Nữ Hộ

Chương 43: Thăm hỏi




DUNG MẠO ỔN, LẠI CÓ TIỀN ĐỒ, ĐÚNG LÀ RỂ HIỀN.Ngọc Tỷ vừa giẫm lên ngưỡng cửa, nghe Tố Tỷ khóc òa: “Lòng sông có quỷ, mẹ không bao giờ trầm mình xuống đó nữa đâu.” thì trượt chân, Tiểu Trà chừng đỡ bé không vững, may mà Đóa Nhi đỡ kịp, Tiểu Trà cũng trượt chân, đến khi nghe Tố Tỷ bảo: “Sợ chết mất.” Đóa Nhi cũng nhũn cả giò.

Ngọc Tỷ vốn có lòng đến an ủi bà ngoại, tạm gác chuyện vừa nghe ngóng được sang bên, giờ nghe bà nói thế, cảm giác trong lòng lộn tùng phèo cả. Tố Tỷ một tay ôm Tú Anh, tay còn lại kéo vạt áo cụ Lâm, cứ kể lể tình cảnh đáng sợ lúc ấy mãi. Ngọc Tỷ cố nén ngồi nghe, với vị ngoại tổ mẫu này, đã hết biết phải nói gì.

Gần đây cụ Lâm mệt mỏi cực, quá nửa là do Tố Tỷ, chồng qua đời ba bốn năm, sức khỏe cũng không còn tốt như trước, mai kia nằm xuống, Tố Tỷ làm thế nào mà sống nổi? Với tính tình của bà, chưa đến hai ba năm có khi đã bị người ta lừa bán đi mất rồi. Những người có thể làm chỗ dựa cho Tố Tỷ, chỉ có con gái và con rể, nhưng bà lại gây ra chuyện vớ vẩn thế này, trong lòng vợ chồng Tú Anh khó tránh khỏi nảy sinh khúc mắc.

Nỗi lo này không thể nói thẳng với Tú Anh được, cụ Lâm mới dặn mụ Ngô đôi câu trước: “Tú Anh đã không thèm nhìn mặt mẹ nó, ấy còn là mẹ con ruột, huống chi là cháu rể? Với cả người sai là Tố Tỷ, ấy vậy mà suýt chút nữa đã gật đầu, Ngọc Tỷ của ta họ Hồng chứ không phải họ Trình, Tố Tỷ ngày càng không hiểu chuyện rồi, chỉ muốn giành tiếng tốt ‘thương kẻ nghèo khó’ cho mình, lại dám hại cả trẻ con. Cháu rể dễ cũng phải nửa tháng không gặp mặt chào hỏi nó rồi nhỉ? Nó còn mơ tận đẩu đâu ấy!”

Mụ Ngô khó mà đỡ lời cho Tố Tỷ, mà trong gia đình Tố Tỷ lại chẳng có uy tín gì, mụ Ngô cũng lười ra mặt hộ bà, chỉ an ủi cụ Lâm: “Tú tiểu thư là người có lòng tốt, chắc sẽ không mặc mẹ ruột đâu, hãy còn Kim Ca, cô gia vẫn phải nể mặt con cái chứ.” Cụ Lâm bảo: “Chẳng nhẽ Ngọc Tỷ không phải con gái nó? Đến ta còn tức, cô gia chẳng có nhẽ lại không? Cũng chẳng dám trách người ta nổi giận, Tố Tỷ to gan đến độ dám quản đến chuyện nhà người khác cơ mà! Nhà chúng ta chẳng qua chỉ do lão thái công trước khi mất đối đãi khá tốt với thằng bé, lòe được nó về nhà ở rể, nó đỡ đần nhà mình mấy năm nay, còn để Kim Ca lại cho ta, ân nghĩa gì cũng đã trả sạch từ lâu, con bé Tố Tỷ chết tiệt này vẫn cứ không hiểu chuyện, đắc tội người ta, quét sạch tình cảm, sau này phải làm sao đây?”

