Nữ Hộ

Chương 14: Có tang




ĐÌNH THI BẤT CỐ, THÚC GIÁP TƯƠNG CÔNG*

[*Lấy từ tích Tề Hoàn công thời Xuân Thu, ý bảo bậc sinh thành chết mà vứt đấy không lo, chỉ lo giành giật chém giết vì tài sản.]

Tô Trường Trinh quản lớp rất nghiêm, đến cả Đông cung Thái tử, đương kim Thiên tử cũng phải cúi đầu, tuy bây giờ thầy “vứt áo gấm mặc vải thô”, Ngọc Tỷ cũng chẳng phải học trò đúng nghĩa, Tô Trường Trinh vẫn không hời hợt. Ngọc Tỷ là con nít, nhìn gì cũng thấy mới mẻ, thầy Tô nói thế nào bé nhớ thế ấy, chốc chốc lại phát biểu vài lời giật gân. Năm xưa Tô Trường Trinh dạy Thái tử, Thái tử tư chất bình thường lại phải phân tâm lo lắng chính vụ sách lược, bị tiên sinh ép đến nỗi muốn thắt cổ.

Giờ đây dạy một trò nữ, tuổi còn bé, không phải quản việc, chỉ dốc lòng đọc sách, chẳng cần bắt ép đã chăm chỉ học bài luyện chữ, Tô tiên sinh không bắt bẻ được gì. Con bé lại nghịch ngợm hoạt bát, con nít thì biết ngại là gì? Cái gì cũng dám hỏi dám nói, trái lại, Tô tiên sinh bị dồn đến nỗi muốn thắt cổ.

Tô Trường Trinh vốn bỗng có hứng với “Dịch”, tuy bị trục xuất khỏi kinh nhưng vẫn không quên bày sạp bói quẻ. Đến nhà họ Trình, lúc chưa biết Ngọc Tỷ là một đứa bé khó chơi, thầy vẫn rảnh rỗi cầm quyển “Dịch” đọc tới đọc lui. Lúc dạy Ngọc Tỷ rồi thì sáng giảng bài, chiều cho tự học, thầy phải đợi tới tối mới thảnh thơi được.

Cứ thế vài ngày, Tô tiên sinh thầm nghĩ: Thảo nào nhà con bé cứ một lòng muốn mời gia sư đến dạy, thật chả hiểu cụ Trình làm sao mà dạy được nhóc khỉ con này nữa?

Nhưng Ngọc Tỷ lại rất hiểu chuyện, lúc học cũng rất chăm chỉ, gặp bề trên thì ngoan ngoãn lễ phép, cách nhìn của Tô tiên sinh đối với bé, cũng giống như cách nhìn của người khác đối với thầy vậy —– Nếu chê trách thì không biết phải bắt bẻ chỗ nào, còn nếu khen lại trái với lòng quá. Cứ thế, chưa quá dăm ba ngày, tóc bạc trên đầu Tô tiên sinh lại nhiều hơn vài sợi, không khỏi nhớ nhung đến học trò cũ.

Thoắt cái sắp đến Trung thu, Trình lão thái công biết rõ thầy không có người nhà ở đất này, bèn mời cùng ăn cỗ. Tô tiên sinh lại khước từ mãi: “Quý phủ cả nhà đoàn viên, tất sẽ nhiều lời muốn nói với nhau, ta là người ngoài, không tiện góp mặt.” Ông Trình mạnh tay kéo Tô tiên sinh nhập cuộc: “Cả nhà tôi chỉ sợ chăm không nổi con bé kia, tiên sinh đã là quý nhân của nhà này rồi.”

Tô tiên sinh thấy Trình lão thái công đã già, không dám giãy mạnh, sợ mạnh quá lại đẩy ngã ông, chỉ đành để ông kéo vào bàn. Sau nhà họ Trình có một vườn hoa be bé, cỗ Trung thu cũng được bày ở đây.

