Nơi Nào Củi Gạo Không Vương Khói Bếp

Chương 35: Phấn đấu – Tri ân không cần hồi báo




"Dưa chuột bán bao nhiêu?".

"Bảy đồng sáu".

"... Đậu sừng nhìn ngon quá, bao nhiêu tiền?".

"Chín đồng năm, sao? Lấy hai cân nhé?".

".........".

"Ai da chị hai còn do dự cái gì, chị thử đi hỏi giá xem, trời tuyết lớn làm gì có đồ ăn rẻ, đường gió lớn không vận chuyển đồ ăn được, tôi là tôi bán rẻ lắm rồi đấy, chị mà đến ban ngày còn đắt hơn giá này".

"Thôi, vẫn là quên đi, cảm ơn chị". Tôi xấu hổ cười cười, không để ý đến người bán hàng rong nài ép, cất nhanh tiền trong tay, bước đi. Đắt quá tôi ăn không nổi.

Đẩy cửa chợ rau bước ra ngoài, bông tuyết tấp vào mặt, người thành phố vội vã trong guồng quay tiền tài, dọc đường có vài du khách cười đùa và chụp ảnh không ngừng, dù lạnh đến răng va lập cập vẫn xuýt xoa cảnh phố xá : đẹp quá, đẹp quá!

Đúng vậy, hiện tại là mùa đẹp nhất của phương Bắc, nhưng một người đã ở lâu như tôi không có tâm tư thưởng thức cảnh tuyết. "Hôm nay ăn cái gì?" mới là mối quan tâm hàng đầu của tôi. Trong nhà còn nửa củ cải trắng, đậu hũ trong tủ lạnh có thể nấu món hầm, mua thêm hai trái lê ướp lạnh là giải quyết xong vấn đề hoa quả, trước đó vài ngày Trần Dũng ăn cơm cắn trúng lưỡi, sưng một cục thật to, người ta thường nói đó là do "thiếu thịt", nhưng hiện tại thịt mắc quá chừng, tôi không cách nào mua nổi thì biết dùng gì để bù lại "thịt"?

Sờ sờ tiền trong túi, một tờ giấy nham nhám vậy mà quý giá, vừa mới đầu tháng, khấu trừ tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền sinh hoạt chỉ có năm trăm, chi nhầm một đồng là cuối tháng thiếu hụt ngay, huống chi còn phải đề dành cho những tình huống cấp bách. Tôi nghĩ đến đau đầu mà không ra cách giải quyết, nhìn đồng hồ, kim đồng hồ đã sắp qua số 6, nếu không trở về sẽ có người nổi nóng đây. Dừng suy nghĩ, lắc đầu, cất kỹ tiền, tiếp tục bước gian nan trên tuyết. Quên đi, lưỡi sưng mấy cục không tính là chuyện lớn, giữa tháng cải thiện thức ăn sau.

Khi tôi về nhà thì Trần Dũng đang chờ ở đầu phố, thân mình anh cao ngất như cây tùng, mặc áo đen đứng dưới ngọn đèn đường, thật là, chẳng biết đội mũ gì cả, mặc cho tuyết rơi đầy trên đầu trên người, tên ngốc này không chịu ngẫm lại nếu anh bị bệnh thì tôi phải khổ sở.

Đi ba bước chạy hai bước, chưa chào hỏi, trực tiếp đưa tay phủi tuyết đọng khắp trên tóc anh. "Lần sau đừng đón em, em cũng đâu phải con nít ba tuổi".

"Sao lại không đón, nếu không phải về trễ thì anh đã đến công ty đón em rồi". Đỡ lấy túi xách, thuận thế nắm lấy tay tôi, bàn tay thô ráp bao lấy các đầu ngón tay của tôi cho vào túi áo. "Em xem tay em lạnh cóng, chắc bệnh mất". Quàng tay qua cho tôi nép chặt vào bên người anh. "Về nhà thôi, về nhà ấm hơn".

Tôi ngẩng đầu nhìn sang mặt anh, trong lòng không biết phải cảm tưởng sao nữa : tay anh so với tay tôi còn lạnh hơn, anh đã đứng bao lâu? Mỗi ngày dù cho mưa gió vẫn chờ tôi về nhà, khúc mắc gì khiến anh phải khăng khăng làm việc đó?