Sầu lo một hồi, mụ Ngô lại khuyên: “Giờ chỉ biết dựa vào ngài vãn hồi lại cho Tố Tỷ, phải đối xử thật tốt với Ngọc Tỷ và Kim Ca.”

Một câu nhắc nhở cụ Lâm: “Đúng rồi! Ta cũng nghĩ thế, ta từ lâu đã chuẩn bị một phần của hồi môn thêm thật hậu cho Ngọc Tỷ, không kém của mẹ nó là bao, trước khi qua đời sẽ đưa cho con bé, cũng để chuộc lại nỗi áy náy trong lòng, ai bảo nghiệp chướng kia là con gái ruột ta làm gì? Nếu ta qua đời, trong nhà chẳng ai chăm nom, sơ sẩy không để mắt đến có khi bị nghiệp chướng này làm nhơ nhuốc cả, chi bằng đưa Ngọc Tỷ trước, không phụ lòng con bé ở với gia đình này từng ấy năm, lại gặp phải chuyện phiền lòng nọ. Kim Ca là em trai nó, nó há lại không coi sóc? Nhà họ Hồng còn đó, Tố Tỷ có không hiểu chuyện đến đâu đi chăng nữa, Kim Ca cũng sẽ chẳng đến nỗi không ai dạy dỗ.”

Nói là làm, chủ hộ Trình gia là Tố Tỷ, nhưng thực chất tất cả của nả đều nằm trong tay cụ Lâm, Tố Tỷ chỉ có một ít tiền riêng thôi. Cụ Lâm lập tức lấy tất cả khế đất khế nhà sổ tiền vẫn mang theo bên mình ra, bàn với mụ Ngô: “Cho Ngọc Tỷ món nào thì tốt?” Chủ tớ hai người bàn bạc một lúc, cụ Lâm chọn ra một nhà kho, một cửa hàng, nghiến răng đưa thêm mười khoảnh ruộng thượng đẳng và mười khoảnh ruộng trung đẳng ra, thở dài: “Ta cho thêm nó ba trăm lượng bạc trắng vậy, cũng hòm hòm rồi.”

Mụ Ngô đáp: “Ấy trời, sao lại chỉ gọi là hòm hòm? Gia đình bình thường, của hồi môn được bao nhiêu chứ? Hiếm thấy nhất là số ruộng này, đi đâu mà tìm ruộng tốt liền thành một thửa như thế? Có tiền cũng mua không nổi.”

Cụ Lâm nói: “Không muốn đánh tan cơn giận của cháu rể thì cứ giữ lại, Tố Tỷ đừng hòng sống yên ổn. Nhưng lúc xảy ra chuyện gì, nó bảy phần sức nhưng chỉ giúp năm phần, cũng không trách được. Ta chỉ sợ thằng bé không nhận, chịu nhận nghĩa là chuyện này tạm bỏ ngõ không nhắc, còn bằng không, thì tận đáy lòng đã tức giận thật rồi. Cứ để ta lén cho Ngọc Tỷ là được.”

Mụ Ngô đảo mắt, vỗ tay reo: “Đúng nhỉ, cho thẳng thì trông như lấy tiền mua bình yên, là xem thường cô gia. Còn lén cho, sẽ thể hiện mình thẹn với lòng, cô gia mới có thể đồng ý nhận, với cả cho Ngọc Tỷ, cũng là cho máu mủ nhà họ Trình.” Lời còn bỏ ngõ của mụ Ngô, chính là lo lỡ như Hồng Khiêm nạp thiếp thu tỳ rồi có thêm con thứ, còn mà cho Tú Anh, Tú Anh cũng không thể mặt dày chẳng cho thứ tử một đồng nào.

