Nữ Hộ

Chương 59: Chuẩn bị




“MẸ TA KHÔNG NGỐC, VỢ TA LẠI CÀNG CHẲNG KHỜ.”

Ngọc Tỷ và Cửu Ca đính hôn, hai nhà vui vẻ, tuy có vài kẻ muốn thành sui với phủ quân vì thế mà chua chát, nhưng khi ấy Thân thị đã làm một lèo mấy mối, nên người bị ghen ghét cũng chẳng phải chịu trận một mình. Hôn sự của hai họ Lệ, Hồng chỉ rầm rộ mời ông mai bà mối đến nhà sau khi Hồng Khiêm đỗ cử nhân, bấy giờ thân phận của Hồng Khiêm ở thành Giang Châu cũng chẳng gọi là thấp nữa, vừa khéo bớt được đôi phần miệng lưỡi thị phi.

Chòm xóm ngõ Hậu Đức, nhà thì làm láng giềng lâu năm với cụ Trình, còn những nhà sau này mới đến như gia đình Kỷ chủ bộ, trời xui đất khiến thế nào lại hợp với vợ chồng Hồng Khiêm Tú Anh, ai nấy đều bảo nhờ ơn trên của cụ Trình, Hồng Khiêm trung hậu, mới được phúc báo. Nhà họ Triệu bên kia, từ lúc Lâm thị chết cũng đã năng qua lại với Trình, Hồng hơn. Sau khi Ngọc Tỷ Cửu Ca đính hôn, nương tử các nhà thiếu điều lật rương lộn tủ, tìm trang sức quý để góp thêm vào của hồi môn cho Ngọc Tỷ.

Hà thị là bận rộn nhất, mấy năm nay Tú Anh đối đãi quả không tệ với nhà bà, lễ lạt không bàn, chỉ riêng dạo ấy Nga Tỷ xuất giá, Tú Anh đã tặng quà những hai lần, trị giá không nhỏ. Khi trước dù hai người có thân nhau hơn nữa, Tú Anh vẫn hơi có vẻ bợ đỡ, nhưng giờ đã khác, Hồng Khiêm đã là cử nhân, Kỷ chủ bộ cũng xuất thân cử nhân nhưng không còn hy vọng tiến thân nữa, còn Hồng Khiêm năm sau lên kinh thi, chưa chừng sẽ đỗ tiến sĩ. Kỷ chủ bộ được lên chức cũng là nhờ giao hảo với họ Hồng, được thay mặt tiến cử và ông sui Lệ phủ quân nhà ấy chấp nhận, chịu ơn rất lớn.

Cái khác không nói, Ngọc Tỷ quả thực lớn lên ngay dưới mắt bà, tuy bảo “chồng sang vợ quý”, phụ nữ phải dựa vào đàn ông mới êm đềm, nhưng Vợ hiền thì chồng bớt họa, người như Ngọc Tỷ, hẳn sẽ giục chồng cố gắng tiến thân. Cửu Ca là cháu ruột Ngô vương, tiền đồ ngày sau chưa hẳn sẽ yếu kém. Từ sau khi đính hôn, Cửu Ca thường xuyên đến nhà họ Hồng, thể hiện rằng mình cực kỳ coi trọng mối hôn sự này, có thể nói sau này Ngọc Tỷ sẽ vững chân ở nhà chồng.

Những chuyện này rõ mồn một trước mắt Hà thị, không thể đối đãi với họ như dạo trước nữa. Với cả, Nga Tỷ theo chồng lên kinh đã vài năm, xa lìa cha mẹ, mỗi bận thư về, tuy tốt khoe xấu che nhưng Hà thị vẫn biết, cuộc sống trong kinh thực sự không dễ dàng như ở Giang Châu. Hồng Khiêm lên kinh, Hà thị nghĩ, chí ít cũng có thể nhờ mang hộ thư đi.

Vì đã suy tính như thế nên Hà thị xử lý việc này theo tầm đại sự, moi cả những món trang sức ở tít dưới đáy rương ra, vậy mà vẫn chê không đủ tốt. Nghiến răng, lấy hộp đá quý mình để dành ra, chọn vài viên hồng ngọc lớn, cầm theo một bọc vàng nhỏ, thuê kiệu đích thân đến chỗ thợ khéo, đặt trọn bộ trang sức cài đầu bằng vàng. Trên đường về dừng kiệu mua vài hộp điểm tâm thượng hạng, đến nhà họ Hồng trò chuyện với Tú Anh.

Tú Anh đang ở nhà tính thu chi, Ngọc Tỷ đã đính hôn, phải bớt ra ngoài lại, bị bắt hoặc thêu thùa hoặc luyện chữ, thỉnh thoảng dạy vỡ lòng cho Kim Ca, chị em hai người đều có việc để làm, Tú Anh bèn rỗi tay xử lý việc nhà. Nghe báo Hà thị đến, vội sai mời vào, Hà thị vào phòng, hàn huyên đôi câu đã gọi “Xuân Lan”. Xuân Lan tiến lên đặt vài hộp điểm tâm xuống bàn, Hà thị bảo: “Ban nãy chị ra phố, chợt trông thấy tiệm điểm tâm này, sực nhớ nhà cô thích ăn, bèn mua một ít mang sang.”

