là một loài thực vật: mọc giữa một bộ mặt nhợt nhạt ngán ngẩm, nó càng làm cho người ta khó coi hơn bất cứ ở một bộ mặt nào. Tóm lại dung nhan cô thuộc loại làm toại nguyện những bà mẹ ba mươi tám tuổi, còn xinh đẹp và còn có tham vọng. Để bù đắp những nhược điểm trong nhan sắc con, bà hầu tước tập cho con một dáng điệu cao nhã, bắt con theo một nền nếp vệ sinh có tác dụng tạm giữ cái mũi ở màu sắc phải chăng. Bà lại dạy cho cô gái thuật ăn mặc vừa mắt nhất, tập cho cô những cử chỉ duyên dáng, luyện cho cô đôi mắt u hoài khiến người đàn ông để ý và ngỡ mình đã tìm được nàng tiên mơ ước bấy lâu. Bà lại truyền cho con cái bí quyết sử dụng đôi chân đê những khi cái mũi ngang trái bất thần đỏ lên thì cô đẩy bàn chân ra rất kịp thời, khiến cho người ta trố mắt khâm phục nó thon, nó nhỏ. Tóm lại phu nhân đã sử dụng tiểu thư một cách rất đắc thế. Nhờ dùng những ống tay rộng, những áo chẽn rối trá, những áo phồng độn rất công phu và một cái coocxe ép xác, bà đã chế tạo rất khéo những bộ phận cơ thể phụ nữ. Đáng lẽ ra bà nên mang những thứ ấy trưng bầy trong viện bảo tàng, để cho các bà mẹ học tập.

Saclo làm thân với bà Đobriong trong khi chính bà cũng muốn làm thân với Saclo. Nhiều người còn nói rằng trong những ngày vượt biển, bà Đobriong xinh đẹp kia không từ bỏ một thủ đoạn nào đê gài bẫy cho được một chàng rể giàu lớn như thế. Bởi vậy khi đến Boocdo tháng sáu năm 1827, hầu tước Đobriong, phu nhân, tiểu thư và Saclo cùng trọ một khách sạn rồi cùng lên đường đi Pari với nhau. Biệt thự Đobriong ở Pari đã trấp trái cho vô số chủ nợ, thì Saclo sẽ là người giải thoát cho nó. Bà Đobriong đã bắt đầu nói đến sự sung sướng được nhường tầng dưới cho con gái và chàng rể. Không cố chấp về dòng dõi như ông hầu tước, bà hứa sẽ tâu xin với vua Saclo X ban cho một đạo dụ cho phép Saclo Grangde mang tên Đobriong, và dùng gia huy họ Đobriong. Saclo còn sẽ có quyền tập tước hầu cuẩ ông Đobriong và tước Đo Buyso tướng quân, nếu chàng bỏ ra ba mươi sáu ngàn phorang thực lợi đê lập hương hỏa cho họ Đobriong. Nhập hai gia tài lại với nhau và ăn ở thuận hòa, rồi xin giữ vài chức vị bổng hời ít việc nữa, thì hàng năm bố và con rể sẽ thu khoảng trên mười vạn phorang lợi tức. Bà Đobriong bảo Saclo:

- Khi người ta có mười vạn phorang thuế bổng, có tên tuổi, có gia đình, và được vào chầu vua- vì tôi sẽ xin cho anh một chức gia thần- thì người ta muốn trở nên ông gì mà chẳng được! Thế là tùy anh chọn, anh có thể làm quan chưởng lý trong viện tham chính, quan trấn thủ tỉnh thành, hoặc bí thư đại sứ quán, sứ thần. Hoàng thượng mến ông Đobriong lắm: các ngài chơi với nhau từ thuở bé.

Người đàn bà ấy làm Saclo khướt say danh vọng. Trong những ngày vượt biển khơi, hắn luôn luôn mơn trớn những ước mơ do một miệng lưỡi khôn khéo nhen vào gan ruột hắn bằng những câu tâm sự lòng ngỏ với lòng. Tưởng rằng công việc của cha hắn, ông bác đã dàn xếp xong, hắn bỗng mường tượng thấy mình rơi giữa phố Xanh Giecmanh °(Phố quý tộc của Pari hồi ấy), một nơi mà lúc bấy giờ ai cũng muốn đến; ở đấy, núp dưới cái bóng tím của tiểu thư Matindo, hắn tái hiện làm bá tước Đobriong cũng như họ Deux đến một lúc nào đó đã tái hiện Brode °(Một họ quý tộc ở Pháp, trước tên là Deux, sau mua hầu ấp Brode nên lấy tên ghép là Deux Brode. Tên này người ta ghi nhớ vì hồi Cách mạng 1780, có một hầu tước Deux Brode mang lệnh của vua Lu-i XVI đến giải tán quốc hội bị nhà hùng biện trứ danh Mirabo, đại biểu của bình dân, mắng cho một câu bất hủ và đuổi về). Khi Saclo ra đi, nền Phục hưng °(Phục hưng tức Phục hưng quân chủ: chính thể quân chủ phục hồi sau khi Napoleong sụp đổ 1815- 1830) bấp bênh, nay về, cảnh hưng thịch của nó làm hắn lóa mắt; ưu thế rực rỡ của những tư tưởng quý phái làm hắn choáng váng; sự ngây ngất bắt đầu từ dưới tàu và tiếp diễn ở Pari khiến hắn quyết tâm làm đủ mọi cách để đạt cái địa vị cao sang mà bà mẹ vợ ích kỷ đã hé cho hắn thấy. Người chị họ chỉ còn là một chấm mờ trên bức tranh xán lạn ấy.

Saclo gặp lại Annet. Là một người đàn bà thạo đời, Annet sốt sắng khuyên hắn kết duyên với cô Đobriong và hứa sẽ lấy thế thần của mình giúp hắn thực hiện những điều mong ước. Xúi Saclo lấy một tiểu thư xấu xí và chán ngắt, Annet lấy làm đắc sách lắm, vì những năm trú ngụ ở Ấn Độ đã làm cho Saclo có một vẻ người thật quyến rũ, da hắn rám nâu, cử chỉ hắn quả quyết, quen thống trị và chiến thắng.