Cụ Lâm bảo: “Có cái ngữ nghiệp chướng kia ở đây, ta không biết khi nào mình sẽ tức chết, thôi cứ viết lại tờ giấy. Nếu về đến thành mà ta còn sống, sẽ đến nha môn bàn giao cả cho con bé, nếu ta chết rồi, mụ thấy tiện khi nào thì đưa khi ấy, cũng cho Ngọc Tỷ cả. Khi ấy nửa đời sau của Tố Tỷ mới có chỗ nhờ. Trước đây ta thường rầy thái công đối xử với người ta quá tốt, bây giờ mới hiểu tại sao phải làm thế.”

Mụ Ngô mài mực, cụ Lâm viết chứng từ, lấy một cái hộp khác để đựng thư khế, rồi dùng khóa đồng khóa lại, buộc chìa vào một chiếc khăn tay, giắt bên eo mình.

Làm xong mọi việc mới thấy mệt, ăn non nửa bát cơm, hớp một bát canh rồi đi ngủ. Giữa lúc mơ màng, bên ngoài báo tin Tố Tỷ rơi xuống nước. Cụ Lâm hoảng hốt đến độ ngay cả trong mơ cũng phải toát mồ hôi lạnh, vội vã bật dậy, trước mắt tối sầm, mụ Ngô và Nghênh Nhi tức tốc đến dìu, múc nước cho cụ rửa mặt, trước khi ngủ đã rút trâm cài ra cả, giờ tóc vẫn chưa kịp bới lại.

Lúc cụ Lâm đến nơi, Tố Tỷ đã được đưa về. Cụ Lâm hỏi tiền căn hậu quả, Phần Hương quỳ dưới đất khóc thưa: “Nương tử muốn ngủ trưa, đuổi con ra bắt ngủ theo, lúc mơ màng đã thấy không ổn, ngước mắt lên thì nương tử đã mất bóng, đang tìm thì ngoài kia đã dìu nương tử về, bảo là sẩy chân rơi xuống nước. Cũng chẳng biết tại sao lại ra ngoài.”

Lúc cụ Lâm và Tú Anh đến thăm Tố Tỷ, bà đã nôn ra nước từ lâu, đang nằm đợi thầy lang, Tú Anh hỏi bà có khó chịu chỗ nào không, bà đáp nhập nhèm, cụ Lâm mới bước tới, Tố Tỷ chẳng nói chẳng rằng, đưa tay ôm lấy, rồi bắt đầu khóc bảo sợ. Cụ Lâm bấy giờ mới nghe rõ, hóa ra bà không rơi xuống nước, mà muốn trầm sông tự vẫn! Cụ Lâm tối mịt cả mắt, một chốc đến cả mắng cũng chẳng mắng nổi —– Đã muốn chết mà mày còn sợ quỷ?

Tú Anh tránh thoát, thu xếp thay quần áo sạch cho Tố Tỷ, rồi chải đầu, đổi chăn đệm sạch, bảo Tố Tỷ nằm xuống.

Nghênh Nhi bên ngoài chạy vào bẩm: “Thầy lang đến rồi.” Cụ Lâm gắng hết sức bịt mồm Tố Tỷ lại: “Câm miệng! Không được lên tiếng!” Rồi mới mời thầy lang vào. Chẩn mạch, cũng chỉ là hoảng sợ tý chút, gió độc vào người, bèn viết toa thuốc rồi mang đi bốc.

Tố Tỷ bị cụ Lâm dọa, không dám nhiều lời, thuốc sắc xong cũng run cầm cập bưng lấy uống cạn. Ngọc Tỷ chau mày, kéo vạt áo sau của cụ Lâm, lại thò tay chọc chọc eo Tú Anh. Hai người vừa ngoái đầu, Ngọc Tỷ liền đưa mắt ra hiệu, hai người thấy Tố Tỷ uống xong thuốc, nhút nhát kéo chăn đắp qua đầu, chẳng mấy chốc đã ngủ, bèn đi ra ngoài cùng Ngọc Tỷ.