Tú Anh nói: “Chị khách sáo quá, nhà em cũng như nhà chị, cần gì phải mang mấy thứ này đến.” Hà thị đáp: “Cũng có đáng là bao! Đem sang cho Kim Ca xơi, đổi vị.” Lại hỏi thăm Ngọc Tỷ và Kim Ca. Tú Anh nói: “Ngọc Tỷ đang dạy chữ cho em nó.” Hà thị bèn không đòi gặp nữa. Chỉ bảo đã có sát hạch năm nay, Lệ phủ quân đánh loại ưu cho Kỷ chủ bộ, lại viết giấy tiến cử này nọ, chắc chừng vài ngày nữa sẽ có công văn đưa xuống, khi ấy không biết Hồng Khiêm có vào kinh đỗ cao chưa, nên trước Tết nhà họ Kỷ quyết định đặt tiệc lầu Thái Phong, mời họ Hồng đến xơi cỗ.

Tú Anh đáp: “Ấy là phủ quân thúc đẩy, can hệ gì với bọn em đâu?” Hà thị nói: “Không nhờ các cô, phủ quân sao biết đến ông ấy? Đây là chuyện nên làm.” Tú Anh bảo: “Bao năm nay chị đỡ đần chúng em rất nhiều, cảm với chả tạ gì không biết?” Hai người khách sáo với nhau hồi lâu, Tú Anh mới nhận lời: “Em sẽ thưa với chồng sau.” Hà thị cười đáp: “Thế mới đúng,” lại hỏi Tú Anh, “Đại Tỷ đã đính hôn, chừng nào mới cưới?”

Tú Anh nói: “Cửu Ca nhà ấy bên trên còn có ba bốn anh chị chưa cưới gả gì, Lục Ca đính hôn với cháu gái Lại bộ thượng thư họ Tôn trong kinh, cưới xong phải về kinh, nên bọn em phải hoãn lại. Vừa khéo em cũng không nỡ để Ngọc Tỷ còn nhỏ thế này đã phải gả cho người, nuôi nó thêm hai năm nữa vẫn ổn.”

Hà thị cười tiếp lời: “Qua Tết, cậu Hồng nhà em lại đỗ tiến sĩ, lúc Đại Tỷ xuất giá cũng rạng rỡ mặt mày hơn —– Của hồi môn chuẩn bị đến đâu rồi? Đã có chị dâu là cháu gái thượng thư, của hồi môn chắc không tệ, Đại Tỷ nhà mình cũng phải bằng chị bằng em chứ. Cửu Ca nhà phủ quân cũng tướng mạo đường đường, là tướng có phúc, sau này hẳn sẽ sang quý lắm đây.”

Tú Anh đáp: “Em đang gom góp. Vốn đã từng nghĩ sẽ gả nó cho nhà ấy bao giờ đâu, giờ xem ra phải đắp thêm vài món vào. Bà ngoại em cũng đã cho Ngọc Tỷ một phần, ngang ngửa với phần em chuẩn bị, đã có thể gọi là không ít. Nhưng chẳng thể để con gái lấy chồng, cha mẹ không cho của hồi môn lại cầm tiền của cụ cố, chị bảo có đúng không? Chị nghĩ giúp em với, phải thêm món gì nữa mới ổn?

Tú Anh hỏi Hà thị cũng có lý do cả, nàng và cụ Lâm bàn nhau, với số tài sản mà cụ Lâm tặng cho, Tú Anh sẽ góp thêm vào một phần có giá trị tương đương, gộp lại thành bảy mươi hai rương của hồi môn, dù có gả cho tông thất cũng đã rất nở mặt nở mày rồi. Số lượng đã có, nhưng phải sắp xếp như thế nào lại là một vấn đề khác. Nương tử nhà quan mà Tú Anh quen, cũng chỉ có mỗi một Hà thị. Tuy Kỷ chủ bộ không phải quan lớn gì, song đã lăn lộn trong nha môn nhiều năm, dẫu sao cũng biết nhiều hơn một chút.

Hà thị cũng đem hết kinh nghiệm bản thân ra góp ý cho Tú Anh, cần bao nhiêu gấm vóc bao nhiêu tơ lụa, trang sức phải có món gì, đồ gia dụng thì nên thế nào, tốt nhất là thêm vào vài bức tranh chữ: “Nhà các cô trí thức, phủ quân cũng ưu ái điểm này.”

Hai người thảo luận già nửa canh giờ hãy còn chưa xong, nhưng đã đến giờ cơm trưa. Tú Anh muốn giữ Hà thị lại dùng bữa, Hà thị từ chối: “Nhà ta bám người lắm.” Trước khi về còn dặn đi dặn lại, mâm cỗ đã đặt rồi, mấy ngày nữa phải đến dự. Tú Anh nhận lời.