Mười lăm tháng tám, phụ nữ bái trăng, một nhà bốn đời Lâm lão an nhân bái Thái Âm*. Trình Tú Anh bảo Ngọc Tỷ quỳ lạy, không dám xúi bé cầu nguyện chi nữa, thầm nghĩ: Nó chỉ cần thành tâm lạy cho thần linh chứng nhận, còn hơn để nó xin xỏ lung tung. Đàn ông ngắm trăng xơi thịt cua, nhà họ Trình neo người, nữ quyến xong lễ bèn cùng đám Trình thái công quây quần bên chiếc bàn tròn lớn.

[*Mặt trăng]

Đoạn bảo Ngọc Tỷ kính rượu Tô tiên sinh. Ngọc Tỷ vâng lời, run tay cầm ấm bạc, mợ Lý cúi người nâng khay đựng, Ngọc Tỷ nhìn chằm chằm chung rượu, dốc hết sức để đổ đầy —– Khiến Tố Tỷ nhìn mà thót tim —– rồi cầm chung rượu đến kính Tô tiên sinh.

Tô tiên sinh thầm nghĩ, đứa học trò này ngày thường hơi tinh quái nhưng lễ nghĩa chẳng chê vào đâu được, làm người chỉ cần chính trực, mọi thứ khác chỉ là thứ yếu, chuyên tâm dạy dỗ sẽ ổn. Lập tức nhận lấy, nói: “Tốt lắm. Trò ngồi đi.”

Sau đó là cả nhà nâng chén, Ngọc Tỷ còn nhỏ, không được uống rượu, chỉ cầm chén con rót đầy mật hoa ấm cho bé uống. Trình lão thái công vừa sai tôi tớ đem cua hấp lên, vừa mời Tô tiên sinh: “Phải dùng ít dấm gừng và rượu ấm, mới giải được tính hàn.” Lại nháy mắt bảo Trình Khiêm đến hầu.

Trình Khiêm bị ông Trình cằn nhằn vài bận: “Cháu ngày thường hay xã giao với người khác, già trẻ văn võ gì cũng xã giao được, sao giờ lại phớt lờ thầy của Ngọc Tỷ?” Giờ thấy ông đánh mắt ra hiệu, bất đắc dĩ cầm ấm đến đổ đầy rượu cho hai ông già: “Cua chỉ có vào độ này là béo nhất, nhưng ăn không thì chán, chi bằng dời mấy chậu cúc đương nở rộ dưới hiên đến đây, ngắm hoa dùng thịt cua, thưởng thức một phen.”

Tô tiên sinh vừa gật đầu, ông Trình đã gọi: “Bình An đi truyền lời cho bác Phúc của ngươi, dời mấy chậu cúc dưới hiên sang đây, chúng ta muốn thưởng hoa.”

Bình An biến nhanh như một làn khói, hoa chưa đem đến đã nghe bên ngoài vọng lại tiếng kêu khóc ầm ĩ, tuy trăng tròn vành vạnh, nhưng âm thanh như thế vang lên giữa đêm vẫn rất dọa người. Trình Tố Tỷ vừa nghe tiếng ồn chỉ cách mình một bức tường quanh vườn hoa, sợ đến nỗi suýt nữa đã nhảy khỏi ghế. Bình An mặt như đưa đám đi vào, dập đầu một cái: “Thái công, tiểu nhân đang mơ màng lại bị âm thanh kia hù cho một trận, ngã một cái, trượt tay làm vỡ một chậu hoa rồi ạ.”

Tiếng khóc ngoài kia vẫn chưa ngừng, trộn lẫn với tiếng đàn bà kêu gào the thé: “Chồng ơi ~~ ôi —– Sao người lại đi rồi ồi ~~~” Giọng điệu luyến láy ngàn lần, khiến người ta sởn gai ốc.

Lâm lão an nhân gác đũa: “Có đám. Khẽ mở cửa ra ngoài nghe ngóng xem là nhà ai.”

