Nhu Phong

Chương 14




Dương Đăng khoanh chân ngồi chễm chệ trên lan can đá của vòm cầu Phổ Độ.

Ao phóng sinh ở chùa Đại Từ Ân rộng hơn ba mẫu, trong ao có ba chiếc cầu đá dạng vòm, theo thứ tự là cầu Đại Giác, cầu Phổ Độ và cầu Cảm Ứng. Cầu Phổ Độ nằm giữa là chiếc cao nhất.

Trăng sao kết áo, đèn đuốc quây thường, phối cho bóng đêm bộ xiêm y lộng lẫy. Giữa quầng sáng đó là Dương Đăng đang chăm chú ngắm nhìn ngọn mâu vàng trổ dáng lông khổng tước trong tay.

Đấy không phải là loại mâu thông thường, đấy là một ngọn mâu đặc biệt mỹ lệ.

Chuôi mâu được đúc từ thép tinh luyện, thân chuôi cókhắc hình sấm sét sắc sảo. Dương Đăng thuở nhỏ từng bị sét đánh, đại nạn không chết, khi tỉnh dậy thì sau lưng lưu lại dấu ấn hình sấm. Hắn tin tưởng hình sấm kia có thể giúp mình luôn giành thắng lợi.

Lưỡi mâu trổ dáng lông khổng tước bén ngót, hai bên sống mâu có lõi “uống máu” mạ vàng. Mỗi khi đâm ngập vào thân người, máu tươi sẽ tràn vào lõi “uống máu”, rót xuống thân chuôi rỗng. Giết người càng nhiều, thân chuôi càng đằm, sử dụng càng thuận tay. Nếu cần chiến chinh cấp bách, trên đường hành quân cạn nước thì chỉ việc cắm ngọn mâu dài này sâu xuống lòng đất, cũng có thể khơi được nguồn nước.

Ngọn mâu vàng này nay đã nặng trĩu trong tay Dương Đăng. Song khi thử nhấc lên, vẫn còn cảm giác hơi chao động. Máu người vẫn chưa rót đầy.

Ngón trỏ hắn chầm chậm vuốt dọc theo hình sấm buốt lạnh, trong lòng trào dâng một thứ cồn cào sinh từ đói khát.

Hắn ngước đôi mắt bạo tàn, bắn ánh nhìn hung mãnh qua trận quyết đấu ác liệt bên ao phóng sinh.

Thân binh của hắn đang vây công mấy gã võ tăng.

Những võ tăng kia không phải tăng sư thật. Họ nguyên là một nhánh vệ đội dưới tay Tiêu Yên, sau khi Tiêu Yên chiến bại thì cạo đầu, làm giả giấy chứng nhận tu hành [*], dùng thân phận tăng lữ vân du lẩn trốn trong chùa Đại Từ Ân. Hôm nay, bởi vì mưu tính bắt cóc tiểu vương tử vừa vào chùa xuất gia nên họ mới bại lộ thân phận, dẫn Dương Đăng tới.

[*] Loại chứng nhận do quan phủ cấp cho tăng ni, ghi ngày tháng năm xuất gia, tên các vị quan chứng minh và dấu ấn.

Hai bên đều đã thiệt hại vài người, võ tăng chỉ còn lại ba, đối kháng với bảy tên thân binh. Dẫu vậy, sức chiến đấu của ba võ tăng đấy đúng là cực kỳ dũng mãnh, lấy ít địch nhiều mà vẫn chiếm thế thượng phong.

Bóng tối nuốt lấy mặt ao phóng sinh mênh mông. Hoa sen lẫn cùng xương bồ, ken dày rậm rạp thành một mảng nhập nhoạng, chìm vào đêm thẳm mông lung. Phía bờ đá nằm vài con rùa to đen nhẻm, trên mặt nước cũng trôi nổi khá nhiều rùa, chỉ lộ ra phần lưng đen nhánh.

