Nơi Giấc Mơ Em Thuộc Về

Chương 10: Nếu một ngày trái đất ngừng quay




Trong những bức thư gửi Diệp Anh và gửi mẹ Diệp Anh, ngoài những dòng xin lỗi, ông Lý còn ghi cả những kỷ niệm mà ông nhớ nhất về mọi người, như một sự cố gắng chứng minh, rằng, không phải ông là loại người không có tình cảm, chỉ là thói trăng hoa của ông, những sai lầm của ông đã đẩy ông ra xa tất cả những ai ông yêu thương. Có người bảo trăng hoa là một phần bản năng mà đàn ông có sẵn khi được sinh ra; nhưng có vẻ, đấy căn bản chỉ là sai lầm mà chỉ khi đến đoạn cuối cuộc đời họ mới có cơ hội nhìn lại mà cảm thấy tội lỗi!

Thư gửi Phôn cũng có vài chỗ nhắc đến kỷ niệm ít ỏi của ông và Phôn, cho đến khi Phôn tròn bốn tuổi. Ông ghi lại khoảnh khắc lúc Phôn chào đời, khi ông và mẹ Phôn chỉ còn vài đồng trong túi, nhưng đó là khi mà ông cảm thấy đời mình hạnh phúc và ý nghĩa nhất. Hóa ra, con người ta dễ tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình ở ngay lúc nghèo khó nhất! Những tháng ngày sau đấy, ông luôn đi làm xa với nỗi nhớ nhung khôn nguôi về mẹ con Phôn, lúc nào cũng tâm niệm, cố thêm ít ngày nữa, có tiền, đem về lo cho hai mẹ con. Ông thậm chí khẳng khái thừa nhận, chỉ sau một vài chuyến hàng có lời, ông vẫn giữ tình cảm cho người phụ nữ thật lòng ông yêu, người đã cùng ông đi qua mọi khó khăn trong cuộc sống và đứa con trai là minh chứng cho tình yêu ấy, nhưng, ông không thể cưỡng lại ánh cười, những lần liếc mắt của người đàn bà khác. Và, ông đã quên đi chính điều luôn tự răn bản thân, về vợ, về con, về tổ ấm dẫu nghèo nàn nhưng thừa tình cảm. Đó là mẹ Diệp Anh.

Có một đoạn, gần cuối, Phôn đọc mà không thể nào kiềm chế được, bật khóc như một đứa trẻ.

Con trai ạ, giờ ta nói, có lẽ đã vô ích rồi, bởi, sau chừng ấy năm, ta không hề chăm sóc con, thiếu hẳn đi trách nhiệm của một người cha. Nhưng, sự thật, ta đã luôn mơ thấy con, thấy hình ảnh con chập chững chạy, miệng gọi ta và sà vào lòng ta những chiều muộn ta đi làm về. Giá như con biết, điều ấy đã giày vò ta đến mức nào, con có lẽ sẽ dễ cho ta một sự tha thứ hơn, sự tha thứ mà ta tin rằng mình hoàn toàn không xứng đáng, nên chưa từng dám xin con...

Phôn ngồi lặng đi đến một lúc sau khi đọc đoạn này, rồi vỡ ra ở đoạn cuối thư.

Hai bức thư còn lại con đang giữ, một cho mẹ con, một cho cô gái con đang yêu. Ta cố tình không ghi tên ai ngoài phong bì cả. Vì, ta mong con sẽ thay ta đọc cho họ nghe. Hãy vì ta một lần, được không? Cho dù, quả thật là ta không xứng đáng.

Phôn mân mê hai bức thư còn lại, nhớ đến cái khoảnh khắc, anh run run lôi những bức thư từ hộc bàn ra, có vẻ hơi lúng túng khi thừa một bức so với những người ông Lý đã bảo anh, nhưng ông chớp mắt, gật đầu, ý bảo anh cứ cầm đi, nên anh đã không hỏi. Giờ, thì anh đã biết bức thư ấy là dành cho ai. Anh tự hỏi, ông Lý biết gì về Tiểu Vũ? Ông ấy viết gì cho cô? Nhưng, trên hết, Phôn thật sự muốn biết, cha viết gì cho mẹ. Anh suy nghĩ một lát, tự nhủ, nếu bóc một phong thư ra, biết là của Tiểu Vũ, anh sẽ gấp lại, đợi đến khi có cả cô, hai người sẽ đọc cùng.

Phôn chần chừ lát, nhắm mắt sờ hai phong thư có độ dày ngang nhau, hít sâu, anh mở ra một bức. Là thư cha gửi mẹ, đúng như anh mong, đúng như cảm nhận của anh. Khi con người ta dồn hết tâm niệm của mình về một điều gì đấy, tự nhiên điều ấy sẽ đến!