Ra đến cửa, Ngọc Tỷ bảo: “Cha ở nhà trước cảm tạ người đã cứu bà, chúng ta đừng đến đó vội mà sang chỗ mẹ uống chén trà, chờ tin cha thôi.” Rồi dìu cụ Lâm đến phòng Tú Anh ngồi, Tiểu Hỉ vớt dưa hấu ướp dưới giếng, ba người chẳng ai xơi. Ngọc Tỷ nói: “Vụ lùm xùm này, làng xóm biết cả rồi, nói ra chưa chắc đã dễ nghe, nhưng vẫn phải có lời giải thích. Bà ngoại vì sao lại rơi xuống nước, chúng ta cứ nói trước, để họ khỏi đồn đoán lung tung.”

Cụ Lâm đáp: “Đứa bé ngoan, cũng chỉ cháu là hiểu chuyện, đọc bao nhiêu sách đúng là không uổng.”

Tú Anh tức tối nói: “Đâu thể bảo bà ấy nghĩ quẫn muốn trầm sông? Nói ra khó nghe biết mấy? Người ta dễ không thèm đoán lý do chắc? Đồn một đồn hai, chẳng hay sẽ đồn ra loại chuyện ly kỳ quái dị gì,” Nói rồi không kìm nổi muốn khóc, “Sao cháu lại gặp phải người mẹ như vậy chứ?”

Lời này cực nặng, nếu khắt khe cũng phải xét vào loại bất hiếu, nhưng cụ Lâm lại thấy đó là lẽ dĩ nhiên, Ngọc Tỷ cũng không trách nàng. Ngọc Tỷ chỉ đưa mắt nhìn hai bậc bề trên, cụ Lâm hỏi, “Cháu có ý gì không?”

Ngọc Tỷ đáp: “Bà ngoại ngủ trưa bị bóng đè, bây giờ chuẩn bị nhang đèn, đến mộ tổ tiên hóa hai xấp vàng mã. Lại truyền lời ra, đàn bà con gái trong nhà sau này không cho ra bờ sông sau khi mặt trời lặn nữa, sợ xảy ra sự không may, chắc có thể lòe qua chuyện.”

Cụ Lâm bảo: “Cứ thế đi.”

Tú Anh bất đắc dĩ, đành sai người đồn ra, nói là: “Ngủ trưa bị bóng đè.” Đoạn gióng trống khua chiên đến trước mộ tổ tiên hóa vàng mã. Thế mới bưng bít được vụ này, chỉ là từ bấy về sau dưới quê có lời đồn kỳ quái, rằng đàn bà âm khí nặng, nếu mặt trời lặn mà còn đến bên sông, dễ bị thứ gì đấy không sạch sẽ quấn vào, chẳng bao lâu sau đã thành cố sự.

•••••

Bên này bà cháu ba người bàn xong kế sách, bên kia Hồng Khiêm đã cảm tạ Thịnh Khải xong, nhưng không hỏi chỗ ở của cậu, chỉ lệnh Bổng Nghiên, Lai An tiễn cậu về, lúc hai đứa trở lại, khắc sẽ biết nhà Thịnh Khải ở đâu. Rồi viết một tấm thiệp, sai người đi gấp về Giang Châu mua vài món quà, đặng đến cửa thăm hỏi.

Xong việc thì đến chỗ Tú Anh, biết cánh phụ nữ đã nghĩ ra biện pháp lấp liếm, Hồng Khiêm cũng khen cách này khéo: “Ta vừa bảo phải đề phòng có người tạo tin đồn không hay, làm theo kế này, dù có sinh sự cũng chỉ trong mức độ nào đó thôi.” Cụ Lâm lại khoe ấy là cách Ngọc Tỷ nghĩ ra, Hồng Khiêm vừa mừng vừa thương, mừng là vì con gái nhanh trí, thương là vì nó buộc phải nghĩ cách dọn dẹp hậu quả cho Tố Tỷ.