Cắt cổ. Cột máu tươi xối xả phun cao, văng vào ao nước, mùi tanh nồng tức thì dẫn tới cá, trùng. Màn máu này cũng đồng thời khơi dậy ham muốn sát sinh nơi Dương Đăng. Hắn như con mãnh hổ lực lưỡng, phóng thẳng từ trên cầu xuống, dang rộng tay dài, hai bên sườn vụt gió. Chỉ thấy ánh kim chớp lóe, ngọn mâu thoắt, đâm thẳng, ngay ngắn xuyên thủng tim một võ tăng. Khoảnh khắc dòng chảy đỏ tươi tuôn vào lõi “uống máu”, hai mắt Dương Đăng rực lên như sao mai sao hôm sáng nhất phía chân trời.

Trường mâu rút ra, Dương Đăng trở tay thọc tiếp vào lưng một võ tăng khác, xỏ qua lồng ngực. Võ tăng nọ gồng tay siết chặt đầu mâu xuyên đến trước mặt, không cho Dương Đăng rút về. Đáng tiếc Dương Đăng cao to vạm vỡ, sức lực kinh người. Hắn nhấc bổng luôn cả mâu lẫn người, mượn lực quán tính hất võ tăng văng vào không trung, vẽ ra một đường cung dài rồi rơi thẳng xuống ao phóng sinh, bật tung thành luồng nước trắng xóa.

Dưới sự vây đánh của thân binh, gã võ tăng cuối cùng cũng đã trọng thương, quanh thân bê bết máu. Gã phẫn nộ mà đau xót gào to, chợt nắm lấy đai lưng võ tăng tắt thở dưới đất, nhảy vào ao phóng sinh.

Mâu vàng khổng tước âm ỉ ngân rung, như rồng ngâm hổ gầm

đòi máu đổ, chỉ thiếu một dòng nhiệt huyết cháy bỏng sau cùng. Dương Đăng không muốn chừa bất cứ lối thoát nào cho gã dư nghiệt Trừng vương kia. Hắn vác mâu lao tới, bám sát gã võ tăng duy nhất sót lại nhảy vào ao.

Dương Đăng nhớ rõ ao phóng sinh này rất nông. Tăng nhân chùa Đại Từ Ân từng đứng giữa ao vớt bùn, mực nước chỉ dừng ngang hông một tăng nhân tráng kiện.

Ấy vậy mà lần này hắn nhảy xuống, cảm giác lại như sâu không lường được. Hắn cao chín thước, nước ao lạnhĩcóng vẫn tức khắc dâng quá đỉnh đầu. Nước kia đen ngòm, sền sệt trộn lẫn giữa bùn và máu. Dương Đăng bỗng chốc cạn sạch sức lực, mất hết phương hướng. Gã võ tăng nọ đã sớm biệt tăm, Dương Đăng định dùng trường mâu chống xuống dưới, nhưng cố mãi vẫn hẫng vào hư không.

Phiêu Kỵ tương quân Dương Đăng kiêu hùng với danh xưng “Lôi thần”, cả đời này chưa từng biết “sợ” là gì. Song đến giờ khắc này, thứ cảm giác rét run đã lan dần từ chân lên, tưởng chừng có hàng trăm bàn tay trẻ con buốt giá đang bám dọc sống lưng hắn.

Nháy mắt, trong đầu hắn thoắt hiện hai câu nói khô khốc, ấm ách của Bão Kê nương nương:

Trong bảy ngày này, tướng quân cần thận trọng với tất thảy mọi thứ.

Đừng đến gần mép nước.

ĐỪNG ĐẾN GẦN MÉP NƯỚC!

Năm chữ kia như sấm rền giữa trời quang dộng vào tai hắn. Qua bảy ngày bình yên vô sự, hắn đã sớm quăng lời căn dặn của Bão Kê nương nương ra sau đầu. Ngẫm kỹ, bảy ngày, giờ này đêm nay chẳng phải hai canh giờ cuối cùng của ngày thứ bảy sao!