Phôn gần như nín thở đọc lá thư dài hơn hai trang giấy viết thư khổ lớn có in hình hoa cánh bướm màu hồng nhạt. Anh không thể khóc, dẫu anh tin rằng, nước mắt sẽ làm nhẹ đi đôi phần cảm xúc trong anh lúc này. Có vẻ, nước mắt đã không còn ý nghĩa trước những dòng này.

Cha mẹ em cấm cản em đến với anh là có lý, phải không em? Vì anh nghèo, vì anh hèn và vì anh không tử tế. Anh không đem chuyện ấy ra làm lý do để đổ lỗi, để lý giải gì cả! Lỗi của anh, tất cả là của anh! Nhưng em ạ, sống, làm một thằng đàn ông mà ngày nào cũng nghe chì chiết, đến cả tận khi đem em ra ngoài, hứa với nhau đồng cam cộng khổ mà vẫn phải nghe những lời mạt sát ấy... anh thật thấy lòng rất đau!

Ngày mẹ mất, ông bà ngoại có ghé một lát, hỏi Phôn muốn về sống cùng ông bà không? Lúc ấy, Phôn chưa hiểu chuyện, chỉ lắc đầu và nghĩ, họ đã mặc kệ mẹ con Phôn chừng ấy năm, giờ đến hỏi một câu có lệ, gật đầu, há chăng Phôn đang làm khó dễ cho tất cả mọi người. Mẹ mất rồi, cha cũng đã bỏ đi không một lời từ biệt, ông bà đoái thương thằng cháu bơ vơ nên đành đến hỏi; chứ nếu thật tâm lo lắng, có lẽ, Phôn đã được gặp ông bà từ rất lâu rồi. Giờ anh mới biết, mẹ đã cãi lời ông bà để theo cha; có lẽ ông bà đã từng rất đau khổ. Giờ anh mới biết, con người ta có thể vì tình yêu làm những điều tưởng rất kiên cường, nhưng thực chất chỉ là rồ dại!

Em tự ái là phải! Em từ chối việc anh chu cấp cho em và con cũng rất phải! Đó là hình phạt nặng nhất trong đời anh phải chịu - cũng do anh cả thôi, trách ai bây giờ. Suốt ba đêm quỳ trước phòng em khi ấy, anh đã tự nhủ, chỉ cần em mở cửa, có đánh anh, có mắng anh, anh chịu hết... Tiếc thay, cánh cửa ấy đã đóng chặt với anh vĩnh viễn, ngăn cách tình cha con anh vĩnh viễn, vì lỗi lầm em đã từng bảo, nếu anh phạm vào, mãi mãi em không thể tha thứ, nên, anh không dám xin em tha thứ!

Mẹ đã ôm Phôn, vòng cửa sau và đi biền biệt, chứ không phải ba ngày! Phôn nhớ, rất rõ, đêm ấy, là sinh nhật năm Phôn bốn tuổi, mẹ lặng lẽ khóc, xếp đồ và ẵm Phôn đi, không nói một lời. Hai mẹ con thành ra lang bạt mưu sinh từ đấy.

Ngày em bệnh, anh phải lén lút vào gặp em, vì em không cho anh cái quyền nhìn con, cho dù chỉ là vô tình. Anh đau như chưa bao giờ được đau. Nhưng, cái thằng đàn ông khốn nạn trong anh, lúc ấy, chỉ biết sống với tự ái bao nhiêu năm bị em từ chối, nên anh đã đi ngay khi em chối từ anh thêm lần nữa.

Em mất, tình yêu trong anh cũng mất. Biết nói sao cho em hiểu được anh, hả em? Thôi thì, chỉ còn vài ngày ngắn ngủi nữa, đợi anh, để anh có thể quỳ mà tạ tội với em.

Anh đã khóc một mình trước em suốt thu ấy. Giờ, cho anh được đón con dâu của mình cũng vào đầu thu, được không em?

Phôn nghe, trái tim mình bị bóp nghẹt. Phôn nghe, Trái Đất ngừng quay. Cha chưa từng thật sự bỏ rơi mẹ con Phôn, chỉ là, mẹ chưa đủ lý do để tha thứ - hay nói đúng hơn, sự oán hận trong mẹ không cho mẹ chạm đến bất kỳ thứ gì trong mớ ký ức đẹp đẽ xưa cũ để làm cái cớ mà tha thứ cho cha. Phôn về lần này, luôn chủ ý sẽ tìm Tiểu Vũ, cầu hôn cô ngay sau giỗ mẹ. Không ngờ, cha cũng có dự định này. Không ngờ, cha cố gượng sống chỉ vì điều này. Phôn giật mình nhận ra, nước mắt đã nhòe ướt hết cả tầm nhìn của anh. Anh sẽ sang phòng cha mà quỳ xuống, xin cha tha thứ cho sự vô tâm của anh bấy lâu nay, rồi đưa cha ra mộ mẹ, đốt cho mẹ những lời tâm sự thật lòng cha đã cố gửi đi. Bình minh ơi, hôm nay, xin đừng đến muộn!

