Nữ Y Về Thời Loạn

Chương 1




Edit: Yunchan

Vào một sớm mai tháng tư tiết trời ôn hoàn, trong không khí bảng lảng hương thơm thoang thoảng. Văn Đan Khê rời giường rửa mặt xong xuôi rồi sửa soạn vào bếp làm bữa sáng.

Vì chưa quen việc nên cô phải chà cái dao đánh lửa tận mấy lần mới nhóm được củi. Văn Đan Khê không nén nổi nụ cười tự giễu, ngồi bên chồng rơm củi nhóm lửa mà nghĩ tới chuyện xảy ra với mình nửa tháng qua: Cô vốn là một nghiên cứu sinh của đại học Trung y mới được nhận vào bệnh viện, đang chuẩn bị hăm hở dựng nên sự nghiệp vĩ đại, muốn tích lũy kinh nghiệm để mở phòng khám của riêng mình. Ai ngờ đâu chỉ vì một cơn cảm cúm mà cô lại bị lôi đến nơi này, trở thành một Văn Đan Khê trùng họ trùng tên. Nhưng cha mẹ của Văn Đan Khê ở đây đều mất cả, chẳng lâu sau anh trai và chị dâu cũng nối tiếp nhau nhắm mắt xuôi tay về Tây Thiên, chỉ để lại một cháu trai sáu tuổi, cháu gái năm tuổi và cô sống nương tựa vào nhau. Thế còn chưa đủ, họa vô đơn chí thế nào Văn Đan Khê lại bị Chu gia đính hôn từ thuở nhỏ hồi hôn. Thế là Văn Đan Khê không vượt qua nổi đả kích liên tiếp nên đổ bệnh nặng, khi tỉnh lại thì đã đổi sang linh hồn của Văn Đan Khê hiện đại.

Văn Đan Khê nhìn bữa sáng đã gần chín tới thì định tắt lửa rồi đi gọi hai đứa nhóc dậy ăn sáng. Nhưng cô vừa đứng lên thì bỗng nghe thấy trong sân có người múc nước rửa mặt, chứng tỏ hai đứa trẻ Tuyết Tùng và Tuyết Trinh đã thức dậy rồi. Văn Đan Khê không dằn được tiếng cảm thán, quả nhiên con nhà nghèo đã biết lo từ rất sớm.

“Cô cô ơi.” Tuyết Tùng chạy lót tót vào bếp nhắm thẳng về phía cô, phơi ra gương mặt cười toe toét đáng yêu.

Văn Đang Khê cười nói: “Trên bếp có nước nóng, cháu múc một gáo mang ra cho muội muội rửa mặt với nhé.”

Hai đứa trẻ tự rửa sạch tay chân mặt mày, rồi ngồi thật ngay ngắn vào bàn, chờ Văn Đan Khê lên, sau đó ba cô cháu im lặng ăn xong bữa sáng. Văn Đan Khê mới đặt đũa xuống thì bỗng nghe thấy có người gõ cửa.

Tuyết Tùng hiểu chuyện bèn nói ngay: “Cô cô đi đi, chắc là có người đến khám bệnh đấy ạ.”

Thế là Văn Đan Khê vội vàng ra mở cửa. Bàn tới chuyện này, Văn Đan Khê quả là phải cảm thán với sự trùng hợp lạ lùng này.

Nhà họ Văn và nhà cô ở hiện đại tương đối giống nhau ở chỗ hai nhà đều làm nghề y mấy đời. Ông nội của Văn Đan Khê thời này là một đại phu có tiếng ở quê hương, sau đó vì nạn cướp mà phải dời nhà tới Dịch Châu. Cha Văn tới tuổi trung niên mới có được mụn con gái như Văn Đan Khê nên yêu thương hết mực, lúc hành y thường nắm tay dạy Văn Đan Khê học chữ, nhân tiện còn dạy cho cô biết ít y thuật. Nhờ đó, lúc cô vượt thời gian tới đây chẳng gặp trở ngại gì với nghề nghiệp của thân thể này, các hương thân quanh đây cũng chẳng thấy có gì bất thường.

Lúc này đang độ giao mùa, vả lại một khoảng thời gian trước thời tiết lúc lạnh lúc nóng, làm mọi người rất dễ sinh bệnh. Trời vừa sớm tỏ, bên ngoài cửa ra vào của Văn gia đã đứng chật người tới đây xem bệnh, có người đứng chờ, có người thì dìu người thân bên cạnh. Văn Đan Khê niềm nở mời các hương thân vào trong viện. Vì nhà chính không quá rộng nên có người còn đứng lấn ra cả ngoài sân.