Tiễn Hà thị về, Tú Anh lại quay sang đống giấy tờ trong tay, kiểm kê của nả nhà mình, hai năm nay hợp tác làm ăn với Thân thị, quả thực đã kiếm được một vố lớn, nàng không ngại cho Ngọc Tỷ hết, chỉ cần Hồng Khiêm có thể tiến thêm một bước, số bạc này chẳng là gì. Tú Anh cũng lo lắng, nhà mẹ đẻ của các chị dâu Ngọc Tỷ, bét nhất cũng đã ra làm quan, e của nả cũng không ít, Cửu Ca lại là con trai một của Thân thị, không thể kém khí thế được. Vốn liếng của phụ nữ ở nhà chồng, dựa cha, dựa chồng, dựa con trai, trước mắt chỉ đành dốc hết sức phông bạt cho con bé. Tú Anh tính toán, ngoài những món liệt kê trên giấy, phải đưa riêng một ngàn lượng bạc cho Ngọc Tỷ làm quỹ để dành.

•••••

Lại nói Tú Anh tính toán xong xuôi số hồi môn, chờ sau giờ cơm, Hồng Khiêm xơi trà rỗi rãi, không đọc sách thì đem ra cho chàng xem. Hồng Khiêm liếc sơ qua tờ khai, nói: “Mình cứ cân nhắc mà làm là được.” Tú Anh hỏi: “Còn tranh chữ thì sao? Nhà ta cũng có mấy bức, nhưng không đủ tốt.” Hồng Khiêm bảo: “Không lo, cũng chẳng cưới gấp trong mấy năm nay, sau này có dịp thì kiếm.” Với cả còn lão Tô bán tiên trợ trận mà, Ngọc Tỷ xuất giá, không viết tặng cái gì thì không còn là lão nữa.

Hồng Khiêm nói thế, Tú Anh ngẫm lại, cũng đúng, bèn cất giấy tờ đi. Hồng Khiêm lại bảo: “Sự vụ trong nhà thu xếp tới đâu rồi? Đầu xuân năm sau phải vào kinh đấy.” Tú Anh hỏi: “Phải cả nhà cùng đi thật ư? Lên kinh thì sống nhờ cái gì? Là gửi tiền thuê dưới này lên kinh, hay bán hết đất vào kinh lập nghiệp? Mấy ngày nay, ta cũng bàn với chị sui rồi, tuy chị ấy ngụ tại kinh thành chẳng được mấy chốc, nhưng cũng biết chuyện chốn ấy, nhà cửa đắt đỏ, đất đai đắt đỏ, ăn uống cũng đắt đỏ nốt. Nhà cửa đất đai dưới này bán cả, vào kinh cũng chẳng mua được mấy miếng.”

Hồng Khiêm nói: “Sống trong kinh cũng không khó khăn đến thế. Như này là vừa đủ rồi. Ta có công danh, mình sẽ tải một số hàng hóa lên cùng, miễn thuế. Những thứ khác thì khỏi mang nhiều, đặc sản quê nhà đem ít thôi, thay vào đó, mang tất cả số Hồ tiêu lần trước mua của Hồ thương theo.” Thiên triều vốn không sản xuất Hồ tiêu mà đều mua lại của thương khách người Hồ, “tiêu” nghĩa là hương liệu vị mạnh và nồng, thêm chữ “Hồ” để chú thích nơi sản xuất ra chúng. Bản xứ không có, đương nhiên sẽ vừa hiếm vừa quý. Có hai con đường để vào Thiên triều, một là đường bộ Tây Bắc, hai là đường thủy Đông Nam. So với đường bộ, thì đường thủy vừa vận chuyển được hàng hóa số lượng lớn, chi phí lại thấp. Ở trong kinh, Hồ tiêu đắt, lại khó mua. Đem thứ này theo quả thực thích hợp hơn bất cứ món đặc sản nào.*

[*Hồ tiêu là hàng ngoại, ở thời đó, nhà nào có Hồ tiêu, kiểu số lượng lớn ý, thì nghĩa là giàu có lắm, tài phiệt chứ chả chơi. – Tác giả.]

Tú Anh đáp: “Gốc gác nhà mình ở đây, vào kinh chỉ e sa sút. Chị Kỷ đã kể, trong thư Nga Tỷ viết, có giàu cũng khó mà tìm được nhà tốt ở đấy. Vả lại cha mẹ con rể đều ở đây, Ngọc Tỷ theo chúng ta vào kinh, lúc cưới lại đưa nó về? Hay là… mình muốn tóm chặt lấy, cả hai nhà đều chuyển vào kinh?”