Thấy mình có thể có một vai trò ở Pari, Saclo cảm thấy khoan khoái dễ thở.

Biết tin Saclo làm giàu trở về và sắp cưới vợ, Đe Gratxanh đến tìm hắn bảo hắn bỏ ra ba mươi vạn phorang để trang trải nợ nần của cha hắn. Ông ta gặp Saclo đang thương lượng với người thợ vàng để đặt các thứ nữ trang đi lễ cưới tiểu thư Đobriong; người thợ vàng chỉ cho Saclo xem các hình mẫu vẽ những thứ trang sức ấy. Mặc dù đã có những viên kim cương rất đẹp mang về từ Ấn Độ, công làm, số lượng vàng bạc cần thiết cùng với những đồ trang trí bằng bạc của đôi vợ chồng trẻ cũng tốn trên hai mươi vạn. Saclo không nhớ ra ông Đe Gratxanh; hắn tiếp ông với một cái vẻ xấc xược của một thanh niên đác thế, một tay đã giết bốn đối thủ trong mấy cuộc đấu tay đôi ở đất Ấn. Ông Đe Gratxanh đến lần này là lần thứ ba, Saclo lạnh nhạt ngồi nghe. Rồi cũng không hiểu thật rõ ông Đe Gratxanh nói gì, hắn đáp:

- Việc của cha tôi không phải là việc của tôi. Thưa ông, tôi cảm ơn ông về công việc khó nhọc của ông lâu nay mà thật tình tôi không biết cách hưởng thụ. Tôi đổ mồ hôi ra chắt bóp được ngót hai triệu không phải là để vứt lên đầu những chủ nợ của cha tôi.

- Nhưng nếu trong mấy hôm nữa, ông cụ bị tuyên bố vỡ nợ thì thế nào?

- Thưa ông, trong mấy hôm nữa, tôi sẽ là bá tước Đobriong. Ông hiểu cho rằng như thế thì cái vỡ nợ kia không liên can gì đến tôi cả. Huống nữa, điều này chắc ông còn biết rõ hơn tôi, khi người ta có mười vạn phorang thực lợi thì cha người ta không bao giờ là người vỡ nợ.

Saclo vừa nói thêm câu sau vừa nhã nhặn đẩy ông Đe Gratxanh ra cửa.

Đầu tháng tám năm nay, Ogieni xuống ngồi ở cái ghế gỗ dài, ở đấy Saclo đã thề yêu nàng trọn đời. Những buổi mai đẹp trời, Ogieni thường xuống đó ăn sáng. Buổi mai rất mát, rất tươi hôm nay, cô gái đáng thương ôn lại những biến cố lớn nhỏ trong cuộc tình duyên của cô, rồi những tai họa tiếp theo đó. Ánh nắng rọi lên những mảng tường đẹp, nứt nẻ, gần đổ. Theo lệnh của cô chủ kỳ khôi, không ai được động tới mảng tường ấy, tuy lão Coocnoie thường nói với vợ rằng một ngày kia nó sẽ đè chết người. Lúc ấy người phu trạm gõ cửa đưa cho bà Coocnoie một phong thư. Bà chạy ra vườn gọi:

- Cô ơi, có thư!

Bà ta đưa thư cho cô chủ, hỏi:

- Có đứng là cái thư cô mong không?

Những tiếng ấy vang dội trong tim Ogieni cũng như nó vang dội giữa mấy bức thành trong vườn.

- Pari! Thư của chàng! Chàng đã về!

Ogieni tái mặt, cầm nguyên phong thư một lúc. Nàng hồi hộp quá không thể bóc ra xem. Mụ Nanong đứng yên, hai tay chống nạnh, vẻ vui mừng thoát ra như khói từ các đường nứt nẻ trên mặt.

- Xem đi chứ, cô...

- Ôi! Chị Nanong ơi, chàng ở Xomuya đi, sao về lại về Pari?

- Cứ xem khắc biết.

Ogieni run rẩy xé phong bì. Một cái ngân phiếu để lĩnh ở ngân hàng Bà Đe Gratxanh và Core rơi xuống, mụ Nanong nhặt.

“Chị thân mến...”

Ta không là Ogieni nữa! Nàng nghĩ thế, lòng thắt lại.

“Chị”...

Xưa chàng gọi: Em!

Nàng khoanh tay lại không dám xem nốt bức thư. Từng giọt nước mắt lớn trào lên khóe mắt.

- Cậu ấy chết rồi hay sao? Mụ Nanong hỏi.

- Chết đã không viết thư!

Rồi nàng đọc hết bức thư sau đây:

“Chị thân mến,

chị biết tin tôi thành công chắc cũng lấy làm vui sướng. Chị thật là may tay nên ngày nay tôi trở về giàu có. Tôi đã làm theo lời bác dặn bảo. Ông Đe Gratxanh vừa cho tôi biết bác đã qua đời. Cha mẹ già thì chết, đến lượt ta nối dõi ở đời, đó là lẽ tạo hóa. Tôi hy vọng ngày nay chị đã khuây khỏa. Không có cái gì chống nổi với thời gian, tôi đã thí nghiệm chị ạ. Vâng, tôi đã thí nghiệm, thưa chị, và khổ cho tôi, cái thời kỳ mộng ảo đã qua. Biết làm thế nào! Lênh đênh ở những bờ xa bến lạ, tôi đã ngẫm nghĩ về việc đời, cho nên lúc ra đi tôi còn là một đứa trẻ, nay về tôi đã là người trưởng thành. Ngày nay tôi nghĩ đến lắm việc xưa kia không nghĩ tới. Chị vẫn tự do, tôi vẫn chưa có vợ, bề ngoài thì không có gì ngăn trở chúng ta thực hiện những dự định nhỏ bé của chúng ta ngày nào. Nhưng tính tôi trung thực, không đành giấu giếm với chị tình hình làm ăn của tôi. Tôi không quên rằng duyên tôi đã hứa. Trong hành trình dằng dặc, tôi vẫn luôn nhớ tới chiếc ghế gỗ dài, bé bé...”.