"Anh Dũng...".

"Ừm?". Rũ mắt xuống nhìn tôi, hàng mi đen của anh dính vài đốm tuyết nhỏ, lay động khe khẽ.

"Ờ, ừm...". Chẳng nói được gì, bao nhiêu giáo huấn đã chuẩn bị lại nuốt vào trong bụng, cổ họng tôi như có tảng đá mắc ngang đó, không khạc ra được, cũng không nuốt xuống được.

"Ân Sinh, có việc thì nói ra đi". Rốt cuộc vẫn là vợ chồng lâu năm, anh thật biết tật xấu hay ậm ừ của tôi.

"Lần sau anh mà không đội mũ, để đầu dính đầy tuyết, em, em sẽ phạt anh khỏa thân chạy vòng vòng đó!". Phù! Nói xong, tuy rằng không diễn tả hết ý nhưng cũng coi như thét ra lửa. Mà sao anh lại cười? Tiếng cười ha ha đầy sung sướng vang vọng khắp bầu trời lả tả tuyết, những cơn gió mang tiếng cười đó đi xa thật xa.

"Bà xã, chồng em thân thể cường tráng, đừng nói chạy khỏa thân, bơi mùa đông cũng không vấn đề gì, chỉ là...". Dừng lại chỉnh tư thế, ôm tôi càng chặt hơn, cúi người nói thầm bên tai tôi. "Chỗ đó, em có dám cho người ngoài nhìn thấy không?".

Xì xì xì! Người này bại hoại không đứng đắn! Nhưng mà... Đúng là tôi không nỡ....

"Dính tí tuyết thôi, mùa này trời tối nhanh, nếu anh không ra đón em, lỡ xảy ra chuyện gì...".

Anh bỗng ngập ngừng, cánh tay ôm tôi cứng lại, sau một lúc mới đổi giọng trở về trạng thái thoải mái. "Lần này sốt ruột quên mang, Ân Sinh đừng giận, lần sau ông xã nhớ đội mà".

Tôi biết làm sao, dù anh chưa nói hết nhưng có kẻ ngốc mới không nhận ra, sợ hãi và áy náy đã biến thành tâm bệnh của anh, và vì anh, tôi cũng vậy. Anh Dũng, đừng tự trách nữa được không, đừng căng thẳng nữa, sự chăm sóc đó không phải thứ em muốn, chúng ta chỉ là những người bình thường thôi, không cần cử án tề mi như vậy, tình cảm mà quá câu nệ sẽ khiến người ta không thoải mái.

"Xí, em mới không thèm tức, anh mà cảm thì tự kiếm tiền đi khám đó". Vỗ túi tiền, bổ sung thêm. "Em không có tiền đâu, không có đồng nào hết trơn!".

Tôi là người rất xấu, có lòng đút cho tôi ăn tôi còn ngại mệt, tôi mặc kệ, tôi ghét không khí thiếu tự nhiên, tôi thích nói thẳng.

"Rồi rồi rồi, đến lúc đó tự anh đi khám, chỉ cần em không giận thì cái gì cũng được".

Ai da còn cười nữa, đúng là bó tay với anh mà. Bất đắc dĩ nhún vai, hoàn toàn buông tha chống cự, anh thuộc loại gián đánh không chết, da mặt sớm dày hơn tường đồng, nói cũng thế. Miễn đừng để anh bị cảm là được. Niếp Ân Sinh khẩu xà tâm phật, mày đó, hết thuốc chữa!

Hai mươi phút sau, trời nổi gió, tuyết rơi dày, trong căn phòng nhỏ ấm áp như xuân.

"Tờ tiền đó vừa thấy là biết ngay tiền giả, còn dám bỏ vào nộp, rõ ràng là cố ý lừa ông chủ không hiểu tài vụ". Từ từ bày đồ ăn ra bàn, nhàn nhã, tôi kể cho anh nghe chuyện hôm nay đi làm gặp phải.

"Cũng không hẳn, chẳng phải em nói hai vợ chồng họ nháo ly hôn sao, ai biết còn có gì trong đó". Anh gọt lê, đáp. Trần Dũng cũng giống tôi, rất nhàn.

