Nhảy Múa Với Con Chữ

Chương 7: Nguyễn Hải Nam




Nhưng vị Hồ đại phu nhân này chết lâu rồi khi Kiến An mới lên tám lên mười gì đó, tôi phải đi đâu để tìm bà ta? Bà ta đang ám quẻ vào ai nữa rồi hay hóa thân thành thế giới này? Hay kẻ kéo tôi vào đây chính là hóa thân của thế giới này, vậy thì càng gay go. Vòng lặp bị kéo vào truyện của tôi sẽ trở thành trò chơi vô hạn tuần hoàn hay sao?

Tôi còn đang rối rắm thì bên tai văng vẳng tiếng ngáy khe khẽ, Kiến An đã dựa lưng vào cột nhà ngủ mất rồi. Cả một đường bôn ba mệt nhọc lại bị tôi dày vò cả buổi chiều. Sau đó nghe tin xấu từ gia đình, rồi hồi ức chuyện đau thương, tuy anh đã ngủ đôi mày vẫn chau tít lại, nét mặt bi thương.

Đêm càng về khuya, dưới ánh trăng nhập nhoạng tôi nhìn thấy Kiến An nghiêng người thu mình lại, thân thể không tự chủ khẽ run lên nhè nhẹ có lẽ anh ta đang lạnh. Vì đề phòng tay bay họa gửi tôi đã không đốt lửa, căn miếu hoang tàn đúng là không chỗ nào kín hơn để tránh gió sương.

Tôi đi ra ngoài, cởi áo thử xem có bị lạnh không, giúp người khác không xong tự mình chết cóng chắc là cái chết lãng nhất trong mấy cái chết tôi từng xuyên vào truyện mình viết đấy. Cũng may, nhân vật tôi xuyên vào lần này võ công hẳn không tệ, sương đêm dày đặc, ngoài miếu gió lộng từng cơn muốn rát da nhưng dù cởi áo ngoài tôi vẫn không bị lạnh.

Tôi trở vào miếu, nhẹ nhàng choàng áo ngoài của mình đắp lên cho Kiến An. Anh ta vẫn ngủ say sưa, không biết mơ thấy gì, gương mặt đã giãn ra. Ai có thể nghĩ tác giả thích hành hạ nhân vật nhất cũng có một ngày mặt đối mặt nhân vật mình đày đọa khổ sở nhất. Ở khoảng cách gần như vậy tôi bất giác lần nữa muốn vươn tay chạm vào khuôn mặt đó. Hơn hai mươi năm khổ sở như thế, nếu biết được người hại mình thảm như vậy không phải mẹ cha, không phải người của Diệp gia mà là người khác, người đó hiện đang ngồi cạnh bên mình, anh liệu có hận tôi hay không? Anh sẽ đâm chết tôi hay không?

Cuối cùng tôi vẫn không chạm vào khuôn mặt thanh tú đó, tôi tựa lưng vào cột miếu, nhắm mắt dưỡng thần. Bỗng dưng phía sau lưng hẫng đi một cái, khiến tôi mở bừng mắt. Bên cạnh là rèm cửa bay bay, bên ngoài ánh bình minh ló dạng. Tôi đã ngủ cả một đêm dài, một giấc mộng dài.

Tôi đến bên quyển vở mình viết còn dang dở hôm qua, quả nhiên hành trình bôn tẩu của tôi và Kiến An đã được viết lại. Cảnh tôi ngồi cạnh Kiến An và ngủ trong miếu hoang đã là mặt giấy cuối cùng của quyển vở.

Tôi xem lại từ đầu câu truyện mình viết vẫn không tìm được thông tin nhân vật mình đã xuyên vào. Tôi lấy quyển vở khác ra, nhấc bút viết nối tiếp, điểm tô cho câu chuyện vài tình tiết, xác định sự sống chết của hai người thân nhất của Kiến An trong thời điểm hiện tại. Hồ Tam ở lại giả trang Kiến An để thiếu chủ thừa cơ chạy thoát đã bị bắt giam vào nhà lao của tiêu cục.