Văn Đan Khê chẩn cho từng người một: “Vương đại gia, ngài bị cảm lạnh nên chú ý mặc nhiều quần áo hơn. Lát nữa ta sẽ kê cho ngài một đơn thuốc, ngài uống trong vòng hai ngày là hết.”

“Lý đại nương, bệnh cũ của đại nương tái phát đấy mà.”



Văn Đan Khê kiên nhẫn nói kỹ những điều cần lưu ý cho các thôn dân, ai hỏi đều trả lời rất cặn kẽ. Tiền xem bệnh nếu có thì trả nếu không thì nợ lại. Ấy chẳng phải vì Văn Đan Khê muốn làm thánh mẫu chẳng màng tư lợi, bụng mình đói meo chưa lo nổi đã đòi khám bệnh miễn phí cho người. Mà đây là quyết định của cô sau mấy ngày suy nghĩ, tính từ khi cô đặt chân tới nơi này.

Văn gia ở thôn Thanh Khê vốn là một nhà từ nơi khác tới, tuy nhờ thân phận đại phu mà thôn dân không quá bài xích họ, nhưng sự xa cách vẫn đang tồn tại ngấm ngầm. Chưa kể giờ đây cô chỉ có một thân một mình không nơi nương tự. Mà căn cứ vào sự nghe ngóng quan sát của cô trong nửa tháng này, cô còn biết được triều đại này không hòa bình. Cụ thể ra sao cô không rõ lắm, nhưng qua những lần tán chuyện của thôn dân hàng ngày, thì ở đây thường xuyên có quân Thát tử(*) và bọn cướp lẫn vào dân chạy nạn tới tàn sát thành trấn và thôn làng, thế thời loạn lạc nên phải săm soi xét nét.

Cũng vì thế cô muốn chắt chiu từng tý, cố hết sức để lại ấn tượng hiền lành trong lòng thôn dân, hy vọng họ đừng làm khó cho ba cô cháu. Và quả thật việc làm của cô cũng đạt được đôi chút hiệu quả, người xưa tương đối chất phác, phần lớn mọi người đều có ân tất báo, cho dù người thân của bệnh nhân không có tiền để trả, nhưng thay vào đó họ lại cầm qua một giỏ thức ăn hoặc bưng sang một bát gạo. Dần dần tích tiểu thành đại, cũng đủ để ba người họ chèo chống qua ngày.

(*) Chỉ người phía đông Mông Cổ, phía đông bắc Nội Mông và nước Mông Cổ ngày nay.  

Hàng người xem bệnh rút ngắn dần, phần lớn hương dân đều tới với cái mày chau, ra về với đôi mày giãn.

“Văn cô nương, mụ đây nghèo khó, không có cách nào để trả phí chẩn bệnh cho cô, thôi thì cô cầm đỡ mấy cái trứng gà này nhé.” Đây là Vương bà tử ở phía Tây đầu thôn, mấy hôm trước Văn Đan Khê vừa khám bệnh cho con của bà.

Văn Đan Khê vội vàng từ chối: “Vương bà bà, nhà bà không dư dả gì, nên cầm về đi ạ.”

“Không, không được. Nhà ta nghèo chỉ có mấy cái trứng gà này mà thôi, chẳng lẽ cô nương chê ít sao?”

Văn Đan Khê thấy bà khăng khăng mãi, đang muốn nhận lấy cho bà vui lòng, thì đột nhiên bên ngoài viện vọng tới tiếng vó ngựa dồn dập từng hồi.

Mọi người nghe thấy tiếng động rầm rập thì nhốn nháo hẳn lên, có người la lên thất thanh: “Chạy mau! Quân Thát tử tới!”

Thế là trong phút chốc có người chạy bán mạng ra ngoài, có người leo thẳng qua tường. Những người phụ nữ trẻ tuổi thì càng quẫn trí hơn chạy trốn tan tác. Trong viện hò hét loạn cả lên, Tuyết Tùng và Tuyết Trinh càng sợ tới nỗi mặt cắt không còn giọt máu, hai đứa rúc sát vào người cô cô mình, nhìn chòng chọc cửa lớn với ánh mắt hoảng sợ vô cùng.

Dù sao Vương bà cũng lớn tuổi nhất ở đây nên cũng bình tĩnh hơn tất cả, vội vàng cất giọng hét lớn: “Nghe thấy tiếng vó ngựa nhưng không nghe thấy tiếng kêu la thảm thiết, chưa chắc là quân Thát tử đâu.”