***

Tiểu Vũ không hề bất ngờ khi Phôn đến đón sớm, bảo có một nơi anh muốn đưa cô đến. Cô thật đã đoán ra điều này từ đầu, chỉ là, mọi sự đã quá dồn dập kể từ khi anh về, nên đến nay anh mới lên tiếng. Phôn có thể không nhớ, vì chưa từng nhắc với cô chính xác thời gian mẹ anh mất, chỉ cô biết, anh luôn cúng mẹ bằng hoa thạch thảo - loài hoa chỉ ươm sắc tím nhức nhối khi tiết trời vào thu.

Tiểu Vũ cũng không bất ngờ khi thấy người đàn ông tiều tụy ngồi ở ghế trước ô tô nhìn ra cô với vẻ gì đấy rất thành khẩn - cha Phôn. Một phụ nữ đứng tuổi, đẹp mặn mà mệt mỏi ngồi cạnh Diệp Anh - mẹ Diệp Anh. Tiểu Vũ vòng tay ôm cổ Phôn khi Phôn bồng cô lên xe, nhẹ nhàng thơm vào má anh một cái.

- Mỗi ngày, anh đều sẽ hôn em, nhé! - Tiểu Vũ nói, không chút e dè.

- Mỗi ngày, chúng ta sẽ hôn nhau! - Phôn nói, sau khi đặt một nụ hôn rất sâu lên trán cô. - Và, chúng ta sẽ không bao giờ có lý do để dừng điều ấy lại.

Diệp Anh khẽ mím môi rồi lại nở nụ cười, giống hệt Phôn, giống hệt cha Phôn, nhoài người ra, nắm chặt bàn tay Tiểu Vũ luôn run rẩy, luôn mềm oặt và luôn lành lạnh một niềm. Diệp Anh muốn ôm Tiểu Vũ - siết một vòng tay yêu thương cho trọn vẹn, dẫu chỉ một lần, để rồi sau đấy, vui vẻ chấp nhận xem người kia là chị dâu, là chị gái, là tri kỷ của đời mình; nhưng chạm phải cái nhìn khắc khoải, hồi hộp của Tiểu Vũ, cô lại thôi.

Họ đến viếng mộ mẹ Phôn với những nỗi niềm khác nhau. Ai cũng lặng lẽ khấn vái rồi ba người thu mình ra đi, để Tiểu Vũ và Phôn ở lại. Ban đầu, Tiểu Vũ cũng có phần ngại ngần, cô sợ mình sẽ là lý do phiền người khác chờ đợi. Nhưng Diệp Anh bảo, cô và mẹ cũng có nhiều chuyện cần nói với cha, nên Tiểu Vũ cố nán lại một lúc. Diệp Anh luôn thế, cứng cỏi và rất ga lăng. Tiểu Vũ nhìn theo dáng Diệp Anh dìu ông Lý đi, tự hỏi, nếu tâm hồn ấy được khoác một thân xác đàn ông, liệu, cô có khi nào đấy chạnh lòng nghĩ mình sẽ yêu họ? Dĩ nhiên rồi, ở một kiếp nào đó, khi cô đã quên được Phôn!

Chào con!

Ta chưa từng biết con - hay, nói đúng hơn, ta và con chưa từng bao giờ gặp mặt. Ta cũng không biết, con có biết về sự tồn tại của ta hay không, bởi, con trai của ta - tức người yêu của con - có lẽ không có lý do để nhắc về ta với con. Dẫu sao thì, ta cũng chỉ mới biết về tình yêu của con và nó. Ta muốn nói với con đôi lời, xem như là một khẩn xin đặc ân từ con vậy.

Tiểu Vũ thoáng dừng lại, bối rối với hai từ "đặc ân" mình vừa đọc.

Phôn là đứa tình cảm. Nó như một sự kết nối đặc biệt giữa một con người với một con người. Cái tên này là do ta đặt, may mắn sao mẹ nó vẫn giữ cho nó. Lúc ấy, bọn ta gọi điện thoại là phone và chỉ ước ao sao hai vợ chồng có cái điện thoại để khi đi xa tiện liên lạc về. Giờ, cái tên này là sự kết nối giữa ta và con.

Ta không biết con là ai. Ta không biết xuất thân của con thế nào... Nhưng ta tin, khi Phôn đã chọn để yêu con, để cùng con đi đến tận cùng của hạnh phúc, có nghĩa, con có một trái tim yêu thương ấm nồng.