Bình An lấy công chuộc tội, chạy như bay ra ngoài, ai dè vấp phải chậu vỡ, lảo đảo một vòng. Chẳng bao lâu sau đã về bẩm báo: “Là nhà họ Liễu đầu phố bên kia.”

•••••

Mười lăm tháng tám gặp tang khiến hàng xóm láng giềng chả ai yên thân ăn cỗ đoàn viên, nhưng chẳng thể nói lời khó nghe, lại còn phải ba chân bốn cẳng đến đỡ đần. Người mất là lão thái công nhà họ Liễu, cụ Liễu bình sinh không có công danh, lại là đối tượng mà Trình lão thái công ngưỡng mộ —– Vì ông có đến mấy thằng con trai, con trai lại đẻ cháu trai, tuy gia sản không nhiều bằng ông Trình, nhưng lại khỏe mạnh hơn ông Trình nhiều, ai mà ngờ ông ta lại nhằm lúc này mà mất?

Những nhà tầm này, cưới tang gì hàng xóm đều sẽ đến giúp vài phần. Những gia đình ở ngõ Hậu Đức đều là hàng xóm lâu năm, tuy Liễu gia cũng giàu có, không cần người khác quyên tiền mua áo quan, nhưng vẫn cần họ giúp loan tin, chủ trì đại cục, đỡ đần việc xã giao.

Tố Tỷ là người chẳng làm được gì, lại là góa phụ, trước giờ hiếm khi ra khỏi nhà, vợ chồng ông Trình lại già, vậy nên việc đỡ đần nọ kia rơi vào tay vợ chồng Trình Khiêm. Trình lão thái công ra lệnh: “Bọn ta còn sống được mấy năm? Loại chuyện chiếm cảm tình này nên để các cháu làm, nhất là Ngọc Tỷ, cũng nên đưa con bé đến viếng, để người ta không xì xào rằng nó được chiều hư. Về nhà dập đầu niệm kinh trước Bồ tát một hồi là ổn.” Lại đến chỗ Tô tiên sinh thuật lại. Tô tiên sinh cũng hiểu cho: “Đã là chỗ quen biết thì nên đến viếng.”

Vợ chồng Trình Khiêm dắt Ngọc Tỷ đi, Tô tiên sinh thả người xuống ghế, quơ lấy quyển sách che mặt.

Mối quan hệ giữa anh em nhà họ Liễu và Trình Khiêm rất khó diễn đạt bằng lời, bảo là bạn bè thì không thân thiết đến thế, bảo là kẻ địch thì hơi quá rồi. Thấy chàng thuận mắt nhưng không thích chàng nổi bật hơn mọi người, khinh chàng ở rể lại ngầm thừa nhận chàng giỏi giang. Cứ nóng nóng lạnh lạnh không lên không xuống, nói chuyện khi thì thân thiết lúc lại chua lòm.

Đến nhà họ Liễu, quả là rối ren, người chết đã áo mũ đầy đủ, giờ đang ồn ã dựng rạp tang*. Lại có người chủ trì nghi thức nổi tiếng trong thành đưa người đến hỗ đông trợ tây, rồi việc bắc nồi nấu cơm cho họ ăn, vân vân. Trình Khiêm bước vào sảnh trước tìm anh em Liễu gia, Tú Anh dắt Ngọc Tỷ ra nhà sau thăm chị em cô thím nhà họ, tiện thể chia buồn cùng bà Liễu.

[*Cái này không biết gọi là gì, đại loại là mắc khung phủ bạt thành cái lều cỡ lớn để hoa quà viếng.]

Trình Khiêm vốn không muốn qua lại nhiều với những người này, nhưng đã lưu lạc đến đây, lại chẳng may ở rể, không muốn nợ ai nên đành dẹp bớt tính tình ngày trước. Chẳng ngờ hôm nay lại rất lạ lùng, mấy anh em nhà họ Liễu thế mà rất khách sáo với chàng! Tay bắt mặt mừng, lớn hơn thì gọi chàng một tiếng “chú em”, xấp nhỏ lại thưa một tiếng “anh” ngọt xớt, khiến Trình Khiêm bắt đầu dấy lên cảnh giác.