Nói đoạn bà cũng thấy không yên bụng lắm, bèn run bần bật chạy vào bếp cầm ngay một cái nồi, quẹt lọ nghẹ bôi vào mặt cô, nhỏ giọng dặn: “Bất kể có phải là quân Thát tử không, cứ bôi lên cũng chẳng thừa gì, cô trốn lẹ đi.”

Văn Đan Khê mỉm cười với bà, định lên tiếng nói gì đó thì chợt nghe tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần hơn, sau cùng dừng lại ở cổng sân, một loạt mười mấy người đàn ông lực lưỡng kéo rầm rập vào sân, sẵng giọng hỏi: “Đây là nhà của Văn đại phu đúng không?”

Những người chưa chạy kịp hoảng hốt ra mặt, người thì chui vào gầm giường, kẻ thì chui xuống gầm bàn. Văn Đan Khê cố hết sức giữ bình tĩnh, bước nhanh lên, nói giọng lễ độ: “Văn đại phu là đại ca của ta, nhưng năm ngoái đã bị quân Thát tử giết hại, ta là muội muội của huynh ấy, chẳng biết các vị tìm đại ca ta có chuyện gì?”

Mấy người đàn ông đô con đang săm soi Văn Đàn Khê hoàn toàn không hé răng, chỉ có một người mặt thẹo gật đầu sơ với cô rồi ngoảnh lại nói với một nam tử để râu quai nón: “Vậy phải làm sao đây? Hay là tới thôn khác mời lang trung.”

Râu quai nón bực dọc đáp: “Đệ cũng biết mà, lang trung ở quanh đây đều mời hết rồi nhưng chả tên nào xài được. Cho nên đại ca mới bảo chúng ta tới đây tìm, ai dè… mẹ nó không may.”

Hai người thở dài một tiếng rồi hạ giọng trao đổi vài câu nữa, sau đó quay lưng rời khỏi Văn gia. Văn Đan Khê thấy bọn họ đi xa rồi thì lòng mới thở phào thả lỏng. Những người đàn ông này vừa đi, các hương thân đang ẩn núp ở mọi ngóc ngách mới dám chui ra, ai nấy đều vỗ ngực xúc động, ngẫm lại vẫn còn sợ.

Có người tò mò hỏi: “Văn cô nương, cô không sợ sao?”

Văn Đan Khê cười đáp: “Thật ra ta cũng sợ, nhưng đây là nhà ta, nếu cả ta cũng bỏ trốn, bọn họ không tìm được người thì thể nào cũng nổi điên lên, lúc đó còn đáng sợ hơn nữa.” Vả lại căn nhà lá này có chỗ nào để trốn đâu, tìm một phát là ra ngay.

Mọi người gật đầu, vì còn sợ hãi nên không màng tới chuyện xem bệnh nữa mà lập tức tạm biệt về nhà, lúc gần đi còn không quên nhắc nhở cô: “Trông bề ngoài của những người này thì chắc là thuộc hạ của Độc Hồ tướng quân. Trước đây Trần tướng quân là một mã phỉ cướp bóc, người đời xưng là Hoạt Diêm Vương, cô cũng phải cẩn thận một tý.”

Văn Đan Khê gật đầu với vẻ cảm kích. Tuy cô chỉ mới tới đây hơn nửa tháng, nhưng danh hiệu Độc Hồ tướng quân đã vang như sấm bên tai. Tới cả lúc Tuyết Tùng muốn hù dọa Tuyết Trinh cũng lôi tên hắn ra hù, uy lực phải nói là khủng khiếp. Tuy nhiên cô chưa từng tiếp xúc với những người như thế nên trong lòng cũng không quá sợ hãi như những người khác.

Tiễn chân các hương thân đi rồi Văn Đan Khê bèn khóa cửa viện lại, rồi xách giỏ dắt hai đứa cháu ra ngoài.

Hai đứa nhỏ vẫn chưa hết hoảng, tay nắm chặt vạt áo cô không dám thả, nhắm mắt cun cút theo đuôi, dọc đường Văn Đan Khê luôn dịu giọng an ủi. Ba người vừa ra tới cổng thôn, thì bỗng thấy trên đường làng cuộn lên màn bụi mịt mù. Văn Đan Khê thất kinh, đúng là mấy tên kia quay lại! Văn Đan Khê còn đang đắn đo xem có nên chạy hay không, thì loáng cái những tên đó đã trờ tới ngay trước mắt.

Người xuống ngựa trước tiên là tên râu quai nón, hắn chỉ một ngón tay vào Văn Đan Khê, nói thẳng: “Cô, theo chúng ta một chuyến!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.