Ta xin con đặc ân cuối cùng của cuộc đời mình, là, được hỏi cưới con cho Phôn vào đầu thu này. Với vài người, đó là một sự ích kỷ thiên về duy tâm. Với ta, đó là một sự đắp bồi cho một phần đã lỡ trong đời Phôn. Mẹ nó mất khi trời sang thu. Giờ, ta xin con hãy bước đến, trở thành người phụ nữ quan trọng khác nữa trong đời nó, nắm tay nó, giúp nó chạm đến hạnh phúc đích thực của cuộc đời này. Ta chỉ xin con như thế!...

Khi Tiểu Vũ đọc xong bức thư, Phôn cũng đã đốt xong thư ông Lý gửi cho mẹ anh. Cả hai nhìn nhau mà không cần nói thêm một lời nào. Phôn không đọc thư cha gửi Tiểu Vũ, cũng không để Tiểu Vũ đọc lớn lên cho anh nghe. Không hẳn vì anh đã đoán được trong thư viết gì, mà anh nghĩ, cái gì riêng tư, hãy để nó riêng tư. Cha anh và Tiểu Vũ ắt có một liên kết nào đấy, họ sẽ có góc riêng để chia sẻ cho nhau, và anh chắc chắn Tiểu Vũ thừa tốt để làm điều ấy với người đàn ông vốn anh từng muốn chối bỏ. Nên thôi, góc của họ, anh không nên đến làm gì.

- Mỗi ngày anh sẽ hôn em bao nhiêu lần, hả Phôn? - Bất ngờ, Tiểu Vũ hỏi.

- Ngày em hư hay ngày em ngoan?

- Nếu em hư, anh sẽ hôn em ít hơn à?

- Không! Anh sẽ hôn em nhiều hơn để nhắc em phải ngoan.

- Thế ngày nào em cũng sẽ hư thật hư, anh ạ!

Phôn bật cười.

- Thế, nếu mình xa nhau...

- Em không được nói đến từ ấy!

- Anh sẽ hôn em bằng kiểu gì? - Tiểu Vũ cương quyết hỏi.

- Anh đã bảo...

- Anh trả lời em đi đã!

- Có lẽ... - Phôn gãi gãi đầu, suy nghĩ - anh đành hôn em trong giấc mơ vậy!

- Anh đưa em đến đấy, được không?

- Đấy là đâu? - Phôn ngơ ngác. - Chỉ cần em nói, bất kỳ đâu anh cũng sẽ đưa em đi!

- Giấc mơ của anh!

Phôn lặng đi.

Phôn lại gần Tiểu Vũ, kề môi hôn cô, vẫn nụ hôn trên trán, sưởi cả cơ thể cô ấm dần qua nụ hôn anh trao.

- Em không phải là giấc mơ! Em là hạnh phúc thật sự của anh, ngốc ạ!

***

Phôn cương quyết ở lại, nhưng mọi người khuyên Phôn nên đi để tiếp tục việc học của mình. Anh không nói lý do, nhưng ai cũng biết, anh không muốn đi trong lo âu rồi trở về trong hối hận nếu không kịp nhìn thấy mặt cha lần cuối. Gần hai mươi năm bỏ lỡ việc nhìn thấy cha mình bởi hiểu lầm đã là quá đủ, Phôn không muốn những ngày cuối cùng cũng bỏ qua luôn cơ hội này. Việc học có thể hoãn lại, nhưng anh không muốn hoãn tình cảm cha con thêm ngày nào nữa! Ông Lý cười, bảo, yên tâm, ông đã hứa đến thu này sang hỏi cưới Tiểu Vũ cho Phôn thì nghĩa là ông sẽ còn sống đến lúc ấy. Phôn lại nghĩ, đi vài hôm, rồi lại về để lo chuyện hỏi cưới Tiểu Vũ, mất công và mất tiền. Nhưng Tiểu Vũ bảo anh, cái gì phải thu xếp thì mình thu xếp, không thể cứ viện cớ để bỏ lỡ chuyện học hành. Thêm phần, cô biết, cho dù giờ, cô và Phôn cộng lại, tiền bạc thừa mứa cho cả hai sống đến hết đời, nhưng với bản tính của Phôn, anh sẽ không dùng số tiền ấy vào việc học, mà dở dang vài hôm là học bổng có thể bị thu về. Cô cũng biết, khi chưa thật sự tự chứng tỏ được năng lực của mình, Phôn mãi mãi sống trong ám ảnh. Nên chuyện vừa gặp nhau đấy lại phải xa nhau khiến Tiểu Vũ rất buồn, rất lo, nhưng cô vẫn phải khuyên Phôn đi. Thực tế trong cuộc đời, có những lúc, đẩy người kia đi chính là cách để nói cho họ biết, mình yêu họ nhiều đến chừng nào! Vì chỉ có tình yêu đích thực mới khiến hai người có thể hiểu nhau đến thế, tin tưởng nhau đến thế và sẵn lòng chờ đợi người kia quay trở về, cho dù có là bao lâu.