Chỗ đàn bà sau nhà cũng lạ lùng chẳng kém. Ngọc Tỷ theo Tú Anh dập đầu trước, sau lại vào trong thăm Liễu lão an nhân. Bà Liễu mặt vàng vỏ, mắt ửng đỏ, thấy mẹ con Tú Anh vào, không chờ họ cúi người hành lễ đã bước đến cầm tay: “Vẫn là cháu thơm thảo, còn nhớ đến thăm bà già này.” Lại ôm Ngọc Tỷ mà khóc.

Tú Anh đáp: “Cụ nói quá rồi, tuy lão thái công đã mất nhưng con cháu đầy nhà, ai mà không lo lắng cho cụ chứ?”

Bà Liễu nghe nàng nói vậy lại khóc càng to, làm Ngọc Tỷ tê cả da đầu, bé rút chiếc khăn tay từ ngực áo đưa sang: “Bà lau đi ạ.” Bà Liễu được dỗ dành lại mủi lòng buồn thương, định ôm chặt Ngọc Tỷ gào tiếp, Ngọc Tỷ thì giãy khỏi bà từ sớm, leo lên ghế, với tay bê ấm cầm chung: “Uống ít nước xả hơi ạ.” Bưng đến kê ngay miệng Liễu lão an nhân.

Bà Liễu được dâng trà tận miệng mới nhận ra mình khát khô cả cổ, Tú Anh vội vàng bước tới rót thêm cho bà, liếc nhìn con gái một cái. Ngọc Tỷ biết mẹ đang khen mình, cũng chớp mắt lại với Tú Anh. Bình thường ở nhà, mỗi khi gặp cảnh bà ngoại mè nheo, bé cũng giở chiêu này ra.

Chẳng bao lâu sau, Liễu đại nương và con gái đã xuất giá Liễu nhị tỷ đến tìm Tú Anh tâm sự.

Tú Anh bế con lên chào bà Liễu, đến phòng Liễu đại nương tử. Bác Liễu nịnh: “Ngọc Tỷ lại xinh hơn rồi.” Liễu nhị tỷ thầm nghĩ, mẹ bớt hai câu dùm con, giọng điệu gấp gáp như thế, đến con nghe còn mệt nữa là! Tú Anh lại nghĩ, vô sự hiến ân cần, phi gian tức đạo*, nhà bà làm đám, là dâu trưởng sao không đi lo việc mà kéo tôi đến phòng riêng lảm nhảm.

[*Khi không niềm nở, không phải lũ gian trá thì là phường trộm cắp.]

Ngọc Tỷ không biết ý nghĩ trong lòng mọi người, chỉ nghĩ: Nghe bảo nhà có người chết thì phải khóc, bà bác Liễu gia này sao lại cười vậy? Lạ ghê, về nhà phải hỏi thầy mới được. Vừa ngẩng đầu lên, nhác thấy ánh mắt của Liễu đại nương tử quét khắp người mình, bé chợt giật mình. Bác Liễu bỗng rút một chiếc bọc nhỏ từ tay áo, mở ra xem, là một cặp xuyến bện bằng bạc, muốn đưa cho Ngọc Tỷ. Ngọc Tỷ phất tay lia lịa: “Vô công bất thụ lộc* ạ.”

[*Chẳng được việc gì thì không nhận quà.]

Tú Anh thầm khen trong lòng, con gái đúng là đi học vài ngày có khác, đã tiến bộ thế này, chẳng ngờ Liễu đại nương tử nói: “Thụ lộc đương nhiên phải bỏ công rồi.” Khiến Tú Anh căng đầu: “Đại tẩu có gì cứ nói, đều là hàng xóm cả, có gì không thể thẳng thắn với nhau chứ?”