Trong buồng Kim Ca đã thức dậy, không thấy cha mẹ, gào khẽ như chuẩn bị khóc quấy, đám Tú Anh vội vào chăm sóc nhóc, riêng Hồng Khiêm thì đến thư phòng. Ngồi trước bàn hồi lâu, chẳng lòng dạ nào mà đọc sách, chỉ buồn bực nghĩ lung. Cơm tối cũng xơi một cách khó chịu, trong lòng không khỏi trách vị nhạc mẫu này đúng là một kẻ chuyên gây họa. Tình cảnh này, dù có muốn nói đỡ đôi câu cho Tố Tỷ, Tú Anh cũng chẳng biết phải mở lời thế nào, chỉ bế Kim Ca đến chống đỡ, nói: “Từ nay không cho Ngọc Tỷ đến nhà đấy miết nữa.”

Hồng Khiêm trầm ngâm cả buổi, mới bảo: “Năng đón lão an nhân đến nhà mình chơi vậy.” Tú Anh bèn hiểu chuyện đến đây là xong, nhưng với Tố Tỷ thì Hồng Khiêm chỉ còn nể mặt mũi, chứ tôn trọng thì vơi sạch rồi.

Hôm sau, quà từ Giang Châu đã về đến, Tú Anh kiểm tra một lượt, thấy không có gì sai sót, vừa nặng vừa gói kỹ, Hồng Khiêm bèn sai người đưa bái thiếp sang nhà họ Thịnh. Ngày kế, Hồng Khiêm đích thân đến cảm tạ, sai Bổng Nghiên, Lai An xách quà, Hồng Khiêm thì cưỡi ngựa, sang Thịnh gia.

Đến nơi, thấy tòa nhà bằng gạch ngói mới tinh, cửa lớn cũng được quét sơn mới. Thịnh Khải đã đứng ngoài cửa đón từ sớm, hai người đều là tú tài, nhưng Thịnh Khải còn nhỏ, Hồng Khiêm lớn hơn cậu những mười tuổi hơn, trong nhà Thịnh Khải hãy còn cha mẹ nhưng cậu vẫn đích thân ra nghênh tiếp. Hai người chào hỏi vài câu, Thịnh Khải bèn mời Hồng Khiêm vào nhà.

Hồng Khiêm bước vào Thịnh gia, lướt mắt nhìn thoáng, chỉ thấy sân vườn rất sạch, vì đang để tang nên vẫn còn mộc mạc. Sảnh trước bày bàn ghế gỗ các loại, trên tường treo vài bức tranh, Hồng Khiêm là người có mắt nhìn, những món này chẳng kém nhà mình là bao.

Rồi lại đi vào trong, ấy mới là nhà giữa nơi cha Thịnh ở, bên trái là thư phòng của cha Thịnh. Trong phòng đặt vài chậu lan tốt, ở thành Giang Châu cũng phải đến mấy chục quan tiền, cha Thịnh thấy Hồng Khiêm ngắm kỹ bèn đắc ý giảng giải cho chàng, phải tưới thế nào, bao nhiêu nước, rồi cắt sửa ra sao, có những bí quyết gì, lịch sự tao nhã vô cùng.

Sau đó Hồng Khiêm mới đến thư phòng của Thịnh Khải trò chuyện, đi thẳng từ trung sang đông, vậy mà lại thấy ít trang trí hơn, không hoa cỏ gì, chỉ có vài bụi trúc mới trồng. Trong thư phòng cũng chỉ có sách không hoa, bày biện đơn giản. Hồng Khiêm lại cảm tạ Thịnh Khải lần nữa, hai người chuyện trò văn chương một bận, Hồng Khiêm thấy tuy vị tú tài này còn nhỏ, nhưng nghiên cứu văn chương chẳng kém mình là bao, bèn mời cậu đến nhà mình chơi thường xuyên hơn.

Thịnh Khải đáp: “Tôi đang chịu tang, vì là tang tổ phụ nên phải cữ một năm. Có điều kiêng kị.”