Hồng Khiêm nhìn Tú Anh chằm chằm, hồi lâu mới bảo: “Con rể là cháu đích tôn của Ngô vương, dù có ở đâu thì khi thành hôn đều phải báo cáo với Tông Chính trong kinh, cũng phải về kinh bái kiến ông bà nội. Về phần ta, nhà mình dẫu sao cũng phải vào kinh, để đỡ tới lui hai ba bận thì dứt khoát thuê luôn vài con thuyền tải hết đồ gia dụng tới đấy ở luôn.” Dù gì chàng cũng đã là cử nhân, chuyển vào kinh sống tuy không dễ lắm, nhưng cũng chẳng đến nỗi quá khó khăn.

Tú Anh rốt vẫn hơi không nỡ rời Giang Châu, bèn cố gắng lần nữa, nói: “Vậy… Kim Ca thì sao? Thằng bé dẫu sao vẫn trong hộ khẩu của nhà mẹ đẻ ta. Còn Tô tiên sinh, tuy thầy nổi tiếng, nhưng nghe nói đã đắc tội Hoàng thái hậu, nếu không năm ấy đã chẳng đến nỗi bị trục xuất khỏi kinh, chúng ta vào kinh rồi thì một người già cả như thầy phải sống thế nào? Vừa mê chân gà, vừa khoái liên thiên, lại còn hay lạc đường…”

Nói đến đoạn cuối, Hồng Khiêm không kìm nổi mà bật cười, tiếng nặng tiếng nhẹ, cười đến nỗi Tú Anh phải nản lòng nhìn chàng. Hồng Khiêm chưa tắt nụ cười, hỏi: “Mình biết thầy ta đắc tội Hoàng thái hậu thế nào không? Một phen khổ cực này là vì ai? Có biết tại sao mấy năm nay thầy ta không về kinh, lại không lo lắng cho gia đình không? Thầy ta có tính toán cả rồi, huống hồ cũng sắp phải về. Hỏi thầy ta thử đi, nếu đồng ý về, chúng ta cùng về luôn. Cũng đã tới lúc rồi.”

Tú Anh đáp: “Tình hình cụ thể, phận gái như ta chung quy vẫn không cặn kẽ được, nếu mình nắm chắc, đi thì đi. Có điều… mẹ và bà của ta…”

Hồng Khiêm: “Đi cùng cả, năm sau tuyến đường sông vừa mở sẽ khởi hành ngay, thuyền lướt rất êm, dẫu có cao tuổi cũng không trở ngại gì. Thuyền tải được nhiều thứ, đồ gia dụng cứ mang theo hết. Nhà cửa khỏi bán, ruộng đất cửa hàng cũng vậy, sang tay quá gấp sẽ lỗ mấy phần. Bạc trong kho nhà vẫn còn vài ngàn, cứ mang theo là được, cũng đủ rồi.”

Tú Anh thấy chàng đã quyết, nghĩ mình cũng đã là vợ nhà họ Hồng, vinh nhục sau này đều gửi gắm vào chàng, chàng đã chắc chắn như thế thì cũng chẳng cần hoài nghi nữa, năng lực của chàng đã hiển hiện rõ từ khi ở rể rồi trở thành cử nhân, bây giờ lại sắp đi thi tiến sĩ, bèn vâng lời, hỏi thêm: “Người nhà mình thì sao? Cũng đưa đi cả?” Hồng Khiêm đáp: “Để lại hai người trông coi nhà cửa, hai người thu tiền thuê, người của cửa hàng thì giữ nguyên, còn lại đưa đi cả.” Tú Anh bảo: “Vậy phải thuê hai chiếc thuyền.” Hồng Khiêm đáp: “Thì thuê.”

Tú Anh thấy mặt mày chàng dứt khoát, không có vẻ gì là sẽ lay chuyển được, đành nói: “Nếu không cần bán gấp sản nghiệp đổi tiền thì bớt lo, điều còn lại khiến ta lo lắng chính là của hồi môn của Ngọc Tỷ. Vàng bạc châu bảo đã có sẵn, nhưng đồ gia dụng thì hơi ngoài tầm với. Nga Tỷ vào kinh, giường tân hôn cũng không mang theo được, chị Kỷ mỗi dịp nói tới là lại hờn, ta thì vẫn muốn mang theo một cái giường cho Ngọc Tỷ.” Hồng Khiêm bảo: “Mấy năm trước chẳng phải mình cũng kiếm được một mớ à? Thuê người đóng đồ gia dụng đi, dù gì cũng mướn thuyền, hẳn sẽ tải nổi.”

Tú Anh đồng ý, chuyện lên kinh Hồng Khiêm đã nói qua từ sớm, nàng không tin rằng Hồng Khiêm sẽ đưa cả nhà đi nên chỉ chuẩn bị hành trang cho một mình chàng, bây giờ lại phải gấp rút thu xếp thêm, quan trọng nhất là việc xử lý sản nghiệp, nếu bán quá vội sẽ phải giảm giá. Nhưng Hồng Khiêm bảo khỏi cần phải bán, Tú Anh chỉ thầm cho rằng cả nhà vào kinh du ngoạn một lần thôi, mình cũng nên ở bên đặng hầu hạ chàng cơm nước. Ngọc Tỷ sớm muộn gì cũng phải gả đi, của hồi môn đồ gia dụng nên thu vén dần trong hai năm này, bây giờ chẳng qua chỉ bắt đầu sớm một chút.

