Nhu Phong

Chương 40




Bão Kê nương nương sang ngôi phù đồ lấy một hũ tro.

Vào tới nơi thì không thấy A Xuân đâu cả. Nàng cầm đèn lồng rà quanh Phật đường một vòng, phát hiện cô ấy đang co ro nằm ngủ trong bụng tượng Phật to chưa tu sửa xong. Một cuộn trắng trắng tròn tròn, yên tĩnh, an tường, trông như thai nhi được tượng Phật bảo bọc. Có lẽ bởi vì không có dương bạt ở bên, Phật khí trong ngôi phù đồ lại quá mỏng, cô ấy buộc phải ngủ trong tượng Phật để chữa lành những thương tổn da thịt.

Ôi, như Lý Nhu Phong thì sau này biết phải làm sao nhỉ? Cái người thích sạch sẽ, ưa bắt bẻ, còn vì quá ồn ào phiền nhiễu mà thà rằng thức suốt đêm đấy, chàng đâu thể cũng trốn trong bụng tượng Phật ngủ như thế.

Bão Kê nương nương âu sầu suốt quãngiđường.

Trở lại tòa nhà cũ, trong đình trước sảnh đã châm rất nhiều đèn, chiếu rọi cả mặt đất sáng choang. Nhóc Đinh Bảo cầm cọ nhỏ và khăn ướt, đang hăng hái giúp Lý Nhu Phong lau sạch mấy khối bia cũ xếp đầy dưới đất. Cún vàng ngồi một bên ngó cũng hồ hởi liên tục vẫy đuôi.

Bão Kê nương nương đưa hũ tro qua. Lý Nhu Phong nhận lấy, rắc bột tro lên vài tấm bia, dùng cọ mịn dàn đều, sau đó cầm quạt hương bồ gạt phần tro thừa đi.

Lúc này, hàng dãy chữ sáng xanh đã bày ra trước mắt chàng, đối diện là một dọc bốn nhóc quỷ ngồi chồm hổm bị quạt tro xuyên qua mặt.

Cả bốn đứa đồng thanh: “Ghét quá nha.”

Bão Kê nương nương thắc mắc: “Trên này có tư liệu về nhà lao cổng thành à?”

Lý Nhu Phong cẩn thận xem kỹ những chữ khắc đã gần mòn vẹt trên tấm bia, chỗ nào nhìn không rõ thì sờ bằng tay: “Lần trước chỉ mới đọc sơ, nhưng tôi nhớ là đã gặp một đoạn nào đó, hình như liên quan đến nhà lao đá.”

Bão Kê nương nương quay qua nhóc Đinh Bảo: “Nhóc Đinh Bảo, tối nay sau khi ta rời khỏi đây, nhóc hãy tránh sang ngôi phù đồ với A Xuân đi. Đừng ở nhà này nữa, rất nguy hiểm.”

Nhóc Đinh Bảo lơ mơ chưa rõ lắm nhưng vẫn gật đầu, hỏi: “Vậy bọn Đại lang quân phải làm sao ạ?”

Bão Kê nương nương nói: “Tùy nhóc xử trí.”

Vành mắt Nhóc Đinh Bảo chợt hoe đỏ: “Mai mốt nương nương và Nhu Phong ca ca không về đây nữa sao?” Cậu bé bỗng sực hiểu điều gì, “Nương nương tính làm chuyện nguy hiểm ạ? Sẽ chết phải không?”

Bão Kê nương nương xoa mớ tóc lỉa chỉa êm nhung sau ót nhóc Đinh Bảo, chẳng nói gì. Nàng giơ đèn soi những ký tự khắc trên bia đá. Đống chữ ấy ngoằn ngoèo xiên xẹo như giun, nàng chả nhận ra được chữ nào.

“Không muốn nương nương chết đâu, cũng không muốn Nhu Phong ca ca chết.” Trẻ con nào biết kiêng kỵ là gì, cậu bé gục đầu xuống, ngồi tách ngón chân, buồn bã nói, “Con còn tưởng mình có gia đình mới rồi.”