Ogieni đứng phắt dậy như ngồi phải đống than hồng đi đến ngồi trên một bực tam cấp trong vườn.

“...Chiếc ghế gỗ dài, be bé của chúng ta ngồi thề yêu nhau đến bạc đầu; cái hành lang, cái gian phòng xám, cái buồng áp mái tôi ngủ và cái đêm chị nhã nhặn giúp cho tiền đồ tôi hanh thông. Vâng, những kỷ niệm ấy đã nâng đỡ nghị lực tôi. Tôi tự nhr rằng chị vẫn nghĩ đến tôi cũng như tôi nghĩ đến chị mỗi khi đến cái giờ chúng ta giao hẹn với nhau. Có phải chị nhìn mây mỗi buổi sáng lúc chín giờ không? Phải chứ? Bởi thế tôi không muốn phụ bạc một mối tình mà tôi coi là thiêng liêng; không, tôi không có quyền lừa dối chị. Vụ hôn nhân tôi đương trù tính đây đáp ứng đầy đủ quan niệm của tôi về hôn nhân. Trong hôn nhân, ái tình là ảo tưởng. Ngày nay, kinh nghiệm ở đời cho tôi biết là cần phải tuân theo tất cả những tập quán xã hội, và muốn kết hôn, phải thỏa mãn tất cả những ước lệ mà xã hội thượng lưu đòi hỏi. Thế mà giữa chúng ta, chuyện trước tiên là có một sự chênh lệch về tuổi tác °(Ogieni chỉ hơn Saclo một tuổi), sau này có lẽ nó sẽ có ảnh hưởng không tốt tới tương lai của chị hơn là của tôi. Tôi không nói đến nếp ăn ở, đến giáo dục, tập quán của chị, nó không hợp tí nào với đời sống ở Pari, và chắc cũng không khớp với những dự định của tôi sau này. Tôi chuẩn bị sống đàng hoàng sang trọng, tiếp nhiều khách khứa, nhưng tôi nhớ là chị chỉ thích một đời sống êm đềm, yên tĩnh. Không, tôi còn phải hành thành thật hơn nữa, tôi muốn mời chị giám định hoàn cảnh của tôi bây giờ. Chị có quyền biết và có quyền phán xét. Ngày nay tôi có tám vạn phorang thực lợi. Cái gia sản ấy cho phép tôi cầu thân với gia đình Đobriong; cô thừa kế của gia đình ấy mười chín tuổi; kết duyên với tôi, cô ta sẽ mang lại cho tôi một cái tên, một cái tước, một chức vụ quan hầu danh dự của một nhà vua và một địa vị rực rỡ nhất. Tôi thú thật với chị là tôi chẳng yêu gì cô Đobriong. Nhưng kết duyên với cô ta, tôi bảo đảm cho con cái tôi một địa vị xã hội mà những cái lợi về sau không tính xiết, bởi vì càng ngày tư tưởng quân chủ càng đắc thế. Nghĩa là mai kia, với cái tước Đobriong hầu và món của hương hỏa bốn mươi vạn phorang thực lợi, con tôi có thể chọn địa vị nào tùy nó thích trong bộ máy nhà nước. Chúng ta phải sống vì con cái chúng ta.

Chị thấy không, tôi đã phơi bày hết lòng dạ ra với chị: quả tim tôi thế nào, của cải tôi ra sao, hy vọng tương lai của tôi có những gì, tôi đã nói hết. Về phía chị, có thể chị đã quên những trò trẻ con của chúng ta sau bảy năm cách biệt. Riêng tôi thì tôi không quên sự độ lượng của chị, cũng không quên lời hẹn của tôi. Tôi nhớ cả, nhớ đên những lời hứa nhẹ dạ nhất, những lời nếu không phải một thanh niên có lương tâm, không tươi trẻ hồn nhiên, không trung thực như tôi thì đã quên bay quên biến. Nói với chị là tôi lấy người vợ này là tính toán, và tôi vẫn còn nhớ cuộc tình duyên những ngày thơ ấu của chúng ta, không phải là tôi đã tự mình đặt mình dưới quyền xử lý của chị, tôn chị làm người trọng tài cho số phận của tôi hay sao? Nói thế cũng như nói với chị rằng nếu cần từ bỏ những hoài bão công danh của tôi, thì tôi sẽ vui lòng đón cái hạnh phúc giản dị trong lành mà chị đã cho tôi nhìn thấy một vài hình ảnh cảm động...”

Khi ký mấy chữ:

“Người em họ tận tình của chị

Saclo”.

Saclo đã ca: Tăng ta ta- Tăng ta ti. Tanh ta ta- Tun! Tun ta ti. Tanh ta ta v. v.. theo điệu Nongpiuangdorai.

*Có lẽ là một điệu dân ca của người da đen, mà Saclo học được trong lúc đi buôn người

Hắn lại tự bảo:

- Tiên phật thánh thần ơi! Chuyện có thế mà mình phải dàn ra lắm lễ nghi!

Rồi hắn tìm cái ngân phiếu và viết thêm:

“TB- Tôi đính theo thư một ngân phiếu tám nghìn phorang tên chị, trả ở ngân hàng Đe Gratxanh bằng tiền vàng. Tiền ấy gồm cả vốn lẫn lãi số tiền chị đã có lòng tốt cho tôi vay ngày trước. Tôi đang chờ cái hòm ở Boocdo về, trong ấy tôi có một vật tôi mong chị sẽ cho phép tôi biếu chị để tỏ lòng biết ơn trường cửu của tôi. Chị có thể gửi bộ trang sức lại tôi, đến biệt thự Đobriong, phố Hiloranh Bectanh, theo xe trạm”.

- Xe trạm! Ogieni kêu. Một vật ta có thể hy sinh tính mạng nghìn lần để bảo vệ, mà bảo gửi theo xe trạm!

