Nhu Phúc Đế Cơ

Chương 5-4: Khôi phục




Sau khi Miêu Phó, Lưu Chính Ngạn đã khống chế được triều đình bèn đổi niên hiệu thành Minh Thụ, ban lệnh đại xá thiên hạ. Thế nhưng trong lòng bọn họ biết việc ép Hoàng đế thoái vị danh không chính ngôn không thuận, chắc chắn sẽ không được văn thần võ tướng đang trấn thủ ở nơi khác chấp nhận, bèn cố tình chỉ nhắc một câu tới việc Triệu Cấu đã nhường ngôi trong chiếu thư đổi niên hiệu, không nói rõ lý do thật. Thế nhưng chiếu thư của bọn họ ban bố quá đột ngột, lời lẽ lại mập mờ lấp lửng, khiến các đại thần nhận được đều sinh nghi. Khi chiếu thư tới Bình Giang liền bị Lễ bộ thị lang Trương Tuấn lúc bấy giờ đang trấn thủ ở đó giữ lại, không tuyên bố. Giang Đông chế trí sứ Lữ Di Khiết vừa tới Giang Ninh đã nhận được chiếu thư, sau khi đọc xong lập tức nói với viên quan dưới trướng Lý Thừa Mại: "Hoàng thượng đang độ tráng niên, đang là lúc sức khỏe dồi dào, thiên hạ chưa từng nghe nói tới việc này, sao có thể đột nhiên nhường ngôi cho Hoàng tử ba tuổi? Ắt hẳn ở Hàng Châu đã xảy ra binh biến." Lý Thừa Mại cẩn thận đọc kỹ chiếu thư xong liền nói: "Trong chiếu có câu 'đành nghe theo ý trời', chỉ e chính là đang ám chỉ việc Hoàng đế nhường ngôi thực chất là bất đắc dĩ." Con trai của Lữ Di Khiết Lữ Kháng đứng bên nghe cũng gật đầu: "Chiếu thư đại xá này được ban hành một cách kỳ lạ, chắc chắn đã xảy ra binh biến rồi!" Bởi thế Lữ Di Khiết lập tức phái người tới Hàng Châu thám thính tình hình, sau đó gửi thư cho Trương Tuấn và Chế trí sứ Lưu Quang Thế, kể lại những khó khăn của nước nhà giờ đây, ám thị bọn họ cùng mình dấy binh phò vua.


Trương Tuấn đọc xong nghẹn ngào bật khóc, nhanh chóng quyết định khởi binh. Đêm đó, ông triệu Lưỡng Triết lộ đề điểm hình ngục công sự Triệu Triết tới, kể với y nguyên cớ bên trong, lệnh cho Triệu Triết mau chóng điều động kỵ binh tới thảo phạt nghịch thần, đồng thời báo cho Lưu Thế Quang đang trấn thủ Triết Giang mang binh tới hội quân. Lữ Di Khiết thấy quân lính cần vương đã chuẩn bị đủ liền trực tiếp lệnh người chạy tới Hàng Châu trực tiếp dâng tấu lên Triệu Cấu trong Duệ Thánh cung, mời y phục vị. Trương Tuấn vì lo lắng đám người Miêu Phó ở Hàng Châu đang theo dõi, khống chế Triệu Cấu và Thái hậu sát sao, nếu khởi binh bức ép thế này chỉ e bọn chúng cùng đường làm liều, hoặc lại phát sinh biến cố khác, bởi thế bèn lệnh cho một Biện thổ biết ăn nói là Phùng Phan tới Hàng Châu trước, thuyết phục hai người Miêu, Lưu, khuyên bọn họ sớm ngày hối cải.