Lý Nhu Phong chợt ngẩng đầu lên trấn an: “Nhất định sẽ trở lại, nhóc đừng tin ngài ấy.” Chàng dặn cậu bé, “Nhóc nhớ trốn kỹ, chớ để chúng ta lo lắng.”

Nhóc Đinh Bảo nhìn qua Lý Nhu Phong, gật đầu lia lịa. Cậu bé chạy bịch bịch bịch đến bên Lý Nhu Phong, chụm hai tay thì thào vào tai chàng: “Tam lang ca ca, đệ tin huynh. Huynh phải bảo vệ nương nương thật tốt đấy.”

Lý Nhu Phong cam đoan: “Nhất định rồi.”

Nhóc Đinh Bảo vui vẻ chạy ù về phòng soạn túi hành lý nhỏ của mình.

Bão Kê nương nương cầm đèn lồng đứng thẳng lên, lãnh đạm càm ràm: “Mới tí tuổi đầu đã nói năng như ông cụ non, không phải con chàng mà còn thân hơn cả con ruột.”

Lý Nhu Phong cúi đầu tiếp tục nhận diện câu chữ trên mặt bia, mím môi cười nhẹ.

Bão Kê nương nương trách: “Cười gì mà cười? Đã là lúc nào rồi, chàng còn cười được.”

Lý Nhu Phong đáp: “Nương nương, ‘tử – sinh đều đáng trọng’.”

Trích «Thiếp Lan Đình», Bão Kê nương nương đã sớm thuộc làu, đọc ngược cũng trôi chảy. Một câu này, rõ ràng là chàng dùng giọng ngâm ở Lan Khê mười năm trước, nàng vừa nghe đã ngây ngẩn.

Nàng tự hỏi, chàng đang cười nhạo nàng sao, hay là giễu cợt nàng, hay lại chòng ghẹo nàng?Chàng gắn viên gạch “Vĩnh Hòa năm thứ chín” vào đúng chỗ, thì e rằng đã đọc hết cả những viên có trong sân rồi. Bao nhiêu tâm tư nàng giấu kín đã sớm bị chàng hiểu rõ mồn một. Nàng cứ như bị lột sạch trước mặt chàng, giận khôn tả xiết. Nàng giận, nhưng chẳng phát tác nổi. Ngữ điệu và thần thái khi chàng ngâm câu này, tự nhiên mà toát lên vẻ hòa nhã, phong lưu, phóng khoáng nhẹ nhàng, làm nàng phải nghiến răng, làm lòng nàng chộn rộn, làm tim nàng ngứa ngáy không thểxoa dịu. Ánh mắt chàng chăm chú tập trung vào mặt bia, chẳng ngẩng đầu, rõ ràng vẫn hết sức nghiêm túc làm việc. Chàng như rất để tâm, lại như chỉ lơ đãng... Chung quy chính là khiến nàng hận đấy, nhưng thật không nỡ quyết liệt.

Cuốiɩcùng nàng đã hiểu vì sao Tiêu Yên yêu chàng. Trong chàng có một loại tĩnh lặng rất riêng. Đại sự xảy ra chàng cũng lo lắng như bao người, song khi chuyện thật sự tới trước mặt thì lòng chàng lại khoáng đạt, bình tĩnh mà kiên định, không gì có thể ngăn trở.

Lý Nhu Phong, Lý Nhu Phong. Nàng nghiến răng nghiến lợi lẩm nhẩm cái tên này ngàn lần vạn lần, đi chân trần loanh quanh trong sân ngàn bước vạn bước, cứ cảm thấy đây đúng là mối nghiệt duyên ở Lan Khê, nàng cuối cùng chỉ có thể lãnh trọn. Yêu hận, tử sinh, hay tan xương nát thịt, nàng chỉ còn cách nhận lấy.



Lúc sau, nàng ngồi xếp bằng bên tấm bia cổ, khàn khàn nói: “Ta chẳng biết chữnào cả, chàng đọc ta nghe thử xem trên đó viết gì vậy.”

“Nương nương, ngài có bao giờ nghĩ thử, sao thành Kiến Khang lại gọi là thànhThạch Đầu chưa?Hay khi khởi công xây thành thì lấy đá ở đâu?”