Sự tan vỡ hoàn toàn và kinh khủng: Con tàu chìm bặt tăm, không để lại một đoạn dây, một mảnh ván nhỏ nào trên mặt biển hy vọng mênh mông. Có những người đàn bà khi bị ruồng rẫy thì chạy đến đoạt lại người yêu từ trong tay kẻ tình địch, và giết phăng nó rồi chạy trốn ở tận cuối trời, hoặc trên máy chém, hay dưới mồ. Chuyện ấy hẳn là đẹp, động cơ tội ác ở đây là tình yêu tuyệt đỉnh, nó khuất phục công lý của người đời. Có những người khác cúi đầu, và lặng lẽ chịu đau khổ: họ sống thoi thóp, nhẫn nại, họ khóc và thưa thứ, họ cầu nguyện, và cho đến hơi thở cuối cùng họ vẫn không quên. Đó là tình yêu; tình yêu chân chất, tình yêu của thiên thần, tình yêu kiêu hãnh sống bằng đau khổ và chết vì khổ đau. Mối tình của Ogieni sau khi nàng xem bức thư ghê tởm của Saclo biểu hiện ra như thế. Nàng ngước trông lên trời, nhớ lại những lời cuối cùng của mẹ: cũng như số người sắp chết, mẹ nàng đã có cái nhìn sâu xa và thấu suốt về tương lai. Rồi hồi tưởng cuộc đời và giờ lâm chung của mẹ, nó như chỉ đường vạch lối cho nàng, nàng lượng thử vận mệnh của mình. Nàng chỉ còn mỗi việc mở đôi cánh hướng về thế giới kia, và trong khi chưa đến ngày giải thoát thì tạm sống với câu kệ lời kinh. Nàng khóc và nói:

- Mẹ nói đúng. Đau khổ và chết.

Ogieni chậm chạp lê gót từ vườn vào nhà. Trái lệ thường, nàng không đi qua hành lang; nhưng nàng vẫn thấy phảng phất kỷ niệm của Saclo trong phòng khách xám cổ kính: trên bệ sưởi vẫn cái đĩa con dùng để dọn ăn cho Saclo ngày trước.

Buổi sáng hôm nay thật là một buổi sáng trọng đại, đầy những biến cố đối với cuộc đời của Ogieni. Nanong báo có cha xứ đến. Cha xứ có họ với nhà Cruyso và cùng cánh với ông chánh án. Mấy hôm nay, ông linh mục già xui cha viện dẫn tôn giáo để giảng giải cho Ogieni nghe vì sao nàng cần phải lấy chồng. Ogieni trông thấy cha xứ thì tưởng cha đến nhận số tiền một ngàn phorang tháng tháng nàng quyên cho người nghèo; nàng bảo Nanong đi lấy tiền. Nhưng cha mỉm cười:

- Cô Ogieni ạ, hôm nay tôi đến nói chuyện với cô về một cô con gái đáng thương mà cả thành Xomuya này đều chú ý; chỉ vì không tự thương thân mà cô ấy sống không hợp Đạo Chúa.

- Ôi trời! Thưa cha, cha đến nhắc lúc con không thể nghĩ đến người khác vì con đang mải bận về thân thế con. Con đau khổ quá, con không có chỗ nào ẩn náu khác hơn là trong Đạo Chúa. Lượng Chúa đủ rộng để chứa hết nước mắt của thế gian, tình chúa chứa chan lấy bao nhiêu cũng không cạn mạch.

- Ấy, trong khi chăm sóc cho cô kia, chính là chúng ta chăm sóc cho cô đấy. Này cô ạ! Nếu muốn lên thiên đàng, cô chỉ có hai con đường: hoặc là giã từ cuộc sống, hoặc là tuân theo quy luật của nó; sống cái kiếp thế tục của cô giữa cõi đời, hay là thoát trần tu Đạo, hai con đường phải chọn một.

- Chao ôi! Lời của cha nói lên đúng lúc mà con cần nghe một lời phán truyền. Vâng, quả thật Chúa đã đưa cha đến với con. Con sắp từ biệt thế gian để đi thờ Chúa trong cảnh tĩnh lặng và cách biệt.

- Con ơi, muốn chọn cái giải pháp quyết liệt ấy, con phải suy nghĩ cho kỹ đã. Hôn nhân là cảnh sống, tu viện là cõi chết.

- Thưa cha, thế thì chết, con muốn chết ngay đây!

Ogieni nói một cách hăng hái đáng sợ.

- Chết ư? Không con ơi. Con còn nhiều phận sự trọng đại đối với xã hội. Con đem công ăn việc làm lại cho kẻ nghèo đói mùa hạ, áo quần củi lửa cho họ mùa đông, con không phải là người mẹ của kẻ nghèo ư? Gia sản lớn của con là một món nợ phải trả, con đã thành tâm như thế. Chôn mình trong một nhà tu kín là ích kỷ. Đành làm một cô gái già cũng không nên. Bởi vì trước hết, làm sao một thân một mình con mà cai quản nổi cái gia sản mênh mông này? Rất có thể sẽ mất hết. Con sẽ gặp hàng ngàn vụ kiện, con sẽ bị giấn vào muôn việc khó khăn nan giải. Hãy nghe người mục đồng của con đây: có chồng là có lợi cho con, của cải của Chúa đã ban, con phải giữ. Cha nói với con như với một con chiên yêu quý nhất. Con có đủ lòng nhiệt thành yêu Chúa để tìm con đường lên cõi Chúa ở ngay giữa cõi đời; con là một món trang sức quý giá của cõi đời, con phải treo gương sáng đức tin cho đời soi.

Giữa lúc ấy thì có tin báo bà Đe Gratxanh đến. Bà đến để thỏa bụng hằn thù, đến vì thất vọng.

- Này cô, … A! Cha xứ cũng ở đây... Tôi không nói chuyện ấy vậy. Tôi đến nói chuyện làm ăn, không hay cô đương bận về đạo lý.

- Thưa bà, cha xứ nói, bà cứ tự nhiên cho, tôi xin nhường chỗ cho bà.

- Thưa cha, lát nữa cha trở lại với con. Lúc này con cần đến sự giúp đỡ của cha hết sức.

- Đúng thế, tội nghiệp cháu tôi! Bà Đe Gratxanh xen vào.

Ogieni và cha xứ cùng hỏi:

- Ý bà định nói gì vậy?

- Cô không biết em họ cô đã về và sắp cưới tiểu thư Đobriong hay sao?... Người đàn bà có bao giờ trí khôn lại nông như đọi đèn thế?