Dương Đăng hốt nhiên buông trường mâu, cố bơi thục mạng về phía hắn cho là bên trên.

Tiếng gọi nhốn nháo của đám thân binh cơ hồ truyền đến từ khắp bốn phương tám hướng.

“Tướng quân!”

“Tướng quân!”

“Tướng quân!”

Hắn lại bất chợt không phân biệt được đến tột cùng là họ ở hướng nào.

Dương Đăng điên cuồng quẫy nước.

Nhưng bất kể hắn có bơi thế nào, thì vẫn là công cốc. Ao phóng sinh này tựa hồ vô biên vô tận, không đỉnh không đáy, không phương hướng, không dáng hình.

Tiếng gọi loáng thoáng mơ hồ từ đám thân binh trên bờ dần rời xa. Hắn thấy như mình đang co rút, càng lúc càng nhỏ, trở thành, một hạt bọt nước giữa tứ hải ngũ hồ, thành.một hạt bụi chơi vơi giữa vô ngần thinh không. Không nơi bấu víu, không còn sức lực, trôi nổi lênh đênh, không đường không hướng.

Đương lúc Dương Đăng ngỡ mình sắp hóa vào hư vô, bỗng đâu tri giác lại bám về mắt cá chân. Hắn chỉ nhận thấy bàn chân siết chặt, toàn thân đột ngột khôi phục cảm giác tồn tại. Một nguồn sức mạnh đẩy hắn lên khỏi vũng nước đen sệt, trước mắt chợt lóa ánh đèn, lại về đến nhân gian!

Dương Đăng ho khùng khục, khạc ra toàn bùn đen và nước bẩn. Hắn biết bùn đen kia là bùn máu. Hắn dường như đã bị ngàn vạn con đỉa chui khắp thân thể. Từ khoang miệng, xoang mũi, yết hầu, phủ tạng đều ọc lên thứ mùi tanh rữa, xua không hết, buồn nôn đến cùng cực.

Chợt lại trông thấy nước, nước đen đặc. Hắn sợ hãi co rúm người, lồm cồm chống tay giật lùi ra sau.

Đừng đến gần mép nước.

Giọng nói cằn cỗi, nghèn nghẹn của Bão Kê nương nương lại vang sát bên tai, âm trầm, hệt như có bà lão khô quắt trơ xương bám vào tai hắn thì thào.

“Đây là đâu?” Dương Đăng buột miệng hỏi, ngữ điệu run rẩy, bất an.

“Sông Tần Hoài.”

Một thanh âm mát lành. Dương Đăng giật mình phát hiện thật sự có người ở bên, bèn đưa mắt nhìn qua nơi phát ra tiếng.

Là một chàng trai trẻ mặc y phục lam thẫm cho đầy tớ.

Là con người.

Dương Đăng thở phào nhẹ nhõm. Hắn đã nhớ ra, đây là tên nô bộc đứng canh cho Bão Kê nương nương hôm đến nhà họ Phùng.

Hắn nhìn quanh thấy sóng sánh nước trong, đèn hoa giăng lối, xác thực là bên sông Tần Hoài. Chàng trai trước mắt này toàn thân ướt sũng, nước trên mặt lăn xuống từng giọt trong vắt, dưới ánh đèn lấp lóa, thật đúng là tuấn tú phi thường.

Dương Đăng không nhận thấy từ người chàng chất khí của dân luyện võ, biết chàng chẳng qua chỉ là thư sinh văn nhã bình thường nên lòng cảnh giác đã vơi đi đôi phần. Hắn hỏi: “Ngươi là ai?”

Chàng trai đáp: “Tôi là đầy tớ trong nhà Bão Kê nương nương, họ Lý, tên Nhu Phong.”

“Sao ngươi biết ta ở đây?”