Hồng Khiêm nói: “Tử bất ngữ quái loạn lực thần.”* Đang ở quê, người có thể cùng chàng luận văn chương chỉ có thầy Tô và Ngọc Tỷ. Thầy Tô là oan gia tám trăm kiếp của chàng, lúc dạy bảo thì hữu ích thật nhưng quá trình chung đụng ê răng lắm. Ngọc Tỷ thì là con gái, lại còn bé, thi tú tài chuộng ngâm thơ, thầy Tô bảo bé có thể thi đậu cũng là lời thật lòng. Nhưng còn thi cử nhân, lại phải viết văn vấn đáp, làm thơ, bé vẫn chưa đủ trình. Trong thành có vài người đỗ cùng đợt với chàng, có cả Kỷ chủ bộ cũng xuất thân cử nhân, dễ bề luyện tập, còn dưới quê đúng thật tịch mịch như tuyết.

[*Kỳ trước đã chú thích: đại loại là Khổng Tử khuyên không nên mê tín.]

Ngày hôm sau Thịnh Khải đã đến thăm đáp lễ, vì ở quê này chỉ có hai người là tú tài, Thịnh Khải cân nhắc thấy mình đóng cửa tự ôn không bằng cùng Hồng Khiêm tham thảo trao đổi. Bèn cầm theo hai bài văn mình làm, đến gặp Hồng Khiêm. Hồng Khiêm đang đọc sách, Tú Anh nghe bảo Thịnh Khải đến, lén nấp trong đường luồn ngó thử, thấy vị tiểu tú tài này văn nhã tuấn tú, tiến thối có chừng mực, không khỏi rục rịch: Dung mạo ổn, lại có tiền đồ, đúng là rể hiền.

Bên kia, Thịnh Khải không biết có người đã muốn làm mẹ vợ của cậu, chỉ bàn chuyện văn chương với “Hồng thế huynh”: “Viết văn thì dễ, thơ khó làm.”

Bỗng chốc sau lưng vọng lại tiếng cửa, ngẩng đầu lên, thấy thầy Tô một tay vuốt râu, một tay cong lại gõ cửa.

Hồng Khiêm xoay người lại, thầy Tô lập tức đưa tay gõ cửa ra chắp sau lưng, ra vẻ thần tiên lướt mây mà đến, khoan thai thả bước: “Thì ra là có khách?”

Thầy Tô không trọng Hồng Khiêm bằng Ngọc Tỷ, nhưng dẫu sao Ngọc Tỷ vẫn là con gái, dù có lanh lợi hơn cũng không làm quan thượng triều được, thầy Tô dạy hết lòng, nhưng vẫn thầm bức bối. Khéo thay trên trời lọt xuống một Thịnh tiểu lang, dung mạo ổn, văn chương ổn, điều hay nhất là nhân phẩm cũng ổn nốt, gặp chuyện bất bình, vớt người dưới nước. Tô tiên sinh nhìn người trọng phẩm đức, không khỏi thấy người mình thích là thèm, muốn xây dựng mối quan hệ với Thịnh Khải.

Thầy Tô là người thành thật, bụng dạ không vặn vẹo lòng vòng, chẳng nghĩ ra kế vừa khéo gặp được nào, đành đi thẳng vào phòng, cầm văn hai người viết lên phê bình một phen. Thầy là Đại nho đương thời, nói năng dù không khiến người bừng tỉnh đại mộng thì cũng lạ mắt lạ tai, Thịnh Khải mừng rỡ, dần dần trò chuyện ăn ý với thầy Tô. Hồng Khiêm bĩu môi liếc nhìn, chốc chốc lại nhướng mày với thầy Tô, ra chiều lạ lùng, thầy Tô cũng ráng nhịn.

Tú Anh chuẩn bị cơm trưa, sai người đến mời, giữ Thịnh Khải lại dùng bữa: “Cậu sai người về phủ báo một tiếng, ở lại dùng bữa nhé, đành cơm canh đạm bạc thết đãi.” Thịnh Khải và Tô tiên sinh hợp ý nhau, cũng muốn ở lại để chiều trò chuyện tiếp, bèn đồng ý.