Ogieni đỏ mặt, không nói gì cả; nhưng nàng thầm quyết định từ nay sẽ cố lấy cái vẻ mặt phớt lạnh của cha nàng ngày trước. Nàng mỉa mai:

- Thế thì thưa bà, chắc là trí khôn của tôi nông như đọi đèn rồi, cho nên tôi chẳng hiểu gì cả. Bà cứ nói đi, thưa bà, nói trước mặt cha cũng chả sao, bà biết cha là người cai quản phần hồn của tôi chứ!

- Vâng, thế thì cô ơi, đây là bức thư ông Đe Gratxanh gửi cho tôi. Cô xem đi.

Ogieni xem thư:

“Mình yêu mến,

Saclo Grangde ở Ấn Độ về Pari được một tháng nay...”

Ogieni buông tay tự nhủ: “Một tháng nay!” Nàng nghĩ một lát rồi đọc tiếp:

“...Tôi phải chầu chực hai phen mới được hầu chuyện với ông bá tước Đobriong tương lai ấy. Dù tất cả Pari đều nói đến việc hôn nhân của hắn và tin báo hỷ đã công bố...”.

Ogieni lại tự bảo: “Thế ra hắn viết thư cho mình lúc đã...?” Nàng không nghĩ hết câu, nàng không kêu lên:

“Cái thằng đểu!” như một người đàn bà Pari. Sự khinh bỉ tuy không nói nên lời cũng vẫn tuyệt đối.

“...Cuộc hôn nhân ấy cũng khó thành lắm: hầu tước Đobriong bao giờ lại gả con gái cho một tên vỡ nợ. Tôi đến nói cho nó biết những sự lo liệu của bác nó và tôi về công việc của bố nó ngày xưa, về những mánh khóe chúng tôi đã thi thố để giữ yên bọn chủ nợ cho đến ngày nay. Cái thằng oắt con xấc xược ấy đã trâng tráo trả lời tôi rằng việc của cha nó không phải việc của nó; đó, nó trả lời như thế với tôi là người ngày đêm tận tụy vì quyền lợi và danh dự của nó: Trong trường hợp này, người ủy nhiệm nào cũng có thể tính đòi nó từ ba đến bốn vạn phorang tiền công, tức là một phần trăm tổng số nợ. Nhưng hãy chờ xem: Cha nó chính thức mắc nợ một triệu hai mươi vạn phorang, tôi sắp khai cha nó vỡ nợ. Sở dĩ tôi nhúng tay vào cái vụ này cũng vì lời hứa hẹn với con sấu già Grangde,và tôi cũng đã nhân danh họ hàng Grangde mà giao ước. Ông bá tước Đobriong không cần danh dự thì mặc kệ ông ấy, chứ tôi, tôi phải lo cho danh dự của tôi. Bởi thế tôi sẽ trình bày quan điểm của tôi với các chủ nợ. Tuy vậy tôi kính mến cô Ogieni quá- xưa kia, trong thời nhà ta thịnh vượng, chúng ta đã nghĩ đến việc cầu thân với cô- cho nên tôi không nỡ hành động trước khi bà nói cho cô ấy biết...”.

Đến đây, Ogieni không xem nữa, lạnh lùng trao trả bức thư:

- Tôi cảm ơn bà. Chúng ta sẽ xem thế nào...

Ngày nay tiếng nói của cô là tiếng nói của ông nhà ngày trước.

Nanong nói với bà Đe Gratxanh:

- Thưa bà, bà phải giao cho chúng ta tám nghìn một trăm phorang vàng.

- Đúng đấy, bà Coocnoie. Bà chịu khó đi với tôi.

Ogieni hỏi cha xứ, với một sự bình tĩnh đáng phục xuất phát từ cái ý định nàng phát biểu:

- Thưa cha, lấy chồng mà vẫn giữ chữ trinh thì có phải là một cái tội không?

- Tôi không giải quyết được thắc mắc ấy. Nếu cô muốn biết ý kiến nhà thần học trứ danh Xangsedo, trong bộ Hợp thái Về vấn đề hôn nhân, thì ngày mai tôi sẽ nói cho cô rõ.

Cha xứ đi rồi, Ogieni lên buồng kín của ông Grangde ở một mình suốt ngày, mụ Nanong van xin thế nào cũng không xuống ăn tối. Tối đến, khi khách quen tới, nàng xuống tiếp. Chưa bao giờ phòng khách nhà Grangde lại đông như tối hôm đó. Cái tin Saclo về và phụ tình một cách ngu xuẩn đã truyền đi khắp phố. Nhưng dù xoi mói bao nhiêu, khách cũng chẳng được thỏa chí tò mò. Ogieni đã đoán trước, nên nàng không để lộ ra ngoài mặt một chút gì những xúc động ác nghiệt đương giày vò lòng nàng. Nàng vờ tươi cười ứng đáp những ai nhìn nàng buồn bã, hay nói với nàng những lời đau buồn để tỏ ý quan tâm đến nàng. Nghĩa là nàng biết giấu kín nỗi đau thương dưới cái vỏ xã giao lịch sự.

Đến chín giờ, cuộc đánh bài chấm dứt, người chơi đứng lên trả tiền thiếu đủ cho nhau và vừa nhập vào bọn khách vui chuyện, vừa bàn tán về mấy nước bài cuối cùng. Đến khi khách đứng lên một loạt ra về, một chuyện bất ngờ diễn ra, chuyện ấy làm chấn động Xomuya, lan ra toàn quận rồi tràn ra đến bốn tỉnh chung quanh. Khi thấy ông chánh án cầm can để ra về, Ogieni bảo:

- Mời quan chánh án ở lại đã.

Nghe lời ấy, trong đám khách khứa không một ai là không xúc động. Mặt ông chánh án tái đi, ông phải ngồi xuống. Cô Đo Gricobua nói:

- Bạc triệu sắp về tay quan chánh án.

Bà Đoocxongvan kêu lên:

- Thật là quá rõ ràng. Quan chánh án Đo Phoroaphong sắp cưới cô Grangde.

Vị linh mục bảo:

- Đây mới thật là ván bài lý thú nhất đêm nay.