Những tướng lĩnh đi theo làm phản lần này cũng hiểu việc này không được lòng người, vốn dĩ đã có chút chột dạ, mà nay bị binh tướng phò vua uy hiếp không ít người đã có ý hối hận, hai người Miêu, Lưu thấy vậy vừa tức giận vừa không cam lòng. Sau khi được Phùng Phan khuyên giải, Lưu Chính Ngạn lệnh cho Phùng Phan quay về, phong Trương Tuấn là Lễ bộ thượng thư, hẹn tới Hàng Châu gặp mặt. Trương Tuấn dĩ nhiên biết bọn họ hẹn mình tới Hàng Châu chẳng phải vì mục đích tốt đẹp gì, sau khi được tin Lữ Di Khiết đã xuất phát và dâng tấu mời Triệu Cấu phục vị, Trương Tuấn cũng lệnh cho Ngự doanh tiền quân thống chế Trương Tào* hối thúc Ngô Giang dâng tấu, một mặt tự mình cũng dâng tấu mời Triệu Cấu phục vị, mặt khác chính thức trả lời Lưu Chính Ngạn, thoái thác nói Trương Tào đã dẫn quân quay về rồi, mình nên ở lại Bình Giang xoa dịu quân đội của Trương Tào.


(* Chú thích: Tên của Ngự doanh tiền quân thống chế thực chất cũng là Trương Tuấn - một chữ Tuấn khác. Để tránh rối loạn khi dịch ra Tiếng Việt, mình tự ý sửa thành Trương Tào.)


Khi ấy Bình Khấu tả tướng quân Hàn Thế Trung từ Diêm Thành đi đường biển về Hàng Châu, quen thuộc đường xá, Trương Tào đang trấn thủ ở đó nghe tin vui mừng khôn xiết: "Hàn Thế Trung tới rồi, còn việc gì không thành!" rồi lệnh người báo cho Trương Tuấn. Trương Tuấn cũng lập tức gửi thư cho Hàn Thế Trung, kể lại tình hình cần vương. Hàn Thế Trung đọc được thư của Trương Tuấn liền rót rượu đầy đất, cảm khái nói: "Ta thề quyết không cùng hai tên nghịch thần đội trời chung." Sau đó lên ngựa cùng Trương Tào tức tốc tới Bình Giang gặp Trương Tuấn.


Trương Tuấn nghe tin Hàn Thế Trung đã tới liền lập tức mỉm cười đi ra cửa nghênh đón. Hai người cũng không kịp hàn huyên, trực tiếp bàn tới việc khởi binh. Hàn Thế Trung nói: "Khởi nghĩa hôm nay, Thế Trung nguyện cùng Trương Tuấn đảm đương trách nhiệm, xin ngài không cần lo lắng." Trương Tuấn cũng rơi lệ đáp: "Được hai người dốc sức hỗ trợ, đương nhiên có thể yên tâm." Sau đó khao lớn quân của Trương Tuấn, Hàn Thế Trung, giữa buổi tiệc trần thuật sự việc, chúng binh sĩ nghe xong đều cảm thấy phẫn nộ.


Sau khi cáo từ Trương Tuấn, Hàn Thế Trung dẫn quân về Hàng Châu. Trước khi xuất phát, Trương Tuấn nhắc nhở ông: "Bắt chuột sợ vỡ bình, chuyến này hành động không thể quá hấp tấp, hấp tấp lại dễ sinh biến cố. Ngài tốt nhất nên tới Tú Châu chiếm lấy con đường vận chuyển lương thực, lặng lẽ chờ các đạo quân tới đông đủ, sau đó mới cùng nhau hành động." Hàn Thế Trung đồng ý, nhận mệnh rời đi. Dẫn binh tới Tú Châu liền giả bệnh không tiếp tục tiến về phía trước nữa, mà ở đó thu gom vũ khí chiến đấu.


Miêu Phó nghe nói việc này xong vừa kinh ngạc vừa nghi ngờ, lo sợ Hàn Thế Trung sẽ nhân cơ hội gây biến, toan bắt thê tử còn ở Hàng Châu của ông là Lương Hồng Ngọc và con trai Bảo nghĩa lang Lượng làm con tin. Chu Thắng Phi vội vã khuyên ngăn: "Hàn Thế Trung dừng lại tại Tú Châu là vẫn đang còn cố kỵ, không dám manh động, thế nhưng nếu ngài bắt giữ vợ con của ông ta, chỉ sợ sẽ khiến ông ta bị kích động, ngược lại sẽ hạ quyết tâm làm phản. Không bằng lệnh cho thê tử Hàn Thế Trung ra khỏi thành tới đón ông ta, lựa lời an ủi, Hàn Thế Trung chắc chắn sẽ dốc sức vì ngài. Được vậy thì đám người Trương Tuấn cũng không thể làm gì được nữa."