"Lệ Hoa nói nó có thể giúp em liên hệ một công việc khác, em tính hoàn tất công việc tháng này rồi nghỉ, đỡ phải dính vào rắc rối, mất công mình lại trở thành người chịu thiệt".

"Cũng nên nghỉ, nhưng người em còn chưa bình phục toàn bộ, bình thường đi làm đã là nhiều rồi, kiếm việc khác làm gì, lỡ đâu mệt hỏng rồi thì biết làm sao".

"Em khỏe rồi mà".

"Phải không, anh không thể mạo hiểm, em vẫn ngoan ngoãn làm công việc hiện tại thì hơn".

Tôi biết ngay đề tài này không được hoan nghênh, thím Trần nhà tôi chim sợ cành cong, cực lực phản đối tất cả những công việc khiến tôi vất vả, chỉ cần nhắc tới là giống như đạp trúng đuôi của anh vậy.

Tôi bĩu môi khinh thường, ghét bỏ lý do thoái thác của thím Trần, người này gần đây giữ tôi chặt lắm, không được nhảy không được xào rau không được lau chùi nhà cửa, thậm chí ăn uống điều độ giảm béo cũng không cho, tóm lại một câu : đồng chí Trần Dũng đang muốn vỗ béo tôi thành heo. Nằm viện nửa tháng mà lên tới bốn kí, cứ theo đà này thì đến mùa thu là xuất chuồng được rồi.

Cúi đầu, tự giễu : người ta cung phụng mình như lão thái gia mà mày còn chưa thỏa mãn, Niếp Ân Sinh, có ai không biết tốt xấu như mày không?

Thôi bỏ đi, từ từ sửa sai, đổi đề tài, chúng tôi tiếp tục.

"Anh Dũng, hôm nay em gặp Lệ Lệ". Tôi vặn nước rửa đồ ăn, tay không ngừng miệng cũng không ngừng, kể từng thứ nhỏ nhặt trong suốt một ngày, mặc kệ nó thú vị hay vô vị, hữu dụng hay vô dụng, cứ nói. Thật nhàm chán phải không? Nhưng đây là trao đổi, là thứ quan trọng nhất của cuộc sống vợ chồng. Trước kia tôi không hiểu, cứ nghĩ vợ chồng trao đổi hẳn là lãng mạn như trong tiểu thuyết vậy : không cần nói không cần làm, sinh nhật bạn, chỉ cần một ánh mắt của bạn là anh ấy sẽ hiểu – à, sinh nhật vợ, nên tặng vợ chiếc váy tím cô ấy từng liếc mắt thấy trong lần dạo phố trước. Chồng bạn là tổng biên tập tạp chí Mode sao? Hay bạn nghĩ anh ấy là giun đũa trong bụng bạn? Nếu không thì phải thành thật nói ra : anh đi cửa hàng X, quầy X chuyên bán váy áo, là chiếc áo ABC, khi đi nhớ mang thẻ thành viên có thể tiết kiệm 10%.

Đàn ông rất chậm hiểu, bạn phải chỉ dẫn cho anh ấy từ từ. Chẳng ai là con giun trong bụng ai cả, sống lâu dần mới thành thói quen, tình huống gì cũng phải kể, tâm sự chuyện nhà, từng chuyện từng chuyện cứ kể hết đi, đừng giấu giếm gì cả. Đó mới là cuộc sống thật.

"Lâu quá không gặp, cô ấy thế nào rồi?". Anh nhận lấy đồ ăn trong tay tôi, đứng giữ bên vòi nước, vừa hỏi vừa rửa, chỉ một lúc là nước lạnh đã muốn đông cứng tay anh thành củ cải. Nước hẳn là rất lạnh? Từ lúc chuyển đến căn hộ nhỏ này, không có tiền lắp máy nước nóng, mỗi ngày chúng tôi đều tranh nhau làm mấy chuyện nhà rửa đồ ăn giặt giũ quần áo phải tiếp xúc với nước lạnh, lần nào Trần Dũng cũng đoạt ngay việc khi tôi làm, tôi hiểu anh sợ tôi lạnh, nhưng chẳng lẽ anh cứ cương làm giàn đỡ, coi bản thân là mình đồng da sắt, ngâm nước không thành vấn đề sao?