Hãy còn một việc khác phải bàn với Hồng Khiêm: “Ngọc Tỷ xuất giá, ngoài của cải thì còn phải cho vài người theo hầu. Tiểu Trà và Đóa Nhi cũng đã nên người, lại còn hầu hạ từ nhỏ đến giờ, chắc chắn phải đem theo, mợ Lý chăm sóc Ngọc Tỷ từ bé đến lớn, tình cảm đương nhiên sâu đậm hơn người khác, ngoài ba người họ thì vẫn phải thêm vài nam bộc. Tiểu Trà lớn hơn Ngọc Tỷ hai tuổi, vừa khéo nên duyên với người. Bên chồng Ngọc Tỷ tuy giàu sang nhưng lại nhiều người, chia tới chia lui, đến tay con bé chỉ e chẳng còn được bao nhiêu người dùng ổn, chúng ta nên cho nó đủ người thì hơn. Ta cân nhắc rồi, gả Tiểu Trà cho một đứa khéo léo nhà mình, Lai An Bổng Nghiên hay ai đó cũng được, xem như thị tỳ theo bồi, rồi mua thêm hai tiểu nha đầu khác cho Ngọc Tỷ, dắt về sai bảo.”

Hồng Khiêm nói: “Chuyện này phải hỏi mợ Viên và Tiểu Trà, tôi tớ trung thành rất khó tìm, chớ nhất thời gả sai người, khiến chủ tớ xa cách.” Tú Anh đáp: “Chuyện này ta hiểu. Ta cũng không tính sẽ để mợ Viên đi theo nó, nhà mình ít người, mợ ấy cũng bớt việc. Bên kia đông đúc, mấy đứa dâu lại có thị tỳ riêng, ở chung với nhau dù có hòa thuận cách mấy cũng sẽ có chuyện. Ngọc Tỷ có mẹ chồng chăm sóc, con bé cũng lanh lợi thì chẳng sao, Đóa Nhi cứng rắn ngay thẳng, chỉ theo hầu Ngọc Tỷ cũng không có gì đáng ngại, Tiểu Trà khôn khéo, không ai bắt nạt được, nhưng còn mợ Viên lại quá lành, không ổn.”

Hồng Khiêm gật đầu: “Vậy chuyện này giao cho mình.” Tú Anh hỏi: “Vậy Ngọc Tỷ theo chúng ta vào kinh, nên nói thế nào với anh chị sui đây? Ngũ Ca nhà họ dắt vợ về kinh thêm tên vào ngọc điệp, anh chị sui còn không bứt ra đi cùng được.” Hồng Khiêm nói: “Vùng này sung túc thế nào, mình và chị sui làm ăn với Hồ thương chắc cũng rõ, tuy là con trai thân vương, nhưng vị trong kinh kia há lại để họ ở lại đây lâu dài? Mà anh ấy cũng không biết kinh doanh, chẳng ngoài hai năm sẽ có kẻ đẩy khỏi đây. Thể nào cũng sẽ về kinh.”

Tú Anh bảo: “Vậy để ta nghĩ cách nói chuyện ổn thỏa với nhà anh ấy.”

Đã không phải bán tháo đất đai cửa hàng, Tú Anh bớt không ít việc, trước tiên gọi mợ Viên đến thuật lại một lượt, mợ Viên nghe bảo là chuyện cưới gả con gái mình, đương nhiên vui mừng. Nhưng hai mẹ con nhà mợ, người ra quyết định luôn là Tiểu Trà, mợ Viên bèn thưa: “Con lớn tự lập, tôi phải hỏi ý nó đã.” Tú Anh nói: “Nó là một nha đầu hiểu chuyện sáng suốt, nếu là đứa khờ ất ơ nào đấy thì ta cũng lười hỏi, gả bừa là được. Tìm mợ đến là muốn hỏi ý đấy.” Mợ Viên đội ơn vô vàn, đích thân đi tìm Tiểu Trà.

Tiểu Trà nghe chuyện, suy xét một chút rồi đáp: “Mẹ ở nhà an tâm hầu hạ, gia đình này hiền hậu, con… con vẫn muốn hầu hạ tiểu thư.” Mợ Viên nói: “Vậy con thành hôn đi, càng dễ theo hầu tiểu thư. Đừng nghĩ tôi tớ bên kia xuất thân vương phủ sẽ có mối tốt hơn, nơi ấy đông đúc, chỉ e cũng rối ren, nghe nói phủ quân chỗ mình còn đỡ, trong kinh người còn nhiều hơn kìa, đông người lắm thị phi. Gia đình đầu tiên chúng ta hầu hạ, cái kiểu lộn xộn khi ấy chắc con cũng hiểu rồi, phải biết nhà càng lớn thì càng rách việc.”