Liễu đại nương nhìn Liễu nhị tỷ, Liễu nhị tỷ nói: “Tú nương hay tin sốt dẻo ở thành này chưa?”

Tú Anh đáp: “Có chuyện gì mới à?”

“Là chuyện anh em nhà họ Du vì tranh chấp tài sản mà bị kéo lên công đường thẩm vấn ấy, cô nói xem, hễ không cùng mẹ là chẳng còn thân thích gì.”

Liễu đại nương tử nói: “Dù cùng một mẹ, cũng chưa chắc đã thân thiết.”

Tú Anh khó hiểu hỏi: “Lẽ nào nhà ấy có kết quả phân xử rồi?”

Liễu đại nương tử nói: “Nhà ta đã ồn ào thế này, ai còn hơi sức đâu mà quản nhà người? Cậu hai muốn ra riêng rồi.”

Tú Anh đưa tay bịt tai Ngọc Tỷ lại: “Đấy là chuyện của chị, việc xấu trong nhà không nên truyền ra ngoài, ta chỉ đành ra vẻ không biết thôi.” đoạn bế con gái định đi. Những người bị bịt tai đều biết, chỉ bịt không như thế, quá lắm thì âm thanh bé lại thôi chứ những gì cần nghe, đều nghe không sót một chữ. Ngọc Tỷ cũng thầm ghi nhớ.

Tú Anh không nhận xuyến, bế Ngọc Tỷ ra khỏi phòng Liễu đại nương tử, lại thấy một tiểu nha đầu chạy biến trước mắt, mình thì chưa kịp đặt chân ra cửa lớn đã bị Liễu nhị nương tử đón bước. Hai bà bác này đúng là có duyên làm chị em dâu, lời nói y chang nhau, đều mượn chuyện nhà họ Du. Liễu nhị nương tử đưa cho Tú Anh một cái cài cổ áo bằng vàng: “Ta phải thủ hiếu, ba năm không được cài, chi bằng tặng em.”

Tú Anh cũng đáp lại bằng lời khi nãy, bế Ngọc Tỷ về nhà, vừa muốn sai người gọi chồng, Trình Khiêm cũng đã phất tay áo trở lại.

•••••

“Vô sự hiến ân cần, phi gian tức đạo.” Bà Lâm hừ lạnh một tiếng.

Trình Tú Anh đáp: “Lẽ nào họ muốn tính kế chúng ta?”

Bà Lâm cười lạnh: “Ấy là định tách nhà! Những gia đình thấp cổ bé họng như chúng ta muốn ra riêng, ngoài lý chính và họ hàng thì cần cả làng xóm làm chứng, ông ngoại cháu là tú tài, phải ra mặt nói vài lời nữa ấy chứ. Đây là mượn miệng cháu truyền lời lại cho chúng ta.”

Trình Tú Anh nói: “Chẳng trách Liễu nhị nương tặng một cái cài áo vàng, lại nói xấu đại nương, đừng trừng cháu, cháu không nhận, cũng có phải ngốc đâu.” Nói xong giận dỗi ngoảnh mặt đi, bất giác biến sắc.

Ngọc Tỷ vốn được dắt đến chỗ Tố Tỷ thắp nhang cho Bồ Tát, vẩy muối đổi đồ, xoay lại chẳng thấy cha mẹ đã lén chạy đến nghe trộm. Lâm lão an nhân bật cười: “Ngọc Tỷ của bà sao lại đến đây? Đọc sách viết chữ xong rồi?”

Tú Anh trợn mắt nhìn con gái thoải mái đi vào: “Lão an nhân ạ ~” Nói đoạn còn vái chào. Bé mặc áo nam, thấy bà Lâm vui vẻ, Tú Anh lại nghiến răng: “Biết nghe trộm rồi con nhỉ!”