Tôi cụp mắt, lòng chua xót khôn cùng, lặng lẽ mang bao tay cao su rồi chen vào vòi nước giành lấy. "Không tốt lắm, nghe nói đang cãi nhau với Hổ".

"Cái thằng, cũng không biết nhường Lệ Lệ, đụng chuyện gì cũng nổi sùng, đúng là tuổi trẻ khí thịnh". Anh rung đùi đắc ý cảm thán, cúi người, lại che trước tôi.

Lại đoạt việc của người ta? Cố gắng chen, lại chen, tôi và bồn rửa bị ông Phật to lớn Trần Dũng ngăn cách, đẩy hết nửa ngày cũng không tới được.

"Em mang bao tay, để em rửa cho, có nghe không, anh Dũng anh tránh ra xem nào... Ê ê ê, anh muốn làm gì?".

Anh trực tiếp ôm lấy tôi, bế ra phòng khác đặt xuống đất. "Nói hoài, nghe lời đi, ngồi yên đó cho anh". Xoay người, tiếp tục. "Rửa rau mà cũng mang bao tay phiền toái? Nhìn chồng em thu phục nó đây".

Người này! Ỷ cao hơn tôi! Nhìn bóng dáng anh tôi đành bó tay, vừa hay nhớ ra một chuyện, không cãi nữa, quay vào phòng lấy một viên thuốc đưa qua, ra lệnh. "Há miệng!".

"Ừm". Nhìn cũng chưa nhìn, anh ngoan ngoãn há miệng nuốt viên thuốc, động tác vô cùng bình thản làm tôi lấy làm lạ. Anh không hỏi tôi cho anh uống cái gì sao?

Tôi im nửa ngày, rốt cuộc vẫn không nhịn được, giải thích. "Anh, anh bị nhiệt miệng, uống viên B2 cho nhanh khỏi".

"Ừ".

Cái thái độ gì thế này!

"Anh Dũng, anh không sợ sao?".

"Sợ gì?".

"Lỡ đâu... Em cho anh uống thuốc chuột?".

Anh đặt đĩa thức ăn lên bàn, quay đầu nhìn tôi, vẻ mặt buồn cười. "Trong đầu em có thứ gì ở trỏng vậy?". Nhấc tay định sờ mặt tôi, nhưng chợt nhận ra tay mình rất lạnh, anh vòng cánh tay khoác qua vai tôi thật chặt. "Tại sao tại sao tại sao, có nhiều lý do như vậy ư. Đúng rồi, thuốc này bao nhiêu tiền?".

"Ơ? À, có 8 xu thôi, tiền chi tiêu thuốc thang".

"Để dành đi Ân Sinh, lần sau đừng tiêu tiền cho anh, vài cục sưng thôi, không uống thuốc cũng chẳng sao, tiền thuốc để đó, đủ thì mua ít thuốc bổ mà uống". Anh cúi đầu, hơi thở nóng hầm hập kề sát bên tai tôi. "Đừng nghĩ nhiều, vợ cho anh ăn cái gì anh sẽ không từ chối cái đó, cho dù là độc cũng nuốt xuống".

Cảm giác ướt át phảng phất qua trán, như có làn gió ấm nhảy múa qua những chiếc lá khô.

"Chúng ta đã bị thời gian thử thách bao lâu rồi em, sinh mệnh cả hai đã gắn chặt vào nhau, dù em có mưu sát chồng đi nữa cũng là có nguyên nhân, cho nên chồng nhận mệnh, cùng lắm thì chết cũng chỉ là một giấc ngủ vùi mà thôi".

Buông ra ôm ấp, anh xoay người, vui vẻ ngâm nga. Còn tôi, đứng chôn chân, khó chịu, cảm giác không đúng. Chướng tai! Tại sao "dù em có mưu sát chồng đi nữa cũng là có nguyên nhân", hai người ngang hàng, ai giết ai mà không phải phạm pháp?

Anh Dũng, anh hà tất phải như vậy? Chẳng lẽ tự ngược bản thân để lấy lòng người khác ư, khiêm cung gần như hèn mọn, lòng anh mới thanh thản, tình cảm mới biểu đạt được? Anh cho em là gì, cho mình, là gì...?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.