Diệp Anh không đi nữa, cô quyết ở lại chăm mẹ, chăm cha. Cô còn cười với Phôn, bảo, cô sẽ thay anh canh chừng Tiểu Vũ. Nghe, mà xốn mặn hết lòng.

Đêm ấy, trước khi hai anh em dắt nhau về nước theo lời đề nghị của cha, lúc Phôn nhận điện thoại của Tiểu Vũ, Diệp Anh lại thơ thẩn một mình, mở đoạn nhạc không lời bản "Love song" thật lớn, kiểu như để át hẳn tiếng Phôn nhẹ nhàng, vui vẻ nói chuyện với Tiểu Vũ ở đầu dây bên kia.

Phôn cúp máy, hỏi em gái, có thấy cuộc sống này bất công hay không? Diệp Anh bảo, vốn, cuộc sống rất công bằng, theo cách riêng của nó, mà không phải con người nào rồi cũng nhìn thấy được. Anh hỏi lại Diệp Anh, nếu cho Diệp Anh có quyền chọn, cô có chọn lại hay không? Diệp Anh hỏi Phôn, chọn lại cái gì, để làm gì và vì gì cơ chứ? Tâm hồn và thể xác không thật sự hòa hợp ư? Có sao đâu, đó là điều đặc biệt và cô muốn sống, muốn hạnh phúc với thứ đặc biệt cô đã nhận được trong cuộc đời.

- Em yêu Tiểu Vũ, đúng không? - Phôn hỏi.

- Đúng! - Diệp Anh khẳng khái trả lời. - Nhưng không vì thế mà em ghen với anh đâu, anh trai từ trên trời rơi xuống của em ạ!

- Như thế là không công bằng với em!

- Thế, chúng ta chơi trò công bằng nhé! - Diệp Anh nheo mắt cười. - Cả hai chúng ta sẽ cùng theo đuổi Tiểu Vũ vậy!

Phôn cứng hàm.

Diệp Anh cười lớn.

- Để em đau hơn cả lúc này, khi nhận ra, Tiểu Vũ chỉ yêu mình anh!

- Cô ấy có yêu em! - Phôn nói, rất thật. - Nhưng theo một cách khác thứ em muốn mà thôi!

- Chà! - Diệp Anh lại nheo mắt cười. - Có vẻ như, anh chưa thật sự biết em muốn gì rồi!

Phải! Thứ Diệp Anh muốn, thật ra chỉ là được nhìn thấy mẹ hạnh phúc, được nhìn thấy Phôn vui vẻ và được nhìn thấy Tiểu Vũ yên an - ít nhất là khi ấy, Diệp Anh đã nghĩ vậy, trong lúc cố loại ông Lý ra khỏi đầu óc vốn vẫn hằn nỗi đau thừa đủ để thành thù hận của cô. Cô không muốn mình hận cha! Không! Rất không! Nên, hãy cứ xếp qua một bên, đợi đến khi nỗi đau chớm lành, cô sẽ mong cho cha những điều cũng đẹp đẽ như thế!

Phôn dành hẳn ba ngày trong tuần lễ cuối cùng ở lại nhà để dẫn Tiểu Vũ đến gặp ông bà ngoại. Ông bà đã già lắm rồi và cô độc - phải, họ cô độc ngay cạnh nhau. Ông đã không thể tha thứ cho bà chuyện bà đuổi mẹ Phôn đi khi mẹ Phôn cương quyết lấy người đàn ông mẹ đã chọn - cho dù, đó có là sai lầm thì cũng là lựa chọn của mẹ; và không bất kỳ ai nên đoạn tuyệt với ai vì lựa chọn của người kia. Có lẽ, chính bà cũng không thể tự tha thứ cho mình. Nhưng, cái cách sống và ôm sự bảo thủ, với những e dè trước thị phi, họ đã cứ lầm lũi sống trong sự khổ đau, tự dằn vặt, rằng chính họ đã đẩy con gái họ đến đường cùng, để khi đau khổ nhất, nó cũng chỉ một mình ôm con mà đi!

Thấy Phôn về, ông bà ngoại vui lắm, đến mức, nói không thành lời, cứ ấp a ấp úng với nhau, rằng, thằng Phôn về rồi đây này, nó về thăm ông bà nó đây này. Nhưng, niềm vui ấy không che hết được những cái nhìn e ngại, những tiếng thở dài nén lại khi thấy Tiểu Vũ và chiếc xe lăn giờ đã thành quen với cô. Khiếm khuyết cơ thể hoàn toàn không phải là lý do đáng để ai đấy bị kỳ thị. Ông bà ngoại của Phôn không kỳ thị Tiểu Vũ khi cơ thể cô không lành lặn. Là ông bà lo cho Phôn. Là ông bà không muốn cháu trai của mình suốt cả đời cứ gồng gánh những gánh nặng mà cuộc đời giáng xuống; cho dẫu có là tình yêu đi chăng nữa, thì e rằng đôi quang gánh vô hình này vẫn là quá sức với Phôn.