Ngọc Tỷ đáp: “Thấy mẹ đang nói, con không dám quấy rầy ạ.”

Trình Khiêm bật cười, lại bị Tú Anh lườm một cái: “Chuyện xấu bên ngoài, con nít không nên nghe!”

Trình lão thái công ho một tiếng: “Hiểu một vài chuyện, cũng chẳng hại gì.”

Ngọc Tỷ nghe gì cũng mới lạ, thấy ông cố không quở bé bèn gan hơn: “Ra riêng là gì ạ?”

Ông Trình đáp: “Tức là không sống cùng nhau nữa, cầu về cầu, đường ra đường.”

Ngọc Tỷ nói: “Đại nương nhị nương nhà họ đều không muốn ở chung, tách ra càng đỡ bực mình.”

Bà Lâm nói: “Cháu biết gì? Người tách ra, nhà cửa đồ đạc thì sao? Bao nhiêu thứ như thế, ai cũng muốn chiếm phần nhiều.”

Ngọc Tỷ ngẫm một chút mới hiểu, đại khái giống như lần trước Tiểu Hỉ và Nghênh Nhi chia tiền thưởng, dư ra một đồng, chẳng ai chịu nhường cả. Hiểu rồi bèn nói với ông Trình: “Cháu cũng chẳng hiểu lắm, thôi đi tìm thầy vậy.”

Trình lão thái công đáp: “Ừ đi đi.”

•••••

Tô tiên sinh đang sao trà, không đọc “Dịch” nữa mà cầm một tập thơ, đọc đến câu “Thâu đắc phù sinh bán nhật nhàn*”, than rằng người xưa đúng là tri kỷ. Thình lình nghe một tiếng: “Thầy mạnh giỏi ạ.” giật mình quẳng sách, người cũng cứng lại, ngẩng đầu lên nhìn, chẳng phải ma tinh tra tấn ông mấy ngày qua thì còn ai vào đây nữa?

[*Câu thơ được trích từ bài “Đề Hạc Lâm tự bích” của Lý Thiệp, ý bảo chẳng mấy khi được buổi rảnh rỗi.]

Nghiêm mặt lại, Tô tiên sinh hỏi: “Trò về rồi?”

“Dạ.”

“Hôm nay thế nào? Có gì đáng sợ không?”

“Không ạ, cảm ơn thầy đã lo lắng, chỉ có một việc trò chưa rõ thôi.”

Tô tiên sinh thầm nghĩ, “bán nhật nhàn” quả thật chỉ có nửa ngày, chỉ mong bà bé này đừng hỏi cái gì quái quá là được. Hôm trước lên lớp nghe nó giải nghĩa xiên xẹo nhị thập tứ hiếu, đã khiến đầu của thầy Tô như muốn phình to ra.

Lại nghe Ngọc Tỷ hỏi: “Đại nương, nhị nương nhà họ Liễu muốn ra riêng, lại tặng trò và mẹ vàng bạc, muốn ông cố nói hộ vài lời cho họ. Bà cố bảo họ làm thế là vì giành giật tiền của, nếu tiền tốt như thế, sao lại phải tặng người?”

Tô tiên sinh: “…” Thầy Tô cả đời chính nhân quân tử, đọc sách chỉ biết “Thôi Tài dữ đệ“, “Khổng Dung nhượng lê“*, nghe còn ngại bẩn tai nữa là bảo ông giảng mấy cái này, sao mà hiểu cho được? Chỉ đành lấp liếm: “Bọn trí thức quét rác! Cha chết chưa chôn mà đã đòi ra riêng, hôm nay mới biết ‘Đình thi bất cố, thúc giáp tương công’ là có thật!”

[*Là hai chuyện kể về sự đùm bọc nhường nhịn giữa người thân trong gia đình.]

Ngọc Tỷ nhấp nháy mắt: “Đình thi bất cố, thúc giáp tương công là gì ạ?”

Tô tiên sinh: “…”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.