Viên chưởng khế thêm:

- Thập thành đấy! *(Nguyên văn: Schleem, một nước bài được to trong lối chơi Chist).

Mỗi người nói một tiếng hóm hỉnh, một câu khôi hài, ai cũng hình dung cô thừa kế ngồi trên đống tiền như ngự trên một cái bệ. Tấn kịch bắt đầu chín năm nay đã đến lúc kết thúc. Thật thế, đứng trước toàn tỉnh Xomuya mà bảo ông chánh án ngồi lại, không phải tuyên bố muốn mời ông làm chồng mình thì là gì? Ở tỉnh nhỏ, người ta giữ gìn lễ nghĩa chặt chẽ, vì vậy, sự dễ dãi của cô Ogieni hôm nay có giá trị như một lời hứa hôn long trọng.

Khi khách khứa đã đi hết, Ogieni giọng cảm động bảo quan chánh án:

- Thưa ông chánh án, tôi biết ông thích tôi vì cái gì. Ông hãy giao hẹn với tôi là ông sẽ để cho tôi tự do suốt đời, là ông sẽ không bao giờ nhắc đến những quyền lợi mà hôn nhân thừa nhận cho người chồng được có trên người tôi, được thế, tôi sẽ nhận lời cầu hôn của ông.

Khi ấy, ông chánh án quỳ xuống, Ogieni tiếp:

- Ồ! tôi chưa nói hết. Tôi không có quyền lừa ông. Lòng tôi chôn một mối tình không bao giờ phai nhạt. Cho nên đối với người chồng tương lai của tôi, tôi chỉ có thể là một người bạn: tôi không muốn làm mếch lòng chồng, cũng không muốn xử trái với lòng tôi. Nhưng tôi chỉ làm vợ ông và gia tài này chỉ thành là của ông sau khi ông giúp tôi một việc rất quan trọng.

- Việc gì tôi cũng sẵn sàng làm.

Ogieni rút ra trong áo một tờ chứng thư nhận một trăm cổ phần ở nhà Ngân hàng Pháp quốc.

- Thưa ông chánh án, đây là một trăm năm mươi vạn phorang. Ông hãy đi Pari, đi ngay bây giờ chứ không đợi đến ngày mai, không đợi đến khuya. Ông tìm đến ông Đe Gratxanh, ông lục danh sách tất cả những người chủ nợ của chú tôi, ông tập trung họ lại, ông trả tất cả những món chú tôi còn nợ lại, cả vốn lẫn lãi, lãi năm phần tính từ ngày nợ đến ngày trả. Ông chú ý lấy chứng thư tổng thanh toán và đem đăng ký, cho thật hợp thức. Ông là quan tòa, về việc này tôi tin cậy ở ông. Ông là một người trung thực, một người lịch sự. Tin ở lời hứa của ông, tôi sẽ núp dưới tên tuổi ông để vượt qua mọi sự nguy hiểm ở đời. Ông với tôi sẽ khoan dung cho nhau. Chúng ta biết nhau đã bao lâu rồi, chúng ta gần như là thân thích, chắc ông không nỡ làm cho tôi khổ.

Quan chánh án sụp quỳ xuống chân cô thừa kế triệu phú, ngực phập phồng vì vui sướng và hồi hộp:

- Tôi sẽ là tôi mọi của cô.

Ogieni lạnh lùng nhìn ông và nói tiếp:

- Khi ông lấy xong biên lai, ông kẹp vào với văn khế, mang tất cả đến cho người em họ của tôi là Saclo Grangde. Và ông đưa thư này. Khi ông về đây, tôi sẽ xin thực hiện lời hứa.

Ông chánh án nhận định rằng ông vớ được cô Ogieni chẳng qua là vì cô giận dỗi người tình, vì thế ông lo thi hành tức khắc cái mệnh lệnh của cô để cho tuyệt đường hòa giải.

Ông đi khỏi, Ogieni vật mình xuống ghế, tuôn nước mắt đầm đìa. Mọi việc thế là hết.

Ông chánh án đi xe trạm, tối hôm sau thì đến Pari. Sáng ra ông tìm đến ông Đe Gratxanh. Ông họp các chủ nợ ở phòng chưởng khế đã lưu trữ văn tự của ông Guyom. Không có chủ nợ nào vắng mặt. Mặc dù là chủ nợ, cũng phải công nhận rằng họ đi đúng giờ đúng khắc. Nhân danh cô Grangde, ông chánh án Đo Bongphong trả họ đủ cả vốn lẫn lãi số nợ ông Guyom còn thiếu: Việc tính cả tiền lãi để thanh toán là một sự kiện lạ đời trong lịch sử thương mại ở thủ đô thời bấy giờ. Khi đã đăng ký biên lai, ông chánh án giao cho Đe Gratxanh số tiền năm vạn phorang Ogieni tặng để đền công khó nhọc cho ông ta. Rồi ông đến biệt thự Đobriong và gặp Saclo trong lúc Saclo trở về buồng riêng, đầu còn nặng những tiếng chì tiếng bấc của ông bố vợ. Hầu tước vừa tuyên bố với hắn chỉ khi nào các chủ nợ của Guyom Grangde được trả sòng phẳng, hắn mới có thể cưới con gái ông.

Trước hết ông chánh án đưa cho Saclo bức thư sau đây:

“Cậu Saclo.

Quan chánh án Đo Bongphong nhận trao cho cậu tờ chứng từ tổng thanh toán các số nợ chú tôi thiếu, cũng như tờ chứng từ tôi nhận rằng đã lĩnh tiền của cậu để trả.

Tôi nghe người ta bàn tán chuyện vỡ nợ! Tôi nghĩ rằng con một người vỡ nợ thì có lẽ không lấy được tiểu thư Đobriong. Đúng đấy, cậu ạ, cậu xét đoán về trí tuệ và phong cách của tôi đúng quá: rõ ràng tôi chẳng có cái vẻ gì của người thượng lưu cả, tôi hoàn toàn xa lạ với phong tục của họ, với những điều tính toán của họ và không thể đem lại cho cậu những sự đắc ý mà cậu trông đợi trong cuộc sống giữa xã hội thượng lưu. Cậu đã hy sinh mối tình đầu của chúng ta cho những ước lệ của xã hội ấy, chúc cậu sống hạnh phúc giữa những ước lệ ấy. Để hạnh phúc cậu trọn vẹn, tôi chỉ còn biết mang danh dự của ông thân sinh cậu biếu cậu mà thôi. Vĩnh biệt cậu. Cậu hãy tin rằng lúc nào cậu cũng tìm thấy một người bạn trung thành ở nơi người chị họ.