Tiểu Trà đáp: “Mẹ, con hiểu mà. Mẹ cứ để con cân nhắc đã. Nương tử hỏi nghĩa là đã coi trọng chúng ta, cũng không gấp gì vài ngày này.” Mợ Viên đồng ý, tim Tiểu Trà cứ đập thình thịch, cô cũng khá để ý một người, người này vừa là tôi tớ nhà này vừa không phải, ấy là Minh Trí theo hầu Tô tiên sinh. Cậu chàng Minh Trí này là thư đồng của thầy Tô, nhưng do nhà họ Trình mua vào. Tiểu Trà nghĩ, chủ nhân muốn gả cô để thành một phòng theo hầu Ngọc Tỷ, đương nhiên sẽ muốn cô lấy tôi tớ vốn hầu hạ người nhà mình, thế mới an tâm. Nghĩ mà không thôi buồn bã.

•••••

Bên này mợ Viên tâu lại với Tú Anh: “Con bé chết tiệt kia không chịu mở miệng, chỉ e tôi còn phải gặng hỏi thêm.” Tú Anh cười đáp: “Đều có con gái cả, lòng mợ lẽ nào ta không hay? Chỉ có một đứa này thôi, bồng trên tay sợ vỡ ngậm trong miệng sợ tan, cứ để nó suy nghĩ kỹ, cũng tốt. Dù vừa ý ai, khi nó xuất giá ta cũng sẽ thưởng chăn đệm trang sức và quần áo mới.” Mợ Viên vội vã dập đầu tạ ơn. Tú Anh nói: “Nó là đứa có chủ kiến, mợ đừng lo lắng quá, với cả hầu bên Ngọc Tỷ, cả hai đứa chúng nó tình cảm tốt lắm. Ngọc Tỷ hẳn sẽ chăm lo cho nó.”

Ngọc Tỷ quả nhiên chăm lo cho Tiểu Trà, hai cô cậu Tiểu Trà và Minh Trí đều ở nhà họ Hồng, đôi khi lời qua tiếng lại, Ngọc Tỷ cũng từng nghe được đôi câu. Nàng đã đính hôn, đương nhiên biết tâm tư thiếu nữ của Tiểu Trà, nhưng chuyện cưới gả của tôi tớ và chủ nhân hơi khác nhau, cho nên chưa từng hỏi đến. Lý do hả? Tôi tớ trong nhà ấy à, thường sẽ kết hôn muộn hơn chủ nhân một chút. Tôi tớ hầu hạ tiểu thư, phải chờ tiểu thư thành hôn rồi mới có thể cưới gả. Hoặc bồi giá, hoặc phối duyên. Nhưng lén lút qua lại thì được.

Đóa Nhi và Tiểu Trà ở gần nhau, khi nghe khi thấy, cũng biết được đôi điều. Cậu chàng Minh Trí kia thì biết Tô tiên sinh mê chân gà, thỉnh thoảng xin thầy nghỉ một buổi ra phố chơi, sau lại mang chân gà về biếu thầy, thế nên thầy Tô cũng cho phép cậu. Xuống phố thì ngoài chân gà ra còn mua mấy món trà quả hoặc đồ chơi nho nhỏ, hoặc tặng Tiểu Trà, hoặc nịnh Đóa Nhi để nó tạo cơ hội cho mình. Thế là Đóa Nhi biết chuyện. Đóa Nhi đã biết thì Ngọc Tỷ cũng sẽ biết.

Trong lòng Ngọc Tỷ đương nhiên xem trọng Tiểu Trà và Đóa Nhi hơn những người khác, Minh Trí hầu Tô tiên sinh nhưng vẫn là người nhà mình, không phải ngữ ba lăng nhăng nào ngoài kia, với cả theo thầy Tô thì hẳn sẽ hiểu văn biết chữ, vì mua về chỉ để hầu thầy Tô nên cụ Trình cũng chọn người có vẻ ngoài đứng đắn. Nên duyên với Tiểu Trà, cũng khá xứng đôi.

Mấy ngày nay Tiểu Trà tuy không để lộ ra mặt nhưng Ngọc Tỷ vẫn cảm thấy cô có gì đó không ổn, bèn hỏi: “Mấy hôm nay chị cứ uể oải thế nào ý, có chuyện gì khó xử à? Nói ta nghe, ta góp ý cho đôi điều.” Tiểu Trà đáp: “Cũng không có gì, sắp đến Tết rồi, em đang nghĩ chuyện quà may thêu tiểu thư biếu nhà chồng thôi ạ.” Ngọc Tỷ nói: “Đừng lo, ta đã làm xong lâu rồi, lót một lớp nỉ vào đế là được, mang vừa ấm vừa nhẹ.” Lại nghiêng đầu nhìn Tiểu Trà.