Cơm là cơm gạo nếp thơm bọc lá sen, món ăn gồm vịt quay móng heo cá tươi thịt dê, rau dưa mới hái, canh cá trích đậu phụ thơm ngon, mợ Viên thi triển hết tài nghệ, lúc gọi Hoa Ni bưng thức ăn lên còn bảo: “Mùa này cá trích không còn béo nữa, đành đem hầm canh.” Chịu tang thời này không nghiêm khắc như mấy trăm năm trước, không cho dính một giọt dầu nào.

Tú Anh không chuẩn bị rượu mà chỉ bảo dâng trà, thầy Tô và Hồng Khiêm đều thầm tán thưởng, Thịnh Khải cũng nhủ trong lòng, gia đình này chu đáo thật. Những bữa cơm gặp gỡ thân mật kiểu này, không bắt buộc “ăn không nói”, tuy không chén tạc chén thù, nhưng cũng cười đùa nhã nhặn.

Dùng bữa xong, thầy Tô và Thịnh Khải đều không có “tật xấu” ngủ trưa, Hồng Khiêm đành phải nhấp một chén trà đậm để bồi bọn họ. Lúc tán gẫu nói đến việc hiếu thuận, vì Hồng Khiêm bảo: “Nhẹ thì nhịn nặng thì tránh”, thầy Tô mới nói: “Vậy phân biệt nặng nhẹ thế nào? Chắc không đến nỗi cha mẹ chỉ biết giơ roi lên chứ? Chẳng bằng cứ hiếu thuận cả.” Hồng Khiêm đáp: “Chỉ vì bản thân ngốc nghếch, không biết khi nào nên nhịn nên tránh mà hiếu thuận cả, thực ra chỉ là để che giấu việc mình không đủ tài trí thôi. Đúng là người ngốc thì có cách khờ.”

Thịnh Khải nghe mà ngây ngẩn.

Trò chuyện đến tận lúc mặt trời ngả về tây, Thịnh Khải vẫn chưa thỏa nhưng cũng đứng lên cáo từ: “Dữ quân nhất tịch đàm, thắng độc thập niên thư*, hận nỗi không thể kê giường hàn huyên thêm. Hôm nay quả đã làm phiền rồi, vãn bối còn phải về nhà vấn an phụ mẫu.”

[*Ý là cùng trò chuyện một buổi còn báu hơn học mười năm.]

Dậy lòng ái tài nên khi nghe Hồng Khiêm bảo: “Hôm khác đến quý phủ thỉnh giáo.” thì thầy Tô cũng thòng thêm một câu: “Rảnh rối cũng đửng quên lão phu.” Đúng là không đứng đắn.

Thịnh Khải cười đồng ý, Hồng Khiêm tiễn cậu ra cổng, thầy Tô thì thong thả bước về tiểu viện mình được sắp cho, đứng ngay tường bao trong sân cúi đầu, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Vì không đủ tài trí? Nhưng thế nào là mạnh? Thế nào là yếu?” Mỗi tiểu viện đều có một cái cửa, thầy men theo chân tường mà đi, bước qua cửa, lại lần theo tường bao bên ngoài, xui xẻo làm sao bên tường có một gốc cây già, Tô tiên sinh nhất thời không để ý, đâm đầu vào.

Bên kia, Hồng Khiêm tiễn Thịnh Khải ra cổng, đang đứng ngoài cửa chào nhau thì bỗng Ngọc Tỷ và Đóa Nhi Tiểu Trà ba đứa đi đến. Ngọc Tỷ cầm con châu chấu mới bện bằng cỏ, Tiểu Trà thì ôm lồng bắt tôm, Đóa Nhi thì xách một con cá bằng cách móc mang vào nhánh cỏ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.