Ogieni”.

Khi Saclo cầm tờ biên nhận hợp thức, hắn không giữ nổi một tiếng kêu, kinh ngạc. Ông chánh án mỉm cười, nói:

- Chúng ta cùng báo hỷ cho nhau.

- A! Ông cưới Ogieni? Thế thì tôi lấy làm sung sướng lắm. Nàng là người con gái tốt.

Bỗng như có một ánh sáng xuyên qua trí óc Saclo, hắn nói:

- Thế nghĩa là Ogieni giàu?

Ông chánh án gật gù:

- Trước đây bốn hôm, gia tài của nàng là mười chín triệu. Hôm nay nàng chỉ còn mười bảy triệu thôi.

Saclo đờ đẫn nhìn ông chánh án:

- Mười bảy... tri...

- Mười bảy triệu, vâng, thưa ông. Kết hôn với nhau, cô Grangde và tôi dồn được bảy mươi lăm vạn phorang lợi tức đồng niên.

Saclo đã trấn tĩnh ít nhiều:

- Ông anh họ của tôi ạ, thế này thì chúng ta có thể đẩy nhau tiến lên.

- Đồng ý. Ngoài ra, đây là một cái hộp nhỏ mà tôi có nhiệm vụ chỉ trao cho ông mà thôi.

Ông chánh án vừa nói vừa đặt cái hộp đựng bộ trang sức lên bàn.

Lúc ấy bà hầu tước Đobriong bước vào; không để ý đến Cruyso, bà nói:

- Này, anh Saclo ạ, đừng có bận lòng về cái chuyện ông Đobriong nói, ông ấy đã bị mụ công tước Solio làm cho choáng váng đầu óc rồi. Tôi nói lại lần nữa cho anh biết, không có gì cản trở cuộc hôn nhân của anh...

- Thưa bà, vâng, không có gì cản trở hết. Ba triệu bạc của tôi mắc nợ xưa kia đã thanh toán xong hôm qua.

- Bằng tiền mặt à?

- Vâng, trọn vẹn cả vốn lẫn lãi. Và tôi sắp phục hồi danh dự cho cha tôi.

- Dại chưa! Bà hầu tước kêu lên.

Nhìn thấy Cruyso, bà ghé tai con rể hỏi:

- Cái ông ấy là ai thế?

- Là người chạy việc của tôi, Saclo trả lời khe khẽ.

Bà hầu tước khinh khỉnh chào ông chánh án rồi đi ra. Ông chánh án cầm mũ:

- Chúng ta đã đẩy nhau rồi đấy. Thôi xin chào ông anh em thúc bá.

Saclo lẩm bẩm:

- Cái thằng nhãi Xomuya này nó nhạo mình. Ta muốn đưa nhẹ mũi gươm vào mạng mỡ nó cho nó biết tay.

Ông chánh án đi ra. Ba hôm sau, ông đã về Xomuya loan báo lễ thành hôn giữa ông với Ogieni. Sáu tháng sau ông được cử làm bồi thẩm tòa thượng thẩm Angie. Trước khi rời Xomuya, Ogieni cho thổi những thứ trang sức bằng vàng mà đã có một thời gian dài, nàng coi là vật báu vô giá; nàng dùng số vàng ấy cùng với số tám nghìn phorang của Saclo đúc một cái bình đựng thi thể các thánh rồi đem tặng nhà thờ Xomuya, nơi nàng đã không biết bao lần cầu chúa phù hộ cho chàng! Nàng đi đi về về giữa Angie và Xomuya chứ không ở luôn ở Angie. Ông Đo Bongphong có dịp tỏ lòng trung thành trong một vụ chính trị, được cử làm chánh nhất phòng, rồi chánh nhất tòa thượng thẩm mấy năm sau. Ông sốt ruột trông cho mau tới cuộc tổng tuyển cử để giành lấy một ghế ở Hạ nghị viện. Ông đã ngấp nghé ghế thượng khanh, và thế là...

- Thế là quan sẽ làm anh em họ với vua, phải không?

Đó là lời mụ Nanong, mụ Nanong hộ pháp, tức bà Coocnoie, thị dân Xomuya. Bà hỏi thế khi nghe bà chủ nói cho biết những danh vị bà chủ sắp đạt tới.

Kết cuộc

Tuy nhiên quan chánh án Đo Bongphong (cuối cùng ông đã bỏ hẳn cái tên tộc Cruyso) không thực hiện được một ý định nào cả trong mớ khát vọng bộn bề của ông. Ông qua đời tám ngày sau khi đắc cử vào nghị viện tỉnh Xomuya. Chúa nhìn thấy tất cả và không bao giờ đánh sai, có lẽ Chúa trừng phạt ông ta về những tính toán của ông và về cái tài thầy cò ông đã thi thố trong khi dự thảo bản hôn ước, ở dưới có Chúa: Cruyso tả từ °(Trong giấy tờ quan trọng, tên người thảo giấy phải ghi ở dưới). Bản hôn ước quy định rằng đôi vợ chồng tương lai sẽ lưu tặng lẫn nhau, trong trường hợp không có con cái, toàn bộ động sản và bất động sản, không trừ thứ gì, không dành lại thứ gì, giao thành sở hữu toàn quyền cho người được hưởng, không cần đến nghi thức thống kê và không vì thiếu bản thống kê mà ai được làm trở ngại cho người thừa kế, bởi vì việc lưu tặng này v.v... Cái điều khoản ấy giải thích vì sao quan chánh án tuyệt đối tôn trọng ý nguyện của bà chánh án và cảnh phòng không gối chiếc của bà. Phụ nữ thường khen ông chánh án là nhã nhặn và ái ngại cho ông, có khi họ chê trách bà sao khư khư giữ mối u tình và niềm đau khổ, chê trách với cái thuật riêng của người phụ nữ, với bao nhiêu sự dịu ngọt hiểm ác.