Bão Kê nương nương hơi sửng sốt: “Chưa hề nghĩ tới… Chàng có biết không?”

Lý Nhu Phong đáp: “Sao tôi biết được.”

Bão Kê nương nương nghẹn lời, đang muốn mắng, lại nghe chàng bảo: “Loại chuyện này, tôi mà không biết thì chắc cũng chẳng mấy ai hay.”

Bão Kê nương nương khoanh tay, nhếch miệng châm chọc: “Chàng chỉ giỏi được mấy thứ linh tinh này.”

Lý Nhu Phong vừa ngước mắt, đã thấy quầng lửa trong vắt kia đang chầm chậm nhịp theo một điệu vũ riêng, tựa như ánh sáng bồng bềnh được dát tia vàng óng ánh.

Lòng chàng chợt xúc động, rất muốn chạm vào nàng, nhưng lại muốn giữ bí mật nho nhỏ về ánh lửa ấy cho riêng mình. Chàng dời mắt đi, nói tiếp: “Trên tấm bia cổ này chép rằng, ngoài thành Kiến Khang có một động trời dưới lòng đất[1]. Ban đầu khi xây thành, tất cả đá tảng đều được khai thác từ đó. Tôi xem vị trí của động trời ghi trên bia, thấy không xê xích với nhà lao cổng thành mấy.”

Hàng mày dài của Bão Kê nương nương khẽ động: “Ý chàng là... thông qua mỏ đá động trời, theo đường ngầm dưới lòng đất đi cứu người?”

Lý Nhu Phong gật đầu: “Cứu người ngay trong nhà lao cổng thành gần như là bất khả thi rồi, tìm đường tắt may ra mới có hi vọng.”

Bão Kê nương nương nghi hoặc: “Đào địa đạo từ mỏ đá động trời à? Ta thấy bốn phía thủy lao kia đều là đá phiến nguyên khối, giờ mới đục đá thì bao giờ mới thủng?”

Lý Nhu Phong nói: “Nương nương, mấy tiếng ồn chúng ta nghe được khi vào thủy lao, nào phải tiếng cõi âm gì chứ? Tiếng từ cõi âm đâu phải như thế.” Chàng khẳng định chắc chắn, “Đó là tiếng gió tiếng nước do mỏ đá động trời vọng qua thôi.”

Bão Kê nương nương vẫn chưa quên buổi tinh mơ ngày đầu tiên dẫn chàng từ chợ quỷ về. Chàng bảo nàng, không cần đốt long não để át mùi xác thối, vì nửa canh giờ sau sẽ nổi gió đông nam, vừa kịp xua tan hết uế khí trước khi Phùng Thời trở về.

Chàng trời sinh nhác việc, chẳng ham khoa cử công danh, chỉ ưa thích nghiên cứu những điều này.

Lý Nhu Phong hỏi: “Nương nương, ngài còn nhớ lời Dương Đăng không? Nước trong thủy lao cứ đến giờ Thìn (7h) là rút xuống, giờ Tuất (19h) lại dâng cao. Lúc đó tôi đã thử thăm dò dưới đáy, ở đáy thủy lao có đường thông ra bên ngoài. Nếu rà hết các đường dẫn xuống lòng đất trong động trời, thì có lẽ sẽ tìm ra được.”

Bão Kê nương nương lặng thinh. Thật lâu sau, nàng nhả từng chữ: “Đáy nước đấy rất sâu.”

Lý Nhu Phong đáp: “Tôi là người cõi âm.”

Bão Kê nương nương ngước mắt nhìn chàng. Ngay khoảnh khắc ấy, nàng bỗng nhiên buộc phải thừa nhận, chàng biến thành người cõi âm, căn bản không phải bởi vì chấp niệm của nàng với chàng.

Mà là bởi chấp niệm của chàng với Tiêu Yên.

- -------------

[1] Động trời: Phỏng theo danh thắng động trời Trường Tự ở Chiết Giang, là quần thể động đá nhân tạo to nhất, được hình thành trong quá trình khai thác đá vào thời Nam Bắc triều.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.