Miêu Phó cũng là một kẻ vũ phu đầu óc đơn giản, tự mình chẳng có mấy mưu lược, không biết lời của Chu Thắng Phi nói là kế sách, thoáng suy ngẫm liền cảm thấy ông nói có lý, bèn vui vẻ gật đầu đáp: "Tướng công nói chí phải." Sau đó liền nhanh chóng về cung xin Thái hậu phong thê tử của Hàn Thế Trung làm An Quốc phu nhân, lệnh cho bà tới Tú Châu nghênh đón Hàn Thế Trung. Thấy vậy, Chu Thắng Phi không nén nổi cười thầm: "Quả nhiên là hai kẻ ngu ngốc, dễ bị lừa thế này!"


Lương Hồng Ngọc đang lo lắng mình sẽ bị bắt làm con tin, liên lụy tới Hàn Thế Trung, không ngờ lại nhận được mệnh lệnh bất ngờ thế này, vừa vui mừng vừa vội vã vào cung tạ ơn Thái hậu, sau đó lập tức quay về nhà dẫn theo con trai, gấp rút chạy ra khỏi thành, chỉ một ngày một đêm đã tới được Tú Châu. Hàn Thế Trung thấy vợ con đều đã tới, chút lo lắng cuối cùng cũng tan biến, vui mừng khôn xiết nói: "Trời ban cơ hội tốt, được cùng vợ con đoàn tụ, ta lại càng có thể yên tâm thảo phạt nghịch tặc!" Không bao lâu sau Miêu Phó phái người tới truyền chỉ, giục ông mau quay về, niên hiệu phía trên đề hai chữ Minh Thụ. Hàn Thế Trung cau mày, tức giận nói: "Ta chỉ biết có Kiến Viêm, không biết có Minh Thụ!" rồi đem chiếu thư thiêu hủy, chém đầu người tới truyền tin thị uy, sau đó thông báo cho Trương Tuấn chọn ngày tiến binh.


Trương Tuấn lập tức gửi thư cho đám người Miêu, Lưu, tố cáo tội trạng, nói Kiến Viêm đế không hề có chỗ nào thất đức, bọn họ lại ép Hoàng đế thoái vị, âm mưu phế lập, quả thực đại nghịch bất đạo, xét tội đáng tru di. Đám người Miêu Phó sau khi nhận được thư kinh hãi khiếp sợ, giáng Trương Tuấn làm Hoàng Châu đoàn luyện phó sứ, trấn thủ Sâm Châu, thế nhưng lại thăng Trương Tào, Hàn Thế Trung làm Tiết độ sứ, có ý đồ dụ dỗ lôi kéo. Trương Tuấn và Hàn Thế Trung đều không nghe lệnh, lập tức soạn chiếu thảo phạt nghịch tặc, công bố với thiên hạ, lên ác tội phản loạn của đám người Miêu Phó.


Ngoài Hàn Thế Trung ra, các tướng lĩnh cần vương nhanh chóng tới Bình Giang tụ hội, quyết định để Hàn Thế Trung làm tiền quân, Trương Tào dẫn tinh binh yểm trợ hai bên, Lưu Quang Thế đích thân dẫn quân tấn công qua đường thủy, Lữ Di Khiết, Trương Tuấn thống lĩnh trung quân, cùng Lưu Quang Thế chia nhau yểm trợ phía sau. Các tướng lĩnh cần vương xuất phát từ Bình Giang, một đường thẳng tiến về Hàng Châu.


Hành quân tới Ngô Giang, Lữ Di Khiết, Lưu Quang Thế, Trương Tuấn, Hàn Thế Trung cùng Trương Tào lại cùng nhau dâng tấu xin Triệu Cấu về ngôi: "Kiến Viêm Hoàng đế từ khi kế vị tới nay cung khiêm cần kiệm, chưa mắc lỗi sai nào nghiêm trọng. Nay thiên hạ sinh biến sở dĩ đều do kẻ có ý đồ chính trị nhiễu nhương, chỉ e Thái hậu nhiếp chính, ấu đế nhỏ dại, chưa thể bình được họa loạn. Chúng thần dẫn quân từ xa tới phò vua, cung thỉnh Kiến Viêm Hoàng đế phục vị, hoặc Thái hậu và bệ hạ cùng nhau nghe chính sự, khiến lòng dân được an ủi."