- Chắc là bà chánh án bệnh trọng lắm mới đến nỗi để cho ông sống lẻ loi như vậy. Tội nghiệp bà! Bà ta đã sắp bình phục chưa nhỉ? Bà đau gì thế, dạ dày hay ung thư? Sao không mời thầy thuốc? Gần đây trông bà vàng vọt đi. Đáng lẽ bà đi khám những vị danh y ở Pari mới phải. Sao bà lại không thích có con nhỉ? Người ta nói bà yêu chồng lắm, sao bà không đẻ cho ông một chút con trai để nối dõi, ở cái địa vị cao sang của ông? Cứ thế này thì não lòng lắm. Nếu do tâm tính bướng bỉnh bất thường thì thật đáng trách... Tội nghiệp cho ông chánh án.

Những người sống cô quạnh thường luyện được một khiếu cảm tinh vi trong khi trầm tư mặc tưởng, trong khi nhìn thấu suốt những sự vật rơi vào thế giới của họ. Ogieni cũng có cái khiếu ấy. Nhờ những tai biến nàng gặp phải trong đời, nhờ chuyện bội bạc của Saclo đã mở mắt cho nàng, Ogieni quen đoán biết sự việc. Nàng biết ông chánh án mong cho nàng chết để làm chủ cái gia tài to lớn kia. Nhập vào với gia tài ấy vừa có hai cái di sản của ông chú linh mục và ông chú chưởng khế, mà Chúa đã trớ trêu gọi về trời. Ogieni lấy làm thương hại cho cái tâm địa của quan chánh án. Và tạo hóa đã báo thù cho nàng về sự tính toán và sự thờ ơ đê mạt của một ông chồng đã tôn trọng mối tình tuyệt vọng của nàng như một sự đảm bảo chắc chắn nhất cho tham vọng của mình. Sinh một đứa con há không phải thủ tiêu tất cả những ước mơ, những thú vui được ngài ấp ủ trong lòng dạ ích kỷ, tham lam của ngài hay sao? Chúa ném từng đống vàng cho người còn nặng nợ, tuy người ta không ham vàng. Ogieni chỉ muốn về chầu Chúa, nàng sống mộ đạo và từ tâm, trí luôn nghĩ những điều thanh khiết, tay luôn luôn bí mật cứu giúp những kẻ khốn cùng.

Bà Đo Bongphong góa chồng năm ba mươi ba tuổi, gia tư lên tới tám mươi vạn phorang lợi tức. Bà còn đẹp, nhưng đẹp với cái dáng của một người đàn bà xấp xỉ bốn mươi. Gương mặt bà trắng, dịu hiền, bình tĩnh. Giọng bà êm ái và lắng xuống, dáng điệu giản dị. Ở bà có tất cả những gì cao quý của sự đau khổ, cái trong sạch của con người tuy cọ xát với cuộc đời mà tâm hồn không dây bẩn, nhưng cũng có cái cứng nhắc của cô gái già và thói quen bủn xỉn trong cuộc sống tủn mủn ở tỉnh nhỏ. Với tám mươi vạn phorang lợi tức đồng niên, bà Đo Bongphong vẫn sống như nàng Ogieni tội nghiệp ngày nào: bà chỉ đốt lửa sưởi trong buồng những ngày mà cha bà thuở xưa cho phép đốt lửa ở gian lớn, và cũng tắt lửa theo đúng kế hoạch như những ngày còn thơ. Lúc nào bà ăn mặc cũng như bà cụ ngày trước. Ngôi nhà Xomuya không ánh sáng, không lửa ấm, luôn luôn có bóng râm, u buồn não ruột, là hình ảnh cuộc đời bà. Bà chăm chỉ tích lũy lợi tức và có thể làm cho người ta tưởng là keo kiệt, nếu không cải chính những lời nói xấu bằng cách sử dụng những của cải vào những mục đích cao quý. Nhiều tổ chức tôn giáo và từ thiện, một viện dưỡng lão, mấy cái trường cho trẻ em, một thư viện công cộng phong phú, mỗi năm mỗi trả lời cho những ai chê bà hà tiện. Mấy cái nhà thờ trong tỉnh Xomuya nhờ bà giúp cho sửa sang thêm đẹp. Mọi người đều tỏ lòng thành kính đối với bà, mà người ta gọi đùa là cô. Cái quả tim cao quý chỉ đập vì yêu thương lại mắc vào vòng tính toán danh lợi của người đời. Tiền bạc đã truyền hơi lạnh qua con người thượng giới ấy, và làm cho người đàn bà hoàn toàn tình cảm đâm ra nghi ngờ các thứ tình cảm. Bà thường nói với mụ Nanong:

- Chỉ có chị là yêu tôi thôi.

Bàn tay nàng băng bó những vết thương kín đáo của mọi gia đình. Nàng đi lên trời cùng với cả một đoàn việc thiện nghĩa. Tâm hồn cao cả của nàng làm cho những cái ti tiểu trong giáo dục và những lề thói bủn xỉn lúc tuổi thơ bớt ti tiện. Lịch sử của nàng là lịch sử của một người đàn bà sống giữa cõi trần, không phải là người của cõi trần, có khả năng tuyệt vời để làm vợ và làm mẹ nhưng lại không chồng, không con, không thân thích.

Mấy hôm nay, nhân dân Xomuya lại bắt đầu nói đến việc Ogieni tái giá. Người ta kháo nhau về nàng và hầu tước Đo Phoroaphong; gia đình hầu tước bắt đầu bao vây nàng cũng như gia đình Cruyso ngày trước. Người ta bảo rằng mụ Nanong và lão Coocnoie đã nhận giúp tay trong cho hầu tước. Nhưng không có gì sai bằng: cả mụ Nanong hộ pháp, lẫn lão Coocnoie cũng không đủ sức thông minh để hiểu những cái thối tha của xã hội.

Paris tháng chín năm 1833.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.