Về phần Nhị Ảnh, sau khi ném thiếu chủ lên xe rơm và lấp lại đã trở về chiến đấu với kẻ bám đuôi. Sau đó thừa cơ thoát thân chạy về hướng ngược lại dẫn dụ bọn người kia đi. Ngày hôm sau Nhị Ảnh quay lại chỗ cũ truy tìm tung tích thiếu chủ mới biết xe rơm có người chở ra thị trấn bên cạnh.

Nhị Ảnh đuổi theo sang thị trấn bên cạnh lại nghe được tin: "người ngủ trên xe rơm" bị chủ phát hiện đánh thức, người đó bỏ tiền thuê chủ xe chở mình sang thị trấn bên cạnh lại không rõ họ đi thị trấn nào. Nàng đợi cả ngày mới đợi được chủ xe rơm trở lại, hỏi xong tin tức nàng lập tức đuổi theo sang thị trấn bên cạnh. Nhưng sang rồi nàng chính thức mất dấu thiếu chủ. Chỉ còn biết chạy khắp nơi tìm kiếm như ruồi không đầu.

Viết xong vài dòng lưu lại tính mạng cho hai nhân vật vô tội nọ tôi vươn vai đứng dậy rời phòng. Thế giới tôi đang sống mỗi ngày xoay một vòng từ sáng qua tối, còn thế giới của tôi từ khi nào đã bắt đầu xuyên từ thực sang mộng. Mục đích của hành trình xuyên tới xuyên lui của tôi là gì đây? Ngàn vạn bộ truyện xuyên không, xuyên nhanh đều có hệ thống nhắc nhở ví như lỗi hệ thống, ai đó lôi kéo để nhân vật chính về quá khứ, tương lai hoặc thế giới khác để giải quyết vấn đề gì đó. Vấn đề của tôi là gì? Vì sao không ai nhắc nhở tôi bất cứ tiếng nào, còn có tôi xuyên vào có những kỹ năng gì, khi nào tôi mở kỹ năng mới? Không lẽ tôi phải tự biên tự diễn toàn bộ. Làm tác giả như tôi thật bi ai...

Đi chợ bổ sung thực phẩm nấu ăn cho ba ngày, sau đó là bữa trưa nhạt toẹt. Tôi lần nữa rời nhà đến bệnh viện. Phòng khám tâm lý hóa ra không hề vắng vẻ như tôi tưởng, vì ngày đầu tôi đến bệnh nhân chỉ có mình tôi. Nhưng hôm nay còn có những người khác, bác sĩ tâm lý cũng tăng thêm một người. Hai người bọn họ trị liệu ở hai phòng cách âm riêng biệt đối diện nhau. Tuy vậy tôi vẫn phải đợi hơn một giờ sau mới có thể vào tái khám.

Thấy phòng bác sĩ mới đến cuối cùng cũng không ai vào, tôi tự giác mang hồ sơ bệnh án của mình đi vào. Câu đầu tiên vị bác sĩ này nói với tôi chính là:

- Cô là tác giả Dã Thảo phải không, tôi từng đọc truyện của cô.

Hả? Tôi đứng hình mất ba mươi giây mới kịp phản ứng, vị bác sĩ tâm lý này cũng là độc giả của tôi?

- Tôi đã xem bệnh án của cô, kể từ hôm nay hồ sơ bệnh án của cô tôi sẽ tiếp nhận. Tôi có một tin tốt và một tin xấu muốn báo cho cô...

Tôi khịt mũi coi thường, giọng này là của tiểu thuyết gia hay đạo diễn phim mới có thôi, tôi không muốn bị lag-trick tâm lý đâu.

- Tôi sẽ được thôi miên hồi quy hay cách ly điều trị?

Vị bác sĩ nọ hơi ngước lên nhìn tôi, đôi mắt anh ta thâm thúy như mặt hồ sâu, đuôi mắt hơi cong lên, có lẽ đôi môi dưới cái khẩu trang kia cũng đang cười.