Mắt thấy binh tướng cần vương đã tiến tới sát chân thành, Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn khủng hoảng vô cùng, không biết phải đối phó thế nào. Chu Thắng Phi nhân cơ hội đưa ra ý kiến: "Các tướng cần vương sẽ không vội vã đánh vào thành, có ý thúc giục các ngươi sớm ngày hối cải. Mà nay cũng không còn cách nào khác, không bằng chủ động mời Kiến Viêm Hoàng đế hồi cung phục vị, nếu không đợi tới khi quân đội cần vương tiến vào thành, tình thế của các ngươi sẽ càng hung hiểm hơn." Miêu Phó chần chừ không dám quyết, Chu Thắng Phi liền tiếp tục khuyên nhủ: "Nếu có thể sửa sai, có thể mời Thái hậu xuống chiếu trước, hạ lệnh không truy cứu lỗi lầm trước kia của các ngươi."


Miêu Phó thấy thế cục đã định, binh lực Hàng Châu mà bọn họ nắm trong tay khó có thể định lại mấy đạo quân cần vương, mà bản thân cũng sớm không còn chủ ý gì nữa, bởi thế chỉ đành tiếp nhận đề xuất của Chu Thắng Phi, nhờ Chu Thắng Phi chuyển lời tới Triệu Cấu bọn họ sẽ tới Duệ Thánh cung cầu kiến, xin tha thứ lỗi lầm xưa.


Miêu Phó, Lưu Chính Ngạn tự biết tội lớn, nghi ngờ không biết Triệu Cấu có đồng ý gặp mình không, dọc đường hoang mang lo lắng, hoảng hốt không yên, đi được nửa đường lại lộn về, cứ như vậy mấy lần, cuối cùng khi tới được trước cửa cung Duệ Thánh cung, mặt trời đã sắp lặn xuống núi.


Nằm ngoài dự liệu của bọn họ là Triệu Cấu đã sai người mở cửa cung nghênh đón bọn họ. Y ngồi trong chính điện khoác áo bào mỏng, vừa trông thấy bọn họ liền hòa ái mỉm cười nói: "Hai vị ái khanh, đã lâu không gặp, hết thảy vẫn ổn chứ?"


Miêu Phó, Lưu Chính Ngạn không dám đáp lời, lập tức quỳ sụp xuống đất, liên tiếp cầu xin Triệu Cấu tha tội, sau đó ngập ngừng xin Triệu Cấu ban ngự trát bảo binh tướng cần vương ngoài thành lui đi.


Triệu Cấu lắc đầu cười đáp: "Hai vị ái khanh thật mau quên. Ngự trát do quân chủ đích thân viết hiệu lệnh được thiên hạ là bởi phía trên có dấu ngọc tỷ. Hai vị ái khanh đã mời trẫm chuyển ra ngoài cung sinh sống, không can thiệp vào quốc sự, các ngươi bảo trẫm đóng dấu gì làm tin đây? Tự cổ đế vương bị phế đều chỉ nên đóng cửa hối cải lỗi xưa, trẫm tự cảm thấy mình vẫn chưa nghĩ được rõ ràng, sao dám tiếp tục can dự vào việc quân!"


Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn vội vã đem ngọc tỷ đã chuẩn bị sẵn ra, cung kính phủ phục trên nền đất dâng ngọc tỷ lên đầu, lại mời Triệu Cấu viết ngự trát.


Triệu Cấu lạnh lùng liếc nhìn ngọc tỷ, vẫn cười nhạt nói: "Không ổn. Ngọc tỷ là vật do đương kim Thánh thượng sử dụng, trẫm đã thoái vị làm Thái thượng hoàng, sao có thể tự ý sử dụng. Các ngươi vẫn nên tới gặp hoàng nhi của trẫm xin nó ban chiếu chỉ đi." Dứt lời liền cầm một quyển sách trên bàn lên nhàn nhã đọc, lát sau nhắm mắt lại ngáp dài một cái.