Tiểu Vũ không hề bất ngờ. Chính cô, đêm trước đã gọi cho bác Sam, trò chuyện và hỏi bác, liệu bác nghĩ, cô có đủ dũng cảm để đối diện với sự chống đối người khác sẽ dành cho cô khi cô tật nguyền và có cơ hội trở thành gánh nặng cho người thân của họ? Bác Sam đã hỏi lại Tiểu Vũ, rằng, cô có tin Phôn thừa mạnh mẽ để đẩy xe cho cô đến cuối đời, băng qua dư luận hay không? Tiểu Vũ nghĩ, vẫn chớm những giây thấy bất công cho Phôn, nhưng đi qua rất nhanh, để tin, câu trả lời cho câu hỏi của bác Sam, là có!

Thế nên, Tiểu Vũ ung nhiên tự mình lăn xe vào nhà ông bà, sau cái nháy mắt đầy hàm ý với Phôn. Cô thậm chí lăn xe xuống bếp, bảo Phôn lấy giúp những vật dụng trên cao và nấu bữa cơm có những món ông bà thích, Phôn thích và mẹ Phôn cũng thích.

- Có khó khăn lắm không? - Bà hỏi, khi đứng cạnh xem Tiểu Vũ làm.

- Cũng có ạ! - Tiểu Vũ vui vẻ. - Nhưng, chỉ khó thôi chứ không phải là không thể ạ!

- Nhưng thế này... chuyện sinh con...

- Tiếc một nỗi, bà ạ! - Tiểu Vũ quay hẳn sang, nhìn sâu vào đáy mắt người đàn bà già nua, khắc khổ nọ, nhìn bằng cái nhìn của một người đàn bà với một người đàn bà. - Cháu sẽ không biết cảm giác đau đẻ thế nào! Chỉ tiếc thế thôi! Cháu nghĩ, đấy là cơn đau đẹp nhất đời mỗi người. Tiếc rằng, cháu không có quyền đi qua cái đẹp đẽ ấy.

Bà ngoại khóc! Nước mắt đàn bà chảy cho đàn bà kém may mắn hơn mình, rồi, bà gật gật, ra chiều đã hiểu. Phải! Đi qua chừng ấy năm của cuộc đời, dành phần nhiều cho đau khổ và hối hận, bà hiểu - hiểu rất rõ những gì Tiểu Vũ vừa nói với mình. Phụ nữ tự tin là người dám nghĩ đến chuyện cảm nhận cho tận cùng cơn đau thiêng liêng nhất đời mình! Và chỉ người phụ nữ đang yêu mãnh liệt, không toan tính, không bao giờ thối lui mới là người cảm thấy tiếc nếu không được trải qua cơn đau mà cả thế giới phải thừa nhận là "thập tử nhất sinh" ấy! Không nhiên, bà thương Tiểu Vũ bằng tất cả lòng mình; và không nhiên, bà muốn ôm cô vào lòng quá!

- Thế, không đi làm gì à? - Ông hỏi, không cần che đậy khi bữa cơm bốn người vừa bắt đầu, mặc kệ cái đằng hắng của Phôn.

- Vâng, cháu chưa! - Tiểu Vũ chưa dám cầm đũa.

- Thế, thằng Phôn đi học, cháu ở nhà, sống sao? - Ông cầm đôi đũa lên, chìa về phía Tiểu Vũ.

- Cháu đang học vẽ! - Tiểu Vũ hồ hởi rõ rệt. - Và cháu nghĩ, cháu sẽ mở triển lãm cho mình!

- Tay chân thế... - Ông bỏ dở, sau thái độ rõ ràng của Phôn.

- Vâng! Đau lắm ông ạ! - Tiểu Vũ thật thà và không kém phần kiêu hãnh. - Nhưng có lẽ chỉ khiến cháu vẽ chậm thua người khác thôi, chứ không hẳn là không thể hoàn thành bức nào cho mình ạ!

- Triển lãm... không thực tế mấy, nhỉ? - Ông liếc mắt trừng Phôn, bảo, ông cần nói thì để ông nói.

- Vâng! - Tiểu Vũ gật, không hề chùn lòng. - Người ta toàn phải bỏ tiền làm triển lãm, ông ạ! Nhưng, cháu nghĩ, anh Phôn sẽ cho cháu, anh ấy vốn chẳng thực tế bao giờ.