Tiểu Trà tuy lanh lẹ nhưng dẫu sao vẫn là thiếu nữ, cũng ngại mở miệng. Ngọc Tỷ nói: “Chị không muốn nói thì ta không hỏi, lúc chị muốn nói thì cứ giải bày với ta. Chỉ đừng chờ đến khi sự việc quá lớn, ta không quản nổi nữa mới nói.” Tiểu Trà thưa: “Cũng không phải chuyện phiền phức gì, nhưng… Tiểu thư, sau này người còn cần em theo hầu không ạ?” Ngọc Tỷ cười đáp: “Nói gì thế? Từ khi chị bước vào nhà này đã theo hầu ta, thế sau này chị muốn đi đến đâu nữa? Nếu có chốn tốt, ta đương nhiên không cản. Nếu không, ai đâu mà đuổi chị đi?”

Tiểu Trà bấy mới yên tâm, lại cân nhắc thêm hai ngày, cuối cùng đến tâm sự với Ngọc Tỷ trước tiên. Ngọc Tỷ nói: “Minh Trí hiện đang theo hầu tiên sinh, để ta đi hỏi mẹ đã, nếu mẹ làm khó thì tới xin thầy sau.” Tiểu Trà tâu: “Nếu khó quá không đỡ lời được thì thôi đành vậy ạ. Em dù gì cũng không muốn rời khỏi tiểu thư.” Ngọc Tỷ đáp: “Lại nói bậy rồi, để ta đi hỏi đã.”

Đi tìm Tú Anh, Tú Anh cũng hơi khó xử, chỉ bảo: “Ta phải bàn với cha con trước, hai đứa đừng đến làm phiền tiên sinh.” Ngọc Tỷ vâng lời. Nào ngờ bên kia Minh Trí nghe tin thì nôn nóng, lại không tiện nói rõ, nhưng khiến thầy Tô đánh hơi ra được. Minh Trí là do Tô tiên sinh hun đúc mà thành, thầy Tô vừa hỏi, cậu đã thành thực đáp phải. Thầy Tô nghe bèn cười: “Trước đây ta đã nói Cửu Ca thế nào ấy nhỉ? Ta cũng chả phải chưa từng đính hôn lấy vợ. Cậu vốn là người cụ Trình mua vào, giờ hầu bút mực ở đây nhưng vẫn không phải tôi tớ của ta, sao không đi hỏi nhà chủ nhân đi? Chỗ ta vẫn còn Bình An được việc, huống hồ cậu đi rồi, ta vừa khéo đổi một đứa trẻ lanh lợi, dạy dỗ từ đầu.”

Vì thầy Tô đã nói thế, Tú Anh bèn đứng ra, hứa hôn cho Tiểu Trà và Minh Trí, Minh Trí lớn hơn Tiểu Trà hai tuổi, vóc người cao gầy, mợ Viên vốn biết cậu ổn, vả lại theo hầu thầy Tô thì hẳn cũng trí thức lễ nghĩa. Hai người đều là tôi tớ, lễ tất nhiên không long trọng như Ngọc Tỷ, từ đính hôn đến thành hôn chỉ gói gọn trong hai tháng, ngay trước Tết đã xong. Tú Anh đang đặt làm đồ gia dụng cho Ngọc Tỷ, bèn tiện tay đặt thêm một chiếc bàn có ngăn kéo, mua chiếc giường, một hộp trang sức có gương đồng, hai cây trâm vàng hai cây trâm bạc, một đôi khuyên tai vàng, một bộ xuyến vàng, hai bộ quần áo mới cho Tiểu Trà. Sắp một tiểu viện ba gian cho một nhà ba người, bảo mợ Viên chuyển đến sống cùng con gái và con rể.

Mợ Viên cứ thưa mãi với Tú Anh: “Quá nhiều rồi quá nhiều rồi, có gia đình nào lại đối xử tốt với tôi tớ như thế? Không được quên bổn phận, mất phúc phần. Con gái nhà giàu dưới quê cũng được đến thế này là cùng.” Tú Anh nói: “Ta đã có tính toán cả, mợ cứ nhận là được.” Ngọc Tỷ tự đem một chuỗi vòng ngọc trai ra tặng thêm cho Tiểu Trà, Đóa Nhi cũng tặng đồ thêu, mợ Lý cũng tặng cô một cây trâm thân bạc đầu vàng.

Tiểu Trà đã gả cho người, vì Minh Trí bị bán lúc còn bé nên đã quên họ cũ, cụ Lâm bèn bảo cậu nhận Trình Phúc làm cha nuôi, cũng ban họ Trình, đại danh là Trình Trí. Ngoài đám Ngọc Tỷ và Đóa Nhi quen mồm, người khác đã có người đổi cách xưng hô, gọi cô là “vợ Trình Trí”, Ngọc Tỷ cho cô nghỉ phép ba ngày.