Hai người Miêu Phó sắc mặt lúc xanh lúc đỏ, vừa lúng túng vừa hoang mang, bất đắc dĩ chỉ đành dập đầu không ngừng tự trách, nói: "Là chúng thần nhất thời hồ đồ phạm phải sai lầm nghiêm trọng, quả thực tội khó mà tha, có chết cũng đáng. Thế nhưng nếu giờ quân đội đánh vào Hàng Châu chắc chắn sẽ gây ra cảnh đầu rơi máu chảy, ảnh hưởng tới nhân dân. Huống chi giặc ngoài còn chưa yên, nếu giờ Đại Tống lại nổi loạn trong, vậy chẳng phải sẽ cho người Kim cơ hội xâm lược?"


"Những lời này sao nghe quen tai vậy." Triệu Cấu ném sách đi, ngồi thẳng lưng cười lạnh nói: "Lúc hai vị ái khanh dấy binh làm phản cũng có người từng khuyên các ngươi thế này phải không. Lúc ấy các ngươi không chút để tâm, mà hiện giờ lại lấy ra khuyên bảo trẫm."


Hai người Miêu, Lưu mồ hôi lạnh ròng ròng, không ngừng dập đầu nói: "Thần tội đáng muôn chết."


Triệu Cấu khinh thường nhìn bọn họ hồi lâu, sau đó mới mệnh người mang bút nghiên tới, đích thân viết chỉ cho Hàn Thế Trung: "Biết khanh đã tới Tú Châu, đường xá xa xôi chẳng dễ dàng. Trẫm sống ở đây rất yên ổn. Miêu Phó, Lưu Chính Ngạn vốn dĩ cũng vì nghĩ cho xã tắc, đáng được khen ngợi. Khanh nhận được chiếu này hãy thông báo với chư tướng, nghĩ cho sự thái bình an vui của quốc gia."


Viết xong liền lệnh người đưa cho Miêu Phó. Hai người sau khi lui ra mở ra đọc, phát hiện Triệu Cấu không nói xấu mình một chữ nào trong chiếu thư, ngược lại còn bảo bọn họ là "vốn dĩ cũng vì nghĩ cho xã tắc, đáng được khen ngợi", không nén được hoan hỉ, thở phào cảm khái: "Giờ mới biết Thánh thượng khoan dung độ lượng nhường này!"


Sau đó cử Hàng Châu binh mã kiềm hạt Trương Vĩnh Tái mang chiếu thư của Triệu Cấu tới giao cho Hàn Thế Trung. Hàn Thế Trung xem xong liền nói: "Nếu Hoàng thượng nhanh chóng phục vị, việc này mới xem như kết thúc. Nếu không, ta nhất quyết sẽ chiến đấu tới cùng."


Miêu Phó, Lưu Chính Ngạn chỉ đành dẫn bá quan tới Duệ Thánh cung diện kiến Triệu Cấu, tỏ ý mời y quay về phục vị. Tháng Tư ngày Mậu Thân, Thái hậu xuống chiếu trả lại quyền nhiếp chính, bá quan tới Duệ Thánh cung đón Triệu Cấu về cấm trung. Triệu Cấu khẽ lắc đầu chưa chịu đồng ý ngay, Chu Thắng Phi lại hết lời khẩn cầu, Triệu Cấu cuối cùng mới lên ngựa trở về hoàng cung. Bách tính trong thành Hàng Châu hay tin cũng đều thắp hương cảm tạ, tâm trạng vui mừng.