Tiểu Vũ nói, bắt đầu câu chuyện cho Phôn thấy dễ thở hơn khi nói hết với ông bà nghe chuyện cha đã đón mình về, chia cho mình phần lớn gia sản. Ông bà của Phôn hoàn toàn không hề tỏ ra xúc động, nhưng cũng không có ý sẽ phản đối chuyện này. Họ không giàu, nhưng cũng không nghèo đến độ phải cần ai khác chu cấp cho cháu trai của mình - đứa cháu đã tự lắc đầu chối bỏ tình cảm này; nhưng thực tế một người cha cho con mình thứ nó đáng nhận là một chuyện nghiễm nhiên, không cần bàn cãi. Chỉ đến khi Phôn bảo, giao lại công ty cho mẹ Diệp Anh quản lý thì ông bà mới tỏ rõ mình. Đó không phải là tức giận! Hoàn toàn không! Đó là tự hào! Phải! Đáng tự hào quá đi chứ! Khi mà cháu ngoại của ông bà đã trưởng thành, đã học đủ hai từ vị tha và tin tưởng, đã chứng tỏ nó giống hệt con gái ông bà. Thấy yên tâm quá!

- Ngày mai, chúng ta sẽ về, em nhé!

- Vâng ạ!

- Còn nhiều thứ...

- Em hiểu mà!

- Em đi cùng anh, được chứ?

- Đi đâu? Maryland à?

- Ừ! Dĩ nhiên!

- Được! Nhưng em không đi!

- Vì sao?

- Vì em cần ở cạnh mẹ thêm nữa! Vì em cần cho anh thời gian để đuổi theo ước mơ của anh, trước khi phải trở về đẩy chiếc xe lăn của em đi qua hết những đoạn không hề thực tế của cuộc đời!

- Nhưng, anh cần em!

- Ơ hay! Em cũng cần anh, có khi là cần hơn ấy chứ! Nhưng, cần nhau đâu có nghĩa cứ phải ở sát cạnh nhau?!

- Mai anh sẽ đưa em ra biển!

***

Biển chiều nay đẹp lạ lùng. Trời ráng đỏ và mặt nước xanh hằn chiếu váng vất cái hoạch đỏ kiêu hãnh nhất trong bộ màu của mọi họa sĩ. Phôn bảo, như ngày xưa mẹ từng bảo, đấy là mặt trời nấu cơm. Tiểu Vũ hỏi lại, thế em là mặt trời của anh mỗi ngày á, vì, em luôn nấu cơm cho anh?! Phôn cười, cúi xuống, hôn lên tóc Tiểu Vũ, bảo, thi thoảng, anh sẽ là mặt trời của em! Khi nói một câu nói hoàn toàn tự nhiên - thậm chí là hồn nhiên - để khẳng định sự kết nối giữa hai con người, nghĩa là, người ấy đã thuộc về người kia trọn vẹn mất rồi! Mà giữa Phôn và Tiểu Vũ, từ ngày đầu tiên gặp nhau - lúc cả hai chỉ vừa sáu tuổi - đã có thừa những câu nói thế này. Cuộc đời, có ai tin được chuyện hai đứa trẻ con gặp nhau thuần hồn nhiên rồi sẽ nắm tay nhau đi suốt đoạn đường dài đầy chông chênh như thế?! Cũng chẳng cần phải có ai đứng ngoài nhìn vào mà tin cả! Tình yêu là chuyện của hai người, thế nên, chỉ hai người họ tin nhau đã là quá đủ!

Phôn dừng lại trước biển, đứng nguyên phía sau Tiểu Vũ vẫn dong mắt nhìn thẳng về phía chân trời, dang rộng hai tay như cố ôm trời, ôm đất, rồi thoát ra tiếng thét của kẻ tự do. Tiểu Vũ làm theo Phôn, ở góc thấp hơn. Hai tiếng thét tung tăng giữa đất trời một đoạn, rồi hòa vào biển mặn mòi.

***

Chuyện kể rằng, ngày xưa, có chàng trai gánh biển trên vai đi tìm nơi để biển có thể sinh tồn. Những tháng ngày rong ruổi tìm đến nơi biển thuộc về ấy, chàng và biển đã yêu nhau. Mỗi ngày, biển vỗ về bên tai chàng trai những câu chuyện tình của loài tôm, loài cá, bảo, chúng yêu nhau như điên như dại, thế mà con người có tin đâu? Mỗi đêm, khi chàng trai chìm vào cơn ngủ của một ngày vất vả, biển hát ru chàng bằng những bản tình ca mà chỉ chàng, chỉ biển mới hiểu...

Biển khô cạn từng ngày. Chàng trai đau khổ lắm. Nhưng, tình yêu biển dành cho chàng cũng như thứ tình cảm chàng dành cho biển - nguyên sơ, trọn vẹn như từ lúc ban đầu. Mồ hôi chàng mặn mòi chảy xuống nuôi biển, từng giọt, từng giọt. Biển hắt sóng ngọt ngào làm mát chàng giữa những trưa trời đổ gắt gay. Họ yêu nhau nồng say và tin rằng mình có thể cho người kia thêm một ngày sống trọn vẹn.