Tú Anh lại gọi bà Tiết đến mua người, không giải thích rõ chuyện mua cho Ngọc Tỷ, chỉ nói: “Vì gửi sang bồi tống Ngọc Tỷ nên ta thiếu người, muốn mua ba, bốn nha đầu tốt, sau này tiện bề sai bảo. Ta đang vội, phải nhanh một chút.” Bà Tiết vâng lời: “Trước Tết khắp nơi thiếu người làm, e sẽ đắt hơn.” Tú Anh bảo: “Bà đừng dẻo mỏ với ta, trước Tết thiếu người, chẳng nhẽ ta lại không biết?” Bà Tiết luôn mồm nhận lỗi, không nhắc nữa mà đi tìm người ngay.

•••••

Vì Tết sắp đến, Tú Anh sai người chuẩn bị quà cáp tặng cho thông gia, Ngọc Tỷ cũng làm xong ba đôi giày biếu sang. Vì Giang Châu lạnh ẩm, trước đây làm giày cho thầy Tô nàng đã quen tay hay lối, giày kỳ này làm đều có đế vải ngàn lớp, bện chỉ gai thật chắc, nàng lại nảy ra ý tưởng, lót thêm một lớp nỉ vào, nỉ vừa mềm vừa nhẹ, vừa ấm vừa thoải mái. Lại cắt nỉ làm lớp đệm, ấm hơn vải bố nhiều.

Thân thị vui mừng không ngớt, ngoảnh đi ngoảnh lại đã xỏ vào chân. Tuy bà đối xử công bằng với con cái, con trai con dâu đều cực kỳ kính yêu bà, đám con dâu không ít đứa hiếu kính mấy món này, nhưng Cửu Ca lại là con độc, ngoài miệng không nói nhưng trong lòng bà, Ngọc Tỷ đương nhiên khác với những đứa kia. Bây giờ thấy cô con dâu này hiểu chuyện hiếu thuận, lại lanh lợi khéo léo, sao có thể không vui?

“Từ dạo đính hôn, Cửu Ca chí ít cũng đã biết cười ngơ rồi đấy!” Lời này là thật, Lục Tỷ nghe mẹ nói thế cũng chỉ biết cười trộm. Cửu Ca được vợ tặng giày, còn chẳng đang cười ngố ấy? Vui mừng một chập, lại lật rương lục tủ, moi ra một thỏi mực Tùng Yên của danh gia, đây là đồ ông nội ban thưởng, thường ngày y không nỡ dùng, nghĩ lại Ngọc Tỷ theo học Tô tiên sinh, hẳn sẽ cần món này. Định lén nhét vào quà trả lễ…

Thư Đồng trông thấy, tròng mắt mấy lần suýt rớt xuống, đau khổ cản lại: “Cửu Ca, Cửu Ca tốt của tôi ơi, ngừng lại đi ạ. Lần trước đã lén tặng thỏ ngọc của lão vương phi rồi, nhỡ may nương tử hỏi đến thì biết phải làm sao?”

Cửu Ca cầm tinh con thỏ, vì nhà họ Thân mà Ngô vương phi cũng khá quan tâm đến con trai của Thân thị. Cũng do dẫu Thân thị làm mẹ kế hay mẹ cả gì cũng được, mềm mỏng cứng rắn thế nào cũng ổn, lại có công chiếu cố Lệ Ngọc Đường. Lệ Ngọc Đường là thiếu tử của Ngô vương phi, Thân thị tốt với con của bà, Ngô vương phi đương nhiên sẽ yêu thương Thân thị. Lúc Cửu Ca ra đời, Ngô vương phi cũng vui mừng, ngoài những phần thưởng theo lệ thì còn đem một đôi thỏ ngọc cung tặng ban cho Cửu Ca. Cửu Ca lớn rồi Thân thị bèn giao đôi thỏ ngọc cho y bảo quản, ai ngờ vừa ngoảnh đi y đã tặng ngay cho vợ.

Mắt thấy Cửu Ca lại định tặng mực Tùng Yên mà ông nội ban đi, Thư Đồng không thể không cản: “Cửu Ca đem tặng Cửu Nương cả, thế lại thành ra trong mắt chỉ có vợ rồi ạ.”

Cửu Ca chẳng thèm liếc cậu ta một cái, khăng khăng nhét thỏi mực vào. Thư Đồng gợi ý: “Hay là đích thân viết một bức chữ? Là tâm ý của một mình Cửu Ca ạ. Nếu cứ tặng đồ quý thì lại quá coi trọng rồi. Cứ như… cưới vợ rồi quên mẹ…” Nói đến đoạn cuối, bị Cửu Ca nhìn tới mức phải câm miệng.

Cửu Ca buông lời: “Mẹ ta không ngốc, vợ ta lại càng chẳng khờ.” Thư Đồng trợn trừng mắt, tự ngẫm, cái đó với chuyện tặng đồ, liên quan gì tới nhau?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.