“Bão Kê nương nương tính ra đêm nay tướng quân gặp nạn, lệnh cho tôi đến cứu ngài.” Lý Nhu Phong cung kính trả lời, thái độ không kiêu không nịnh, ấm nhuần như ngọc, giúp lòng Dương Đăng an tĩnh hơn nhiều, “Vừa rồi tướng quân bị ác quỷ quấn thân, cuốn thẳng từ ao phóng sinh ra sông Tần Hoài theo đường thoát nước ngầm.”

Dương Đăng quan sát Lý Nhu Phong, thấy hai mắt chàng trống rỗng, ánh nhìn hướng về phía hắn đấy nhưng lại không có tiêu cự. Hắn hoài nghi: “Chẳng phải ngươi bị mù à? Một thân một mình thế làm sao tìm được ta?”

Lý Nhu Phong đáp: “Tôi có mắt âm, dẫu không thấy được tướng quân thì vẫn nhìn ra quỷ thần.”

Dương Đăng “À” lên: “Thế đạo này có lắm kẻ tự xưng mang thiên nhãn âm dương, mà thực tế chẳng được mấy người.”

Lý Nhu Phong ngậm miệng không đôi co. Dương Đăng nhìn ra vẻ thanh cao, kiêu ngạo từ cốt tủy trên thân chàng, rõ ràng đang ngầm bảo ngươi tin cũng được, không tin cũng chẳng sao. Hắn tuy là vũ phu, nhưng theo chân Ngô vương bao năm nay cũng gặp rất nhiều thư sinh đơn thuần như vậy. Hắn biết tên Lý Nhu Phong này không phải phường lừa đảo, bằng không thì Trương Thúy Nga sẽ chẳng vô cớ thu nhận một đầy tớ mù lòa trói gà không chặt.

Lòng nghi ngờ của hắn liền được dỡ bỏ. Lý Nhu Phong đã chẳng thấy gì, như vậy cũng không biết được hành động mất mặt của hắn ban nãy.

Dương Đăng hỏi: “Trương Thúy Nga đâu rồi?”

Lý Nhu Phong chợt quỳ sụp xuống, dập đầu mà rằng: “Phùng công công đột tử trong nhà, nương nương đã bị bắt. Khẩn cầu tướng quân ban ân, cứu mạng nương nương.”

Dương Đăng chau mày. Hôm nay hắn đã nghe chuyện Phùng Thời mất tích. Có điều trước giờ hắn không ưa lão thái giám âm hiểm, xảo trá đó, thành thử chưa từng hỏi han.

Hắn nói với Lý Nhu Phong: “Biết rồi, ngươi hãy đi theo ta.”

***

Cả chùa Đại Từ Ân đã nháo nhào hết lên. Đèn đuốc như nêm vây kín quanh ao phóng sinh, rọi sáng tựa ban ngày, khói đen hừng hực bốc tận trời cao. Chúng tăng nhân run lẩy bẩy co cụm vào nhau, xung quanh là bọn lính đằng đằng sát khí vác giáo dài chĩa thẳng vào họ.

Trong ao phóng sinh có vô số tăng nhân và binh lính để nửa thân trần, chen chúc cầm lưới vớt luôn tay. Khổ nỗi, cứ nhấc lên lại thấy không phải rùa đen thì cũng là cá bật tanh tách.

“Thưa trụ trì! Bên này không có!”

“Bẩm hiệu úy, chỗ tôi cũng không có!”

Vớt rõ lâu, toàn bộ từng tấc một dưới đáy ao phóng sinh đều được cào qua. Thế nhưng ngoài một thi thể võtăng, thêm ngọn mâu vàng khổng tước của Dương Đăng, thì chẳng có kết quả gì.

Hiệu úy thấy mãi chưa mò ra Dương Đăng nên tức giận quá đỗi: “Mau tháo hết nước ao này cho ta! Ta đây không tin không tìm được! Nước nông như thế, rõ ràng là mắt thấy người sống hẳn hoi nhảy vào, làm sao nhoáng cái đã mất tăm!”