Sau khi phục vị, Triệu Cấu lập tức thăng Trương Tuấn làm Trung đại phu, Tri xu mật viện sứ. Lúc bấy giờ Trương Tuấn tuổi vừa mới 33, còn trẻ như vậy đã nắm vị trí đại thần chấp chính, là hiện tượng hiếm gặp qua lịch đại hoàng đế. Mà Chu Thắng Phi bởi loạn Miêu Lưu đã xảy ra trong thời gian ông đang chấp chính nên tự cảm thấy hổ thẹn, xin lui khỏi tướng vị. Triệu Cấu níu kéo xong Chu Thắng Phi vẫn một mực kiên quyết, Triệu Cấu đành hỏi ông cảm thấy ai có thể thay thế đảm nhiệm tướng vị, Chu Thắng Phi liền đáp: "Tới hiện giờ vẫn chưa ai hơn được hai người Lữ Di Khiết, Trương Tuấn." Triệu Cấu bèn thuận theo ý nguyện của ông, giáng ông xuống làm Quan văn điện đại học sĩ, Tri Hồng Châu, lại thăng Lữ Di Khiết làm Tuyên phụng đại phu, Thượng thư hữu bộc xạ kiêm Trung thư thị lang kiêm Ngự doanh sứ. Các quan lại tướng lĩnh tham gia cần vương có công khác cũng được luận công phong thưởng, thăng quan tiến chức.


Khi được thăng làm Tri xu mật viện sứ Trương Tuấn vẫn chưa vào triều. Lúc này hai người Miêu Lưu vẫn nắm quân đội trong tay, Triệu Cấu cũng chưa hạ lệnh giải tán, chưa truy cứu tội lỗi của bọn họ, sau khi thăng quan cho Trương Tuấn liền lần lượt cho hai người nhậm chức Hoài Tây chế trí chính, phó sứ. Trương Tuấn biết ý của Triệu Cấu, hiểu rằng y đang khuyến khích mình tiếp tục dẫn binh công thành đả kích hai tên phản thần, bởi thế cùng đám người Lữ Di Khiết, Hàn Thế Trung một đường qua ải chém tướng, nhanh chóng đánh vào Hàng Châu. Đám người Miêu Phó vội vã bỏ thành chạy trốn, lánh về Phúc Kiến tránh nạn. Mấy vị đại thần sau đó vào cung yết kiến Triệu Cấu, Triệu Cấu mừng rỡ, không ngớt an ủi ngợi khen, sau đó bí mật kéo tay Hàn Thế Trung hỏi: "Ngự doanh trung quân thống chế quan Ngô Đam cấu kết với hai phản thần, cùng nhau làm loạn, mà nay vẫn còn ở sát gần bên trẫm, khanh có thể giúp trẫm diệt trừ được chăng?" Hàn Thế Trung lập tức đáp: "Việc này dễ làm!"


Lúc này Ngô Đam đã biết mình khó mà toàn mạng, trốn trong nhà đóng cửa không ra ngoài, phái rất nhiều binh lính canh gác bên ngoài. Hàn Thế Trung lấy danh nghĩa thăm hỏi Ngô Đam ép hắn mở cửa, đang bắt tay nói chuyện đột nhiên dồn lực, chỉ nghe thấy "rắc" một tiếng, ngón giữa của Ngô Đam đã bị bẻ gãy. Sau đó Hàn Thế Trung một tay siết cổ Ngô Đam, một tay ném ngón giữa của Ngô Đam ra ngoài cửa. Binh lính bên ngoài thấy vậy lập tức kinh hãi xông vào, soàn soạt tuốt gươm ra hăm dọa. Hàn Thế Trung giao Ngô Đam cho quân lính mà mình dẫn theo, sau đó rút kiếm ra tức giận mắng: "Ngô Đam tiếp tay cho phản tặc, luận tội phải tru. Có ai muốn cùng hắn đồng lõa cứ bước lên đây, để ta được lĩnh giáo công phu của nghịch tặc!"


Tất cả mọi người lập tức im ắng, không dám nhúc nhích nữa. Triệu Cấu sau đó liền hạ chỉ chém đầu Ngô Đam giữa phố, lại thăng Thống chế quan Tân Vĩnh Tông làm Ngự doanh sứ Tư Trung quân thống chế.


Sau đó Triệu Cấu tiếp tục điều tra bè đảng của hai kẻ Miêu, Lưu, kẻ giết kẻ biếm. Tới tháng Bảy năm Kiến Viêm thứ ba, Miêu Phó và Lưu Chính Ngạn lần lượt bị bắt, giải về Hàng Châu chém đầu thị chúng, một trận biến loạn cuối cùng cũng chấm dứt.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.