Cuối cùng, chàng trai cũng tìm đến được nơi mà biển thuộc về - bao la, bát ngát - ở những bước đi cuối cùng của đời chàng. Biển đã hát bằng giọng hát không còn trong veo nữa. Chàng thì thầm vào biển câu cuối cùng, anh yêu em, để rồi, ngay cả giọt mồ hôi cuối, ngay cả giọt nước mắt cuối của chàng - những thứ luôn mặn như biển vẫn thế - đều chảy về phía biển, không do dự, không đắn đo.

- Chuyện của anh buồn thế? - Tiểu Vũ rớm nước mắt quay sang Phôn.

- Ừ!

- Kết thúc chẳng có hậu gì cả!

- Ngốc ạ! - Phôn cú đầu Tiểu Vũ. - Thật ra, chỉ có mồ hôi và nước mắt của chàng trai nọ mới sống được với biển thôi!

- Em không hiểu!

- Chúng mặn và biển cũng mặn!

- Thế, em là biển à?

- Cũng có thể!

- Nhưng như thế, chỉ có mồ hôi và nước mắt của anh mới sống được cùng em?

- Em hâm và ngốc nghếch quá! - Phôn bật cười, giòn tan. - Nghe này, công chúa! Anh sẵn sàng đổ chảy mọi thứ đấy cho em, chỉ cần, em được sống!

Họ ngồi cạnh nhau đến tận khi mặt trời khuất bóng, khi cái ráng đỏ trời chiều chỉ còn là vệt ưu tư cố níu giữ đường chân trời. Những ông lão buông câu thong thả. Những chị hàng rong đổ hàng quạt than. Những đứa trẻ tung cát làm trò... Trái Đất, có lúc yên bình đến lạ.

Phôn ôm Tiểu Vũ trong lòng, cho cô ngồi xõa xuống cát, rồi, đưa bờ vai của anh luôn thừa mạnh mẽ cho cô tựa vào.

- Phôn này! - Tiểu Vũ gọi. - Nếu... nếu khi anh đi rồi, anh nhận ra, có một ngày, Trái Đất ngừng quay thì sao, hả anh?

- Thì anh sẽ xin Trái Đất ngừng ở đoạn anh ở trong bóng tối, để em được sống trong ánh nắng.

- Ý em là...

- Ý em là, em luôn ngốc, luôn hâm, luôn có thể đưa ra những câu hỏi ngớ ngẩn đến mức chẳng ai đoán được...

Tiểu Vũ ngẩng hẳn dậy, nhìn Phôn bằng cái nhìn sót lại ngây thơ của những ngày cô chấp nhận mình rồi sẽ làm vợ để đợi, để chờ. Phôn mím môi cười hiền, xoa xoa đầu Tiểu Vũ. Sự nghiêm túc của cô khiến anh có phần bối rối.

- Trái Đất ngừng quay, nghĩa là tất cả chúng ta đều không thể chuyển động nữa.

- Có lẽ vậy! - Phôn nhẹ nhàng.

- Anh đi! Và chúng ta không thể di chuyển nữa... nghĩa là... nghĩa là...

- Nghĩa là anh không thể tìm về với em, nhỉ?

- Phải! - Tiểu Vũ khổ sở, như kiểu thật rằng ngày mai thôi Trái Đất sẽ ngừng quay.

- Anh vẫn sẽ tìm em được!

- Bằng cách nào, hả anh?

- Bằng cách này!

Phôn nói, đưa bàn tay Tiểu Vũ áp chặt lên ngực trái của mình, rồi, nhẹ nhàng, anh vòng một tay ra sau gáy, kéo Tiểu Vũ đến thật sát với mình, hôn nồng nàn lên đôi môi hãy còn mấp máy muốn hỏi.

Hai vệt bóng đen quấn vào nhau không mệt mỏi. Họ hôn nhau để biết, họ còn ở cạnh nhau, còn yêu thương nhau, dẫu cho, ngày mai, Trái Đất ngừng, không quay nữa.

Sau lưng họ, vệt tròn dài hằn trên cát dẫn trước, theo sau là vệt những bàn chân quá đỗi vững vàng, quá đỗi rắn rỏi, quá đỗi yêu thương...

- Anh sẽ là đôi chân của em, đến hết kiếp này!

- Thế kiếp sau thì sao?

- Em sẽ có đôi chân của em, và chúng ta sẽ sóng bước cùng nhau đến tận cùng trời, cuối đất!

- Em không cần đi đến cùng trời cuối đất, Phôn ạ! - Tiểu Vũ nhẹ nhàng áp tay vào má anh. - Em chỉ mong anh hãy đưa em đến một nơi thôi.

- Nơi nào, hả, công chúa?

- Nơi trái tim em thuộc về!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.