Tăng nhân trông vườn run giọng thưa: “Đại, đại nhân, ao này, đâu có đường tháo nước…”

“Vậy xuống tát nước lên! Tất cả lũ trọc chúng bay, kể cả có lấy gáo cơm múc nước thì đêm nay cũng phải tát cạn ao cho ta!” Hiệu úy gầm vang. Y nghĩ bụng, tướng quân: Lôi thần Dương Đăng không chiến tử sa trường mà chết chìm trong một cái ao ngay trước mắt bọn họ, Ngô vương mà biết thì thể nào cả đội thân binh bọn họ cũng bị bêu đầu thị chúng!

Y vẫn rất phẫn nộ, lại gào to: “Liêu Nguyên đâu!”

Liêu Nguyên chính là tăng nhân quản lý Vân Thủy đường trong chùa, chuyên trông coi sự vụ liên quan đến tăng lữ vân du. Vị Liêu Nguyên này đã bị áp giải đến chờ sẵn một bên. Binh lính vừa đẩy ra thì cậu ta đã lập cập quỳ rạp xuống trước mặt hiệu úy than khóc: “Đại nhân! Đại nhân! Tiểu tăng thật không biết họ làngười của Trừng vương!”

“Trừng vương! Trừng vương khỉ gì! Gọi Trừng tặc!” Hiệu úy vung tay chém, chiếc đầu tròn vo, trọc lóc của Liêu Nguyên lăn thẳng ra ao phóng sinh, rơi tõm xuống đáy nước.

Hiệu úy gầm lên: “Bọn lừa trọc chó này! Ra hết đây tìm cho bố!Sống phải thấy người, chết phải thấy xác!”

“Ngươi muốn thấy xác ai?”

Hiệu úy hoảng hốt xoay đầu, đã gặp ngay thân hình vạm vỡ của Dương Đăng sau lưng. Hắn ướt lướt thướt, trong tay còn kéo lê thi thể một võ tăng, bên cạnh là một thanh niên cũng ướt rượt như thế.

“Tướng quân!”

“Tướng quân!”

Đám thân binh ràn rạt đồng loạt quỳ một gối xuống.

Âm khí ăn mòn xương tủy, quét qua từng trận khiếp người. Dương Đăng chẳng muốn nán lại lâu, bèn nghiêm giọng ban lệnh: “Tả quân, dọn xác lũ phản loạn. Trung quân, tra xét tất cả phòng xá. Hữu quân, đêm nay lưu lại bảo hộ tiểu vương tử. Còn lại, rút!”

Quân lệnh như sơn, trong chớp nhoáng tất cả thân binh đã tản đi. Trụ trì chùa Đại Từ Ân bước tới trước, khom mình, hai tay dâng ngọn mâu khổng tước nặng trĩu cho Dương Đăng.

Dương Đăng cầm lấy, ước lượng, chợt ngửa người vung tay ném vụt đi. Ngọn mâu vút bay trên không, vòng qua ba cây cầu đá Cảm Ứng, Phổ Độ, Đại Giác, cuối cùng rơi vào một góc ao phóng sinh.

“Bỏ.”

Dương Đăng mặt mày căng thẳng, xoay người mà đi.

Không một ai chú ý, đúng ngay thời khắc trường mâu vút qua ba cây cầu đá, ở bờ kia ao phóng sinh, chính giữa gian phòng được trọng binh canh gác nghiêm mật, đứa bé đang bú sữa trong lòng vú nuôi bỗng dừng phắt lại, dõi đôi mắt sáng quắc xuyên thấu qua cửa sổ, nhìn về phía ngọn mâu vừa xẻ đôi bóng đêm.

Một ngọn mâu mỹ lệ, tinh xảo, sát khí ngút trời và rót đầy máu tươi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.