- Bệnh trạng của cô không phải lần đầu xuất hiện trên thế giới nhưng là ca đầu tiên của Việt Nam. Tôi đã kiến nghị được áp dụng quy trình điều trị đặc biệt cho cô, phí điều trị hoàn toàn được tài trợ. Suốt quá trình điều trị cô hoàn toàn tự do sinh hoạt và làm việc.

- Đã hiểu.

- Xin tự giới thiệu tôi là Nguyễn Hải Nam, trưởng khoa tâm thần học. Đây là danh thiếp, bên trong có số điện thoại của tôi. Bất cứ khi nào sức khỏe tâm lý của cô có vấn đề đều có thể gọi cho tôi.

Tôi cầm danh thiếp của vị bác sĩ trưởng khoa này. Tên Nguyễn Hải Nam, tuổi 30. Tôi có chút ngạc nhiên, trong đầu tôi vô thức treo lơ lửng câu hỏi: trưởng khoa gì mà trẻ vậy? Tôi dè dặt hỏi:

- Vấn đề có thể gọi bất cứ lúc nào này bao gồm việc cuộc gọi đó xảy ra vào thời điểm mười hai giờ đêm đến năm giờ sáng đúng không? Vấn đề của tôi thường chỉ xảy ra vào giờ đó!

- Đúng vậy.

- Tôi gọi cho bác sĩ, bác sĩ sẽ trực tiếp đến nhà để điều trị cho tôi hay bác sĩ chỉ tư vấn giải tỏa tâm lý cho tôi?

- Cái đó còn tùy bệnh trạng của cô ngay thời điểm cô gọi cho tôi. Tôi sẽ dùng toàn bộ nghiệp vụ của mình để đảm bảo tính mạng của cô, kể cả đục tường tông cửa.

Anh ta nói xong khẽ cười một tiếng. Tôi bất giác cảm thấy bất an, vì sao vị trưởng khoa tâm lý học này cho tôi cảm giác không đáng tin thế nhỉ. Hay hình tượng bác sĩ trong tôi từ lâu đã cố định là phải khuôn phép chuẩn mực, giờ giấc cố định, hình thức cứng nhắc như vị đang ngồi phòng đối diện?

- Sau khi uống thuốc đợt đầu tiên, cô cảm thấy tình trạng sức khỏe của bản thân như thế nào?

- Không thay đổi gì so với trước ngoại trừ ngủ ngon hơn một chút. Video giám sát vẫn quay lại nhưng không còn tình trạng bất thường xảy ra.

Tôi vừa nói vừa lấy điện thoại mở video giám sát ra đưa cho bác sĩ coi. Cùng lúc cửa phòng bật mở, bác sĩ tiếp nhận chuẩn bệnh cho tôi hôm trước cũng bước vào phòng, vị này tên Trần Quyết Thắng.

Bác sĩ Nam mở video trong máy tôi lên xem, vị còn lại cũng ghé mắt qua xem. Bác sĩ Thắng hỏi tôi:

- Những video này khi cô xem lại có thấy bản thân mình bị cuốn vào nữa không?

- Không có.

Thật ra là có đấy, những đoạn video này tôi cắt đoạn từ lúc mình sắp bị cuốn vào tới khi bị quăng ra không đấy. Bác sĩ Thắng cầm bút viết soạt soạt lên giấy, nhìn ngược từ trên xuống tôi có thể đọc được đại ý là "không thấy hiện tượng lạ khi tự xem camera giám sát". Hóa ra trước kia anh ta nói thấy tôi bị cuốn vào không phải là tận mắt thấy mà dựa theo cảm quang ảo của bệnh nhân để chuẩn đoán bệnh. Đây là đặc điểm nghiệp vụ của khoa tâm thần sao, nương theo lời bệnh nhân mà "điên" theo để tìm ra giải pháp chữa trị?

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.